Trong tất cả những buổi chia sẻ và đào tạo, tôi luôn giải đáp thắc mắc của các học viên trước khi đi vào bài học. Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi giống nhau, mọi người đều có chung sự quan tâm. Tôi biết lý do khiến không ít người lo lắng hoặc gặp khó khăn khi phải nói chuyện trước đám đông. Xin được trích một số câu hỏi và phần trả lời mà tôi đã chia sẻ, biết đâu cũng có thể là những thắc mắc của chính bạn.
CÂU 1: Tôi đã chuẩn bị kỹ càng mọi nội dung, nhưng tại sao khi đứng phát biểu trước đám đông, tôi lại quên hết và không biết nên nói như thế nào?
Việc chuẩn bị nội dung kỹ càng có nghĩa là bạn chỉ chuẩn bị văn bản/ tài liệu, chứ bạn không chuẩn bị kỹ năng chia sẻ trước đám đông. Hai việc này hoàn toàn khác nhau, vì vậy, muốn tự tin, bạn phải rèn đúng thứ mình còn thiếu. Tuy nhiên, tôi có một giải pháp dành cho bạn.
Để không quên những gì bạn muốn nói, có ba cách:
1. Gạch đầu dòng những ý chính và nhìn vào các ý chính trong văn bản hoặc trên slide. Sau đó, bạn mới triển khai nội dung chi tiết.
2. Viết vào tay hoặc một tờ giấy nhỏ cầm trong tay câu dẫn dắt để mở đầu bài thuyết trình, việc này sẽ giúp bạn tự tin hơn (lỡ bạn quên còn có “phao” để nhìn).
3. “Tip” thứ ba - cũng là điều quan trọng nhất - luyện tập thuyết trình bất cứ lúc nào có thể. Bạn chỉ giỏi khi bạn tích lũy nhiều trải nghiệm và chịu khó rèn luyện mà thôi.
CÂU 2: Giữa hình thức và nội dung, yếu tố nào quan trọng hơn?
Nhiều người vẫn thường hay quan niệm hình thức quan trọng hơn nội dung. Nhưng theo tôi, nội dung vô cùng quan trọng. Từ trải nghiệm thực tế của chính mình, tôi thấy rằng: Nếu nội dung không thu hút và hấp dẫn thì hình thức không thể là “cứu cánh” được. Sau này, khi đọc thêm nhiều tài liệu, tôi mới phát hiện ra một bí mật. Bí mật này đã giúp tôi tự tin hơn vào những gì mình quan sát được từ thực tế.
Nói một cách công bằng thì hình thức và nội dung đều có giá trị riêng của nó, và giá trị đó phát huy được đến đâu lại tùy thuộc vào chính diễn giả hoặc người thuyết trình - chính là tôi, là bạn, là tất cả chúng ta.
Bạn chính là người quyết định điều này, nói một cách rõ ràng thì bạn phải tự có ý thức về việc xuất hiện trước đám đông - đó là điểm thu hút đầu tiên. Nhưng nếu không có kỹ năng nói chuyện thuyết phục thì khán thính giả sẽ không thể tập trung vào nội dung mà bạn đang chia sẻ. Nên nhớ, khả năng tập trung của chúng ta đều có giới hạn. Vì vậy, nó đòi hỏi người thuyết trình phải có đủ năng lượng và bộ kỹ năng cần thiết để thu hút người nghe. Khi diễn giả có sức hút, nội dung sẽ tự động được phát huy, khán thính giả sẽ tập trung lắng nghe nội dung và tiếp nhận được những thông tin hay từ người nói.
Ngược lại, nếu bạn không biết cách để thu hút người khác thông qua hình thức hoặc kỹ năng thuyết trình thì cho dù nội dung của bạn có hay đến đâu, nó cũng không có giá trị và trở nên vô nghĩa. Đơn giản thôi, vì sẽ chẳng có ai tập trung nghe bạn nói nữa mà biết nội dung hay.
Đó là lý do vì sao tôi muốn khẳng định với các bạn: Nội dung có giá trị hay không tùy thuộc vào kỹ năng diễn thuyết của người chia sẻ.
CÂU 3: Làm thế nào để khi đứng trước đám đông, tôi không còn cảm thấy run nữa?
Đây là câu hỏi nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người. Thật ra, giải pháp rất đơn giản các bạn à. Bạn cứ đứng hoài là tự khắc hết run thôi!
Bất cứ nghành nghề nào cũng vậy, bạn chỉ cảm thấy tự tin khi bạn thực sự am hiểu về nó.
Để không run, bạn nên trang bị cho mình kỹ năng thuyết trình trước đám đông và tập luyện mỗi ngày. Hãy tận dụng và nắm bắt từng cơ hội thực tập trong cuộc sống. Có dịp nào được nói chuyện cho một đám đông nghe, bạn hãy cứ xung phong trình bày. Như tôi đã đề cập ở các chương trước, chúng ta không có nhiều khán thính giả như chúng ta nghĩ đâu. Điều này có nghĩa là mọi người không quá quan tâm đến các điểm yếu của bạn, nếu có ai đi chăng nữa thì cũng chỉ là một con số rất ít ỏi. Chỉ khi nào bạn là người của công chúng thì mọi người mới để tâm hơn đến lời bạn nói mà thôi.
Vì vậy, đừng mắc cỡ, e ngại, hãy tận dụng mọi cơ hội để được phát biểu ở chốn đông người. Cứ tích trữ thành lượng, sau mỗi lần trải nghiệm, chắc chắn bạn sẽ rút ra được một bài học nào đó cho mình. Hãy quan niệm rằng, không học được cái này thì bạn cũng sẽ học được cái kia. Chính những trải nghiệm đó sẽ là kinh nghiệm để bạn tràn đầy tự tin khi đứng trước đám đông sau này. Cứ mạnh dạn và vững tin để tích lũy trải nghiệm và học hỏi từ những điều nhìn lại bạn nhé!
CÂU 4: Tôi phải xử lý thế nào khi đang nói thì tự nhiên quên mất nội dung chia sẻ tiếp theo là gì?
Câu hỏi này rất thú vị, tôi nghĩ rằng không ít người đã từng rơi vào tình huống này rồi. Bởi ai mà chẳng có lúc quên, phải không?
1. Cách ứng phó thứ nhất là ngay lúc quên, bạn cần bình tĩnh. Sau đó, hãy đặt câu hỏi tương tác với nội dung vừa chia sẻ trước đó để đi sâu hơn vào vấn đề. Đó là cách để kéo dài thời gian giúp bạn nhớ lại. Bạn cũng hãy coi đây như là dịp để khán thính giả được bày tỏ và đưa ra ý kiến cá nhân.
2. Cách ứng phó thứ hai là bạn có thể cho tất cả mọi người nghỉ giải lao ít phút với câu nói bất hủ: “Trước khi đến với nội dung quan trọng tiếp theo, chúng ta có năm phút để giải lao hoặc tự thảo luận, trao đổi.” Đó là lúc bạn có thể tìm lại những gì vừa quên trong bài thuyết trình của mình.
3. Một giải pháp khác là bạn linh hoạt ứng biến, tùy thuộc vào sự nhạy bén, thông minh của bản thân. Tuy nhiên, nó phải phù hợp với điều kiện lúc bấy giờ.
CÂU 5: Làm cách nào để thu hút người nghe tập trung vào điều tôi đang chia sẻ?
Đơn giản thôi, hãy làm những điều người ta quan tâm! Thật ra, để trả lời câu hỏi này, tôi muốn phân tích làm hai khía cạnh. Để người khác quan tâm đến mình, tôi nghĩ không phải là chuyện khó. Bạn biết phần lớn con người đều có tính tò mò đúng không? Vậy thì bạn cứ làm những gì khác người hoặc khơi gợi sự hiếu kỳ là tự khắc được quan tâm, chú ý. Tuy nhiên, họ quan tâm, chú ý đến bạn với cảm xúc gì - đó mới là điều tôi muốn nhấn mạnh.
Chúng ta phải định vị được bản thân mình và biết mình là ai. Mình là ai trong đám đông đó, mình là ai ngay tại thời điểm xuất hiện? Điều này rất quan trọng, bởi khi hiểu rõ bản thân, bạn cũng sẽ dễ dàng biết cách để người khác quan tâm đến mình.
Vì biết mình là ai, bạn sẽ đặt bản thân ở đúng vị trí và đưa ra những giá trị phù hợp. Kết quả nhận lại chắc chắn là sự quan tâm của người nghe.
Điều thứ hai, để thu hút đám đông, bạn phải hiểu khán thính giả hoặc những người chuẩn bị nghe bạn nói, họ đang cần gì? Phải xác định được mục tiêu ngay từ đầu, sau đó gợi mở cho người nghe biết rằng: Tôi sẽ mang lại giá trị và chuẩn bị nói những điều bạn quan tâm. Khẳng định rõ ràng phát ngôn trên bằng một giọng nói truyền cảm, dứt khoát thì bạn sẽ gây được sự chú ý với khán thính giả. Bày tỏ quan điểm bằng những mệnh đề khẳng định, có nhấn nhá ngay từ đầu để hướng sự tập trung của họ vào nội dung bạn sắp chia sẻ. Hãy giữ năng lượng và cảm xúc này để từ từ dẫn dắt người nghe đến điểm đích thông qua kỹ năng trình bày của bạn.
CÂU 6: Phải làm sao khi tôi đang nói mà mọi người không tập trung hoặc làm việc riêng?
Trước hết, bạn phải tự hỏi ngược lại chính mình, tại sao trong lúc bạn nói lại không có ai tập trung, mọi người đều làm việc riêng như bấm điện thoại?
Nếu bạn chỉ thấy lác đác vài người không chú ý, hãy thử nghĩ rằng họ có công việc riêng cần giải quyết. Nếu thực sự là vậy, hãy thông cảm và cho họ thời gian để giải quyết công việc cá nhân.
Tuy nhiên, nếu số người mất tập trung hoặc làm việc riêng chiếm số lượng khá đông thì bạn hãy thử nhìn lại bài thuyết trình của mình. Có khi nào vì nội dung của nó quá nhàm chán không? Hay cách trình bày của bạn chưa đủ lôi kéo sự chú ý?
Bạn phải hiểu một điều đơn giản là, con người thường không tập trung lâu vào một điều gì đó trong thời gian dài, ngoại trừ bị thu hút. Nó thuộc về tâm sinh lý. Đó là lý do vì sao các nhà lãnh đạo đều phải dành thời gian học kỹ năng nói/ thuyết trình để họ có thể dẫn dắt đội ngũ nhân viên và tự tin đứng trước đám đông.
Để tránh rơi vào tình huống trên, tôi sẽ gợi ý cho bạn những mẹo sau đây:
1. Thay đổi giọng nói, ví dụ như sôi nổi hơn, mạnh hơn và lớn hơn để gây sự chú ý.
2. Làm một động tác gì đó khác thường nhưng trong giới hạn cho phép để mọi người chú ý trở lại.
3. Đặt câu hỏi phụ cho những nhóm đối tượng có vẻ đang mất tập trung, để khi trả lời, họ bắt buộc phải quay lại câu chuyện bạn đang chia sẻ.
4. Tìm một nhân vật nào đó thú vị để tương tác, chính nhân vật này sẽ lấy lại sự tập trung cho bạn.
5. Hãy nhắc nhở họ một cách nhẹ nhàng, tinh tế để hoàn thành bài thuyết trình. Hãy chia sẻ bằng cả trái tim cầu thị.
CÂU 7: Nếu khán thính giả đặt một câu hỏi mà tôi không biết câu trả lời chính xác thì tôi sẽ phải làm gì?
Nếu bạn là một chuyên gia, chắc chắn bạn sẽ không gặp phải trường hợp này. Vì các chuyên gia sẽ lường trước được tình huống trên và họ sẽ có khả năng trả lời được gần như tất cả các câu hỏi thông dụng xoay quanh chủ đề đó.
Tuy nhiên, đừng lo lắng nếu bạn chưa phải là chuyên gia. Vì chuyện cũng thường tình thôi mà, đâu ai biết hết tất cả mọi thứ trên đời. Chỉ cần bạn bình tĩnh và làm theo một trong các cách sau:
1. Hãy đặt ngược lại câu hỏi này với tất cả khán thính giả, xem trong hội trường có ai trả lời được không cũng như tham khảo ý kiến của họ. Chính những câu trả lời của mọi người xung quanh sẽ gợi ý cho bạn, mở ra nhiều cánh cửa để bạn có thể kết hợp từ ý kiến bên ngoài và kiến thức của mình lại. Đó chính là đáp án!
2. Giải đáp theo kiểu “kết thúc mở” - có nghĩa là bạn trả lời dưới dạng mở để người nghe được quyền chọn đáp án phù hợp nhất với họ:
- Tôi cũng không biết chính xác…
- Nếu tôi nhớ không lầm…
- Theo những gì tôi biết…
- Theo ai đó/ một nguồn thông tin nào đó… (Bạn lấy dẫn chứng từ những dữ liệu được nhiều người biết, phát triển ý và đi đến đáp án.)
3. Với những câu hỏi khó, bạn nên lựa chọn phương án thẳng thắn “thú nhận”: “Tôi cũng chưa biết, tôi sẽ nghiên cứu và tìm hiểu thêm. Đến khi biết chính xác, tôi sẽ trả lời cho bạn câu hỏi này.”
4. Giải pháp cuối cùng là kết thúc màn hỏi - đáp: “Vì thời lượng chương trình có hạn nên nếu chúng ta còn thời gian, tôi sẽ trả lời bạn sau.” Bởi dĩ nhiên, bạn đang làm chủ sân khấu mà. Bạn chính là người quyết định cuộc chơi.
CÂU 8: Xuất hiện một số ý kiến trái chiều trong lúc tôi đang chia sẻ, tôi phải giải quyết thế nào?
Đầu tiên, hãy tìm điểm tương đồng để nhất trí với khán giả. Mặc dù ngay lúc đó, bạn sẽ có một chút khó chịu vì xuất hiện ý kiến trái chiều.
Là một diễn giả, bạn nên thấy sự việc này là bình thường, hãy học cách chấp nhận và xem nó như một lẽ đương nhiên. Đừng kỳ vọng rằng khi bạn nói, ai ai cũng sẽ đồng tình với quan điểm của bạn. Nếu tất cả mọi người đều tán thành với bạn thì quá tuyệt vời rồi! Còn nếu có người phản kháng hay bất đồng quan điểm cũng không sao nhé. Cứ bình tĩnh và thuyết phục họ bằng kỹ năng thuyết trình của bạn. Hãy nhớ: “Trên đời này không có đúng và không có sai, ai thuyết phục giỏi thì đó là người chiến thắng.” Mục đích của việc về phe người nghe, tìm điểm tương đồng với họ là để đánh giá cao suy nghĩ của họ. Sau đó, bạn mới phân tích quan điểm của mình để thuyết phục đối phương.
Nếu họ vẫn không chấp nhận thì sao? Thì khi ấy, bạn hãy nhớ lấy câu này: “Trưởng thành là chấp nhận sự khác biệt của người khác.” Hãy tôn trọng quan điểm riêng của khán thính giả và chấp nhận sự khác biệt. Đừng cố thuyết phục họ phải suy nghĩ hay làm theo ý mình nếu người ta không muốn.
Việc cuối cùng bạn cần lưu ý, đó là hãy cảm ơn quan điểm mới của khán thính giả. Bạn hứa hẹn sẽ tham khảo để tìm hiểu thêm, biết đâu sẽ là một ý tưởng mới, một sáng kiến hay. Hãy đề cao giá trị của họ, vì ngẫm lại, chỉ khi thật sự lắng nghe và tập trung vào bài nói của bạn thì họ mới có thể phản biện được như vậy.
Việc ai đúng ai sai không quá quan trọng, vì mỗi người sẽ có nhận định cho riêng mình. Quan trọng là thái độ của bạn. Hãy chứng minh bạn là một người khách quan và chịu khó tiếp thu ý kiến mới.
CÂU 9: Có những sự vật, sự việc xảy ra không đúng như kịch bản hoặc sự chuẩn bị từ trước, tôi phải làm gì?
Học cách thích nghi! Hãy thích nghi với nó thay vì la lớn lên cho cả thế giới biết là vừa có một sự cố xảy ra.
Chúng ta cứ nghĩ mình nên chia sẻ sự cố ngoài ý muốn với khán thính giả để được thông cảm nhưng lại quên mất rằng, chính việc chia sẻ càng khiến người khác tập trung vào sự cố nhiều hơn. Thay vì thông cảm, những khán thính giả khó tính sẽ đánh giá thấp khả năng thích ứng cũng như sự chuẩn bị của bạn.
Dẫu biết rằng bạn đã sửa soạn rất kỹ càng nhưng hãy tính đến trường hợp “không phải ai cũng chịu lắng nghe lời giải thích của bạn đâu”. Vì vậy, đừng cố gắng biện minh gì cả, hãy tự mình xử lý và thích nghi với sự cố đó, dàn xếp sao cho êm đẹp nhất để người khác không nhận ra - đó mới là kỹ năng trên sân khấu, kỹ năng của người bản lĩnh trước đám đông.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Có những trường hợp cần phải giải thích nếu nó hợp lý và tốt hơn cho sự việc ngay tại thời điểm đó.
Vậy là tùy vào bối cảnh, tình huống, chúng ta chọn cách giải thích hay “che lấp” sự cố bằng khả năng thích nghi, ứng biến với những điều không nằm trong kế hoạch, kịch bản.
Áp dụng thế nào tất cả những điều tôi nói trên đều dựa vào kinh nghiệm, sự thông minh và sự thấu hiểu khán thính giả của bạn. Thấu hiểu đối tượng người nghe đang ngồi bên dưới sẽ giúp bạn biết chọn phương án giải quyết phù hợp.
CÂU 10: Anh là chủ doanh nghiệp, đồng thời nằm trong ban lãnh đạo của một hội doanh nghiệp. Vì vậy, anh có nhu cầu nói nhiều, nói hay, nói thuyết phục. Nhưng anh chưa quen với việc phát biểu, thuyết trình như trả bài, hay quên trên sân khấu, ngại nói chuyện trước đám đông…
Đây là chia sẻ của một học viên chuẩn bị tham gia lớp “Kỹ năng thuyết trình” của tôi. Bởi mỗi học viên lại gặp những vấn đề khác nhau nên trước khi bắt đầu, tôi muốn mỗi người nêu lên vấn đề cũng như mong muốn của mình, từ đó, tôi sẽ hướng dẫn kỹ hơn để họ đạt được kết quả tốt nhất.
Về việc “nói chưa quen”, lý do là bởi anh học viên ấy chưa được rèn và chưa nắm được kỹ năng thuyết trình. Còn “nói như trả bài” là vì anh chưa thấu hiểu kỹ năng nói nên chỉ biết học thuộc, mà thậm chí chưa chắc đã thuộc nữa.
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng: “Kỹ năng nói chắc chỉ luyện nói.” Đó là một hiểu lầm lớn! Nếu bạn đã từng theo học chính thức các khóa huấn luyện về kỹ năng nói của tôi, bạn sẽ thấy rằng, để trình bày sao cho thuyết phục, bạn phải là một nhà tâm lý, một nhà nghiên cứu thị trường, một chính trị gia, một nhà văn, một nghệ sĩ đa năng - rất nhiều các kỹ năng cộng lại. Bạn phải am hiểu về xã hội và các kiến thức nêu trên thì mới có thể nói hay. Thêm vào đó, bạn sẽ học bí quyết để nhìn nhận vấn đề “đằng sau” của việc nói chuyện trước đám đông, giúp bạn luôn làm chủ được mọi tình huống khi đứng trước công chúng.
Vì những lý do trên, tôi chỉ trả lời ngắn gọn như thế này:
1. Bạn ngại vì bạn chưa quen và chưa nắm được kỹ năng. Vì vậy, cần thường xuyên cho mình cơ hội để ngày càng quen dần với việc thuyết trình. Để nâng cao kỹ năng, bạn trang bị mỗi ngày một ít những bài tập tôi đã hướng dẫn trong quyển sách này. Muốn cải thiện khả năng nói trước đám đông, bạn chỉ có một cách duy nhất là trải nghiệm và mài giũa nhiều hơn. Không có con đường nào khác cả. Tôi cũng phải mất hơn 20 năm học tập và rèn luyện. Tuy nhiên, tôi đúc kết, rút gọn những gì thực tế và thiết thực nhất, trao cho học viên những kỹ năng họ cần để đạt được mục tiêu sớm nhất, sau đó cứ theo đà này mà phát triển hơn mỗi ngày.
2. Riêng việc hay quên trên sân khấu, tôi đã giải đáp trước đó. Tuy nhiên, đó chỉ là một vài trường hợp tôi đưa ra để “chữa cháy”. Trong quá trình học, bạn sẽ nắm bắt sâu hơn các bí kíp cho kỹ năng này, để nếu tình huống đó có xảy ra lần nữa, biết đâu bạn sẽ có những ý tưởng mới sáng tạo hơn và hiệu quả hơn. Tùy thuộc vào hoàn cảnh lúc bấy giờ mà bạn chọn giải pháp thích ứng tốt nhất.
3. Về việc giọng nói như trả bài, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách luyện giọng làm sao nghe truyền cảm. Có ba yếu tố giúp cải thiện và có giọng nói hay. Nếu dựa vào ba yếu tố này và tập luyện thì giọng nói của bạn sẽ cải thiện rất rõ. Thứ nhất, nói đúng dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Thứ hai, thả hơi bao bọc lấy giọng thô. Thứ ba, hiểu ý nghĩa câu nói và đặt tình cảm của mình vào đó. Hãy đưa cảm xúc thật vào nội dung bạn định truyền tải. Đừng cố bịa tình cảm không đến từ giọng nói thật, bạn sẽ vô tình làm người nghe rất mệt mỏi.
Bạn có thể tham khảo bài tập này qua video “Cách luyện tập để có giọng nói quyến rũ” trên kênh YouTube Trúc Thy Art.
Chúc bạn thành công với bài tập luyện trên nhé. Hãy kiên nhẫn mỗi ngày một chút thôi. Tích trữ thành lượng, rồi sẽ đến lúc bạn gặt hái được trái ngọt từ những khổ luyện của mình.
Tưởng tượng một ngày nào đó, bạn đứng trên sân khấu, diễn thuyết trước hàng trăm, hàng ngàn người theo dõi một cách đầy mê hoặc.
Đó là lúc bạn đã thành công với “Thuyết trình như bản tình ca”.
Tôi muốn kể cho bạn nghe năm câu chuyện từ những trải nghiệm hay sự cố nghề nghiệp trong quá trình tôi làm công việc cầm micro và nói trước đám đông. Đã có rất nhiều sự kiện xảy ra nhưng tôi chỉ đưa vào vài tình huống tiêu biểu nhất, hy vọng bạn hiểu rằng, để viết ra những dòng chia sẻ này, tôi cũng đã phải “trả giá” không ít.
CÂU CHUYỆN 1:
Duyên phận nào đưa tôi đến với công việc cầm micro để nói?
Nếu cầm micro để hát thì từ ngày học lớp Năm, tôi đã làm rồi, nhưng sự kiện cầm micro để nói lại bắt nguồn từ năm tôi lên lớp Chín. Trước hẻm nhà tôi mở một quán cà phê sân vườn khá rộng lớn. Mỗi tối cuối tuần, chủ quán thường tổ chức chương trình văn nghệ cho khách hát để thu hút người ghé qua. Nó giống với các chương trình âm nhạc bây giờ, nhưng ở thời điểm đó, chưa có khái niệm MC là gì. Vì vậy, ai muốn hát thì lên lấy micro, hết người này đến người kia cứ lần lượt cầm micro và chỉ cần nói với anh chơi đàn organ là: “Tôi sẽ hát bài đó đó.” Từ nhỏ, tôi vốn là người thích ca hát và đã sớm ra ngoài kiếm tiền từ việc đi hát đám cưới. Vì vậy, tôi cũng tham gia cất giọng với mọi người ở quán cà phê nơi đầu hẻm.
Tuy nhiên, tôi cảm thấy hơi khó chịu vì sự “mất trật tự” này. Và thế là tôi đã đi đến một quyết định - tự ý cầm micro lên để dẫn, sau đó đề nghị với tất cả mọi người, ai muốn hát hãy nhờ tôi giới thiệu. Kết quả là, tôi trở thành MC của chương trình một cách tự nhiên như vậy luôn!
Chủ quán lúc đó là chú Nha, đến giờ tôi vẫn nhớ như in vì chú rất thân với gia đình tôi và cũng rất yêu quý bọn con nít chúng tôi. Chú thấy tôi làm được quá nên trả tiền cát-xê 20 ngàn đồng. Vậy là cứ đến cuối tuần, tôi ra đầu hẻm làm MC ca nhạc, sau mỗi đêm, tôi được trả 20 ngàn - đó là những đồng cát-xê làm MC đầu tiên của tôi gần 30 năm về trước.
Sau đó, tiếng lành đồn xa. Một quán cà phê ca nhạc khác được mở lên cách nhà tôi khoảng hai cây số. Họ cũng cần MC và mời tôi. Nếu tôi không lầm thì chương trình của họ được tổ chức vào thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy hằng tuần. Giờ nhắc lại, tôi vẫn còn nhớ những bộ đồ từng mặc khi làm MC cho quán mới đó. Nhưng họ yêu cầu thêm tôi là đi xuống từng bàn để hỏi xem khách định hát bài gì. Tôi không đồng ý với đề nghị ấy, tôi nói công việc của MC chỉ là tập trung dẫn chương trình mà thôi. Nếu khách muốn hát thì họ phải tự đăng ký với nhân viên, rồi nhân viên mới trực tiếp gửi đến tôi. Năm đó, tôi học lớp Mười nên chỉ làm một thời gian ngắn là tôi nghỉ. Và đó chính là những nền tảng đưa tôi đến công việc cầm micro làm chủ đám đông để trở thành một MC, nhà đào tạo và diễn giả cho đến ngày hôm nay.
Qua câu chuyện này, tôi muốn gửi đến bạn một thông điệp: Hãy cứ bắt đầu từ đam mê. Cứ đi rồi sẽ đến, cứ làm rồi sẽ được. Ngày qua ngày sẽ giúp bạn trưởng thành hơn. Lúc bấy giờ, lựa chọn của tôi là đúng hay sai không quan trọng bằng việc tôi đã làm được điều mình thích, trở thành phiên bản mà tôi muốn như chính mình hiện nay. Đó là một quá trình dám làm, dám chủ động. Nghệ thuật nói chuyện trước công chúng cũng giống vậy, bạn vừa làm, vừa trải nghiệm, vừa học hỏi, rồi sẽ đến lúc bạn tự tin cầm micro và làm chủ đám đông.
Và sự cố bắt đầu từ câu chuyện thứ hai.
CÂU CHUYỆN 2:
Nói hay không bằng nói đúng!
Ngày đó, tôi được giao dẫn chương trình trong cơ quan, đó là buổi họp tổng kết trao giải thưởng cho nhân viên của đài. Thời điểm ấy, tôi đang là Biên tập viên - MC của Đài truyền hình Việt Nam. Trước giờ tổ chức, mấy anh chị em sinh hoạt dưới sân khấu vui lắm, đồng nghiệp trong một cơ quan mà, đùa giỡn như người một nhà vậy. Chúng tôi biết mặt nhau hết, còn gọi nhau bằng những cái tên thân mật tự đặt nữa.
Rồi cũng đến giờ chương trình diễn ra, tôi lên sân khấu với đoàn các anh chị được nhận giải, rồi các trưởng phòng, ban giám đốc… Nhưng khi đứng trên sân khấu, tôi quên mất rằng chúng tôi phải đổi lại cách xưng hô, không được dùng cách gọi thân mật như vừa nãy. Chỉ cách có mấy giây thôi mà toàn bộ lối xưng hô quay ngoắt 180 độ.
Tôi đọc tên mọi người sai tá lả. Chính vì đã quen với cách gọi thân mật nên ngay khi thấy tên các anh chị em đồng nghiệp đi kèm với chức danh được viết trang trọng, tôi lóng ngóng giữa hai trường phái hoàn toàn khác biệt. Từng cái tên được tôi nói lên trong sự ngượng nghịu bởi ít khi tôi gọi các bạn đồng nghiệp, ngay cả các sếp trưởng phòng như vậy. Chẳng thà tôi dẫn chương trình của người lạ hoặc không quen biết mấy còn dễ xử.
Đằng này lại toàn là người quen, tự nhiên sử dụng cách gọi trang trọng nên tôi thấy sao khó khăn quá.
Dĩ nhiên, tôi nào đâu kịp thích nghi, và tôi cũng không lường trước được sự việc. Vậy là bữa đó, mọi người được một trận cười vỡ bụng bởi sự lúng túng và cách gọi không theo nguyên tắc nào của tôi. Mọi người càng cười, tôi càng thấy rối. Sự cố đó khiến tôi mất ngủ tới ba ngày vì cảm giác xấu hổ. Một bài học ngày đầu còn non dại, tôi khi ấy chỉ mới vào đài được mấy tháng…
Qua câu chuyện trên, chắc các bạn cũng ít nhiều rút ra được kinh nghiệm cho mình về cách xưng hô. Ví dụ, nếu ở nhà, bạn gọi mẹ là “mẹ”, “má” thì khi làm MC trong một chương trình có mẹ bạn làm đại biểu, bạn phải đổi ngay sang cách gọi là “Mời bà Nguyễn Thị A lên có đôi lời chia sẻ” chứ không được “mời mẹ” như ở nhà nữa đâu. Cái khó của tôi trong câu chuyện vừa rồi là danh sách trao thưởng rất dài nên tôi cần bình tâm và tư duy nhiều hơn.
Thông điệp tôi muốn chia sẻ ở đây là bạn đừng chủ quan, hãy dành một khoảng thời gian ngắn để tập trung suy nghĩ xem mình cần nói điều gì, nói như thế nào trước khi bước lên sân khấu. Xốc lại tinh thần để bắt đầu một vai trò mới chỉ trong vòng vài phút ngắn ngủi, để khoảnh khắc bước lên sân khấu, bạn tràn đầy năng lượng và tỏa sáng.
CÂU CHUYỆN 3:
Nghe theo bên nào?
Đó là cái ngày tôi dẫn chương trình giới thiệu một sản phẩm hợp tác đôi bên - sự kiện quan trọng ấy được tổ chức trong một khách sạn đẳng cấp ở Sài Gòn. Và sự cố diễn ra ngay ở phút cuối cùng. Đã khá lâu rồi nên tôi không nhớ rõ sản phẩm ngày hôm ấy là gì, vì vào thời điểm đó, tôi dẫn rất nhiều các thể loại chương trình. Nhưng trải nghiệm lần này khiến tôi nhớ mãi không quên.
Ban đầu, mọi việc diễn ra rất thuận lợi, từ khâu mở đầu, phát biểu, ký kết. Tuy nhiên, đến khâu Q&A (Question & Answer ) thì vấn đề xảy ra.
Buổi ra mắt đó có rất nhiều khách mời, có cả cánh phóng viên. Khi tôi hỏi các anh chị báo chí có muốn đặt câu hỏi nào không thì chỉ có một, hai người giơ tay. Sau khi trả lời xong những câu hỏi của báo chí, tôi lại tiếp tục phần việc của mình bằng câu dẫn quen thuộc: “Các anh chị còn câu hỏi nào nữa không ạ?”
Và lúc đó, tôi nhận được tín hiệu cho ngưng, “không hỏi nữa”. Nếu chỉ có vậy thì dễ rồi, tôi chỉ cần cảm ơn khán thính giả và kết thúc sự kiện thôi. Đằng này thì không. Trong quá trình ký kết, có vẻ hai bên đối tác đã không thống nhất trước vụ này hay sao đó, mà một bên ra ký hiệu “ngừng” cho mọi người đặt câu hỏi, bên còn lại thì “ném” tín hiệu hãy “tiếp tục” để mọi người đặt câu hỏi. Tôi đứng một mình trên sân khấu nhưng chịu sự chỉ đạo của cả hai phía khi nhìn xuống dưới. Tôi phải làm gì bây giờ đây? Tôi phải nghe lời ai đây?
Nếu là bạn, bạn sẽ quyết định như thế nào?
Đứng giữa hai sự lựa chọn, suy nghĩ thêm vài giây, tôi quyết định kết thúc chương trình và chào tạm biệt bằng một câu nói quen thuộc khác: “Nếu quý vị không còn câu hỏi nào nữa thì chương trình xin được khép lại tại đây. Cảm ơn sự theo dõi của quý vị khách quý, anh chị báo đài, cảm ơn tất cả mọi người đã dành thời gian đến với sự kiện. Chúc các anh chị nhiều sức khỏe và thành công. Xin chào và hẹn gặp lại!”
Đố các bạn, vì sao tôi quyết định dừng và kết thúc sự kiện ở đó?
Bởi vì tôi quyết định làm theo chỉ dẫn của đơn vị trực tiếp mời mình. Dù biết rằng phía bên kia là đối tác của họ nhưng tôi không thể nghe theo hiệu lệnh của ai khác ngoài người đã trực tiếp mời và làm việc với mình. Và sau đó, dĩ nhiên tôi bị khiển trách bởi đơn vị đối tác. Bên kia cho rằng tôi không chuyên nghiệp, không chịu kéo dài thời lượng chương trình. Tôi phải chấp nhận ngậm đắng nuốt cay sự khiển trách đó vì đã không làm theo yêu cầu. Nhưng biết sao được, tôi bắt buộc phải lựa chọn và chỉ được thực hiện một điều thôi. Làm hài lòng người này thì chắc chắn sẽ khiến người kia phật lòng.
Đó là điều hiển nhiên mà bạn phải chấp nhận trong công việc của mình.
Chị quản lý của đơn vị mời tôi thì không phàn nàn gì rồi, vì tôi đã làm theo đúng yêu cầu của chị. Biết tôi đành chấp nhận bị phê bình để làm đúng theo yêu cầu nên thái độ của chị dường như rất đồng cảm và có phần ái ngại với tôi. Tuy nhiên, vì cũng không muốn làm đối tác của mình mất lòng nên chị nhẹ nhàng lướt qua.
Đó, bạn phải nếm trải hết mọi hoàn cảnh mới đưa ra được những quyết định đúng thời điểm. Bạn có thể làm chủ đám đông, nhưng nhà sản xuất hay đơn vị trả tiền cho bạn sẽ làm chủ bạn.
Đứng trên vạn người, đứng dưới một người là vậy đó. Niềm riêng này biết tỏ cùng ai!
CÂU CHUYỆN 4:
Không!
Đó là câu trả lời rất lớn tiếng của một người khi tôi hỏi: “Các bạn có đồng ý không?”
Ngày còn là sinh viên của trường Sân khấu Điện ảnh, tôi được giao trọng trách làm MC trong một chương trình biểu diễn dành cho sinh viên - một sân chơi hoạt động nghệ thuật của chúng tôi. Sau nhiều lời dẫn, tôi chốt lại bằng câu hỏi: “Các bạn có đồng ý không?” thì có một giọng nói rất lớn trả lời lại là: “Không!”
Khi hỏi câu này, chắc hẳn bạn đinh ninh ai cũng sẽ trả lời là “Yes!”, nhưng tôi biết cô gái trả lời là “Không!” ấy chỉ muốn chống đối và thể hiện cá tính. Dĩ nhiên, nếu là bây giờ thì tôi không ngại bất cứ một phản hồi, tương tác nào đến từ người nghe cả vì đã góp nhặt khá đủ trải nghiệm để xử lý và dẫn dắt tình huống. Nhưng ở thời điểm đó, tôi mới chỉ là sinh viên, kinh nghiệm cũng chưa nhiều. Vì vậy, khi có một phản hồi ngược lại dự đoán của mình, tôi khó mà bình tĩnh nổi.
Thế là lúc ấy, tôi dồn mọi sự tập trung vào người nói “không” bằng một câu hỏi: “Vì sao bạn lại trả lời là ‘không’? Bạn có thể giải thích cho tôi và các bạn ở đây biết được không nhỉ?” Tôi biết khi đặt câu hỏi trực tiếp như vậy, chắc chắn bạn ấy sẽ khó giải thích được rồi, nhưng vì để giữ sĩ diện, bạn ấy nói rất đơn giản: “Vì mình thích vậy thôi!”
Có vài tiếng cười trong hội trường. Và tôi cũng cười để không khí bớt căng thẳng. Sau đó, tôi tiếp tục lời dẫn và lướt qua.
Đó là giải pháp của tôi trong quá khứ. Nếu là bây giờ thì tôi sẽ có động thái khác hơn. Tôi đã chia sẻ nhiều lần với học viên của mình: Để nói thành công trước đám đông, bạn còn phải là một nhà tâm lý nữa, bên cạnh một nhà nghiên cứu thị trường, một chính trị gia và một người nghệ sĩ. Nó đòi hỏi ở bạn rất nhiều kiến thức để cùng đồng bộ, hòa quyện và thể hiện ra bên ngoài.
Giải pháp của tôi-hiện-tại là tập trung vào những điều tích cực hơn. Rất đông người đang “say yes” với mình mà tôi không quan tâm, lại dành thời gian cho người “say no”, có phải tôi đang thiếu công bằng với những người ủng hộ mình không? Lại tiếp tục là một sự chọn lựa!
Mỗi giai đoạn, mỗi độ tuổi, qua nhiều sự trải nghiệm, bạn sẽ có những hành động, lời nói, ứng xử, cử chỉ khác nhau. Ở kỹ năng này, bạn đừng học theo công thức chung. Bạn chỉ cần hiểu về nó và ứng dụng dựa vào chính lợi thế của mình. Tuy nhiên, 10 kỹ năng tôi chia sẻ ở 10 chương lớn là những kỹ năng cần thiết trước khi đi vào sự đổi mới, sáng tạo. Vì nó là những nền tảng cơ bản mà một MC hoặc một diễn giả phải có.
CÂU CHUYỆN 5:
Cản không kịp!
Đó là một chương trình tôi dẫn ở tỉnh trong tour chăm sóc khách hàng của một công ty dược phẩm. Lúc đó, người đưa cho tôi kịch bản MC đã đánh máy nhầm tên của một vị khách khá quan trọng. Nên khi tôi đọc cái tên sai đó lên, ở dưới giống như đứng ngồi không yên vậy. Người phụ trách bên công ty chạy lên nhắc tôi là bị sai tên và điều chỉnh lại.
Sau khi điều chỉnh xong, tôi tiếp tục giới thiệu nhân vật đó như một vị khách đặc biệt nhất nên để nhấn nhá cuối cùng, như thể được sắp xếp đọc sau cùng vậy. Ngay tại thời điểm diễn ra tình huống, cách MC xử lý phải khéo, phải làm như nãy giờ không có chuyện gì xảy ra. Mọi thứ diễn ra hết sức bình thường, sau đó mới nâng giá trị của người bị đọc sai tên lên gấp đôi để họ cảm thấy mình là người quan trọng nhất nên được để dành đến cuối cùng.
Vậy mới nói, công việc thuyết trình trước đám đông luôn cần bạn phải hiểu tâm lý con người như một chuyên gia để thích ứng với mọi vấn đề và giải quyết chúng một cách nhẹ nhàng, không ai hay biết.
Bài học rút ra sau câu chuyện này là bạn nên kiểm tra lại với đơn vị tổ chức các tên riêng trong kịch bản, hoặc ít nhất nhắc nhở họ hãy làm điều đó giùm bạn.
Mặc dù chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng khá nhạy cảm. Chúng ta lưu ý và chuẩn bị cẩn thận vẫn sẽ tốt hơn.
Tiếp theo là câu chuyện của một bạn MC mà tôi biết trước đây, bạn ấy đã gặp một sự cố mà theo tôi, tất cả chúng ta nên rút kinh nghiệm.
Trong một cuộc thi “Sao Mai Điểm Hẹn”, tôi nằm trong ban biên tập. Hôm ấy là đêm biểu diễn trực tiếp khu vực phía Nam và có một sự cố đã diễn ra dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, cũng vì bạn MC ấy còn khá mới, chưa biết cách xử lý tình huống. Dẫu biết rằng có sẵn kịch bản và MC chỉ cần nhìn vào kịch bản mà đọc thôi, nhưng phải có sự cố xảy ra mới thấy được tầm quan trọng của bản lĩnh sân khấu.
Sau khi kết thúc cuộc thi là phần phỏng vấn trực tiếp thí sinh trên sân khấu, còn phỏng vấn thí sinh nào là do MC tự chọn. Nhưng bạn ấy đã quên béng nguyên tắc “bất di bất dịch” của MC là không được đưa micro cho người khác - MC luôn phải cầm trong tay micro để chủ động xử lý mọi tình huống trên sân khấu. Được giao trọng trách cầm micro nghĩa là bạn có nhiệm vụ điều hành mọi việc dưới vai trò là một “Master of Ceremonies” (cách viết đầy đủ của từ MC). Nhưng bạn ấy lại để cho thí sinh trả lời phỏng vấn giựt luôn micro và vô tư phát biểu, thế là bạn ấy đứng hình như chưa thể định thần và không biết xử trí ra sao. Đó lại là chương trình trực tiếp, nhưng may thay, đạo diễn hình ảnh trên xe màu đã kịp thời lên nhạc, chạy chữ để kết thúc chương trình. Sau vụ việc đó, bạn ấy cũng rút ra được một bài học đắt giá.
Bạn nên nhớ, khi được cầm micro để đứng nói trước đám đông, đừng trao nó cho bất cứ ai không có nhiệm vụ, hãy giữ nó như kho báu cho đến khi bạn hoàn thành công việc hoặc sự kiện kết thúc.
Đó là năm câu chuyện thật trong nhiều câu chuyện từ quá trình tôi làm MC, sau này là diễn giả và nhà đào tạo - những công việc đứng nói trước đám đông. Chỉ cần chịu khó dấn thân, bạn sẽ có thêm nhiều bài học giá trị sau mỗi lần trải nghiệm.
May mắn là trong sự nghiệp 20 năm làm MC của mình từ ngày bé đến giờ, tôi chỉ gặp vài trường hợp “đau đầu” như vậy thôi. Còn phần lớn tôi đều xử lý ổn thỏa cũng như thích nghi tốt với các vấn đề phát sinh nên gần như mọi việc đều diễn ra thuận lợi, mọi chương trình đều thành công tốt đẹp.
Hãy ghi lại những điều bạn tâm đắc sau khi đọc xong "Câu chuyện thực tế!"