- Ths. Phạm Thị Thúy
NHỮNG KIỂU BƯỚNG BỈNH CỦA TRẺ
Hầu hết những lời phàn nàn của các bậc cha mẹ thường tập trung ở một vấn đề gây bối rối nhất cho họ, đó là nuôi dạy những đứa con bướng bỉnh, hay chống đối, ương ngạnh.
Trong vốn từ của trẻ khoảng 2 tuổi trở lên, có một từ thường xuyên được sử dụng là từ "Không!". Thậm chí, cả những đứa trẻ vốn được coi là ngoan ngoãn cũng có lúc trở nên bướng bỉnh. Đặc biệt, trong những dịp lễ Tết, những lúc gia đình bận bịu và đông người, từ "Không" đầy cương quyết ấy lại càng có dịp phát huy.
Khi trẻ lên 4, 5 tuổi, biểu hiện rõ rệt nhất là sự cãi lời cha mẹ. Đến tuổi lớn hơn, trẻ lại nảy sinh nhiều hình thức phản ứng mạnh mẽ như bỏ nhà đi, đến nhà bạn ở tạm, có khi đi "bụi" suốt mấy ngày để thoát ly khuôn khổ gia đình.
TẠI SAO TRẺ BƯỚNG?
Các chuyên gia tâm lý cho biết, thái độ ngang bướng ở trẻ em chỉ là hiện tượng tự nhiên của con người một khi muốn tự rèn luyện ý chí tự lập và thể hiện cá tính, cũng như muốn được sống độc lập. Do vậy, khi cha mẹ gặp phải tình huống trẻ bướng cũng đừng quá bực mình mà chỉ cần thực hiện những phương thức khéo léo để uốn nắn trẻ.
Thật ra thì hành vi bướng bỉnh và chống đối của trẻ ở mỗi giai đoạn phát triển từ lúc còn ấu thơ cho đến tuổi niên thiếu là bình thường. Ngay từ khi còn rất nhỏ, trẻ đã cố gắng học hỏi cách thức đối phó với những quy tắc và luật lệ của thế giới người lớn, đồng thời cũng ra sức đấu tranh cho quyền lợi cá nhân mình. Lẽ thường, tất cả trẻ con đều bướng bỉnh hoặc có biểu hiện chống đối và ương ngạnh vào một giai đoạn nào đấy. Trẻ không thể khôn lớn được nếu không có ý kiến, suy nghĩ, nhu cầu hay những mơ ước riêng tư. Chính những điều này giúp hình thành và khẳng định cá tính của chúng.
Khi trẻ bướng bỉnh nói "Không", thay vì lo lắng, bực tức, bạn hãy vui mừng đi. Bởi đó là biểu hiện trẻ đã biết khẳng định cái tôi của mình. Lên 5 tuổi, trẻ cần có chính kiến riêng, biết chọn lựa một cách độc lập - đó là một khả năng rất quan trọng trong việc tiếp thu kiến thức. Muốn dạy cho con điều này, bạn nên khuyến khích con mạnh dạn nói lên nhận định, ý kiến của mình.
Tuy nhiên, trẻ bướng bỉnh có thể xuất phát từ hai nguyên nhân: tâm lý và sinh lý.
Những nguyên nhân tâm lý khiến trẻ không vâng lời có thể là do thiếu hụt tình cảm vì cha mẹ không có thời gian dành cho trẻ hoặc trẻ bị cư xử quá khắc nghiệt. Chính vì thế, trẻ luôn luôn tìm kiếm sự chú ý. Bướng bỉnh hay chống đối là một trong những cách để trẻ lôi kéo sự chú ý của người khác, thể hiện vai trò của mình.
Chẳng hạn, nếu cha mẹ nói: ‘’Không nghe lời hãy liệu hồn’’ thì những lời đe dọa như thế thường kích thích đứa trẻ bướng bỉnh, nó muốn đương đầu với cha mẹ và xem mình có quyền hạn tới đâu.
Nguyên nhân khá phổ biến khiến trẻ bướng có thể kể đến là do cha mẹ, ông bà quá nuông chiều hoặc người lớn có sự mâu thuẫn trong việc đưa ra các giới hạn được phép và không được phép. Điều này dẫn đến tình trạng trẻ thường mè nheo người bênh vực trẻ, người không cấm đoán và trở nên bướng bỉnh với mọi người để được chiều theo ý thích.
Một nguyên nhân khác khiến trẻ bướng bỉnh liên quan đến sức khỏe thể chất của trẻ. Khi trẻ ốm, mệt trẻ cũng dễ bướng bỉnh hơn lúc trẻ khỏe mạnh. Chăm lo việc ăn uống, sinh hoạt cho con tốt, phòng tránh bệnh tật cho con cũng là cách giúp trẻ bớt bướng bỉnh.
Theo báo Tuổi Trẻ Online, các chuyên gia tại Bệnh viện nhi Columbus, Ohio (Mỹ) đã thực hiện một nghiên cứu trên các trẻ em ở độ tuổi 6-17 mắc chứng đau nửa đầu. Kết quả cho thấy khả năng trẻ bị đau nửa đầu mắc hội chứng ODD (hội chứng rối loạn thách thức) cao hơn so với trẻ bình thường.
Các bác sĩ khuyên các bậc cha mẹ nên để tâm nhiều hơn đến mối liên hệ giữa các cơn đau đầu và hành vi của trẻ. Họ cho rằng trẻ cần phải được chữa trị đặc biệt nếu trong một tháng, chúng than đau đầu tới 3 lần.
NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CẦN TRÁNH
Đánh hay mắng chửi con
Cách này chỉ làm trẻ bướng thêm. Người lớn thường có nhiều biện pháp buộc trẻ phải nhượng bộ ý muốn của mình như dùng đòn roi, bỏ đói, giam cầm… Nhưng cuối cùng, người thất bại lại chính là cha mẹ chứ không phải con cái, bởi đó chỉ là sự đàn áp chứ không phải giáo dục. Chính những hành vi bạo lực kể trên đã hủy hoại sự phát triển cá tính của đứa trẻ.
Dán nhãn "hư, xấu, tồi…" cho con
Không có một đứa trẻ nào hoàn toàn xấu. Do đó, khi con cái có lỗi, cha mẹ hãy bình tĩnh nhận xét về khuyết điểm đó, không nên ngay lập tức buông ra những lời lẽ ám chỉ kiểu: "Con không hư thì làm sao họ nói con như vậy!". Nếu lỡ con mình có mắc phải sai lầm hay gặp vướng mắc gì thì cha mẹ cũng không nên dùng những lời nói nặng như: "Sao mày ngu thế, dốt thế!". Với những lời nhận xét như vậy, thì cha mẹ đã vô tình xúc phạm trẻ và hất bỏ tất cả mọi cố gắng phấn đấu của trẻ từ trước đến nay, điều đó sẽ gây phản ứng tiêu cực nơi trẻ. Dù cho cha mẹ có giận dữ đến mức nào thì cũng không được quyền xúc phạm nhân cách hay tính tình con cái.
NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ NÊN LÀM
Kiềm chế cảm xúc tiêu cực
Khi con bướng, thay vì nóng giận, cha mẹ cần kiềm chế cảm xúc, giữ bình tĩnh. Cha mẹ càng bình tĩnh, giữ nét mặt bình thản, càng dễ dàng ngăn chặn cơn bướng bỉnh của trẻ. Thay vì mắng chửi, cha mẹ nói cho con nghe những cảm xúc của mình, lúc đó sẽ giúp con hiểu cha mẹ hơn mà không xúc phạm đến con. Một cử chỉ tiếc nuối thể hiện trên khuôn mặt, một thái độ ra vẻ thất vọng nhưng vẫn tỏ ra các bạn rất tin tưởng vào sự tiến bộ, đổi thay của con mình tốt hơn là dùng lời cay độc!
Cho con cái cơ hội được nói
Khi con cái của bạn có lỗi, có khuyết điểm, không phải trẻ không đau buồn. Hãy cho con bạn nói lên nỗi lòng của chúng. Cha mẹ cần hiểu được tâm tư nguyện vọng, cũng như tạo được sự gần gũi cần thiết để trẻ có thể bớt sợ mà bộc lộ nguyên nhân hay lý do vì sao chúng phạm lỗi. Có như thế, cơn giận dữ của cha mẹ sẽ giảm bớt đi.
Những gợi ý phạt con sao cho đúng
1. Không phạt trẻ khi đang nóng giận.
2. Không đánh, mắng. Cần phân tích đúng - sai.
3. Không phạt khi có người thứ ba sẽ khiến trẻ xấu hổ, tự ti hoặc nổi loạn.
4. Hình phạt có thể là không cho đi chơi công viên, nhà sách…, không mua quà, bánh…
5. Làm cho trẻ yêu mến, tin, phục sẽ khiến trẻ dễ nghe lời hơn là các hình phạt.
Nói lời xin lỗi
Nếu cha mẹ đã có những lời mắng con một cách quá đáng trong cơn giận dữ, cha mẹ nên thành tâm xin lỗi con. Cha mẹ có thể nói một vài câu dạng: "Hồi nãy mẹ giận quá, nên hơi quá lời, con đừng giận mẹ nhé!" hay "Chắc con ghét cha lắm phải không? Vì cha đã mắng con, cho cha xin lỗi con nhé!"… Khi được nghe những lời xin lỗi như vậy, con cái chúng ta sẽ không bùng phát những hành động tiêu cực phản kháng nữa. Đây cũng là cơ hội dạy con bài học "biết xin lỗi" và thể hiện thái độ tôn trọng con, giúp con thêm tự tin vào giá trị bản thân.
Đưa ra yêu cầu đơn giản, nhẹ nhàng, có giải thích
Thay vì quát con: "Ăn nhanh lên!" hoặc "Có muốn ăn vài roi không?" thì cha mẹ nên nói: "Con ăn nhiều mới khỏe được như siêu nhân chứ!’, "Đã trễ lắm rồi. Con phải ăn nhanh để mẹ còn dọn dẹp và nghỉ ngơi nữa chứ. Mẹ còn rất nhiều việc phải làm chứ không thể chờ con mãi". Chính việc đơn giản hóa của người mẹ trước thái độ cứng đầu của đứa con sẽ giúp trẻ biết suy nghĩ về nỗi cực nhọc của mẹ, để từ đó trẻ cảm thấy thương mẹ hơn và không muốn làm trái lời mẹ.
Mỗi khi ra mệnh lệnh, cha mẹ không nên bắt trẻ thi hành vô điều kiện, phải giải thích rõ mệnh lệnh để trẻ hiểu và khiến trẻ tự giác làm theo, ví dụ thay vì cấm trẻ: "Không được nghịch nước!", cha mẹ có thể nói với trẻ: "Mẹ nghĩ là con không nên nghịch nước lâu, nếu con nghịch nước sẽ bị ốm như bạn thỏ bông đấy!". Đừng nghĩ rằng trẻ không hiểu nên không cần phải nói. Việc nói rõ như vậy có thể khiến cho trẻ dần dần hiểu và sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh của cha mẹ hơn.
3 phút dạy trẻ bướng bỉnh
1. Chấm dứt ngay hành vi bướng: 1 phút
2. Giải thích đúng sai: 1 phút
3. Tỏ thái độ yêu thương trẻ: 1 phút
Cho con 5 phút chuẩn bị
Thay vì bắt con dừng trò chơi, dừng coi phim ngay lập tức để đi ăn, đi ngủ, đi học… thì cha mẹ nên cho con 5 phút trước khi ngừng các hoạt động yêu thích của trẻ. "Còn 5 phút nữa đến giờ dọn đồ chơi đi ngủ con nhé" hay "5 phút nữa cả nhà sẽ ăn cơm, con chuẩn bị tắt tivi nhé". Những lời báo trước thân thiện như trên sẽ giúp trẻ dễ hợp tác, dễ vâng lời hơn là những lời ra lệnh cứng nhắc.
5 phút là khoảng thời gian tương đối cho trẻ dễ hình dung. Cha mẹ có thể uyển chuyển thay đổi "thời gian chuẩn bị" này trong phạm vi cho phép. Để tránh tình trạng trẻ mè nheo đòi thêm, thêm nữa, cha mẹ nên đưa ra giới hạn thời gian càng sớm càng tốt. Ví dụ "Bây giờ con có 30 phút xem tivi nhé". Khi sắp đến giờ kết thúc việc xem tivi đã được thỏa thuận trước, cha mẹ cần báo trước cho con. "Còn 5 phút nữa hết giờ xem con nhé". Và cha mẹ nên kiên quyết khi đã hết thời gian cho phép.
Tỏ thái độ thản nhiên
Những lúc đứa trẻ tỏ ra quá bướng bỉnh, nếu người lớn biết thản nhiên tự chủ thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Giận dữ, bực dọc chỉ làm cho sự việc trở nên phức tạp mà thôi. Một bé trai khóc đòi kẹo mút, cả nhà lờ đi, ai làm việc người đó thì đứa bé khóc chán sẽ quay sang tự chơi một mình.
Cách này đôi khi có tác dụng rất nhanh so với việc cố gắng thuyết phục cháu ăn vặt là xấu.
Dứt khoát khi cần
Tất nhiên, có những lúc bạn phải tỏ ra cứng rắn để con mình biết rằng có những chuyện hoàn toàn nghiêm túc, không thể đùa giỡn được, chẳng hạn cấm tuyệt đối việc sờ tay vào ổ cắm điện, leo trèo cạnh cửa sổ hay là buông tay mẹ ra trong khi đi trên đường phố. Nếu đứa trẻ bướng bỉnh trong những lúc như vậy, bạn có thể im lặng kéo con ra chỗ khác mà không cần mềm mỏng hay giải thích gì. Cứ để cho cô cậu hờn khóc một lúc, rồi giải thích lần nữa cho con tại sao không nên làm thế.
Cha mẹ phải dứt khoát khi giáo dục đứa trẻ, nếu cần phải biến lời đe dọa thành hình phạt ngay và đứa trẻ sẽ không bướng được lâu. Chúng sẽ hiểu rằng, tốt nhất là nghe lời bạn nếu không muốn bị phạt.
Tóm lại, làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình dễ dạy, nhưng có những lúc chúng ta thấy con trở chứng, cứng đầu. Sự cứng đầu đó không đáng lo ngại, đó là dấu hiệu trẻ muốn thoát ly đời sống ỷ lại để vươn lên đời sống độc lập, tự do.
"Cha mẹ gần gũi thì con cái mới tin tưởng và chia sẻ những tâm tư vui buồn, từ đó sẽ giáo dục được con cái. Ngoài ra, ai cũng biết trẻ rất thích được khen nhưng người lớn thường tiết kiệm lời khen với trẻ, còn nếu bị chê mãi, trẻ sẽ tỏ ra khó chịu và bướng bỉnh hơn. Cần khen chân thành, hợp lý, cụ thể, đúng lúc và trước nhiều người càng tốt. Muốn chê thì phải khen trước, đồng thời gợi ý cách làm tốt hơn, chê hành vi chứ không chê con người".
Ngựa chứng thường là ngựa hay, nếu chúng ta khéo tập luyện cho nó. Nếu đứa trẻ quá dễ bảo, đặt đâu ngồi đó thì dầu nó không bệnh hoạn, tương lai nó cũng chẳng có gì đặc biệt. Bởi vậy, thấy con bướng bỉnh, chúng ta không nên lo mà nên mừng. Điều quan trọng là cách giáo dục, hướng dẫn của chúng ta sao cho con trẻ phát triển đúng mức, trở thành những con người độc lập, sáng tạo, có ích cho đời.
BỨC THƯ GỬI CON
Trong hành trình nuôi dưỡng sự học, nếu hiểu về tâm lý trẻ, đừng trái với quy luật phát triển tự nhiên, thì ít khi ta phải trách phạt con trẻ. Thưởng và Phạt là khái niệm xuyên suốt quá trình này. Và mỗi khi thấy cần phải trách cứ hay phạt trẻ, có lẽ ta nên đọc lại bức thư này. Nó sẽ giúp bản thân sáng suốt hơn khi đưa ra quyết định trách phạt con trẻ. Bức thư được trích trong cuốn "Đắc nhân tâm: Bí quyết để thành công" của Dale Carnegie do học giả Nguyễn hiến Lê dịch.
"Con ơi!… Con ngủ, má đỏ kề trên tay, tóc mây dính trên trán. Cha mới lén vào phòng của con… Cha muốn thú tội với con: lúc nãy, trong khi cha đọc báo trên phòng sách, đợt sóng hối hận xâm chiếm tâm hồn cha. Cha đã hơi nghiêm khắc với con hôm nay. Sáng ngày, trong khi con sửa soạn sách vở đi học, cha đã rầy con vì con chỉ quệt chiếc khăn ướt lên đầu mũi con thôi, cha đã mắng con vì giày con không đánh bóng, cha đã la khi con liệng đồ chơi xuống đất.
Trong lúc điểm tâm, cha lại khiển trách con nữa: con đánh đổ sữa, con nuốt vội mà không nhai, con tì khuỷu tay lên bàn, con phết nhiều bơ lên bánh quá… Khi ra đi, con quay lại chào cha: "Thưa cha, con đi" và cha đã cau mày: "Ngay người lên!"
Buổi tối, vẫn điệu đó. Ở sở về, cha rình con ở ngoài đường. Con chơi bi, đầu gối quỳ trong đống cát, vớ rách, hở cả thịt. Cha đã làm nhục con trước mặt bạn bè vì bắt con đi trước mặt cha cho tới nhà… "Vớ đắt tiền, nếu mày có phải bỏ tiền ra mua, mày mới tiếc của và biết giữ gìn." (Con thử tưởng tượng, có ai, cha mà mắng con như vậy không?)
Rồi con nhớ không? Tối đến, trong khi cha đọc sách, con rón rén vào phòng giấy cha, vẻ mặt đau khổ lắm. Cha ngửng lên, giọng bất bình, hỏi: "Cái gì?".
Con không trả lời, nhưng trong một lúc xúc động không chống lại được, con chạy lại cha, bá cổ cha, ôm cha với tình sùng bái cảm động mà Trời, Phật đã làm nảy nở trong lòng con, mà sự lạnh lùng của cha không làm cho héo được… Rồi thì con chạy lên cầu thang.
Này con, chính lúc đó, cuốn sách ở tay cha rớt xuống và một nỗi sợ ghê gớm xâm chiếm cha. Cái thói hay chỉ trích, trách mắng đã làm cha thành như vậy đó: thành một người cha gắt gỏng. Cha đã phạt con vì con còn con nít mà cha bắt con làm như người lớn. Không phải cha không thương con đâu, nhưng cha đã đòi hỏi ở tuổi thơ của con quá nhiều, cha đã xét con theo tuổi nhiều kinh nghiệm của cha.
Mà tâm hồn con cao thượng, trung trực biết bao! Trái tim nhỏ của con mênh mông như bình minh ló sau rặng đồi. Chỉ một sự hăm hở tự nhiên lại hôn cha trước khi đi ngủ, đủ chứng tỏ điều ấy. Thôi, cha con mình quên hết những chuyện khác đi… Tối nay, cha hối hận lắm, lại nép bên giường con.
Cha biết nếu con có nghe được những lời cha thú với con đây thì con cũng sẽ chẳng hiểu chi hết. Nhưng, ngày mai, con sẽ thấy cha thật là một người cha; cha sẽ là bạn của con, con cười cha sẽ cười, con khóc cha sẽ khóc. Và nếu cha muốn rầy con thì cha sẽ mím chặt môi, và sẽ lặp đi lặp lại, như trong Kinh:
- Con chỉ là một đứa nhỏ… một đứa nhỏ! Cha có lỗi. Cha đã coi con như người lớn. Bây giờ nhìn con nằm trong giường nhỏ của con, mỏi mệt, trơ trọi, cha biết rõ rằng con chỉ là một em bé.
Mới hôm qua, con còn nằm trong tay mẹ con, ngả đầu trên vai mẹ con… Cha đã đòi hỏi con nhiều quá… Nhiều quá lắm…"