1. Những đứa trẻ ngoan thật sự
Những đứa trẻ nghe lời không hẳn chúng là trẻ ngoan
Như trước đó tôi đã đề cập, bạn hiểu thế nào về những đứa trẻ được gọi là trẻ ngoan? Và đối với những đứa trẻ ngoan, bạn có nghĩ cha mẹ chúng nghĩ sai về chúng không? Bạn đã bắt đầu nỗ lực thay đổi những suy nghĩ đó chưa?
Trẻ ngoan không thể nào là những đứa trẻ giống như cha mẹ chúng mong muốn một cách ích kỷ được. Nếu thử hỏi những người làm cha làm mẹ muốn con họ như thế nào, thì câu trả lời nhiều nhất chính là một đứa trẻ ngoan.
Tuy nhiên, đối với một đứa trẻ ngoan, nếu xét về mặt lớn lên một cách tự nhiên thì đó sẽ là đứa trẻ có sự phát triển chậm, còn khi bước vào độ tuổi sau dậy thì, điều đương nhiên là sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh gây nguy hiểm và làm cho cha mẹ chúng không ít lần phải buồn bực.
Những đứa trẻ nghịch ngợm, cũng sẽ gây phiền hà cho cha mẹ và khiến cho họ bị hàng xóm phàn nàn. Tuy nhiên, nếu thử suy ngẫm từ những hành vi nghịch ngợm đó của trẻ thì đa phần đều là do biểu hiện của tính hiếu kỳ được bộc phát một cách tự nhiên mà thôi.
Vậy thì suy cho cùng, những đứa trẻ có tính cách nổi loạn và có phần nghịch ngợm lại là những trẻ ngoan. Như đã nói ở những chương trước, trẻ ngoan nên được định nghĩa là những đứa trẻ sống đúng với suy nghĩ của mình, với ước muốn của bản thân. Nếu một đứa trẻ nghe lời cha mẹ răm rắp, thế chưa hẳn đã ngoan thực sự vì có thể trẻ không muốn bị cha mẹ la rầy nên phải giả ngoan mà thôi.
Ở một khía cạnh khác, cũng có những đứa trẻ bị tách biệt với mẹ chúng từ rất sớm. Đối với người mẹ, họ nghĩ con họ là những đứa trẻ độc lập, nhưng hoàn toàn sai. Cách nghĩ như vậy đã dẫn đến tình trạng giữa hai mẹ con không có sự cảm thông, vì thế mà những đứa trẻ cũng trở nên e dè với mẹ của chúng.
Nếu để trẻ tự mình bước vào đời trong giai đoạn dậy thì như vậy, đối với những đứa trẻ bị tách biệt với gia đình, sẽ có những mối nguy hại khôn lường, nào là bỏ nhà đi hoặc dễ sa đà vào những tệ nạn xã hội ở tuổi vị thành niên. Nguy hiểm hơn là cũng có trẻ sẽ có những suy nghĩ tiêu cực và tìm đến con đường tự sát.
Vì vậy, đối với những người làm cha làm mẹ không hiểu được con họ đang suy nghĩ gì, nhất thời họ nói con họ là trẻ ngoan, nhưng tôi nhận thấy hầu hết những đứa trẻ gây ra vấn đề mà tôi đã từng tiếp xúc ở độ tuổi sau dậy thì, sâu thẳm trong tâm trí, tôi nhận thức rõ một điều rằng chính những đứa trẻ xấu số này đang trở thành những nạn nhân gây ra bởi cha mẹ chúng.
Cuộc thi quốc gia dành cho những người muốn trở thành cha mẹ
Phải làm thế nào để không trở thành những nạn nhân như vậy? Về điểm này, trước khi tôi hai mươi tuổi, đã có chính sách gọi là đối với những ai đang muốn học cách làm cha mẹ thì nên tham gia một cuộc thi quốc gia. Tham gia, vượt qua kỳ thi và bạn sẽ nhận được chứng chỉ công nhận việc bạn đã có đủ những tiêu chuẩn cần thiết để làm cha mẹ.
Vậy thì, những vấn đề gì sẽ được đưa ra trong kỳ thi này đây?
Đó là những vấn đề liên quan đến việc làm thế nào để con bạn lớn lên một cách tốt nhất? Ví dụ, “Hãy cho biết những đặc điểm về hành vi đối với trẻ ở độ tuổi từ một đến ba tuổi”, hoặc là những vấn đề liên quan đến đặc điểm về tính cách và hành vi của trẻ trong độ tuổi đó.
Ví dụ, bạn là người đọc cuốn sách này, nếu nghe câu hỏi “Đặc điểm của những đứa trẻ trong độ tuổi từ một đến ba là gì?” thì chắc chắn bạn sẽ trả lời là đa số ở độ tuổi này, trẻ sẽ “nghịch ngợm” (bởi hành động tìm tòi), một số khác thì trả lời là những đứa trẻ “nũng nịu/làm nũng” với mẹ chúng.
Nếu những đứa trẻ vừa nghịch ngợm lại vừa nũng nịu được cho là trẻ ngoan, thì cần phải nỗ lực thay đổi càng sớm càng tốt để chúng có thể là đứa trẻ ngoan đúng nghĩa.
Về vấn đề này, ngoài những tính cách như chống đối hay ngoan ngoãn thì cũng có rất nhiều tính cách khác nữa. Vì vậy, để có được những kiến thức đó, tôi luôn tìm đọc sách hoặc là nghe những câu chuyện thực tế liên quan đến sự phát triển về tâm lý và hành vi của trẻ.
Bên cạnh đó, đối với đứa trẻ ngoan, chúng cũng có nhiều mối lo ngại về chuyện được khen hay bị cha mẹ la, kết cục là chúng trở nên căng thẳng, cáu bẳn đối với mọi thứ, rồi dẫn đến tính cách và hành vi trở nên có vấn đề. Vì vậy, cái mà tôi nghiêm túc muốn những người làm cha làm mẹ hiểu đó là bạn nên tham gia kỳ thi quốc gia để hiểu rõ được những điều mà bạn và con của bạn sẽ trải qua sau này.
2. Những người cha, người mẹ tốt
Suy nghĩ từ góc nhìn của con
Đối với trẻ, cha mẹ thế nào mới được xem là cha mẹ tốt?
Thứ nhất, đó là người hiểu rõ tâm hồn trẻ. Hiểu ở đây chính là nắm bắt được những hành vi và tùy vào độ tuổi mà chúng ta sẽ xem xét nên hành xử như thế nào cho đúng cách. Và điều quan trọng là các bậc làm cha làm mẹ phải có kiến thức về trẻ.
Thứ hai, những người nhận được nhiều tình cảm từ trẻ. Để có được tình cảm đó, điều đầu tiên là phải hiểu được sự phát triển về tâm lý của trẻ. Ngay cả khi trẻ lỡ làm điều gì sai gây phiền đến bạn thì đừng vội la mắng hay đánh trẻ ngay, mà hãy thử suy nghĩ và đứng trên lập trường của trẻ lúc đó. Có thể thời gian đầu, bạn sẽ cảm thấy khó khăn về điều đó, nhưng nếu bạn cố gắng tìm tòi và nghiên cứu chúng qua sách vở thì chắc chắn bạn sẽ dần hiểu được những ý nghĩ đó.
Ví dụ, trẻ sẽ có lúc chạy đến làm nũng và dựa vào đầu gối mẹ, đó là khi trẻ đang có gì đó lo lắng, sợ sệt từ bên ngoài. Đại loại như chúng cảm thấy mệt mỏi, buồn bực gì đó hoặc là bị bạn bè ở trường ức hiếp. Hành động này của trẻ chính là lúc chúng đang cần một điểm tựa cho bản thân, cần một nơi mà chúng cảm thấy thật sự tin tưởng và an yên. Vì vậy, tốt nhất là hãy im lặng và để trẻ được ôm lấy, được làm nũng trên đầu gối của bạn.
Đối với những người mẹ không thể thấu hiểu những suy nghĩ đó của trẻ và nghĩ rằng con họ sẽ trưởng thành hơn từ những sóng gió ấy, thực chất là chính họ đang làm cho con của họ suy sụp hơn. Cũng có những người mẹ vô tình thốt ra: “Nặng quá”, “Nóng chết được”, rồi đẩy con họ ra. Trong thâm tâm của những người mẹ như vậy, họ cũng không hề có sự thấu hiểu. Và con trẻ sẽ nghĩ rằng mẹ chúng không thích tiếp xúc với chúng, chán ghét chúng chẳng hạn, trong khi đó, trẻ lại đang cần một điểm tựa về tinh thần. Chính hành động đẩy con ra xa của người mẹ đã khiến tình cảm mẹ con thêm khoảng cách.
Khi những đứa trẻ không còn những hành động nũng nịu với mẹ của chúng, những người mẹ đó nghĩ rằng con họ đang biết cách sống tự lập, nhưng tình cảm của con đối với mẹ dần dần cũng trở nên lạnh nhạt và xa cách hơn.
Cho nên, để những người làm mẹ có thể nhận được nhiều tình cảm từ con mình, điều quan trọng là phải cùng chơi với trẻ. Nếu có thể cùng chơi đùa, cùng cảm nhận nhiều niềm vui thì chắc chắn các bà mẹ sẽ nhận được nhiều sự yêu mến.
Trong lúc chơi đùa cùng con như thế, không cần nói: “Con phải làm thế này”, “Không được làm như vậy”, mà hãy để con chơi đùa một cách tự nhiên theo cách mà chúng muốn.
Việc chơi đùa cùng con và cho con tự do làm theo cách chúng muốn sẽ càng khiến chúng yêu mẹ, vì người mẹ đã trở thành người bạn của chúng.
Cố gắng đừng la mắng trẻ
Nếu chơi cùng trẻ như vậy, bạn sẽ thấy được những hành động của con được hỗ trợ bởi sự phát triển của trí thông minh và các chức năng vận động.
Do vậy, khi đưa ra một món đồ gì đó không phải là đồ chơi (một mớ đồ linh tinh chẳng hạn), bạn sẽ thấy được sự phát triển về óc sáng tạo của trẻ đối với những món đồ ấy. Nếu hiểu được điều đó, bạn sẽ hiểu được việc nhận một bài kiểm tra kiến thức hay nhận bài tập sẽ chán đến nhường nào.
Ngoài ra, bạn cũng sẽ thấy được khả năng sáng tạo của trẻ dần trở nên đa dạng. Trẻ sẽ phát triển suy nghĩ của riêng chúng bằng cách chơi và sử dụng những thứ không phải là đồ chơi. Hãy cùng thử sử dụng những vật dụng như ghế đệm hay là ngăn kéo của ghế và đừng áp đặt trong đầu trẻ là: “Con không được chơi như vậy”, mà chỉ cần nói: “Con chơi cẩn thận nhé”.
Trẻ không chỉ được chơi thoải mái mà còn có cảm giác được làm điều bản thân mình muốn và học được nhiều thứ; những người mẹ trong thời buổi công nghệ này cũng có thể dạy trẻ hiểu biết thêm nhiều thứ.
Bạn hãy thử một lần đừng la mắng trẻ. Chính điều đó ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển về hành vi của trẻ, cho nên việc đọc nhiều cuốn sách viết về trẻ là một điều rất cần thiết.
Những người cha người mẹ tốt là những người luôn tìm tòi, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến trẻ để có thể vừa có kiến thức dạy dỗ, vừa tạo thêm nhiều tình cảm cho trẻ. Không chỉ có giáo dục mà việc nghiên cứu, tìm hiểu về trẻ là chuyện đương nhiên không thể thiếu. Chính vì vậy, cha mẹ cần phải xây dựng một lập trường nuôi dạy trẻ ngay từ những bước đầu tiên.
3. Các ông bố bà mẹ hãy cùng ngồi lại nói chuyện với nhau
Các cặp vợ chồng ở Nhật hầu như không nói chuyện với nhau
Có khi nào các ông bố bà mẹ cùng ngồi lại với nhau, vừa uống trà vừa nói chuyện không? Hoặc là có lúc nào giống như vậy diễn ra trong những buổi sinh hoạt hằng tuần hay hằng tháng không? Liên quan đến cách nuôi dạy con trẻ, việc các ông bố bà mẹ cùng nhau ngồi lại để trao đổi, cùng thống nhất những phương pháp dạy con, điều đó có tác động rất lớn đối với sự phát triển của trẻ và đặc biệt là vô cùng quan trọng đối với việc hình thành nhân cách cho trẻ. Như đã đề cập ở phần trước, các thành viên trong gia đình từ cha mẹ, cho đến ông bà cần thống nhất phương pháp giáo dục con trẻ thì mới đạt được hiệu quả cao nhất. Không thể khi người cha dạy con tự lập, không dựa dẫm, thì người mẹ lại chiều chuộng con quá mức. Như vậy, các con sẽ không thể nên người.
Tuy nhiên, cũng có nhiều cặp vợ chồng không có cơ hội để cùng nhau ngồi lại nói chuyện về con mình. Vì vậy, đã có không ít trường hợp con cái họ bị lệch lạc về nhân cách. Vậy thì do đâu mà họ lại không thể ngồi lại nói chuyện với nhau?
Lý do thứ nhất là ở nhiều quốc gia, hai vợ chồng không có thói quen ngồi chia sẻ với nhau. Trong chế độ gia trưởng của thời phong kiến, có câu châm ngôn “Chồng nói vợ nghe”, cho nên việc cả hai vợ chồng cùng ngồi lại với nhau là điều không xảy ra. Nếu không có sự bình đẳng nam nữ thì việc cả hai vợ chồng cùng ngồi lại bàn bạc với nhau là điều không thể có được.
Lý do thứ hai, cũng có xu hướng là chồng không nên kể những việc ở công ty cho vợ nghe và ngược lại, vợ cũng không nên kể cho chồng mình nghe về chuyện gia đình, con cái. Ở thời đại chủ nghĩa quân phiệt, họ cũng bị nhắc nhở rằng không được kể bất cứ việc gì cho vợ nghe, vì điều đó sẽ bị cho là để lộ thông tin cơ mật.
Kiểu suy nghĩ của thời đại bấy giờ vẫn đang tiếp tục diễn ra cho đến nay. Đặc biệt, những điều đó vẫn còn xuất hiện dai dẳng bên trong người đàn ông với tư cách là một người chồng, một người cha. Nếu cứ như vậy thì chắc chắn một điều là những cuộc nói chuyện giữa hai vợ chồng sẽ không bao giờ được diễn ra.
Trong một gia đình “chồng chúa, vợ tôi” theo tư tưởng phong kiến thì việc ngồi cùng nhau trò chuyện càng không thể. Bên trong người đàn ông với tư cách là một người chồng, không ít người có những phát ngôn như “Nuôi dạy con là bổn phận của đàn bà”. Đối với người làm cha trong gia đình kiểu mới, đó là những phát ngôn hoàn toàn vô trách nhiệm bởi những tư tưởng của xã hội phong kiến vẫn còn tồn đọng trong con người họ.
Ngày nay, những người mẹ được xem như là trụ cột trong gia đình, họ phải tự mình gánh vác nặng nề khi mà những chuẩn mực về xã hội đã bị đánh mất. Các bà mẹ tự mình xoay xở mọi thứ kể cả việc nuôi dạy con mà chẳng hề có sự trợ giúp từ chồng mình. Nào là tham khảo ý kiến từ những bà mẹ hàng xóm, hay là tự đưa con đến lớp học năng khiếu và không ít trong số họ cũng bị áp lực trước những tính cách bộc phát của con mình. Cũng có khi những người mẹ dần trở nên bị trầm cảm đối với việc nuôi dạy con bởi chính họ cũng thật sự chưa có đủ chín chắn và kinh nghiệm cho những điều đó.
Cảm thông với vợ cũng tạo nên ảnh hưởng tốt đối với trẻ
Về vấn đề nuôi dạy con trẻ ở các bậc cha mẹ, điều quan trọng không hẳn là cùng ngồi lại nói chuyện với nhau nhiều. Nếu người vợ đang cố kể cho chồng mình nghe về chuyện của con, cô ấy sẽ bị xem là phiền hà và bị chồng nói rằng: “Đó là bổn phận của bà mà”, như thể các ông chồng đang cố tránh né trách nhiệm, chứ không phải là tin tưởng vợ rồi nói đó là bổn phận của vợ. Bằng chứng cho điều đó là nếu có vấn đề gì xảy ra với đứa con, người chồng không hề có ý định sẽ cùng giải quyết vấn đề ấy cùng vợ mà quay sang nói: “Con hư tại mẹ!”.
Điều đó, về mặt tinh thần, giống như cả hai đang trong tình trạng ly hôn, người vợ cảm thấy tủi thân cùng với những nỗi lo cứ lớn dần và vô tình thúc đẩy hành vi của trẻ có vấn đề. Một người mẹ có tâm lý bất an cùng một người cha dửng dưng, không quan tâm con cái thì không thể dạy con thành một đứa trẻ hạnh phúc và tự tin được.
Đặc biệt là khi sống chung với ông bà, tùy vào mỗi gia đình mà các cặp vợ chồng sẽ cùng nhau nói chuyện để thống nhất ý kiến và cũng có không ít gia đình, người chồng không hề muốn nghe vợ mình tâm sự hay nói ra những nỗi lòng, cũng như không hề đưa ra những cách giải quyết mâu thuẫn đang ngấm ngầm giữa mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu.
Với tư cách là người chồng, họ thường có thái độ phớt lờ vì không muốn trong gia đình mình có những làn sóng như vậy. Nhưng sự thật là sự bất mãn, bức bối, bất an trong gia đình vẫn tồn tại, chỉ là người chồng chọn cách phớt lờ mà thôi. Nhưng nếu thử nhìn về khía cạnh của người vợ, chắc hẳn là họ sẽ có cảm giác tủi thân, kiểu như đang bị chồng mình bỏ rơi.
Nếu những suy nghĩ như thế cứ quẩn quanh trong đầu, cả hai vợ chồng cần phải tạo nhiều cơ hội để đôi bên cùng nói chuyện và cùng hiểu rõ tâm tư, tình cảm của nhau hơn nữa. Nếu xét về mặt lịch sử ở từng quốc gia, đa phần các nước sẽ không có truyền thống là hai vợ chồng cùng ngồi lại nói chuyện. Vấn đề này đúng là nan giải khi không ít các gia đình cũng cảm thấy bối rối với những điều đó. Họ bối rối là bởi hai vợ chồng không tạo được thói quen cùng trò chuyện từ khi kết hôn nên cảm thấy việc ngồi cùng nhau là khó khăn, gượng ép. Đó là chưa kể trong gia đình có tư tưởng “chồng chúa vợ tôi”, người chồng càng không có suy nghĩ cần thiết phải bàn bạc, thương lượng vấn đề gì với vợ.
Nếu thử đưa ra vài ví dụ ở các gia đình tại Mỹ, họ thường đưa con họ vào phòng ngủ đúng tám giờ và khoảng thời gian sau đó chính là lúc cả hai vợ chồng cùng ngồi lại để trò chuyện. Cả hai cùng bước ra khỏi phòng ngủ của con mình, rồi nói chuyện với nhau như một thói quen.
Rất khó để cho trẻ ngủ đúng giờ, thêm vào đó là việc mòn mỏi chờ đợi chồng, không biết khi nào sẽ đi làm về, cho nên mới nói cả hai vợ chồng cùng nói chuyện là rất khó. Cho dù khó mấy đi chăng nữa, để có thể tạo được cơ hội tốt cho cả hai cùng nói chuyện với nhau thì cả vợ lẫn chồng hãy thử một lần vừa chơi đùa vui vẻ với con mình vừa nói cho nhau nghe những câu chuyện hằng ngày, chắc chắn cơ hội ấy cũng dần dần xuất hiện.
Điều mà người cha mong muốn chính là họ được vợ mình cho những lời khuyên. Ngay cả khi các bà vợ được nghe gì đó từ chồng mình thì tâm trạng họ cũng cảm thấy nhẹ nhàng và cảm thấy mình được chồng tin tưởng. Và tôi gọi điều đó là cảm thông. Nó cũng góp phần quan trọng đối với cảm xúc của trẻ. Đối với đàn ông ở mỗi quốc gia, việc cảm thông cho phụ nữ là vô cùng quan trọng.
Tóm lại, điều quan trọng của các bậc cha mẹ là phải tạo thói quen cùng nói chuyện, trao đổi về các vấn đề gia đình. Trong các buổi nói chuyện, cần tránh việc liên tục phàn nàn, trách móc từ phía người vợ và cũng tránh việc đưa ra mệnh lệnh, áp đặt tư tưởng từ phía người chồng. Cả hai phải bước vào cuộc nói chuyện với suy nghĩ “Đưa ra vấn đề để giải quyết, không phải để trách cứ lẫn nhau, trên tinh thần tôn trọng quan điểm của hai bên”. Hai vợ chồng cũng cần chia sẻ những chuyện vui trong gia đình, tạo không khí thoải mái trong cuộc trò chuyện.
Một yếu tố quan trọng như tôi đã nói ở trên chính là sự cảm thông. Mỗi người chồng, người vợ đều có những trách nhiệm riêng trong gia đình, đều có nỗi khổ sở, vất vả riêng. Vì thế, không thể yêu cầu ai phải hy sinh cho ai mà là cả hai cùng cảm thông với nhau, cùng chia sẻ những khó khăn để có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Có như vậy mới tạo được môi trường thuận lợi để nuôi dạy con cái.
4. Những vấn đề nảy sinh bởi ông bà trong gia đình
Nuông chiều con cái và làm nũng với ông bà
Có rất nhiều vấn đề được đặt ra liên quan đến ông bà sống chung nhà, họ cũng góp phần hình thành nên nhân cách của trẻ.
Tôi tuy đang sống trong một gia đình với tư cách là người con trai trưởng, nhưng thực chất về sinh hoạt thì hoàn toàn tách biệt. Tóm lại là đối với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, gia đình chúng tôi đặt ra những nguyên tắc và mọi người cùng nhau tuân thủ chúng.
Nếu mẹ chồng và nàng dâu không hợp nhau, gia đình sẽ được chia ra để cả hai cảm thấy không bị gò bó và dĩ nhiên là việc ăn uống cũng sẽ tách biệt. Việc ăn uống trong một gia đình, thường thì người con dâu rất sợ, những ông bà lớn tuổi thường không có khẩu vị như những người khác, rồi thêm vào đó là rất nhiều thành viên khác nữa. Cho nên để làm hợp ý ông bà thì lại phải chia ra nấu hai thực đơn. Vì vậy, nếu không xây dựng một cách khéo léo mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu thì sau đó sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề khó nhằn khác.
Thường thì vợ chồng trong một gia đình sẽ đi làm, nên phần lớn thời gian trẻ sẽ tiếp xúc với ông bà nhiều hơn, nhưng hãy cố gắng để cho ông bà giữ trẻ ở mức là giúp đỡ cha mẹ chúng dễ dạy bảo trẻ hơn và không để trẻ có những suy nghĩ là ông bà tốt hơn cha mẹ.
Khi trẻ thấy ông bà ăn bánh kẹo và lại gần để nài nỉ thì đừng bao giờ nói với trẻ những điều đại loại như: “Mẹ con không cho ăn đâu”, “Bây giờ không ăn được”,… và đừng bao giờ nuông chiều trẻ ngay cả khi chúng xài chiêu khóc ầm lên. Còn nếu ông bà chiều theo ý trẻ rồi đưa cho chúng thì theo phản xạ tự nhiên, dần dần về sau, trẻ sẽ không còn nghe lời cha mẹ chúng nữa, rồi nảy sinh những rạn nứt về tình cảm giữa mẹ với con.
Cho nên ông bà khi giữ trẻ, cần phải có những hành động không khoan nhượng để từ đó tạo nên sức ảnh hưởng tốt đối với nhân cách của trẻ, và bầu không khí hòa thuận trong gia đình cũng được hình thành một cách vững chắc. Đó thật sự là điều có ích trong việc nuôi nấng và dạy dỗ trẻ. Như tôi đã nói ở trên, cha mẹ nên thống nhất cách dạy trẻ với ông bà và yêu cầu ông bà hỗ trợ dạy trẻ khi trẻ ở nhà với ông bà.
Tuy nhiên, cũng không ít những gia đình không hề sống tách biệt với ông bà, mọi sinh hoạt đều chung với nhau. Và điều đó cũng tạo nên gốc rễ cho mọi sự rắc rối sau này. Nếu trường hợp ông bà quá cưng cháu rồi vô tư cho chúng bánh kẹo mà không có sự đồng ý của cha mẹ chúng, thời gian sau đó, trẻ sẽ lớn lên với thói muốn gì được đó, đồng thời ông bà cũng vô tình làm cho cháu mình có nguy cơ sâu răng. Đó chính là nuông chiều, và việc cho trẻ bất cứ thứ gì chúng muốn là một cách dạy hư con trẻ.
Thật sự thì việc tạo ra những điều bí mật với mẹ sẽ hình thành nên tính cách không trung thực ở con trẻ. Điều đó vô tình biến trẻ trở thành người sống hai mặt. Tiếc rằng đây là điều vẫn hay xảy ra.
Một người mẹ trẻ than thở với tôi là từ khi gửi con về nhà ông bà ngoại ở quê vào những ngày cuối tuần, con đã không nghe theo lời mẹ và có xu hướng nói dối. Khi tìm hiểu thì mới biết nguyên nhân xuất phát từ những lần về quê ngoại chơi. Trước đó, mẹ cháu đã thương lượng với ông bà ngoại đừng có nuông chiều trẻ. Thế nhưng khi trẻ về quê chơi, vì ông bà ít được gặp cháu nên không nỡ la mắng với tâm lý “Cháu chỉ chơi với mình vài ngày mà la mắng hay không chiều chuộng một chút thì sau này, cháu sẽ không chịu về quê chơi với mình nữa”. Thế là ông bà không nỡ từ chối khi trẻ đòi này nọ. Khi trẻ đòi ăn kẹo, ông bà đã lén lút cho trẻ ăn kẹo nhưng dặn cháu đừng nói với mẹ vì mẹ đã dặn ông bà không được cho trẻ ăn kẹo. Ông bà chỉ nghĩ rằng điều này là vô hại nhưng khi việc nói dối, không trung thực diễn ra thường xuyên thì sẽ trở thành thói quen. Đây là một thói quen rất tai hại.
Có không ít trường hợp con trẻ khóc đòi một món đồ gì đó mà mẹ không cho, ông bà (nhất là ông bà nội) lại còn la mắng con dâu vì không biết chiều con, để trẻ khóc la ầm ĩ. Việc làm đó càng khiến trẻ coi thường mẹ và khi mẹ áp dụng giáo dục nghiêm khắc với con thì con trẻ cũng không nghe lời. Vì trẻ biết ở trong gia đình, ông bà là người có quyền lớn nhất, chỉ cần nhõng nhẽo với ông bà là chuyện gì cũng xong.
Những đứa cháu hay thích sang nhà ông bà chơi, hay nhà của người thân nào đó trong gia đình, là vì chúng được chiều chuộng (chủ yếu về mặt vật chất), không giống như cha mẹ luôn nghiêm khắc với chúng.
Đặc biệt là đối với những đứa cháu “đích tôn”, “con cầu con khẩn”, nếu cứ nuôi dạy trẻ theo cách đó thì mối quan hệ giữa mẹ và con sẽ không thể nào phát triển được. Nếu những bà mẹ làm vừa lòng ông bà, trong khi họ lo lắng về hành động nuông chiều mà ông bà đang làm với con mình, rồi khi con chạy lại về phía bà mẹ, họ vô tình có thái độ bực dọc, khó chịu. Khi ông bà nhìn thấy điều đó, rồi nói: “Mẹ gì mà khó chịu với con vậy”, từ đó trẻ cũng trở nên không thể phát triển tính cách một cách tự nhiên được.
Những đứa trẻ như vậy cũng là những đứa trẻ vẫn chưa có bạn sau khi bước vào mẫu giáo. Từ xưa, cũng từng có câu “Cháu hư tại bà” để chỉ việc người bà thường nuông chiều cháu dẫn đến việc trẻ trở nên hư hỏng. Biểu hiện rõ nhất cho điều này là 60% trẻ đã bỏ học trong độ tuổi dậy thì, và trong số chúng, đa phần đã từng sống chung với ông bà vào thời thơ ấu.
5. Biểu hiện của trẻ trong độ tuổi từ 0 – 9 tuổi
Tính cách e dè được thể hiện ở độ tuổi từ sáu đến chín tháng tuổi
Từ một đến hai tháng sau khi sinh, trẻ vẫn chưa có nhận thức rõ ràng về mọi thứ xung quanh. Đó là do đôi mắt vẫn chưa thể định hình rõ ràng và đôi tai cũng chưa đủ nhạy để nắm bắt những âm thanh từ thế giới bên ngoài.
Những thứ mà trẻ nhận thức được vào lúc này là cảm giác dễ chịu khi được ôm ấp. Vì vậy, việc bảo vệ da cho trẻ ở giai đoạn này là điều hết sức quan trọng. Khi các bà mẹ cho con bú, việc ôm con như thế nào cũng phải thật sự chú ý.
Tiếp đến là giọng nói của người mẹ sẽ có sức ảnh hưởng đến trẻ, khi tai trẻ dần dần có thể nghe được. Nếu trẻ được nghe từ mẹ chúng một giọng nói ấm áp thì trẻ sẽ có những biểu hiện vui mừng, hớn hở hơn.
Ở độ tuổi từ hai đến ba tháng tuổi, nếu bạn gây chú ý cho trẻ bằng giọng nói và nụ cười thì nó sẽ tạo nên mối quan hệ tốt giữa cha mẹ và con cái. Việc trẻ được chọc cười và chúng thể hiện nụ cười đó trên khuôn mặt, chắc chắn quá trình hình thành cảm xúc ấy của trẻ đang được diễn ra một cách suôn sẻ.
Nếu lúc này, phản ứng của trẻ là không cười thì đó cũng có nghĩa là cảm xúc của trẻ đối với những người xung quanh vẫn chưa đủ. Việc đó được biểu hiện rõ ràng khi trẻ e dè ở giai đoạn từ sáu đến tám tháng tuổi. Tùy vào cách các bà mẹ chăm sóc hoặc kể những câu chuyện cho trẻ mà tình cảm giữa hai mẹ con có trở nên phát triển một cách thuận lợi hay không. Ở giai đoạn từ sáu đến tám tháng tuổi này, trẻ đa phần sẽ phát triển về thị giác, có nhận thức rõ ràng về bộ dạng của những người xung quanh, chúng sẽ có cảm giác sợ và lạ lẫm đối với những người mà chúng không quen, rồi chúng chỉ dựa dẫm vào người mà chúng cảm thấy có thể tin tưởng. Đó chính là trạng thái e dè của trẻ.
Còn đối với những trẻ dễ chịu với bất kỳ ai đang ôm chúng và không hề có biểu hiện rụt rè ở độ tuổi này, điều đó có nghĩa là trẻ vẫn chưa thể kết nối tình cảm với mẹ chúng. Nếu việc đó cứ tiếp diễn, dần dần trẻ sẽ trở nên thiếu thốn tình cảm và sự phát triển về ngôn ngữ của trẻ cũng diễn ra chậm. Nếu như vậy, trẻ cần phải có nhiều thời gian hơn để được mẹ ôm ấp và nâng niu. Thêm vào đó, nếu trẻ có những biểu hiện rụt rè và suốt ngày cứ bám lấy mẹ, đó cũng là một tín hiệu tốt khẳng định mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã dần thân thiết với nhau.
Mặc dù mối quan hệ giữa bà và cháu cũng cần thiết, nhưng nếu tình cảm giữa mẹ và con vẫn chưa có sự hình thành rõ ràng thì những đứa trẻ sau khoảng thời gian được bà chăm sóc sẽ khó mà phát triển tốt được. Và cũng đã có không ít trường hợp như vậy xảy ra khi trẻ ở độ tuổi dậy thì. Do đó, cho dù có nhờ ông bà chăm sóc cháu đi nữa thì cũng cần phải hiểu rõ tầm quan trọng của việc tạo mối liên kết về tình cảm giữa mẹ với trẻ một cách rõ ràng.
Trong xã hội hiện đại, những cặp vợ chồng trẻ từ quê lên thành phố kiếm việc làm thường sẽ gửi con lại cho ông bà nuôi, lâu lâu mới về thăm con một lần. Những đứa con này thiếu vắng tình cảm của cha mẹ nên thường cảm thấy bất an dù có ông hoặc bà ở bên cạnh, và đặc biệt chúng cảm thấy xa lạ với chính cha mẹ mình. Bởi tình cảm phải được nuôi dưỡng và vun đắp qua thời gian nên việc chúng có cảm giác xa lạ với cha mẹ mình cũng là điều dễ hiểu. Vì đã tồn tại khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, nên cha mẹ khó có thể gây ảnh hưởng đến trẻ trong việc phát triển nhân cách.
Đối với những đứa trẻ ít gần gũi với cha mẹ, chúng có xu hướng gặp khó khăn trong giao tiếp bên ngoài và có thể hướng nội nhiều hơn. Một số trẻ có xu hướng nổi loạn và dễ bị ảnh hưởng bởi các bạn xấu trong lớp. Một số khác lại tự ti và thiếu thốn tình cảm vì trong khi những bạn cùng trang lứa có cha mẹ đưa đi học hoặc đưa đi chơi, thì chúng phải lủi thủi một mình. Đây không phải là môi trường thuận lợi cho sự hình thành nhân cách của trẻ.
Tính cách nghịch ngợm của trẻ được thể hiện ở độ tuổi từ chín đến mười tháng tuổi
Những điều mà trẻ đang cố gắng làm vào lúc này, đầu tiên là cử động cơ thể, sau khi có thể làm điều đó một cách nhuần nhuyễn, chúng sẽ bắt đầu trở nên nghịch ngợm. Tóm lại, đó gọi là mối quan hệ giữa sự phát triển các chức năng vận động và những hành vi tìm tòi của trẻ. Vì vậy, điều quan trọng là phải biết cách chấp nhận sự nghịch ngợm của trẻ.
Vậy chúng ta sẽ chấp nhận điều đó như thế nào? Về điểm này, các ông bố bà mẹ cần phải bắt đầu có sự trao đổi ý kiến với nhau. Nếu sống chung với ông bà, việc trao đổi này cũng cần có sự đóng góp ý kiến từ ông bà nữa. Lý do là mỗi thành viên trong gia đình đều có nguy cơ gặp phải những khó khăn khi trẻ có những biểu hiện nghịch ngợm. Tuy nhiên, việc gặp phải những khó khăn đối với trẻ nghịch ngợm là do trẻ cảm thấy thích thú với nhiều thứ, nên từ đó cũng gây ra nhiều vấn đề phức tạp.
Ví dụ, sẽ có nhiều trẻ có sở thích đập phá đồ đạc, vậy khi đó cha mẹ nên làm sao với trẻ đây? Có đứa thì thích gương soi, hoặc là phá tung cái tay cầm của những chiếc tủ đồ. Rồi có đứa thì thích vẽ lên mọi thứ bằng bút chì hoặc bút màu. Vậy vấn đề ở đây là cha mẹ sẽ ứng xử như thế nào khi trẻ bắt đầu vẽ lên tường nhà, cửa kính hay thảm đây?
Đối với việc cho phép trẻ nghịch những thứ chúng muốn, tùy vào mỗi gia đình mà sẽ có cách giải quyết khác nhau. Nhưng về cơ bản, việc nghịch ngợm này của trẻ là hành động xuất phát từ việc muốn tìm tòi, khám phá nhiều thứ. Tóm lại là tùy vào việc tìm hiểu kỹ lưỡng của các ông bố bà mẹ mà sự phát triển của con sẽ được hình thành một cách tự nhiên.
Cần nhớ rằng nghịch ngợm là một quá trình tự nhiên của con trẻ khi trẻ bắt đầu làm quen và tìm hiểu thế giới xung quanh. Cha mẹ có thể thấy cánh cửa có vân nổi là bình thường, nhưng đối với trẻ, đó là một cuộc chơi đầy thú vị. Trẻ có thể bắt đầu lấy đồ nhọn để cạy những cái vân nổi ở trên cửa để xem đó là cái gì. Trẻ tìm vui trong những khám phá đó. Đây cũng là hành trình trẻ phát triển tính tự giác. Vậy chúng ta nên đặt ra giới hạn nghịch ngợm của trẻ đến đâu? Cha mẹ có thể làm cho trẻ một phòng vẽ riêng nếu có điều kiện, nếu đó là đứa trẻ thích vẽ. Ở trong đó, trẻ có thể thỏa thích sáng tạo.
Hoặc khi trẻ phá phách đến mức làm hư một món đồ quan trọng của mẹ thì cha mẹ cần giải thích cho bé hiểu “Đó là món đồ rất ý nghĩa mà ông ngoại tặng mẹ nhân dịp mẹ tốt nghiệp đại học” chẳng hạn, nên nếu làm hư thì sẽ làm mẹ và ông ngoại đau lòng. Khi trẻ biết hành vi của mình gây tổn thương đến người khác, trẻ sẽ tự giác hơn vào những lần sau vì chắc chắn trẻ sẽ không muốn cho mẹ và ông ngoại phải buồn.
Nếu trẻ không nghịch ngợm, đó có nghĩa là đang hình thành một đứa trẻ trưởng thành và việc phát triển tự nhiên ở trẻ bị chấm dứt, càng lớn trẻ sẽ không có những tính cách tích cực, dẫn theo đó là dễ trở nên chán nản với mọi thứ. Và một trong những biểu hiện đó là chúng sẽ bỏ học, và đa phần là ở lứa tuổi trung học.
Ở những đứa trẻ không phát triển tự nhiên, chúng sẽ cảm thấy không có hứng thú khi chơi với các bạn cùng trang lứa, và cho dù chúng có chơi cùng nhau thì cũng cảm thấy không vui vẻ gì, thế là trẻ sẽ không chơi với nhau nữa. Nếu đám trẻ tụ tập thành một nhóm thì không có gì khác hơn là chúng sẽ bắt đầu có những toan tính quậy quá. Và những đứa không tham gia vào cuộc chơi đó thì sẽ không được cho tham gia cùng hội.
Gây sự là biểu hiện của việc phát triển tự nhiên ở trẻ
Những đứa trẻ trưởng thành, chúng sẽ chơi cùng với bạn. Tuy nhiên, vì đó là những đứa bạn cùng trang lứa nên chúng không gây sự với nhau. Việc gây sự kèm với những xung đột là để trẻ tự khẳng định bản thân và những đứa đang phát triển một cách tự nhiên sẽ gây sự với các bạn của chúng.
Tuy nhiên, những vụ gây hấn đó của trẻ cần phải có sự can thiệp và hòa giải của người lớn. Chơi thân thì mới phát sinh tranh cãi và từ những tranh cãi đó mới tạo nên mối quan hệ tốt. Việc đó cứ lặp đi lặp lại sẽ làm cho trẻ cũng như đối phương hiểu được lập trường của nhau. Cho nên có thể nói, những đứa trẻ hay gây hấn lại là những đứa trẻ tốt. Trong những cuộc tranh cãi vô hại như thế, cha mẹ không cần can thiệp vì sau tranh cãi, bọn trẻ sẽ dễ dàng chơi lại với nhau như không có việc gì xảy ra. Nếu cha mẹ đột nhiên can thiệp và làm quan trọng hóa vấn đề thì sẽ khiến mọi việc từ không thành có.
Nhưng khi thấy một đứa trẻ đang gây lộn trước mắt và có khuynh hướng bạo lực, xúc phạm đến bạn khác thì cần phải có sự can thiệp của người lớn. Lúc này, tôi khuyên các bậc cha mẹ khi nhìn thấy cảnh tượng đó cần phải kiềm chế cảm xúc bản thân. Vì nếu lỡ buộc miệng nói điều gì làm tổn thương trẻ thì nó sẽ rất tồi tệ đối với trẻ. Đối với những đứa trẻ bị gắn mác là trẻ hư, điều đó tạo nên vết thương trong trái tim trẻ.
Đó sẽ là một vết trầy xước lớn mà cha mẹ vô tình tạo ra bởi chính những lời nói vô tình. Từ những vết thương đó sẽ dẫn đến những cuộc cãi vã giữa cha mẹ và con cái, cho nên hãy cố gắng chấm dứt những điều làm tổn thương trẻ. Về việc tranh cãi để giành lấy những món đồ trong độ tuổi từ hai đến ba tuổi, khi cha mẹ chứng kiến sự việc đó, hãy bình tĩnh và tách hai đứa trẻ ra. Ở độ tuổi này, trẻ vẫn chưa có nhận thức là phải chơi với bạn một cách tích cực, thích chơi thì cứ giành lấy đồ chơi. Chúng có khuynh hướng độc chiếm thứ mà chúng muốn.
Cha mẹ phải hiểu rõ tính cách trẻ ở độ tuổi này để không làm chúng hư hỏng về sau. Tính cách cảm thông/nhường nhịn đối phương vẫn chưa được hình thành ở trẻ lúc này. Nếu có những đứa hay nhường nhịn hoặc dễ dàng đưa đồ cho đối phương, điều đó có nghĩa là trẻ đang chậm trong quá trình phát triển, hoặc chúng đang được dạy rằng biết nhường nhịn sẽ là trẻ ngoan, hoặc chỉ là chúng muốn làm vậy vì muốn được cha mẹ khen mà thôi. Nếu cứ để hình ảnh của một đứa trẻ ngoan lớn lên trong đầu trẻ như thế thì khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, “ngoan” chỉ là một điều hư ảo và đôi lúc trẻ sẽ có biểu hiện nóng tính hoặc dễ cáu giận. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực trong gia đình.
Cho dù ở phương diện nào đi chăng nữa, tôi cũng mong muốn các bậc cha mẹ cố gắng có những nhận thức đúng đắn nhất về đứa trẻ ngoan hay đứa trẻ hư.
Những phản kháng của trẻ ở độ tuổi từ hai đến bốn tuổi
Những đặc điểm về hành vi được trẻ biểu hiện ở độ tuổi từ hai đến bốn tuổi là gì? Câu trả lời mà tôi nhận được nhiều nhất là “trẻ có tính phản kháng”. Nếu trẻ bắt đầu trở nên phá phách thì cũng đồng nghĩa với việc trẻ sẽ bắt đầu biết phản kháng.
Như tôi đã đề cập trước đó, khi trẻ bước vào độ tuổi này, nếu người lớn lúc thì giúp trẻ, lúc lại tỏ vẻ phớt lờ rồi nói “Con tự làm đi” hoặc “Không được”, thì trẻ sẽ cảm thấy trong người bức bối và dễ trở nên cáu giận. Đối với những biểu hiện phản kháng như vậy, cũng có thể coi đó là biểu hiện tốt.
Tuy nhiên, cũng cần phải phân biệt rõ ràng giữa thái độ phản kháng với sự ích kỷ ở trẻ. Và thật sự là cũng khó mà hiểu rõ được. Tính ích kỷ đáng chú ý nhất đó là thông qua những vật chất thiết yếu. Ví dụ cụ thể đó là khi trẻ đòi bánh kẹo, cha mẹ bảo là: “Bây giờ ba/mẹ không có thời gian”, “Khi nào rảnh ba/mẹ mua cho nha”, khi đó trẻ sẽ bắt đầu khóc lóc nài nỉ để có cho bằng được. Vì trẻ biết rằng chúng làm như vậy sẽ khiến cha mẹ xiêu lòng, rồi cho chúng món mà chúng muốn. Hoặc khi ông bà chịu không nổi khi trẻ khóc, rồi vô tình đáp ứng những điều trẻ muốn, điều đó đã tập cho trẻ có thói ích kỷ.
Ở những đứa trẻ như thế, điều quan trọng là các thành viên trong gia đình cần phải cùng nỗ lực và cùng nhau tạo ra các nguyên tắc giúp trẻ kiểm soát những ham muốn, chẳng hạn như quyết định khi nào sẽ mua bánh kẹo, đồ chơi,… cho trẻ. Nếu không có giải pháp rõ ràng cho trẻ trong giai đoạn này thì càng lớn, trẻ sẽ càng khó dạy.
Điều quan trọng lúc này là phân biệt đâu là ích kỷ và đâu là phản kháng. Ở một khía cạnh khác, bạn nghĩ như thế nào là trẻ không phản kháng? Hãy thử suy nghĩ xem chúng là đứa trẻ nghịch ngợm hay là một đứa trẻ đã trưởng thành? Đôi khi, những đứa trẻ hơi nghịch ngợm lại làm cho cha mẹ chúng cảm thấy vui, lúc này tính phản kháng của trẻ không được biểu hiện quyết liệt. Cũng có thể nói đó là do cha mẹ cũng hiểu được phần nào tính cách của trẻ. Tuy nhiên, những bậc cha mẹ như thế cũng hiếm thấy. Vì đa phần là họ sẽ không cho con họ quậy phá để chúng là những đứa ngoan ngoãn và có cách ứng xử tốt.
Những trò phá phách thường bắt đầu từ những trò lừa bịp. Trẻ ở độ tuổi này thường có thói lừa bịp. Mặc dù đó là một hành vi xấu nhưng dường như trẻ không hề nhận thức được điều đó. Thêm vào đó, tôi sẽ cho các bạn thấy một vài ví dụ điển hình về trẻ có những hành vi quậy phá ở độ tuổi này. Đồng thời, tôi cũng sẽ hướng dẫn cách ứng phó cho các bậc cha mẹ.
Ví dụ, khi trẻ vô tình làm bể cái bình, vì sợ mẹ la nên trẻ có thể tìm cách che giấu hiện trường, nhưng thường sẽ không qua mắt được người lớn. Hành vi che giấu này một phần có thể vì trẻ hay bị mẹ đánh khi làm sai gì đó nên không dám thú nhận với mẹ đã làm bể cái bình mẹ yêu thích.
Trong trường hợp này, người mẹ cần hết sức bình tĩnh. Đừng vì nóng giận nhất thời mà đánh trẻ hoặc la mắng trẻ. Vì suy cho cùng, cái bình chỉ là vật chất tầm thường, mất có thể mua lại được, trong khi tâm hồn con trẻ rất non nớt và dễ tổn thương, một khi gây tổn thương cho tâm hồn trẻ thì rất khó hàn gắn lại tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
Người mẹ càng đánh trẻ hay càng la mắng trẻ thì trẻ vì sợ bị đánh, bị la mà càng muốn che giấu. Nếu một ngày nọ trẻ phạm một sai lầm lớn (như trộm cắp hay gây tổn thương cho người khác), lúc đó người mẹ có muốn hối hận cũng không kịp. Vì vậy, cách xử lý khôn ngoan của người mẹ là bình tĩnh hỏi xem con có bị thương ở đâu không và dạy con quét dọn các mảnh vỡ của chiếc bình như thế nào để không bị cắt vào tay chân. Sau đó, hãy căn dặn con cần phải cẩn thận khi chơi với những món đồ bằng thủy tinh (như cái bình) vì rất dễ vỡ và dễ bị thương khi tiếp xúc với cạnh sắc của nó. Như vậy, trẻ sẽ hiểu rằng điều mẹ quan tâm đầu tiên không phải là cái bình bị vỡ mà là trẻ có thể bị thương, tức trẻ hiểu mẹ rất thương mình. Sau đó, người mẹ phải chỉ ra cái sai của con ở chỗ nào: không phải con sai vì đã làm vỡ bình (khi đó chỉ là một sự cố ngoài ý muốn) mà vì đã che giấu lỗi lầm của mình. Hãy dạy con rằng một đứa trẻ tốt là đứa trẻ biết nhận sai, luôn trung thực và rằng khi con nói dối sẽ làm cho cha mẹ đau lòng.
Nuông chiều trẻ
Cùng với việc phát triển tính tự giác của trẻ, cũng cần phải suy nghĩ về sự phát triển cảm xúc của trẻ. Về quan điểm này, trẻ thường làm nũng với mẹ chúng như thế nào? Khi trẻ cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ hay có cảm giác bất an, trẻ thường tìm đến đầu gối mẹ chúng để dựa dẫm và làm nũng? Trẻ ở độ tuổi này vừa bộc phát tính cách phản kháng nhưng cũng có khi lại làm nũng. Đối với các bà mẹ, họ sẽ rất khó mà ứng phó với trẻ nhưng điệu bộ của trẻ lúc này chính là đang phát triển một cách thuận lợi.
Vì vậy, điều quan trọng là không nổi giận với trẻ khi chúng phản kháng mà hãy tìm cách nuông chiều trẻ. Hành động nuông chiều đó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành cảm xúc cho trẻ, bởi vì đó là lúc hình ảnh các bà mẹ được khắc sâu trong tâm trí trẻ. Từ đó, nó tạo nên một nền tảng vững chắc giúp trẻ có thể vượt qua được nhiều cuộc khủng hoảng về tinh thần trong giai đoạn tuổi dậy thì sau này.
Cho nên những đứa trẻ không hề biết làm nũng với mẹ chúng thì cũng là một vấn đề hơi lo ngại, vì bên ngoài nghĩ rằng chúng có một tính cách đặc biệt, nhưng về bản chất những trẻ không làm nũng với mẹ thì ắt hẳn sâu thẳm bên trong chúng đang mang một nỗi buồn nào đó. Nếu cứ để cho tâm lý như thế tiếp tục hình thành và đồng hành với trẻ cho đến khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ sẽ có nhiều hành vi kèm theo chứng rối loạn thần kinh.
Do đó, điều quan trọng là cha mẹ cần phải thường xuyên nâng niu, quan tâm trẻ. Lúc đầu, có thể trẻ sẽ chưa quen với điều đó. Cho nên để có thể chiều chuộng trẻ, thì cần phải tìm nhiều cơ hội tốt và thích hợp.
Nếu trẻ được người lớn nuông chiều một lần, thì dần dần trẻ sẽ bám lấy mẹ chúng suốt thôi. Chính hành động suốt ngày dính lấy mẹ không rời này sẽ tạo cơ hội tốt để trẻ tiếp xúc với mẹ nhiều hơn. Vì vậy, để trẻ trở nên thân thiết hơn với mẹ thì các bà mẹ hãy cố gắng tiếp xúc nhiều hơn và cho trẻ có cơ hội được làm nũng. Ở đây, xin được nhắc lại nuông chiều không có nghĩa là chiều theo mọi ý muốn của trẻ dù đó là ý muốn vô lý, ích kỷ mà là theo ý nghĩa nuôi dưỡng tình cảm giữa cha mẹ và con cái để tạo sự gắn kết.
Ngoài ra, độ tuổi từ hai đến ba tuổi cũng là giai đoạn trẻ khó mà chơi thân được với bạn bè. Chẳng mấy chốc chúng sẽ gây lộn, cãi vã ầm ĩ lên để tranh giành đồ chơi hay những thứ khác. Ngay thời điểm đó, cha mẹ tuyệt đối đừng la mắng mà hãy cố gắng đánh lảng sang một việc khác, rồi tách hai đứa trẻ đó ra.
Cũng có những đứa không như vậy, không giành giật mà nhẫn nhịn đưa cho đối phương những món đồ đó. Trẻ như thế được cho là đứa trẻ ngoan, nhưng thực chất đó không phải là điều chúng muốn. Cha mẹ làm bộ tìm cách khen ngợi trẻ vì những hành động ấy của chúng.
Đối với những trẻ trong độ tuổi nhỏ hơn hai, ba tuổi, chúng thường có bản năng ức hiếp những đứa nhỏ hơn mình và nếu bất kỳ ai ngăn cản chúng làm điều đó, chúng sẽ khóc thét lên, ném đồ hay làm nhiều thứ khác nữa, khiến cha mẹ phải đau đầu. Đó là do trẻ vẫn chưa nhận thức được việc phải thông cảm cho những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn.
a) Trẻ trong giai đoạn từ ba đến bốn tuổi
Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu bước vào thời kỳ trở thành anh/chị trong nhà. Và tính cách đặc trưng của trẻ ở độ tuổi này là trẻ bắt đầu có hứng thú khi chơi với bạn. Và đa phần, trẻ sẽ có khuynh hướng nghe lời người lớn chứ không hẳn chỉ có những ham muốn cho riêng mình. Đó cũng là cơ hội cho trẻ có nhiều thời gian hơn để tiếp xúc với bạn bè.
Với biểu hiện thích chơi với bạn thì đầu tiên trẻ vẫn chưa có ý định sẽ tách biệt khỏi mẹ. Tuy nhiên, khi trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc với bạn thì dần dần sau đó, trẻ sẽ tự nhiên tách biệt với mẹ và chơi thân hơn với bạn bè. Việc chơi cùng bạn bè làm trẻ cảm thấy vui vẻ, và rồi trẻ bắt đầu tìm bạn chơi cùng một cách tích cực.
Từ phía người mẹ, cho dù thế nào đi nữa thì họ cũng không muốn tách biệt với con cái, điều đó thể hiện qua việc bao bọc hoặc quan tâm con quá mức. Phần lớn là họ phó thác; và từ sự phát triển tính tự giác của trẻ, trẻ sẽ chơi với bạn nhiều hơn. Mặt khác, cũng có những đứa trẻ bị tách ra khỏi mẹ từ rất sớm, để rồi chúng chỉ có thể chơi với bạn.
Có nhiều đứa trẻ đánh cả em mình, vì trẻ thường chỉ nghĩ cho bản thân nên khi cha mẹ ngăn cản trẻ thể hiện hành động ức hiếp đó, chúng sẽ nghĩ là mẹ bênh em. Cha mẹ cũng đừng bao giờ nói với trẻ những điều như: “Con là anh, là chị mà, sao không biết nhường em”. Như vậy sẽ càng làm trẻ uất ức và ghét em mình vì “Ba mẹ toàn bắt mình nhường cho em”. Đôi khi lỗi sai từ phía đứa em, như giật đồ chơi của anh chẳng hạn, những lúc ấy, cha mẹ bắt trẻ phải nhường nhịn sẽ càng khiến trẻ không phục. Thay vào đó, hãy cho trẻ một cái ôm để xoa dịu cảm giác khó chịu, bực bội của trẻ lúc này. Hơn nữa, cha mẹ khi bắt anh phải nhường em sẽ vô tình dạy hư đứa em vì không dạy cho trẻ phân biệt điều đúng sai. Khi đứng ra phân xử, cha mẹ phải là người công bằng, mới có thể cho trẻ biết đúng sai.
Cho dù thử tiếp xúc nhiều, nếu nhận thấy trẻ không có biến chuyển gì đặc biệt thì nên thử dạy con mình chơi với bạn một cách tích cực. Do những trẻ như vậy rất hiếm khi phải làm anh, làm chị hoặc sớm bị đem ra so sánh với những đứa trẻ khác, nên cha mẹ hãy thử nuôi dạy trẻ theo hướng thuận lợi cho trẻ.
b) Trẻ trong giai đoạn từ bốn đến sáu tuổi
Việc hình thành nhân cách của trẻ trong độ tuổi này được biểu hiện qua điệu bộ như thế nào thì được cho là phát triển thuận lợi?
Thứ nhất, trẻ sẽ cho bạn thấy dáng điệu vui vẻ khi cùng chơi với bạn bè. Bởi vì đối với những trẻ trải qua việc đi đến nơi giữ trẻ và trường mẫu giáo, đó thật sự là niềm vui của chúng khi được đến trường mỗi buổi sáng.
Trường mẫu giáo là nơi phát triển tính tự giác cho trẻ và cũng là nơi nuôi dạy trẻ một cách tập trung. Ở những đứa trẻ đang phát triển tính tự giác, chúng sẽ thích nghi được với điều đó. Chúng thường xuyên gây sự với bạn bè để khẳng định sức mạnh của chính mình và để thay đổi lập trường của đối phương.
Tuy nhiên, với những trẻ bị chậm trễ khả năng phát triển của bản thân, điều đó có nghĩa là trẻ đã lớn lên trong môi trường được bao bọc quá kỹ và được can thiệp quá nhiều bởi người lớn, từ đó trẻ sẽ không được chơi nhiều với bạn bè. Chúng cứ luẩn quẩn, suy nghĩ lung tung mọi thứ. Cho dù thấy trẻ đang chơi cùng bạn đi chăng nữa thì những đứa mà chúng đang chơi chung cũng đang bị trễ trong việc phát triển bản năng, cho nên chúng không cãi nhau. Còn đối với trẻ nhìn có vẻ ngoan hiền nhưng thực chất khi bước vào giai đoạn sau tuổi dậy thì, trẻ sẽ phát sinh những vấn đề làm cho các ông bố bà mẹ phải lo lắng.
Những trẻ có thể chơi đùa nhiều cùng bạn thì hiển nhiên chúng sẽ bắt đầu quậy phá cùng bạn bè. Cho dù có quậy phá trong giai đoạn này, thì điều đó biểu hiện cho tính cách ham muốn tìm tòi, thích khám phá. Việc con cái ra ngoài chơi cùng bạn bè cũng sẽ khiến cha mẹ chúng lo lắng. Và chính vì lo lắng mà mẹ chúng đã la mắng, nhưng họ cũng muốn biết rõ những biểu hiện đó của trẻ.
Một số khác thì tiếp tục nhõng nhẽo với mẹ. Sau khi trẻ bị bạn bè bắt nạt hay gây sự với bạn bè, trẻ sẽ tự khắc tìm đến mẹ, gối đầu lên đùi mẹ rồi nhõng nhẽo. Lúc đó, hãy cho trẻ được nương tựa. Vì chỉ cần được tựa đầu lên gối mẹ là cảm xúc của trẻ cũng có thể trở nên an yên lắm rồi.
Ngoài ra, khi ở nhà, trẻ cũng rất thích được chơi với cha mẹ mình. Vì vậy, vào những buổi tối ngày thường hay là ngày nghỉ, cha mẹ hãy cố gắng tạo ra cơ hội để được cùng chơi với con cái, cũng như cho trẻ có được một bầu không khí đoàn tụ. Chính bầu không khí đó sẽ đóng vai trò vô cùng có ích đối với sự ổn định cảm xúc trong trẻ.
Hoặc nếu có thể, cả gia đình hãy cùng nhau đi dã ngoại để có những kỷ niệm thật đáng nhớ. Trải nghiệm về cuộc sống của trẻ sẽ trở nên phong phú hơn và khả năng thích ứng cũng sẽ phát triển.
Đối với những đứa trẻ không hề làm nũng với mẹ ở giai đoạn này, thường có nghi ngại là trẻ không có quan hệ mật thiết với mẹ. Nhìn thì có vẻ như trẻ đang rất chững chạc, nhưng điều đó thực chất là không thể. Vì vậy, người mẹ chỉ cần có những hành động nhỏ (chẳng hạn như cho trẻ được ngủ hay được dựa dẫm vào đầu gối mình, hoặc cho trẻ có cơ hội được tiếp xúc nhiều với cơ thể mẹ), dần dần chúng sẽ có thể nũng nịu với mẹ.
Thêm vào đó, ở những đứa trẻ hay khóc hét lên để đòi mua đồ chơi và có ham muốn những thứ vật chất thì cha mẹ không được cho trẻ đòi gì được nấy. Vì đó chính là gốc rễ của mọi vấn đề. Nếu cha mẹ cứ để cho trẻ bị mất gốc và luôn có tư tưởng muốn gì được nấy, dần dần tính bướng bỉnh của trẻ sẽ tăng cao. Thêm vào đó trẻ sẽ dần trở nên ích kỷ và bướng bỉnh vô cùng. Nếu để trẻ bước vào độ tuổi sau dậy thì, việc dạy dỗ con của cha mẹ sẽ trở nên bế tắc. Hay nói cách khác, nếu sau này hễ đòi mua xe hay muốn có một số tiền lớn,... mà cha mẹ không đáp ứng được cho trẻ thì đó là nguyên nhân lớn gây ra nhiều vụ bạo lực gia đình.
Cần lưu ý là nhiều cha mẹ vô tình dạy con tính ích kỷ bằng những câu nói vô tâm. Chẳng hạn như, để cho trẻ ăn nhiều trong bữa cơm, cha mẹ đã nói rằng: “Con ăn nhanh đi, ăn không nhanh, em con ăn hết đó”, hoặc nói “Con không ăn thì mẹ lấy cho con bé hàng xóm ăn đó”,… Những câu nói như thế đã dạy trẻ thói ích kỷ, không biết san sẻ với người khác. Vì được dạy dỗ sai lầm như thế, nên nhiều đứa trẻ dù có rất nhiều đồ chơi, hoặc có nhiều đồ ăn ngon, nhưng vẫn không muốn san sẻ với ai cả, dù với em hay anh mình. Trẻ đã gắn mác lên món đồ rằng: “Đó là đồ của mình, không ai được lấy đi hết”.
c) Trẻ trong giai đoạn từ bảy đến chín tuổi
Ở thời kỳ này, trẻ sẽ tụ tập bạn bè và cũng có thể cả gan cãi lại hay phản kháng với cha mẹ.
Tuy nhiên, cũng có một vài trẻ có ít bạn hoặc chỉ thích chơi một mình, lúc này cha mẹ cần cố gắng để trẻ có thể chơi một cách thoải mái cùng với bạn bè của chúng. Ở một khía cạnh khác, việc để cho trẻ bị cô độc khi ở độ tuổi dậy thì sẽ có rất nhiều vấn đề nguy hiểm phát sinh.
Trước hết, cha mẹ hãy thử xem xét nhiều cách để nuôi dạy trẻ, đặc biệt là cần tìm hiểu những vấn đề quan trọng (như trẻ có đang phát triển một cách thuận lợi hay không), hoặc là tìm hiểu rõ ràng những biểu hiện trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của trẻ (như những hành vi tìm tòi và “thời kỳ đầu tiên của sự phản kháng”). Và cả việc trẻ chơi hoặc cãi vã nhiều với bạn ở trường mẫu giáo cũng là một vấn đề.
Khi cha mẹ tìm hiểu và đã rõ nguyên nhân, và nếu cha mẹ đã biết được vì sao con mình lại bị chậm phát triển so với những trẻ khác thì điều quan trọng là dốc hết sức để tạo cơ hội sinh hoạt với trẻ. Dốc hết sức có nghĩa là không nói gì và cũng không giúp đỡ, chỉ im lặng quan sát trẻ. Đặc biệt, tôi khuyến khích các cha mẹ nên im lặng. Im lặng ở đây có nghĩa là vừa nhìn những hành động của con, vừa im lặng quan sát. Trẻ mà làm theo những gì cha mẹ chúng bảo, tôi gọi đó là đứa trẻ tự động (auto-child), còn nếu bà mẹ bắt đầu im lặng thì chúng sẽ không thể làm được bất cứ điều gì. Khi đó, trẻ sẽ ngủ muộn, đến trường muộn, không làm bài tập, quên nhiều thứ, rồi ở trường thì học hành không chú tâm. Cũng có đứa trẻ không đánh răng, rửa mặt luôn.
Rồi cha mẹ nhìn chúng một cách giận dữ, và buột miệng nói ra nhiều thứ. Đó là do họ đã bảo bọc và quan tâm quá nhiều, rồi lỡ nói ra.
Nếu cứ tiếp tục im lặng, cha mẹ sẽ có thể nhìn thấy một vài hành vi mang tính tự giác ở trẻ (như trẻ bắt đầu biết tự mình thức dậy và rửa mặt). Điều đó sẽ diễn ra khoảng một tháng. Tuy nhiên, sau ba tháng sẽ thấy trẻ dần hình thành nên thói quen trong sinh hoạt hằng ngày. Và đương nhiên là cha mẹ đã có thể giao phó cho trẻ tự làm.
Việc trẻ tự học ở trường sẽ là sáu tháng sau đó. Cho dù là như thế nào thì tính tự giác trong việc học của trẻ ở trường cũng biểu hiện trễ. Vì phần lớn, cha mẹ sẽ nhắc nhở và giúp đỡ trẻ trong việc học. Từ đó, cha mẹ đã vô tình tước đoạt đi sự phát triển trí tuệ và làm mất đi tính tự giác ở trẻ.
Nếu trẻ phát triển tính tự giác nhờ sự giao phó của cha mẹ, trẻ sẽ cãi lời cha mẹ và có những hành vi xấu, nhưng trẻ lại có thể chơi được với bạn bè. Trẻ lúc này sẽ tìm kiếm bạn hay là được bạn rủ vào nhà chơi, rồi bắt đầu kết bè phái. Và việc hình thành nhân cách cho trẻ đang diễn ra một cách suôn sẻ.
Trẻ ở tuổi dậy thì sẽ bắt đầu đến thời kỳ thứ hai của sự phản kháng nhưng tuyệt đối không được để xảy ra những vấn đề như bỏ học, không có động lực học, bạo lực gia đình, tự sát,...
Để làm được điều đó, điều quan trọng là cha mẹ cần phải tìm hiểu thêm nhiều thứ nữa.
Như đã đề cập ở phần trước, đối với những trẻ ít được tiếp xúc với cha mẹ trong độ tuổi từ một đến ba tuổi, khi chúng trở về từ trường học, cha mẹ hãy ôm trẻ vào lòng hay là cho trẻ tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè. Nếu trẻ đã lớn rồi thì việc ôm ấp có thể khó mà làm được với trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần phải cho trẻ được nếm trải mùi vị vui sướng và thỏa mãn của sự tiếp xúc này. Và việc đó sẽ mất khoảng một, hai tháng.
Cũng có một số bà mẹ lo lắng liệu mình có đang nuông chiều con hay không? Nhưng thực sự đó là một phương pháp vô cùng quan trọng để khắc họa hình ảnh người mẹ trong lòng trẻ. Thông qua đó, mối quan hệ giữa mẹ và con được thấu hiểu, và khi đứa trẻ cảm thấy hài lòng về điều đó, dần dần trẻ sẽ không đòi hỏi tiếp xúc với mẹ nữa.
Một điều nữa là tìm cách làm như thế nào để dạy trẻ biết kìm hãm những ham muốn về tiền bạc và vật chất trong phạm vi có thể. Đối với những trẻ có những nhu cầu về vật chất quá cao thì trẻ sẽ không thể kìm hãm được những ham muốn đó. Cha mẹ hãy tự quyết định số tiền cố định để cho con và bảo trẻ phải sử dụng khoản tiền đó một cách có chừng mực.
Vì nếu độ tuổi này mà cha mẹ không cho trẻ hiểu vấn đề một cách rõ ràng, sau này trẻ sẽ rất khó kiểm soát bản thân. Về điểm này, không chỉ đối với cha mẹ, mà ngay cả ông bà trong gia đình cũng cần phải nỗ lực để cho trẻ hiểu. Cho nên hãy cho trẻ chơi với những đồ chơi không cầu kỳ hay đắt đỏ, và điều quan trọng là dạy trẻ biết cách tiết kiệm.
Hơn thế nữa, cũng cần phải để trẻ làm việc nhà. Trẻ trong những năm tiểu học, hay nhỏ hơn nữa, rất thích thú với việc nấu ăn. Nếu có thể thì vào Chủ nhật, cha mẹ cũng có thể hướng dẫn và ăn món cari mà trẻ đã tự làm. Đó sẽ là một ngày Chủ nhật thú vị đối với cả gia đình. Từ đó, trẻ cũng trang bị được cho bản thân rất nhiều thứ mà chúng vừa mới được chỉ dạy.