- Ths. Phạm Thị Thúy
Ngày nay, gia đình đang bị khủng hoảng do ảnh hưởng của sự thay đổi ngoài xã hội: hiện tượng gia đình tan vỡ, con cái hư hỏng, không vâng lời cha mẹ, có thái độ khinh nhờn, hỗn láo, thậm chí hắt hủi và bạc đãi cha mẹ… ngày càng nhiều. Sự gia tăng số lượng trẻ em hư là biểu hiện của tình trạng khủng hoảng và thiếu kết nối trong giáo dục giữa gia đình và xã hội. Khi các chuẩn mực cũ bị phá vỡ, trong khi các chuẩn mực mới chưa có chỗ đứng vững chắc, thì lớp trẻ là đối tượng lo lắng, hoang mang và bị tổn thương nhiều nhất. Trong xã hội nhiều biến động đó, việc bảo vệ con cái khỏi các tác động xấu, giúp chúng trở thành những đứa con ngoan quả là thành công lớn, là niềm hạnh phúc lớn, đồng thời là thách đố thật sự đối với các bậc cha mẹ ngày nay.
Trong bối cảnh đó, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục và định hình nhân cách trẻ ngày càng có tầm quan trọng đặc biệt. Giáo dục con cái là một công việc mang tính tự giác, cá nhân, nhưng cũng mang tính chất xã hội sâu sắc, thậm chí có thể nói đây là một nhiệm vụ xã hội lớn lao và cao đẹp. Gia đình không chỉ là một trong những môi trường đào tạo nhân cách cho thế hệ trẻ, mà chính là môi trường giáo dục trẻ có vị trí đặc biệt quan trọng, toàn diện, trực tiếp so với các tổ chức giáo dục của nhà nước và xã hội. Và cha mẹ là người có trách nhiệm, nghĩa vụ lớn nhất đối với xã hội trong việc giáo dục trẻ để đào tạo những con người mới phù hợp với thời đại mới, với yêu cầu mới của xã hội hiện nay.
LÀM CHA MẸ - MỘT NGHỀ NGHIỆP" ĐẶC THÙ
Tình yêu
Tình yêu thương con cái chính là tiền đề cho nhu cầu giáo dục ở các bậc cha mẹ - để con mình trở thành người có nhân có nghĩa và thành công trong cuộc sống sau này. Thế nên cha mẹ tham gia vào việc giáo dục con một cách tự nguyện, nhiệt tình và vô tư. Giáo dục con không những là trách nhiệm đối với xã hội, mà còn là hạnh phúc lớn lao của người làm cha mẹ.
Khác với giáo dục nhà trường là dựa vào trách nhiệm và nghĩa vụ của học sinh, trong gia đình, việc dạy dỗ con cái diễn ra trên cơ sở tình cảm yêu thương và tin cậy lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái. Chính vì vậy, những tác động trong gia đình của cha mẹ dễ được trẻ tiếp nhận hơn. Cuộc sống tràn đầy tình yêu giữa những người ruột thịt là điều kiện tốt nhất để giáo dục cho trẻ tình cảm, đạo đức và trách nhiệm đối với mọi người, với những người thân – điều mà các tổ chức xã hội khác không thể làm được.
Sự cá biệt
Trong khi giáo dục nhà trường chú ý đến số đông trẻ ở một lứa tuổi, một trình độ nhất định để hướng tới sự phát triển bình thường ở những trẻ bình thường, thì giáo dục gia đình quan tâm đến mỗi đứa con cụ thể về giới tính, sức khỏe, cá tính… để đặt ra những yêu cầu cụ thể với từng em.
Cha mẹ biết rõ hơn ai hết những đặc điểm riêng của mỗi đứa con, những sở thích, nhu cầu, mặt mạnh, mặt yếu, cả những thiếu hụt trong sự phát triển của con, do đó có thể tiến hành các biện pháp giáo dục bổ sung kịp thời.
Tính thực tế
Giáo dục gia đình trước hết gắn với lợi ích thực tế của gia đình theo tiêu chuẩn đánh giá đang tồn tại trong gia đình. Vì vậy, so với giáo dục trong nhà trường, giáo dục gia đình linh hoạt hơn, thích ứng nhanh với những biến đổi trong xã hội và sự phát triển của bản thân đứa trẻ.
Mặt khác, giáo dục gia đình được thực hiện trong chính cuộc sống của gia đình, thông qua những hoạt động thực tiễn của đứa trẻ vì lợi ích chung của gia đình, lý thuyết luôn gắn với thực hành, những lời dạy bảo luôn đi kèm với những nhiệm vụ, những công việc được giao. Do đó, kinh nghiệm được hình thành sâu sắc và bền vững hơn.
Hơn nữa, giáo dục gia đình diễn ra hằng ngày, trong cuộc sống chung, có khả năng đáp ứng kịp thời những yêu cầu đặt ra, giải quyết hiệu quả các tình huống nảy sinh trong cuộc sống.
Sự ảnh hưởng lẫn nhau
Tất cả các thành viên gia đình ảnh hưởng lẫn nhau theo những cơ chế phức tạp. Cách xử sự của trẻ em cũng ảnh hưởng đến nhân cách cha mẹ. Như vậy, trẻ em cũng tham gia "giáo dục" ngược lại cha mẹ của mình. Nhiều khi qua việc tiếp xúc rộng rãi với bạn bè, nhà trường và các phương tiện thông tin đại chúng, trẻ em nắm bắt nhanh những khuynh hướng phát triển mới. Vì vậy, cha mẹ không chỉ là người truyền đạt kiến thức cho con cái, mà họ còn có thể học tập được nhiều điều mới mẻ ở con mình.
NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN ĐỂ THỰC HIỆN TỐT VAI TRÒ LÀM CHA MẸ
Nguyên tắc 1. Trong gia đình cha mẹ nên là những tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Đây là nguyên tắc quyết định, có tầm quan trọng đặc biệt lớn lao đối với công tác giáo dục trẻ em. Vì con cái trong gia đình cũng như trẻ em nói chung rất nhạy cảm và hay bắt chước. Vậy cha mẹ trước hết phải làm gương từ cử chỉ, lời nói đến việc làm... Cha mẹ cũng cần thống nhất nguyên tắc và phương pháp giáo dục trong gia đình, tránh hiện tượng "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" khi mẹ nói đúng, cha lại bảo sai.
Không những thế, cha mẹ còn phải tìm hiểu, trau dồi kinh nghiệm của những nhà giáo dục và những người cha người mẹ khác. Cha mẹ cần đặt gia đình trong hệ thống giáo dục chung của xã hội, phối hợp chặt chẽ với các thiết chế xã hội khác như nhà trường, các tổ chức xã hội… để giáo dục con em với tinh thần chủ động. Có như thế cha mẹ mới làm tròn nhiệm vụ, vai trò của mình.
"Với những người làm cha mẹ thì việc giáo dục trong gia đình trước tiên là tự giáo dục."
- Nadezhda Krupskaya, Tiến sĩ Giáo dục người Nga
Nguyên tắc 2. Yêu thương con vô điều kiện, dù con là đứa trẻ bình thường hay khuyết tật, dù con đẹp hay xấu, dù con năng động hay chậm chạp… Cha mẹ cần coi mỗi đứa con là một bản thể duy nhất, độc đáo và có giá trị riêng, tránh so sánh con với bất kỳ ai hay đối xử phân biệt giữa đứa con này và đứa con khác.
Nguyên tắc 3. Cha mẹ cần nắm vững đặc điểm riêng của từng đứa con, hiểu con mình về tâm sinh lý, nguyện vọng, sở trường, khả năng nhận thức… để có phương pháp giáo dục phù hợp. Chú ý giáo dục trẻ từ sớm với thái độ nghiêm khắc nhưng tôn trọng con; bao dung, độ lượng và yêu thương đúng mực; biết biểu dương, khen ngợi trẻ để chúng tự điều chỉnh bản thân.
Nguyên tắc 4. Lao động là phương tiện giáo dục có hiệu quả sâu sắc và toàn diện. Đây là nguyên tắc giáo dục trong lao động, giáo dục gián tiếp thông qua lao động. Vì nhờ có lao động con người mới tôi luyện được những đức tính tốt đẹp. Cha mẹ cần biết hướng dẫn cho con lao động vừa sức và hợp lý, biểu dương kỹ năng lao động tốt, động viên tinh thần yêu lao động, sáng tạo, dạy phương pháp lao động tư duy (học tập), biết kết hợp học và hành.
"Giáo dục trong gia đình trước hết là tổ chức, giáo dục tinh thần. Không chỉ sự tác động có ý thức, có phương pháp của cha mẹ ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của trẻ, mà bản thân mô hình tổ chức và cường độ của cuộc sống gia đình cũng ảnh hưởng đến đứa trẻ."
- Macarenco, nhà giáo dục người Nga
Nguyên tắc 5. Tổ chức và sinh hoạt gia đình hòa thuận, dân chủ, tránh thiên vị hay lấy uy quyền của người lớn mà ép buộc trẻ, khiến trẻ bị ức chế, có thể tuân thủ mệnh lệnh nhưng trong lòng không phục.
NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC GIÁO DỤC CỦA CHA MẸ
Tuổi của cha mẹ
Tuổi của cha mẹ ảnh hưởng không nhỏ tới việc giáo dục con. Những cha mẹ trẻ tuổi thường dành thời gian dạy dỗ con nhiều hơn các bậc cha mẹ tuổi trung niên. Cha mẹ trẻ (độ tuổi 20 - 30) dễ gần gũi trẻ hơn, dễ hiểu tính cách trẻ hơn. Hơn nữa, do mới bước vào tuổi làm cha mẹ nên họ thể hiện vai trò của mình một cách nhiệt tình.
Đối với các bậc cha mẹ thuộc lứa tuổi cao hơn thì tỉ lệ thường xuyên chăm sóc dạy con giảm ở độ tuổi 30 - 40, nhưng tăng dần ở độ tuổi trên 40. Ở tuổi 30 - 40, các bậc cha mẹ bận lo xây dựng kinh tế gia đình và cho rằng con đi học thì đã có nhà trường quản lý, ở nhà thì "đứa lớn bế đứa bé", tự chăm sóc lẫn nhau. Khi cha mẹ ở tuổi trên 40, kinh tế gia đình đã tạm ổn định, con cái vào độ tuổi "chóng lớn", "khó bảo" nên cha mẹ mới bắt đầu chú ý đến con cái hơn. Các bậc cha mẹ ở tuổi này thường than phiền rằng họ khó dạy con vì cách nghĩ của con cái và cha mẹ quá khác biệt, còn con cái lại phàn nàn rằng cha mẹ quá lạc hậu.
Đây là vấn đề khoảng cách thế hệ - một yếu tố gây khó khăn không ít cho việc giáo dục con. Sự chênh lệch tuổi tác dẫn đến sự khác nhau về tâm lý, nhận thức, quan niệm sống, cách cư xử trong đời sống hàng ngày giữa cha mẹ và con cái. Nói cách khác, giữa các thế hệ trong gia đình tồn tại một khoảng cách về tâm lý. Có thể thấy điều kiện kinh tế, xã hội mà thế hệ cha mẹ sinh ra và lớn lên có nhiều khác biệt so với thời của con cái. Không những thế, do tuổi đời lớn hơn, lại trải qua nhiều sự biến đổi thăng trầm trong cuộc sống nên cha mẹ thường có cách suy nghĩ và ứng xử thận trọng, điềm tĩnh hơn, khác với tính cách đơn giản, nông nổi của trẻ.
Mặt khác, trong thời đại bùng nổ thông tin với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, thế hệ trẻ được tiếp thu một khối lượng thông tin lớn từ rất nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn, trẻ em phát triển nhanh hơn so với trước cả về thể chất và tâm lý. Điều này tạo ra rào cản tâm lý nhất định giữa cha mẹ và con cái. Hơn nữa, ngày nay thời gian chuẩn bị cho trẻ bước vào đời kéo dài thêm do sự phức tạp hóa của hoạt động và lao động xã hội. Thời gian trẻ ngồi trên ghế nhà trường lâu hơn và trẻ bắt đầu cuộc sống tự lập có thể chậm hơn so với cha mẹ. Có thể thấy, sự tiến bộ xã hội và văn hóa càng nhanh càng tạo ra sự khác biệt giữa các thế hệ trên các phương diện học vấn, trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, thị hiếu thẩm mỹ…
Khoảng cách thế hệ ấy làm nảy sinh mối xung đột giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ khó dạy bảo con vì họ thường không hiểu được những đặc trưng tâm sinh lý của con, không kịp thời thay đổi cách ứng xử phù hợp với từng độ tuổi của con cái. Xung đột xuất phát từ mâu thuẫn giữa cảm giác trưởng thành, nhu cầu muốn vươn lên làm người lớn của trẻ với địa vị thực tế và cách đối xử "con bao giờ cũng chỉ là đứa trẻ" của người lớn nói chung và cha mẹ nói riêng. Xung đột này gây ảnh hưởng không tốt đến vai trò giáo dục của cha mẹ đối với sự phát triển nhân cách của trẻ em. Bởi vì đối với trẻ em, những mối liên hệ với gia đình, đặc biệt là với cha mẹ sẽ quy định phương thức ứng xử và đời sống tình cảm của chúng với các cá nhân khác mà chúng sẽ trải qua sau này. Một mối liên hệ với cha mẹ tốt đẹp sẽ đem đến cho chúng sự phấn khởi, tin cậy, lòng biết ơn và sự hào hiệp; ngược lại, sẽ tạo ra sự bất an, ganh tỵ, nghi ngờ và cả sự co mình nữa. Vì thế, quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái sẽ tạo điều kiện thuận lợi để trẻ phát triển một nhân cách tốt đẹp sau này. Duy trì được mối quan hệ đó không phải là việc đơn giản, nhất là khi con cái bước vào tuổi thiếu niên, lứa tuổi mà người ta gọi là tuổi "khủng hoảng", "bất trị", "nổi loạn", "khó dạy".
Khoảng cách giữa các thế hệ là khách quan và khó có thể xóa đi. Nhưng nếu không rút ngắn khoảng cách, sẽ rất có hại trong việc hình thành nhân cách trẻ em như đã phân tích ở trên. Điều này đòi hỏi các bậc cha mẹ phải tự học hỏi, bổ sung kiến thức mới để hiểu được các con mình, từ đó có nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp cho con.
Đặc trưng tính cách của cha mẹ
Do tính cách và phẩm chất giới khác nhau nên cha và mẹ có cách dạy dỗ và tác động đến con rất khác nhau. Người cha thường có tính gia trưởng nên hay nghiêm khắc, thậm chí sử dụng quyền uy; người mẹ tính dịu dàng nên dạy con bằng sự từ ái, yêu thương. Nhiều gia đình đã khéo léo kết hợp "cha nghiêm, mẹ từ" để dạy con. Để đạt hiệu quả giáo dục cao, người cha phải nghiêm mà từ, người mẹ phải từ mà nghiêm, thì trẻ sẽ nghe lời với tình cảm kính trọng cha mẹ mà không làm cho trẻ quá sợ hãi hoặc khinh nhờn. Người cha chủ yếu giáo dục con về đạo đức, lao động, định hướng nghề nghiệp vì tâm lý thường là "đàn ông chỉ lo việc lớn", còn người mẹ có ưu thế hơn về việc hướng dẫn những chuyện nhỏ nhặt, tỉ mẩn, đặc biệt giáo dục cho con gái. Chính vì thế mà người xưa có câu "Mẹ dạy con khéo, cha dạy con khôn". Đây chính là sự phân công ngầm giữa cha và mẹ.
Trình độ học vấn của cha mẹ
Trình độ học vấn của cha mẹ là một yếu tố quan trọng, tác động mạnh đến vai trò giáo dục con của cha mẹ, xét về hai mặt:
• Tấm gương nhân cách cho trẻ noi theo (học vấn có ảnh hưởng tới nhân cách).
• Khả năng dạy dỗ (xét về khả năng tổ chức giáo dục cho con và khả năng tự mình dạy con).
Nhìn chung, những cha mẹ có trình độ học vấn cao thường chú ý chăm sóc, dạy dỗ con hơn những cha mẹ có trình độ học vấn thấp.
Trình độ học vấn thấp làm hạn chế việc giáo dục con và khó kèm cặp con học. Những gia đình có cha mẹ học cao rất chú trọng dùng lời lẽ lý giải cho con cái hiểu yêu cầu về những phẩm chất đạo đức nào đó, còn những cha mẹ có học vấn thấp ít chú ý giảng giải, nêu nguyên nhân vì sao cần một số phẩm chất đó. Nhằm đề cao kỷ luật rèn con cái vào khuôn khổ, cha mẹ có học vấn cao, khi cho phép con hoặc ngăn cấm một hành vi nào đó, thường xoay quanh mục đích của hành vi và đặt câu hỏi "để làm gì?". Trong khi đó, các bậc cha mẹ có học vấn thấp hay dựa vào hậu quả của hành vi hơn và thường cấm đoán con. Một bên, cha mẹ học cao có khuynh hướng kiên nhẫn giảng giải để con nhận ra lỗi lầm; khoan dung với những kích động và cơn giận bộc phát của trẻ hơn; khen thưởng nhiều hơn. Bên kia, cha mẹ ít học thường dùng roi vọt, mệnh lệnh và trừng phạt.
Trình độ học vấn còn ảnh hưởng đến uy tín của cha mẹ đối với con cái. Nếu như trước đây uy tín của cha mẹ được tạo nên và duy trì nhờ vốn sống dồi dào, kinh nghiệm xã hội phong phú, thì ngày nay kinh nghiệm của họ nhiều khi không thích hợp với hoàn cảnh xã hội hiện tại, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin. Nếu không được bổ sung thường xuyên những kiến thức mới, thì kinh nghiệm của cha mẹ dễ trở nên lạc hậu, không còn đáng tin cậy. Cha mẹ học vấn thấp không chỉ bất lực trong việc theo dõi, kèm cặp, hướng dẫn việc học tập cho con mà còn có thể bị con cái coi thường trong nhiều mặt của cuộc sống, "Ồ, cha mẹ thì hiểu biết gì mấy chuyện đó đâu mà nói".
Việc đó đòi hỏi cha mẹ phải thích ứng với hoàn cảnh mới để không ngừng trau dồi kiến thức về mọi mặt, và ở mức độ nào đó, nhạy bén với cái mới, thậm chí tiếp thu sự "giáo dục ngược" của con cái, thừa nhận con cái là người giúp mình tiếp cận những trào lưu văn hóa mới. Nếu cứ khư khư giữ tư tưởng bảo thủ, không chịu cập nhật kiến thức, cha mẹ sẽ ngày càng lạc hậu, không còn là tấm gương đáng học hỏi trong lòng con cái, từ đó ảnh hưởng đến việc giáo dục và định hướng cuộc sống cho con. Và nếu cha mẹ không thường xuyên bổ sung kiến thức cho mình thì sẽ không thể đánh giá được đúng khả năng, tâm sinh lý, sở thích của từng đứa con ở từng độ tuổi để tâm sự, khuyên bảo chúng được.
Rất tiếc, không phải người cha, người mẹ nào cũng nhận thức được và đánh giá đúng mức yêu cầu này để thực hiện tốt vai trò dẫn dắt của con cái.
Nghề nghiệp của cha mẹ
Nghề nghiệp của cha mẹ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới vai trò giáo dục con cái. Cha mẹ làm nghề nông thường ít có thời gian dành cho con cái nên hạn chế trong việc dạy dỗ con cái so với các gia đình trí thức hay công nhân viên chức. Họ không thể chỉ bảo con một cách đầy đủ về các đức tính, các phẩm chất cần thiết cho con, không thể theo dõi uốn nắn kịp thời những hành vi sai lệch của trẻ.
Tuy nhiên, chất lượng giáo dục con phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng tư tưởng và đạo đức của bản thân cha mẹ cao hay thấp, làm gương về mọi mặt cho con nhiều hay ít, chịu khó học hỏi kinh nghiệm giáo dục gia đình, trau dồi kiến thức khoa học, giáo dục một cách thường xuyên hay bỏ mặc vì nếp nghĩ lạc hậu "cha mẹ sinh con, trời sinh tính". Như vậy, khi cha mẹ thiếu gương mẫu thì dù lúc nào cũng kề cận bên con nhưng cũng không thể tác động tích cực đối với con, nếu không nói là tiêu cực.
Nghề nghiệp chính và phụ của cha mẹ còn ảnh hưởng đến đức tính lao động cần cù, chăm chỉ, sáng tạo hay lười biếng của con cái. Trong gia đình nông dân có nghề phụ, các em sẽ học được tính chăm chỉ, cần cù lao động, sự khéo léo, sáng tạo trong công việc khi quan sát việc làm của cha mẹ hàng ngày. Còn trong gia đình buôn bán hay làm dịch vụ thêm thì hoặc là các em học hỏi sự nhanh nhẹn, quán xuyến, hoặc là bắt chước lối buôn gian bán lận, nảy sinh tâm lý ăn tiêu, hưởng thụ.
Quan hệ tình cảm của cha và mẹ
Quan hệ của cha và mẹ ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục con cái. Cha mẹ hòa thuận, đầm ấm thì con ngoan, sống có tình cảm… Các em được sự dạy dỗ chu đáo của cả cha lẫn mẹ. Trong những gia đình cha mẹ ly hôn, ly thân, bất hòa, cả tâm lý và nhân cách của trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất xấu sau này.
Các em sẽ trở nên mặc cảm, nhút nhát, bi quan, luôn hoảng sợ, lo lắng, hoặc mất niềm tin… Trẻ sẽ mất đi chỗ dựa vững chắc về tinh thần ở cả cha lẫn mẹ.
Các cha mẹ hay mâu thuẫn cũng khó thống nhất được cách dạy con, nảy sinh vấn đề "Ông nói gà, bà nói vịt", và trẻ là người phải chịu hậu quả. Trẻ sẽ nghe theo ai mà chúng sợ, hoặc tự ý làm theo ý thích riêng. Hầu hết các bậc cha mẹ đều chưa nhận thức hết tác hại của việc cãi vã, nói xấu, chỉ trích hay sỉ nhục nhau trước mặt con. Cha mẹ không hạnh phúc là nỗi bất hạnh của con cái, là vết thương lòng khó hàn gắn được trong trái tim trẻ thơ. Điều đó làm thay đổi tính cách của trẻ, và là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hiện trạng trẻ em lang thang, trẻ em phạm tội ngày càng nhiều.
Điều con cái cần nhất ở cha mẹ chính là tình yêu thương - cha mẹ yêu thương nhau và yêu thương con cái.
Điều kiện sinh hoạt của gia đình
Điều kiện sinh hoạt của gia đình cũng có ảnh hưởng đến việc dạy dỗ trẻ. Ở nông thôn, tuy điều kiện vật chất không bằng nơi thành thị, nhưng không gian thoáng đãng, có sông nước vườn cây… nên trẻ có sân chơi rộng rãi, thoải mái hơn. Gia đình nào có các tiện nghi như tivi, đài… sẽ giúp trẻ có điều kiện tiếp cận thông tin mới, học hỏi nhiều điều bổ ích và còn giúp cho cha mẹ có điều kiện bổ sung kiến thức để dạy con.
Ảnh hưởng của các thành viên khác trong gia đình
Các thành viên khác trong gia đình có sự hỗ trợ rất lớn, tạo thành sức mạnh giáo dục tổng hợp trong việc giáo dục trẻ. Cha mẹ cùng ông bà, anh chị em, họ hàng… nếu biết liên kết với nhau về mục tiêu và nội dung phương pháp giáo dục, phát huy tốt vai trò, khả năng, mặt mạnh, mặt yếu của từng người, thì sẽ giáo dục trẻ rất hiệu quả.
Ông bà sống cùng với con cháu, hay ở gần, sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục trẻ nhỏ, uốn nắn tư cách đạo đức cho trẻ lớn. Người già, mặc dù có vài quan điểm cũ kỹ, kiến thức không còn phù hợp, nhưng nhờ tích lũy được nhiều vốn sống nên các kinh nghiệm làm việc, ứng xử, giáo dục… đều rất có ích cho trẻ. Đặc biệt, ông bà sẽ đóng vai trò "trung gian hòa giải" khi các cặp vợ chồng, nhất là vợ chồng trẻ xảy ra mâu thuẫn do thiếu kinh nghiệm xây dựng gia đình. Ông bà cũng có thể khéo léo góp ý về nội dung và phương pháp giáo dục cho các bậc cha mẹ, tháo gỡ những điểm vướng mắc để gắn kết cha mẹ và con cái. Đối với các cháu, ông bà không chỉ giúp đỡ việc chăm sóc, ăn uống vui chơi mà những lời khuyên răn của ông bà về cách cư xử, đối xử trong các quan hệ xã hội rất hữu ích và được coi trọng. Ông bà, nếu có trình độ văn hóa, còn có thể giúp các cháu học tập, đôn đốc, kiểm tra kết quả học tập khi cha mẹ bận công việc làm ăn.
Trong gia đình đông con, hoặc ít nhất có hai đứa con, thì tác động ảnh hưởng của chúng với nhau cũng quan trọng trong việc hình thành phát triển nhân cách của mỗi cá nhân. Tinh thần đoàn kết, ý thức tập thể sẽ nảy sinh trong quan hệ anh chị em sống trong một gia đình. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý tính ganh đua, hay bắt chước của các con trong nhà. Tính gương mẫu của anh chị lớn, sự quan tâm giúp đỡ động viên các em nhỏ có tác động hữu ích làm các em mến phục, nghe lời. Đặc biệt là tình yêu, mối quan hệ bình đẳng, sự cảm thông, thấu hiểu, cùng nhau san sẻ niềm vui, nỗi buồn lúc khó khăn của anh chị em trong nhà sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc hình thành và phát triển nhân cách cá nhân theo hướng tiến bộ, tích cực.
Nhà trường – xã hội
Tác động của các thiết chế xã hội khác (nhà trường, đoàn thể, nhà nước, cộng đồng, làng xóm…) hỗ trợ cho các gia đình, các bậc cha mẹ trong việc hình thành nhân cách trẻ em là rất lớn.
Nhà trường, tuy khác gia đình về nội dung, phương pháp, lượng thời gian dạy trẻ, nhưng có cùng một mục tiêu giáo dục là đào tạo ra những con người đầy đủ đức tài. Sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường là rất cần thiết, tạo thành vòng tròn khép kín để giáo dục trẻ được chu đáo, toàn diện. Nhà trường giúp các em học chữ, tiếp thu tri thức văn hóa tổng hợp, điều mà cha mẹ không thể làm được một cách liên tục, có hệ thống. Nhà trường cũng là nơi trẻ được tiếp xúc với thầy cô, bạn bè. Sống trong sự tương tác với tập thể, trẻ sẽ được xã hội hóa, trưởng thành hơn. Những hình thức tương tác giữa nhà trường và cha mẹ như sổ liên lạc, họp phụ huynh… rất có tác dụng nếu các bậc cha mẹ quan tâm tới việc học tập, rèn luyện của con mình. Giáo dục trẻ em thành người tốt là trách nhiệm của gia đình, nhà trường. Mỗi nơi có một vai trò khác nhau trong việc dạy trẻ. Sự kết hợp giữa vai trò của nhà trường và của các bậc cha mẹ sẽ đem lại hiệu quả giáo dục cao.
Các yếu tố như đã phân tích ở trên đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc thực hiện vai trò của cha mẹ tới việc hình thành nhân cách trẻ em. Để làm tốt vai trò của mình, các bậc cha mẹ phải biết kết hợp những ảnh hưởng tốt, khắc phục những ảnh hưởng xấu của các yếu tố đó.
KẾT LUẬN
Gia đình đóng vai trò quan trọng trong chức năng xã hội hóa, hình thành nhân cách con người, đặc biệt ở giai đoạn 0 - 6 tuổi. Nhưng gia đình thực hiện chức năng giáo dục không chỉ bằng sức mạnh của riêng mình mà còn bằng sức mạnh của cả xã hội. Nếu xã hội không chăm lo giáo dục con người thì gia đình không có nền tảng để thực hiện tốt chức năng giáo dục. Xã hội không có kỉ cương phép tắc; cái tốt, cái thiện, cái đúng không được đề cao; cái xấu, cái ác không bị phê phán, thì cha mẹ rất khó khăn trong việc giáo dục đạo đức, lòng vị tha, tính trung thực cho trẻ.