Chương 8Kỹ năng tương tác
Để người nghe quan tâm đến điều bạn nói, hãy đưa họ bước vào câu chuyện của bạn như thể đó chính là câu chuyện của họ. Chỉ như vậy, diễn giả và khán thính giả mới có thể đi cùng nhau trên một đoạn đường dài và có những điểm chung. Nhưng để biết được câu chuyện/ vấn đề của họ cần hướng giải quyết gì, chúng ta phải liên tục tương tác với người nghe bằng các câu hỏi dưới nhiều góc độ khác nhau.
Và dĩ nhiên, từ việc có nhiều ý kiến trái chiều, nếu muốn đi đến sự đồng thuận, chúng ta cần tăng cường tương tác để không gây nhàm chán, buồn ngủ và hạn chế mọi người làm việc riêng. Đặc biệt hơn, người nghe sẽ cảm thấy hứng thú với câu chuyện bạn nói vì họ thấy mình trong đó và được chia sẻ ý kiến cá nhân.
Tính tương tác giúp buổi thuyết trình/ chia sẻ của bạn thêm sinh động.
“Mọi người không quan tâm bạn biết gì cho đến khi họ biết bạn quan tâm đến họ như thế nào.”
- John C. Maxwell
“Bí mật để biến thành một kẻ buồn chán... là cái gì cũng kể.”
- Voltaire
“Bí quyết của sự thành công - nếu có - đó là khả năng tự đặt mình vào địa vị người khác và xem xét sự vật vừa theo quan điểm của họ vừa theo quan điểm của mình.”
- Henry Ford
“Thính giác là một trong năm giác quan của con người. Nhưng lắng nghe là nghệ thuật.”
- Frank Tyger
“Những tư tưởng tốt nhất của chúng ta đến từ người khác.”
- Ralph W. Emerson
Để tạo tính tương tác, bạn cần đặt câu hỏi cho khán thính giả để họ vận động tư duy thông qua cách trả lời. Ở kỹ năng này, nội dung câu hỏi của bạn quyết định sự thành công cũng như cách bắt nhịp để đám đông biết lúc nào thì đồng loạt trả lời mà không bị người nói trước, người hét sau.
Nếu bạn muốn cả hội trường hô vang câu trả lời cùng một lúc thì hãy đặt những câu hỏi chỉ có một đáp án “Có” hoặc “Không”.
VÍ DỤ: “Các anh chị có muốn thử trải nghiệm một lần không?”
Câu trả lời của người nghe chỉ có thể là “Muốn” hoặc “Không muốn”. Bạn sẽ nhận về một đáp án cụ thể, chứ không miên man hoặc không có câu trả lời.
Nhưng trước khi hỏi, bạn cũng cần ước tính xem liệu có khoảng bao nhiêu phần trăm khả năng sẽ xuất hiện câu trả lời như mình mong muốn, hoặc ít nhất là có phương án phản ứng với hai đáp án trái chiều. Mục đích là để bạn biết cách xử lý tình huống, tránh đặt câu hỏi đưa mình vào thế bị động.
Trong quá trình đào tạo, có rất nhiều người thắc mắc với tôi: “Tại sao lúc tôi tương tác lại ít nhận được sự hưởng ứng?” Thật ra, có rất nhiều lý do cho việc này, nhưng ở đây, tôi sẽ trình bày hai lý do phổ biến nhất và cách khắc phục để khiến người nghe cùng tương tác với mình.
- Lý do thứ nhất: Như tôi đã nói lúc đầu, là do cách bạn đặt câu hỏi không rõ ràng, không thể trả lời được là “Có” hoặc “Không”.
- Lý do thứ hai: Cách bạn đặt câu hỏi không có điểm nhấn nên người nghe khó đồng thanh trả lời, cũng có thể vì họ không biết nên trả lời ở nhịp nào sau khi bạn vừa nói xong. Vì thế, khi đặt câu hỏi, bạn phải nhấn trọng âm vào ý mà bạn muốn khán thính giả dựa vào đó để hồi đáp.
Ví dụ, trong câu hỏi: “Các bạn có muốn tiếp tục không?” bạn phải phát âm thật chắc chắn và có điểm dừng rõ ràng, tránh nói một cách từ từ, thụ động hoặc âm thanh không đủ lớn khiến mọi người không chú ý và khó tương tác.
Một tình huống khác, giả sử bạn giới thiệu về chủ đề du lịch, bạn muốn tương tác với đám đông bằng các câu hỏi liên quan như: “Các bạn có thích đi du lịch không?” Khán thính giả đều đồng loạt trả lời: “Có.” Tiếp theo, bạn mới đề cập tới câu hỏi mang tính riêng tư hơn: “Vậy khi nhắc đến du lịch biển Việt Nam, người ta hay nhắc tới địa danh nào?” Họ sẽ cung cấp cho bạn hàng loạt đáp án khác nhau: Vũng Tàu, Nha Trang, Phan Thiết… Sau đó, bạn tiếp tục dẫn dắt để đi vào nội dung cần chia sẻ thông qua các câu hỏi tương tác.
Giọng nói và cách nhấn nhá của bạn cần kích hoạt người khác trả lời. Chính vì vậy, hãy quan tâm tới cách thể hiện. Trong thuyết trình, kỹ năng tương tác rất quan trọng, vì nó có vai trò lôi kéo người nghe vào câu chuyện của bạn, khiến họ phải quan tâm và khéo léo tư duy.
Nếu trong hội trường lúc đó, ai cũng thụ động thì bạn phải tìm cho ra một người chủ động và tương tác với người ấy. Qua đó, bạn từ từ kéo tất cả mọi người vào câu chuyện. Họ sẽ dần dần bị cuốn theo mà quên đi sự ngại ngùng ban đầu.
Thêm một điều nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là cách bạn đặt những câu hỏi mang tính thời sự để hỏi - đáp rồi dẫn dắt vào nội dung chính.
Trong quá trình tương tác sẽ có nhiều quan điểm khác nhau. Dưới góc nhìn của bạn, cho dù ý kiến của khán thính giả là đúng hay sai, bạn cũng không nên vội vàng giành phần đúng về mình. Việc đầu tiên bạn cần làm là hãy đứng ở vị trí người nghe để đồng cảm với tư duy của họ. Sau đó, bạn phân tích vấn đề một cách khéo léo và khách quan dưới nhiều khía cạnh khác nhau để dẫn dắt và giúp họ nhận ra kết quả của họ chưa thực sự chính xác. Như vậy, người nghe sẽ dễ dàng đồng tình với bạn ở những vấn đề, câu chuyện phía sau vì bạn đã thuyết phục họ thành công.
Nhà thông thái Ben Franklin từng nói: “Nếu bạn cố tranh cãi để thắng thì cũng chỉ là chiến thắng vô nghĩa, bởi bạn sẽ không bao giờ nhận được thiện chí và sự hợp tác của đối phương.” Đặc biệt trong tình huống này, bạn là người cần sự đồng thuận và ủng hộ từ đám đông, nên hạn chế làm kích động hay bảo vệ quan điểm của mình bằng mọi giá.
Dù bạn có đúng hoặc lý lẽ của bạn có chặt chẽ đến đâu đi chăng nữa, một khi nắm thế áp đảo người khác tức là bạn đã sai rồi. Hãy mở đường cho đám đông và cũng là tìm đường lui cho mình. Bởi đơn giản thôi, nếu không thuyết phục được người khác thì cái đúng của bạn cũng không còn nghĩa lý. Vì thế, để trở thành một diễn giả trước đám đông, bạn còn phải là một nhà tâm lý.
Công việc của tôi là diễn viên - MC, 20 năm trước đây là ca sĩ, thường xuyên xuất hiện và đứng trên sân khấu. Vì được trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc qua đủ loại chương trình nên tôi đã đúc kết nhiều bài học từ những trải nghiệm thực tế. Tôi từng biểu diễn trong khá nhiều chương trình sân khấu dành cho trẻ em, ví dụ như chương trình “Ngôi nhà tuổi thơ” và “Tiếng nói trẻ thơ” đi vòng quanh các sân khấu địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Diễn viên chúng tôi đều biết phần tương tác nào khiến trẻ em tham gia nhiều nhất.
Ví dụ, trong một cảnh diễn:
Khi con Sói giả dạng mẹ của Thỏ và gõ cửa: “Cốc, cốc, cốc… Thỏ con ơi, mở cửa cho mẹ nào!” Bạn Thỏ trong nhà cất giọng trả lời: “Phải mẹ mình không các bạn? Mình có nên mở cửa cho mẹ mình không?”
Thì ở dưới hàng ghế sân khấu, các em nhỏ nháo nhào hét lên: “Đừng mở, đừng mở cửa, là Sói đó! Đừng mở, đừng mở… Sói ăn thịt đó!”
Ngay lúc ấy, nếu muốn tạo không khí cao trào hơn thì chúng tôi sẽ đi đến cửa và tăng thêm một chút tương tác: “Thôi… mình phải mở cửa đón mẹ mình chứ!”
Sau đó, tiếng gào thét của các bé vang lên càng dữ dội. Có nhiều bé còn muốn chạy lên sân khấu để ngăn chặn hành động của Thỏ con lại.
Trong vai trò diễn viên, bạn sẽ cảm thấy rất vui, xen lẫn một chút tức cười vì sự nhiệt tình của các bé. Là người lớn, bạn sẽ thấy khá hài hước trước hành động của trẻ con. Và đó cũng chính là đoạn mà lũ trẻ nhớ nhất trong vở kịch. Tại sao? Bởi nó chứa đựng nhiều cảm xúc nhất và chúng được trực tiếp tham gia vào câu chuyện đó. Vì vậy, hãy giao lưu gợi mở để người nghe cảm thấy bản thân họ được góp mặt trong câu chuyện. Hãy kích hoạt họ bằng sự tương tác để họ được chia sẻ trải nghiệm. Hãy cho họ cảm giác luôn ở thế chủ động thông qua tương tác của bạn.
Sở dĩ tôi nói vậy vì nó thuộc về tâm lý con người. Là một diễn giả hoặc người nói chuyện trước đám đông, bạn cần phải nhạy bén, tinh tế để hiểu được cảm xúc, tính cách của người nghe nhằm giao lưu và thích ứng kịp lúc. Làm được điều này, bạn sẽ nhanh chóng chiếm trọn trái tim khán thính giả.
Xem các chương trình truyền hình, bạn sẽ dễ dàng nhận ra nhiều MC không quá xuất chúng nhưng rất chịu khó tương tác với khán giả, đồng cảm, khích lệ, động viên nhằm chiếm được tình cảm của khán giả. Mặc dù về phần chuyên môn, chưa chắc họ đã nổi trội. Ngược lại, nhiều người có trình độ cao lại tập trung vào kỹ năng chuyên môn hơn là tương tác để lấy lòng đám đông. Vì vậy, họ không có số lượng khán giả ủng hộ nhiều bằng người MC đầu tiên.
Ví dụ trên củng cố thêm niềm tin: Giỏi chưa là gì cả mà bạn phải biết cách đi đúng đường. Đôi khi, giỏi lại là một hạn chế, vì lòng tự trọng khiến người ta khó có thể hạ mình làm những việc không thuộc chuyên môn. Còn những người ít chuyên môn lại luôn sẵn sàng hành động. Đơn giản vì họ không có gì để ngại - vấn đề nằm ở chỗ đó. Chuyên môn đã không giỏi sao dám “kén cá chọn canh”, họ hành động bất chấp nỗi sợ hãi của bản thân và suy nghĩ của những người xung quanh. Cuối cùng, họ chiến thắng cuộc chơi!
Cuộc sống và tâm lý con người vốn là vậy. Chúng ta cần thay đổi để thích nghi và phát triển.
Chắc bạn sẽ không còn ngạc nhiên khi thấy người giỏi lại không làm được cái điều mà người chưa giỏi có thể làm.
Vậy nên, quả không sai khi nói: Thái độ quyết định mọi cuộc chơi.
Hãy ghi lại những điều bạn tâm đắc sau khi đọc xong chương vừa rồi nhé!