- Ths. Phạm Thị Thúy
Gần đây, có nhiều vụ trẻ em bị bắt cóc, bị chính người có trách nhiệm chăm sóc dạy dỗ bạo hành, thậm chí xâm hại tình dục... Có thể thấy một thực trạng: từ lớp một, trẻ đã được dạy rất nhiều kiến thức nhưng có một điều hết sức cần thiết thì cả nhà trường lẫn gia đình không mấy chú ý, đó là dạy trẻ ý thức tự vệ.
Trẻ không được giáo dục phản ứng tự bảo vệ trước những tác nhân xấu từ bên ngoài xã hội, thậm chí từ trong chính gia đình. Ngay trong nhà, trẻ em được dạy rằng: "Cha mẹ luôn đúng", nên nếu bị cha mẹ đánh thì trẻ sẽ nghĩ mình đã làm sai điều gì đó, và như vậy, khi ra ngoài, nếu có bị người lớn đánh, trẻ cũng mặc nhiên cam chịu. Nhiều bậc cha mẹ cũng chưa tạo cơ hội cho con cái nói lên suy nghĩ của mình, vì cho rằng suy nghĩ của trẻ em không thể sáng suốt bằng người lớn. Nếu trẻ không biết cãi, lớn lên sẽ là những học sinh ù lì, chỉ biết nghe, biết học thuộc, biết ghi nhớ mà ít có sáng kiến mới, khi trưởng thành sẽ thiếu khả năng phản biện, không biết bảo vệ chính kiến.
Vậy, làm thế nào để cha mẹ có thể dạy con tự bảo vệ?
Thứ nhất, cha mẹ nên khéo léo thảo luận với trẻ về những bài báo phản ảnh việc trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Một số bậc phụ huynh cho rằng không nên cho trẻ biết về "mảng xám" của cuộc sống quá sớm khi họ có thể tô hồng thế giới với con cái của mình. Nhưng hãy nhớ rằng bạn không thể bảo đảm tuyệt đối sẽ luôn ở bên con mỗi khi xảy ra bất trắc. Do vậy, hãy để trẻ tập dần thói quen tự vệ và tự nhận thức vấn đề.
Thứ hai, dạy trẻ cảnh giác với các tình huống khác thường. Không chỉ với người lạ mà ngay cả với những người bạn thân thiết của gia đình, bạn cũng nên trang bị cho trẻ khả năng nhận biết đâu là những trường hợp cần cảnh giác cao. Tuyệt đối không để trẻ một mình với bất kỳ ai, dù đó là bạn rất thân của cha mẹ. Thực tế đã có nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ em mà thủ phạm là người thân, bạn bè cha mẹ, hàng xóm…
Cuối cùng, dạy trẻ tập thói quen ứng phó nhanh, chẳng hạn khi cha mẹ không có nhà, trẻ không được tự ý mở cửa cho khách vào dù là người quen biết, mà hãy gọi anh chị hoặc người lớn hơn, hay gọi điện cho cha mẹ để thông báo. Khi bị lạc đường, nên gọi điện về cho gia đình hoặc đến các cơ quan công an, trường học nhờ giúp đỡ. Cha mẹ cần lưu số điện thoại, địa chỉ của gia đình vào sổ tay, sách vở và cặp sách của trẻ. Nên dạy các bé từ 6 tuổi trở lên cách sử dụng điện thoại.
Cách bảo vệ con tốt nhất chính là dạy con cách tự vệ.