1. Trẻ thông minh hay khờ khạo không phải là chuyện một sớm một chiều
Trí nhớ tốt và sự thông minh không liên quan với nhau
Có rất nhiều bậc phụ huynh, cho dù con mình có thông minh thật thì vẫn cứ nghĩ là trẻ cũng chẳng thông minh lắm đâu, luôn muốn làm sao đó để con trở nên thông minh, sáng dạ hơn.
Vậy thì phải như thế nào mới được coi là thông minh?
Không ít trường hợp trẻ từ thuở nhỏ đã sớm có khả năng nhớ được nhiều thứ. Ở Nhật, nếu trẻ có thể sớm đọc được chữ Hiragana, Katakana (các bảng chữ cái của Nhật Bản), hoặc là biết đếm số chẳng hạn, cha mẹ sẽ nghĩ rằng con mình thật thông minh; còn những bé mà có dạy mãi cũng không thể nhớ tốt thì cha mẹ hay cho là bé kém thông minh.
Tuy nhiên, khả năng ghi nhớ chỉ là một trong số nhiều yếu tố của trí thông minh. Trí thông minh còn có thêm rất nhiều yếu tố khác nữa, có những yếu tố mà chúng ta vẫn chưa biết tới. Cho nên việc trẻ thông minh hay khờ khạo không thể dễ dàng nhận định được.
Vậy thì việc thực hiện các bài kiểm tra trí thông minh có ý nghĩa gì?
Câu trả lời là “Bài kiểm tra trí thông minh sẽ giúp đo lường được trí thông minh của trẻ trong phạm vi có thể”. Ngoài ra, làm các bài kiểm tra trí thông minh có thể biểu thị một cách khách quan tình trạng chậm trễ của những trẻ phát triển trí tuệ chậm hơn bạn cùng trang lứa.
Càng về sau, các nhà nghiên cứu càng đưa ra nhiều bài kiểm tra kỹ lưỡng hơn về trí thông minh nhưng không phải ai cũng thấy hài lòng với các bài kiểm tra đó, cho đến nay vẫn có rất nhiều bài kiểm tra được nghiên cứu ra đời.
Tuy nhiên, có nhiều điều như khả năng sáng tạo để làm ra những cái mới, khả năng giao tiếp tốt trong các mối quan hệ đối nhân xử thế, hay những khả năng mang tính xã hội (như cách ứng xử thông minh trước những tình huống trong cuộc sống hằng ngày…) là những điều không thể đo lường thông qua các bài kiểm tra.
Nếu vậy thì việc gì chúng ta phải cho trẻ làm các bài kiểm tra trí thông minh ở các trường mẫu giáo và tiểu học? Ở trường tiểu học, nếu như trong một khoảng thời gian mà học sinh không cân bằng được giữa thành tích học tập và kết quả của bài kiểm tra trí thông minh (chẳng hạn như, khi trí thông minh cao nhưng thành tích học tập lại thấp) thì người ta sẽ cố gắng để tìm ra nguyên nhân của vấn đề. Nhưng hiện giờ chẳng mấy ai đổ quá nhiều công sức để tìm hiểu nữa.
Đặc biệt là có những giáo viên mẫu giáo cứ thấy chỉ số thông minh của trẻ thấp thì kết luận ngay là “Học sinh này không thông minh” và cũng có người không chút cố gắng dạy cho những học sinh như thế, dần dần họ trở thành những giáo viên vô trách nhiệm, trái với đạo đức nghề nghiệp. Tôi cho rằng hiện tại nên loại bỏ toàn bộ các bài kiểm tra trí thông minh để tránh việc gắn mác cho trẻ con như thế này.
Đến Edison cũng từng bị chối bỏ
Thành tích học tập không thể hiện ngay được sự thông minh. Có lẽ Edison là một minh chứng rõ ràng. Trong chuyện kể lại, Edison đã từng bị giáo viên tiểu học chối bỏ bởi họ cho rằng ông là một đứa trẻ khờ khạo, và nhờ vào sự dạy dỗ của mẹ – người luôn chống đối lại nhận định của giáo viên – mà Edison đã làm những điều chỉ có thiên tài mới làm được. Ngày nay, trong số những trẻ bị giáo viên tiểu học chối bỏ, chắc chắn cũng có những trẻ mang trong mình tố chất của thiên tài như thế.
Đặc biệt là với cách giáo dục nhồi nhét, giáo dục đổi mới với tốc độ siêu nhanh ngày nay, việc trẻ bị bỏ lại cũng là điều hiển nhiên. Có rất nhiều trẻ, phải giáo dục chậm rãi mới bắt đầu phát huy năng lực được. Nhưng những đứa trẻ ấy lại bị cho là có trí óc kém cỏi trong nền giáo dục ngày nay.
Tôi từng biết về một đứa trẻ. Đứa trẻ này không học giỏi các môn học thuộc bài, hoặc môn học theo kiểu nhồi nhét nên có điểm thi thấp. Đứa trẻ này bị chê là kém cỏi (vì các thầy cô giáo dựa trên điểm số học tập của trẻ). Nhưng tôi quan sát theo thời gian, nhận thấy đứa trẻ lại có khả năng tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề rất tốt. Có lẽ trí thông minh của trẻ nằm ở chỗ này, và trường học lại không có những môn học hay bài kiểm tra thể hiện rõ khả năng này của em.
Có một tình trạng là dù có năng lực trí tuệ thật sự nhưng chúng không được thể hiện ở thành tích học tập hay những bài kiểm tra trí thông minh. Tình trạng này thường đúng đối với những trẻ bất ổn về cảm xúc, hoặc là trẻ không phát triển tính chủ động, tự giác và nghèo động lực, ý chí. Hơn nữa, việc phát triển tính cách hòa đồng với xã hội của trẻ cũng có mối liên quan.
2. Cảm xúc bất ổn ở trẻ thuộc về trách nhiệm của người mẹ
Tình cảm với người mẹ
Một khi cảm xúc bất ổn, dù có làm gì đi nữa thì trẻ cũng không thể tập trung chú ý để học tập tốt được. Nếu là những trẻ lớn thì cũng có thể nhận thấy được việc này, nhưng hầu như nó rất mơ hồ đối với đa số trẻ.
Nói chung, việc bất ổn cảm xúc sẽ ảnh hưởng lên toàn bộ cuộc sống của trẻ, trẻ không thể có được một cuộc sống hoạt bát, vui vẻ và hồn nhiên. Rồi từ đó sự ham muốn học tập ngày một giảm đi và nảy sinh những hành động thiếu suy nghĩ khiến cho cha mẹ phải lo lắng, mệt mỏi.
Vì vậy, nếu nhìn thấy ở trẻ những hành động khiến cho chính các bậc phụ huynh phải bực bội, giận dữ thì cần phải suy nghĩ xem có phải là trẻ đang bất ổn cảm xúc hay không, rồi tìm cách làm rõ nguyên nhân của vấn đề.
Việc cảm xúc cân bằng hay bất ổn xuất phát từ các mối quan hệ gia đình. Đặc biệt, mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái là vô cùng quan trọng. Giữa cha và mẹ thì tình cảm với người mẹ sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với trẻ.
Các bạn hãy suy ngẫm lại về việc giữa mẹ và con có đang trao đổi tình yêu thương một cách trọn vẹn hay không.
Chắc chắn trong số rất nhiều trẻ em, có những trẻ có thể giao tiếp rất thoải mái và cũng có những trẻ có mối quan hệ căng thẳng với mọi người xung quanh. Cùng là con cái nhưng cũng có khi tình cảm giữa cha mẹ với đứa này và đứa kia là khác nhau.
Là người mẹ, chúng ta luôn muốn yêu thương con cái một cách công bằng nhưng cách tiếp nhận của từng trẻ lại khác nhau. Có nhiều người mẹ thường hỏi: “Không hiểu sao đều nuôi dạy các con như nhau mà tính cách của mỗi đứa lại khác nhau đến thế!”. Các bà mẹ thường nghĩ tính cách là do bẩm sinh.
Tuy nhiên, dù người mẹ có cùng một biểu cảm dành cho trẻ thì cách mà mỗi trẻ nắm bắt cảm xúc lại rất khác nhau. Việc nuôi con đầu lòng đối với người mẹ chính là những trải nghiệm đầu tiên nên không thể tránh khỏi cảm giác lo lắng.
Chẳng hạn như, trẻ có hơi bệnh một chút thì cũng tức tốc đưa đến chỗ bác sĩ. Khi nào bác sĩ nói là: “Không sao đâu” thì mới thấy yên tâm. Nhưng đến khi sinh con sau thì đã có kinh nghiệm rồi, nên nếu trẻ có bệnh nhẹ chút xíu cũng thấy không cần đi khám bác sĩ ngay.
Hơn nữa, đối với con đầu lòng, các bậc phụ huynh thường đặt quá nhiều kỳ vọng nên dần trở thành sự chăm bẵm. Điều đó có xu hướng vượt quá sự tự do ở trẻ, khiến trẻ có tính phụ thuộc vào người khác hoặc trở nên nóng nảy, khó chịu.
Tuy nhiên, đối với các con sau thì cha mẹ thường sẽ thả lỏng hơn, vì vậy trẻ có thể phát triển tính tự giác, trở nên năng động, tích cực hơn. Nhưng nếu quá buông thả cho trẻ thì cũng có thể khiến trẻ nảy sinh những cảm xúc lo lắng. Trẻ có thể cảm thấy mình không được cha mẹ quan tâm bằng các anh chị khác, từ đó sinh ra cảm giác bất an.
Ví dụ, khi cha mẹ mong muốn con đầu lòng sẽ là con gái, sau đó sẽ thêm một bé trai. Nhưng trái với những mong muốn ấy, nếu lại sinh ra thêm một bé gái nữa thì bé gái đó vô tình sẽ trở thành người con không như mong đợi của cha mẹ. Từ đó, trẻ trở nên bất ổn về cảm xúc và có bản tính ngỗ ngược, thậm chí sẽ nảy sinh rất nhiều hành động cá biệt.
Trẻ có xu hướng thực hiện những hành động cá biệt ấy thường nghĩ rằng mình không được cha mẹ yêu thương. Hoặc chúng quậy phá, ngỗ ngược như là một cách để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Điều đó thể hiện sự khao khát tình cảm ở trẻ. Nếu trẻ có những hành động như vậy, người mẹ cần phải tự kiểm điểm lại. Nói cách khác là cần đứng trên quan điểm của con cái để xem xét, suy nghĩ.
Đừng để mọi chuyện quá muộn, vì một khi tình cảm đã rạn nứt, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái trở nên quá xa không thể kéo gần lại, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái khó có thể hàn gắn lại với nhau. Xã hội có quá nhiều trường hợp trẻ bỏ nhà đi bụi, hoặc trộm cắp, cướp giật,… dẫn đến tù tội. Nguyên nhân chính là do thiếu sự quan tâm của gia đình khi trẻ còn nhỏ.
Vậy nên, khi cha mẹ suy nghĩ lại, câu hỏi đầu tiên chính là từ khi trẻ sinh ra cho đến khi lên ba, mẹ có các cử chỉ yêu thương âu yếm không, có ôm bé không, có ngủ cùng bé không; và bé có thường xuyên làm nũng với mẹ mà chẳng hề e dè gì không?
Nếu như ít có những cử chỉ yêu thương âu yếm thì mẹ vẫn còn cơ hội để ôm con, ngủ cùng con cho đến khi trẻ vào lớp ba. Khi những yêu thương được lặp đi lặp lại thường xuyên, cảm xúc của trẻ sẽ dần cân bằng lại. Khi cân bằng được cảm xúc, gương mặt trẻ sẽ trở nên tươi sáng, vui vẻ hơn và những nũng nịu khó chịu cũng dần ít đi. Hơn nữa trẻ cũng sẽ mở lòng để chơi cùng bạn bè hơn. Nếu ở tuổi đi học, trẻ sẽ học tập chăm chỉ hơn và thành tích sẽ bắt đầu cải thiện.
Mặt khác, nếu bé trai được sinh ra sau khi đã có hai chị gái, trẻ sẽ có xu hướng được phục vụ bởi ba người phụ nữ, đó là mẹ và các chị. Vì điều đó mà có khi trẻ sẽ trở nên phụ thuộc và có tính cách nhu nhược. Nếu cân nhắc tất cả những điều này, chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ hiểu rõ rằng việc hình thành nhân cách ở trẻ là rất khác nhau tùy vào cách giáo dục của cha mẹ.
Con cái chính là sự hy sinh của người mẹ
Đối với con trẻ trong độ tuổi từ tiểu học đến trung học phổ thông, nếu có cơ hội thì người mẹ cần chủ động tạo ra những tiếp xúc cơ thể bằng hình thức nào đó. Bằng những chuyến đi chơi riêng giữa mẹ và con, khi mẹ thể hiện những cử chỉ yêu thương, đó chính là bằng chứng cụ thể cho việc mẹ dành tình cảm cho con nhiều đến nhường nào.
Tuy nhiên, nếu việc thể hiện tình cảm là điều mà người mẹ cảm thấy không thích, hoặc chỉ làm vì phải làm thì có khi sẽ dẫn đến kết quả ngược lại.
Lý do là bởi vì điều đó không thể mang lại không khí thoải mái, vui vẻ. Và trẻ em thì rất nhạy với những cảm giác ấy nên chắc chắn trẻ sẽ cảm nhận được.
Trong số các bà mẹ, khi nói về việc cần cố gắng tiếp xúc và dành tình cảm cho con hơn, cũng có người cho rằng: “Không thích cứ quẩn quanh bên con cái”. Thật sự có những người mẹ không thể cảm nhận được sự đáng yêu của con cái, hay nói cách khác là họ không thích trẻ con.
Những người mẹ ấy có thể có một suy nghĩ kỳ lạ rằng tại sao phải sinh con? Và đứa trẻ sinh ra trở thành gánh nặng, khiến người mẹ thấy không vui nên đương nhiên có thể thấy rõ ràng là cảm xúc của đứa trẻ ấy ngày càng bất ổn và hay có những hành động cá biệt.
Có một số người mẹ, bên cạnh việc không muốn cứ phải quẩn quanh bên con cái, họ còn muốn bồi dưỡng cho trẻ trở nên thông minh bằng cách từ khi hơn ba tuổi đã bắt đầu cho trẻ học các môn toán, ngữ văn. Và kết quả là đẩy trẻ trở thành một người không những bất ổn về cảm xúc mà còn chẳng có nghị lực, khát khao. Bởi cha mẹ đã bóp chết tính sáng tạo và ước muốn của trẻ bằng việc áp đặt cho trẻ phải học những môn mà trẻ không thích như học đàn, học vẽ,…
Tôi biết một đứa bé, khi học mẫu giáo thì bị giáo viên cho là đầu óc kém thông minh. Đến lúc bé lên lớp hai, là lần đầu tiên tôi gặp, thì cũng có cùng ấn tượng về việc bé không được thông minh. Thế nhưng khi cho làm bài kiểm tra trí tuệ, bé hoàn toàn có trí thông minh như một người bình thường, lúc bé chơi với bạn bè cũng rất lanh lẹ nên chơi rất vui vẻ. Nhưng sau đó, khi được khuyên là cần phải dành thời gian để yêu thương, chăm sóc con hơn, mẹ của bé lại vì lý do quá bận rộn mà trốn tránh, không làm những điều đó. Kết cục là về sau bé bị chuyển sang lớp dành cho trẻ đặc biệt khác với bạn bè đồng trang lứa.
Trong lớp đặc biệt dành cho trẻ phát triển trí tuệ chậm hơn bình thường, trẻ cũng được cho làm các bài kiểm tra trí thông minh, và thật sự có nhiều trẻ có trí tuệ hoàn toàn bình thường.
Con cái chính là sự hy sinh của người làm mẹ. Đối với con trẻ, việc được yêu thương, được tự do phát triển là điều kiện cực kỳ quan trọng cho sự hình thành nhân cách.
3. Nhìn nhận về tính tự giác ở những trẻ thiếu ý chí học tập
Trẻ có thành tích tốt ở bậc tiểu học lại là mối hiểm nguy
Những trẻ không được dạy tính tự giác thường là những trẻ thiếu ý chí, nghị lực. Hơn nữa, có khi ta nhìn thấy đó là một đứa bé chủ động, có ý chí nhưng thật ra chỉ khi trẻ được mẹ hoặc giáo viên ở trường giao bài tập, còn khi yêu cầu trẻ phải tự giác hành động thì trẻ hoàn toàn không đủ khả năng làm điều đó. Những trẻ em như thế này, nếu làm theo mệnh lệnh hoặc chỉ đạo từ người lớn thì sẽ đạt được thành tích tốt, nhưng nếu bảo trẻ phải tự động não, vận dụng đầu óc thì cũng giống như những trẻ chậm phát triển trí não.
Ở các trường tiểu học hiện nay, rất nhiều giáo viên vẫn trung thành với việc đánh giá trẻ có học tốt hay không qua các bài tập được giao hơn là việc nuôi dưỡng tính tự giác ở trẻ. Điều này dẫn đến việc trẻ chỉ học tốt ở bậc tiểu học nhưng khi lên đến giai đoạn trung học cơ sở và trung học phổ thông, đa số cần đến khả năng học tập chủ động, tự giác nên những trẻ không làm được điều này sẽ khó theo kịp trong học tập.
Từ đó, việc thành tích học tập bắt đầu đi xuống sẽ khiến cho lòng tự tôn của trẻ bị tổn thương, dẫn đến trẻ không còn muốn đến trường nữa. Đây chính là tình trạng chán học nhất thời.
Những trẻ như thế, như đã đề cập trước đây, từ lúc còn nhỏ trẻ đã tỏ ra điềm đạm ít nghịch ngợm, rất biết nghe lời người lớn nhưng lại khó kết giao với bạn bè cùng trang lứa. Người lớn nhìn vào luôn cho rằng đây là đứa trẻ ngoan ngoãn nhưng thực chất trẻ đang bị kìm nén khả năng phát triển tính tự giác.
Đặc biệt, nếu trẻ luôn nghiêm túc và có kết quả học tập tốt thì những đứa trẻ bình thường khác nhìn vào sẽ cảm thấy khó gần nên ít chơi cùng. Điều đó dẫn đến kết quả là khi lên cấp hai, cấp ba, trẻ sẽ trở nên chán nản, cảm thấy thất vọng.
Khi chán nản như vậy, ý chí học tập cũng sẽ mất đi. Việc trẻ có những hành động trốn học, không còn dấu hiệu nào của sự ham muốn học tập, mang ý nghĩa rằng sự khát khao học tập trong trẻ đang không được nuôi dưỡng đúng đắn.
Nói chung, có nhiều người chỉ quan tâm đến việc thể hiện thành tích học tập qua các bài tập được giao ở lớp học và cho rằng như vậy là tốt rồi. Trong khi đó, học không chỉ thể hiện qua các bài tập được giao, mà còn là học qua sự tương tác với các bạn trong lớp, học để phát triển những kỹ năng sống trong xã hội – những hành trang không thể thiếu khi trẻ bước vào đời.
Chính vì vậy, để ngăn chặn việc chán nản, cảm thấy thất bại trong tương lai gần của những trẻ đang học tốt thì cần phải nhìn nhận lại thật kỹ xem trẻ có đang phát triển tính tự giác hay không.
Tầm quan trọng của việc giao phó cho trẻ
Về điểm này, có một số hành động mà các bậc phụ huynh nên xem xét như: khi từ một đến ba tuổi, trẻ có tinh nghịch hay không; khi từ hai đến bốn tuổi, trẻ có biểu hiện nào của thời kỳ nổi loạn đầu tiên hay không; từ bốn đến sáu tuổi, trẻ có hòa đồng với bạn bè, đồng thời có những bất hòa với bạn bè đồng trang lứa hay không,…
Nếu gặp phải trường hợp trẻ không có những điều trên, hãy đặt thành tích học tập ở vị trí thứ hai, và phải dành ưu tiên cao nhất cho việc nuôi dưỡng trẻ phát triển tính tự giác.
Để cứu vãn việc phát triển chậm trễ, giao phó tất cả mọi thứ cho trẻ là rất quan trọng. Giao phó ở đây là thái độ nuôi dưỡng mà không nói ra, không giúp đỡ trẻ.
Do không được rèn luyện cách học tập tự giác, nên lúc bắt đầu giao phó cho trẻ, thành tích học tập chắc chắn sẽ giảm sút. Nhưng ngay lúc này nếu như cha mẹ nói gì đó, hoặc ra tay giúp đỡ thì cũng như “nước đổ lá môn”. Các bậc phụ huynh cần cố gắng nhẫn nại và tiếp tục giao phó cho trẻ, đến tầm khoảng nửa năm cho đến một năm, trẻ sẽ bắt đầu có suy nghĩ mình không thể cứ như thế này mãi được. Khi trẻ nhen nhóm suy nghĩ bản thân mình cần phải làm gì đó, đấy cũng là lúc quá trình phát triển tính tự giác bắt đầu.
Khi ý chí học tập ở bản thân trẻ tăng lên thì việc học đối với trẻ sẽ trở nên thú vị, từ đó trẻ càng cố gắng học tập, thậm chí có trẻ còn học hành rất chăm chỉ. Việc trẻ học tập hoàn toàn khác với khi được cha mẹ kêu gọi nhắc nhở, cũng không giống với việc học để đạt thành tích tốt và muốn được cha mẹ khen ngợi.
Trẻ sẽ có thể tự mình đặt ra mục tiêu học tập, và nếu thành tích học tập tốt thì trẻ sẽ cảm thấy rất vui nhưng trong đầu trẻ việc học tập không hề câu nệ thành tích.
Việc học tập được thúc đẩy một cách chủ động nên trẻ vẫn sẽ tiếp tục cố gắng, từ đó có thể mang đến cho trẻ một cuộc sống sinh động, phong phú hơn.
Khi tôi kể những điều trên, cũng có mẹ hỏi rằng khoảng thời gian không học tập đó sẽ khiến việc học hành của bé bị chậm trễ thì làm sao có thể theo kịp được? Đối với câu hỏi này, tôi xin trả lời rằng cha mẹ có thể cho trẻ lưu ban. Cùng một tri thức nhưng học lại hai lần, và lần thứ hai học với một tâm thế sẵn sàng thì có thể dễ dàng nắm bắt kiến thức hơn, thành tích học tập chắc chắn sẽ tốt lên rất nhiều.
Dù tôi đã giải thích như trên, nhưng cũng có mẹ đặt câu hỏi ngược lại rằng cho con lưu ban chẳng phải sẽ mang cảm giác thua kém hay sao, chính các giáo viên cũng hay phê bình học trò mình như vậy. Và tôi đã trả lời rằng đừng lo lắng gì về vấn đề này. Bởi vì khi phát triển một cách chủ động, trẻ sẽ tự mình biết cách xử lý khi có cảm giác thua kém. Bản thân trẻ sẽ biết phấn đấu, làm quen với bạn bè cho nên cuộc sống mỗi ngày sẽ trở nên thú vị hơn, sinh động hơn rất nhiều.
Quan trọng là cha mẹ không được đặt nặng chuyện thành tích học tập đối với con trẻ ngay từ khi con còn nhỏ. Khi trẻ không bị áp lực về việc phải đạt điểm mười, phải có kết quả học tập tốt, trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn mỗi khi đến trường. Với tinh thần thoải mái, trẻ sẽ học tốt hơn nhiều. Một đứa trẻ cảm thấy thua kém là bởi từ khi con còn nhỏ cha mẹ đã “cân, đo, đong, đếm”, phán xét con mình bằng bảng thành tích ở trường. Tôi từng nghe một số bà mẹ la mắng con là: “Sao ngu vậy, học gì có bảy điểm à!”, thậm chí có bà mẹ đánh con vì con hôm nay làm bài chỉ được chín điểm!
Vì vậy, thay vì hỏi con: “Hôm nay con làm bài được bao nhiêu điểm?”, hãy hỏi con: “Hôm qua con học được điều gì ở trường?”, hoặc hỏi con những chuyện con cảm thấy vui khi ở trường, như con có kết thêm bạn mới hay không? Hãy quan tâm đến trải nghiệm học của con hơn là kết quả, điểm số của con. Bởi lẽ, điểm số sẽ không chứng minh được điều gì cả.
Khi bị cho là “người mẹ lạnh lùng”…
Tuy nhiên, có rất nhiều người mẹ đặt ra nghi vấn với câu chuyện mà tôi đã chia sẻ. Có thể họ cho rằng không chứng kiến câu chuyện thực tế nên chỉ là lý thuyết suông, đó là vì bản thân họ cũng ít có sự chủ động. Về điểm này thì các ông bố cũng giống như các bà mẹ. Có những người cha, người chồng khi đối mặt với một vấn đề nào đó lại không thể đưa ra quyết định, hoặc khi gặp việc khó khăn thì lẩn tránh và giao lại cho người vợ.
Những người cha như thế, khi con mình có vấn đề gì đó thì sẽ đổ trách nhiệm lên cho người vợ: “Do cô không biết dạy dỗ con cái đó!”, nhưng thật sự bản thân người đó không biết phải giải quyết vấn đề thế nào.
Nếu người cha có tính cách chủ động, cho dù sẽ giao phó vấn đề của con cho vợ, thì cũng sẽ cùng vợ bàn bạc nghiêm túc, từ đó có thể giải quyết vấn đề một cách tích cực nhất có thể.
Bàn về việc giao phó của người cha, mọi người đều hưởng ứng: “Đúng rồi đấy!”. Chính vì có sự khuyến khích, cổ vũ của người chồng nên việc giúp con lấy lại nhịp độ phát triển chủ động sẽ trở nên nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Việc này nếu áp vào người mẹ cũng không sai. Những người mẹ có sự chủ động thì qua nhiều lần bàn bạc nói chuyện với chồng sẽ tự đưa ra quyết định hành động.
Khi đã quyết tâm giao phó cho con cái, người mẹ sẽ làm sao để truyền đạt được ý đó cho con hiểu. Bởi vì dù không nói ra nhưng điều đó sẽ được thể hiện trên khuôn mặt và những hành động nhỏ.
Khi trẻ không thấy mẹ nói năng hay phàn nàn gì nữa, lúc đầu trẻ sẽ cảm thấy hớn hở thấy rõ trên gương mặt, nhưng dần dần trẻ sẽ cảm nhận được sức nặng của trách nhiệm. Một thời gian sau trẻ sẽ bắt đầu mong muốn có mẹ bên cạnh, nói những lời hờn mát như “Mẹ thật lạnh lùng”, “Mẹ của bạn khác thương bạn đó lắm”,…
Khi bị con nói rằng mình lạnh lùng, chắc chắn mẹ sẽ cảm thấy lung lay, nhưng từ bên trong trái tim, mẹ biết mình không phải là người lạnh lùng, tất cả chỉ vì yêu thương và muốn tốt cho con. Nếu con cảm thấy như vậy, người mẹ có thể giải thích cho con hiểu tại sao muốn con phải làm việc có trách nhiệm, tại sao con phải tự giác, tại sao cha mẹ không thể làm hết mọi việc cho con. Tất cả là vì muốn con có thể tự lập, bởi cha mẹ sẽ không thể theo trẻ suốt đời. Một khi con trẻ hiểu lý do, sẽ hiểu được cha mẹ làm như thế là vì muốn tốt cho mình.
Khi đã trải qua giai đoạn này và trẻ bắt đầu tập tính tự giác, trẻ cũng sẽ chuyển sang tâm thế xem việc học là việc của bản thân mình. Từ sự phát triển tính tự giác, chúng ta có thể nhận thức rất rõ việc nâng cao ý chí học tập có tầm quan trọng như thế nào trong việc nâng cao năng lực trí tuệ của trẻ.
Tôi nghĩ các bậc cha mẹ nên tập trao quyền quyết định cho con từ khi con còn nhỏ. Vấn đề quyết định đó đúng hay sai không quan trọng. Quan trọng là tạo cho con tính độc lập, tự giác. Nếu sai thì trẻ sẽ học được bài học kinh nghiệm để tránh những sai lầm lớn hơn trong tương lai. Khi đã quen với việc tự ra quyết định, trẻ sẽ cảm thấy tự tin trong nhiều vấn đề lớn hơn (như quyết định nên học ngành gì, theo đuổi sự nghiệp gì,…).
Trên thực tế, lại có nhiều bậc cha mẹ thích can thiệp vào cuộc sống của con từ việc con mặc áo gì (khi con còn bé) cho đến học các môn gì, vào trường đại học nào (khi con đã trưởng thành), vì như vậy sẽ khiến con càng dựa dẫm vào cha mẹ, trở thành một đứa trẻ thụ động, hoặc khi lớn lên, con sẽ cảm thấy bức xúc vì bị cha mẹ áp đặt mọi thứ. Đừng làm như thế, vì suy cho cùng, cha mẹ không thể sống cuộc đời thay cho con, đúng không nào? Hãy để trẻ trải nghiệm đúng sai với quyết định của mình, có vậy cuộc đời mới đáng sống.
4. Khả năng thích ứng phát triển trí tuệ
Hãy tập cho trẻ tính kiên nhẫn
Để nuôi dưỡng khả năng thích ứng, những việc như dạy trẻ biết nhẫn nhịn trước những yêu thích, ham muốn về vật chất, tiền bạc; dạy trẻ vui vẻ tham gia giúp đỡ các công việc hằng ngày; dạy trẻ biết tầm quan trọng của việc tự mình vượt qua những hoàn cảnh khó khăn… là những điều có ý nghĩa hết sức to lớn.
Vậy thì những việc ấy có mối liên quan đến trí tuệ của trẻ như thế nào?
Trước tiên, nói về khả năng kiên nhẫn, trong việc học tập chắc chắn có những môn học mà trẻ hoàn toàn không thích nhưng vẫn phải chịu đựng.
Tuy nhiên, đối với những trẻ ích kỷ thì một khi đã không thích, trẻ sẽ lẩn tránh và không chịu bỏ công sức để làm việc đó. Khi trẻ còn bé, trẻ sẽ thể hiện là mình làm thật tốt những gì thích thú để người lớn thấy là mình thông minh và đòi được mua cho những món đồ.
Các bé thích sưu tầm xe hơi mini sẽ rất rành về các loại xe, nên càng muốn được mua cho thật nhiều. Mô hình đồ chơi càng được làm sắc sảo thì lại càng tốn tiền mua những món đắt đỏ.
Sách cũng vậy, những bậc phụ huynh có con đã biết đọc chữ hoặc thích đọc sách truyện, chỉ cần con muốn mua thì cứ thế mà mua cho con.
Tuy nhiên, bậc tiểu học cũng như trung học cơ sở đều có rất nhiều môn. Món ăn thì có thể không thích nhưng học thì phải học, cả giáo dục thể chất cũng vậy.
Trẻ có khả năng thích ứng kém thì ít khi làm các việc nhỏ phụ giúp trong nhà hoặc ít trải nghiệm các hoạt động vui chơi, leo trèo ngoài trời, do đó mà không thích vận động cơ thể, kéo theo là cũng chẳng thích các môn giáo dục thể chất.
Trẻ em ít có cơ hội tự bản thân mình vượt qua những khó khăn, thử thách thì trong việc học tập nếu gặp chỗ khó sẽ lập tức từ bỏ và cuối cùng chỉ tập trung vào những môn sở trường, say mê với sở thích của mình.
Đương nhiên có sự say mê là rất quan trọng, nhưng đặc điểm chung của những bé này là bỏ bê các môn học mình ghét mà chỉ tập trung hẳn vào những gì mình thích. Chúng ta cần để ý rõ điều này.
Bởi vì đối với những trẻ có khả năng kém trong việc kiểm soát ham muốn thì việc tiết chế về mặt vật chất, tiền bạc là rất quan trọng. Đối với trẻ từ tiểu học trở lên, việc cho trẻ một số tiền bỏ túi nhất định và thông qua đó dạy trẻ cách kiểm soát ham muốn là điều cần làm nhất. Việc này không phải chỉ dựa vào nỗ lực của cha mẹ, mà còn cả sự hỗ trợ từ phía ông bà, họ hàng để rèn luyện cho trẻ.
Ông bà thường thích mua cho cháu mình cái này cái kia để thấy cháu vui vẻ, nhưng các phụ huynh hãy nhắn nhủ ông bà làm cháu vui không phải bằng vật chất, mà có thể là bằng cách kể các câu chuyện cổ tích với những giá trị mang tính văn hóa, tinh thần.
Sử dụng những thứ giản đơn nhất có thể
Khi cháu còn nhỏ, ông bà thường yêu thương cháu bằng cách đáp ứng về mặt vật chất, nhưng điều đó không nuôi dưỡng được khả năng kiên nhẫn ở trẻ mà còn dạy trẻ làm quen với sự hào phóng, xa hoa. Điều đó dẫn đến việc khi trẻ ở tuổi dậy thì, trẻ sẽ chạy theo những thứ thời thượng, trào lưu; và hậu quả như chúng ta vẫn thấy là có những trẻ trở thành tội phạm ở tuổi vị thành niên. Có nhiều trẻ ở bậc tiểu học thành tích rất tốt, nhưng khi lên trung học kết giao với những bạn bè đua đòi theo thời thượng nên mất đi ý chí học tập.
Tuy nhiên, không phải chỉ nằm ở ông bà, mà cha mẹ yêu thích sự xa hoa thì con cái từ thuở nhỏ đã được nhìn thấy những điều ấy. Nếu trẻ chỉ tập trung vào điểm này thì trẻ sẽ coi nhẹ việc học tập, không thể chuyên tâm nghiêm túc được.
Bởi vì khi bước vào tuổi dậy thì, những cám dỗ về mặt vật chất sẽ ngày càng lớn hơn, nên dần dần trẻ mải mê đuổi theo từ lúc nào không hay.
Hãy cho trẻ những món đơn giản nhất có thể. Những gì còn dùng được dù cũ thì cha mẹ không được vứt bỏ, có thể đem chúng cho những gia đình khó khăn hơn. Bên cạnh đó, hãy dạy cho trẻ hiểu rằng không phải những thứ bên ngoài mà những thứ bên trong, những thứ mang giá trị tinh thần mới là điều cần coi trọng.
Thái độ sống của các bậc phụ huynh đối với những giá trị trong cuộc sống là rất quan trọng. Một người cha, người mẹ coi trọng vật chất, không biết quý trọng đồng tiền thì con cái cũng sẽ như vậy. Tôi từng thấy một người mẹ khi tranh cãi với chồng đã quăng điện thoại đắt tiền cầm trên tay và đây không phải là lần đầu. Hôm sau, người mẹ lại đi mua chiếc điện thoại khác và xem như không có gì xảy ra. Đứa con ba tuổi của hai vợ chồng cũng học thói xấu đó. Một lần nọ, bé tức giận vì không có được những gì bé muốn, cũng lại quăng điện thoại của mẹ đang cầm chơi trên tay. Điều bất ngờ là cha cháu không giận mà còn dỗ con: “Để ba mua cái khác đền cho mẹ”.
Khi vào tiểu học, nhất định hãy cho trẻ tiền bỏ túi và dạy trẻ biết nhẫn nhịn, biết hài lòng, biết quý trọng đồng tiền.
5. Năng lực trí tuệ không phải là tất cả
Trẻ em không thấy đuối sức mới đáng lo ngại
Ở những trẻ có cảm xúc bất ổn, chậm phát triển tính tự giác, khả năng thích ứng kém thì bên cạnh việc quan sát để ý xem khả năng trí tuệ của trẻ chỉ dừng lại ở mức thấp, hoặc trẻ ban đầu có khả năng trí tuệ cao nhưng dần kém đi thì việc nhận biết rõ ràng khuynh hướng cảm xúc bất ổn, chậm phát triển tính tự giác, khả năng thích ứng kém của trẻ là một điều hết sức quan trọng.
Có một sự thật rõ ràng là những người lớn có khả năng trí tuệ cao, thành tích học tập cũng tốt, không bị rơi vào trạng thái thất vọng, được học tập trong môi trường tốt nhất nhưng khi ra xã hội và gặp phải thất bại thì cũng không tránh khỏi những thất vọng, đau khổ.
Có người chọn cách tự sát, có người đổi hết việc này tới việc khác, cũng có người vận dụng đầu óc thông minh để thực hiện hành vi phạm tội. Những người như trên là người ẩn chứa trong lòng cảm xúc bất ổn và chậm phát triển tính tự giác, chủ động.
Hơn nữa, có những người lớn từ bên ngoài nhìn vào thấy cuộc sống luôn thuận buồm xuôi gió nhưng bên trong thật ra lại mỏng manh, yếu đuối. Có rất nhiều câu chuyện thực tế về những người như vậy, họ làm khổ vợ con, gây khó khăn cho những người đồng nghiệp cấp dưới của mình.
Vì vậy, vấn đề về nhân cách cần phải được nhìn nhận, xem xét từ mọi góc cạnh trong suốt cuộc đời con người. Hơn nữa, cũng phải suy nghĩ xem hạnh phúc trong cuộc đời là như thế nào.
Ở thế giới hiện tại, những con người tìm kiếm sự trù phú, giàu có về vật chất ngày càng tăng lên, và điều đó đi kèm với việc mong muốn được học tập tốt nhất (chú trọng vào việc học tập). Từ đó, thúc đẩy các bậc cha mẹ tìm cách để đưa con cái vào học ở trường được cho là có chất lượng tốt, dẫn đến việc họ đang dạy trẻ chỉ chăm chăm chú ý đến khả năng trí tuệ.
Nhưng các bạn cần hiểu rằng có rất nhiều trẻ đã trở thành một thế hệ hy sinh cho mong muốn của cha mẹ. Chẳng hạn như, người cha trước kia không thể đậu vào trường y thì nay muốn con nỗ lực thi vào trường y cho bằng được. Nhưng người cha không hiểu con lại không có năng lực để thi vào trường y, và quan trọng là người con không muốn học y. Khi học với sự thiếu đam mê và bị ép buộc, cả một quá trình học là một sự tra tấn đối với con – cả về sức khỏe (vì thức khuya nhiều để học) và tinh thần (vì bị ép học môn mình không thích). Dần dà trẻ sẽ cảm thấy chán học và bức bối, dẫn đến bạo lực gia đình và bỏ học từ tuổi dậy thì. Cách giáo dục nhồi nhét, ép buộc đã ngày càng làm gia tăng tình trạng này.
Những đứa trẻ như thế là những người đã hy sinh cho cách giáo dục của cha mẹ. Tuy nhiên, khi những vấn đề này xuất hiện trong quãng thời gian đi học của trẻ, để bước ra khỏi quá khứ mệt mỏi ấy, nếu trẻ được giáo dục đúng đắn, học cách cân bằng cảm xúc, phát triển chủ động, tăng khả năng thích ứng thì nhân cách của trẻ chắc chắn sẽ thay đổi hoàn toàn. Thời học sinh của trẻ sẽ luôn sinh động, vui vẻ và sau này có lăn lộn giữa cuộc đời cũng vẫn có thể giữ được những cảm xúc tích cực ấy.
So với điều đó, những trẻ cứ mãi chịu đựng sự mệt mỏi, bất ổn cảm xúc nhưng lại như không có gì xảy ra, việc chủ động tự giác cũng không theo như mong muốn, cuộc sống tuổi học trò dường như chẳng còn gì đáng mong đợi; hay nói đơn giản những trẻ đang đối mặt với vấn đề một cách tiềm tàng, âm ỉ là những trẻ mà chúng ta cần phải lo lắng.
Nhiều người khi bước ra xã hội, đối mặt với những sóng gió trong đời lại chẳng thể đưa ra được quyết định phù hợp, cảm thấy bế tắc, có nhiều khả năng còn dẫn đến bệnh thần kinh là bởi vì họ không thể có được cuộc sống sinh động, vui vẻ như nhiều người khác.
Về điểm này, tôi mong các bậc làm cha làm mẹ hãy suy ngẫm lại xem mỗi ngày chúng ta có đang thật sự vui vẻ hay không, và điều chỉnh cách giáo dục trước đây để tránh khỏi những điều đáng tiếc về sau.