Dùng cơ thể để nói cũng giống như biểu diễn kịch câm hoặc múa. Tất cả những gì bạn muốn chia sẻ đều thông qua ngôn ngữ hình thể. Đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh, diễn viên sử dụng rất nhiều ngôn ngữ hình thể. Diễn xuất từ hình thể sẽ làm cho người xem khóc, cười, ghét, thương.
Ngôn ngữ hình thể trong thuyết trình còn có tác dụng làm rõ nét điều bạn muốn truyền tải, bởi nó được bộc lộ từ chân thật cảm và nội lực bên trong qua động tác cơ thể.
Kỹ năng “Thuyết trình như bản tình ca” sẽ hướng dẫn bạn cách đi đứng để có dáng đẹp, cách tạo lập phong thái riêng để đồng bộ tay chân khi di chuyển và những động tác tay chuẩn được phát triển từ nghệ thuật múa ba lê.
Tất cả đều có trong ngôn ngữ hình thể.
Trước hết, ngôn ngữ hình thể là những động tác, cử chỉ trên toàn bộ cơ thể bạn. Tôi thường chia sẻ về cách bước đi sao cho thật nhẹ nhàng, khoan thai, mỗi nhịp chân sao cho thật tự tin, bản lĩnh. Luôn giữ lưng thẳng và vai mở, ngả người ra phía sau một chút để giữ tư thế thẳng, không bị khòm, cổ luôn đẩy cao như vươn lên để xây dựng hình ảnh đẹp của người nói trước công chúng.
Thật ra, dù bạn là ai thì cũng nên trang bị cho mình những bài tập này, chúng sẽ giúp bạn gây thiện cảm với người khác bởi chính phong thái đĩnh đạc trong từng bước đi. Nói một cách đơn giản, bạn cần hiểu rằng, người không có nội lực từ bên trong thì bước chân không thể thanh lịch, nhịp nhàng, thay vào đó là sự rụt rè, e ngại, đi lê thê, không dứt khoát.
Ở đây, tôi không có ý vơ đũa cả nắm, nhưng bạn cần học cách thể hiện bản lĩnh của mình trong từng nhịp bước để không bị đánh đồng với những người chưa mài giũa cả nội dung lẫn hình thức. Để luyện bài tập này, bạn hãy mở một bài nhạc và di chuyển theo giai điệu, tiết tấu của ca khúc.
Hãy chọn những bài có nhịp điệu nhanh và cả những bài có tiết tấu chậm. Bạn nghe và đi theo cảm xúc âm nhạc với tư thế thân trên chuẩn, hai tay buông lỏng và để tự nhiên thì tự khắc chúng sẽ đánh đều theo chân như bản năng. Từ từ cảm nhận và điều chỉnh tư thế để thấy như luôn có người đang ngắm nhìn bạn trong từng bước đi. Khi có cảm giác đó, bạn sẽ đi rất đẹp, với điều kiện bạn phải tự tin rằng mình đang cực kỳ đẹp và cao ráo để ai ai cũng phải ngoái nhìn. Chỉ khi bạn suy nghĩ như vậy thì bước chân mới khoan thai và đĩnh đạc. Việc bạn có thật sự đẹp theo chuẩn mực nào đó hay không, tôi không cần biết chi tiết. Tôi chỉ biết, nếu bạn tự tin vào bản thân thì đã đủ làm xiêu lòng người khác và đầy quyến rũ khi lướt qua bất kỳ ai.
Nhớ giữ tư thế lưng thẳng, vai mở, cổ vươn cao khi di chuyển nhé!
VỀ ĐÔI TAY
Người nói trước đám đông phải học cách sử dụng tay. Ngôn ngữ trên đôi tay nói lên sự quyết đoán và mềm mại của bạn khi chia sẻ về bất cứ vấn đề gì. Ví dụ, cách bàn tay hướng về phía mọi người, cách mở bàn tay để có được hình vòng cung tự nhiên, cách diễn đạt nội dung…
Hãy chủ động sử dụng ngôn ngữ hình thể để tăng thêm sự hấp dẫn cho người nghe. Hãy để họ tự cảm nhận cơ thể bạn cũng đang nói lên điều đó.
Bạn nên đứng trước gương để luyện tập cách sử dụng tay khi thuyết trình, thay đổi nhiều động tác khác nhau cho thêm phần phong phú.
LƯU Ý: Với tư thế lòng bàn tay mở, đừng để lộ ra quá nhiều khe hở, giữ ngón tay trỏ cao hơn một chút so với những ngón còn lại. Muốn biết cách mở bàn tay chuẩn, bạn xem tư thế bàn tay của những diễn viên múa ba lê, không cần bắt chước y hệt các diễn viên, nhưng một bàn tay mở ra chuẩn phải giống như vậy.
Ngôn ngữ hình thể khi thuyết trình trước đám đông phần lớn sử dụng hai cánh tay. Nhưng nếu biết cách, bạn có thể tận dụng nhiều tư thế khác nhau: khi nghiêng bên trái, lúc nghiêng sang phải, tiến lên phía trước, ngửa ra phía sau… Tóm lại, tất tần tật mọi cử động trên cơ thể đều nhằm mục đích diễn đạt rõ hơn cảm xúc, câu chuyện và thông điệp mà bạn muốn gửi đến khán thính giả.
Nếu biết ứng dụng ngôn ngữ hình thể, bạn sẽ giúp khán thính giả tỉnh táo hơn khi lắng nghe bạn nói. Đơn giản bởi vì dáng đứng bạn linh hoạt khiến mắt họ linh hoạt theo, đồng thời họ cũng sẽ dõi theo cử chỉ đôi tay và cả thân hình chuyển động của bạn.
Thông thường, khi thuyết trình trong khoảng thời gian ngắn (10 - 15 phút), diễn giả hay đứng yên một chỗ. Nếu trên 15 phút, tôi khuyên bạn nên di chuyển để người nghe không cảm thấy mệt mỏi khi chỉ nhìn về một hướng. Khán thính giả ngồi ở giữa sẽ không chịu ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, nếu có ai đó ngồi ở hai bên cánh gà thì bạn phải giúp họ được vận động và cảm thấy dễ chịu, nếu không, họ sẽ khó tập trung nghe bạn nói. Biết cách sử dụng hình thể sao cho uyển chuyển, bạn sẽ đạt được hiệu quả như mình mong muốn.
Và hãy nhớ rằng, hình thể là tất cả những gì bạn biểu lộ trên cơ thể, bổ sung vào nội dung bạn đang nói để làm tăng thêm giá trị nội dung và thu hút người nghe.
Hãy bắt tay một ai đó, hãy dành cái ôm thân thiện cho một ai đó, hay đơn giản nhất là “high five” (đập tay) khi người nghe nói đúng một điều mà bạn đồng tình. Những hành động biểu lộ ngôn ngữ hình thể thân thiện, gần gũi sẽ chiếm được nhiều thiện cảm của khán thính giả hơn.
Đó là những gì cơ bản nhất để bạn sử dụng ngôn ngữ hình thể trong thuyết trình. Nhiều hơn nữa là gì thì tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện để bạn nắm được những bí quyết - hoặc cũng có thể gọi là “tuyệt chiêu” - trong việc sử dụng ngôn ngữ hình thể.
Câu chuyện tôi muốn kể sau đây nói về hành động của một người. Bạn hãy dùng hình thể của chính mình để miêu tả lại hành động nhé.
Ví dụ: “Hôm trước, khi đang đi trên đường, tôi thấy một cụ già lủi thủi một mình.”
Hãy thử thị phạm hình ảnh đó trong bối cảnh bạn đang tường thuật lại một câu chuyện mình đã từng chứng kiến, nhưng phải thật tinh tế.
Hãy ứng dụng tất cả những gì trên cơ thể để lột tả hết ý và hỗ trợ lời nói. Ngoài nhu cầu được nghe, phần nhìn sẽ giúp khán thính giả in sâu vào trong trí não tạo hình từ cơ thể bạn. Hãy sử dụng triệt để nếu bạn muốn ghi dấu ấn riêng. Nên nhớ, không cần phải giống ai cả, miễn mọi người thích là bạn đã thành công!
Hãy ghi lại những điều bạn tâm đắc sau khi đọc xong chương vừa rồi nhé