- Ths. Nguyễn Thị Minh
Nhà giáo dục người Ý, maria montessori, chia sự phát triển của con người ra làm bốn giai đoạn, từ lúc mới sinh đến 6 tuổi, từ 6 đến 12 tuổi, từ 12 đến 18 tuổi và từ 18 đến 24 tuổi. mỗi giai đoạn có những đặc trưng riêng và tương ứng là các phương pháp tiếp cận giáo dục khác nhau cho từng giai đoạn.
Giai đoạn sau sinh đến khi trẻ được khoảng 6 tuổi là giai đoạn đầu tiên. Theo quan sát của montessori, trong suốt giai đoạn này trẻ trải qua quá trình phát triển tâm sinh lý không ngừng và mạnh mẽ nhất. Trẻ là những cá nhân học tập và khám phá thế giới xung quanh rất tinh tế bằng các giác quan nhạy bén của mình, từ đó hình thành nên tính độc lập và tự xây dựng mang nét riêng của từng cá nhân. montessori đã nêu ra một số khái niệm để giải thích quá trình ‘làm việc’ này của trẻ, bao gồm khái niệm về ‘’trí tuệ thấm hút, các thời kỳ nhạy cảm và sự bình thường hóa’’.
Trí tuệ thấm hút: montessori mô tả hành vi của trẻ nhỏ nỗ lực học hỏi không ngừng nghỉ thông qua các kích thích từ môi trường xung quanh – các giác quan, ngôn ngữ, văn hóa, và hình thành khái niệm với thuật ngữ "Trí tuệ thấm hút". Tiến sĩ montessori thấy rằng giai đoạn phát triển quan trọng nhất của trẻ nằm ở 6 năm đầu đời – thời kỳ trẻ sở hữu trong mình "Trí tuệ thấm hút". Nói cách khác, trẻ tiếp thu thế giới xung quanh giống như miếng bọt biển hút nước vậy. Do đó, mục tiêu giáo dục trong thời kỳ này là trau dồi, tu dưỡng khát khao học hỏi và tiếp thu một cách tự nhiên của trẻ. Bà cũng cho rằng đây là khả năng duy nhất, đặc biệt trong giai đoạn đầu đời của trẻ và nó phai nhạt dần sau khi trẻ được 6 tuổi.
Thời kỳ nhạy cảm: montessori cũng quan sát các giai đoạn nhạy cảm đặc biệt của trẻ trước những kích thích từ môi trường xung quanh. Bà gọi đó là "Thời kỳ nhạy cảm". môi trường lớp học montessori (các học cụ và hoạt động) được thiết kế và sắp xếp phù hợp với từng giai đoạn nhạy cảm mà trẻ bộc lộ. montessori đã chỉ ra các giai đoạn nhạy cảm đó, bao gồm:
• Việc học tập, lĩnh hội ngôn ngữ - từ lúc mới chào đời đến khi trẻ được khoảng 6 tuổi
• Tính trật tự - giai đoạn trẻ từ 1 đến 3 tuổi
• Sự gọt giũa tinh tế của các giác quan – từ lúc mới sinh đến 3 tuổi
• Sự đam mê với các đồ vật nhỏ - khi trẻ được 18 tháng đến 3 tuổi
• Sự phát triển của các hành vi xã hội – khi trẻ được 2,5 đến 4 tuổi
Sự bình thường hóa: Khái niệm này xuất phát từ yếu tố tập trung vào hoạt động đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ; điểm nổi bật là khả năng tập trung cũng như "các nguyên tắc không gây gò bó hay ép buộc theo khuôn khổ, trẻ cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc, biết cảm thông và tham gia giúp đỡ những người khác".
(Theo Wikipedia)
ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ TRẺ TỪ 0 - 1 TUỔI
Được sinh ra đời đã là một cú sốc đối với trẻ cho dù trẻ không ý thức được về việc này. Đó là bước chuyển từ bóng tối ra ánh sáng, từ môi trường ấm áp, ổn định trong bụng mẹ ra môi trường thường xuyên thay đổi của thiên nhiên, từ cuộc sống chung với mẹ ra cuộc sống độc lập của một cá nhân. Nếu không có người lớn nuôi dưỡng, đứa trẻ vừa sinh ra chỉ có thể sống được trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, để có thể chăm sóc trẻ đúng cách và trở thành một người cha, người mẹ thật sự, chúng ta cần hiểu rõ cũng như áp dụng các biện pháp thích hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ trong từng độ tuổi.
Đặc điểm của trẻ sơ sinh 0 - 2 tháng
- Đặc điểm sinh lý thần kinh của trẻ sơ sinh
Não bộ của trẻ lúc mới sinh nặng khoảng 400g trong khi trọng lượng não của người lớn trung bình nặng khoảng 1.400g. Lượng tế bào thần kinh khá đầy đủ nhưng các sợi dây thần kinh chưa chứa nhiều chất myelin (chất béo giúp tế bào thần kinh truyền thông tin nhanh hơn), vỏ não chưa được phát triển đầy đủ nên hoạt động của trẻ còn rất hạn chế, các cảm giác chưa phân hóa và thường gắn liền với các xúc cảm.
Lưu ý: Để não bộ của bé phát triển tốt, cha mẹ cần chú ý những điểm sau đây:
Thứ nhất: Trong quá trình chăm sóc bé, cần cho bé ngủ đúng tư thế như nằm ngửa, nằm nghiêng bên trái hoặc bên phải, hạn chế để bé nằm sấp hay nằm lâu ở một tư thế, gối của trẻ nên dùng chất liệu tự nhiên giúp mềm mại và thoáng mát như vỏ đậu, bông gòn…, không dùng gối quá cao. Mỗi ngày nên xoa nhẹ vùng đầu cho trẻ để kích thích sự phát triển của não bộ.
Thứ hai: Trong thức ăn nên chứa nhiều chất béo để giúp trẻ sớm hoàn thiện tế bào não.
Thứ ba: Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu, đặc biệt là sữa non (sữa này chỉ có trong 2 - 3 ngày sau khi sinh, các loại sữa công thức không thể có sữa non). Sữa mẹ là thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Bên cạnh đó, việc cho trẻ bú mẹ còn là sợi dây tình cảm gắn kết yêu thương, thắt chặt tình mẫu tử.
- Đặc điểm vận động
Trong hai tháng đầu, ở trẻ hình thành các phản xạ có điều kiện sau:
• Phản xạ với tư thế nằm khi ăn (cảm giác dễ chịu, khó chịu)
• Phản xạ định hướng:
+ 2 đến 3 tuần: Trẻ bắt đầu có phản ứng trước âm thanh, đặc biệt khi nghe giọng nói của người lớn.
+ 3 đến 5 tuần: Trẻ bắt đầu đưa mắt dõi theo những đồ vật di động, rồi dừng lại khi vật đứng yên.
+ Phản xạ khi ngủ và khi thức (tầm quan trọng của chế độ): dần dần trẻ ngủ ít và thức nhiều hơn.
Lưu ý: Cha mẹ nếu phát hiện thấy trẻ không có những phản xạ như trên, thì nên đưa trẻ đi khám sớm để phát hiện một số dị tật bẩm sinh.
- Sự phát triển các giác quan
Trẻ đã có đầy đủ các cơ quan phân tích, cảm nhận. Đó là các giác quan sẵn sàng hoạt động, đặc biệt thính giác, thị giác phát triển rất nhanh.
Thị giác: Khi mới chào đời, thị lực của trẻ kém hơn người lớn tới 60 lần, đó là do cơ cấu của mắt chưa được hoàn chỉnh, mật độ các tế bào ở võng mạc còn thấp. Chỉ sau 48 tiếng đồng hồ, bé đã nhận ra mẹ. Từ tuần thứ ba đến tuần thứ năm: xuất hiện sự tập trung thị giác, bé thích những vật được chiếu sáng rõ, có hình tròn và chuyển động chậm.
Thính giác: Là cơ quan được thức tỉnh rất sớm. Sau khi ra đời, bé đã có khả năng nhận biết tiếng nói của mẹ. Tuần thứ hai và thứ ba: xuất hiện sự tập trung thính giác. Âm thanh đột ngột (tiếng vỗ tay lớn, tiếng cánh cửa đập mạnh) làm trẻ đột nhiên lặng im, không động đậy.
Khứu giác: Chỉ sau 45 tiếng đồng hồ sau khi chào đời, bé đã nhận ra chính xác mùi của mẹ và rất "quyện hơi mẹ".
Vị giác của trẻ phát triển rất sớm. Vừa mới ra đời, bé đã phân biệt được bốn vị khác nhau là ngọt, mặn, đắng, chua. Bé "háo" ngọt và ghét những vị đắng, chua.
Xúc giác của trẻ sơ sinh cũng phát triển sớm. Da của bé rất nhạy cảm. Bé cảm nhận độ nóng lạnh, ẩm ướt… rất nhạy nên khi tè ướt, hay nhiệt độ lạnh, nóng, bé thường la khóc. Khi chào đời, bé đã có thể níu chặt các đồ vật bằng lòng bàn tay. Sau đó không lâu, bé có cảm giác về hình thể và tính chất rắn hay mềm của đồ vật.
Lưu ý Sự phát triển các giác quan còn diễn ra dưới ảnh hưởng của những ấn tượng bên ngoài mà trẻ tiếp nhận được. Vì vậy, cha mẹ và những người xung quanh cần tạo ra môi trường thích hợp với từng loại giác quan và tạo ra những ấn tượng đó (đem vật lạ màu sắc sặc sỡ đến gần trẻ, trò chuyện với trẻ…). Tuy nhiên, không nên kích thích trẻ quá lâu (mỗi lần nên khoảng 5-15 phút) hoặc kích thích quá mạnh (âm thanh lớn, các mùi vị quá nồng…)[1]
- Các nhu cầu tâm lý của trẻ
Nhu cầu gắn bó với người khác (chủ yếu trong quan hệ mẹ con)
Lọt lòng mẹ trẻ có những hành động như: mút, bám, khóc, mỉm cười, rúc đầu vào ngực mẹ (tìm vú và muốn áp sát vào mẹ để được ôm ấp vỗ về), thể hiện sự gắn bó mẹ con. Quan hệ mẹ-con qua xúc giác là quan trọng bậc nhất và được xuất hiện sớm nhất (sau khi sinh cả mẹ và con đều rất nhạy cảm với sự tiếp xúc gần gũi da thịt, do nhu cầu gắn bó mẹ con), ở mẹ và con đều phát ra tín hiệu cho nhau. Trẻ cảm nhận ngay những biểu cảm của người mẹ và phản ứng lại bằng các cử động (mẹ ôm ấp nâng niu, vỗ về....), trẻ tỏ ra dễ chịu, an toàn, mỉm cười, la khóc, vặn mình. Vai trò của nhu cầu gắn bó mẹ-con đó là tạo được sự gắn bó mẹ con ngay từ những ngày đầu trẻ mới ra đời, tránh cho trẻ nguy cơ chậm phát triển và những lệch lạc về sinh lý cũng như tâm lý sau này (những đứa trẻ thiếu sự yêu thương của người mẹ từ nhỏ thường cảm thấy cô đơn, lo lắng và sợ hãi, sau này thường mặc cảm trong giao tiếp với người xung quanh, thường có khả năng mắc các chứng bệnh về tâm lý như tự kỷ, hội chứng hiếu động kém chú ý…). Nhu cầu gắn bó mẹ-con là cơ sở cho nhu cầu giao tiếp sau này của trẻ với những người xung quanh. Tạo cho trẻ cảm xúc: vui mừng (cười) khi được thỏa mãn nhu cầu và khóc khi không được thỏa mãn. Mẹ là nguồn gây ấn tượng và tạo ấn tượng bên ngoài, cần thiết cho sự phát triển thần kinh và các giác quan tâm lý cho trẻ.
Lưu ý: Khi trẻ vừa chào đời, người mẹ nên nhanh chóng tiếp xúc với con. Hãy ôm trẻ để da trẻ chạm vào da người mẹ, đồng thời nhìn trẻ một cách âu yếm (tầm nhìn < 30cm vì mắt trẻ không nhìn được xa) và cười đầy yêu thương với trẻ. Ấn tượng tốt đẹp này sẽ giúp việc thiết lập mối quan hệ mẹ-con tốt đẹp, trẻ sẽ cảm thấy được chào đón để ra đời, giúp cho việc phát triển tâm sinh lý bình thường.
Nhu cầu an toàn
Là trạng thái tâm lý xuất hiện khi trẻ được thỏa mãn các nhu cầu cơ bản và nhu cầu gắn bó, khi trẻ được bảo vệ, che chở, ấm áp và bình yên trong tình yêu thương của người mẹ. Nhu cầu an toàn là điều kiện để cơ thể, tâm lý, tình cảm và các quan hệ xã hội được phát triển bình thường ở trẻ. Thiếu sự an toàn, cảm xúc của trẻ sẽ bị rối loạn.
Lưu ý: Không nên để trẻ nằm một mình trong thời gian dài, nếu trẻ quấy khóc, hãy tìm hiểu nguyên nhân. Có thể trẻ cảm thấy không an toàn nếu vậy hãy bế trẻ khi trẻ khóc, đừng để trẻ khóc quá lâu. Nên cẩn thận các đồ vật, nhất là đồ chơi nhọn, nhỏ, nóng… nên để xa trẻ.
Nhu cầu tiếp nhận các ấn tượng từ thế giới bên ngoài
Nhu cầu tiếp nhận ấn tượng gắn liền với phản xạ định hướng, đó là trẻ nhìn theo các vật sáng di động, phản ứng với âm thanh. Tháng thứ hai, trẻ đã bắt đầu chú ý đến khuôn mặt người lớn, trẻ thường mỉm cười khi người lớn cúi xuống trò chuyện. Nhu cầu tiếp thu ấn tượng từ thế giới bên ngoài là cơ sở của các nhu cầu xã hội khác như nhu cầu giao tiếp và nhu cầu nhận thức sau này của trẻ. Nếu bị "đói ấn tượng", trẻ sẽ chậm phát triển một cách nghiêm trọng.
Lưu ý: Nên tạo nhiều ấn tượng bên ngoài để kích thích sự phát triển của trẻ. Thường xuyên trò chuyện với trẻ dù trẻ không hiểu ngôn ngữ. Không nên cho trẻ xem tivi, nếu xem chỉ khoảng 5-15 phút/ngày.
Cấu trúc tâm lý mới ở trẻ
Vì trẻ không tự thỏa mãn được bất kỳ nhu cầu nào của bản thân nên phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn và chính người lớn sẽ tạo nên "hoàn cảnh xã hội của sự phát triển" đặc trưng của trẻ sơ sinh. Đó là sự gắn bó giữa trẻ và người lớn.
Đến cuối tháng thứ hai, bắt đầu xuất hiện "phức cảm hớn hở" đó là sự kết hợp những cử động của chân tay và các âm thanh phát ra từ đứa trẻ, những phản ứng tích cực như mỉm cười, phì nước bọt khi mẹ hay người thân xuất hiện hoặc âu yếm nó.
Phản ứng đặc biệt: nở nụ cười khi thấy khuôn mặt mẹ là chỉ số chứng tỏ tương tác xã hội của sự phát triển tâm lý của trẻ sơ sinh đã bắt đầu hình thành. Dần dần, trẻ có khả năng nhận ra và phản ứng với giọng nói của mẹ, mùi của mẹ, vị sữa mẹ. Bắt đầu hình thành tình cảm quyến luyến với mẹ. Phức cảm hớn hở của trẻ hình thành rõ nét vào cuối tháng thứ hai được coi là mốc đánh dấu sự xuất hiện nhu cầu xã hội đầu tiên của trẻ - nhu cầu giao tiếp.
Lưu ý: Đứa trẻ biểu hiện phức cảm hớn hở sớm hay muộn hơn hai tháng là do việc giao tiếp, tiếp xúc thường xuyên của những người xung quanh, đặc biệt là người mẹ. Những đứa trẻ đói giao tiếp biểu hiện này thường muộn hơn những đứa trẻ khác, vì vậy người mẹ nên dành nhiều thời gian chăm sóc, tiếp xúc, trò chuyện với trẻ.
Đặc điểm tâm lý của trẻ 3-12 tháng
- Phát triển vận động
Sự phát triển vận động thô
• 3 tháng: biết lật, với tay về phía đồ vật như là vẫy
• 4 tháng: ngồi có người đỡ
• 5 tháng: ngồi trong lòng người lớn, cầm đồ vật trong tay
• 6-7 tháng: có thể ngồi một mình
• 8-9 tháng: có thể bò bằng hai tay hai chân
• 9-10 tháng: biết đứng
• 11- 12 tháng: đi được nhờ sự dìu dắt của người lớn.
Biết đứng và biết đi tạo điều kiện tốt cho sự phát triển nhận thức ở trẻ, trẻ có thể khám phá sự vật từ mọi phía (bên trong, bên trên, bên dưới). Thế giới đối với trẻ trở nên rộng lớn hơn.
Lưu ý: Các bậc cha mẹ nên thường xuyên tập luyện vận động cho trẻ, giúp trẻ tập lật, tập bò, tập đi… Nếu trẻ đến tuổi (có thể quá khoảng 2-3 tháng) mà chưa có những loại vận động thích hợp, nên đến các cơ sở y tế để khám. Ngoài ra, một số đứa trẻ bỏ qua một vài giai đoạn như không lật mà ngồi, không bò mà đứng…
Sự phát triển vận động tinh
Trẻ 3 tháng tuổi biết bắt đầu cầm đồ chơi lắc. Cuối tháng thứ 3, trẻ bắt đầu dùng hai tay để sờ mó đồ vật. Hai bàn tay tạo ra ấn tượng xúc giác về đồ vật, giúp cho trẻ biết được vài đặc tính đơn giản của chúng. Đến tháng thứ tư, trẻ bắt đầu nắm lấy đồ vật. Nhiều khi trẻ nắm chắc trong tay một đồ vật hồi lâu, tuy vậy trẻ vẫn chưa làm chủ hoàn toàn hành động nắm. Từ tháng thứ 6 trở đi thì động tác nắm được cải thiện hơn, bàn tay hướng về đồ vật, ngón tay cái đối lập với các ngón tay khác, nhờ đó trẻ đã cầm đồ vật bằng các ngón tay. Vị trí của các ngón tay dần dần thích hợp với các kiểu đồ vật (quả bóng được cầm bằng những ngón tay xòe rộng, khi cầm khối vuông thì các ngón tay đặt theo gờ cạnh). Hành động cầm nắm có vai trò quan trọng trong sự phát triển tâm lý của trẻ: bàn tay trở thành cơ quan xúc giác, bàn tay biết "khám phá".
Khi đứa trẻ có thể cầm nắm đồ vật trong tay thì nó bắt đầu thao tác với đồ vật bằng tay từ đơn giản đến phức tạp hơn:
• Cầm lấy rồi buông ra.
• Phối hợp động tác: cầm hai vật ở cả hai tay, phối hợp các hành động sờ, nắm, đưa vào miệng và nhai.
• Đẩy đồ vật ra hay xích lại gần.
• Làm cho đồ vật ngã ngửa, gõ lắc tạo âm thanh, dịch chuyển đồ vật.
Những thao tác bằng tay của trẻ đối với đồ vật tiến bộ nhanh làm cho sự định hướng vào đồ vật và không gian xung quanh rõ ràng hơn nhờ sự phối hợp phức tạp giữa thị giác và cơ quan vận động.
- Trong giai đoạn phát triển đầu
Mắt có thể nhìn thấy đồ vật, nhận các ấn tượng từ đồ vật đó, song chưa thể xác định được khoảng cách và phương hướng. Tay của trẻ chưa hướng ngay được về phía đồ vật mà dường như chỉ quờ vào không khí, ít khi nhắm trúng đích.
- Trong giai đoạn tiếp theo
Mắt dõi theo cử động của tay và bắt đầu nhận thấy đồ vật ở xa hay gần, rồi mới tham gia vào việc điều chỉnh cử động của tay cho phù hợp. Từ sáu tháng tuổi, khi đưa tay tiếp cận đồ vật, mắt trẻ đã biết nhìn theo tay và biết được vị trí của đồ vật đó và trẻ để với lấy đồ vật một cách chính xác hơn. Hành động với đồ vật một cách chính xác có thể coi là hành động có định hướng đầu tiên, là cơ sở phát triển các hành động sờ, nắm, các thao tác với đồ vật sau này của trẻ. Những thao tác bằng tay của trẻ đối với đồ vật là cơ sở phát triển các quá trình tâm lý (như quan sát, tư duy, trí nhớ...).
Thao tác với đồ vật giúp trẻ phát hiện ra các thuộc tính của đồ vật. Ban đầu, trẻ chỉ nhận biết các thuộc tính ấy khi thao tác trực tiếp với đồ vật, nếu ngừng lại thì "kiến thức" ấy cũng biến mất. Sau nhiều lần thao tác với đồ vật và ghi lại ấn tượng về nó thì lúc đó, trẻ bắt đầu nhớ đồ vật nếu đồ vật tồn tại thường xuyên trong thế giới xung quanh của trẻ với những thuộc tính ổn định. Hành động với đồ vật kích thích trẻ tích cực tìm tòi, khám phá những tính chất của các vật xung quanh. Trẻ quan tâm không chỉ "đây là cái gì", mà còn "có thể làm gì với nó". Sự kết hợp của tri giác và cơ quan vận động khi hành động với đồ vật là cơ sở cho sự phát triển những hình thức đầu tiên của tư duy trực quan hành động xuất hiện ở cuối giai đoạn lứa tuổi này.
Sự phát triển nhận thức
Ở độ tuổi này, trẻ đã có khả năng nhìn mọi người và mọi vật chăm chú hơn. Trẻ bắt đầu biết tìm hiểu về cơ thể mình: chăm chú nhìn các ngón tay, bàn tay, theo dõi cử động của tay, dang cả hai tay và đặt tay này lên tay kia. Trẻ 5 tháng tuổi thường cảm nhận mọi vật xung quanh bằng mắt. Trẻ tìm hiểu thế giới bằng cách sờ mó vào vật mà chúng nhìn thấy. Trẻ có thể dõi theo những vật chuyển động. Vừa dõi theo vật mình thích, trẻ vừa đập chân đập tay, vừa phát ra những âm thanh sung sướng. Trẻ còn có khả năng bắt chước các biểu hiện nét mặt khác nhau của người lớn. Đây là yếu tố quan trọng của sự phát triển và gìn giữ mối liên hệ tình cảm giữa trẻ và cha mẹ. Người lớn chăm sóc trẻ cần cố gắng đưa trẻ đi dạo chơi để trẻ có thể quan sát cảnh vật xung quanh nhằm thỏa mãn nhu cầu về các ấn tượng mới mẻ của trẻ.
Trí nhớ
Trẻ 4 tháng tuổi có thể phân biệt vật cũ, vật mới. Trẻ thích nhìn các đồ vật mới hơn, điều đó chứng tỏ rằng trẻ nhớ rõ các đồ vật mà chúng được nhìn thấy trước đó. Để bắt chước người lớn, trẻ cần phải ghi nhớ các âm thanh và hành động của người lớn. Để nhận ra mẹ thì trẻ phải nhớ khuôn mặt mẹ, giọng nói của mẹ. Để tìm được đồ chơi bị giấu trước mắt, trẻ phải nhớ lại nơi mà đồ chơi được giấu.
Lưu ý: Cần tổ chức nhiều hoạt động, nhiều trò chơi lặp đi lặp lại nhiều lần để rèn luyện trí nhớ cho trẻ. Khi chơi, nên sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt nhằm phát triển trí nhớ và phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
Sự phát triển ngôn ngữ
Ngay từ khi mới sinh, trẻ đã có cách biểu hiện sự đòi hỏi, mong muốn trước cha mẹ, ví dụ: trẻ khóc khi muốn ăn, ọ ẹ khi ướt tã lót. Khi gần 1 năm tuổi, hầu hết trẻ đã biết phát âm từ đầu tiên. Trẻ đã học được các cách thức giao tiếp cơ bản với người lớn. Trình độ ngôn ngữ của trẻ phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động giao tiếp của người lớn với trẻ.
Nếu trẻ đến từng mốc giai đoạn mà chưa đạt được các tiêu chuẩn, nên đưa trẻ đi khám. Những đứa trẻ bị tự kỷ hoặc hiếu động kém chú ý thường có những rối nhiễu về ngôn ngữ.
Lưu ý: Cần thường xuyên trò chuyện, giao tiếp với trẻ. Khi tiếp xúc với trẻ, luôn dùng ngôn ngữ, cả ngôn ngữ không lời, để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Khi trẻ yêu cầu một điều gì, cần dùng ngôn ngữ để đáp ứng trước khi đưa đồ vật. Ví dụ: Nếu trẻ chỉ cốc nước, người lớn không nên đưa ngay mà nên vừa chỉ cốc nước vừa nói "Con muốn cốc nước phải không?" hay "Mẹ sẽ lấy cốc nước cho con nhé?"…
ĐỘ TUỔI HÀNH VI NGÔN NGỮ CỦA TRẺ
12 tuần tuổi: Cười khi người khác nói chuyện với mình, ê a.
16 tuần tuổi: Quay đầu về phía giọng nói phát ra.
6 tháng tuổi: Từ ê a chuyển sang bập bẹ.
8 tháng tuổi: Phát âm lặp đi lặp lại các âm tiết ( ma ma).
12 tháng tuổi: hiểu được nghĩa và có thể phát âm một vài từ.
Hoạt động chủ đạo của trẻ
Giai đoạn 1: Giao tiếp xúc cảm trực tiếp (2 - 6 tháng): Trẻ tìm kiếm sự quan tâm, âu yếm của người lớn (biểu hiện của nhu cầu giao tiếp) bằng cái nhìn chằm chằm vào người lớn, cử động chân tay, phát ra những âm thanh nho nhỏ, vui vẻ khi người lớn đến gần nói chuyện… Trong giao tiếp với người lớn, trẻ tiếp nhận được những sắc thái xúc cảm khác nhau của người lớn qua nét mặt, giọng nói rồi dần dần trẻ cũng biểu hiện những xúc cảm khác nhau của mình. Trong giai đoạn này, cần chú ý ở bên trẻ trò chuyện, mỉm cười, kể chuyện cho trẻ nghe và đừng băn khoăn về việc trẻ không hiểu hết những điều người lớn nói.
Giai đoạn 2: Giao tiếp tình huống (6-12 tháng): Từ nhu cầu giao tiếp trực tiếp dẫn đến nhu cầu giao tiếp vì đồ vật, tức là giao tiếp với người lớn để được tiếp xúc với đồ chơi. Người lớn trở thành khâu trung gian giữa trẻ và đồ vật. Người lớn mang đồ vật đến cho trẻ, bế trẻ đến chỗ có nhiều đồ chơi… Người lớn cùng chơi, cùng thực hiện hành động với trẻ, nói chuyện, khen ngợi trẻ, khuyến khích trẻ hành động với đồ vật. Việc giao tiếp này dần dần trở thành hoạt động phối hợp giữa người lớn và trẻ, ví dụ người lớn cầm tay trẻ gõ vào trống, đặt thìa vào bát… Nhờ hoạt động chủ đạo trong lứa tuổi này mà trẻ được ấp ủ thương yêu, có đời sống tâm lý ổn định; hình thành cảm xúc tích cực; thúc đẩy trẻ hiểu ngôn ngữ của người lớn và học nói. Trong quá trình giao tiếp, người lớn luôn hướng dẫn, uốn nắn hành vi của trẻ (qua nụ cười bằng lòng hay vẻ mặt không đồng ý), đánh giá hành vi của trẻ để trẻ nhận ra hành vi của mình đúng hay sai. Trẻ học được thói quen tốt và cách ứng xử đúng.
Lưu ý: Khi chơi, trò chuyện cùng trẻ, nên chỉ cho trẻ những giá trị, những chuẩn mực, những giới hạn. Cần uốn nắn những sai lệch cho trẻ sớm bằng thái độ, bằng hành vi, bằng ngôn ngữ; không nên nói sai theo cách phát âm của trẻ, ví dụ trẻ thường dùng từ "ăn cơm" là "măm măm", thì chúng ta phải dùng từ đúng là "ăn cơm" để trẻ nói đúng từ nhỏ.
ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ TRẺ 1 - 3 TUỔI
Ở giai đoạn 1-3 tuổi: Sự phát triển của trẻ diễn ra với tốc độ rất nhanh. hệ thần kinh rất nhạy bén tạo điều kiện cho trẻ học hỏi nhanh, đồng thời trẻ cũng rất dễ bị tổn thương. Vì thế, những thay đổi đột ngột trong cuộc sống – đặc biệt đối với trẻ những năm đầu đời rất nguy hiểm. nhu cầu giao tiếp của trẻ với người lớn rất cao. Đặc điểm của trẻ ở lứa tuổi này là bắt chước hành động, lời nói của người lớn, vì vậy cần tích cực cho trẻ nhận biết thế giới xung quanh và cần làm gương cho trẻ (trẻ có thể bắt chước lời nói, hành động, việc làm tốt hay xấu của người lớn). Tốc độ phát triển của mỗi trẻ khác nhau.
Đi theo tư thế đứng thẳng
Khi mới tập đi, việc điều khiển các cử động chưa được hình thành, vì thế trẻ luôn luôn bị mất thăng bằng, căng thẳng, hay bị vấp ngã, bối rối, sợ hãi khi gặp các vật cản trên đường. Vì vậy, người lớn cần dìu trẻ từng bước một và kịp thời cổ vũ khi trẻ đi được vài bước cho đến lúc đi thành thạo. Đi theo thế thẳng đứng là một bước tiến cơ bản nhằm làm cho trẻ độc lập về mặt sinh học, đồng thời là một bước quan trọng trong việc xã hội hóa đứa trẻ:
• Giải phóng hai bàn tay khỏi chức năng di chuyển, bàn tay trở thành công cụ để nhận thức thế giới xung quanh: cầm, nắm, xúc cơm, viết, vẽ… - chức năng hoạt động của con người.
• Ngẩng cao đầu, dây thanh càng phát ra được nhiều âm tiết tinh vi.
• Giúp trẻ mở rộng tầm nhìn, phát triển khả năng định hướng trong không gian.
• Mở rộng phạm vi hoạt động với đồ vật, tiếp xúc với nhiều đồ vật hơn, mở rộng khả năng tìm hiểu những thuộc tính của đồ vật và kỹ năng sử dụng chúng.
• Mở rộng giao tiếp với mọi người xung quanh giúp vốn kinh nghiệm riêng của trẻ thêm phong phú, phát triển nhu cầu giao tiếp và kích thích khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ ở trẻ.
Đặc điểm hoạt động với đồ vật
Thời kì trước tuổi mẫu giáo, trẻ đã thực hiện những hành động khá phức tạp với các đồ vật, nhưng chưa nhằm vào việc khám phá chức năng và phương thức sử dụng nó. Đến tuổi đi nhà trẻ, đồ vật lúc này đối với trẻ không phải chỉ là cái để nghịch, để chơi mà còn là để tìm hiểu chức năng nhất định và phương thức sử dụng tương ứng, ví dụ thìa (muỗng) dùng để xúc cơm và có cách cầm nhất định. Do đó, trẻ hướng hoạt động của mình vào việc nắm cách sử dụng đồ vật. Trẻ lĩnh hội những kiến thức về đồ vật, biết cách sử dụng đồ vật giống như người lớn, trong đó người lớn giữ vai trò của người hướng dẫn, người cộng tác, người hỗ trợ trong quá trình lĩnh hội này. Hoạt động với đồ vật (là một loại hoạt động có đối tượng) trở thành hình thức hoạt động chủ đạo trong suốt giai đoạn nhà trẻ. Nhờ có hoạt động này mà chức năng của các đồ vật lần đầu tiên được bộc lộ ra trước trẻ và đồ vật xung quanh trở thành đối tượng thu hút sự chú ý của trẻ, khiến trẻ hăng hái tìm kiếm, tháo lắp suốt ngày. Chính nhờ vậy mà tâm lý của trẻ phát triển mạnh, đặc biệt là trí tuệ. Khi lĩnh hội những hành động sử dụng đồ vật sinh hoạt hàng ngày thì đồng thời trẻ cũng lĩnh hội được những quy tắc hành vi trong xã hội. Thái độ của người lớn rất quan trọng đối với việc nắm vững quy tắc hành vi xã hội cho trẻ.
- Các loại hành động với đồ vật của lứa tuổi nhà trẻ
Hành động thiết lập các mối tương quan:
Là hành động đưa hai hoặc nhiều đối tượng (hoặc các bộ phận của chúng) vào mối tương quan nhất định trong không gian, ví dụ hành động chồng các khối gỗ thành hình tháp hoặc lắp ráp đồ chơi. Ở lứa tuổi nhà trẻ, khi hành động với đồ vật, trẻ phải tính đến những thuộc tính của đối tượng, biết lựa chọn đồ vật theo hình dáng, kích thước, biết sắp đặt chúng theo một trật tự nhất định. Trong thời kì đầu, trẻ chưa tạo ra được kết quả đúng như mong đợi, nên thường sắp xếp lung tung.
Lưu ý: Người lớn phải giúp đỡ trẻ đạt tới kết quả đúng bằng cách:
• Người lớn làm mẫu trước mắt trẻ nhiều lần để trẻ ghi nhớ vị trí của các đối tượng trong tương quan nhất định.
• Để trẻ làm và lưu ý sửa các chỗ sai, sau đó trẻ sẽ làm thử.
• Dạy trẻ nhìn trước bằng mắt để chọn các đối tượng thích hợp theo một tương quan nhất định rồi tổ chức các hành động thiết lập tương quan cho đúng. Chỉ bằng cách này mới giúp trẻ nắm được phương thức hành động đúng.
• Nhờ hành động thiết lập mối tương quan như vậy, các chức năng tâm lý của trẻ như tri giác, trí nhớ, tưởng tượng, tư duy được phát triển mạnh, đặc biệt là tư duy trực quan - hành động.
Hành động công cụ:
Là hành động mà trong đó một đồ vật được sử dụng như một công cụ để tác động lên một đồ vật khác (công cụ là khâu trung gian giữa bàn tay con người với đồ vật cần tác động tới), ví dụ dùng thìa để xúc cơm, dùng dao để thái rau…
Quá trình lĩnh hội hành động công cụ thành các giai đoạn:
• Lúc đầu, công cụ chỉ là sự kéo dài bàn tay của trẻ (trẻ nắm lấy thìa, đưa gần vào bát, xúc cơm rồi đưa thẳng lên miệng), lúc này sự chú ý của trẻ không hướng vào công cụ (thìa) mà hướng vào đối tượng (cơm). Hành động không thành công (cơm rơi vãi hết, trẻ chỉ đưa được thìa không lên miệng).
• Ở giai đoạn tiếp theo, trẻ mới chú ý đến quan hệ giữa công cụ và đối tượng mà hành động hướng tới (giữa thìa và cơm), lúc này trẻ làm đi làm lại nhiều lần mới đạt kết quả.
• Cuối cùng, khi bàn tay đã thích nghi với cấu tạo của công cụ thì mới xuất hiện hành động công cụ.
- Ý nghĩa của hành động với đồ vật đối với sự phát triển tâm lý của trẻ
• Làm phong phú kinh nghiệm nhận thức cảm tính ở trẻ (cảm giác, tri giác).
• Phát triển khả năng khái quát hóa (lĩnh hội và áp dụng nguyên tắc sử dụng công cụ).
• Thay đổi tính chất định hướng trong tình huống mới (định hướng vào chức năng và phương hướng hành động). Khi gặp một vật mới, trẻ tìm hiểu "Vật này dùng để làm gì?", "Có thể sử dụng nó như thế nào?".
• Làm tích cực hóa ngôn ngữ của trẻ.
• Hình thành tính độc lập.
• Lĩnh hội quy tắc hành vi khi sử dụng các đồ vật.
• Tạo điều kiện cho việc hình thành những dạng hoạt động mới: trò chơi và các hoạt động sáng tạo (vẽ, nặn, xây dựng).
Lưu ý: Cần cho trẻ tiếp xúc với nhiều công cụ, đồ dùng trong cuộc sống. Càng tiếp xúc đa dạng các đồ vật, trẻ càng lĩnh hội được nhiều giá trị chuẩn mực và kinh nghiệm. Cha mẹ không nên làm thay trẻ (ví dụ: đi dép hộ, xúc cơm hộ…), mà thay vào đó cần kiên trì và sớm tập cho trẻ làm quen những hành động với công cụ. Nên tham gia cùng trẻ trong quá trình hoạt động. Sự tương tác người–đồ vật–người giúp trẻ không chỉ hiểu được công dụng của đồ vật mà còn bộc lộ, hình thành những cảm xúc, những nét tính cách tích cực của trẻ với người khác.
- Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ
Hoàn thiện khả năng thông hiểu lời nói của người lớn (nghe hiểu):
Trẻ chỉ hiểu về tình huống khi chứng kiến tình huống, ví dụ trẻ hiểu lời nói "đánh trống" khi trẻ nhìn thấy một người đang đánh trống hoặc chính trẻ đang cầm dùi đánh vào trống. Lời nói "đánh trống" biểu đạt cho toàn bộ tình huống này. Trẻ sẽ không thể hiểu lời nói "đánh trống" khi tách khỏi tình huống cụ thể.
Tình huống cụ thể + lời nói = Tín hiệu hành động của trẻ.
Sự kết hợp giữa ngôn ngữ với tình huống cụ thể khi được lặp đi lặp lại nhiều lần, thì dần dần trẻ sẽ hiểu được lời nói mà không phụ thuộc vào tình huống cụ thể nữa. Người lớn có thể dùng lời nói để chỉ dẫn hành động cho trẻ (yêu cầu trẻ cầm hay lấy một đồ vật nào đó), giúp trẻ mở rộng giao tiếp với người lớn. Việc nghe và hiểu lời nói vượt ra khỏi tình huống cụ thể là một thành tựu quan trọng của trẻ. Nó giúp trẻ biết sử dụng ngôn ngữ như là phương tiện cơ bản để nhận thức thế giới xung quanh.
Ngôn ngữ tích cực: Sau 2 tuổi là thời kì phát triển ngôn ngữ. Trẻ không chỉ đòi hỏi biết được tên đồ vật, mà còn cố gắng phát ra các âm để gọi tên các đồ vật đó. Vốn từ: cuối năm thứ 2, trẻ nói được 300-400 từ, cuối năm thứ 3 là 1.000 từ. Phát âm: trẻ lên 2 thường nói ngọng, ngôn ngữ của trẻ ít giống của người lớn, ví dụ "ăn", trẻ nói là "măm", "thịt" thành "xịt"… Người ta gọi ngôn ngữ đó là ngôn ngữ tự trị. Nguyên nhân của ngôn ngữ tự trị:
• Do người lớn thích nói vậy khi âu yếm trẻ.
• Trẻ nghe không chuẩn nên phát âm bị méo tiếng.
• Vốn từ của trẻ còn nghèo nàn nên trẻ phải tự nghĩ ra một số từ để giao tiếp với người lớn.
Ngữ pháp: Để diễn đạt được nguyện vọng của mình cho người lớn hiểu, trẻ phải nắm được ngữ pháp của tiếng mẹ đẻ. Lúc đầu, trẻ dùng câu một tiếng, ví dụ "măm măm" tức là "Mẹ cho con ăn". Sau đó trẻ dùng câu hai tiếng theo mô hình: chủ ngữ – vị ngữ, ví dụ "mẹ bế", "mẹ xúc", cũng có lúc trẻ nói ngược "bế mẹ". Đến ba tuổi, ngôn ngữ tích cực của trẻ phát triển mạnh mẽ, trẻ rất thích nói và nói suốt ngày ("Trẻ lên ba cả nhà học nói"). Trẻ đã nói được những câu dài: "Con khóc vì ba mắng con", "Ai hư thì không được phiếu bé ngoan".
Lưu ý:
• Cần dạy trẻ nói đúng và sửa sai cho trẻ thì ngôn ngữ tự trị sẽ mất đi nhanh chóng.
• Gia đình nên tập nói thường xuyên cho trẻ; cho trẻ tiếp xúc nhiều sự vật, hiện tượng, tình huống để tăng vốn từ cho trẻ.
• Nên đọc sách báo cho trẻ nghe và hình thành thói quen thích đọc sách từ nhỏ cho trẻ.
- Hoạt động nhận thức của trẻ
Tri giác:
Tri giác của trẻ thời kỳ này mang tính không chủ định. Trẻ thường hướng đến những đặc điểm/dấu hiệu riêng biệt, nổi bật của đồ vật. Khi hoạt động với đồ vật, trẻ nhận biết được kích thước và hình dạng, độ lớn, màu sắc; nhận ra vị trí, phương hướng và trình tự sắp xếp các đồ vật. Hình dạng (hay đường viền) là dấu hiệu quan trọng nhất để trẻ 3 tuổi nhận biết đối tượng. Trẻ có thể nhận biết được năm loại hình khác nhau thông qua trò chơi xếp hình (tròn, vuông, chữ nhật, tam giác, bầu dục). Sau đó là màu sắc rực rỡ (đỏ, da cam, vàng, xanh lá cây, xanh da trời, tím, trắng, đen). Trẻ dùng mắt để lựa chọn các đối tượng cần thiết mà không cần ướm thử nữa. Trẻ tích lũy được khá nhiều biểu tượng về các đối tượng trong hiện thực và được ghi lại trong kí ức, biến thành các mẫu để nhận biết thuộc tính của đối tượng khác. Trẻ thường dùng hình dạng, màu sắc của một số mẫu này để nhận biết các đồ vật khác, ví dụ khi nhận dạng các vật có hình tam giác trẻ nói là "giống mái nhà"; khi nhận dạng các vật có hình tròn, trẻ nói "giống quả bóng"; các đồ vật màu đỏ - "giống cờ", màu xanh - "giống cỏ"… Nhận biết bằng thính giác của trẻ cũng phát triển mạnh, đặc biệt là nghe âm vị của tiếng mẹ đẻ. Trẻ phân biệt được độ cao, thấp của âm thanh qua các bài hát đơn giản và hấp dẫn.
Lưu ý:
• Việc nắm vững hành động tri giác ở trẻ đòi hỏi người lớn phải hướng dẫn. Đồ chơi cần chọn lựa sao cho có các thao tác lắp ráp các bộ phận với nhau, buộc trẻ phải so sánh, đối chiếu và lựa chọn cho phù hợp.
• Cần chỉ cho trẻ biết những âm thanh có độ cao khác nhau phát ra từ các đối tượng quen thuộc như gà gáy "ò ó o", vịt kêu "cạp cạp cạp"; khuyến khích trẻ gõ trống, rung lục lạc, hay nhún nhảy theo nhạc để phát triển khả năng tiết tấu.
• Nên đặt những câu hỏi cho trẻ để kích thích sự tìm tòi, sáng tạo ở trẻ.
Trí nhớ:
Trong năm đầu, trí nhớ của trẻ chưa tách khỏi tri giác trực tiếp (khi người quen đến gần, trẻ có phản ứng reo mừng). Cuối năm thứ nhất, trẻ đã nhận ra đồ chơi mà mình đã chơi nhiều lần, nhận ra giai điệu đã nghe nhiều lần. Trẻ 2 tuổi nhớ được nhiều từ, câu mặc dù chưa hiểu được câu đó hoặc chưa hiểu được ý nghĩa của từ. Trẻ nhớ các bài thơ, câu văn, các phần âm thanh và nhịp điệu của từ… Đặc điểm quan trọng nhất trong trí nhớ của trẻ là trí nhớ dần dần thoát khỏi chỗ dựa vào tri giác, sự nhớ lại được hình thành (ví dụ mẹ mặc đồ đẹp tức là sẽ đi. Trẻ sẽ khóc khi thấy mẹ mặc đồ đẹp). Ban đầu, trẻ nhớ lại không chủ định (khi có câu hỏi và gợi ý của người lớn), về sau là nhớ lại có chủ định. Trí nhớ của trẻ là sự hứng thú, trẻ nhớ lại những gì trẻ thích. Trẻ có khả năng ghi nhớ và nhớ lại theo lời chỉ dẫn của người lớn là thành tựu quan trọng trong sự phát triển trí nhớ của trẻ, là mầm mống của trí nhớ có chủ định.
Lưu ý:
• Cần cho trẻ tiếp xúc nhiều lần với đồ vật để rèn luyện trí nhớ.
• Trước khi tiếp xúc chúng ta đưa ra những câu đố, câu hỏi liên quan đến đồ vật để rèn luyện khả năng nhớ lại của trẻ.
Tư duy:
Ở trẻ tuổi này, tư duy chủ yếu là tư duy trực quan hành động. Ban đầu, trẻ biết sử dụng các mối liên hệ có sẵn giữa các đồ vật để giải quyết tình huống, ví dụ trèo lên ghế để lấy cái ly trên bàn. Nhưng sự biểu hiện của hành động tư duy đích thực là khi trẻ biết xác lập mối quan hệ chưa có sẵn giữa các đồ vật để giải quyết một nhiệm vụ nào đó, ví dụ lấy cây để khều quả bóng trong gầm giường. Người lớn dạy cho trẻ hành động với đồ vật, giúp trẻ xác lập mối quan hệ giữa chúng để giải quyết các nhiệm vụ thực tế, tránh rập khuôn máy móc. Cuối tuổi này, trẻ bắt đầu hình thành tư duy trực quan-hình ảnh (là kiểu tư duy mà trong đó việc giải quyết bài toán được thực hiện nhờ các hành động bên trong với các hình ảnh), ví dụ sau nhiều lần dùng que khều quả bóng trong gầm giường, trong một tình huống mới như quả bóng ở trên bàn, trẻ sẽ dự đoán trong đầu là có thể dùng que khều được quả bóng ngay. Mặc dù mới chỉ dừng lại ở hành động trực quan-hành động nhưng tư duy của trẻ cũng đã đạt tới những khái quát ban đầu mang tính độc đáo. Đó là khả năng hợp nhất những sự vật, hiện tượng có dấu hiệu bên ngoài giống nhau, ví dụ trẻ gọi chim, gà, vịt đều là chim; thỏ, chó đều là mèo.
Lưu ý: Để phát triển tư duy cho trẻ cần:
• Luôn đặt trẻ vào tình huống giải quyết vấn đề.
• Cho trẻ quan sát thực tế.
• Quan tâm phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
Sự phát triển xúc cảm – tình cảm:
Cảm xúc và tình cảm chưa có tính ổn định, mau thay đổi. Trẻ có thể rất thích thú một cái gì đó, nhưng cũng rất dễ dàng chán nó. Khóc rồi cười nhanh chóng. Trong độ tuổi này, trẻ bắt đầu có tình cảm đối với những người gần gũi như cha mẹ, anh chị, ông bà. Sau đó xuất hiện thêm những hình thái mới. Đứa trẻ mong được người lớn khen ngợi, âu yếm và rất sợ khi người lớn tỏ ra không bằng lòng. Đối với bạn cùng tuổi, trẻ cũng đã bộc lộ được mối thiện cảm của mình bằng cách dỗ dành bạn hay chia sẻ bánh kẹo hoặc đồ chơi cho bạn. Trẻ cũng thường bị ảnh hưởng xúc cảm của người khác, ví dụ: thấy bạn khóc cũng khóc theo, thấy mẹ buồn cũng buồn theo, thấy bạn chơi đùa vui vẻ cũng cười theo… Trẻ cũng bắt đầu hình thành tình cảm tự hào. Vì vậy, lời khen ngợi của cha mẹ hoặc sự tán thưởng của những người xung quanh là nguồn cổ vũ quan trọng để hình thành tình cảm tự hào của trẻ. Sau đó, xuất hiện thêm tình cảm xấu hổ. Trẻ cảm thấy xấu hổ mỗi khi hành động của mình không được người lớn mong mỏi, hay khi trẻ bị người lớn chê trách. Khi giáo dục tốt, tình cảm tự hào và xấu hổ sẽ phát triển mạnh, thúc đẩy trẻ thực hiện những hành động tốt.
Lưu ý:
• Cần thường xuyên khen ngợi trẻ khi trẻ đạt được một tiến bộ, một hành động hành vi lời nói đúng.
• Khi trẻ phạm lỗi cần nhắc nhở nhẹ nhàng, cần trách phạt để trẻ hiểu các giới hạn, các chuẩn mực nhưng cần lựa chọn kỹ các biện pháp trách phạt. Hạn chế việc đánh đập quá nặng nề và thường xuyên đối với trẻ.[2]
Sự hình thành ý thức về cái tôi:
Đứa trẻ 1 tuổi tình cờ soi gương, nó nhìn chăm chú rất lâu ảnh mình trong gương, sau đó sờ tay lên mặt gương nơi mũi có chấm đỏ trong ảnh. Đứa trẻ khoảng 15 tháng nhìn thấy chấm đỏ trên mũi của ảnh mình trong gương, nó đến gần hơn và sờ vào mũi mình. Mọi đứa trẻ 2 tuổi đều làm như vậy. Trẻ 20-24 tháng bắt đầu nhận ra ảnh của mình trong ảnh đám trẻ con cùng tuổi. Sự ý thức về cái tôi (tự ý thức) bắt đầu từ khi trẻ nhận ra chính mình, nhận ra mình là một con người riêng biệt, khác với những người xung quanh. đầu tuổi ấu nhi, trẻ còn ở trong tình trạng chưa xác định được bản thân mình. Trẻ nhận biết bản thân từ sự bắt chước thái độ của người khác đối với trẻ, ví dụ trong cách xưng hô, trẻ thường xưng tên như người khác đã gọi: "Bin ngủ mà!". cuối tuổi ấu nhi, trẻ bắt đầu nhận biết mình là ngôi thứ nhất (lúc này trẻ xưng con, xưng em, xưng anh và cả xưng tao). Trẻ nhận ra tên gọi gắn liền với bản thân. Trẻ chú ý đến hình dáng của mình, các bộ phận, mắt, mũi, tay, chân và cả giới tính của mình, ví dụ trẻ soi gương, rồi nhìn vào mình; trẻ đứng gọi mình trong gương. Trẻ biết tự nhận xét, đánh giá bản thân. Ban đầu, trẻ dựa vào lời nhận xét của người lớn, rồi trẻ tự liên hệ mình với các nhân vật trong truyện (ngoan hay hư). Khi làm một việc gì đó mà được khen, trẻ thường làm đi làm lại hành động để được khen. Mong muốn được người lớn khen ngợi là nhu cầu lớn của trẻ, nên trẻ cố gắng để được khen nhiều. Trẻ nhận ra khả năng và sức mạnh của mình thông qua các hành động với đồ vật, ví dụ trẻ múc nước đầy xô, tắt đèn, bật đèn… Khi làm được điều gì, trẻ tỏ ra thích thú và làm nhiều lần như vậy. Sự tự ý thức còn biểu hiện việc trẻ muốn hiểu về bản thân trong quá khứ và mong muốn về mình trong tương lai. Bé Minh, 3 tuổi, nói: "Lúc con còn nhỏ, con hay tè dầm. Khi nào con lớn, con hết tè dầm, mẹ mua cho con cặp đẹp để con đi học và nhiều chuyện Đôrêmon cho con đọc".
Lưu ý: Trước 3 tuổi, trẻ vẫn chưa phân biệt rõ ràng những thứ thuộc về mình hay của người khác, vì vậy cha mẹ cần giúp trẻ phân biệt các giới hạn, sự khác nhau. Nếu trẻ có cầm nhầm đồ của nhà trẻ, của người khác về, chúng ta không nên vội la mắng trẻ là hư hỏng, ăn cắp. Cần dạy cho trẻ như thế là không đúng. Nhưng nếu trẻ trên 3 tuổi cầm nhầm thì cần nghiêm khắc hơn với trẻ.
- Nguyện vọng độc lập và khủng hoảng tuổi lên 3
Khi trẻ tách được mình ra khỏi người khác và có ý thức về những khả năng của chính mình, trẻ nảy sinh nguyện vọng được độc lập. Nhu cầu này rất lớn, đó là để khẳng định mình.
Đây là động lực mạnh mẽ thúc đẩy trẻ phát triển. Điều này thể hiện sự trưởng thành hơn của đứa trẻ. Mặt khác, cũng từ nhu cầu muốn độc lập này mà trẻ có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ và thái độ tiêu cực thường đối lập với người lớn. Các nhà tâm lý học gọi đây là "thời kì khủng hoảng tuổi lên ba".
Biểu hiện:
• Bướng bỉnh: Trẻ chỉ muốn làm theo ý thích của mình và tự mình quyết định.
• Ngang ngạnh: Khi không đạt được điều mong muốn, trẻ phản kháng bằng cách khóc ré lên, khóc nhè, lăn ra ăn vạ, đập đầu, đạp tứ tung để đạt được mục đích.
• Vô lễ với người lớn: Khi không hài lòng điều gì thì trẻ thường giơ tay đánh, nhéo hoặc nói vô lễ với người lớn.
• Chống đối: Làm ngược lại những lời chỉ bảo của người lớn hoặc vi phạm những điều họ ngăn cấm.
• Chuyên quyền: Trẻ tỏ ra chuyên quyền trong quan hệ với tất cả mọi thứ xung quanh; cái gì cũng muốn thuộc về mình, tính ích kỉ xuất hiện.
Khủng hoảng tuổi lên 3 là hiện tượng phổ biến, ít nhiều trẻ đều gặp phải nhưng có tính tạm thời, chuyển tiếp. Sự tách rời bản thân ra khỏi người khác, sự tự nhận thức về mình, mong được độc lập tự chủ là một bước ngoặt trong sự phát triển tâm lý, tạo tiền đề cho sự hình thành nhân cách của trẻ ở giai đoạn tiếp theo.
Những điều người lớn nên đối xử với trẻ:
• Tôn trọng và thỏa mãn tính độc lập của trẻ, hướng dẫn trẻ một số việc tự phục vụ hoặc giúp đỡ người lớn để tính độc lập vẫn phát triển mà trẻ vẫn nghe lời.
• Kịp thời nhận thấy những khả năng mới của trẻ.
• Tạo ra những hình thức hoạt động mới để trẻ có những quan hệ mới với mọi người xung quanh.
• Nếu đánh giá đúng đắn và cách ứng xử khéo léo, sẽ giúp trẻ vượt qua sự khủng hoảng nhanh chóng và nhẹ nhàng.
• Thay đổi thái độ đối xử với trẻ.
• Tìm kiếm các biện pháp giáo dục thích hợp.
Không nên:
• Coi đây là một đặc tính cố hữu của trẻ.
• Coi thường cuộc khủng hoảng.
Nếu không đánh giá đúng và có cách ứng xử phù hợp, khủng hoảng tuổi lên 3 sẽ kéo dài suốt thời thơ ấu, để lại những dấu vết nặng nề cho trẻ về sau.
Lưu ý: Một số biểu hiện của trẻ rất dễ nhầm lẫn giữa tính bướng bỉnh và sự kiên trì. Nếu đó là sự kiên trì thì cần phải tạo điều kiện để rèn luyện, nếu là tính bướng bỉnh cần ngăn chặn.
ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ CỦA TRẺ 3 - 6 TUỔI
Các hoạt động của trẻ 3-6 tuổi
- Hoạt động vui chơi
Môi trường sống của trẻ ở giai đoạn này đã mở rộng nhiều, trẻ được nhìn thấy các dạng hoạt động nghề nghiệp, các vai trò xã hội của con người. Trẻ muốn được tham gia thực sự vào cuộc sống đa dạng của người lớn nhưng không được. Từ mâu thuẫn đó nảy sinh nhu cầu chơi các trò chơi đóng vai. Trò chơi đóng vai trở thành hoạt động chủ đạo của trẻ em tuổi mẫu giáo, đó là hoạt động độc lập của trẻ nhằm mô phỏng cuộc sống đa dạng của người lớn mà trẻ được chứng kiến (các dạng hoạt động và các mối quan hệ).
Trò chơi đóng vai được coi là hoạt động chủ đạo vì:
Tạo nên sự biến đổi về chất trong tâm lý của trẻ:
• Ảnh hưởng tới sự hình thành tính chủ định của quá trình tâm lý: Trong trò chơi đóng vai, trẻ tập trung tốt hơn và ghi nhớ (đối tượng, tình huống chơi, chủ đề, nội dung chơi…) được nhiều hơn so với điều kiện bình thường. Nếu trẻ không chú ý, không nhớ quy tắc trò chơi thì trẻ sẽ bị các bạn nghỉ chơi.
• Ảnh hưởng tới sự phát triển hành động trí tuệ của trẻ mẫu giáo: Trò chơi giúp trẻ chuyển sang tư duy biểu tượng. Khi trẻ đặt vật thay thế phù hợp với tình huống chơi, ví dụ gọi que là con ngựa, trẻ hành động với que nhưng lại tưởng tượng là đang hành động với con ngựa.
Trẻ đang hành động với vật thay thế nhưng vẫn phải suy nghĩ về vật thật.
• Ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ: Trò chơi đòi hỏi mỗi đứa trẻ phải có một trình độ giao tiếp bằng ngôn ngữ nhất định. Trẻ phải hiểu được lời chỉ dẫn, bàn bạc của các bạn cùng chơi. Trẻ phải diễn đạt mạch lạc nguyện vọng và ý kiến của mình đối với các bạn cùng chơi. Chính trò chơi kích thích trẻ phát triển ngôn ngữ nhanh chóng.
• Ảnh hưởng tới sự phát triển tưởng tượng: Trong trò chơi đóng vai, trẻ nhận đóng các vai. Các hoạt động với vật thay thế là cơ sở phát triển trí tưởng tượng.
Quá trình tưởng tượng của trẻ: Ban đầu gắn với đồ chơi và hành động chơi (tình huống trước mắt). Dần dần, vật thay thế cũng như hành động chơi không nhất thiết phải có, mà trẻ có thể chơi bằng cách trẻ hình dung trong đầu - tưởng tượng thầm. Ví dụ, trẻ đóng vai thuyền trưởng, tuy chỉ đứng trên ghế nhưng vẫn tưởng tượng mình đang vượt biển, chống chọi với phong ba, bão táp…
• Ảnh hưởng tới sự phát triển đời sống tình cảm: Trong các tình huống tưởng tượng khác nhau của trò chơi, trẻ trải nghiệm những rung cảm – xúc cảm tích cực trong mối quan hệ giữa người và người (thái độ ân cần, chu đáo, sự đồng cảm, tương trợ…); cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong thế giới người lớn; cảm thấy vui sướng và thỏa mãn, bộc lộ sự say mê, nhiệt tình khi chơi.
• Ảnh hưởng tới sự hình thành các phẩm chất ý chí: Khi tham gia trò chơi chung, trẻ buộc phải phục tùng những yêu cầu nhất định bắt nguồn từ ý đồ chung của cuộc chơi; phải điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp với vai chơi và quy tắc của trò chơi theo chuẩn mực xã hội thông qua vai mình đóng. Khi trẻ biết điều khiển hành vi của mình theo mục đích chung của nhóm chơi, ở trẻ sẽ hình thành những phẩm chất ý chí: tính mục đích, tính kỉ luật, tính dũng cảm… chi phối các dạng hoạt động khác của lứa tuổi mẫu giáo, ví dụ học tập ở lứa tuổi mẫu giáo. Học mà chơi - nhẹ nhàng, được tổ chức dưới dạng trò chơi, chơi mà học thông qua trò chơi, trẻ học được nhiều điều về thế giới xung quanh.
Ở lứa tuổi này, người lớn càng tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tham gia vào nhiều trò chơi phong phú, đa dạng bao nhiêu, càng giúp trẻ phát triển về thể lực, trí tuệ và nhân cách bấy nhiêu.
- Hoạt động với đồ vật – công cụ
Hoạt động tạo hình:
Hình vẽ của trẻ mẫu giáo thường không giống đối tượng. Trẻ thường bỏ qua nhiều chi tiết hoặc thêm vào chi tiết thừa, hoặc tỉ lệ không đúng. Những đặc điểm trên được giải thích rằng trẻ thường miêu tả cái làm trẻ xúc động. Xu hướng sử dụng màu trong quá trình phát triển hoạt động vẽ: Trẻ sử dụng màu một cách tùy tiện do tri giác màu sắc bằng cảm xúc và do thích màu này hơn màu kia. Vì thế, trẻ thường sử dụng màu yêu thích để vẽ đối tượng chứ không phải để diễn tả màu thực của đối tượng. Trong tranh vẽ, trẻ thể hiện thái độ của mình đối với nội dung vẽ: mô tả những điều đẹp đẽ bằng các màu sắc rực rỡ, vẽ cẩn thận còn những gì không đẹp bằng màu tối, vẽ cẩu thả.
Khi được học vẽ một cách đúng đắn, có thể hình thành ở trẻ:
• Kỹ năng quan sát đối tượng một cách trình tự.
• Kỹ năng tách ra những nét đặc trưng của đối tượng.
• Phát triển tri giác có mục đích và các thao tác tư duy.
• Tính tích cực và năng lực sáng tạo ở trẻ.
Lưu ý: Nếu xem xét các tranh vẽ của trẻ mà cha mẹ/thầy cô nhận thấy toàn những màu sắc tối, thiếu những nét cơ bản, bố cục không hợp lý… thì chứng tỏ trẻ đang có những rối nhiễu về mặt tâm lý, vì vậy cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại khoa tâm lý của các bệnh viện nhi.[3]
Hoạt động xây dựng:
Hoạt động xây dựng giúp trẻ thấy rằng các bộ phận của đối tượng liên kết với nhau không chỉ theo hình thức bên ngoài mà còn theo logic bên trong của chính đối tượng, ví dụ nếu đối tượng cao và có những bộ phận chìa ra ngoài (cần cẩu) thì chúng phải được giữ thăng bằng bằng một đế nặng (bệ của cần cẩu).
Các kiểu hoạt động xây dựng:
Lắp ráp theo mẫu:
• Trẻ nhìn người lớn xây dựng mẫu (căn nhà, ôtô, máy bay…), trẻ có thể phân biệt được các chi tiết để lắp ráp theo mẫu của người lớn.
• Trẻ nhìn mẫu và tự ráp theo mẫu (mô hình hoặc dưới dạng hình vẽ): đòi hỏi trẻ phải có khả năng nhìn thấy hiện thực đằng sau hình vẽ.
Người lớn cần giúp trẻ có khả năng theo dõi, tách các bộ phận cơ bản của đối tượng, lựa chọn các chi tiết cơ bản và lắp ráp theo logic bên trong của đối tượng đó.
Lắp ráp theo các điều kiện hoặc các nhiệm vụ: Cha mẹ cần đề ra nhiệm vụ dùng vật liệu xây dựng để lắp giá treo tranh vẽ, xây nhà cho gấu bông.
• Dạy trẻ biết tính tới các điều kiện, đưa hoạt động của trẻ vào tổ chức nhất định.
• Phát triển ở trẻ niềm hứng thú đối với sự thay đổi (xuất phát từ cùng một điều kiện có thể đưa ra nhiều cách giải quyết khác nhau), từ đó hình thành ở trẻ những biểu tượng khái quát, mềm dẻo.
Lắp ráp theo ý định riêng: Trẻ xây dựng công trình không chỉ giống một đối tượng nào đó, mà còn vì để chơi với công trình này. Trẻ tạo ra công trình vừa giống thật, vừa phù hợp với trò chơi của trẻ nhằm phát triển tính chủ động, sáng tạo. Từ đó, trẻ học cách lập kế hoạch, cùng thảo luận, thực hiện ý định xây dựng của cả nhóm hoặc biết bảo vệ phương án xây dựng của mình.
Hoạt động học tập
Nội dung xoay quanh những tri thức tiền khoa học, những tri thức của đời sống, của môi trường xung quanh, ví dụ giải thích hiện tượng mưa một cách đơn giản: đậy miếng kính bên trên ly nước nóng. Trẻ có thể học nhanh, mọi lúc, mọi nơi; học thông qua trò chơi.
Thông qua hoạt động học tập, biểu tượng về thế giới của trẻ tăng lên, nảy sinh tính ham hiểu biết, hứng thú nhận thức. Trẻ sẽ đặt ra nhiều câu hỏi có tính khám phá, tìm tòi hơn. Hoạt động này cũng tập dần cho trẻ biết học một cách chủ định, có mục đích và biết phải làm những điều không theo ý thích. Cuối cùng, giúp trẻ hình thành kĩ năng tự kiểm tra, tự đánh giá công việc một cách đúng đắn.
Lưu ý: Cha mẹ chỉ xem việc học tập của trẻ là hoạt động bổ trợ cho sự phát triển của trẻ chứ không nên xem là hoạt động chủ đạo của trẻ. Không nên ép trẻ học, hạn chế bắt trẻ tập viết quá nhiều vì cổ tay của trẻ chưa hoàn thiện.
- Hoạt động lao động
Trẻ chỉ mới có những hình thức lao động sơ đẳng, ví dụ lao động tự phục vụ: ba tuổi, trẻ có nhu cầu bắt chước người lớn làm một số công việc trong sinh hoạt; bốn tuổi rưỡi, trẻ có thể tham gia những công việc chung trong gia đình như quét nhà, lau bàn ghế…; lao động công ích: dọn dẹp đồ chơi, phòng học, sân trường; giúp cô chăm sóc các em nhỏ hơn; làm đồ chơi… Những hoạt động đó thu hút sự hứng thú tham gia của trẻ và có giá trị giáo dục cao.
Lưu ý: Điều quan trọng không phải là làm cho hoạt động lao động của trẻ đạt kết quả cao, mà điều chủ yếu là để trẻ hiểu thế nào là lao động.
Sự phát triển nhận thức
Trước 3 tuổi, ở trẻ chủ yếu là chú ý không chủ định; sức tập trung chú ý không cao, thường di chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác theo nguyên nhân không rõ ràng; chỉ có thể hướng chú ý vào một đối tượng; chú ý đi liền với đối tượng chứ khó hướng chú ý vào lời nói.
Sau 3 tuổi, khối lượng chú ý tăng lên: có khả năng phân phối chú ý vào hai hay nhiều đối tượng. Tính bền vững của chú ý phát triển, đặc biệt trong trò chơi, trẻ bắt đầu vào mẫu giáo có thể tập trung chú ý vào trò chơi khoảng 30-50 phút, nhưng cuối tuổi mẫu giáo tăng lên khoảng 1,5 giờ. Tính bền vững của chú ý phụ thuộc vào hứng thú của trẻ với các đối tượng. Trẻ đã hình thành chú ý có chủ định.
Khoảng 4-5 tuổi, trẻ biết điều khiển chú ý của mình; tự giác hướng chú ý vào đối tượng nhất định; sự chú ý của trẻ gắn liền với hành động có mục đích, ví dụ trẻ phải chú ý trong giờ học vẽ, nặn, âm nhạc thì mới có thể làm đúng. Chú ý có chủ định hình thành nhờ người lớn đã lôi cuốn trẻ vào những dạng hoạt động mới và dùng những phương tiện nhất định để hướng dẫn và tổ chức chú ý của trẻ. Sự hình thành kiểu chú ý này có quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ, nó là phương tiện để người lớn hướng dẫn trẻ hành động để đạt được mục đích, sau đó trẻ tự biểu đạt bằng lời những điều cần chú ý, giúp tính chủ định phát triển. Tuy nhiên ở lứa tuổi mẫu giáo, chú ý không chủ định vẫn chiếm ưu thế. Vì vậy, các trò chơi, các dạng hoạt động hấp dẫn, kích thích trẻ phát huy sáng kiến, việc thay đổi luôn luôn các hình thức hoạt động cho phép duy trì chú ý của trẻ vào các đối tượng một cách bền vững.
- Trí nhớ
Ở tuổi mẫu giáo, trí nhớ không chủ định chiếm ưu thế (thường không đặt ra cho mình mục đích hay nhiệm vụ phải ghi nhớ một điều gì, mà việc ghi nhớ thường diễn ra một cách tự nhiên). Khi khối lượng trí nhớ tăng lên, trẻ ghi nhớ tốt một lượng lớn những bài thơ, bài vè, ca dao, tục ngữ, các phép đếm, câu đố, chuyện cổ tích, phim hoạt hình mà không cần phải có sự cố gắng.
Ở đầu tuổi mẫu giáo: trí nhớ gắn liền với tính trực quan. Trẻ dễ nhớ và nhớ lâu nếu trẻ có hành động trực tiếp và tích cực với đối tượng; nhìn thấy trực tiếp trong khi hoạt động: vật thật, tranh ảnh, mô hình; bị gây ấn tượng, có cảm xúc mạnh.
Cuối tuổi mẫu giáo: trí nhớ có chủ định hình thành và phát triển mạnh (trí nhớ có mục đích, gắn với nhiệm vụ nhận thức và có sự nỗ lực của ý chí). Trẻ có thể học hát, múa để biểu diễn trong ngày lễ hoặc nhớ những món đồ mẹ dặn đi mua ở cửa hàng.
Trẻ biết sử dụng thủ thuật ghi nhớ: lặp lại các từ theo người lớn; nhẩm to hoặc nhẩm thầm, nhắc đi nhắc lại; xác định mối quan hệ giữa chúng; giơ ngón tay đếm theo người lớn… Trẻ biết nhớ theo điểm tựa, phân loại, tạo nhóm khi nhớ, ví dụ: các từ chỉ tên đồ vật, nhóm các con vật.
- Tư duy
Tư duy trực quan hành động tiếp tục phát triển. Khoảng 4 tuổi, ở trẻ bắt đầu diễn ra một bước ngoặt cơ bản về tư duy. Đó là việc chuyển từ tư duy hành động định hướng bên ngoài thành những hành động định hướng bên trong, chuyển từ kiểu tư duy bằng tay (trực quan-hành động) của thời kỳ ấu nhi sang kiểu tư duy trực quan-hình tượng (hình ảnh). Đặc điểm của kiểu tư duy này là việc giải quyết nhiệm vụ đặt ra không chỉ thực hiện bằng phép thử bên ngoài với các vật thật nữa, mà được thực hiện bằng cả phép thử ngầm trong óc dựa vào hình ảnh, biểu tượng về đồ vật hay về hành động với đồ vật mà trẻ đã làm hay nhìn thấy người khác làm. Từ đó, trẻ có thể suy nghĩ về những sự vật mà trẻ không trực tiếp tri giác, không trực tiếp tác động.
Ví dụ 1: Trẻ mẫu giáo muốn lấy một trái banh trong gầm tủ, sẽ thực hiện phép thử trong đầu là dùng một vật dài để khều nó ra (có được suy nghĩ này là kết quả của việc lặp đi lặp lại tư duy trực quan hành động với đồ vật trước đó).
Ví dụ 2: Có năm khối hình tròn, tam giác, vuông, hình bình hành, ngôi sao và năm lỗ trống tương ứng với năm hình. Nhiệm vụ của trẻ là xếp các hình vào các lỗ cho phù hợp. Trẻ mẫu giáo sẽ tiến hành ướm thử trong đầu các hình ảnh của các khối hình và hành động theo hướng mà mình đã suy nghĩ.
Ví dụ 3: Bài toán đặt ra: Một thanh gỗ, giữa gắn vào trục để có thể xoay hoặc đẩy được, một đầu ở xa có gắn đồ chơi, làm thế nào lấy được đồ chơi. Trẻ mẫu giáo sẽ suy nghĩ một lúc rồi lấy tay ấn đầu bên đây xuống, và đồ chơi cũng lăn xuống theo. Khi hỏi trẻ tại sao lại làm vậy, trẻ sẽ trả lời: "Cháu thấy nó giống cái bập bênh, cứ ấn đầu bên này lên thì bên kia xuống".
Tư duy trực quan hình ảnh phát triển do trẻ hành động lặp lại với đồ vật nhiều lần, dần dần nhập tâm thành biểu tượng trong đầu. Trong trò chơi đóng vai, trẻ biết dùng vật này thay thế cho vật khác và hành động với vật thay thế y như vật thật, đó là hành động mang tính ký hiệu tượng trưng, hành động rút gọn, là cơ sở để phát triển tư duy trực quan hình ảnh. Tư duy của trẻ mang tính trực quan hình tượng nên trẻ khó giải được bài toán dưới hình thức trừu tượng, ví dụ khó giải bài toán 2+3 nếu không được nhìn sự vật cụ thể (hai quả táo, hai bông hoa…).
Giữa thời kì mẫu giáo, trẻ phát triển mạnh khả năng ký hiệu hóa, từ đó xuất hiện kiểu tư duy trực quan sơ đồ. Thực chất, nó vẫn thuộc kiểu tư duy trực quan hình tượng nhưng khái quát hơn và là một bước trung gian để chuyển sang tư duy trừu tượng. Trẻ em ở cuối tuổi mẫu giáo nhỡ và mẫu giáo lớn có khả năng hiểu một cách dễ dàng và nhanh chóng cách biểu diễn sơ đồ và sử dụng hiệu quả những sơ đồ đó để tìm hiểu sự vật. Chẳng hạn, trẻ có thể nhìn vào sơ đồ tìm ra một địa chỉ nào đó mà không lấy gì làm khó khăn (tức là đọc được sơ đồ hay giải mã) hoặc để chỉ đường đi đến một nơi nào đó, trẻ chỉ cần vẽ một số vạch chủ yếu, tức là trẻ đã nắm được kỹ năng sơ đồ hóa (ký mã), ví dụ các bài tập về tìm đường đi ngắn nhất để thỏ về đến nhà dưới dạng sơ đồ; xác định vị trí và phương hướng của các đồ vật với nhau …
- Tưởng tượng
Ở lứa tuổi này, quá trình tưởng tượng phát triển rất mạnh thể hiện trong trò chơi, trong các bức vẽ, trong các câu chuyện "bịa" của trẻ. Các trò chơi phân vai theo chủ đề giúp trẻ tưởng tượng ra nhiều nhân vật đặc sắc. Tưởng tượng của trẻ đầu tuổi mẫu giáo mang tính tái tạo và gắn liền với hoàn cảnh đang tri giác (khi cưỡi lên gậy, trẻ tưởng tượng mình là một kỵ sĩ và gậy là con ngựa. Trẻ không thể tưởng tượng ra hành động cưỡi ngựa khi không dùng gậy để thay thế cho con ngựa, và cũng không thể xem cái gậy thành con ngựa khi không hành động với cái gậy.
Tưởng tượng của trẻ mẫu giáo chủ yếu là không chủ định. Những gì làm trẻ xúc động mạnh sẽ trở thành đối tượng của tưởng tượng. Do ảnh hưởng của trò chơi, trẻ thích "sáng tác" những truyện cổ tích. Nhiều trẻ "sáng tác" mà chưa biết truyện của mình sẽ nói về cái gì. Tưởng tượng có chủ định hình thành ở mẫu giáo lớn trong quá trình phát triển các dạng hoạt động sáng tạo (khi trẻ vẽ, nặn, thiết kế trong xây dựng và kể chuyện). Tưởng tượng của trẻ tiến dần đến chỗ nhập tâm (tưởng tượng bên trong). Trong trò chơi, từ hành động với vật thật đến hành động với vật thay thế, dần dần trẻ có khả năng hành động với vật không có trên thực tế (hành động trong tưởng tượng).
Lưu ý: Nên thường xuyên đọc sách báo hoặc kể chuyện cho trẻ nghe để rèn luyện các đặc điểm nhận thức của trẻ như: chú ý, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng. Hạn chế trẻ xem ti vi, vì càng xem ti vi nhiều, tư duy, tưởng tượng, tình cảm của trẻ càng hạn chế.