Chương 2Biểu cảm giọng nói
Giọng nói là yếu tố tiên quyết trong giao tiếp hoặc thuyết trình. Không ít diễn giả chiếm được thiện cảm của người nghe chỉ qua giọng nói. Vì vậy, chúng ta phải kiểm soát và sử dụng giọng nói của mình để dễ dàng tiếp cận người nghe trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Bên cạnh đó, để bài phát biểu luôn cuốn hút, không gây nhàm chán, buồn ngủ cho khán thính giả và khiến họ duy trì sự tập trung, chú ý, chúng ta còn phải biết cách liên tục thay đổi từ cao độ, cường độ đến tốc độ của giọng nói.
Đừng chỉ nói như một nốt nhạc mà hãy nói như một bản tình ca.
“Vàng thì thử lửa thử than, Chim khôn thử tiếng người ngoan thử lời.”
- Tục ngữ Việt Nam
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.”
- Tục ngữ Việt Nam
“Đất tốt trồng cây rườm rà,
Những người thanh lịch nói ra dịu dàng.”
- Tục ngữ Việt Nam
“Đất rắn trồng cây khẳng khiu,
Những người thô tục nói điều phàm phu.”
- Tục ngữ Việt Nam
“Sự thành công của lãnh đạo doanh nghiệp, diễn giả, MC hay những người phải thường xuyên thuyết trình đều nhờ vào chất giọng.”
- Sưu tầm
“99% nhân viên bán hàng thất bại vì không có giọng nói thuyết phục và tạo được niềm tin nơi khách hàng.”
- Sưu tầm
Nếu bạn may mắn sở hữu một chất giọng hay thì chúc mừng bạn, đó là tài sản vô giá. Cũng không sao cả nếu bạn chưa có được thứ tài sản ấy, chưa có thì ta bắt đầu tạo dựng thôi!
Đầu tiên, tôi muốn chia sẻ về cách phát âm tròn vành rõ chữ, không bị ngọng. Đó là bạn phải luyện nói những câu lẹo lưỡi mỗi ngày.
Để đọc các câu lẹo lưỡi, bạn nên luyện khẩu hình miệng theo các nguyên âm sau:
A, O, Ô, U, Ư
A: há miệng lớn nhất có thể.
O: túm miệng lại như quả trứng gà.
Ô: túm thêm miếng nữa.
U: chu miệng ra hết cỡ.
Ư: nhe răng ra và nâng hàm dưới lên một chút.
Hình minh họa
Lặp đi lặp lại bài tập trên 10 lần mỗi ngày để luyện khẩu hình miệng của bạn.
Bây giờ đến các câu lẹo lưỡi đây. Lúc đầu, bạn nhớ phát âm thật chậm để đọc cho đúng. Khi đã quen, bạn có thể đọc nhanh dần và nhắc lại nhiều lần.
1. Buổi trưa ăn bưởi chua.
(Bạn nhớ đọc rõ các chữ “bưởi” và “buổi”, “trưa” và “chua”.)
2. Chị lặt rau rồi luộc, em luộc rau lặt rồi.
(Để hạn chế đọc líu lưỡi, bạn lưu ý nhấn mạnh chữ “rau” hoặc “rồi” trong vài lần thử đầu tiên.)
3. Lùi đậu, lột đậu, luộc đậu, đậu luộc, đậu lột, đậu lùi.
4. Hột vịt lộn, lượm, luộc, lột, lùi.
5. Hôm qua, Qua nói Qua qua mà Qua không qua. Hôm nay, Qua nói Qua không qua mà Qua qua.
Khi những bài tập này được bạn siêng năng rèn luyện hằng ngày thì chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, bạn sẽ nói với khẩu hình miệng đẹp và tròn vành rõ chữ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước đầu.
Bước tiếp theo, song song với việc tập đọc các câu lẹo lưỡi, bạn bắt đầu học cách nói truyền cảm và thu hút người nghe. Nếu muốn nói như đang hát một bản tình ca làm say đắm lòng người thì đây là chìa khóa dành cho bạn.
HÃY NHẬN LẤY CHÌA KHÓA ĐỂ MỞ CÁNH CỬA ĐẦU TIÊN!
Trong bài nói, bạn hãy chia nhỏ ý để có câu nói cao, câu nói thấp, câu nói nhanh và câu nói chậm. Thậm chí, bạn có thể dừng lại ở một vài quãng để lôi kéo sự tập trung của mọi người, rồi từ từ thả chữ như đang ngân nga một bài hát - chậm rãi giống một ca sĩ đang biểu diễn, khiến khán thính giả nín thở, im lặng để lắng nghe.
Bạn phải biến hóa bài nói có cao trào bằng chính biểu cảm giọng nói của mình. Chắc chắn bạn sẽ thuyết phục được người nghe, như thể họ đang thưởng thức một bản tình ca với đủ giai điệu.
Hãy gạch chân hoặc ghi lại những ý chính mà bạn muốn tất cả mọi người nắm bắt. Nhớ nhấn nhá để không hòa lẫn những thông tin đó vào một bài thuyết trình dài và tôn lên thông điệp chính mà diễn giả muốn khán thính giả lưu ý, để tâm. Nếu bạn không biết cách làm nổi bật khúc nào quan trọng thì sau khi kết thúc chương trình, người nghe sẽ không thể hiểu nội dung bài nói như bạn kỳ vọng.
CÁNH CỬA THỨ HAI
Nếu bạn muốn nhấn mạnh vào một ý nào đó, hãy sử dụng biện pháp lặp từ. Ví dụ, trong khi đang trình bày liên tục, bạn có thể lặp lại một cụm từ như dưới đây:
“Làm thế nào để khách hàng yêu thích bạn?
Làm thế nào để khách hàng trở lại với bạn?
Làm thế nào để khách hàng giới thiệu khách hàng mới cho bạn?”
Với ba câu đều bắt đầu bằng cụm từ “Làm thế nào” được lặp đi lặp lại, bạn cần đổi giọng điệu để nghe chúng hoàn toàn khác nhau. Nếu nói câu “Làm thế nào” đầu tiên với tông giọng bình thường thì câu “Làm thế nào” thứ hai phải tăng cao độ lên. Câu “Làm thế nào” thứ ba lại hạ thấp âm lượng bằng một giọng nói chân tình và ấm áp.
LƯU Ý: Bạn không nhất thiết phải làm theo đúng hướng dẫn trên. Hãy thoải mái thay đổi cao độ giọng nói để phù hợp với bản thân.
Bạn có thể sáng tạo theo cách riêng, miễn sao phong phú và mang lại nhiều cảm xúc cho những ai đang ngồi nghe tài năng “hát tình ca” của bạn.
Đó mới chỉ là cao độ (gồm cường độ và âm lượng). Ngoài ra, bạn nên lưu ý thêm về tốc độ - giống như đi phượt bằng xe máy vậy, có những đoạn đường bạn chạy thật nhanh, có những khúc bạn phải giảm tốc để thong thả chiêm ngưỡng cảnh đẹp, tận hưởng khí trời hay một điều tuyệt vời khác xung quanh. Thuyết trình cũng thế, có lúc bạn nói nhanh, có lúc bạn nói chậm để khán thính giả bị cuốn theo, như muốn cùng bạn thưởng thức những cái hay và thú vị trên chặng đường.
Vậy là bạn đã có hai chiếc chìa khóa để tìm ra bí quyết biểu cảm giọng nói rồi. Nhưng chưa hết đâu, còn chiếc chìa khóa thứ ba nữa!
CÁNH CỬA THỨ BA - CÁCH ĐỌC ĐÚNG
Chào mừng bạn đến với cánh cửa thứ ba để tìm hiểu về cách đọc đúng.
Chỉ khi đọc đúng, bạn mới có thể phát âm chuẩn dấu của từng chữ trong một câu. Nhiều người thường mắc phải lỗi này nhưng cứ loay hoay mãi vì không biết mình nói sai ở đâu hay phải điều chỉnh như thế nào.
Vài người tìm đến tôi chia sẻ: “Sao tôi đọc bài này không được diễn cảm, cứ ngang ngang à!” Nếu bạn nhìn thấy mình trong tình huống trên thì khả năng cao là bạn đã không phát âm rõ dấu của từng chữ. Trong tiếng Việt có dấu và thanh điệu được phân biệt cụ thể, nhưng liệu bạn đã đọc đúng hết các cao độ dấu chưa? Việc diễn giả nói đúng thanh điệu cũng quan trọng như ca sĩ phải hát đúng nốt nhạc vậy.
huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng
Dù bạn cố tình hay cố gắng đọc sao cho truyền cảm thì trước hết, bạn phải đọc đủ dấu của mỗi chữ.
VÍ DỤ:
“Đời người thực ra đã ghi khắc trên tinh tú nhưng các tinh tú khi sáng khi mờ và sự mờ tỏ do chính ta quyết định.”
(“Hành trình về phương Đông” - Baird T. Spalding)
Bạn hãy đọc rõ dấu của từng chữ để câu văn dễ nghe và chân thật hơn. Thêm một lưu ý này, đúng dấu đã đành, nhưng nhớ đúng cả chính tả.
Dưới đây là một số các cặp từ nhiều người thường hay đọc sai. Bạn lưu ý tập phát âm sao cho nhuần nhuyễn nhé.
“thuyết trình” - “thiết thực” (cách mở khẩu hình miệng khác nhau, đừng làm biếng di chuyển khẩu hình kẻo bạn sẽ mắc lỗi mãi)
“cầu tre” - “che chở” (người miền Tây thường hay mắc phải)
“doanh nhân” - “danh dự” - “doanh số” - “danh bạ”
“rực rỡ” - “gặp gỡ” - “rộn ràng” - “gọn gàng”
“xinh xắn” - “sôi sục” - “xốn xang” - “sáng sủa”
“trang trọng” - “chi chít” - “trần trụi” - “chắc chắn”
“hoan hô” - “quan quyền” - “hoàn toàn” - “quán quân” - “vắng vẻ” - “quan viên”
Chúc mừng bạn đã nắm được bí quyết để có giọng nói hay, truyền cảm cũng như cách thể hiện sinh động.
Bạn có thể là người miền Bắc, miền Nam hoặc miền Trung. Bất kể sinh sống ở đâu, bạn chỉ nên luyện nói theo giọng của một vùng miền, chứ đừng nửa Bắc nửa Nam, gây khó khăn cho người nghe. Tuy nhiên, nếu biết cách, bạn vẫn có thể biến chính khuyết điểm về giọng nói thành ưu điểm. Hãy biến bất lợi thành có lợi.
Những trải nghiệm khi đứng trước đám đông sẽ giúp bạn cải thiện bản thân. Vì vậy, nếu có cơ hội thì hãy tự tin thử sức!
Đừng e ngại, đừng lo sợ, đừng phân vân. Cứ ngồi đó e ngại, lo sợ, phân vân thì suốt đời bạn cũng sẽ chỉ e ngại, lo sợ, phân vân mà thôi.
LƯU Ý: Đưa cột hơi bao phủ lên chất giọng mộc mạc khi nói chuyện để âm thanh nghe trầm ấm. Bạn có thể xem hướng dẫn thực hiện trong video “Cách tập luyện để có giọng nói quyến rũ” trên kênh YouTube Trúc Thy Art.
Hãy ghi lại những điều bạn tâm đắc sau khi đọc xong chương vừa rồi nhé!