Chương 7Kỹ năng thu hút sự tập trung
Khi bạn đang nói nhưng khán thính giả nhìn ra ngoài hoặc làm việc riêng, chắc chắn chính bạn cũng sẽ cảm thấy bối rối và mất tập trung. Lúc bấy giờ, bạn sẽ nghĩ trong đầu là mình nên nói tiếp, nên dừng lại, hay cố trình bày nhanh gọn để kết thúc sớm và đi vào cánh gà?
Nhưng bạn không biết rằng, có rất nhiều cách khác nhau để thu hút người nghe tập trung vào điều mình đang nói nếu họ sao nhãng. Điểm thú vị là chính những người vừa lơ đãng vừa làm việc riêng sẽ phải chú ý hơn vào điều bạn đang chia sẻ nhờ kỹ năng nhắc nhở khéo léo. Nó vừa không làm ảnh hưởng đến bài thuyết trình vừa tạo đủ tác động để sự tập trung quay trở lại một cách hiệu quả hơn.
Nếu bạn đã từng rơi vào trường hợp này khi nói trước đám đông và không biết giải quyết bằng cách nào thì bạn nên đến ngay với lớp “Kỹ năng nói - Thuyết trình như bản tình ca”.
“Ta không thể kiểm soát mọi thứ xảy ra với mình, nhưng ta có thể kiểm soát thái độ của ta đối với những điều xảy đến với ta, và như thế, ta sẽ kiểm soát sự thay đổi thay vì để nó kiểm soát ta.”
- Brian Tracy
“Còn có nhiều điều quan trọng để lo lắng hơn là cách những người lạ nhìn bạn.”
- Dennis Lehane
“Có hai cách để tỏa sáng: làm một ngọn nến, hoặc làm tấm gương phản chiếu lại ngọn nến.”
- Edith Wharton
“Nếu trái tim bạn là một đóa hồng, miệng bạn sẽ thốt ra những lời ngát hương.”
- Ngạn ngữ Anh
“Lời nói là tấm gương của tâm hồn: anh nói như thế nào, anh là như vậy.”
- Publilius Syrus
Nhiều bạn chia sẻ cảm thấy quan ngại khi mình đang nói nhưng mọi người lại không chú ý hoặc làm việc riêng như trò chuyện, bấm điện thoại hoặc quan tâm tới một điều gì khác. Chứng kiến cảnh tượng đó, bạn sẽ có hai luồng suy nghĩ:
1. Nói lấy lệ cho xong.
2. Kiếm cớ dừng lại để kết thúc bài nói ngay thời điểm ấy.
Dĩ nhiên, cảm giác không có khán giả chịu lắng nghe mình thật đáng buồn, dường như lời nói của bản thân không còn giá trị. Lúc này, kỹ năng thu hút sự tập trung sẽ phát huy tác dụng nếu bạn hiểu và biết cách vận hành những phương thức sau.
Đầu tiên, muốn thu hút sự tập trung, bạn phải thay đổi cách thuyết trình. Bởi câu từ của bạn có thể chưa đủ hấp dẫn để lôi kéo mọi người hướng về phía mình.
Có rất nhiều cách để làm được điều này. Ví dụ, trong khi đang thao thao bất tuyệt và thấy vài khán thính giả có dấu hiệu lơ đãng, bạn hãy bất ngờ dừng lại rồi im lặng nhìn mọi người như muốn truyền tải thông điệp: “Mong các bạn hãy dành cho tôi ít thời gian để tôi có thể chia sẻ.” Sau đó, bạn nở nụ cười thật tươi với thái độ chân thành, tha thiết.
Hãy sử dụng đôi mắt - cửa sổ tâm hồn để bày tỏ sự chân thành!
Hoặc trong tình huống bạn đang nói mà có một nhóm khán thính giả làm ồn ào. Hướng giải quyết là bạn có thể đặt một câu đố cho nhóm đó để họ cùng vận động trí óc và tìm câu trả lời. Đây cũng là một cách nhắc nhở lịch sự để nhóm ngầm hiểu rằng, họ không nên nói chuyện lớn làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh và nên bày tỏ thái độ tôn trọng diễn giả.
Bạn cũng có thể hỏi nhóm người nghe với tinh thần giao lưu vui vẻ: “Các bạn có việc gì riêng mà bàn tán xôn xao vậy? Có thể chia sẻ với mọi người ở đây không?” Một cách ứng phó khác, hãy áp dụng kỹ năng thay đổi giọng điệu hoặc thay đổi biểu cảm, rồi bất ngờ nói thật nhanh hoặc thật chậm, miễn sao có sự khác biệt với cách bạn đã trình bày trước đó.
Ngoài những phương án trên, bạn có thể áp dụng nhiều giải pháp khác tùy vào hoàn cảnh sao cho phù hợp với sự kiện đang diễn ra, với mục đích là thu hút mọi người tập trung vào bạn.
Nếu biết áp dụng bảy kỹ năng đầu tiên cộng với nội dung được chuẩn bị kỹ càng thì bạn sẽ ít gặp phải tình huống này, bởi vì người nghe đã thực sự bị cuốn hút vào câu chuyện rồi. Và hãy nhớ, nếu có thể, bạn nên đưa vào bài nói những sự kiện mang tính thời sự được đông đảo mọi người quan tâm, hoặc lấy câu chuyện của chính bạn làm ví dụ. Tôi tin khó ai có thể làm việc riêng khi bạn đang nói.
Để người khác tập trung vào mình, hãy nói những gì họ thật sự quan tâm.
Tôi sẽ kể cho bạn nghe chuyện tôi đi máy bay từ Việt Nam sang Mỹ mà trong túi chỉ có vỏn vẹn 100 đô-la. (Lý do phía sau khá dài dòng, có dịp tôi sẽ chia sẻ kỹ hơn với các bạn sau.)
Nếu ở trong hoàn cảnh của tôi thì bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Tôi thì rất vui vẻ, phấn khởi và thích thú. Có thể nói tâm trạng tôi cực kỳ thoải mái, không chút âu lo.
Bạn tôi bảo:
- Mày gan quá hé! Lỡ có chuyện gì thì sao? Mà tiền của mày đâu hết rồi?
Tôi trả lời:
- Tiền mua kiến thức hết rồi, nó nằm ở trong đầu đây nè, khi nào cần tiền thì lấy nó ra sử dụng thôi.
Tôi chỉ vào đầu mình. Bạn tôi hỏi tiếp:
- Lấy bằng cách nào?
Tôi không chần chừ:
- Chứ có miệng để làm gì?
Bạn tôi đáp:
- Để nói.
Tôi tiếp lời:
- Nói từ những gì trong đầu và phải nói như một bản tình ca.
Chẳng phải khéo ăn, khéo nói sẽ có được thiên hạ hay sao? Nhất là khi bạn còn có khả năng nói chuyện trước đám đông nữa.
Và bạn thấy không, khi tôi mở đầu bằng câu “Tôi sẽ kể cho bạn nghe chuyện tôi bay từ Việt Nam sang Mỹ mà chỉ có 100 đô-la trong túi” - nó đã cuốn hút bạn tiếp tục đọc hết câu chuyện. Muốn người khác tập trung ngay từ đầu thì bạn phải đưa ra những tình huống có tính thôi miên, khác lạ, vì bản chất con người vốn dĩ tò mò, có xu hướng quan tâm đến các vấn đề không quen thuộc, đôi khi tiêu cực, để xem kết thúc câu chuyện như thế nào.
Tôi xin kể bạn nghe câu chuyện có thật thứ hai. Hãy để ý cách tôi mở đầu câu chuyện nhé!
Tôi đã từng bị một người phụ nữ da màu tức giận và chửi bới xối xả ngay giữa tàu điện ngầm đi từ trạm gần cầu London về nơi tôi ở trong thời gian đến Anh. Các bạn có biết lý do vì sao không?
Khi tôi mở đầu câu chuyện bằng một vấn đề thì bạn có muốn biết nguyên nhân không?
Bạn thấy đó, chỉ bằng cách này, ngay từ đầu, tôi đã có thể thu hút mọi người tập trung về phía mình và muốn nghe tiếp bài nói của tôi rồi.
Nhưng tôi sẽ không kể tiếp đâu. Bạn biết tại sao không? Vì trong kỹ năng thuyết trình, bạn phải luôn biết cách níu chân khán thính giả - đó là đừng vội đưa ra kết quả. Ngay lúc này, hãy chen vào những nội dung bạn thực sự muốn chia sẻ từ câu chuyện tình huống, hoặc chuyển sang một chủ đề mới với lời hứa sẽ kể tiếp đoạn kết của câu chuyện ban đầu sau vài phút nữa.
Đó là những trải nghiệm thực tế trong quá trình khám phá và đúc kết của tôi. Sau này, đọc nhiều sách, tôi cũng thấy mọi người bắt đầu ứng dụng kỹ thuật đó. Tóm lại, không vội tiết lộ kết quả ở phần mở đầu, hãy đưa ra đoạn cao trào nhất để dẫn dắt và khiến mọi người mong chờ đoạn kết. Thỉnh thoảng, xem vài bộ phim hoặc vở kịch sân khấu, bạn cũng sẽ thấy các diễn viên áp dụng công thức tương tự nhằm kích thích sự tò mò của người xem ngay từ đầu.
Kỹ năng thu hút người nghe từ giây đầu tiên - để làm được điều này, bạn phải hiểu về tâm lý con người, tuyệt vời hơn là tâm lý của những đối tượng mà bạn đang chia sẻ.
Biết mình là ai, trăm trận trăm thắng!
Hãy ghi lại những điều bạn tâm đắc sau khi đọc xong chương vừa rồi nhé!
Doanh nhân Thanh Xuân, CEO chuỗi thẩm mỹ Thanh Xuân, thành viên khóa học “Kỹ năng nói - Thuyết trình như bản tình ca”.