1. Phải biết được đặc tính trong sự phát triển thể chất của trẻ
Đặc tính của trẻ về lượng thức ăn
Nói về cơ thể của trẻ, chắc chắn điều đầu tiên mà cha mẹ nghĩ đến là chiều cao và cân nặng của con mình. Trẻ càng nhỏ tuổi, cha mẹ càng chú ý đến việc trẻ có tăng cân nhiều không. Từ đó, so sánh với các chỉ số đưa ra trong sách nuôi dạy con, đạt chỉ số thì vui mừng, còn chưa đạt thì chắc chắn sẽ thấy lo lắng, bồn chồn. Nhưng thật sự điều này chẳng có ý nghĩa gì cả.
Bạn có biết tại sao không?
Nếu người mẹ quan tâm, cân nhắc về chế độ dinh dưỡng của con mình thì không cần phải để ý đến chiều cao và cân nặng của trẻ. Bởi vì mỗi trẻ đều có sự phát triển thể chất riêng.
Có trẻ ăn nhiều mập nhiều, ăn nhiều nhưng không mập, cũng có trẻ ăn ít nên gầy gò. Tôi gọi đây là đặc tính trong sự phát triển thể chất. Bạn cần coi trọng những đặc tính này và không nhất thiết phải quá chú tâm đến việc cân đo chiều cao, cân nặng của trẻ.
Đặc biệt có một điều tôi muốn nhắn nhủ đến các bà mẹ có con ốm còi, ăn ít là đừng cố bắt ép trẻ phải ăn quá nhiều như định mức đưa ra. Không nên vì muốn trẻ đầy đặn lên mà bắt ép trẻ phải ăn quá mức. Nhiều bà mẹ lo lắng bày tỏ rằng khi trẻ ốm thì trông sẽ yếu ớt, vậy thì không làm gì hay sao.
Cũng có thể là khi các mẹ nghe bác sĩ khoa nhi hoặc cô điều dưỡng khuyên là: “Cho bé ăn uống để đầy đặn hơn nhé” thì sẽ cảm thấy nôn nóng. Vì những điều đó mà mẹ cố gắng ép trẻ ăn thêm dù chỉ một chút. Nếu cứ tiếp tục như thế, chúng ta sẽ vô tình làm giảm đi sự thèm ăn vốn có ở trẻ, thậm chí trẻ còn trở nên biếng ăn. Tương tự như vậy, khi không thích uống sữa nhưng bị thúc ép thường xuyên cũng có thể dẫn đến kết quả là trẻ trở nên biếng ăn.
Sự thèm ăn vốn đã có sẵn ở mỗi người. Ngoài những trẻ bị bệnh ra thì trẻ nào cũng sẽ có cảm giác thèm ăn. Bạn có bao giờ nghĩ tại sao phần lớn trẻ em đều thích ăn mì ăn liền? Đó là bởi vì ít khi nào cha mẹ cho chúng ăn mì gói vì mì gói không tốt cho sức khỏe. Chính vì ít được ăn nên trẻ mới thèm ăn mì. Hãy áp dụng sự thèm ăn này ở các món ăn khác. Đừng cho trẻ ăn một món quá nhiều lần dù biết rằng rất bổ. Nên đa dạng hóa món ăn và cho ăn lượng vừa phải theo nhu cầu của trẻ để tránh cho trẻ cả thèm chóng chán.
Tuy nhiên, việc thèm ăn nhiều hay ít lại là yếu tố bẩm sinh ở trẻ. Nếu quan sát trẻ ở giai đoạn sơ sinh (từ khi sinh ra đến sáu tháng tuổi) thì sẽ cảm nhận được điều này. Có những trẻ ăn rất ít nhưng lại tăng cân nhanh vì cơ địa của trẻ hấp thu thức ăn tốt, và ngược lại có trẻ ăn rất nhiều nhưng lại không tăng cân hoặc tăng rất ít vì khả năng hấp thu thức ăn không tốt. Nhưng điều đó cũng không có gì đáng ngại. Quan trọng là trẻ khỏe mạnh và năng động, hoạt bát hay không mà thôi. Đó là điều cha mẹ nên quan tâm.
Trẻ ăn ít thì sẽ ốm, vì ốm nên trẻ không thèm ăn nhiều. Nói chung, về việc thèm ăn thì có thể nói rằng mỗi trẻ đều sẽ có đặc tính riêng nên mong các mẹ đừng quá thúc ép trẻ ăn uống.
Quan tâm đến đặc tính về phát triển cơ thể và đặc tính về sự thèm ăn ở trẻ không có nghĩa là bắt trẻ ăn theo định mức vượt quá khả năng của trẻ. Ứng với sự thèm ăn của mỗi trẻ, mẹ nên dừng cho ăn nếu thấy trẻ có biểu hiện no quá rồi.
Tuy nhiên, những bà mẹ nôn nóng thường cố gắng ép con ăn thêm một muỗng nữa, rồi cứ thế mà ăn thêm nhiều muỗng hơn.
Nếu cứ tiếp tục như vậy thì dần dần trẻ sẽ không còn thích thú trong việc ăn uống, dần mất đi khả năng thèm ăn vốn có từ khi sinh ra.
Ép buộc sẽ kìm hãm khả năng của trẻ
Tôi đã từng điều trị cho một bé đã sáu tuổi nhưng ăn cực kỳ ít và nặng chỉ mười bốn ki-lô-gam. Bé sinh thiếu tháng nên được truyền dinh dưỡng cưỡng chế (phương pháp đưa ống từ mũi vào dạ dày để truyền sữa cho trẻ) ngay sau khi vừa sinh ra. Sau đó, mẹ và cả gia đình đều cố gắng cho bé ăn uống thật nhiều, đến tầm khoảng một tuổi thì bé hoàn toàn biếng ăn.
Khi tôi cùng bé sinh hoạt thì thấy rằng để cho bé ăn được ba, bốn muỗng thức ăn cũng mất rất nhiều thời gian, cứ khóc nhè suốt. Đó là do mẹ đã cho bé ăn quá nhiều.
Do đó, tôi đã đưa ra kế hoạch giúp bé phục hồi sự thèm ăn trong vòng một năm, để làm việc này bé cũng phải đi học trễ một năm. Bởi vì bữa ăn trưa ở trường học cũng thường là cưỡng ép trẻ phải ăn và nhìn chung thì bé đã phát triển tính tự giác chậm hơn bạn bè cùng trang lứa.
Lượng nước thì sẽ cung cấp đủ, nhưng còn lượng thức ăn có chứa calori thì “thả” theo nhu cầu của bé. Ban đầu chỉ cho bé ăn tầm ba, bốn muỗng nên bé cảm thấy ngạc nhiên về điều đó. Bữa ăn nào bé cũng chỉ ăn có hai muỗng, không ép thêm mà kết thúc bữa ăn luôn.
Vì cách ăn uống như vậy nên bé bắt đầu sụt cân và sự lo lắng của mẹ bé càng tăng lên, mẹ bé buồn khi nhìn thấy những báo cáo về thể trạng của con mình. Nhưng thật ra là do mẹ của bé đã quá lo lắng. Bé nhìn thấy được điều đó, và để an ủi mẹ mình thì bé cố gắng ăn thêm một chút và tự nhủ với bản thân rằng: “Phải mập lên một chút!”.
Cùng với tính tự giác trong việc ăn uống, bé bắt đầu có cảm giác thèm ăn trở lại. Đó là kết quả sau ba tháng áp dụng phương pháp tôi đưa ra. Trong khoảng thời gian đó, phải thật sự rất kiên trì. Đồng thời, trong sinh hoạt hàng ngày, bé cũng được “thả”, không còn phải đút cơm hay ép bé ăn nữa.
Do đó, thói quen sinh hoạt của bé nhất thời bị xáo trộn, có khi không đánh răng, không rửa mặt, chỉ mặc một bộ pyjama suốt cả ngày. Nhưng sau sáu tháng, bé bắt đầu tự mình điều chỉnh sinh hoạt hàng ngày, đồng thời không còn biếng ăn, còn biết nhắc nhở người lớn là: “Con đói bụng rồi” nữa, dần dần cân nặng cũng bắt đầu tăng lên.
Và sau một năm, bé không còn gặp phải vấn đề về ăn uống nữa, thoải mái chơi đùa cùng bạn bè. Cân nặng vẫn không tăng nhiều, chiều cao cũng không vượt trội nhưng đây chính là đặc tính trong sự phát triển cơ thể của bé.
Em bé này sinh thiếu tháng và được cho là biếng ăn bẩm sinh, nhưng giờ đây sự thèm ăn vốn có ở bé đã được biểu hiện rõ ràng.
Thông qua ví dụ trên, tôi mong các bạn hiểu rằng để khơi dậy khả năng trong trẻ thì không nên ép buộc, sự ép buộc ngược lại còn kìm hãm khả năng của trẻ.
Điều này không chỉ riêng việc thèm ăn, mà cũng đúng khi áp dụng vào khía cạnh khả năng trí tuệ hay khía cạnh xã hội của trẻ. Bắt trẻ chơi với bạn bè không có nghĩa là trẻ có thể chơi vui vẻ mà ngược lại còn khiến trẻ mất đi hứng thú trong việc chơi đùa với bạn bè xung quanh.
Vậy thì làm thế nào để khơi dậy sự thích thú và quan tâm của trẻ cho một điều gì đó, việc này đòi hỏi cha mẹ cần phải nỗ lực nhiều để hiểu được cách nhìn của trẻ.
Sự thích thú và quan tâm của trẻ cần được chú trọng, đặc biệt ở trường mẫu giáo. Bởi vì nếu khơi dậy được những điều đó thì trẻ sẽ đặt nhiều tâm huyết và đắm chìm vào những thích thú và quan tâm ấy.
Ví dụ, những đứa trẻ lần đầu đến trường thường rất sợ hãi vì bị buộc rời xa khỏi môi trường an toàn ở nhà. Vì thế, cha mẹ cần khơi gợi sự thích thú của trẻ đối với trường học (như trường có nhiều thú bông, đồ chơi, có bạn chơi cùng,…). Đối với những bé quá nhút nhát, mẹ bé có thể chỉ cho bé ghé trường chơi đồ chơi một, hai tiếng với các bạn trong lớp rồi đón về. Dần dần trẻ sẽ thích ứng với môi trường thay đổi và bắt đầu chơi với bạn nhiều hơn và chịu ở lại lớp để ăn cơm cùng các bạn… Đối với những đứa bé dạn dĩ, được cha mẹ rèn luyện tính tự giác từ sớm thì chuyện đi học của trẻ không có quá nhiều điều phải lo lắng, vì trẻ sẽ thích ứng với môi trường rất nhanh và xem môi trường mới là điều thú vị để khám phá…
2. Vận động giúp rèn luyện thể chất và tinh thần
Tạo cơ hội cho trẻ vận động ngay từ giai đoạn sơ sinh
Vốn dĩ trẻ em có những hoạt động, hình thức vận động mà trẻ thích. Nếu bắt đầu khơi gợi cho trẻ từ khi tập bò trườn, trẻ sẽ cử động cơ thể hăng hái hơn. Trong khi đang thức, trẻ sẽ luôn nghịch ngợm, làm đủ động tác. Đặc biệt là khi trẻ bắt đầu tập đi, ngày nào cũng đi vài bước thì té, rồi lại đứng lên đi tiếp.
Trong giai đoạn này, việc chúng ta có mang lại cho trẻ môi trường để vận động cơ thể hay không sẽ ảnh hưởng lớn trong việc phát triển kỹ năng vận động của trẻ về sau. Điều này đối với những gia đình có không gian sống nhỏ thì khó mà thực hiện. Nếu vậy, hãy tìm cho trẻ một nơi để có thể đi lại và vấp té thoải mái, cho trẻ tha hồ vận động.
Có những nhà có không gian rất rộng, nhưng vì không thích trẻ đùa nghịch phá phách lung tung nên thường đóng khung trẻ vào những cũi chơi dành cho bé hay sử dụng đai địu trẻ, nhưng điều này khiến cho trẻ ít có cơ hội được chạy nhảy, vấp té. Giống như người lớn, nếu ít đi lại thì sức lực của hai chân sẽ yếu đi, trẻ em ít được vận động thì sẽ chậm phát triển sức mạnh ở hai chân.
Việc đứng trên hai chân và đi lại chính là khả năng thuộc về bản chất của con người. Có thể nói nhờ có sự vận động ở chân mà thao tác tay cũng trở nên thuần thục và tạo ra nhiều điều kỳ diệu hình thành nên cuộc sống văn minh hiện đại ngày nay.
Chính vì vậy mà ngay từ khi trẻ bắt đầu biết bò trườn, nếu ta cho trẻ chơi cầu tuột trong nhà thì sẽ nhìn thấy rõ kết quả.
Trẻ sẽ bắt đầu bò về phía chiếc cầu tuột để leo lên, và lúc đó hãy lưu ý đừng cho trẻ mang vớ. Việc trẻ sử dụng độ ẩm ở lòng bàn chân để trụ vững chân và leo lên có ích đối với sức mạnh đôi chân của trẻ.
Khi đứng được rồi, trẻ sẽ bắt đầu bước chân lên từng bậc thang leo lên cầu tuột, tay bám vào lan can, chân giẫm mạnh để lấy thế đi lên tiếp. Cứ để trẻ tự do chơi đùa và trẻ sẽ tiến bộ dần qua từng ngày. Có lúc trẻ còn bỏ một tay ra, thể hiện cho mọi người thấy mình khéo léo thế nào.
Những hoạt động như thế chắc chắn sẽ đi kèm với một số nguy hiểm cho trẻ nhỏ nên nhiều lúc cha mẹ ngần ngại để con chơi, nhưng nếu ngăn cấm thì trẻ sẽ trở nên chậm phát triển khả năng vận động. Chúng ta cần ở bên cạnh, quan sát trẻ cẩn thận và sẵn sàng phản ứng trước những nguy hiểm có thể lường trước chứ không nên quá bảo bọc và giúp đỡ trẻ làm tất cả mọi thứ.
Khi trẻ trải nghiệm được cảm giác tự mình đứng vững, trẻ sẽ cảm thấy rất khoái chí và càng muốn thử thách những việc khó khăn hơn. Đây cũng là quá trình phát triển tính tự giác của trẻ. Như đã nói ở trên, những trầy xước, vết thương nhẹ trong quá trình trẻ học đứng lên, chạy nhảy, phá phách, vui đùa,… là cần thiết để tôi luyện ý chí phấn đấu và tính tự giác ở trẻ. Vết thương rồi sẽ lành, nhưng nếu chậm phát triển khả năng vận động và khả năng tự giác thì những khiếm khuyết này sẽ không thể được bù đắp.
Vận động nuôi dưỡng ý chí
Trẻ em thích được mạo hiểm, khám phá. Và khi làm được điều đó, trẻ sẽ có cảm giác thành công rất lớn và cũng trở nên tự tin hơn. Khi tự tin thì trẻ càng thích thách thức những trò mạo hiểm khác, những khám phá mới. Nhờ đó, trẻ biểu hiện rõ sự phát triển khả năng vận động, phát triển tính tự giác và có động lực (tinh thần) cao đối với việc vận động.
Vì vậy, tôi mong các bậc phụ huynh sẽ cho trẻ nhiều cơ hội để được vận động, vui chơi từ nửa sau giai đoạn sơ sinh đến khoảng một tuổi rưỡi. Nếu không làm như thế, trẻ không được nuôi dưỡng sự tự tin về mặt vận động, mất đi hứng thú vận động và dẫn đến nguy cơ ghét vận động.
Những trẻ nhỏ ghét vận động (ghét giáo dục thể chất) không có động lực để vận động, cũng khó khăn trong việc kết bạn hơn. Bởi vì thông qua sự vận động, giao lưu với nhau mà trẻ mới có thể kết bạn, thân thiết với nhau được. Nếu những năm đầu tiểu học trẻ cứ phải cô độc một mình, thì khi vào độ tuổi dậy thì trẻ sẽ trở thành một người cô đơn, có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Trẻ nhỏ ở độ tuổi từ một đến ba tuổi thường thích chơi với những điều tự nhiên (như nghịch đất, nghịch đá). Cho nên khi cho trẻ một sân chơi như thế thì trẻ sẽ chơi rất lâu mà không chán. Ở độ tuổi này nếu trẻ cứ ở nhà suốt thì không thể nào hiểu được niềm vui khi được thỏa thích tự do bên ngoài. Hơn nữa, trẻ sẽ nghĩ rằng đất đá chỉ là những thứ bẩn thỉu, không thích bị dơ tay dơ chân và còn có nguy cơ dẫn đến mắc phải hội chứng sợ bẩn.
Có một bé gái ba tuổi tham gia vào hội trại rèn luyện kỹ năng của chúng tôi, bé chẳng chịu bước ra để tham gia các hoạt động ngoài trời. Dù có rủ cách mấy thì bé cũng chỉ quay về phòng và ôm cuốn sách đọc mãi.
Ngoài ra, vào buổi tối sau khi chuẩn bị đi ngủ, trải sẵn drap giường, các bé khác giẫm lên drap của bé gái này, thậm chí còn để lại dấu chân, thế là bé cứ ôm lấy tấm drap vào người. Bởi vì trẻ con chẳng mấy khi để ý nhìn trước nhìn sau nên cứ hay vô tình để lại dấu chân, và mỗi lần như thế bé gái này lại ôm khư khư tấm drap, quả thật là một điều đáng lo ngại. Nếu cứ mãi vướng vào trạng thái đó thì chắc chắn khi bước vào độ tuổi dậy thì trẻ sẽ mắc phải hội chứng tâm lý.
Khi nói chuyện với mẹ bé thì mẹ bé cho hay rằng từ khi còn rất nhỏ, bé gái này đã luôn có kỷ luật trật tự ngăn nắp và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Và bé cũng rất tự hào về việc có thể tự dọn dẹp gọn gàng phòng ốc của mình.
Tuy nhiên, nó đã trở thành một thói quen gọn gàng quá mức rồi. Và hơn nữa, bé cũng không có một chút trải nghiệm gì về việc chơi đùa với bùn đất, nghịch ngợm ngoài thiên nhiên, mà thay vào đó bé được mua cho thật nhiều sách. Khi đến tuổi dậy thì, nguy cơ xảy ra vấn đề ngày càng rõ rệt hơn. Tôi đã báo cáo tình hình với mẹ của bé, và quyết định sẽ bắt đầu trị liệu bằng việc đầu tiên là cho trẻ chơi đùa với bùn đất.
Mẹ của bé là một người rất thông minh nhạy bén, nên mẹ bé đã mặc quần jean, đi chân trần đào đất trong vườn và rủ bé cùng đi. Ban đầu, bé chẳng có phản ứng gì với hành động của mẹ, nhưng dần dần bé đã có thể cùng mẹ chơi đùa vui vẻ với đất cát. Cuối cùng, đến khi bé có thể vui vẻ đùa nghịch ngoài trời thì dần dần có bạn bè chơi cùng, từ đó bé đã biết được thế nào là niềm vui khi chơi đùa ngoài trời cùng bạn.
Một năm sau đó, bé cũng tham gia vào hội trại rèn luyện kỹ năng của chúng tôi nhưng lần này đã hồ hởi cùng bạn bè chơi ngoài trời, bắt chuồn chuồn, leo cây,… Bé đã thay đổi hoàn toàn, trở thành một bé gái hoạt bát, tinh nghịch và vui vẻ.
Hãy cho trẻ trải nghiệm đối mặt với khó khăn
Trong số các bà mẹ, cũng có nhiều người cảm thấy lười ra ngoài. Đặc biệt là khi sống ở các tầng cao trong những căn hộ cao cấp thì lại càng lười ra ngoài hơn, do đó có không ít trẻ bị ảnh hưởng từ cha mẹ của mình.
Hơn nữa, khi cứ mãi chăm chú đọc sách ở trong nhà, không thể tự lo liệu cho mình, không biết cách phòng tránh những hiểm nguy bên ngoài cho nên rất nhiều người chọn cách an toàn đó cho mình. Nhưng điều đó vô tình khiến cho trẻ lớn lên mà không có những trải nghiệm về sự vận động. Cha mẹ không thích vận động thì con trẻ cũng sẽ không có hứng thú với việc vận động.
Sự thật là trong số các bé chán đi học, rất nhiều trẻ không có trải nghiệm ra ngoài chơi đùa cùng cha của mình. Những trường hợp như thế đương nhiên là rất ít có cơ hội tham gia leo núi hay đi bộ đường dài, mà có tham gia đi nữa thì có lẽ cũng không cảm thấy thú vị.
Ở hội trại nhắm tới các bé tiểu học của chúng tôi cũng có ngày dành cho việc đi bộ đường dài, cũng có một số chỗ phải leo qua các vách đá dốc nguy hiểm mà so với trẻ thì khó có thể leo qua dễ dàng. Phải đưa chân qua mõm hơi nhô ra, tay bám lấy những nhánh cỏ cây, và phải rướn mạnh người sang thì mới có thể di chuyển tiếp.
Khi đối diện với những vách đá như thế này, chắc chắn bé nào đã từng có kinh nghiệm tương tự sẽ có thể khéo léo mà leo qua. Tuy nhiên, các bé chưa từng leo núi như thế bao giờ thì sẽ không biết cần phải tìm chỗ để đặt chân mà chỉ biết trèo thẳng lên vách để leo qua cho nên khó tránh bị trượt chân té. Tôi thử hỏi những bé đó: “Vào ngày nghỉ thì các con làm gì?”. Có bé bảo là cha sẽ chở bé bằng xe hơi, dẫn bé đến công viên giải trí hoặc một địa điểm tham quan nào đó. Cách chiều con như thế của những người cha sẽ khiến cho thể lực của trẻ mãi không thể tốt lên được.
Nếu nghĩ đến việc rèn luyện thể lực cho con cái, tôi mong các ông bố hãy cho con những thách thức như là thách thức leo vách núi mà tôi có nói đến. Tuy nhiên, có lẽ ở chính các ông bố cũng không có đủ tinh thần để cố gắng cho con làm những điều đó.
Có lẽ những tiện nghi văn minh như là xe hơi đang mang đến một nền giáo dục sai. Khi những thứ tiện nghi ấy được sử dụng sai, chúng vô tình trở thành một thứ vũ khí chống lại chúng ta.
Trong số các bé đối mặt trước vách đá, không ít bé ngay lập tức đã than mệt. Không phải do cơ thể của bé mệt mà chính là vì bé đã không được nuôi dưỡng ý chí thách thức những khó khăn, các bé đã được bao bọc, chăm sóc quá kỹ lưỡng trong cuộc sống của mình từ trước đến nay. Những khó khăn của trẻ đã được cha mẹ thay trẻ giải quyết nên khi đối mặt với khó khăn, theo thói quen, trẻ cũng sẽ nhờ cậy cha mẹ. Trẻ không tự tin sẽ giải quyết được những khó khăn đó. Chưa từng trải nghiệm thì làm sao trẻ tự tin. Vì thế, cha mẹ đừng làm mọi việc thay trẻ mà hãy để trẻ tự làm. Sau mỗi lần thất bại, trẻ sẽ học được nhiều thứ và tự tin hơn khi hoàn thành tốt công việc được giao.
Cha mẹ nhiều khi thấy trẻ loay hoay với cái hũ mà không sao mở ra được, vì thấy tội nghiệp trẻ hoặc vì quá vội nên lại nói: “Để mẹ làm cho”. Người mẹ đã tước đi cơ hội tự khám phá, tự học hỏi của trẻ. Vì thế, dạy con cần phải hết sức kiên nhẫn và luôn khuyến khích để tạo động lực cho con trong quá trình tự học hỏi này. Một đứa trẻ hay được “cha mẹ làm cho” như thế chẳng thể nào tự tin khi ra ngoài vòng tay bảo vệ của cha mẹ. Chắc chắn khi đi cắm trại cùng các bạn khác trong lớp, sẽ không có cha mẹ đi theo để giải quyết khó khăn của trẻ. Khi thấy những bạn khác làm tốt công việc, trẻ sẽ càng cảm thấy lạc lõng và tự ti vì mình không làm được như các bạn ấy. Rõ ràng trẻ không có lòng tin vào bản thân dù là những việc nhỏ (như thắt dây hay trèo cây). Đối với những việc có tính mạo hiểm hơn (như leo qua vách đá) thì trẻ càng không có lòng tin vào bản thân.
Do đó, xây dựng lòng tự tin vào năng lực bản thân là vô cùng quan trọng đối với con trẻ và sự tự tin chỉ được nuôi dưỡng qua những trải nghiệm. Thậm chí, có nhiều trẻ trách cứ rằng: “Tại sao con phải làm những việc này!”. Chung quy lại, trẻ đang cho rằng việc leo qua vách đá thật là ngớ ngẩn.
Khi tìm hiểu về những trẻ ấy, tôi thấy rằng cha mẹ của bé đang quá chú trọng đến chỉ dạy kiến thức cho trẻ mà coi nhẹ những trải nghiệm về mặt thể chất. Các bé có thể thông minh, nhưng ý chí lại không có. Để cải thiện điều đó, chúng tôi đã mạnh dạn đưa ra mong muốn được trao đổi với các phụ huynh, nhưng cũng có những phụ huynh không đáp lại. Thật tiếc khi sắp tới đây lên cấp hai, những trẻ ấy sẽ phải đối mặt với sự chán nản học hành.
Đừng cản trở trẻ mạo hiểm, khám phá
Các bạn hãy hiểu rằng việc cho trẻ nhiều cơ hội vận động và nuôi dưỡng sức mạnh thể lực cũng đồng thời phát triển tinh thần, ý chí của trẻ. Đặc biệt trẻ càng nhỏ tuổi thì điều này càng đúng.
Nói chung, khi trẻ bắt đầu biết đi, việc đưa trẻ ra ngoài để tạo cơ hội cho trẻ đi, cho trẻ chạy nhảy mang ý nghĩa rất quan trọng đối với sự hình thành nhân cách của trẻ. Khi chạy nhảy nhiều, chắc chắn trẻ cũng thường xuyên té ngã và điều đó sẽ làm cho trẻ bị trầy trụa tay chân. Vì sợ bị thương nên các cha mẹ thường bế, cõng con. Như vậy thì sẽ không bị thương nhưng trẻ sẽ trở thành một người không có cả thể lực lẫn ý chí.
Thật ra, khi trẻ bị những vết thương nhỏ, ta nên nói dứt khoát với trẻ rằng: “Không được sợ!”, rồi sát trùng cho chỗ bị thương, nhưng việc bảo vệ trẻ để tránh khỏi những tổn thương lại vô tình bẻ cong sự hình thành nhân cách ở trẻ.
Cũng có người mẹ bác bỏ việc cứ để trẻ bị thương thì mình sẽ chăm sóc vết thương bằng lập luận là: “Chẳng may vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào từ vết thương, sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của bé…”. Nếu suy nghĩ như vậy thì suy cho cùng, chẳng khác nào luôn nhốt trẻ ở trong nhà và không cho ra ngoài chơi.
Những trẻ hoạt bát, tinh nghịch thường hay gặp những vết thương nhỏ. Trải qua nhiều lần bị thương, ta sẽ thấy được tầm quan trọng của việc rèn luyện khả năng chú ý cẩn thận để tránh bị thương, từ đó có thể tránh được những vết thương lớn.
Những trẻ hay bị các vết thương nhỏ, dần dần sẽ biết cách để không bị thương nữa. Vì vậy, tôi mong các bậc phụ huynh đừng lo sợ việc trẻ bị trầy xước, hãy cho trẻ cơ hội được ra ngoài chơi nhiều nhất có thể để nuôi dưỡng cả thể chất lẫn tinh thần.
Mặt khác, trẻ đang phát triển tính tự giác, ở độ tuổi từ năm đến bảy tuổi rất thích các hoạt động mạo hiểm, tìm tòi khám phá và làm những điều đó với người bạn hợp cạ (chẳng hạn như leo cây, bước đi trên những hàng rào, thanh chắn,…). Những khi như vậy thì chúng ta nên làm gì?
Trước tiên, việc vui mừng, cổ vũ khi trẻ thể hiện tính cách ham khám phá, mạo hiểm là điều rất quan trọng. Việc cha mẹ vừa trông chừng vừa cho trẻ được tự do mạo hiểm nghịch ngợm vào buổi sáng sớm khi ít người qua lại và lượng xe cộ còn chưa nhiều cũng là một phương án.
Khi đi lại nhiều lần trên các thanh chắn, hàng rào đó thành thục, trẻ sẽ nghĩ rằng mình đã chinh phục được thử thách này và muốn chinh phục những trò chơi mới lạ hơn. Cha mẹ hãy chọn những lúc ít người chú ý, ít các mối nguy hiểm xung quanh để cho trẻ cơ hội được tự do chơi đùa.
Leo cây chính là một hoạt động tạo cơ hội cho trẻ được phát triển khả năng vận động toàn cơ thể. Nếu muốn cho trẻ cơ hội làm điều đó, cha mẹ hãy dẫn trẻ đến các khu rừng vào những ngày nghỉ, và lúc này sự làm gương của người cha là hết sức quan trọng. Nhờ có sự làm gương của cha, trẻ sẽ có động lực tích cực để tiếp nhận thách thức leo cây. Lúc đó, điều quan trọng chính là sự cổ vũ của cha mẹ, hãy động viên trẻ bằng những câu khích lệ như: “Cố lên con!”, “Cố chút nữa nào!”, nhưng tuyệt đối đừng rời mắt khỏi trẻ bởi vì có khả năng là các nhánh cây bị mục và rơi xuống bất cứ lúc nào.
Những nguy hiểm đó ở hội trại của chúng tôi không hề xảy ra, tuy nhiên việc bên dưới luôn có người đứng trông theo là rất cần thiết. Hoặc là nếu đặt chân lên cành cây thử thì cũng có thể lường trước được độ vững của cành cây đó. Qua việc leo cây, trẻ được nuôi dưỡng khả năng nhận biết sự an toàn.
Thám hiểm là biểu hiện của tính chủ động, tự giác
Nếu trẻ có niềm hứng thú với việc thám hiểm, trẻ sẽ muốn cùng bạn bè đi đâu đó xa hơn. Thường là trẻ sẽ đi bộ để lên đường đến nơi khám phá.
Có khi đi trẻ không mang theo đồng hồ nên không thể dự liệu được thời gian, tới lúc về thì trời đã tối muộn, khiến cho cha mẹ cực kỳ lo lắng. Tuy nhiên, chúng ta cần bình tĩnh để đón bé.
Việc ham thích mạo hiểm, khám phá là bằng chứng thể hiện sự phát triển tính tự giác, chủ động ở trẻ. Tuy nhiên, cũng cần dạy cho trẻ hiểu cha mẹ lo lắng thế nào.
Chúng ta hãy chỉ cho trẻ biết nếu mang theo tiền thì giữa đường có thể gọi điện, nhắn tin về. Trẻ cần hiểu rằng khi ra ngoài cần phải mang theo tiền để gọi điện thoại về, hoặc cũng có thể thông báo về địa điểm mà mình sẽ đến.
Có lẽ vì trẻ biết rằng nếu nói cho cha mẹ biết mình sẽ đi ra ngoài thì cha mẹ sẽ ngăn không cho đi nên cứ lẳng lặng mà làm. Nếu trẻ làm vậy tức là nguyên nhân nằm ở phía người mẹ. Đối với những người mẹ đã có thái độ thả con cái tự làm mọi việc từ khi trẻ còn nhỏ thì trẻ sẽ mang cảm giác tin cậy ở mẹ của mình, trẻ không sợ mẹ ngăn cản nên không giấu giếm mà nói hết mọi chuyện cho mẹ.
Những đứa trẻ hay trốn cha mẹ đi chơi cho thấy cha mẹ những đứa trẻ này thường hay nghiêm cấm con làm chuyện này chuyện nọ. Vì hay bị nghiêm cấm nên trẻ không dám nói với cha mẹ khi trẻ muốn thử những trò mới lạ, như đi leo núi chẳng hạn. Do đó, cha mẹ cần phải luôn thể hiện mình có tư tưởng rất cởi mở, sẵn sàng tạo điều kiện cho con chơi đùa, khám phá, thậm chí cùng con tham gia một số trò chơi mạo hiểm.
Cha mẹ hay nghiêm cấm con là vì sợ con gặp chuyện nguy hiểm, nhưng cha mẹ sẽ không thể nhốt trẻ ở trong nhà mãi, trẻ đến tuổi đi học vẫn phải ra ngoài xã hội. Vì vậy, thay vì nghiêm cấm, bảo bọc con quá mức, hãy dạy con cách đối phó, giải quyết. Cha mẹ có thể cho con theo học các lớp huấn luyện kỹ năng sống (như kỹ năng đi rừng, đi biển, phương pháp xử lý khi gặp cháy,…). Khi đã học cách xử lý những nguy hiểm, thì những điều gây nguy hiểm không còn đáng sợ nữa.
Nhưng trẻ còn quá nhỏ thì không có khả năng nhận biết điều gì là nguy hiểm. Để giúp trẻ hiểu, vào những lúc dẫn trẻ đi dạo, mẹ nên chỉ cho trẻ thấy những chỗ nào nguy hiểm. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần xem xét và để ý những chỗ nguy hiểm xung quanh khu vực nhà mình.
Khi phát hiện ra những chỗ nguy hiểm ở nơi công cộng, cần cùng con đến tìm người phụ trách nơi đó để cảnh báo và đề nghị họ nhanh chóng giải quyết để không ai gặp phải nguy hiểm. Khi trẻ nhìn thấy cha mẹ làm những việc ấy, trẻ sẽ có được trải nghiệm xã hội quý báu.
Ngay trong cuộc sống hàng ngày, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ có thể dạy con những gì gây nguy hiểm, cách nhận diện và phòng tránh chúng. Chẳng hạn như, hãy thử cho trẻ chạm vào ly nước nóng, trẻ tự động cảm thấy nóng mà giật tay ra. Trẻ sẽ nhận biết: “À, cái ly bốc khói này là ly nước nóng, rất nguy hiểm”. Nếu cha mẹ ngay từ đầu thấy ly nước nóng đã dọn đi để tránh gây nguy hiểm cho trẻ thì sẽ có lúc vô tình không để ý, trẻ chạm vào ly nước nóng, làm đổ, dẫn đến bị phỏng. Do đó, cách phòng tránh nguy hiểm tốt nhất cho trẻ là hãy cho trẻ tiếp xúc với tác nhân gây nguy hiểm một cách có chủ ý, như trường hợp cốc nước nóng ở trên.
Hay khi đi thang máy, cha mẹ thường không dám cho con đi thang máy một mình. Vì thế, thay vì lúc nào cũng đi thang máy cùng con, cha mẹ hãy dạy con cách ứng xử khi đi thang may (bấm thang máy giúp cho người già, khi thấy người thứ hai đi vào thang máy, hãy bấm nút giữ cửa để chờ người đó,…) và những cách xử lý khi có rủi ro xảy ra (như chỉ con chỗ bấm chuông báo động trên bảng điều khiển thang máy, phải luôn giữ bình tĩnh khi gặp nguy hiểm,…). Ban đầu có thể trẻ không dám đi thang máy một mình, nhưng bạn có thể thỉnh thoảng nhờ con xuống siêu thị ở tầng trệt của chung cư mua đồ giúp mẹ, trẻ có thể vì thích đi siêu thị một mình (cảm giác mình là người lớn) và muốn giúp đỡ mẹ mà sẽ đồng ý. Dần dần trẻ sẽ có cảm giác tự tin khi đi một mình trong thang máy.
Cần nhớ rằng không phải lúc nào cha mẹ cũng ở bên cạnh con bảo vệ con khỏi mọi nguy hiểm. Những câu chuyện thực tế đã chứng minh đôi khi lơ là con chỉ chừng năm giây là nguy hiểm đã xảy ra. Nguy hiểm luôn rình rập xung quanh trẻ, ở trong nhà và cả ngoài đường. Cha mẹ không thể là vệ sĩ 24/7 bảo vệ con từng giây từng phút, vì thế cách hay nhất là dạy con cách tự bảo vệ chính mình. Khi trẻ đã được dạy cách bảo vệ bản thân đối với những nguy hiểm trong nhà, thì khi ra ngoài xã hội, trẻ cũng có sự tự tin và khả năng đối phó với những nguy hiểm đó.
Nếu cha mẹ suy nghĩ được điểm này, có lẽ sẽ bớt được sự lo lắng, bảo bọc con quá mức.
3. Sinh hoạt có kỷ luật và ngủ đủ giấc
Thời gian ngủ của mỗi trẻ không giống nhau
Việc ngủ đủ giấc có tác dụng phục hồi những mệt mỏi của ngày hôm đó và giúp cho các hoạt động vào ngày hôm sau linh hoạt, tỉnh táo hơn. Điều này cũng đúng đối với trẻ em. Chính vì vậy, tôi mong các bạn cố gắng cho con ngủ đủ giấc.
Tuy nhiên, nếu vì những điều trên mà cho trẻ ngủ quá nhiều thì lại là một sai lầm. Đối với giấc ngủ, không phải là vấn đề thời gian bao lâu, mà có ngủ sâu hay không. Nếu ngủ sâu thì thời gian ngủ sẽ ít. Bởi vì khi tìm hiểu về thời gian ngủ của trẻ em, tôi thấy cũng có trẻ ngủ ít, cũng có trẻ ngủ nhiều. Thật vậy, sự khác biệt ở mỗi cá nhân là điều đáng chú ý. Và điều này biểu hiện rõ ràng trong khoảng một năm sau khi trẻ chào đời.
Sinh lý học về não bộ đã đưa ra kết luận rằng mỗi con người có thời lượng ngủ cần thiết của riêng mình. Vì vậy, không cần bắt buộc phải ngủ nhiều hơn.
Vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ là trẻ con ngủ dậy rồi cứ cho trẻ chơi đến bao giờ cũng được. Suy nghĩ đó cũng chưa đúng.
Đối với những trẻ mải thức cho đến tối khuya mà vẫn không ngủ được thì trước tiên hãy thử nghĩ lại xem có phải ban ngày trẻ ít vận động hay không. Nếu ban ngày trẻ hoạt động nhiều, vận động tối đa khả năng thì buổi tối, sau khi đã “căng da bụng” trẻ sẽ nhanh chóng “chùng da mắt”. Thậm chí cũng có những trẻ vừa ăn cơm vừa gật gù buồn ngủ.
Thực hiện những hoạt động mà cả gia đình cùng tham gia
Để có thể mang đến một cuộc sống vui vẻ, sinh động và phòng ngừa những điều trên, rất cần đến sự nỗ lực của các ông bố bà mẹ. Trong cuộc sống hàng ngày, cần dành nhiều thời gian để dẫn trẻ ra ngoài chơi, cùng trẻ đi bộ, chạy nhảy. Cần tìm kiếm những điểm đến để trẻ có thể thực hiện những điều này.
Những người mẹ cố gắng tìm kiếm trò chơi cho con mình mách rằng nếu chịu khó tìm thì thể nào cũng tìm được những chỗ trên cả mong đợi. Đó là các trò chơi gắn thẻ, trò nhảy dây hay các trò chơi với bóng. Trẻ nào cũng có cùng một mong muốn là có mẹ chơi cùng, nếu mà chia ra làm hai đội để chơi thì trẻ càng thích thú hơn nữa.
Vào ngày nghỉ, các ông bố hãy cố gắng chơi với con (như là dẫn trẻ ra ngoại ô, cùng trẻ leo núi, đi bộ đường dài,…) Sau khi đã thấm mệt, cả gia đình sẽ cùng nhau quây quần ăn cơm Bento (hộp cơm truyền thống trong ẩm thực Nhật Bản) giữa thiên nhiên. Hãy cho trẻ cảm nhận hương vị gia đình thông qua những hoạt động như thế. Vào những dịp thế này, nếu như cả gia đình cùng hòa nhịp với các gia đình khác tham gia hoạt động thì càng tuyệt vời hơn nữa.
Những cuộc đi bộ đường dài dần dần kéo dài thêm quãng đường đi, xác lập thêm nhiều kỷ lục mới không chỉ giúp rèn luyện đôi chân của trẻ mà còn nâng cao tinh thần, ý chí. Đây cũng là dịp cả gia đình quây quần bên nhau nên rất có ích trong sự hình thành nhân cách của trẻ.
Trong khi đó, có những người cha nằm ườn trên giường, không những không thắt chặt tình cảm với con cái mà còn trở thành tấm gương lười biếng đối với trẻ. Bản thân người cha ấy cũng không có những hoạt động thư giãn vào cuối tuần để nạp lại sức sống cho một tuần làm việc tiếp theo.
Chơi golf chính là cách để nghỉ ngơi cuối tuần của riêng người cha. Chính vì bỏ gia đình lại phía sau để tìm kiếm niềm vui cho riêng mình nên nói đó là một tấm gương ích kỷ đối với con cái thì cũng không ngoa.
Để phục vụ cho trẻ, dùng xe hơi chở trẻ đến những địa điểm đông người là một cách làm không được hay cho lắm. Người cha đã lái xe cả tuần rồi nên chắc chắn vẫn cảm thấy mệt. Trẻ con thì chẳng sử dụng chân để hoạt động nên không có thể lực tốt. Mẹ thì cứ la mắng khi trẻ làm ồn, la mệt rồi thì mặc kệ. Cứ thế, việc sum họp gia đình dần trở thành điều gì đó thật xa xôi.
Việc người cha miễn cưỡng phục vụ con cái như thế không chỉ chẳng mang lại lợi ích gì cho trẻ mà ngược lại còn dẫn đến hiện trạng ít vận động ở trẻ. Vì thế mà trẻ cứ thức quậy phá đến tối khuya khiến cho người cha đã mệt mỏi vì lái xe lại càng trở nên bực bội.
Nếu muốn lại được nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ hoạt bát, vui vẻ thì chúng ta cần làm gì đó. Trong cuộc sống mà không gian vui chơi dành cho trẻ em ít như ngày nay, để làm được điều đó, rất cần đến sự nỗ lực của các bậc làm cha làm mẹ.
Bằng cách cải thiện nếp sống hàng ngày, giấc ngủ của trẻ cũng sẽ đi vào quỹ đạo. Hãy suy nghĩ thật kỹ về mối quan hệ mật thiết giữa giấc ngủ và sự vận động.
Giấc ngủ của trẻ cũng liên quan đến nếp sinh hoạt của gia đình. Ở những gia đình bắt đầu một ngày mới tốt lành bằng việc thức dậy sớm, cùng nhau chạy bộ, đi bộ và những gia đình thường xuyên ngủ rất muộn thì nhịp điệu giấc ngủ của trẻ sẽ khác nhau.
Việc có hay không có những căng thẳng trong đời sống được biểu hiện ở đây. Đất nước Nhật Bản vào thời còn nghèo đói, phải cố gắng để sống từng giây từng phút cho nên cha và mẹ đều dậy sớm để lấy tinh thần làm việc. Điều đó mang đến cảm giác thôi thúc cho trẻ và tạo nên những đứa trẻ biết hăng say giúp đỡ cha mẹ.
Những việc đó ở hiện tại thế nào? Phải chăng là chỉ toàn những gia đình lười biếng.
Đối với trẻ em, sự ấm áp và yên bình là quan trọng nhất
Sau khi ăn tối, cả gia đình bạn sẽ làm gì? Có phải là sẽ mải mê xem tivi hay không? Có bao nhiêu người cha người mẹ nỗ lực, chăm chỉ vì sở thích, công việc mà mình đã lựa chọn?
Ngày xưa, phần lớn những người mẹ đều làm việc không nghỉ ngơi, và để giúp đỡ cho người mẹ đang bận rộn của mình thì đứa trẻ sẽ nhanh chóng thay quần áo ngủ rồi chúc mẹ ngủ ngon và đi ngủ ngay. Còn ngày nay, sau bữa cơm tối thì trẻ dán mắt vào màn hình tivi hoặc vào màn hình điện thoại, cho đến khi bị mẹ quát nhiều lần thì mới miễn cưỡng đi ngủ.
Có nhiều trẻ từ khi vào tiểu học, trẻ cứ mải mê xem tivi sau khi ăn xong, chỉ mình mẹ ở dưới bếp dọn dẹp, vừa dọn dẹp mẹ vừa cất tiếng gọi: “Học đi con!”, “Làm bài tập chưa”. Việc này cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.
Về việc này, chúng ta nhất định phải thỏa thuận với trẻ về thời gian xem tivi. Việc dạy cho trẻ sự rạch ròi, đến đúng giờ đó thì phải tắt tivi, là điều hết sức quan trọng. Tức là bản thân người cha, người mẹ cũng phải cố gắng rõ ràng đối với việc xem tivi. Việc cứ suốt ngày ôm lấy tivi như thế sẽ dẫn đến một gia đình đều nghiện xem tivi. Nếu cha mẹ cứ mê xem tivi mà kêu con đi ngủ thì không có sự thuyết phục đối với trẻ. Trẻ sẽ thắc mắc: “Tại sao mình phải đúng giờ đi ngủ mà cha mẹ vẫn ôm tivi tới khuya?”. Vì thế, cần đưa ra quy định đến mấy giờ thì cả nhà phải tắt đèn đi ngủ, và không có ngoại lệ.
Trước khi hô hào con: “Mau ngủ sớm đi!”, cha mẹ cần nói chuyện với nhau xem nên kiểm soát việc xem tivi như thế nào. Việc nuôi dưỡng khả năng kìm nén mong muốn của bản thân và tuân thủ về mặt thời gian có ý nghĩa quan trọng trong sự hình thành nhân cách của trẻ.
Tuy nhiên, đối với giấc ngủ còn có một vấn đề nữa. Có nhiều trẻ rất thích chơi cùng cha nên những hôm cha về muộn thì trẻ cũng sẽ thao thức chờ.
Trong trường hợp đó, hơn cả việc bắt trẻ tuân thủ thời gian, hãy ưu tiên cho trẻ được chơi với cha của mình. Khi được chơi với cha thì trong trái tim trẻ sẽ luôn đọng lại những cảm xúc ấm áp.
Khi đi ngủ, trẻ luôn mong muốn có mẹ ở bên cạnh để kể chuyện, đọc sách. Còn đối với trẻ sơ sinh, việc mẹ vừa hát ru vừa nắm tay trẻ cũng là điều rất quan trọng. Không cần biết là hát bài gì, nhưng giọng hát của người mẹ chính là yếu tố giúp cho trẻ an tâm đi vào giấc ngủ.
Dù làm cách nào đi chăng nữa, trẻ nhỏ cho đến khi vào tiểu học nên có mẹ bên cạnh, việc đó là quan trọng đối với giấc ngủ yên bình của trẻ.
4. Rèn luyện sức khỏe
Hãy nuôi dạy trẻ với thái độ luôn hướng về phía trước
Trong việc rèn luyện thể chất, tạo cho trẻ những cơ hội để vận động là điều rất quan trọng nhưng bên cạnh đó hãy cho trẻ mặc quần áo mỏng và ma sát tốt.
Mặc quần áo mỏng có ích trong việc rèn luyện làn da của trẻ. Vì vậy, sau khi sinh từ hai đến ba tháng, hãy cố gắng để cho nhiều chỗ trên cơ thể trẻ được tiếp xúc với bên ngoài.
Sự thay da ở trẻ diễn ra nhanh hơn nhiều so với người trưởng thành, cho nên chỉ mặc một lớp đồ bên trong là rất quan trọng. Khi trẻ ở giai đoạn sơ sinh, hãy cân nhắc cho trẻ hoạt động đủ nhiều và mặc đồ càng ít lớp, mỏng nhẹ càng tốt. Việc cố gắng cho trẻ ít mang vớ nhất có thể cũng quan trọng.
Nhiều trẻ thời nay ít khi cởi vớ ra nên có xu hướng không thích đi chân trần trên mặt đất, chỉ nhiêu đó thôi cũng khiến da yếu ớt hơn bình thường. Bác sĩ khoa nhi vẫn luôn nói rằng trang phục chính là một thứ hạn chế đối với trẻ nhỏ. Nếu có thể, mong các bạn hãy nuôi trẻ thật trần trụi, thoải mái.
Đối với những trẻ dễ mắc các bệnh về hô hấp, dễ bị nhiễm lạnh thì tôi khuyến khích nên ma sát cơ thể với quần áo khô. Tôi từng làm bác sĩ trong trường mẫu giáo trong vòng hai mươi năm, tôi có lời khuyên gửi đến những người mẹ có con được bác sĩ chẩn đoán là bị bệnh hô hấp rằng hãy ma sát cơ thể với quần áo khô vào buổi sáng và buổi tối. Buổi sáng ngay khi trẻ thức giấc và buổi tối trước khi đi ngủ, hãy dùng quần áo định cho trẻ mặc xoa lên cơ thể trẻ. Nếu có thời gian, hãy liên tục xoa bốn, năm phút, còn không có thời gian thì dùng tay mình để chà xát lên quần áo khoảng mười đến hai mươi giây cũng được.
Nguyên tắc là làm từ ngoài vào trong cơ thể cho đến khi da trẻ hồng lên, nhưng quan trọng là phải liên tục mỗi ngày. Qua những nỗ lực như vậy, khi trẻ vào tiểu học, chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên khi tất cả trẻ đều sẽ không mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Vì con không phát bệnh nên cũng có nhiều mẹ quên mất việc mình đã ma sát quần áo khô.
Tôi khuyến khích việc ma sát quần áo khô đối với trẻ em hay ho và hay bị cảm. Trong khoảng một, hai năm ma sát quần áo khô thì bệnh tình không trở lại nữa. Thậm chí có nhiều trẻ đã quen với việc ma sát quần áo khô, nếu không làm thế vào buổi sáng và buổi tối thì trẻ sẽ cảm thấy không khỏe.
Dù bằng cách gì đi nữa, cần nuôi dưỡng cho trẻ tinh thần chiến đấu với bệnh tật và tránh những thái độ tiêu cực để bảo vệ bản thân trước bệnh tật. Nếu không, trẻ sẽ quen dần với cách giáo dục chăm sóc quá mức, khiến trẻ trở nên yếu về mặt tinh thần lẫn thể chất.
Cũng có những trẻ từ khi sơ sinh rất yếu ớt nên được chăm sóc quá mức và tất nhiên sẽ chậm phát triển tính chủ động. Đến thời kỳ dậy thì, trẻ sẽ bị trầm cảm và bắt đầu chán học. Với việc dạy dỗ con trẻ, lúc nào cũng cần trong tâm thế hướng về phía trước, và xin đừng quên rằng đây là phương pháp quan trọng để cứu trẻ khỏi bệnh tật.