Chương 3Biểu cảm nét mặt
Nét mặt là một yếu tố quan trọng giúp người nghe có thể phán đoán cảm xúc của bạn lúc bấy giờ.
Giữa một nét mặt không biểu lộ cảm xúc và một nét mặt biểu lộ cảm xúc khi chia sẻ/ thuyết trình, bạn thấy đồng cảm với người nào hơn?
Là giá trị tổng hợp từ biểu cảm giọng nói, những cảm xúc chân thật và mọi tâm huyết mà bạn muốn gửi gắm đến khán thính giả. Biểu cảm khuôn mặt càng rõ nét càng dễ lay động được trái tim mọi người, đặc biệt là cảm xúc qua ánh mắt. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói: “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn.”
Và người nghe sẽ dễ dàng đồng điệu với những diễn giả có tâm hồn được biểu lộ qua ánh mắt.
“Đừng tiếc nụ cười ngay cả khi buồn. Bởi không bao giờ bạn biết được có thể có ai đó sẽ yêu bạn vì nụ cười đó.”
- Khuyết danh
“Người khôn con mắt dịu hiền.
Người dại con mắt láo liên nhìn trời.”
- Ca dao
“Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu.”
- Ca dao
Ngoài lòng tin, chân thật cảm, biểu cảm giọng nói, khi thuyết trình trước đám đông, chúng ta cần thêm yếu tố biểu cảm nét mặt mới có thể tạo ra hệ giá trị sâu sắc và chạm đến trái tim khán thính giả.
Bạn hãy thử nói to câu dưới đây:
“Có thể nói, hôm nay là một trong những ngày may mắn của cuộc đời tôi khi gặp được những đối tác hiểu về quy trình như các anh chị, vì tôi đã mất quá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm này.”
Bạn đã thể hiện cảm xúc hân hoan đó trên gương mặt như thế nào?
Bạn nói bạn thấy “may mắn”, nhưng gương mặt bạn có thể hiện ra điều đó không, hay chỉ là một nét mặt bình thường, không cảm xúc?
Đó là điều tôi muốn nhắc bạn. Bạn nói bạn đã “mất quá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm này”. Vậy bạn thể hiện điều gì trên gương mặt để biểu lộ cảm xúc ấy?
Mỗi câu nói mang nội dung khác nhau sẽ đem lại những cảm xúc hoàn toàn khác biệt. Vì vậy, gương mặt bạn cũng phải được vận hành liên tục và đồng bộ theo từng lời nói.
Nếu bạn nói vui thì giọng bạn phải vui và nét mặt phải thể hiện ra được niềm vui đó.
Nếu bạn nói buồn thì giọng nói và gương mặt bạn cũng phải biểu lộ nỗi buồn bên cạnh chân thật cảm. Tuy nhiên, đa phần mọi người không để ý đến điều này. Bạn nói vui nhưng nét mặt lại lạnh tanh, nói giận mà nét mặt lại bình thản. Có thể tính cách bạn như vậy, nhưng khi là diễn giả thì bạn phải thay đổi. Nếu bạn chưa quen thể hiện cảm xúc trên gương mặt thì còn một cách khác là thể hiện biểu cảm qua ánh mắt.
Người ta hay nói: “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn.” Vì vậy, bạn nên cố gắng tập luyện để có một đôi mắt biết nói - biểu lộ cảm xúc đôi khi không cần diễn đạt thành lời.
Nếu bạn quan sát sẽ thấy rằng, các diễn viên xuất sắc là những người biết thể hiện biểu cảm qua ánh mắt thay vì lời nói. Phần lớn phim điện ảnh thường có rất ít thoại, chủ yếu thể hiện ngôn ngữ qua hình ảnh và lối diễn xuất của các diễn viên. Diễn viên đóng vai người bị câm phải biết nói qua ánh mắt, nếu không thể hiện được bằng “cửa sổ tâm hồn” thì chẳng điều gì có thể lột tả cảm xúc của họ.
Chính vì lẽ đó, bạn phải học như một đứa trẻ - khi chưa nói được, chúng bộc lộ mọi cảm xúc qua ánh mắt. Chỉ cần nhìn vào mắt của những đứa trẻ, bạn sẽ biết ngay chúng đang vui, buồn, sợ, ngạc nhiên, tò mò, thích thú hay giận dỗi.
Nếu chúng ta có thể truyền đạt, chia sẻ bằng ngôn từ sắc bén, chân thật cảm đầy đủ, giọng nói thuyết phục, dễ nghe, cộng thêm gương mặt biểu cảm và đôi mắt biết nói nữa thì chẳng phải là quá tuyệt vời hay sao!
Nhưng để đạt được đẳng cấp “diễn giả” thì bạn phải có được cả hai.
Tuy nhiên, có một số trường hợp bạn phải làm ngược lại - gọi là “cảm xúc ngược”.
Kỹ thuật diễn xuất này thường xuyên được các nghệ sĩ hài sử dụng. Họ phải diễn bằng “cảm xúc ngược” mới có thể mang lại tiếng cười cho khán giả.
Vậy khi nào chúng ta có thể áp dụng kỹ thuật “cảm xúc ngược”?
Khi muốn tạo sự bất ngờ và mang đến một không khí sôi nổi hơn. Diễn giả phải tìm cách làm ngược lại những quy luật tự nhiên, như buồn là phải khóc, vui thì phải cười. Nhưng bạn nhớ còn tùy thuộc vào nội dung mà áp dụng công thức “cảm xúc ngược”. Sử dụng không đúng cách vào những nội dung mang tính nghiêm túc hoặc trang trọng sẽ gây ra “tác dụng ngược”.
“Cảm xúc ngược” thường được thấy trong những buổi đào tạo, chia sẻ về những vấn đề xã hội hoặc tiết mục trò chơi trong các chương trình, sự kiện.
Để tập luyện biểu cảm nét mặt, bạn hãy quan sát và học theo biểu cảm của các diễn viên. Hãy chăm chú nhìn vào cơ mặt họ: từ cái miệng, cái mũi, đôi mắt, nụ cười, cái nhếch môi đến cái lườm.
Đừng hiểu lầm rằng tôi bắt bạn rèn luyện kỹ năng này để trở thành diễn viên. Mong muốn của tôi chỉ là, bạn truyền đạt một cách rõ nét nhất nội dung mình muốn nói trước mặt mọi người.
Một câu chuyện dài, một vấn đề quan trọng hay một giá trị mà bạn phải mất rất nhiều thời gian mới tìm thấy được. Khi đứng trên sân khấu, chỉ có vỏn vẹn vài phút để chia sẻ, vậy làm sao để người nghe có thể đồng cảm với bạn?
Hãy “cháy” hết mình khi thuyết trình, dùng tất cả năng lượng và những kỹ năng mà bạn có để lột tả câu chuyện qua giọng nói, biểu cảm và cả tấm lòng, rồi người nghe sẽ thấu hiểu được những gì đến từ trái tim bạn. Mọi cảm xúc ở bên trong phải được bộc lộ ra bên ngoài thì mới có tính lan tỏa.
Hãy thử quan sát những con người ở các quốc gia phương Tây. Khi trò chuyện, họ thoải mái biểu lộ cảm xúc trên gương mặt - mọi trạng thái vui, buồn, phấn khởi đều được thể hiện theo cách chân thật nhất. Có thể vì chúng ta mang nét văn hóa Á Đông nên còn e ấp, rụt rè, ngại thể hiện cảm xúc ra ngoài và dần hình thành nên thói quen.
Nhưng ngay từ bây giờ, bạn có thể tập thay đổi dần nhé!
Bạn đừng ngại, không sao đâu! Vì nó sẽ giúp bạn trở nên tốt hơn và thành công hơn.
Hãy ghi lại những điều bạn tâm đắc sau khi đọc xong chương vừa rồi nhé!