- Ths. Phạm Thị Thúy
Xem tivi nhiều gây tác hại đối với trẻ. Trước tiên, mắt trẻ dễ bị cận thị, các tế bào thần kinh bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, do ngồi một chỗ, ít vận động nên tác phong chậm chạp, dễ béo phì… Lâu dần, trẻ sẽ trở nên thụ động trong giao tiếp. Ngoài ra, trẻ còn bị ảnh hưởng xấu khi xem chương trình của người lớn, đặc biệt phim tình cảm dễ dẫn đến dậy thì sớm, quan tâm đến chuyện yêu đương sớm.
Những biểu hiện dễ nhận thấy trẻ thích xem tivi và xem tivi quá nhiều là trẻ xem quá hai giờ/ngày, xem liên tục không tự nghỉ. Khi cha mẹ bắt ngừng xem thì tỏ ra khó chịu, bứt rứt không yên và không thiết tha với bất cứ trò chơi nào khác.
Để hạn chế điều đó, trước hết, các bậc cha mẹ lấy chính mình làm tấm gương, tránh xa tivi để cho trẻ quen với môi trường đó. Vai trò của cha mẹ rất quan trọng khi giúp trẻ điều chỉnh thói quen, bởi cha mẹ là những người gần gũi nhất, có tác động mạnh nhất tới trẻ. Nếu trẻ đã nghiện xem tivi, cần có biện pháp cai từ từ. Việc ngăn cấm ngay lập tức sẽ tạo nên những phản ứng xấu từ trẻ (bỏ ăn, cãi lại, bướng bỉnh…, thậm chí thu mình trong phòng, tự tử…).
Trẻ chỉ có thể bớt xem tivi nếu cha mẹ tạo ra nhiều hoạt động hấp dẫn cho trẻ, ví dụ như tổ chức trò chơi cho cả nhà, đi chơi ngoài trời (chơi thú nhún, công viên…), đi thăm anh em họ hàng, bạn bè có con nhỏ cùng tuổi con mình để giao lưu, vui chơi. Cha mẹ cần quan tâm, nói chuyện với trẻ về các nhu cầu của trẻ, vừa nói chuyện vừa đùa vui. Các trò chơi vui vẻ giữa cha mẹ và con rất cần cho sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần cho trẻ. Các hoạt động này cũng giúp trẻ quên tivi.
Cần quy định rõ với trẻ được xem tivi giờ nào trong ngày, thời gian bao lâu và theo dõi có thưởng phạt kịp thời cho trẻ. Tốt nhất là chỉ nên cho trẻ xem tối đa 30 phút mỗi lần; vào dịp hè, xem hai lần/ngày; vào năm học, chỉ nên xem một lần/ ngày. Trẻ dưới 2 tuổi tốt nhất là chưa cho xem tivi. Tất nhiên, cha mẹ không nên máy móc quá. Nếu trẻ đang xem dở một chương trình nào đó trẻ thích, thì cha mẹ nên kiên nhẫn cho trẻ xem hết và trừ giờ cho những lần xem sau. Cách này tốt hơn là bắt trẻ tắt tivi khi đang giữa chương trình hay của trẻ. Cách ứng xử mềm dẻo, linh hoạt của cha mẹ với trẻ sẽ giúp trẻ thêm gần gũi cha mẹ và biết nghe lời cha mẹ hơn. Một kinh nghiệm hay là quy định giờ xem cho trẻ. Trẻ bắt đầu mở tivi là chỉ đồng hồ cho trẻ biết được xem 30 phút và đến thời điểm nào là kết thúc. Cha mẹ cũng luôn nhắc: "Năm phút nữa hết giờ nhé" để trẻ không bị hụt hẫng khi mẹ tắt tivi.
Cha mẹ nên cùng xem với con để định hướng chương trình nào con nên xem và trao đổi với con về những chương trình ấy. Qua những câu chuyện, trò chơi, hoạt động trên tivi, cha mẹ có thể lồng vào những bài học giá trị sống, kỹ năng sống cho trẻ, ví dụ xem chương trình truyện cổ tích, cha mẹ cùng trẻ rút ra bài học bổ ích như sự trung thực, lòng thương người…
HÃY ĐỂ TRẺ TIN VÀO NHỮNG LỜI HỨA
Có rất nhiều câu chuyện cha mẹ không giữ lời hứa với con, từ đó dẫn tới việc con sau đó không nghe lời, hoặc trách móc người lớn cứ bắt trẻ giữ lời hứa trong khi người lớn lại quên.
Có thể trẻ em chưa nói lên suy nghĩ của mình, nhưng việc người lớn hứa mà không thực hiện sẽ tác động, ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ như làm trẻ cảm thấy không được tôn trọng, lâu dần dễ khiến trẻ mất niềm tin vào mọi người, mọi thứ xung quanh. Vì thế, người lớn phải ý thức được tầm quan trọng của việc giữ lời hứa.
Để những cái gật đầu không thành lời hứa lèo, người lớn hãy chú ý hơn tới những cái gật đầu, nghĩ xem lời hứa sẽ khả thi tới mức nào... Khi đã hứa, nên có điều kiện kèm theo, chú tâm thực hiện cho bằng được và khi không thể thực hiện được, thì phải giải thích để trẻ dễ dàng chấp nhận. Nếu không giữ được lời hứa thì nên xin lỗi trẻ và cố gắng đừng tái diễn.
- Ths. Phạm Thị Thúy