1. Đối với trẻ, khả năng thích ứng có nghĩa là gì?
Khả năng thích ứng muốn nói đến ở đây là khả năng gì?
Đó là suy nghĩ muốn bảo vệ những quy tắc, luật lệ trong nhà, trường mẫu giáo, hoặc những quy định ngoài xã hội. Nếu không nuôi dưỡng trẻ theo hướng đó, chúng có thể trở thành người vẫn thấy bình thản như không có gì cho dù có phá vỡ quy tắc đi chăng nữa. Chính vì vậy, trật tự sẽ không được bảo vệ.
Tuy nhiên, những luật lệ, quy tắc đó sẽ khác nhau tùy theo từng gia đình hay trường học. Không chỉ quy tắc ở thành phố khác với nông thôn, mà đất nước và dân tộc khác nhau cũng có những quy tắc, luật lệ khác nhau.
Đất nước Nhật Bản cũng vậy, ngày xưa và bây giờ có sự khác biệt rất lớn. Có những việc ngày xưa có thể được khen ngợi, khuyến khích thì bây giờ không còn nữa.
Chúng ta phải nuôi dạy để trẻ có khả năng suy nghĩ xem làm theo quy tắc, luật lệ đó thì có đúng hay không, chứ không nên cứ bắt trẻ phải làm theo.
Nếu trẻ tiếp nhận mà không biết tự phán đoán, suy nghĩ về việc tuân theo như vậy, chúng ta đang tạo ra một con người không có tính tự giác, và sẽ không thể trông mong gì vào sự phát triển, tiến bộ trong cuộc sống.
Hơn nữa, điều cần chú ý ở đây là việc giả vờ thích ứng hay bắt chước sự thích ứng. Chúng ta cần phát hiện sớm sự giả vờ hay bắt chước đó và nỗ lực để nuôi dưỡng cảm giác thích ứng thật sự ở trẻ.
Vậy thì giả vờ hay bắt chước thích ứng là gì? Đó là những việc trẻ làm chỉ nhằm mục đích được cha mẹ, thầy cô khen mà thôi.
Đứa trẻ nào cũng sẽ vui mừng khi được khen là đứa trẻ ngoan. Tuy nhiên, khi trẻ chỉ làm điều gì đó để nhận được lời khen, thì lúc không có ai khen, chúng sẽ rất dễ bị suy sụp. Đó chính là sự thất bại của tuổi dậy thì, thể hiện rõ ở việc trốn học của trẻ. Việc trốn học sẽ xuất hiện bắt đầu từ khoảng độ tuổi trung học cơ sở đến trung học phổ thông, những đứa trẻ trốn học vào khoảng độ tuổi phát triển này tất cả đều chỉ muốn được khen ngoan từ cha mẹ hay thầy cô.
Hình ảnh đứa trẻ ngoan đó thực ra không khác gì với sự giả vờ hay bắt chước cả, chỉ là cha mẹ và thầy cô không thể nhìn thấu điều đó. Cũng có thể nói đứa trẻ đó là nạn nhân của việc đánh giá nó có ngoan hay không.
Việc đánh giá đứa trẻ có ngoan hay không có xu hướng được xem xét dựa trên việc trẻ có nghe lời người lớn hay không, có tuân theo các quy tắc đặt ra hay không, có chín chắn không, có cư xử phải phép không, hay có là một đứa trẻ hiểu chuyện không. Việc đó sẽ ngăn cản trẻ phát triển tính tự giác. Khả năng thích ứng thực sự sẽ chỉ là giả vờ hay bắt chước nếu không được hỗ trợ phát triển tính tự giác một cách chặt chẽ.
Những đứa trẻ nổi loạn không phải là những đứa trẻ ngoan?
Cho dù trẻ chỉ đang ở độ tuổi nghịch ngợm, nhưng cần dạy cho trẻ hiểu rằng bản thân không nên làm những điều gây phiền hà cho người khác. Vậy nên không nghịch ngợm chưa chắc đã là một đứa trẻ ngoan. Ngoài ra, dù chỉ đang nổi loạn, nhưng tùy theo việc đó gây phiền phức cho mọi người xung quanh như thế nào, cũng như việc giúp trẻ tự tin hơn cũng rất quan trọng, nên một đứa trẻ nghe lời khi bị cấm những hành động nổi loạn không có nghĩa đó là một đứa trẻ ngoan.
Cha mẹ, thầy cô thường thích những đứa trẻ thật thà, nhưng thật thà ở đây có thể hiểu là tính trung thực, có thể nói rõ ra những mong muốn trong lòng mình chứ không phải răm rắp nghe theo lời người lớn thì mới thật thà.
Trẻ chỉ thực sự phát triển khi được nghịch ngợm, thẳng thắn, đôi khi nổi loạn, cùng với đó là thật thà, đôi lúc có gây gổ, nhưng rồi lại thân thiết với nhau... và cần phải biết mơ mộng, hay biết biến những điều đó thành hiện thực. Nói cách khác, một đứa trẻ thật thà thực sự luôn sống đúng với những mong muốn của bản thân, thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ của mình, không dối lòng, không phải nghĩ một đường làm một nẻo để làm hài lòng theo ý muốn người lớn.
Chính vì nhiều bậc cha mẹ không hiểu đúng nghĩa của từ thật thà nên thái độ, cách cư xử của họ đối với trẻ em thường sẽ đi kèm nhiều khó khăn và phiền phức.
Hãy suy nghĩ xem cần chú ý đến điều gì khi muốn nuôi dạy trẻ có thể thích ứng thật sự.
Có hai điểm cần lưu ý ở đây. Một là, cần dạy trẻ kiểm soát lòng ham muốn của bản thân; hai là, phải cho trẻ trải nghiệm thật nhiều.
2. Hãy dạy cho trẻ thói quen tự làm mọi việc trong cuộc sống
Phép tắc thì phải từ từ, không được vội vã
Tại sao phải tạo thói quen cư xử có phép tắc trong cuộc sống? Đó là những thói quen sẽ được hình thành dần khi sinh hoạt hàng ngày trong gia đình, và bản thân có thể tự mình cố gắng để làm được. Và nói đến việc đó, nghĩa là đang nói đến chuyện liên quan đến tính tự giác của mỗi người.
Nếu nói về thói quen sinh hoạt thì những việc như ăn, vệ sinh, ngủ,... là những thói quen cần thiết mà ai cũng có để giúp cho cơ thể phát triển toàn diện. Những việc này, khi tuổi đời còn nhỏ, trẻ cần phải được cha mẹ làm cho tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, về cơ bản thì cha mẹ đang hỗ trợ để trẻ có thể tự làm.
Nếu đói bụng, trẻ sẽ bắt đầu khóc để báo cho người lớn biết mình đang muốn bú sữa. Đó là lúc nên cho trẻ bú. Còn khi trẻ không đói mà bắt ép trẻ bú sữa sẽ làm cho nhu cầu muốn uống sữa của trẻ giảm đi.
Do đó, cần phải quan tâm đến nhu cầu muốn ăn uống của trẻ. Kể cả việc đi ngủ cũng vậy, dù đang muốn nằm xuống nghỉ ngơi, nhưng nếu chưa buồn ngủ thì cũng không thể ngủ được. Đây cũng là một điểm cần lưu ý đối với những nhu cầu bên trong của trẻ, bên cạnh đó cũng liên quan đến việc phát triển tính tự giác. Những đứa trẻ không chịu uống sữa khi còn nhỏ thường là những đứa trẻ đã từng trải qua việc bị ép uống sữa. Chỉ cần dừng việc đó lại, chúng sẽ trở thành những đứa trẻ ngoan ngoãn chịu uống sữa. Đó cũng là cùng một vấn đề trong chứng chán ăn của trẻ.
Một bác sĩ dinh dưỡng từng kể với tôi rằng có nhiều người mẹ thấy con không uống đủ sữa theo đúng chế độ cần cho độ tuổi đã rất lo lắng, sợ con không đủ dinh dưỡng nên đưa con đi điều trị về dinh dưỡng. Vị bác sĩ đã khuyên rằng hãy cho trẻ uống sữa theo nhu cầu, vì nhu cầu của mỗi trẻ mỗi khác và khả năng hấp thu dinh dưỡng ở mỗi trẻ cũng rất khác nhau. Có trẻ uống rất nhiều sữa nhưng lên cân không nhiều, và ngược lại có trẻ uống rất ít sữa nhưng tình trạng lên cân lại tốt. Đó là việc bình thường. Điều cha mẹ cần quan tâm là trẻ có khỏe mạnh, phát triển bình thường hay không.
Cùng với sự phát triển của các cơ quan vận động, các giác quan và tính tự giác, trẻ sẽ bắt đầu cảm thấy thích thú với việc tự mình ăn uống. Cơ hội tốt nhất để giáo dục đưa trẻ vào kỷ luật chính là khi trẻ bắt đầu thấy thích thú với việc tự mình làm những điều đó.
Tuy nhiên, những kỹ năng ở trẻ vẫn còn non nớt. Dù muốn ăn nhưng vẫn chưa thể điều khiển tay thành thục hoặc là làm rơi vãi thức ăn ra ngoài. Kiểu như vừa đưa tay ra thì làm đổ mất chén súp trên bàn chẳng hạn. Những lúc như vậy, người lớn cần phải cư xử thật khéo. Nếu tức giận, bạn sẽ làm cho trẻ không còn dám tự mình ăn súp nữa. Tuyệt đối không được tức giận. Dần dà, trẻ cũng sẽ điều khiển tay thành thục thôi. Nếu chỉ vì không muốn trẻ sử dụng tay mà đút cho trẻ ăn sẽ tạo thành thói quen, do đó sẽ tăng cảm giác ỷ lại muốn mẹ làm cho mọi thứ. Điều đó cũng sẽ làm chậm sự phát triển tính tự giác. Hãy bao dung hơn khi trẻ làm đổ đồ ăn. Qua thời gian, trẻ sẽ thể hiện cho bạn thấy chúng đang sử dụng tay thành thục hơn khi ăn uống. Và cùng với những lời khen được nhận, trẻ sẽ phát triển hơn những kỹ thuật đó.
Khoảng thời gian cần thiết để trẻ có thể chuyển từ tình trạng có những biểu hiện muốn tự ăn đến khi có thể thực sự tự ăn một mình là khoảng một năm. Ba tuổi hay lớn hơn nữa vẫn sẽ có những đứa trẻ chưa làm được. Dù như vậy thì tuyệt đối không được trở thành những ông bố, bà mẹ chỉ biết chỉ trích. Cần kiên nhẫn trong việc nuôi dạy trẻ. Theo đó, khả năng nhẫn nại của cha mẹ cũng sẽ tăng lên. Việc nuôi dạy trẻ là một trách nhiệm sẽ làm cải thiện nhân cách của cha mẹ.
Việc đi vệ sinh cũng vậy, cần có thời gian đến khi trẻ có thể tự mình làm được, khoảng ba đến bốn tuổi trẻ mới có thể tự cởi quần. Vậy nên cần thêm hai năm để trẻ có thể làm được một cách thành thục.
Tuyệt đối không được đốt cháy giai đoạn. Trong quá trình dạy trẻ tự đi tiểu, đầu tiên sẽ là dạy cho trẻ biết nói “Con muốn đi tiểu” mỗi lần mắc. Việc này diễn ra vào khoảng một tuổi rưỡi đến hai tuổi. Sau đó, tuy bạn đã dạy trẻ cần phải nói khi muốn đi tiểu nhưng lại không được, và bạn tức giận vì trẻ không làm theo lời mình, bạn sẽ làm cho trẻ cảm thấy lo lắng, chỉ dẫn đến việc trẻ càng không làm theo lời bạn nhiều hơn.
Ngoài ra, khi có em, sẽ có một khoảng thời gian trẻ đi tiểu nhiều hơn. Bạn cũng không được tức giận. Do việc có em là khá sốc đối với trẻ, nên cần làm cho trẻ cảm thấy yên tâm, được tiếp xúc nhiều hơn, như ôm ấp chẳng hạn.
Không được ép buộc trẻ theo tình trạng của cha mẹ
Khi trẻ buồn ngủ cũng vậy, cha mẹ cần ở bên, hát, đọc sách cho trẻ nghe,... để trẻ cảm thấy yên tâm hơn. Tất cả những bài hát ru cho trẻ em trên thế giới này đều được sáng tác với mong muốn giúp trẻ có thể yên tâm mà chìm vào giấc ngủ. Điều này rất quan trọng trong việc tạo sự ổn định về cảm xúc cho trẻ, cũng như đưa trẻ vào khuôn khổ. Nếu vì tình trạng riêng của bản thân mà người mẹ bằng mọi cách bắt trẻ phải đi ngủ sẽ làm trẻ thất vọng, thậm chí còn làm trẻ trở nên bực bội, khó chịu mỗi khi đi ngủ.
Cũng cần nói thêm, cha mẹ cần tránh dạy trẻ những thói quen xấu trong vấn đề sinh hoạt hàng ngày, như thói quen không có võng là không ngủ. Trẻ thích nằm võng ngủ, không có võng là không ngủ được đều do cha mẹ dạy. Bởi một đứa trẻ khi mới sinh đâu có biết nằm võng, đều là cha mẹ tạo thói quen nằm võng cho trẻ. Có một câu chuyện vui là vợ chồng một anh bạn đến nhà tôi chơi chở theo trên xe ô tô rất nhiều thứ cho con trai mình, nào là võng, nào là cây kiếm đồ chơi, nào là bàn ăn,… Tôi cảm giác như thể anh đang dọn hẳn một nhà trẻ sang nhà tôi. Tôi hỏi tại sao phải mang nhiều đến thế thì anh bạn bảo rằng: “Không có võng là bé không ngủ được, không có cây kiếm đồ chơi là không chịu ăn, không có bàn ăn riêng là nó quấy…”. Rõ ràng, không ít cha mẹ có xu hướng dạy con những thói quen xấu trong sinh hoạt, tự cha mẹ làm khổ mình và làm khổ cả trẻ vì vô hình trung dạy trẻ tính lệ thuộc, nghĩa là không có thứ gì đó quen thuộc là trẻ không ăn được, không ngủ được.
Hãy quay trở lại chuyện đưa trẻ vào khuôn khổ, cũng có những người mẹ đã rất cố gắng nhưng trẻ vẫn chậm phát triển. Ngoài ra, với những người mẹ bận rộn, họ không quan tâm đến những mong muốn của trẻ, bắt trẻ ăn hay đi vệ sinh theo ý mình mà không phù hợp với nhịp độ sinh hoạt của trẻ, đến một lúc nào đó, điều này sẽ làm cho trẻ bắt đầu xuất hiện tình trạng không nghe lời.
Đặc biệt là những cha mẹ nóng tính sẽ làm trẻ cảm thấy không yên tâm. Trẻ mất dần sự tự tin do sợ sẽ bị la mắng nếu làm sai, như vậy trẻ sẽ càng làm sai nhiều hơn. Càng làm sai, trẻ lại càng mất tự tin. Tôi có thấy nhiều trẻ khi làm việc gì dù nhỏ đến đâu, cũng hỏi cha mẹ: “Con làm như vậy đúng chưa?”, cứ mỗi khi làm một chút lại mỗi hỏi, khiến nhiều cha mẹ rất bực mình mà quát con. Một đứa trẻ như vậy biểu hiện sự thiếu tự tin vì cha mẹ hay khiển trách khi trẻ làm sai, hoặc được cha mẹ bảo bọc quá mức đến nỗi việc gì cũng làm cho trẻ, khiến trẻ không biết tự suy nghĩ, không biết tự mình làm. Vì thế, trẻ thiếu tự tin khi bỗng nhiên được giao cho một việc gì đó mà phải làm một mình.
Vì thế, cha mẹ cần phải dạy trẻ tự chính mình làm những việc nhỏ theo khả năng, theo độ tuổi. Ban đầu có thể trẻ không làm tốt vì tay chân trẻ còn vụng về, và vì trẻ còn chưa quen, nhưng theo thời gian, kỹ năng sẽ tốt hơn rất nhiều. Có nhiều cha mẹ hay la mắng con: “Sao việc nhỏ như vậy mà không làm được”, chắc họ chưa từng nghĩ lại khi còn nhỏ, bản thân họ cũng chẳng làm tốt hơn con bao nhiêu.
Cả về những thói quen trong việc đi vệ sinh cũng vậy. Những việc như rửa tay, rửa mặt, dùng bàn chải đánh răng, súc miệng,... không thể làm tốt ngay từ đầu được. Tuyệt đối không được hối thúc trẻ như “Nhanh lên! Nhanh lên!”, hay “Làm gì mà lâu vậy!”. Nếu vội vàng thì chắc chắn những phần mẹ làm giúp trẻ sẽ nhiều hơn. Đây là sự bảo bọc quá mức.
Khi trẻ hơn năm tuổi, người mẹ sẽ chẳng thể nào vui vẻ khi làm giúp trẻ những điều đó. Và một khi đã hình thành thói quen hay dựa dẫm ở trẻ, sẽ rất khó mà sửa được. Giống như một cây bonsai, nghệ nhân chỉ có thể uốn nắn cây theo hình dáng mình mong muốn khi cây còn nhỏ. Khi cây đã phát triển cứng cáp thì không còn có thể uốn nắn theo ý muốn được. Dạy trẻ cũng giống như tạo hình cho cây bonsai. Cần phải giáo dục trẻ từ khi trẻ còn nhỏ và cần phải kiên nhẫn, nếu không lại phản tác dụng.
Khi trẻ hơn hai tuổi, dù trẻ có làm sai, dù có mất thời gian đi chăng nữa, người mẹ vẫn phải thực sự kiên nhẫn chờ đợi khi trẻ đang tự thực hành những điều sẽ hình thành nên thói quen sau này. Thái độ nuôi dưỡng bằng cách chờ đợi này cũng rất quan trọng nếu muốn đưa trẻ vào khuôn khổ, đặc biệt đây chính là cách ủng hộ trẻ để trang bị cho trẻ những thói quen sinh hoạt tự giác.
Việc thay đồ cũng tốn thời gian nữa. Trong khi thay đồ, trẻ sẽ nhìn thấy nhiều thứ gây xao nhãng xung quanh nên thường trẻ sẽ có xu hướng vừa chơi đùa vừa thay đồ. Những lúc như vậy đừng quá cứng nhắc. Đặc biệt là khi bạn lo rằng nếu cứ để trần truồng mà chạy loanh quanh sẽ bị cảm mất, bạn sẽ vô tình hối thúc: “Nhanh lên! Nhanh lên!” và trở nên bực tức với trẻ. Cảm là do nhiễm virus. Vì vậy, nếu không nhiễm virus sẽ không bị cảm. Nếu có hiểu biết về việc này, dù trẻ không mặc đồ thì bạn cũng sẽ không nổi giận mà hối thúc trẻ nhanh lên.
Hãy giúp trẻ hiểu được rằng nếu không nói ra,sẽ không có ai giúp đỡ
Khi tự lập trong những thói quen sinh hoạt, luyện tập phản xạ có điều kiện là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc mắng mỏ và bắt trẻ làm theo sẽ không hình thành được thói quen tự giác.
Khi tìm hiểu về sự phát triển ở trẻ, người ta thường rất hứng thú với điều đó, nhưng đến khi tự mình thực hiện thì lại không còn hứng thú nữa mà thay vào đó là cảm thấy phiền phức. Quan trọng là cần phải nghiên cứu và thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau nếu cảm thấy điều này phiền phức, hoặc những khi không biết nên làm gì.
Việc nghiên cứu này thể hiện tính tự giác ở người mẹ. Những người mẹ không có tính tự giác sẽ chỉ kết thúc ở việc phàn nàn. Người mẹ có tính tự giác sẽ luôn có sự sắp xếp rõ ràng, ví dụ như luôn thay bàn chải đánh răng hay xà phòng, có khay đựng và xà phòng riêng dành cho trẻ em,... Ngoài ra, nếu tìm thấy cách để tạo sự hứng thú khi chăm sóc con cái thì sẽ có rất nhiều ý tưởng xuất hiện. Người mẹ có tính tự giác sẽ luôn nghĩ đến cách khơi gợi sự hứng thú ở con trong mọi việc, thay vì làm cho trẻ cảm thấy như bị bắt phải làm. Ví dụ, vào sáng sớm, mẹ có thể nói: “Con gái của mẹ thức dậy đã thơm tho chưa nào?”, và giả bộ ngửi miệng bé rồi lắc đầu bảo: “Con gái chưa đánh răng, chưa thơm miệng thì làm sao hôn mẹ đây”. Thế là trẻ sẽ cảm thấy rất thích thú và tự giác đi đánh răng để được mẹ khen là thơm miệng và được hôn mẹ.
Tóm lại, chúng ta sẽ thấy được sự hoàn thiện tương đối về việc tự lập trong thói quen sinh hoạt ở trẻ từ bốn đến năm tuổi. Hoàn thiện ở đây có nghĩa là không cần mẹ phải giúp mà trẻ vẫn có thể tự làm.
Tuy chúng ta mong đợi nhiều hơn, như là mẹ không cần phải nói gì mà trẻ vẫn có thể tự mình duy trì phát triển thói quen đó chẳng hạn, nhưng để có thể được như vậy thì cần thêm vài năm nữa.
Dù trẻ mới bắt đầu học tiểu học mà đã quen tự lập trong sinh hoạt đi nữa, thì thực tế cũng có không ít trường hợp chỉ là giả. Đó chỉ là trẻ đang làm theo những bài huấn luyện hàng năm của chúng ta mà thôi. Vì một trong những mục đích quan trọng của việc huấn luyện này là kiểm tra xem nó có giúp trẻ thực sự tự lập hay không, nên về thói quen sinh hoạt, nếu trẻ không nói gì, trẻ sẽ không nhận được sự giúp đỡ nào cả. Nếu vậy, đứa trẻ đó sẽ bắt đầu không rửa mặt, không sử dụng bàn chải đánh răng,...
Trong số đó, ở trong trung tâm huấn luyện một tuần, có cả những đứa trẻ không thay đồ, thậm chí là đồ lót một lần nào. Những đứa trẻ như vậy, trong sinh hoạt hằng ngày sẽ chỉ làm những việc được cha mẹ sai bảo chứ không phải vì chúng có tính tự giác. Vì thế, khi không có cha mẹ giám sát, chúng sẽ không làm nữa. Trong đó, có những đứa trẻ không tạo nên thói quen sinh hoạt do những hành động trẻ làm sau khi thức dậy được quyết định bởi điều kiện đi kèm. Trong trung tâm huấn luyện, điều kiện sinh hoạt thay đổi nên những điều kiện đi kèm cũng ít đi.
Mặt khác, trong trung tâm huấn luyện, có những đứa trẻ có thể làm tốt những việc như rửa mặt, đánh răng, thay đồ,... nhưng cũng có cả những đứa trẻ thờ ơ với việc vui chơi. Không thể gọi đấy là sự phát triển đúng hướng được nếu không thể tự vui chơi, khám phá. Những đứa trẻ như vậy chỉ đang được trang bị những thói quen sinh hoạt hằng ngày mà chậm phát triển tính tự giác.
Việc tự lập trong thói quen sinh hoạt là quan trọng, nhưng cần phải nhận biết được nó có đang đi cùng với sự phát triển tính tự giác hay không, hay chỉ là giả mà thôi.
Cách để nhận biết được điều này là bạn cần ngưng ra lệnh cho con, và thử giao hết mọi thứ liên quan đến thói quen sinh hoạt cho trẻ. Nên làm như thế ngay cả trong việc vui chơi của trẻ. Cha mẹ cần giải thích tại sao trẻ phải tự chăm sóc bản thân. Chẳng hạn như, cho trẻ xem hình ảnh về những con vi trùng có trong miệng để biết miệng chúng ta dơ như thế nào, hay cho trẻ xem hình ảnh những trẻ bị sâu răng do không vệ sinh răng miệng. Từ đó, trẻ sẽ hiểu một cách trực quan sinh động rằng cần phải vệ sinh răng miệng để không bị sâu răng. Một khi ý thức được ý nghĩa quan trọng của việc vệ sinh răng miệng, trẻ sẽ tự giác đánh răng mỗi ngày.
Nếu trẻ tạo được thói quen sinh hoạt, hơn nữa còn tự mình biết được lúc nào có thể vui chơi, đó chính là trẻ đang phát triển theo đúng trình tự, cũng như là tính tự giác.
3. Bằng cách này, trẻ sẽ có thể giảm bớt ham muốn
Sao con tôi lại bướng thế nhỉ?
Ham muốn đang muốn nói ở đây chủ yếu là ham muốn về vật chất, tiền bạc. Khi bạn nghĩ bạn muốn có một vật gì đó và bạn cố gắng tìm cách để có nó trong tay, đó gọi là ham muốn. Những ham muốn như vậy, người lớn chúng ta có không ít nhưng chúng ta suy nghĩ nhiều để khống chế nó, nên hãy xem như chúng ta đang bảo vệ kế sinh nhai. Nếu người mẹ thích gì mua nấy thì sẽ chỉ thất bại trong chi tiêu mà thôi. Ngoài ra, nếu do hạn chế về mặt kinh tế trong gia đình mà lừa dối người khác, thì đó chính là hành vi phạm tội.
Như vậy, từ khi còn nhỏ, chúng ta đã phải nuôi dưỡng khả năng kiềm chế ham muốn từng chút một rồi. Trẻ mới sinh cũng vậy, đến khoảng sáu hay bảy tháng tuổi, dù có khóc vì đói, nhưng nếu bạn nói với trẻ là: “Mẹ sắp xong rồi, con đợi chút nhé”, thì dù trẻ không hiểu đi nữa cũng sẽ bắt đầu đợi khi nghe thấy giọng của bạn.
Ham muốn của trẻ em bắt đầu từ nhu cầu ăn uống. Khi trẻ muốn ăn hay uống gì, chúng sẽ khóc để đòi. Đặc biệt trẻ em rất thích đồ ngọt, nên đây sẽ là thứ mà chúng đòi nhiều nhất. Do đó, cần phải quyết định khi nào thì cho, cũng như giới hạn số lượng, nếu không trẻ sẽ trở nên ích kỷ, và còn bị sâu răng nữa.
Vì thế, nếu là trẻ sơ sinh, hãy quyết định thời gian cho hai bữa phụ ngoài ba bữa chính, khi đến bữa thứ tư, cho dù trẻ có muốn gì mà nếu không phải thời gian đã đặt ra, trẻ cần phải đợi cho tới khi đến giờ (Tuy nhiên, nếu là nước lọc thì bạn vẫn nên cho trẻ uống đủ).
Điều quan trọng chính là phải nói rõ ràng với trẻ: “Đợi đến giờ đã”, “Chờ đến giờ ăn nhẹ nhé”, dù trẻ có đòi đi chăng nữa. Tuy nhiên, trẻ sẽ không hiểu được điều này. Chúng bắt đầu khóc to, có khi còn vừa khóc vừa ăn vạ. Những lúc như vậy, cũng có cha mẹ thấy ồn ào hay thương xót quá mà bất giác nói với trẻ: “Chỉ một miếng thôi nhé”, rồi cho chúng đồ ăn. Trường hợp có người già cũng sống trong gia đình hay lấy lý do rằng không được làm cho trẻ khóc hay trẻ đang hành động lạ lắm… để đáp ứng nhu cầu của trẻ.
Khi nghe được câu nói “Chỉ một miếng thôi nhé” và được cho kẹo ngon, việc này sẽ càng làm tăng nhu cầu muốn ăn thêm của trẻ. Và như thế, trẻ sẽ cứ vừa thút thít vừa: “Con muốn ăn, con muốn ăn” đúng không? Cuối cùng, bạn sẽ chịu thua trước tiếng khóc đó và nói: “Miếng cuối cùng đấy nhé”. Như vậy, trong trường hợp trẻ vẫn còn muốn ăn, chúng chỉ cần khóc to hơn mà thôi.
Cách đối xử như vậy chính là nguyên nhân hình thành nên một đứa trẻ ích kỷ. Đứa trẻ đó chẳng những không được dạy cách kiềm chế ham muốn, mà còn không hề tin tưởng vào lời nói của người lớn. Theo thời gian, trẻ sẽ càng ngày càng ham muốn nhiều hơn một cách vô lý. Vì thế, chúng ta thấy cảnh rất nhiều trẻ mè nheo mẹ, năn nỉ hoặc khóc cho đến khi đòi được thứ mình muốn mà không hiểu rõ cha mẹ có năng lực tài chính để mua món đồ đó cho trẻ hay không. Một đứa trẻ ích kỷ như vậy sẽ không có sự cảm thông đối với người khác vì chỉ quan tâm đến cảm xúc và ham muốn của bản thân mà thôi.
Vì thế, khi trẻ đòi cái gì, dù cho trẻ có khóc mè nheo, bạn cũng phải bảo vệ được lời nói của mình: “Đợi đến giờ đã nhé”. Theo đó, trẻ sẽ tin tưởng vào lời nói của người lớn và sự chú ý đến thời gian của trẻ cũng sẽ lớn dần lên.
Điều này cũng đúng với đồ chơi. Hãy quyết định sẵn ngày sẽ mua đồ chơi cho trẻ, và phải tạo cho trẻ thói quen chờ đến lúc đó. Khi đi ngang qua cửa hàng đồ chơi, người mẹ tận tình sẽ muốn làm cho trẻ vui bằng cách mua đồ chơi cho chúng, như vậy thì cứ mỗi khi đi ngang qua cửa hàng đồ chơi, trẻ sẽ lại đưa ra yêu cầu: “Con muốn mua”, đúng không? Lúc đó, cho dù bạn có nói: “Lần sau nhé”, thì cũng sẽ có lúc trẻ không nghe lời. Có cả những đứa trẻ vừa khóc vừa kéo ngược trở lại cửa hàng để đòi cho bằng được thứ mình muốn. Lúc đó, nếu đáp ứng nhu cầu của trẻ, sau này sẽ trở thành vấn đề lớn.
Những đứa trẻ như vậy do thường xuyên được đáp ứng nhu cầu về ăn uống trong nhà nên chúng sẽ không tin vào câu nói “Lần sau nhé” của mẹ, và vì chúng có niềm tin rằng kiểu gì thì chúng cũng sẽ có được thứ mình muốn nên chúng sẽ khóc nhiều hơn. Trong trường hợp trẻ biết rằng mẹ chúng không muốn người đi đường nhìn thấy là mình đang làm cho trẻ nhỏ khóc, chúng sẽ càng tận dụng triệt để cách đó hơn.
Vì thế, người mẹ cần phải kiên quyết cho trẻ chờ đợi. Cũng cần nhắc lại là, cách giáo dục này phải thống nhất với tất cả những người thân trong gia đình. Nếu người mẹ kiên quyết không mua cho trẻ món đồ trẻ yêu cầu mà ông bà trong nhà lại vì xót cháu mà mua cho, như thế sẽ không có tác dụng trong việc giáo dục trẻ. Vì trẻ biết được một điều rằng nếu mẹ không mua thì ông bà sẽ mua cho mình.
Tôi có nhiều bạn bè tâm sự rằng họ rất muốn dạy con theo cách riêng của hai vợ chồng nhưng không dạy được vì ông bà luôn can thiệp mỗi khi họ dạy dỗ con cái.
Người mẹ keo kiệt mới chính là người mẹ tốt
Nếu cứ tiếp tục thỏa mãn ham muốn của trẻ như vậy, càng lớn trẻ sẽ càng đòi hỏi những thứ đắt tiền hơn, và như vậy sẽ rất phiền phức.
Năm cuối tiểu học thì muốn mua camera, lên trung học thì muốn mua xe đạp, xe máy... nhu cầu sẽ leo thang, cùng với đó là việc sử dụng đến cả bạo lực đối với cha mẹ để đòi hỏi ham muốn được đáp ứng. Không ít những đứa trẻ có hành vi bạo lực gia đình là do đã mang mầm mống đó ngay trong cuộc sống lúc nào cũng được đáp ứng mọi nhu cầu. Khi học trung học, cơ thể lớn hơn, bạo lực nhiều hơn, và gia đình sẽ rơi dần vào bế tắc.
Khi vào tiểu học, cần phải giáo dục trẻ về chuyện tiền bạc. Hãy để trẻ hiểu được bằng cách cho trẻ một khoản tiền tiêu vặt nhất định, trẻ sẽ tự thỏa mãn những ham muốn của bản thân trong giới hạn số tiền đó, còn nếu vượt quá giới hạn thì sẽ phải nhẫn nhịn.
Nếu không quyết định rõ số tiền tiêu vặt là bao nhiêu mà cứ cho khi trẻ xin, bạn sẽ gặp phải tình trạng việc chi tiêu trong tháng bị dôi ra nhiều so với tính toán, và sẽ không tập được cho trẻ khả năng kiềm chế ham muốn.
Và rồi, khi đến tuổi dậy thì, tuổi mà trẻ bất ngờ quan tâm hơn đến ngoại hình, nhu cầu cũng cao hơn và liên tục đòi hỏi, nếu cha mẹ từ chối, trẻ sẽ bắt đầu lấy từ ví của cha mẹ, hay sử dụng bạo lực, hoặc kiếm tiền bất hợp pháp từ người khác. Cha mẹ cần nhớ những hậu quả nghiêm trọng đều bắt nguồn từ những mầm mống được gieo ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Chiều theo ham muốn của trẻ không phải là thương trẻ mà là hại trẻ.
Hãy suy nghĩ đến điều đó, tốt nhất là cho trẻ một khoản tiền tiêu vặt nhất định khi trẻ bắt đầu vào học tiểu học. Đầu tiên là cho trong một tuần, dần dần thì cho trong vòng một tháng.
Khi mới bắt đầu, trẻ sẽ không biết tiết kiệm đâu. Tuy nhiên, từ từ trẻ sẽ có kế hoạch, sẽ có lúc trẻ biết chuyển thành tiền tiết kiệm thôi. Trong khoảng thời gian đó, đôi lúc trẻ nói: “Mấy bạn khác được nhiều hơn con”, hay trách là “Mẹ thật keo kiệt”, nhưng chính những người mẹ keo kiệt mới là người sẽ cho trẻ có được khả năng kiềm chế ham muốn.
Nhân tiện đây, ngày càng có nhiều những người cha có suy nghĩ không muốn làm cho trẻ mất tự do, hoặc là do cảm thấy có lỗi khi hầu như có rất ít thời gian để chơi cùng con, nên bù đắp bằng cách cho tiền hoặc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của trẻ. Điều này chẳng những không giúp được gì cho trẻ trong việc kiềm chế ham muốn, mà còn gây ảnh hưởng đến mối quan hệ cha con nữa.
Trong trái tim của trẻ, hình ảnh người cha sẽ trở thành người cho tiền, mua đồ cho chúng. Trẻ sẽ chỉ vui vẻ và nói “Cảm ơn” khi được nhận những thứ đó, chứ không hề có sợi dây gắn kết quan hệ nào cả. Và nhu cầu về vật chất của trẻ chỉ có tăng lên mà thôi. Có những đứa trẻ khôn đến mức biết triệt để tận dụng tâm trạng áy náy của cha mà đòi hỏi vô lý. Người cha càng vì áy náy không có thời gian chơi với con mà đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ thì càng đẩy trẻ vào con đường lầm lạc sau này. Bởi sẽ có một ngày những ham muốn đó cha mẹ không đáp ứng được, trẻ sẽ tìm cách lấy từ những người khác.
Có những bậc cha mẹ vẫn vô tư đáp ứng ham muốn của con vì họ hoàn toàn có khả năng tài chính mà không hiểu rằng ham muốn một khi được nuôi dưỡng sẽ càng không có giới hạn, trong khi năng lực của con người thì có hạn. Nếu sống cùng với người già, hay có hàng xóm là người già, thì kiểu gì những nhu cầu về vật chất hay tiền bạc ở trẻ sẽ được thỏa mãn nhiều hơn bình thường. Họ nói rằng: “Tại muốn thấy cháu nó cười nên mới cho đồ, cho tiền thôi”. Nếu thật sự thương cháu mình, chỉ mong người già trong gia đình hãy xem xét việc đợi đến khi cháu đủ lớn chứ đừng thỏa mãn ham muốn vật chất của trẻ một cách khinh suất như vậy.
Nghiên cứu về đời sống của trẻ em cho thấy, rất ít trẻ từ nhỏ được dạy rằng ham muốn của chúng sẽ được thỏa mãn tùy theo người lớn quyết định. Đến thời điểm trẻ vào cấp hai hay cấp ba, trẻ sẽ bảo chúng muốn những món đồ đắt tiền hơn, và sẽ lặp đi lặp lại điều đó với cha mẹ bất kể ngày đêm cho đến khi chúng có được thứ mình muốn, thậm chí có trẻ còn uy hiếp cha mẹ bằng dao nếu không đưa tiền cho chúng.
Khi lớn lên, trẻ sẽ trải qua cảm giác mất tự do, cần phải làm cho trẻ có được khả năng xoay xở với điều này điều kia, khả năng tự xoay xở này quan trọng hơn bất kỳ điều gì trong việc phát triển tính tự giác, cũng như khả năng thích ứng ở trẻ.
Hãy nuôi dạy để trẻ có thể chờ đợi, chịu đựng
Ngoài ra, trong gia đình, cần phải có cam kết về thời gian. Trong đó, cam kết thời gian về nhà là điều quan trọng nhất. Và khi không thể về đúng giờ quy định, cũng cần phải cam kết gọi điện thông báo cho gia đình.
Nếu không có một chút kỷ luật, hay sợi dây tình cảm không được gắn kết giữa cha mẹ và con cái, sẽ chỉ tạo ra ảnh hưởng ngược lại, trẻ thậm chí dần coi cha mẹ như là những người “nhiều chuyện”. Đối với sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và con cái, việc chơi đùa cùng hay tiếp xúc là rất quan trọng, điều này cũng đã được nói đến ở chương 2.
Trẻ sẽ tỏ thái độ lạnh lùng với những luật lệ nghiêm khắc. Có thể nói rằng tất cả đều dựa vào sợi dây gắn kết tình cảm ấy. Đó cũng là điều sẽ giúp trẻ chùn bước khi có ý định thực hiện những hành vi không đúng đắn. Nếu sợi dây kết nối tình cảm giữa cha mẹ và con cái không đủ mạnh, hãy nỗ lực nghiên cứu nhiều cách khác nhau để biến nó thành sự thật dù cho con bạn có đang ở độ tuổi nào đi nữa. Điểm này cũng đã được nói đến ở chương 2.
Nếu giữa cha mẹ và con cái đã tồn tại khoảng cách thì vẫn không quá muộn để hàn gắn lại. Quan trọng là phải sửa sai ngay khi phát hiện mình đã sai lầm trong cách dạy con và dùng thái độ chân thành với con, tôn trọng ước muốn, khát vọng chính đáng của con. Với sự kiên trì, về lâu về dài sẽ cải thiện tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
Ngoài ra, cũng có cha mẹ nói rằng con của chúng tôi chẳng hề kỳ kèo, xin xỏ bất cứ thứ gì cả… nhưng những đứa trẻ như vậy có hai vấn đề cần xem xét.
Thứ nhất, đó là trường hợp chúng không cần phải xin xỏ gì vì đã và đang được mua cho nhiều đồ chơi hay những thứ khác. Khi đã sở hữu quá nhiều đồ chơi, chúng chẳng còn cần phải xin xỏ nữa. Nếu không được dạy cách kiềm chế ham muốn mà lớn lên như vậy, một khi bắt đầu xin điều gì đó thì sẽ khó có thể kiểm soát được. Nghĩa là, trẻ sẽ thay đổi, bắt đầu sử dụng cả bạo lực để có thể lấy được những gì mình muốn.
Thứ hai là trường hợp trẻ không thể đòi hỏi. Đó là trạng thái do nghe lời cha mẹ, cho rằng đòi hỏi sẽ trở thành đứa trẻ hư. Mặc dù cha mẹ nói: “Con muốn mua gì, nói đi”, nhưng vì không muốn bị nói là đứa trẻ hư nên trẻ sẽ trả lời: “Không sao ạ!” hoặc “Không cần đâu ạ!”. Nghĩa là trẻ đang ngại với chính cha mẹ mình, và thiếu đi sự kết nối tình cảm giữa cha mẹ với con cái. Những đứa trẻ như vậy đã thiếu thật thà. Chúng cần được giải thoát ra khỏi khuôn khổ “đứa trẻ ngoan, đứa trẻ hư” đã bị đóng khung từ nhỏ. Nếu không, những vấn đề nguy hiểm sẽ phát sinh đã được nói đến trước đó sẽ xảy ra khi trẻ qua tuổi vị thành niên.
4. Hãy cho trẻ thử cảm giác mất tự do
Hãy để trẻ quyết định chúng muốn ăn bao nhiêu
Hãy dạy trẻ khả năng kiềm chế ham muốn, và dạy cho trẻ hiểu về tầm quan trọng của việc tiết kiệm. Khi bắt đầu dạy về việc không được để lại đồ thừa, có thể có một cách là bắt trẻ phải ăn hết tất cả những thứ trên bàn mà mẹ đã nấu, nhưng nếu làm như vậy, e rằng sẽ chỉ làm giảm sự thèm ăn ở trẻ, thậm chí còn dẫn đến hiện tượng từ chối ăn ở trẻ.
Những người mẹ bắt trẻ làm điều đó là do đang thiếu kiên nhẫn, muốn con mình mập lên bằng mọi cách, muốn con mình lớn nhanh hơn. Việc ép trẻ do thiếu kiên nhẫn như vậy đã vô tình bỏ qua luôn tính cá nhân của sự phát triển, hay sự thèm ăn của trẻ.
Cần phải xem trọng tính cá nhân của sự phát triển cơ thể, hay sự thèm ăn ở trẻ. Tính cá nhân của sự phát triển cơ thể ở trẻ được biểu hiện đa dạng, ở trẻ to lớn, nhỏ con, mập hay gầy đều có. Có trẻ muốn ăn nhiều, có trẻ chỉ cần ăn ít hơn lượng bình quân cũng phát triển tốt.
Sự tiết kiệm ở đây bắt đầu từ nguyên tắc không được để thừa đồ ăn, hãy để trẻ quyết định chúng muốn ăn bao nhiêu. Đồ ăn được để nhiều ở đó, nhưng trẻ chỉ múc một lượng nhỏ theo khả năng trẻ muốn ăn, có nghĩa là trẻ đang lựa chọn theo tính tự giác. Trẻ một, hai tuổi sẽ làm theo những gì mẹ nói nhưng dần dần, hãy chỉ bảo để trẻ có thể tự làm dựa vào cảm giác của bản thân. Khoảng thời gian đầu, cũng sẽ có những lúc trẻ lấy quá nhiều. Khi đó, hãy bắt đầu dạy trẻ rằng để lại đồ ăn thừa là không tốt, như vậy trẻ sẽ dần có thể tự mình biết được lượng đồ ăn phù hợp với bản thân.
Trẻ cũng sẽ giục mẹ: “Nữa đi ạ!” khi muốn nhiều hơn, hay có thể tự tăng giảm theo ước lượng của bản thân. Nếu được như vậy, trẻ sẽ không còn để thừa bất cứ thứ gì trên đĩa nữa. Ở châu Âu, người ta được dạy rằng khi còn thừa nước sốt thịt, hãy lấy bánh mì để quết sạch. Cho nên sau khi ăn, đĩa của họ thường rất sạch sẽ. Như vậy cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều cho người rửa chén bát.
Cũng cần lưu ý là trẻ có thể vì không muốn ăn, hoặc đang mê chơi nên chỉ muốn ăn một lượng nhỏ, sau đó quay lại với trò chơi còn dang dở. Nếu trẻ chỉ múc một lượng nhỏ, cha mẹ cũng không cần vì lo lắng con ăn không đủ no mà múc thêm thức ăn cho con. Điều đó sẽ không dạy được cho con tính tự giác. Lúc đó, cha mẹ chỉ cần nói với con: “Con nên ăn cho no, nếu không sẽ rất nhanh đói. Tối nay bảy giờ cả nhà mới dùng cơm tối. Con có chịu đói được đến lúc đó không?”. Có thể khi ấy trẻ vẫn tự tin rằng trẻ sẽ không đói nhanh như vậy và vẫn không nghe theo lời bố mẹ. Nếu sau đó không lâu trẻ lại đói và muốn được cho ăn thì cha mẹ cần phải kiên quyết không cho trẻ ăn bù, buộc trẻ phải chờ đến giờ cơm tối mới được ăn. Điều này dạy trẻ tính kỷ luật và tự giác. Nhiều cha mẹ xót con nên không kiên quyết cho trẻ nhịn đói đến giờ cơm tối. Làm như vậy sẽ khiến trẻ càng xem thường tính kỷ luật và không quý trọng đồ ăn. Đã không quý trọng đồ ăn thì trẻ sẽ khó học được tính tiết kiệm. Cha mẹ cần dạy trẻ hiểu rằng trên thế giới rất nhiều người không có cái ăn, đôi lúc để trẻ nhịn đói thì trẻ mới trải nghiệm được cảm giác đói, không có cái ăn sẽ như thế nào. Như vậy, trẻ mới quý thức ăn mà bớt lãng phí, đồng thời bài học “nhịn ăn cho đến giờ cơm tối” cũng dạy trẻ tính kỷ luật và tự giác nữa.
Trước tiên, cha mẹ hãy bớt lãng phí
Ở Nhật, sau bữa ăn thường còn rất nhiều đồ ăn thừa. Người phương Tây bảo rằng: “Trong thùng rác ở Nhật có nhiều chất dinh dưỡng lắm!”.
Có nhiều người Đức ăn cả vỏ trái cây. Rất ít người gọt vỏ táo rồi mới ăn. Đó là do họ biết rằng dưới lớp vỏ có rất nhiều vitamin, đến mức ăn luôn cả phần hạt cũng có.
Bữa tối được gọi là bữa ăn nhẹ, để ăn hết những gì còn dư của bữa trưa. Vì họ biết rằng nếu để qua đêm, đồ ăn dễ bị hư hỏng, vitamin B hay C sẽ mất đi.
Việc quyết định không bật đèn cũng là do họ tiếp nhận những lưu ý về việc lãng phí. Vừa bật đèn phòng vừa bật đèn bàn là một điều lãng phí. Ở Đức, họ lắp bóng đèn cầu thang là loại có công tắc tự động, cứ sau ba phút sẽ tự động tắt.
Có gia đình đang sử dụng những tờ quảng cáo làm giấy ghi chú. Đối với nguyên liệu cho môn thủ công ở miền Tây nước Đức, phế liệu được sử dụng rất nhiều.
Vào năm Chiêu Hòa 30 (1955), Nhật Bản vẫn là một đất nước nghèo khó, cho nên người dân được học cách tiết kiệm trong sinh hoạt. Tuy nhiên, sau này, tình hình kinh tế phát triển, kéo theo đó là khơi dậy sự bùng phát không tưởng của việc “mua sắm làm con người ta hạnh phúc”, dẫn đến sử dụng lãng phí ở các gia đình.
Vì những đứa trẻ luôn có suy nghĩ rằng cho dù chúng có làm mất đồ thì cũng sẽ được mua lại ngay, nên chúng sẽ chẳng có ý định tìm kiếm cây bút chì, cục tẩy mà chúng đã làm rơi đâu đó trong lớp học.
Trong sinh hoạt hằng ngày, trẻ sẽ quan sát cách sinh hoạt của cha mẹ và học theo. Một lần nữa, quý vị phụ huynh hãy kiểm tra lại xem mình có đang lãng phí hay không. Nếu có, hãy bắt đầu giảm đi dần dần.
Với trẻ em cũng vậy, không được mua lại ngay cho chúng những đồ vật mà chúng làm mất. Hãy để chúng cảm nhận cảm giác không tự do, cảm giác thiếu thốn là như thế nào. Bạn sẽ không thể giáo dục con cái một cách tốt nhất nếu vẫn có những suy nghĩ như: “Tôi không muốn con mình cảm thấy không tự do hay bị thiếu thốn”…
Nếu trẻ được mua lại ngay những đồ chúng làm mất, chúng sẽ không quý trọng đồ vật đó, không có ý thức giữ gìn. Vì thế, trong trường hợp trẻ làm mất đồ, cha mẹ cần cho trẻ hiểu nếu làm mất thì sẽ không thể mua lại cái khác, vì cha mẹ còn phải chi tiền cho rất nhiều thứ khác trong gia đình. Cha mẹ phải cho trẻ biết các khoản cha mẹ phải thanh toán hằng tháng mà trẻ không ý thức được như tiền điện, tiền nước, tiền đổ rác, tiền gửi xe, chưa kể tiền học phí của trẻ,… để trẻ hiểu rằng: “Không có thứ gì trong nhà là xài mà không cần trả tiền”. Cha mẹ có thể lấy ví dụ để trẻ dễ hình dung: “Nếu không trả tiền điện thì ba mẹ sẽ không thể bật tivi cho con xem được. Nếu không có tiền mua thực phẩm thì ba mẹ sẽ không thể nấu món ăn mà con yêu thích được…”. Tất nhiên, cha mẹ đã nói thì phải làm, thậm chí cho trẻ nhịn ăn món trẻ yêu thích, với lý do không còn đủ tiền mua món đó vì con không biết tiết kiệm.
5. Phát triển khả năng ứng xử phù hợp với xã hội
Hãy để trẻ được giúp đỡ cha mẹ dần dần
Để có thể nuôi dưỡng khả năng thích ứng với xã hội, khi còn nhỏ, phải cho trẻ có được những trải nghiệm phong phú ngay trong gia đình, nghĩa là hãy để trẻ tham gia làm công việc nhà. Khi trẻ học lớp ba, lớp bốn, giao hoàn toàn công việc nhà cho trẻ chịu trách nhiệm.
Khi trẻ khoảng một tuổi, bắt đầu biết đi biết chạy, trẻ đã manh nha có ý muốn giúp đỡ người lớn rồi. Khi muốn cởi quần, trẻ sẽ đưa chân ra; khi muốn mặc áo khoác, trẻ sẽ cong tay lại. Đó là biểu hiện cho thấy trẻ muốn giúp đỡ mẹ có thể mặc đồ cho trẻ dễ dàng hơn.
Nếu đi đúng hướng, trẻ sẽ bắt đầu nỗ lực làm theo những điều mẹ làm bằng cách này hay cách khác. Khi muốn di chuyển đồ đạc, nếu bạn nói: “Giúp mẹ nào!”, thì khi có khách đến nhà, trẻ sẽ giúp bạn lấy nệm cho khách ngồi. Lúc này, dù có mất thời gian hay phiền phức, khi nhận được sự giúp đỡ từ trẻ, hãy nói: “Cảm ơn con”, làm vậy có thể thúc đẩy mong muốn giúp đỡ của trẻ hơn nữa.
Trước khi trẻ tròn ba tuổi, bạn có thể bắt đầu giao thêm nhiều việc hơn. Trẻ có thể giúp bày đũa, đồ ăn ra bàn, hay giúp dọn dẹp bàn sau khi ăn xong. Tuy nhiên, đối với trẻ, đó cũng được xem là một yếu tố để vui chơi nên sẽ có kiểu chỉ muốn làm theo cách của mình hoặc là làm rơi chén bát. Những lúc đó, người mẹ nóng tính sẽ cho rằng chẳng cần phải giúp đỡ làm gì cho vướng chân vướng tay, nhưng trong việc giáo dục con trẻ, phải luôn tâm niệm rằng không có những ví dụ thì trẻ sẽ không làm được, sẽ không thể mong chờ được gì cả. Giáo dục chính là qua thời gian, những việc chưa có kinh nghiệm sẽ trở nên thành thục hơn.
Ngoài ra, sẽ có một khoảng thời gian trẻ có hứng thú với việc nghe điện thoại. Mỗi khi chuông reo, nếu không phải là người đầu tiên bắt máy, trẻ sẽ tỏ ra không hài lòng. Như vậy cũng thất lễ với người gọi điện, nhưng đây lại là cơ hội tốt để dạy trẻ nghe điện thoại. Hãy dạy trẻ lắng nghe câu chuyện của phía bên kia một chút, rồi sau đó nói: “Cháu sẽ chuyển máy cho mẹ bây giờ. Xin bác chờ một chút ạ!”, trẻ sẽ nghe theo lời bạn. Có thể sẽ mất một chút thời gian, nhưng sẽ không đến ba mươi, bốn mươi giây đâu.
Khi được năm tuổi, trẻ sẽ bắt đầu có thể làm bánh. Bạn có thể để trẻ chiên trứng ốp la. Trẻ cũng có thể giúp bạn giặt những món đồ nho nhỏ.
Cho trẻ cùng tham gia vào những công việc như vậy, trẻ có thể tự học những việc như làm bánh như thế nào, có thể chiên trứng ốp la không,… dựa vào những hiểu biết đó, trẻ sẽ tự tin hơn trong cuộc sống.
Khi đi mua sắm, hãy để trẻ là người trả tiền, hoặc để trẻ kéo cần khi câu cá, hoặc là khi đi tàu điện, phải đưa tiền vào như thế nào,... Để trẻ thực hành những việc đó nhằm giúp trẻ phát triển khả năng thích ứng với xã hội. Khi để trẻ làm những việc đó, có thể trẻ sẽ làm không được nhanh nhẹn hoặc là làm rớt tiền, sẽ có những chuyện phiền phức xảy ra, nhưng hãy nhắm mắt làm ngơ và để trẻ được trải nghiệm nhiều hơn.
Khi trẻ bắt đầu vào tiểu học, hãy suy nghĩ tìm hiểu nhiều hơn về việc tự học này để trẻ có thể học hỏi một cách có hệ thống, có phương pháp hơn.
Tóm lại, các bậc cha mẹ cần hiểu rằng điều quan trọng trong việc giáo dục con trẻ không phải là kết quả, tức là trẻ có hoàn thành tốt công việc được giao hay không, mà là quá trình trẻ trải nghiệm việc chăm sóc, giúp đỡ người lớn, được giao việc như một thành viên trong nhà, vì trong quá trình đó, trẻ sẽ học được cách yêu thương, quan tâm đến cha mẹ, trẻ sẽ học được tính tự giác và có được sự tự tin sau khi hoàn thành công việc mẹ giao. Nếu có thất bại, trẻ sẽ nỗ lực hơn nữa nếu cha mẹ khuyến khích trẻ. Nếu trẻ làm việc nhà chung với em nhỏ, hoặc anh chị của mình, trẻ sẽ học được tinh thần làm việc nhóm, thắt chặt hơn nữa sợi dây tình cảm.
Khi nhận thức được mục đích của việc giáo dục trẻ, dù cha mẹ có thấy trẻ làm bể chén bát, hay có lau nhà mà đổ nước ra khắp nhà, cha mẹ cũng sẽ không la mắng trẻ mà còn khuyến khích con làm tốt hơn ở những lần sau.
Hãy nhớ, luôn để cho trẻ tự làm những việc trong khả năng. Đừng giành làm thay trẻ khi trẻ làm không tốt công việc được giao. Luôn khuyến khích khi con thất bại. Điều cuối cùng là hãy tận hưởng quá trình học hỏi và lớn lên của con.
Những trải nghiệm khó khăn đi kèm với sự tự tin
Ở trung tâm huấn luyện của chúng tôi (hiện đang dừng hoạt động), lấy đối tượng là trẻ học tiểu học, chúng tôi mong muốn nếu có thể thì những thứ mà trẻ đem đến trung tâm đều được trẻ tự chuẩn bị mà không nhờ đến mẹ. Nếu được, chúng tôi sẽ đề nghị những người mẹ hãy chỉ im lặng quan sát, để trẻ tự chuẩn bị quần áo của chúng trong vòng một tuần. Nếu chuẩn bị không đủ khi đã đến trung tâm, trẻ sẽ cảm thấy không thoải mái, lúc đó chúng tôi sẽ bổ sung cho trẻ. Do luôn trong tình trạng không thoải mái, nên điều này sẽ giúp ích rất lớn cho lần chuẩn bị tiếp theo.
Trong đó cũng có những đứa trẻ đem theo cái này cái kia, nhưng điều đó chỉ làm cho suy nghĩ thêm nặng nề và làm trẻ cảm thấy thiếu thốn hơn mà thôi. Dù đã ghi tên lên quần áo hay những đồ dùng đem theo, nhưng đó là do người mẹ đã bày con mình viết như vậy. Thực ra chính những thứ mà người mẹ cần mẫn sắp xếp, chuẩn bị cho trẻ mới dễ để quên. Có nhiều đứa trẻ khi chúng tôi tập hợp lại những bộ đồ bị rơi rải rác và hỏi: “Đây là đồ của ai?”, chúng trả lời: “Không phải của em” với vẻ mặt không biết gì. Nhưng việc này sẽ ít xảy ra nếu trẻ là người xếp đồ vào ba lô thay vì mẹ của các em.
Trong trung tâm huấn luyện, chúng tôi muốn trẻ nấu món cơm cà ri. Lúc đầu chúng tôi không cho trẻ sử dụng dao, toàn bộ khoai tây hay cà rốt đều đã được người lớn gọt vỏ hết. Tuy nhiên, vì nghĩ rằng cũng nên cho trẻ luyện tập, nên chúng tôi đã quyết định để cho trẻ làm từ đầu đến cuối.
Chúng tôi đã nói với những người mẹ rằng hy vọng họ sẽ cho phép trẻ được luyện tập sử dụng dao trước khi đưa trẻ đến đây nhưng lần đầu tiên, một phần năm số trẻ đã bị thương. Đó là do trẻ đã không được luyện tập đủ. Tuy nhiên, đến lần thứ hai, thứ ba, chỉ khoảng một, hai trẻ bị thương ở ngón tay ở mức độ chảy máu.
Chúng tôi cũng để trẻ sử dụng diêm để đốt lửa. Những đứa trẻ chưa được học cách dùng nhánh cây để bắt lửa, nên có dùng hết một hộp diêm thì lửa cũng không bén. Chuyện đó cũng phải được dạy trước.
Trẻ em dạo gần đây thường sống trong gia đình sử dụng điện, hay hầu như không làm việc nhà. Trong số những đứa trẻ không biết cách quẹt diêm, có những đứa trẻ nói rằng: “Chúng ta không mua máy nhóm lửa dùng để đi cắm trại (bếp lò) ạ?”. Chúng tôi luyện tập sử dụng đá lửa để nhóm bếp, nghĩa là chúng tôi nghĩ rằng nên dạy cho trẻ cả khởi nguyên của nền văn minh này. Những kỹ năng sống đó rất cần thiết vì không phải trẻ lúc nào cũng có thể mang theo bếp lò, bếp từ trong mọi hoàn cảnh. Đây cũng là cách trang bị cho trẻ thêm khả năng thích ứng với điều kiện xã hội, môi trường thay đổi.
Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn trẻ tạo một cái bếp lò để nấu ăn, nhưng ngay lập tức có những trẻ than phiền: “Mệt quá ạ!”. Chúng tôi chia thành từng nhóm làm những việc khác nhau (như tạo bếp lò, khuân củi khô, hay gọt vỏ củ quả), nhưng tùy theo cách làm của từng trẻ mà thời gian làm xong việc cũng khác nhau. Nhóm nỗ lực làm việc theo trình tự đã hoàn thành bữa cơm trong vòng hai tiếng rưỡi, nhưng nhóm không làm theo trình tự, hay có những đứa trẻ lười biếng, thì có khi mất hơn ba tiếng rưỡi. Và những nhóm bắt đầu ăn sớm sẽ vừa ăn trong trạng thái liếc ngang liếc dọc vừa nói: “Ngon quá! Ngon quá!”.
Khi những đứa trẻ đi đến chỗ những đứa trẻ đang ăn và nói: “Đói quá!”, hay “Cho tớ ăn một miếng đi!”, những đứa trẻ đã làm xong sớm sẽ chia phần của mình với vẻ rất đắc ý. Chỉ một chút thôi vậy mà… Do không phải đồ tự mình làm ra nên không có đòi hỏi gì quá đáng, đúng là trẻ con phải không?
Tóm lại, như đã đề cập ở trên, tùy vào việc tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm nhiều thứ, chủ yếu ở đây là việc nhà, trẻ sẽ phát triển tính tự giác, kéo theo đó là sự tự tin đối với cuộc sống. Trong chuyện này sẽ có rất nhiều khó khăn, nhưng việc trải nghiệm những khó khăn đó và tùy thuộc vào việc trẻ có vượt qua hay không mà khả năng thích ứng với xã hội cũng sẽ phát triển.
Đừng chăm sóc trẻ quá nhiều
Khi tới tuổi dậy thì hay tuổi thành niên, nếu khảo sát kỹ đời sống của những đứa trẻ, hiện tượng trốn học thường xảy ra ở những đứa trẻ có ít kinh nghiệm thực tế. Người mẹ hầu như không giao việc nhà cho chúng. Có cả những người tự cho rằng chăm sóc trẻ nhiều một chút sẽ làm cho bản thân trở thành người mẹ tốt.
Nếu người mẹ suy nghĩ đến việc giáo dục con bằng cách giao việc hoàn toàn cho trẻ, dù có giao cho trẻ bao nhiêu việc, trẻ cũng sẽ làm được. Ít nhất thì những việc như chuẩn bị bàn ăn hay dọn dẹp sau bữa ăn, trẻ nhỏ cũng có thể làm được. Những suy nghĩ kiểu như “Đừng có làm những việc này, hãy đi học bài đi” sẽ làm méo mó quá trình phát triển tính cách ở trẻ.
Ở điểm này, cũng cần có sự giúp đỡ của người cha nữa. Nếu người cha xem tivi vào giờ đi ngủ, bé trai sẽ bắt chước làm y như thế. Nếu người cha không hề có ý định giúp đỡ gì trong công việc nhà, bé trai cũng sẽ quen dần với điều đó. Chúng tôi muốn cho trẻ thấy hình ảnh một người cha siêng năng hơn trong mắt trẻ.
6. Khả năng cố gắng sẽ tiếp sức cho khả năng thích ứng
Sai lầm khi làm trẻ vui
Ta thường bắt gặp hình ảnh một người mẹ đang đứng và để trẻ ngồi khi đang đi trên xe buýt hoặc tàu điện. Chúng ta có thể bắt gặp cảnh đó ở cả những bà mẹ có con học cấp hai, cấp ba, thật chán nản với sự bảo vệ thái quá như thế.
Những đứa trẻ này khi lớn lên, tôi nghĩ chúng sẽ không nhường ghế cho những người khuyết tật hay người già. Chúng sẽ trở thành những người trẻ đáng thương ngồi vào ghế dành cho người già và giả vờ ngủ.
Trẻ con vốn có nhiều thể lực. Học sinh tiểu học vẫn còn có thể chạy vòng vòng ngay sau khi vừa đi leo núi về. Vì vậy, nên để trẻ đứng trong những phương tiện giao thông công cộng. Đặc biệt là với học sinh tiểu học, hãy tin rằng đứng như vậy là bình thường dựa trên thể lực của trẻ. Những đứa trẻ tạo được niềm tin đó ở cha mẹ sẽ trở thành những con người mạnh khỏe.
Khi đi mua sắm, cần để trẻ giúp cầm những đồ nặng vì trẻ con cũng khá khỏe. Đây cũng là cảnh có thể bắt gặp ở nước Đức, những đứa trẻ được mua cho cây thông Noel, đôi khi cũng vừa đi vừa nghỉ tay trên đường vận chuyển cây về nhà. Người mẹ sẽ luôn đi bên cạnh, tay đỡ lấy cây với vẻ mặt: “Cố lên! Cố lên!”. Còn ở Nhật thì sao? Người cầm cây sẽ là mẹ, còn trẻ sẽ cứ thế đi tay không về nhà.
Có một chuyện như thế này xảy ra ở trung tâm huấn luyện sâu trong núi Okutama của chúng tôi. Khi trẻ trở về với ba lô nặng trĩu trên vai, sau khi đi qua ba ki-lô-mét đường trong mưa. Những đứa trẻ năm nhất nhỏ người cũng đã cố gắng vượt qua. Tôi đã rất xúc động khi nhìn thấy những bóng dáng đó. Không thể tin nổi là chúng lại khỏe đến thế.
Thế nhưng, bước xuống xe buýt, vừa trao trả lại những đứa trẻ cho những người mẹ đến đón con, họ đã ngay lập tức gỡ những chiếc ba lô trên vai chúng xuống và đeo giúp chúng. Tôi đã không kịp nghĩ gì mà nói lớn: “Chúng đã tự mình leo xuống ba ki-lô-mét đường núi đấy!”. Vì tôi đã tin tưởng và đang cố trang bị cho trẻ khả năng cố gắng.
Sự chăm sóc, bảo bọc quá mức của cha mẹ sẽ không dạy trẻ khả năng cố gắng và tính tự giác, cũng như không dạy trẻ biết yêu thương. Đứa trẻ sẽ không cảm thấy yêu thương mẹ khi chưa từng trải qua cảm giác xách đồ nặng suốt một đoạn đường về nhà từ siêu thị, hay khi làm những việc nhà phụ giúp mẹ, trẻ mới biết mẹ đã hy sinh và cực nhọc như thế nào. Có trải nghiệm mới cảm thấy mọi thứ quý giá. Vì thế, cha mẹ đừng bảo bọc trẻ, làm hết mọi việc cho trẻ mà hãy để trẻ tự trải nghiệm mọi việc.
Hãy tranh thủ mọi cơ hội để trang bị cho trẻ khả năng cố gắng
Những người cha đưa trẻ đến vui chơi ở những nơi nổi tiếng hay công viên giải trí bằng xe riêng cũng đang làm cho trẻ trở nên mềm yếu hơn. Ở trung tâm huấn luyện của chúng tôi, chúng tôi sẽ cho trẻ leo núi. Những đứa trẻ vừa bắt đầu đã ngay lập tức than mệt, hầu hết là thành viên trong gia đình sở hữu xe riêng.
Trong số đó, có cả những đứa trẻ không lâu sau khi bắt đầu leo núi thì nói: “Sao lại bắt mình làm những việc này chứ” và ghét luôn cả tôi. Những đứa trẻ như vậy dù chỉ mới gặp một chút khó khăn cũng sẽ chán nản ngay. Vì thế, hãy tạo cơ hội và đưa trẻ đi đến những nơi có cảnh quan thiên nhiên vào những ngày nghỉ, đi leo núi hoặc là trèo cây cũng được, hãy trở thành người cha chỉ bảo để trẻ có được cả sức khỏe thể chất lẫn sức mạnh tinh thần.
Đây là phương pháp trọng yếu để trẻ phát triển khả năng thích ứng, không chán nản trước bất kỳ khó khăn nào. Ngoài ra, hãy tranh thủ cơ hội xây dựng khả năng cố gắng đạt được điều gì đó. Khi cố gắng, trẻ sẽ trở nên mạnh mẽ.
7. Chú ý cảnh giác an toàn,giáo dục thực địa
“Sự cố bất ngờ” – Nguyên nhân cũng là do không chú ý
Với trẻ dưới năm tuổi, nguyên nhân gây tử vong lớn nhất là gì? Có lẽ người mẹ nào cũng sẽ trả lời là do “sự cố bất ngờ”, đúng không? Tai nạn bất ngờ đang chiếm 40% trong tổng số ca tử vong ở trẻ trong thời kỳ sơ sinh. Nhiều nhất là tử vong do các phương tiện giao thông, tiếp theo là đuối nước.
Không có gì đau thương hơn việc xảy ra tai nạn bất ngờ như vậy. Những đứa trẻ đang chơi đùa vui vẻ, đầy sức sống có thể bị tước đi sinh mạng bất cứ lúc nào… Bất ngờ ở đây là việc mình không thể lường trước được. Tuy nhiên, đằng sau việc không lường trước được đó đang ẩn giấu việc người lớn đã không chú ý đến trẻ nhỏ. Sự không chú ý đó, nhìn vào những ví dụ về tai nạn giao thông sẽ thấy, xảy ra do người lái xe không phải là ít.
Dù có bảo rằng khi thấy trẻ thì đèn đang đỏ, nhưng trẻ luôn có thể nhảy ra bất ngờ mà. Khi đang mải chơi, trẻ sẽ không phán đoán được tình trạng xung quanh.
Ở trẻ em, dù có nói với trẻ rằng: “Phải quan sát xung quanh chứ!”. Nếu có đứa trẻ vừa chơi vừa cẩn thận quan sát xung quanh, thì đứa trẻ đó đang cư xử không giống như những đứa trẻ bình thường khác. Hoặc là đứa trẻ đó cực kỳ nhát gan, hoặc là nó đang không chuyên tâm vào việc chơi đùa, tóm lại sau này chúng sẽ trở nên ngỗ ngược, khó bảo.
Vậy nên những người đang lái xe hãy luôn luôn chú ý đến trẻ em. Tôi thiết tha mong muốn có thể phổ cập triệt để vấn đề này đến các tài xế.
Một đối tượng khác cũng đã không cẩn thận chú ý đó chính là người mẹ. Tuổi của những đứa trẻ bị tai nạn giao thông cao nhất là khoảng ba, bốn tuổi. Hơn nữa, nơi gặp tai nạn nhiều nhất là khu vực gần nhà. Lý do là người mẹ đã rời mắt khỏi con mình chỉ một khoảnh khắc mà thôi.
Hãy luôn để trẻ sơ sinh ở những nơi có thể quan sát
Tại sao bạn lại rời mắt khỏi trẻ? Muốn không rời mắt khỏi trẻ, chúng ta hãy nghĩ đến việc cho trẻ tham gia làm việc nhà chẳng hạn.
Khi cho trẻ tham gia làm việc nhà, sẽ có nhiều vấn đề phiền phức xảy ra. Tuy nhiên, khi bạn chịu đựng được những phiền phức đó – chỉ bảo chi tiết những nguyên tắc về việc nhà cho trẻ, để trẻ làm việc một cách thông minh – thì đấy là một trong những phương pháp giúp trẻ phát triển khả năng thích ứng. Nếu nghĩ rằng để trẻ làm việc nhà chỉ tổ phiền phức thêm và xua trẻ đi chỗ khác, thì những đứa trẻ đã chán chơi ở trong nhà sẽ chạy ra khỏi cửa. Đó là lúc tai nạn chực chờ.
Đặc biệt là khi trẻ bị mẹ la mắng, trong đầu trẻ sẽ chỉ còn suy nghĩ về chuyện đó thôi, nên chẳng thể nào để ý đến xung quanh được nữa.
Khi bạn làm những công việc mà không thể cho trẻ tham gia vào, để trẻ không thể một mình ra khỏi nhà, bạn phải khóa cửa nẻo cho cẩn thận. Tóm lại là, từ thời kỳ trẻ sơ sinh, bạn không được phép rời mắt khỏi trẻ.
Rời mắt khỏi trẻ là sự bất cẩn của cha mẹ. Ở trường mẫu giáo, trẻ mà bị thương thì cha mẹ sẽ quở trách giáo viên tại sao lại bất cẩn. Hy vọng mọi người hãy ý thức rằng trách nhiệm quản lý con cái khi chúng ở nhà là của cha mẹ.
Ngoài ra, việc trẻ em chạy ra đường và bị xe ô tô tông phải khi người mẹ đang đứng nói chuyện trên vỉa hè xảy ra cũng không ít. Vì vậy, khi ra ngoài mà đưa trẻ theo cùng, cha mẹ hãy ưu tiên chơi cùng trẻ.
Thế nhưng khi người mẹ gặp được bạn mình và đắm chìm vào những câu chuyện phiếm, có lúc họ thậm chí còn quên luôn cả con. Vào những lúc đó, trẻ cảm thấy chán nên muốn chạy nhảy. Hoặc là dù có để ý đến con mình đi nữa, nhưng khi nghĩ rằng vừa làm như vậy vừa nghe người khác nói chuyện là không tốt, sẽ vô tình lắng nghe lâu hơn, khoảnh khắc đó chính là lúc tai nạn xảy ra.
Để phòng tránh những tình huống như vậy, chỉ cần nói với đối phương rằng: “Hôm nay tôi có dắt con theo nên không thể nói chuyện nhiều được, lần sau gặp mình sẽ nói nhiều hơn nhé”. Nếu đối phương nói: “Kệ chúng đi là được mà”, vì những người như vậy không có sự quan tâm, nên lần tới, an toàn nhất vẫn là chọn cách không gặp lại nữa. Khi đưa trẻ theo cùng, nếu có tình cờ gặp người nào đó bên đường, tôi hy vọng cha mẹ sẽ có một thái độ đúng đắn vì con của mình.
Một hình ảnh thường thấy là khi người mẹ dẫn con đi trên đường, hay đi dạo trong công viên, đứa con hay đi theo sau người mẹ thay vì đi ở phía trước. Lý do là bước chân của trẻ quá ngắn nên người mẹ cảm thấy khó chịu vì con đi chậm, và thế là mẹ cứ đi trước, để con lẽo đẽo theo sau. Đó là một người mẹ thiếu quan tâm. Làm sao người mẹ có thể thấy được những gì xảy ra đằng sau lưng mình. Vì thế, có trường hợp trẻ rơi xuống một cái hố nào đó ở bên đường mà mẹ không hề hay biết. Lẽ ra rủi ro này hoàn toàn có thể phòng tránh, nhưng chính vì sự vô tâm của người mẹ mà tai nạn đáng tiếc đã xảy ra đối với con trẻ.
Bạn có đang là hình mẫu cho trẻ hay không?
Khi xuống xe buýt hay xe hơi, có những đứa trẻ hay xuống trước cả cha mẹ. Tuy nhiên, hãy tạo thói quen cha mẹ là người xuống trước, sau khi nhận thấy xung quanh đã an toàn rồi mới cho trẻ xuống.
Dù trẻ có ngang bướng đòi xuống xe trước đi nữa cũng không được phép. Nếu trẻ không chịu nghe lời, đó là biểu hiện của việc trẻ chưa được giáo dục trong cuộc sống thường nhật.
Ngoài ra, về việc tuân thủ luật lệ giao thông (như đi bên phải đường, nhìn đèn hiệu giao thông rồi mới sang đường...), cha mẹ cũng nên bắt đầu tự kiểm tra bản thân xem mình đã làm được điều đó hay chưa, vì cha mẹ chính là hình mẫu cho con trẻ noi theo mà. Cha mẹ cần phải dạy trẻ tuân thủ luật lệ giao thông qua việc chính mình phải luôn tuân thủ.
Chúng ta có thể bắt gặp cảnh cha mẹ cố gắng kéo con chạy đến bến xe buýt cho dù đèn hiệu giao thông đã chuyển sang màu vàng. Bạn có thể biện hộ rằng tại vì nếu không lên xe buýt kịp, bọn trẻ sẽ trễ giờ mất, nhưng khi đứa trẻ ra ngoài, cần phải đúng luật, vì vậy tốt nhất là hãy chuẩn bị từ sớm. Chạy vội vàng lên xe buýt khi đèn đã chuyển sang vàng rất nguy hiểm cho cha mẹ và con trẻ, cũng như những người đi đường xung quanh. Người ta vẫn hay nói: “Đừng nhanh một phút để chậm một đời”.
Cảm xúc của người lái xe sẽ quyết định cách xe chạy. Nếu người lái xe đang bực bội, kéo theo đó là sẽ xuất phát như bay, cuối cùng là sẽ gặp tai nạn. Do vậy, khi chở trẻ trên xe, cần phải tuân theo luật lệ giao thông và lái xe an toàn. Lúc này, vai trò của bạn là dạy cho trẻ biết luật lệ giao thông. Ngoài ra, trong lúc lái xe, những đứa trẻ có ý định đưa tay, mặt ra ngoài cửa sổ, hãy dạy trẻ rằng điều đó không đúng với quy định khi ngồi xe. Nếu trẻ không nghe lời, hãy tuyên bố rằng từ nay về sau chúng sẽ không được ngồi lên xe nữa. Nếu không nghiêm khắc như vậy, sẽ không thể tránh được nguy hiểm khi đi xe.
Khi hỏi trẻ: “Con có biết người ta gắn gương chiếu hậu để làm gì không?”, đã có trẻ trả lời rằng: “Để xem có cảnh sát hay không”. Rõ ràng đứa trẻ đó đang phản ánh lại thái độ lái xe của người cha. Do trẻ đã thấy cha của chúng chạy quá tốc độ và lo lắng về điều đó nên phải nhìn vào gương chiếu hậu. Theo đó, bạn cũng đang dạy trẻ rằng chỉ cần không bị cảnh sát bắt thì có chạy quá tốc độ cũng chẳng sao cả.
Ngoài ra, hãy dạy trẻ rằng sẽ rất khó khăn nếu có phát sinh sự cố khiến phải dừng đột ngột, đặc biệt là khi bạn phải dừng đột ngột do trẻ bất ngờ chạy ra đường. Đây là cơ hội rất quan trọng để dạy cho trẻ đang ngồi trên xe biết được việc chạy ra đường như vậy nguy hiểm như thế nào. Khi chở trẻ đi bằng xe riêng của gia đình, hãy tận dụng những cơ hội quan trọng để giáo dục trẻ nhiều thứ, đặc biệt là vấn đề tai nạn giao thông.
Kiểm tra trước những nơi nguy hiểm kề cận
Những tai nạn tử vong do nước thì xảy ra rất nhiều. Nguy hiểm liên quan đến nước có mặt ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, rất ít các bậc phụ huynh biết được rằng nơi nguy hiểm thì có xung quanh nhà mình. Cha mẹ cần kiểm tra trước những nơi trong phạm vi con trẻ sẽ chơi đùa, dù là cha mẹ đã sống lâu ở nơi như vậy rồi. Vào sáng sớm những ngày nghỉ, cha mẹ phải kiểm tra lại xem có nguy hiểm hay không, nhất định phải làm như thế.
Tôi từng biết một trường hợp đau lòng ở gần nơi tôi đang ở. Một đứa bé gần một tuổi đã tử vong vì một thau nước chỉ cao chưa đầy hai cen-ti-mét. Người mẹ cho đứa con vọc nước trong thau, rồi đứa bé vô tình ngã sấp mặt vào thau nước và ngạt thở, dẫn đến tử vong. Sự bất cẩn này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đừng nghĩ chỉ một thau nước với lượng nước quá ít ỏi là không hề nguy hiểm. Đối với trẻ dưới một tuổi, phần đầu luôn nặng hơn phần thân, nên khi trẻ cúi xuống và ngã sấp mặt thì chúng đều không tự nâng đầu lên khỏi mặt nước được. Những tai nạn như vậy luôn luôn xảy ra xung quanh ta.
Cũng có trẻ rơi xuống ống cống trước nhà, do nhân viên thi công đường ống chưa đóng nắp cống lại. Vấn đề là ống cống không đậy nắp như vậy đã tồn tại nhiều ngày mà vẫn không ai lên tiếng. Do đó, nếu nhận thấy yếu tố nguy hiểm, ngay lập tức hãy thông báo cho chính quyền và trình báo bằng văn bản để lập đối sách. Hơn nữa, nếu đối sách có vẻ chậm, hãy kêu gọi sự hưởng ứng của những bậc cha mẹ xóm giềng và không ngừng kiến nghị. Như trường hợp ống cống chưa đóng nắp ở trên, người dân có thể tìm một phiến đá để tạm thời che miệng cống lại và rào xung quanh khu vực nguy hiểm, lập biển báo để người đi đường đề phòng. Đồng thời, hãy dẫn trẻ con ra chỗ nguy hiểm đó, dạy cho chúng hiểu nơi ấy nguy hiểm như thế nào và dặn trẻ không được lại gần.
Đối với trẻ nhỏ, dù bạn có nói cho chúng nghe bao nhiêu lần đi nữa, thì cũng không có hiệu quả. Ví dụ, trước cổng trường, dù cho mỗi ngày có nhắc rằng: “Hãy chú ý xe”, nhưng rồi chúng cũng để lọt từ tai này qua tai kia thôi.
Giáo dục cần thiết đối với trẻ nhỏ là giáo dục thực tế. Những cha mẹ đang giáo dục ứng với thực tế là những người đang giáo dục chi tiết bằng việc nắm bắt đặc điểm của con cái, nên nhất quyết sẽ không có chuyện để con mình gặp những tai nạn do sự bất cẩn của chính mình. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng khu vui chơi an toàn và cầu vượt.
Không nên sợ những vết thương nhỏ
Ngoài ra, một điều nữa là xin những người làm cha làm mẹ đừng lo sợ những vết thương nhỏ. Với trẻ em năng động, dù làm gì đi nữa chúng cũng sẽ bị những vết thương nhỏ. Trẻ em hay bị thương thì được cho là những đứa trẻ tuyệt vời với nguồn năng lượng dồi dào. Vì luôn cãi nhau, nên chúng hay làm bản thân bị thương và cũng làm đối phương bị trầy xước. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ lại phàn nàn với giáo viên ở trường mẫu giáo và trường tiểu học về những vết thương bị gây ra tại trường. Việc bị phàn nàn từ các bậc cha mẹ thì rất phiền phức, nên giáo viên đã cố gắng chăm sóc sao cho học sinh không bị thương.
Có một hiệu trưởng nọ, hướng về phía giáo viên mới vào trường và đã nói như thế này: “Tôi muốn không có một vết thương nào xảy ra trong trường cả”. Ông đã nói như là tránh phiền hà xảy đến với bản thân mình vậy.
Chính vì thế, trẻ con khi cố gắng dùng hết sức lực và mạo hiểm, thì ngay lập tức nhiều giáo viên sẽ ngăn lại. Vì sẽ gặp rắc rối khi bị thương do cãi nhau, nên cũng có nhiều giáo viên cố gắng không để chúng cãi nhau. Cũng vì vậy mà trẻ chậm phát triển việc tự ý thức và nâng cao sự hăng hái. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho trẻ không có động lực.
Hơn nữa, đang xuất hiện những giáo viên đối xử với những đứa trẻ hay mạo hiểm và cãi nhau như là những đứa trẻ ngỗ ngược. Tiêu chí đánh giá đứa trẻ ngoan đang bắt đầu bị bóp méo. Ngày càng có nhiều giáo viên hiểu sai rằng một đứa trẻ nghe lời giáo viên và người lớn là đứa trẻ ngoan.
Dù gì đi nữa, hãy nghĩ rằng bị những vết thương nhỏ là điều đương nhiên với những hoạt động của trẻ con. Hãy dừng lại việc phàn nàn với giáo viên. Phụ huynh hãy gửi gắm giáo viên làm cho con em mình trở nên hoạt bát hơn nữa. Đáng tiếc là nhiều bậc cha mẹ khi gửi con đến trường chỉ quan tâm đến việc con có lên cân hay không, có được ăn uống đầy đủ không, ăn món gì vào mỗi buổi ở trường, mà không quan tâm đến việc cô giáo dạy con như thế nào. Nếu cần một người chăm sóc nhu cầu ăn uống của con, có lẽ người cha, người mẹ không cần đưa con đến trường mà chỉ cần thuê người trông trẻ ở nhà là đủ rồi. Đến trường là để con được thầy cô dạy các kỹ năng sống, được lớn lên trong môi trường tập thể, học cách kết bạn, khả năng tự giác, vận động,…. Nhưng các bậc cha mẹ dường như chỉ xem các cô giáo như “vú em” thay vì là người cô có năng lực sư phạm, có thể dạy trẻ nên người.
Ví dụ, khi giáo viên cho đứa trẻ chạy marathon để trẻ rèn luyện sức khỏe, ngay sau khi về nhà, người mẹ đã gọi cho giáo viên và đề nghị rằng: “Đừng làm cho con tôi phải đổ mồ hôi như vậy nữa!”. Hay bà mẹ lại phàn nàn với cô giáo: “Vì sao tháng này con tôi không lên cân?” mà không hỏi trường dạy con cái gì. Có nhiều người suy nghĩ như người mẹ này, bởi thực tế không ít cha mẹ muốn con cái của họ được chăm sóc thật là kỹ lưỡng.
Vì thế, tôi cho rằng cha mẹ hãy xem lại mục tiêu của mình khi đưa con đến trường là gì. Đưa con đến trường để trẻ được dạy những kỹ năng cần thiết. Những hoạt động vận động như chạy marathon, tập thể dục buổi sáng để rèn luyện sức khỏe cũng là điều không thể thiếu. Thay vì cản trở cô dạy trẻ bằng những lời phàn nàn như trên, cha mẹ hãy phối hợp với cô giáo để có thể dạy con trở thành đứa trẻ năng động, tự giác, dễ kết bạn,... Cha mẹ có thể thương lượng trước với cô giáo về phương pháp dạy con ở nhà để cô giáo có thể thống nhất cách dạy với gia đình. Nếu ở nhà, cha mẹ dạy con tự chăm sóc bản thân (như tự mặc quần áo, tự cất ba lô, tự cất giày ở nơi quy định,…), cha mẹ cũng nên yêu cầu cô giáo để trẻ tự làm những việc như thế ở trường. Mỗi khi trẻ bị té ngã, trầy xước, cha mẹ cũng nên yêu cầu cô giáo để trẻ tự đứng lên, không được đỡ bé. Thực tế là rất nhiều cô giáo e ngại việc trẻ về nhà với một vết thương ở đâu đó trên người, rất sợ cha mẹ sẽ phàn nàn. Cha mẹ có thể xua tan nỗi lo ngại này bằng việc thương lượng với cô giáo trước.
Một lần nữa, tôi mong mỏi các bậc phụ huynh đầu tiên hãy để cho con cái được thỏa sức hoạt động, được tự do phát triển mà không bị gò ép phải tuân theo mệnh lệnh của người lớn. Được thỏa sức hoạt động có nghĩa là đang có giá trị sống.