Vào mùa xuân năm 1967, Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam tổ chức một lực lượng mới, gọi là Lực lượng Đặc nhiệm Oregon, bằng cách tập hợp Lữ đoàn Bộ binh nhẹ 196, Lữ đoàn 3 của Sư đoàn Bộ binh 4 và Lữ đoàn 1 của Sư đoàn Không vận 101. Lực lượng này bố trí tại tỉnh Quảng Ngãi, là tỉnh thứ năm ở phía Nam khu phi quân sự dọc theo bờ biển.
Việc thành lập lực lượng đặc nhiệm mới – một lực lượng đặt dưới sự chỉ huy của Lực lượng lính thuỷ đánh bộ 3 – là nhằm để tăng cường đối phó với chiến sự đang tăng lên dọc khu phi quân sự. Dãy Trường Sơn ở đoạn Quảng Ngãi lượn ra gần biển, giữa núi và biển là một dải đất bằng phẳng có thể trồng trọt được. Dải đất này dài khoảng tám mươi cây số, chỗ rộng nhất là hai mươi lăm, nơi hẹp nhất là mười cây số. Lực lượng đồng minh của Mỹ chia vùng đất này – vốn là nơi sinh sống của hơn 80% trong tổng số 650.000 dân của tỉnh – thành bốn Khu Trách nhiệm chiến thuật, phạm vi xấp xỉ bằng nhau, và mỗi khu được giao cho một lữ đoàn chịu trách nhiệm. Tính từ Bắc xuống Nam là các lữ đoàn: Lữ đoàn nhẹ 196, Lữ đoàn Lính thuỷ đánh bộ Hàn Quốc (đã đổ bộ lên Quảng Ngãi từ mùa hè năm 1966), Lữ đoàn Quân lực Việt Nam Cộng hoà (viết tắt là ARVN và người Mỹ quen gọi là Arvin) và Lữ đoàn 3 của Sư đoàn 4. Còn Lữ đoàn 1 của Sư đoàn Không vận 101 làm lực lượng dự bị, sẵn sàng cơ động bằng máy bay lên thẳng đến bất kỳ nơi nào trong tỉnh để giáng những đòn tấn công bất ngờ vào đối phương.
Nhiệm vụ chính của Lực lượng Đặc nhiệm Oregon là tìm diệt cái gọi là các đơn vị chủ lực của Việt Công (cũng gọi là V.C. hoặc Mặt trận Dân tộc Giải phóng) và quân đội Bắc Việt Nam đang hoạt động trong tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, để tránh việc lặp đi lặp lại những cách hành quân theo cùng một kiểu có thể giúp đối phương dự đoán được các cuộc di chuyển của mình, các bộ phận của lực lượng Đặc nhiệm Oregon thỉnh thoảng cũng hành quân ra ngoài phạm vi Quảng Ngãi, lên đến Quảng Tín* ở phía Bắc hoặc vào Bình Định ở phía Nam.
* Tỉnh Quảng Tín (thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam ngày nay) gồm 6 quận 1 thị xã, 89 xã, tỉnh ly đặt tại thị xã Tam Kỳ, thành lập theo sắc lệnh 162-Nv ngày 31/07/1962 của chính phủ Việt Nam Cộng hoà. (Chú thích của người dịch)
Khu vực hành quân của Lực lượng Đặc nhiệm Oregon là vùng ven biển nhiều rừng núi của Nam Việt Nam trải dài từ phía Nam thành phố Huế đến tỉnh Bình Định, vùng này từ xưa đã nổi tiếng vì phong cảnh thiên nhiên đẹp và con người tuy nghèo nhưng giàu lòng tự hào và mến khách. Dải đất này tuy bằng phẳng nhưng lại là đất cát chẳng mấy màu mỡ, không thuận lợi cho việc trồng trọt. Vì vậy nên từ xa xưa đã có một bộ phận lớn nông dân làm các nghề khác như đánh cá ở biển Đông hoặc khai thác gỗ trên rừng. Nhiều người làm nghề thủ công tại nhà; và vùng này đã từng nổi tiếng về lụa tơ tằm và nghề dệt chiếu với nguyên liệu là những cây cối mọc đầy hai bên bờ các dòng sông.
Cư dân bản địa các tỉnh nhiều núi rừng này phần lớn là dân vùng nông thôn, có giọng nói ngang ngang nặng âm sắc địa phương, người Sài Gòn nghe dễ nhận ra đó là người ở các tỉnh. Phần lớn người dân có thân hình thấp hơn người ở nơi khác, dáng vẻ chất phác, chắc nịch, cằm vuông, bản tính thật thà, dũng cảm. Mãi đến năm 1964, đa số các trường tiểu học trong vùng vẫn viết lên tường câu châm ngôn từ ngàn đời của người Việt “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Có lẽ vì đất đai quá cằn cỗi không giúp cho con người làm nên những cơ nghiệp lớn, nên những gia đình khá giả trong vùng thường đặc biệt quan tâm cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Trước khi Việt Nam bị chia cắt vào năm 1954, trình độ học vấn của phần lớn dân chúng ở miền Nam Việt Nam thấp hơn nhiều so với miền Bắc, nhưng sinh viên từ các tỉnh rừng núi ven biển này lại có tiếng là xuất sắc tại trường Đại học Hà Nội, được xem là trường danh tiếng nhất của cả nước lúc bấy giờ. Một số lớn nhà văn nổi tiếng của Việt Nam sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Ở sâu trong vùng núi của mấy tỉnh phía Bắc là những bộ tộc thiểu số mà người Pháp gọi là người Thượng, sinh sống bằng cách đốt rẫy làm nương, trồng tỉa, đến khi đất bạc màu họ lại di chuyển đi nơi khác.
Theo sử sách ghi lại, nhân dân trong vùng có tiếng là ngang tàng, quật khởi. Chính từ hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định mà các Chúa Nguyễn hồi thế kỷ 16 đã tiến hành mở mang bờ cõi tiến xa về phương Nam. Khi người Pháp bắt đầu cuộc chinh phục Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, Quảng Ngãi và Bình Định là nơi có phong trào vũ trang chống Pháp mãnh liệt nhất, và cũng chính tại các tỉnh này đã nổ ra đầu tiên các cuộc nổi dậy của nông dân trong những năm 1930 chống bọn quan lại phục vụ cho thực dân Pháp. Sau Thế chiến thứ hai, khi Việt Minh phát động cuộc cách mạng và cuối cùng đã đuổi được người Pháp ra khỏi Việt Nam, Quảng Ngãi trở thành trung tâm chính của hoạt động cách mạng và quân Pháp chưa bao giờ đưa được một lực lượng lớn nào vào đóng trong tỉnh.
Năm 1948, để tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng, Hồ Chí Minh đã chia đất nước thành bốn loại vùng quân sự: vùng tự do, vùng căn cứ du kích, vùng chiến tranh du kích và vùng tạm chiến. Theo đó, các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam (phía Bắc Quảng Tín) là những vùng tự do, có nghĩa là các vùng này được giải phóng khỏi quân Pháp và lực lượng của Bảo Đại. Thị trấn Đức Phổ ở khu vực phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi lúc đó đã trở thành một trong số các căn cứ lớn nhất của Việt Minh. Con gái Đức Phổ vốn có tiếng xinh đẹp, nhưng nóng nảy, có tinh thần độc lập. Vì vậy mà có một bài vè khuyên răn các chàng chiến binh đến Đức Phổ phải chung thuỷ với cô bạn gái Đức Phổ vốn hay ghen của mình, nếu không thì các anh sẽ có nguy cơ mất chức năng đàn ông bởi bàn tay của chính bạn gái mình như chơi!
Năm 1954, phần lớn bộ đội và cán bộ chính trị Việt Minh tập kết ra miền Bắc, nhưng vẫn còn một số lực lượng cốt cán đáng kể được cài lại ở Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận nhằm duy trì ảnh hưởng của cách mạng, không cho ảnh hưởng của chính quyền Sài Gòn vượt ra khỏi phạm vi một số ít thành phố trong vùng. Suốt những năm đầu thập niên 1960, cả một thế hệ thanh niên nông thôn ở đây không hề biết một chính quyền nào khác ngoài Việt Minh và Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Họ chẳng những học chữ trong các nhà trường của Việt Minh và Mặt trận Giải phóng mà họ còn học các bài hát cách mạng, học đệm đàn ghi-ta và đàn măng-đô-lin trong phong trào ca nhạc do Mặt trận phát động.
Đầu năm 1962, chính quyền Sài Gòn coi các tỉnh này là căn cứ địa của Mặt trận Giải phóng Dân tộc, nên đã đặc biệt đẩy mạnh việc thực hiện chương trình “Ấp chiến lược” ở đó. Chương trình nhằm tách dân ra khỏi chiến sĩ và cán bộ của Mặt trận đang sống hoà lẫn trong dân. Và để thực hiện điều này, một trong những biện pháp thường được chính quyền áp dụng là buộc dân chúng rời khỏi làng cũ đến lập ấp mới có hàng rào phòng thủ ở một nơi khác. Dưới chế độ khổ sai do chính quyền đặt ra, mỗi người đàn ông phải xây đắp một đoạn tường bao quanh ấp chiến lược. Nếu gia đình nào từ chối không di chuyển đến ấp chiến lược, binh lính chính quyền Sài Gòn có quyền đốt cháy nhà cửa và đồng lúa của họ.
Vào khoảng cuối năm 1962, một số nơi ở Quảng Ngãi – đặc biệt là các khu vực ở ven núi – người ta thấy rải rác đây đó tàn tích của những ngôi nhà bị thiêu rụi. Ở Quảng Ngãi cũng như ở các nơi khác của miền Nam, chương trình này đã làm người dân sôi sục căm thù chính quyền Sài Gòn, khiến hai năm sau chính phủ phải huỷ bỏ và thay thế bằng chương trình Ấp Tân sinh. Thông thường thì khi chính quyền xây dựng được một ấp chiến lược, Mặt trận cũng nhanh chóng lập lại tổ chức, hoặc cứ tiếp tục duy trì mối liên hệ với dân làng tại nơi ở mới, và kết cục là hầu hết các ấp chiến lược lại nằm dưới sự kiểm soát của Mặt trận. Những người ủng hộ Mặt trận thường viết khẩu hiệu lên cổng hoặc tường quanh ấp. Có một câu thường xuất hiện, là hai câu thơ trích trong một bài thơ cổ Trung Quốc, đại ý: “Vạn Lý Trường Thành có thể đứng vững bao lâu, khi mà nền móng không phải là lòng người?”.
Cuối tháng 8 năm 1967, sau bốn tháng hành quân, Lực lượng Đặc nhiệm Oregon tuyên bố đã tiêu diệt và đếm xác được 3.300 binh sĩ đối phương, bắt giữ 5.000 người, và thu được 800 khẩu súng ở các nơi cất giấu hoặc gần xác người chết. Họ cũng tuyên bố tổn thất phía Mỹ có 285 chết và 1.400 bị thương. Trong suốt tháng Tám năm đó, tôi cố gắng đi thật nhiều nơi ở Quảng Ngãi để trò chuyện với binh lính và thường dân, và cũng để trực tiếp quan sát một số cuộc hành quân đang được lực lượng Đặc nhiệm Oregon tiến hành ở phía Bắc Quảng Ngãi và cả vài nơi ở Quảng Tín, giáp với Quảng Ngãi.
Qua các chuyến đi, tôi được các viên chức dân sự cho biết kể từ khi Lính thuỷ đánh bộ Mỹ đến đây vào năm 1965, các cuộc hành quân đã làm số dân bị gom vào các “trại tị nạn” của chính phủ tăng thêm hơn 100.000 người, đưa tổng số chính thức lên 138.000 người vào khoảng giữa tháng Tám. Các quan chứ người Mỹ và Việt Nam quản lý các trại này ước tính có khoảng 40% dân số của tỉnh đã lần lượt qua các trại của họ trong hai năm trước. Cũng trong thời gian này, Lính thuỷ đánh bộ Mỹ, Lục quân, Lính Thuỷ đánh bộ Hàn Quốc và quân đội Sài Gòn đã huỷ diệt khoảng 70% các làng trong tỉnh – có nghĩa là 70% số nhà dân bị huỷ diệt.
Lần đầu tiên tôi nhận thức được sự huỷ diệt này là khi tôi dành mấy ngày đầu tháng Tám để đi quan sát thực địa bằng máy bay với tư cách là một phóng viên. Tôi ngồi ở phía sau viên phi công trên một chiếc máy bay quan sát 0-1 Cessna một cánh quạt, hai chỗ ngồi, quan sát bằng mắt thường toàn bộ dải đất ven biển đông dân của tỉnh. Cứ khi nào có điều kiện là tôi tự mình kiểm tra lại con số tỷ lệ phần trăm số nhà bị tiêu huỷ so với ước tính của họ. Trong một số quận huyện, tôi cũng có thể kiểm tra ước tính của tôi cùng với các viên chỉ huy trên mặt đất, mặc dù không có con số nào được công bố chính thức cả. Từ trên độ cao được quy định cho máy bay FAC* là một ngàn năm trăm bộ (456m), tôi khó nhận biết được con người trừ khi họ đội nón lá, nhưng tôi lại có thể dễ dàng quan sát nhà cửa và tàn tích của những ngôi nhà bị thiêu huỷ.
* FAC (Forward Air Control plane): loại máy bay nhỏ, làm nhiệm vụ trinh sát. Máy bay FAC trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt bao giờ cũng do phi công của không quân lái. (Chú thích của tác giả)
Nhà cửa ở Quảng Ngãi nằm rải rác dưới những lùm cây. Từ trên máy bay, những lùm cây nổi lên như những hòn đảo màu xanh thẫm trên nền vàng hoặc xanh nhạt của đồng lúa. Nhìn từ không trung, những mái nhà còn nguyên vẹn trông giống như những mảng hình vuông màu nâu sẫm, tro tàn của những ngôi nhà vừa bị đốt cháy thì như những mảng hình vuông màu xám, còn nền đất đã bị nước mưa gột sạch của những ngôi nhà bị thiêu huỷ trước đó một tháng hoặc lâu hơn thì lại như những mảnh hình vuông màu vàng hoặc đỏ. Khi nhà cửa bị bộ binh đốt cháy, một số bức tường làm bằng tre đan trát bùn hoặc xây bằng đá vẫn còn đứng vững; nhưng ở những ngôi nhà bị ném bom hoặc xe ủi đất tàn phá thì tường nhà đều bị ủi sập hoặc san lấp xuống ruộng lúa. Cách phá hoại nói chung cũng tương tự như thế đối với những làng mạc, ruộng đồng đông dân hơn nằm giữa vùng núi và bờ biển. Vẫn còn những ngôi làng với chiều rộng vài cây số trải dài hai bên đường số 1, một con đường hai làn xe, nơi rải nhựa nơi không, chạy dài trên toàn bộ dải đất ven biển và gần như chia đôi dải đất này. Số làng còn lại, trừ một số ngoại lệ tôi sẽ nêu sau, đều là bị thiêu huỷ.
Nhà cửa ở Quảng Ngãi nằm rải rác dưới những lùm cây. Từ trên máy bay, những lùm cây nổi lên như những hòn đảo màu xanh thầm trên nền vàng hoặc xanh nhạt của đồng lúa. Nhìn từ không trung, những mái nhà còn nguyên vẹn trông giống như những mảnh hình vuông màu nâu sẫm, tro tàn của những ngôi nhà vừa bị đốt cháy thì như những mảnh hình vuông màu nâu sẫm, tro tàn của những ngôi nhà vừa bị đốt cháy thì như những mảnh hình vuông màu xám, còn nền đất đã bị nước mưa gột sạch của những ngôi nhà bị thiêu huỷ trước đó một tháng hoặc lâu hơn thì lại như những mảnh hình vuông màu vàng hoặc đỏ. Khi nhà cửa bị bộ binh đốt cháy, một số bức tường làm bằng tre đan trát bùn hoặc xây bằng đá vẫn còn đứng vững; nhưng ở những ngôi nhà bị ném bom hoặc xe ủi đất tàn phá thì tường nhà đều bị ủi sập hoặc san lấp xuống ruộng lúa. Cách phá hại nói chung cũng tương tự như thế đối với những làng mạc, ruộng đồng đông dân hơn nằm giữa vùng núi và bờ biển. Vẫn còn những ngôi làng với chiều rộng vài cây số trải dài hai bên đường Số 1, một con đường hai làn xe, nơi rải nhựa nơi không, chạy dài trên toàn bộ dải đất ven biển và gần như chia đôi dải đất này. Số làng còn lại, trừ một số ngoại lệ tôi sẽ nêu sau, đều đã bị thiêu huỷ.
Ở Bình Sơn, huyện xa nhất về phía Bắc của tỉnh, những ngôi nhà trước đây được dựng trên vùng đất bằng phẳng đến tận sông Trà Bồng đã bị thiêu huỷ toàn bộ. Trong thung lũng sông Trà Bồng, trước đây là vùng đất trồng trọt trải dài khoảng 15 cây số vào sâu trong nội địa, những ngôi nhà nằm trên suốt chiều dài khoảng 10 cây số ở mạn Bắc dòng sông cũng đều bị thiêu huỷ. Chỉ còn tồn tại thị trấn Trà Bồng nằm sâu giữa vùng đồi núi với dân số mấy ngàn người, nhờ có một doanh trại lớn của Lực lượng Đặc biệt đóng ở đó. Doanh trại này đứng tách riêng ra trên một ngọn đồi nhỏ trơ trụi, được bảo vệ lần lượt từ trong ra bằng những hàng rào dây kẽm gai, đến hàng rào làm bằng cọc tre vót nhọn, và ngoài cùng là những con hào chạy ngoằn ngoèo hình chữ chi. Bên trong là một cụm lán trại thấp xây bằng những bao cát nặng nề với mái lợp tôn.
Dọc con đường Quốc lộ 1 về phía Đông cho đến tận bờ biển thuộc huyện Bình Sơn có đến 70-80% số nhà đã bị thiêu huỷ. Về phía Nam sông Trà Bồng, tại huyện Sơn Tịnh, vốn thuộc khu Trách nhiệm Chiến thuật của Lính thuỷ đánh bộ Hàn Quốc, tình trạng cũng giống như thế. Dọc theo mạn Nam sông Trà Bồng, trong khu vực của cái gọi là Đề án Phát Triển Cách mạng gần làng An Điềm, nhà cửa vẫn còn nguyên – tuy rằng như tôi đã nêu, nhà cửa ở mạn Bắc bên kia sông thuộc khu Trách nhiệm Chiến thuật của Lữ đoàn bộ binh nhẹ 196 đều bị thiêu huỷ. Về phía Đông của Quốc lộ 1 thuộc huyện Sơn Tịnh – trừ một vành đai khoảng vài cây số dọc con đường – có đến 80%-90% số nhà cửa từ đó đến sát bờ biển đã biến thành tro bụi. Dọc theo sông Trà Khúc, vừa là ranh giới phía Nam của huyện này, nhà cửa còn nguyên vẹn trên khoảng mười cây số tính từ con đường đến sườn núi, nhưng từ đó – tính từ điểm nơi thung lũng sông bắt đầu uốn lượn giữa các ngọn núi – nhà cửa đều đã ra tro.
Tại một đoạn sông uốn cong hình móng ngựa, tôi nhận ra những dãy hào do Mặt trận Dân tộc Giải phóng đào chạy xuống tận trung tâm của nhiều ngôi làng và có đôi khi nối hai ba làng lại với nhau. Khắp nơi trên tỉnh này, tôi đều thấy có những miệng hầm đen ngòm dẫn vào các hang động và mạng lưới đại đạo mà toàn dân dùng làm nơi tránh bom và Mặt trận thì dùng làm công sự chiến đấu, nơi ẩn náu và đường rút lui. Nhưng tại đoạn hình móng ngựa này, tôi thấy hầm hào đặc biệt dày đặc. Nằm sâu hơn trong vùng đồi núi, làng Phước Thọ vẫn còn nhà cửa, kề bên một trại Lực lượng Đặc biệt được bố trí trên một ngọn đồi. Nhà cửa trong làng dựng chen chúc trên một mảnh đất hình vuông mỗi chiều khoảng một trăm mét, có một đường hào bao quanh làng, còn những ngôi nhà riêng lẻ ở ngoài đồng thì bị san bằng. Điều này chứng tỏ làng Phước Thọ đã bị biến thành một ấp chiến lược.
Cũng như phần lớn các nơi khác trong tỉnh, thung lũng sông Trà Khúc đầy vết tích những hố bom đạn đủ kích cỡ. Những hố đạn pháo rộng một, hai mét rải rác trên các cánh đồng và trên những nền làng cũ, còn những hố bom nổ chậm có cái rộng hơn chín mét và sâu hơn hai mét, nhiều hố chứa đầy nước thành những cái ao nhỏ rải rác khắp nơi. Bom sát thương, loại bom khi có va chạm thì nổ tung ra tạo nên những hố nông làm tung toé đất ruộng trông xa như những dấu hoa thị khổng lồ màu vàng lốm đốm rải rác khắp cánh đồng, napan thì tạo nên những vệt đen thui không đều nhau. Bao quanh vùng thung lũng trồng trọt là những dãy đồi trước kia cây cối um tùm chạy dài theo những triền núi xanh mát bây giờ cũng bị bom đạn xé nát.
Hai huyện ở phía Nam sông Trà Khúc – Nghĩa Hành và Tư Nghĩa – thuộc khu trách nhiệm Chiến thuật của quân đội Sài Gòn là những nơi ít bị phá huỷ nhất trong số các huyện của tỉnh Quảng Ngãi. Thị xã Quảng Ngãi trở thành trung tâm của một khu biệt lập lớn chưa bị phá huỷ, trải dài đến tận bờ biển về phía Đông và ở vài nơi cũng vươn về phía Tay dọc theo bờ Nam sông Trà Khúc đến gần sát các dãy núi. Tuy vậy ở phần nửa phía Nam của huyện Nghĩa Hành, nhiều nhà dân ở gần núi cũng bị phá huỷ nặng nề. Ở phía Nam của hai huyện nói trên và ngăn cách bởi dòng sông Vệ nước chảy lững lờ là hai huyện Mộ Đức và Đức Phổ, nằm trong Khu trách nhiệm Chiến thuật của Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 của Mỹ. Đây là hai huyện bị huỷ diệt nặng nề nhất của tỉnh. Ngoại trừ bốn khu vực nhỏ, còn thì có đến 90-100% nhà cửa ở đây đã bị phá huỷ, kể cả những ngôi nhà nằm dọc theo Quốc lộ 1. Các khu vực tương đối ít bị huỷ diệt gồm có một khoảnh có đường kính khoảng bốn cây số quanh làng Mộ Đức và một dải đất rộng khoảng bảy cây số dọc phía Tây Quốc lộ 1 trải dài từ thị Trấn Đức Phổ lên phía Bắc. Trong khu vực này có một nửa số nhà vẫn còn nguyên. Vùng cực Nam của huyện dài khoảng mười lăm cây số mem theo bờ biển cũng có khoảng một nửa số nhà còn tồn tại. Và cuối cùng là một khoảng dài và rộng khoảng ba, bốn cây số hai bên sông Trà Kau – một con sông nhỏ ở ngay phía Bắc Đức Phổ, gần vùng núi – vẫn có khoảng 60% nhà cửa vẫn còn nguyên.
Khi bay trên bờ biển huyện Mộ Đức, nơi có hơn 90% nhà cửa bị phá huỷ, tôi hỏi viên phi công về những người dân từng sống ở vùng này, anh ta trả lời: “Dân vùng này hầu hết là V.C”.
Các làng mạc bị phá huỷ theo nhiều cách và trong nhiều tình huống khác nhau, đầu tiên là do Lính thuỷ đánh bộ Mỹ và sau đó là Lục quân Mỹ. Theo chính sách của Lực lượng thuỷ bộ 3 được áp dụng riêng trong vùng trách nhiệm của họ thì mỗi khi lực lượng Mỹ hay quân đồng minh bị hoả lực từ một làng nào đó bắn thì ngay lập tức họ có thể cho ném bom xuống làng đó, không cần phải cảnh báo cho dân chúng biết. Hoả lực này có thể chỉ là mấy viên đạn bắn tỉa hoặc là một cuộc tấn công mãnh liệt của đối phương. Bất kể mức độ khiêu khích từ làng đó như thế nào, khối lượng hoả lực đánh trả của Mỹ cũng rất lớn đến nỗi trong hầu hết các trường hợp, các làng này đều bị huỷ diệt hoàn toàn. Một làng cũng có thể bị phá huỷ nếu tin tình báo cho biết dân làng ủng hộ Việt Cộng bằng cách cung cấp lương thực và nhân lực, nhưng trong trường hợp này thì Cơ quan Chiến tranh Tâm lý của Mỹ sẽ phái một máy bay đến cảnh cáo dân làng bằng cách rải truyền đơn hoặc phát loa từ trên máy bay. Nhưng do không có đủ thời gian để in truyền đơn cho từng trường hợp riêng biệt và do không xác định được thời điểm ném bom, nên nhân viên Chiến tranh Tâm lý phần lớn bỏ cách rải truyền đơn cảnh báo, mà hầu như chỉ phát loa từ trên máy bay.
Không có quy định chính thức nào về việc khi nào thì binh lính trên mặt đất được phép thiêu rụi một ngôi làng, nhưng nhìn chung cứ mỗi khi bị hoả lực từ trong làng bắn ra hoặc khi có lệnh đặc biệt của tỉnh trưởng là họ thực hiện ngay việc phá huỷ làng. Trong một số trường hợp, quân đội thực hiện một chiến dịch di chuyển quy mô lớn và buộc dân phải rời khỏi làng để họ tiến hành phá huỷ ngôi làng một cách triệt để. Vào khoảng đầu tháng Chín đã có hai cuộc hành quân lớn kiểu này của Lục quân Mỹ. Năm nghìn dân ở thung lũng sông Vệ đã bị dồn đi. Tại huyện Bình Sơn, trong một vùng trải dài mười cây số ven biển ở phía Nam, nơi trước đây là làng Tuyết Diêm, 5.000 dân đã bị bốc đi khỏi làng. Nhưng phần lớn việc phá huỷ xảy ra bất thường và từng khoảng một, không theo một kế hoạch nào. Nhìn chung, phần lớn làng mạc trong tỉnh đã bị phá huỷ, nhưng việc phá huỷ làng mạc trong diện rộng này thông thường không phải là mục tiêu của các cuộc hành quân, mà được xem như là – theo từ ngữ của một viên chức – “tác động phụ” của việc truy đuổi kẻ dịch.
Tôi đã cố tìm để có một bản thống kê về những việc Lính thuỷ đánh bộ đã làm ở Quảng Ngãi trong hai năm hành quân trước khi Lực lượng Đặc nhiệm Oregon đến nhưng đạt rất ít kết quả. Các sĩ quan thông tin của Lực lượng Đặc nhiệm Oregon không thể nêu ra tên của bất kỳ một cuộc hành quân nào do Lính thuỷ đánh bộ tiến hành và họ không có trong tay bản thống kê nào về thương vong của Mỹ hay của đối phương. Trong tháng Tám, đã nhiều lần tôi bay trên những khu vực vẫn còn dấu vết của những cánh đồng, rừng cây và làng mạc lỗ chỗ những miệng hố bom đạn từ những ngày hành quân của Lính thuỷ đánh bộ. Tôi hỏi các phi công về các cuộc hành quân đã được tiến hành trong khu vực này nhưng họ không thể trả lời tôi về thời gian và lý do ném bom.
Tôi gặp một người từng là sĩ quan chiến tranh Tâm lý đi theo lính thuỷ đánh bộ khi lực lượng này mới đến Đức Phổ. Anh ta nói trong tháng đầu tiên quân Mỹ không thể ra ngoài doanh trại quá năm trăm mét mà không vấp phải hoả lực dày đặc của đối phương. Sau khi được tăng cường lực lượng, họ đi ra được xa hơn nhưng vẫn còn nhiều khu vực không thể xâm nhập được.
Khi Lính thuỷ đánh bộ có chủ trương sẵn sàng trả đũa bằng cách ném bom các làng mạc nếu nông dân bị nghi là hỗ trợ cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng, tờ truyền đơn mang số 244-286-67 đã được phát cho dân làng để công bố về cách hành động đó. Tờ truyền đơn này nằm trong danh mục các truyền đơn của Cơ quan chiến tranh Tâm lý được Lính thuỷ đánh bộ cũng như Lực lượng Đặc nhiệm Oregon tại Quảng Ngãi sử dụng. Truyền đơn này có tựa đề là “Tối hậu thư của Lính thuỷ đánh bộ gửi dân chúng Việt Nam”, và mục tiêu của truyền đơn được ghi là “Thường dân”. Nội dung của truyền đơn này cũng như các truyền đơn loại đó, cố nhiên được in bằng tiếng Việt. Trên một mặt của truyền đơn có hai hình vẽ. Bức thứ nhất vẽ mấy người lính Việt Cộng đang bố trí một ụ súng cối gần một ngôi nhà tranh trong khi một số người khác nhoài người ra ngoài cửa sổ lia súng máy. Một phụ nữ bế con đứng cạnh ngôi nhà, dưới bức tranh có một dòng chữ “Nếu Việt Cộng làm điều này…”. Bức thứ hai vẽ một máy bay phản lực của không quân Mỹ đang bay vọt lên phía trên ngôi nhà. Bom nổ trước ngôi nhà hất tung mấy người lính, người đàn bà và đứa con xuống đất, ngôi nhà bốc cháy. Ở cận cảnh là một người đàn ông nằm trên mặt đất, tay ôm ngực. Suối máu trào ra từ mắt, mũi, miệng và tai anh ta. Bức tranh có màu đen, trắng, máu thì màu đỏ. Dòng chữ dưới bức tranh này tiếp nối câu ở bức tranh thứ nhất “… ngôi làng của các người sẽ giống như thế”. Mặt sau tờ truyền đơn có nội dung.
Hỡi các công dân Việt Nam,
Lính Thuỷ đánh bộ Mỹ đang chiến đấu bên cạnh lực lượng của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà ở Đức Phổ nhằm mục đích mang lại cho nhân dân Việt Nam cơ hội có một cuộc sống hạnh phúc, tự do, không phải lo đói khổ. Nhưng nhiều người Việt đã phải trả giá bằng mạng sống và nhà tan cửa nát vì họ hỗ trợ Việt Cộng trong mục tiêu nô dịch nhân dân Việt Nam. Nhiều xóm làng đã bị phá huỷ vì họ chứa chấp Việt Cộng.
Các xóm Hải Môn, Hải Tân, Sa Bình, Tân Bình và nhiều xóm khác nữa đã bị phá huỷ vì lý do đó. Chúng tôi sẽ không ngần ngại huỷ diệt mọi xóm làng trợ giúp Việt Cộng, những kẻ không đủ sức ngăn chặn sức mạnh phối hợp giữa Việt Nam Cộng hoà và đồng minh.
Lính thuỷ đánh bộ Mỹ phát lời cảnh cáo này: Lính Thuỷ đánh bộ Mỹ sẽ không ngần ngại huỷ diệt ngay lập tức bất cứ xóm làng nào chứa chấp Việt Cộng. Chúng tôi sẽ không ngần ngại phá huỷ ngay lập tức xóm làng nào được Việt Cộng sử dụng làm cứ điểm để từ đó nã súng vào binh sĩ hoặc máy bay chúng tôi*.
* Những dòng in đậm trong sách này là những từ ngữ được tác giả nhấn mạnh trong bản gốc.
Tuỳ các bạn lựa chọn. Nếu các bạn không cho Việt Cộng sử dụng làng của các bạn để là công sự chiến đấu thì nhà cửa và tính mạng của các bạn sẽ được bảo đảm.
Hỡi các công dân muốn sống yên tĩnh, hãy ở lại trong nhà, hãy từ bỏ việc ủng hộ Việt Cộng.
Sau một cuộc ném bom trả đũa một ngôi làng nào đó, đôi khi Lính thuỷ đánh bộ rải loại truyền đơn mang số 244-068-68, với tựa đề được ghi trong danh mục là “Làng của các người đã bị ném bom”, và mục tiêu của truyền đơn cũng vẫn là “Thường dân”. Bức tranh thứ hai trên tờ truyền đơn có nhan đề “Tối hậu thư của Lính Thuỷ đánh bộ gửi dân chúng Việt Nam” có hình vẽ một ngôi nhà đang bốc cháy và nhiều người chết chiếm toàn bộ một mặt của truyền đơn này. Nó được chú thích: “Việt Cộng là nguyên nhân gây ra cảnh này”. Mặt bên kia có nội dung sau:
Dân làng chú ý:
1. Làng các bạn bị ném bom vì các bạn chứa Việt Cộng.
2. Làng của các bạn bị ném bom vì các bạn trợ giúp cho Việt Cộng hoạt động trong khu vực của các bạn.
3. Làng của các bạn bị ném bom vì các bạn tiếp tế lương thực cho Việt Cộng.
4. Chúng tôi cảnh báo cho các bạn về cuộc ném bom vì chúng tôi không muốn làm hại những dân làng vô tội.
5. Nhà cửa của các bạn bị hư hỏng hoặc phá huỷ là vì Việt Cộng.
6. Làng mạc của các bạn sẽ bị ném bom nếu như các bạn chứa chấp Việt Cộng bằng bất kỳ cách nào.
7. Các bạn có thể bảo vệ nhà cửa các bạn bằng cách hợp tác với Chính phủ Việt Nam Cộng hoà và lực lượng Đồng minh.
8. Hãy báo cho Chính phủ và Lực lượng Đồng minh biết Việt Cộng đang ở đâu để họ bảo vệ các bạn.
9. Chính phủ và Lực lượng Đồng minh sẽ đẩy Việt Cộng ra khỏi làng mạc của các bạn.
10. Chính phủ và Lực lượng Đồng minh sẽ giúp các bạn sống trong hoà bình và có một cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh.
Lính thuỷ đánh bộ, cũng như sau đó là Lực lượng Đặc nhiệm Oregon, lúc đầu đã dự định sẽ thực hiện chế độ cảnh báo dân làng trước khi ném bom. Phần lớn các sĩ quan nói với tôi rằng họ thường phát đi những lời cảnh báo như thế bất cứ khi nào có thể. Điểm 4 trong truyền đơn nói trên và những lời tương tự trong nhiều loại truyền đơn khác liên quan đến ném bom đều đề cập đến những lời cảnh báo giúp cho “những dân làng vô tội” chạy trốn khỏi ngôi làng của mình. Nhưng cố nhiên trong thực tế, khi những cảnh báo đó được phát đi thì kẻ địch nếu có ở trong làng cũng nhân đó mà dời đi hoặc xuống ẩn náu dưới lòng đất. Và nếu như kẻ địch đã rời khỏi làng, thì việc ném bom thành ra lại nhằm vào các nhà dân chứ không nhằm mục tiêu quân sự nào cả. Vì vậy thay vì ném bom theo kiểu cảnh báo hầu như không mang lại cơ hội tiêu diệt kẻ địch, các lực lượng Mỹ thường hành động theo cách đã nêu ra trong “Tối hậu thư của Lính thuỷ đánh bộ gửi dân chúng Việt Nam”, là ném bom “ngay lập tức”, nhằm tăng khả năng tiêu diệt địch – dù cho cách này sẽ làm tăng khả năng giết chết dân thường.
Một truyền đơn khác có số 244-055-68 vốn do Trung đoàn Lính thuỷ đánh bộ 1 yêu cầu in, và cũng giống như những truyền đơn khác, có mục tiêu là “thường dân”, cho thấy tấm ảnh một vườn cao su với mấy cây cột cháy đen xiêu vẹo nhô lên khỏi mặt đất ở cận cảnh. Nó được chú thích “Nếu như các người ủng hộ Việt Cộng, làng mạc của các người sẽ giống như thế này”. Mặt sau có nội dung như sau:
“Lực lượng Mỹ hợp tác với lực lượng Nam Việt Nam để truy quyết Việt Cộng ra khỏi làng mạc của các bạn và bảo vệ mạng sống của các bạn. Việt Cộng ẩn nấp giữa những phụ nữ và trẻ em vô tội trong làng xóm các bạn để bắn vào quân đội và máy bay. Nếu Việt Cộng trong khu vực này sử dụng các bạn hoặc làng xóm các bạn nhằm mục đích này thì các bạn có thể chờ đợi cái chết đến từ trên trời. Đừng để cho mạng sống và nhà cửa các bạn bị huỷ hoại.
Đừng để Việt Cộng là nguyên do gây ra cái chết cho thân quyến các bạn.
Hãy cấp báo vị trí của Việt Cộng. Một khi Việt Cộng bị loại trừ thì hoà bình sẽ được lập lại ở Nam Việt Nam. Giúp chính phủ Việt Nam Cộng hoà là tự giúp mình.”
Khi chuẩn bị cho một số cuộc hành quân trên mặt đất, Lính thuỷ đánh bộ thả truyền đơn số 44-65, có tiêu đề là “Lính thuỷ đánh bộ Mỹ là bạn của thường dân”, nội dung như sau:
“Lính thuỷ đánh bộ đến đây để giúp các bạn, đừng bỏ chạy khi thấy họ. Nếu các bạn bỏ chạy, họ có thể lầm tưởng các bạn là Việt Cộng và nhằm bắn. Cứ đứng yên và Lính thuỷ đánh bộ sẽ không làm hại các bạn, hãy nói điều đó cho bạn bè các bạn biết.”
Ít nhất có một lần, Lính thuỷ đánh bộ tuyên bố với báo chí về việc chẳng may ném bom nhầm cái mà họ gọi là một làng “bạn”, nhưng họ không nói đến việc cố tình ném bom bất kỳ một làng “địch” nào. Tờ The New York Times đăng bản tin sau đây trong số ra ngày 28 tháng 9 năm 1966:
“Hai máy bay của Quân đoàn Lính thuỷ đánh bộ Mỹ hôm qua đã không may dội bom nhầm vào một làng bạn ở Nam Việt Nam, làm chết 28 và bị thương 17 người dân thiểu số ở miền núi – một người phát ngôn của Lính thuỷ đánh bộ cho biết.
Cuộc ném bom cũng phá huỷ 100 ngôi nhà trong làng, thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách Sài Gòn khoảng 350 dặm về phía Bắc.
Làng này nằm dưới quyền kiểm soát của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà và nằm ngoài khu vực mục tiêu được quy định cho phi vụ tấn công do hai máy bay Lính thuỷ đánh bộ đảm trách – người phát ngôn nói.
Trực thăng tải thương của Lính thuỷ đánh bộ đã bay đến làng để chở người bị thương đến một bệnh viện của chính phủ ở gần thì xã Quảng Ngãi.
Nạn nhân là người Thượng – là những người dân du canh du cư trên vùng núi vốn cung cấp nhiều chiến binh phục vụ cho sự nghiệp Đồng minh.
Người phát ngôn nói làng này cũng là nơi cư ngụ của một số binh lính của chính Phủ và gia quyến họ.”
Thông thường, thực hiện một cuộc không khích không phải chỉ là rải một loạt bom trùm lên toàn bộ mục tiêu là xong, mà thường có đến tám, chính cuộn bổ nhào của máy bay tiêm kích oanh tạc và thường phải mất mười, mười lăm phút mới hoàn thành. Phi công của loại máy bay cánh quạt làm nhiệm vụ quan sát mọi cuộc bổ nhào và giúp cho phi công tiêm kích điều chỉnh mọi sai soát, cho nên rõ ràng là bom đạn của một cuộc không khích không thể dội toàn bộ lên một ngôi làng chỉ vì ngấm nhầm. Vì vậy có thể khẳng định cuộc ném bom ấy vốn được hoạch định cho một làng “địch” nhưng lại được thực hiện nhầm vào một làng “bạn”, hoặc là vì bộ binh Mỹ đã đánh giá sai “sự thiện chí” của ngôi làng bị ném bom.
Lực lượng Đặc nhiệm Orgon tiếp tục cách rải truyền đơn của Lính thuỷ đánh bộ đe doạ phá huỷ một ngôi làng hỗ trợ Việt Cộng. Truyền đơn số 244-279-67 cũng in cả hai mặt, một mặt in bức tranh vẽ một ngoi nhà bị ném bom, với dòng chút thích “Nếu Việt Cộng làm điều này… thì làn của các bạn sẽ giống như thế này” như đã xuất hiện trên “Tối hậu thư của Lính thuỷ đánh bộ gửi dân chúng Việt Nam”. Còn nội dung ở mặt sau thì viết:
“Lực lượng quân sự Việt Nam Cộng hoà và thế giới tự do không muốn làm hại người dân Việt Nam vô tội muốn sống trong hoà bình. Tuy nhiên nếu như những Việt Cộng phạm pháp được phép ẩu náu trong nhà của các bạn, thì cả Việt Cộng và nhà của các bạn sẽ bị huỷ diệt.”
Một truyền đơn khác ở cận cảnh vẽ một binh lính Việt Cộng ở tư thế quỳ, đang bị sáu máy bay phản lực, hai trực thăng, hai khẩu pháo, một xe tăng và bốn lính bộ binh đồng thời xả súng bắn. Dưới có chú thích “Chúng ta phải huỷ diệt Việt Cộng để có hoà bình”, còn phía sau viết:
“Lực lượng Mỹ đến để trợ giúp Chính phủ Việt Nam Cộng hoà truy quyết công việc đang nô dịch các bạn, đuổi chúng ra khỏi làng xóm các bạn. Nếu các bạn cho phép Việt Cộng ẩn náo trong làng xóm các bạn, các bạn có thể chờ đốn sự huỷ diệt đến từ trên không, từ súng cối và pháo binh. Đừng để làng xóm các bạn bị huỷ diệt, hãy chỉ cho chúng tôi những Việt Cộng đang đem chết chóc và huỷ diệt đến cho các bạn ra nhà cửa các bạn.”
Các truyền đơn khác mà Lực lượng Đặc nhiệm Oregon được cung cấp để rồi sửa cho phù hợp với khu vực của mình, nhằm lên án và loan truyền thiệt hại do Việt Cộng gây ra. Truyền đơn số 244-492-67 có tiêu đề “Thông điệp của công dân huyện Phong Điền gửi Việt Cộng” in ảnh một ngôi nhà bị tốc đi nửa mái, dưới có dòng chữ “Ngôi trường Phật giáo tại trung tâm tị nạn Phong Điền bị sụp đổ do bị Việt Cộng điên rồ tấn công vào ngày 15 tháng 5 năm 1967”. Nội dung ở mặt sau là:
Một thông điệp gửi Việt Cộng:
Chúng tôi là những công dân của huyện Phong Điền sẽ không bao giờ bị lôi kéo theo sự nghiệp của các ông. Cái sự nghiệp chủ trương gây chết chóc cho người của chúng tôi và người của các ông. Chúng tôi, những người dân Phong Điền van xin các ông, những người đang bị Việt Cộng tuyên truyền lừa bịp, hãy suy nghĩ về nỗi khổ mà các ông đã gây ra và hãy từ bỏ các sự nghiệp xa lạ đó. Các ông hãy cùng chúng tôi xây dựng tổ quốc thân yêu của chúng ta dưới ngọn cờ hoà bình của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà, như vậy có phải tốt hơn không?
Công dân của huyện Phong Điền
Những người dân của Phong Điền lần đầu tiên được biết đến thông điệp này là khi máy bay thả hàng chục nghìn tờ rơi xuống huyện của họ.
Một số truyền đơn nêu ra những chỉ dẫn rất cụ thể cho dân chúng ngay trước khi cuộc hành quân bắt đầu. Trên một mặt của truyền đơn 244-099-68, có tiêu đề “Chỉ dẫn cho công dân huyện Bình Sơn” có một sơ đồ gồm có một đường kẻ duy nhất, tượng trưng cho một con đường dài 5 cây số, và bốn cái chấm, tượng trưng cho các làng Tân Hỷ, Long Vệ, Đông Lệ và Phước Hoà từ trái sang phải dọc theo con đường. Một đường kẻ màu đỏ vẽ thành một hình chữ nhất dài mà hẹp khoanh một khu vực nằm giữa các làng Tân Hỷ và Phước Hoà là hai làng của hai đầu sơn đồ. Mặt sau có lời chỉ dẫn:
Công dân huyện Bình Sơn chú ý:
Khu vực được khoanh màu đỏ ở trên sơ đồ này là khu vực nguy hiểm. Không ai được sống trong khu vực này trừ việc đi trên đường. Trong khu vực này không ai được rời khỏi con đường, chỉ được phép đi ra khỏi con đường ở đoạn ngoài khu vực nguy hiểm. Ai bị bắt gặp ở hai bên con đường trong phạm vi 300 mét đều có thể bị bắn.
Các bạn phải tuân theo chỉ dẫn của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà, Chính phủ Việt Nam Cộng hoà quan tâm đến hạnh phúc của nhân dân. Chính phủ Việt Nam Cộng hoà không muốn các bạn và thân nhân của các bạn bị tổn thương. Hãy tuân thủ pháp luật của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà.
Một trong những điều đặc biệt bất lợi của việc sử dụng truyền đơn nói chung, hay như loại truyền đơn này là mặc dù những chỉ dẫn khá mạch lạc, rõ ràng, nhưng chỉ có một số ít người dân là có đủ chữ nghĩa để có thể đọc hiểu và hầu như không có nông dân nào có thể đọc hiểu bản đồ. Hoặc như khi những sĩ quan chiến tranh tâm lý người Mỹ soạn thảo các truyền đơn khuyến khích nông dân rời bỏ chủ nghĩa Cộng sản và quay sang phe Chính phủ Sài Gòn, và nói với họ - như một truyền đơn nêu ra – hãy từ bỏ “những ông chủ Trung Quốc của Việt Cộng” hoặc ra lệnh cho họ hãy lựa chọn giữa Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Sài Gòn, hoặc khuyên họ nấu sôi nước trước khi uống, thì những sĩ quan đó lại quên mất điều này: mặc dù kẻ địch là những người thông minh, can đảm và đầy kinh nghiệm, nhưng phần lớn nông dân – đặc biệt phụ nữ, trẻ em và người già – là những người suốt đời hầu như chỉ sống trong cộng đồng nông thôn bé nhỏ của họ, không biết gì về cái hệ thống phe phái của Chính phủ Sài Gòn, về những người Cộng sản Trung Quốc hoặc về những quy tắc vệ sinh hiện đại như trong truyền đơn nêu ra. Ngoài việc cho rằng người nông dân hẳn phải biết chữ và đã quen hiểu những vấn đề như xung đột chiến tranh trên thế giới, thì tác giả của tờ truyền đơn trên còn mặc nhiên cho rằng họ cũng đồng quan điểm với những người thảo truyền đơn về một loạt những nhận định như coi Chính quyền Sài Gòn là hợp pháp và nhân đức còn Mặt trận Dân tộc Giải phóng là tội phạm.
Vào cuối tháng Tám năm 1967, tôi đến Đức Phổ và Mộ Đức là hai huyện cực Nam của tỉnh Quảng Ngãi và ở đó mấy ngày. Đây là Khu Trách nhiệm Chiến thuật của Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4. Trước hết tôi đến thăm sở chỉ huy Lữ đoàn về tình hình chống phá của địch, về hiệu quả của các cuộc hành quân và cũng để hỏi về số phận của 200.000 người dân đã sống ở hai huyện này trước khi làng xóm của họ bị huỷ hoại. Trong một thông báo vắn tắt, một sĩ quan nói với tôi rằng mặc dù chỉ một số ít đơn vị Mỹ bị thương vong nặng nề trong từng trận đánh riêng lẻ, nhưng nếu tính chung trong mấy tháng, qua hàng trăm cuộc chạm trán nhỏ với quân địch thì quân Mỹ đã bị tổn thất nặng. Anh ta nói tính từ ngày 22 tháng Tư đến giữa tháng Tám, một lực lượng gồm 800 quân chiến đấu trực tiếp với đối phương đã phải chịu đến 610 người chết và bị thương, trong số đó có 120 người chết. Một sĩ quan khác có mặt lúc đó đã nói thêm: “Một trung sĩ chỉ huy trung đội chiến đấu trong vòng ba hoặc bốn tháng thì hầu như chắc chắn sẽ bị ăn đạn địch”. Viên sĩ quan này nói tiếp rằng cũng trong thời gian nói trên, Lữ đoàn 3 của Sư đoàn 4 đã tiêu diệt 1.875 địch và thu được 566 khẩu súng. Trong vòng khoảng một tháng Lữ đoàn có tiến hành làm một bản thống kê về cái gọi là “cơ cấu tổ chức quân sự địch bị phá huỷ”, nhưng rồi sau đó Lữ đoàn lại hình như không hứng thú gì với bản thống kê này nữa, bởi vì con số “3.128 tổ chức quân sự bị phá huỷ” trong vòng hơn một tháng thể hiện bằng biểu đồ treo trong lều giao ban chỉ huy, về sau chẳng được tiếp tục cập nhật. “Chúng tôi ngừng việc thống kê ngay sau tháng đầu tiên”, viên sĩ quan nói.
Một sĩ quan cao cấp tỏ ra lo lắng sâu sắc về tình hình hai huyện Đức Phổ, Mộ Đức. Khi tôi hỏi điều gì xảy ra với dân chúng sống trong hai huyện này, ông nói:
- Chúng tôi ước tính có 100.000 dân đang sống ở Đức Phổ. Trong số đó, khoảng 10.000 người đang sống trong các trại tị nạn, và 28.000 người nữa đang sống trong các thị trấn dọc Quốc lộ 1, đây là khu vực an toàn của chúng ta. Như vậy có nghĩa là khoảng 52.000 người vẫn đang sống trong các vùng mà chúng tôi vẫn bắn đại bác suốt đêm. Và không có cách gì để bảo đảm an ninh cho bất kỳ làng nào ở đó. Chúng tôi thường sục vào một làng, rồi lại rút khỏi làng đó chỉ mấy giờ hoặc mấy ngày sau đó. Chỉ trừ các thị trấn Mộ Đức và Đức Phổ và một dải ven biển từ đây về phía Nam – khu vực này bị phá huỷ mất khoảng một nửa – phần còn lại của hai huyện này đã bị phá nát. Câu hỏi đặt ra là từ đây chúng ta sẽ làm gì nữa? Quân Việt Nam Cộng hoà được dự kiến sẽ làm công tác Bình định – tức là đi vào những làng sau khi chúng tôi đã sục vào – nhưng họ chẳng làm được việc này. Họ có ở đây đâu? Nhưng đừng nghĩ rằng chúng tôi là những kẻ duy nhất làm việc này đâu nhé. Anh đã đến tỉnh Bình Dương chưa? Sư đoàn Thiết giáp 1 đã xoá sạch mọi ngôi làng có súng bắn tỉa nhắm lên trực thăng của họ. Bọn tôi cứ phải làm cái trò đếm xác chết tiệt này. Nếu người ta có thể quên điều đó đi một lúc và để ý đến con số 400 người đào ngũ, mới thấy đó chính là điều quan trọng. Nhưng tôi cũng muốn nói với anh điều này: Chúng ta chưa hề giành được con tim và khối óc nào của dân, đó là sự thực.
Nét mặt viên sĩ quan bỗng trở nên khắc khổ, anh ta lắc đầu:
- Thỉnh thoảng chúng tôi thu hồi lệnh bắn phá bởi vì có đàn bà và trẻ con ở đó. Theo tôi nghĩ, việc cho rằng đàn bà và trẻ con ở đó. Theo tôi nghĩ, việc cho rằng đàn bà và trẻ con đều là Việt Cộng thật không ổn. Cách đây mấy tháng, chúng tôi dùng trực thăng chở nhiều người dân đi nơi khác khi đốt làng mạc của họ. Nhưng khi đưa họ đến Đức Phổ thì người phụ trách tị nạn ở đây kêu là không thể thu xếp cho họ được vì số người ở đây quá đông, hiện đã không đủ lương thực và nhà tôn cho họ, nên không thể giữ những người mới đến. Thế là họ lại quay về quê cũ và chui xuống hầm mà ở.
Tôi hỏi viên sĩ quan liệu Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 đã tìm được cách thức nào có hiệu quả để thực hiện các mục tiêu chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam chưa.
Thay vì trả lời, viên sĩ quan lại đặt cho tôi câu hỏi:
- Nếu anh được giao nhiệm vụ này với một lực lượng cỡ này, trong khu vực này thì anh sẽ xoay trở như thế nào?
Một sĩ quan Tâm lý chiến từng công tác ở Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 kể lại:
- Anh có thể cho là tôi nói đùa, nhưng chuyện sau đây là có thật. Thỉnh thoảng trước khi chúng tôi định oanh kích một ngôi làng, thì ngay trước hôm đó, hoặc một tuần trước đó, đại khái như vậy, máy bay FAC sẽ bay trên khu vực đó và cảnh báo cho dân chúng quanh đó. Anh biết không, đó là khu vực đã được báo trước là không ai được ở lại đó cả. Họ không được có mặt ở đó. Bởi vậy bọn tôi chỉ việc cho một trực thăng bay đến đó một giờ trước khi oanh kích và báo cho mọi người đi ra khỏi khu vực. Và anh sẽ nhìn thấy cho bọn họ đặt đòn gánh lên vai, rồi dắt trâu ra khỏi làng. Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 quả thật có làm tốt việc này. Nhưng điều khi sự việc diễn ra không phải như vậy. Nhiều đơn vị Mỹ chỉ có việc phán “Khu vực không dân, quần nát nó đi” rồi oanh kích ngay. Nhưng như tôi đã nói, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 thì khá hơn – đã biết thông cảm với người dân, chỉ thế thôi. Quy luật hoạt động là phải cho một máy bay Tâm lý chiến bay trên một làng trước khi đánh vào làng đó, trừ khi bị bắt lên thì có thể trả đũa ngay lập tức, không phải xin lệnh bất cứ ai. Cố nhiên điều thỉnh thoảng xảy ra là lính bộ binh mỗi khi sục sạo càn quét thường đốt phá vài ba ngôi nhà. Đáng ra là không được làm thế, nhưng điều đó xảy ra mọi nơi. Cũng dễ hiểu thôi, đi sục sạo thường hay nổi cáu, khó mà lên án chúng nó được. Đây là cuộc chiến tranh khắc nghiệt đáng nguyền rủa mà chưa bao giờ chúng ta trải qua. Hầu hết chúng ta cứ việc càn qua, gặp gì bắn nấy. Nhưng ở đây chúng ta không xác định được mục tiêu. Không biết được ai là bạn, ai là thù.
Có một đêm, tôi đến thăm Trung tâm Điều khiển Hoả lực của Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4, và được biết rằng tại căn cứ Đức Phổ này, Lữ đoàn có tới ba đại đội pháo binh với mười tam khẩu lựu pháo, và một đại hội với hai khẩu 8 inch (203,2 ly) và hai khẩu 175 ly. Đêm đó một thiếu tá trực ban cho tôi biết rằng có nhiều cách xác định mục tiêu. Bộ binh có thể yêu cầu nã pháo bất cứ khi nào, và các yêu cầu này được ưu tiên cao nhất. Nhưng cho đến nay, loại hoả lực phổ biến nhất là hoả lực quấy rối và đánh chặn (harassment and interdiction) viết tắt là hoả lực “h và i”, mà viên thiếu tá miêu tả là “một loại hoả lực tình báo”. Anh ta giải thích:
- Không cần thiết phải bắn phá một địa điểm suốt đêm, do đó chúng tôi chỉ bắn cầm canh. Thỉnh thoảng có xác định được một mục tiêu nào đó cho hoả lực “h và i”, nhưng thông thường thì bộ binh chỉ xác định cho chúng tôi mỗi ô toạ độ mỗi chiều năm đến mười cây số. Có khi chúng tôi cùng một lúc được cung cấp các ô như vậy ở khắp mọi nơi trong huyện, trừ một số nơi dọc Quốc lộ 1.
Dừng một lát, viên thiếu ta nói thêm:
- Chúng tôi không bao giờ bắn bừa bãi mà không quan sát. Chúng tôi có khả năng bắn một quả đạn pháo qua cửa sổ nhà anh nếu chúng tôi muốn. Nhưng tôi muốn anh biết là trước khi bắt chúng tôi đều xin ý kiến ông tỉnh trưởng.
Tôi hỏi anh ta quy trình xin ý kiến được thực hiện như thế nào. “Ông tỉnh trưởng đánh dấu những khu vực mà chúng tôi không được bắn phá nếu không được phép đặc biệt của ông ta”, anh ta trả lời, nói đến từ “tỉnh trưởng” với vẻ hết sức nghiêm nghị. Sau đó anh ta dẫn tôi đến xem bản đồ hai huyện Đức Phổ, Mộ Đức và hướng sự chú ý của tôi vào ba dải đất dọc theo Quốc lộ 1, mỗi dải rộng khoảng ba cây số, được khoanh lại bằng mực đỏ. Cả ba dải này cộng lại khoảng bốn mươi tư cây số vuông trong tổng số khoảng năm trăm cây số vuông diện tích vùng đất bằng phẳng đông dân nằm giữa bờ biển và dãy núi, thuộc hai huyện trong tầm bắn của pháo binh.
- Đây là điều thực sự quan trọng, là điều mà tôi muốn anh biết. – Viên thiếu tá nói. – Đây là khu vực cần bảo vệ thường dân Việt Nam đứng về phía ta. Trừ khi binh sĩ ta bị bắn, còn không thì chúng ta không được nã pháo vào ba dải đất nói trên nếu không được phép đặc biệt của ngài tin trưởng người Việt.
Những đường tròn bằng mực đen trên bản đồ cho thấy vòng giới hạn của tầm bắn của từng đại đội pháo. Những vòng tròn này chồng lên nhau phủ kín toàn bộ khu vực dân cư, còn những chấm nhỏ màu xanh lá cây chỉ ra mục tiêu cho hoả lực bắn quấy rối – đánh chặn thì lốm đốm khắp bản đồ trừ ba khu vực không được bắn. Có một số hình vuông rộng màu xanh lá cây, đó là những ô sẽ được hoả lực quấy rối đánh chặn bắn trùm lên trong mấy ngày tới. Có một ô hình chữ nhật màu đỏ, rộng khoảng hai cây số, dài khoảng bốn cây số, bao quát một khu vực gồm có ruộng lúa và làng mạc. Viên thiếu tá giải thích đây là khu “tự do bắn phá”. Phần lớn các sĩ quan đều xem các khu vực thường xuyên bị hoả lực quấy rối đánh chặn là “khu tự do bắn phá”. Nhưng tại trung tâm pháo binh này, vì hầu như toàn bộ vùng đông dân thuộc hai huyện đều bị hoả lực quấy rối đánh chặn bắn phá thường xuyên, nên sĩ quan binh lính ở trung tâm gần đây chỉ áp dụng cụm từ này cho một số ít khu vực cách biệt mà thôi. Theo định nghĩa mới, hẹp hơn, một vùng bắn quấy rối – đánh chặn có nghĩa là vùng có mục tiêu “hấp dẫn”, và vì vậy cần được bắn phá nhanh chóng với một lượng hoả lực đặc biệt lớn.
Tôi đã từng ngồi trên một máy bay FAC để quan sát hoả lực pháo binh và nhận thấy rằng những viên đạn đầu tiên thường rơi chệch mục tiêu khoảng hai, ba trăm mét. Tôi hỏi viên thiếu tá về điều này.
- Vâng. – Anh ta nói. – Những viên đạn đầu tiên thường chệch hướng hai, ba trăm mét nhưng sau đó người quan sát phía trước sẽ báo cho chúng tôi chệch bao nhiêu, và chúng tôi có thể điều chỉnh cho thật chính xác.
Tôi hỏi cự ly an toàn cho bộ binh thông thường là bao nhiêu.
- Một nghìn mét. – Anh ta trả lời. – Có những tình huống phải áp sát thì cự ly an toàn chỉ còn bốn trăm đến sáu trăm mét, những trường hợp như thế thật rởn tóc gáy. Đó quả thực là vùng nguy hiểm.
Một biểu đồ trên tường thống kê tám loại hoả lực và số lượng các vụ bắn phá trong vòng ba tháng rưỡi kể từ khi Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 đến Đức Phổ và Mộ Đức (mỗi vụ bắn trung bình 09 quả). Từ trên xuống dưới biểu đồ thống kê như sau:
LOẠI HOẢ LỰC ............................................................... SỐ VỤ BẮN PHÁ
Bắn chỉnh .......................................................................................266
Bắn quấy rối và đánh chặn (h-i)....................................................6.266
Bắn huỷ diệt......................................................................................7
Bắn chuẩn bị.....................................................................................30
Bắn tập kích....................................................................................109
Bắn thử..............................................................................................66
Bắn tập trung phòng thủ..................................................................328
Các loại khác.....................................................................................44
Tôi đề nghị viên thiếu tá giải thích sự khác nhau giữa các loại hoả lực.
- Hoả lực bắn chỉnh nhằm kiểm tra độ chính xác của súng. Chúng tôi chọn một điểm có thể dễ dàng nhận ra cả trên bản đồ và từ mặt đất hoặc từ trên không. Rồi chúng tôi nhắm bắn, và khi chúng tôi thấy các viên đạn đi chệch mục tiêu bao xa, chúng tôi sẽ tính toán điều chỉnh lại thiết bị để bắn các quả đạn sau cho chính xác. Nhưng nơi giao điểm của sông, suối là những mục tiêu tốt cho hoả lực bắn chỉnh. Các giao lộ cũng vậy, nhưng thỉnh thoảng cũng gặp rắc rối khi xin bắn vào đó. – Anh ta cười. – Hoả lực quấy rối đánh chặn là loại hoả lực có thể thực hiện khi bắt đầu bất kỳ vụ bắn phá nào và chúng tôi cũng phải kiểm tra tổng quát xem có an toàn không mới được bắn. Có nghĩa là phải kiểm tra xem có quân bạn ở quanh đó không.
Với từ “quân bạn”, anh ta muốn nói là quân Mỹ, Đại Hàn hay Việt Nam Cộng hoà. Anh ta nói tiếp:
- Hoả lực huỷ diệt là khi có ai đó nói “Tôi muốn huỷ diệt cái hầm cố thủ kia”, “Đó là một mục tiêu đặc biệt trên mặt đất”. Có một số loại hoả lực được xem là đánh trúng mục tiêu khi rơi cách toạ độ khoảng ba trăm mét. “Prep” là viết tắt của Hoả lực chuẩn bị (Preparation fire). Nó nhằm bắn vào một bãi đổ bộ trước khi đổ quân xuống. Hoả lực “TOT” có nghĩa là “Thời điểm cho Mục tiêu” (Time on Target). Nó là một loại tấn công bất ngờ bằng pháo binh. Chúng tôi tập trung hoả lực của tất cả các đại đội pháo vào mục tiêu, vào một thời điểm, rồi cùng nhất loạt nổ súng. “WA” có nghĩa là “Sẽ Điều chỉnh” (Will Adjust). Với loại hoả lực này, chúng tôi sẽ xác định hướng đi của nó, sau đó phái một quan sát viên phía trước, hoặc một người nào khác quan sát xem đạn rơi vào điểm nào, để báo cho đại đội biết đạn chệch mục tiêu bao xa.
Tôi hỏi viên thiếu tá xem liệu điều đó có phải là các loại hoả lực khác thì cứ bắn mà không cần có quan sát Viên thiếu tá trả lời:
- Khi tôi nói là mọi hoả lực đều được quan sát, thì có nghĩa là luôn có một người quan sát mục tiêu đó vào một lúc nào đó trước khi bắn phá. Bắn tập trung phòng thủ là loại hoả lực bắn quanh khu vực trú quân ban đêm của một đại đội. Trước hết chúng tôi bắn thử ít quả vào mục tiêu, và nếu đêm đó có vấn đề gì bất ổn thì pháo sẵn sàng nhả đạn vì đã được hiệu chỉnh.
Trong vòng ba tháng rưỡi kể từ khi Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 đến đây, chỉ riêng các đại đội pháo ở Đức Phổ đã bắn tới 64.044 quả đạn pháo vào khu vực đồng bằng đông dân ở hai huyện Mộ Đức và Đức Phổ (con số này chưa tính tới số đạn pháo Hải quân bắn từ biển Đông hoặc số đạn do các đại đội pháo được phái đi theo bộ binh bắn yểm trợ trực tiếp trong hành quân). Một biểu đồ khác thống kê chỉ số “KIA” của quân đối phương (viết tắt của “Killed in Action” – bị hạ sát trong chiến đấu) và “WIA” (“Wounded in Action” – bị thương trong chiến đấu) được xem là thành tích của mỗi đại đội pháo. “Chúng tôi chỉ thống kê cho chúng tôi”, viên thiếu tá giải thích. “Trên thực tế chúng tôi không được ghi công trong thành tích tiêu diệt này mà bộ binh được hưởng hết”. Anh ta nói rằng loại đạn pháo thường được sử dụng nhiều nhất – loại đạn 105 ly – có thể sát hại bất cứ mục tiêu nào trong vòng bán kính ba mươi lăm mét trên mặt đất bằng phẳng không có chướng ngại vật, còn loại đạn lớn nhất – loại 8 inch (203,2 ly) – có thể sát hại mọi mục tiêu trong vòng bán kính bảy mươi lăm mét, cũng trong điều kiện đó.
Một bài báo trong số ngày 16 tháng 8 của tờ Screaming Eagle (Đại Bàng Gào Thét), tờ tuần báo của Lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn Cơ động Không vận 101, đã nêu ra việc tự do sử dụng pháo binh ở huyện Đức Phổ. Bài báo có đầu đề “Lực lượng Chân Đỏ bắn vào đối phương để làm lễ kỷ niệm” (“Chân Đỏ” là mật danh vô tuyến điện chỉ “Pháo binh”), nội dung bài báo như sau:
ĐỨC PHỔ - (theo sĩ quan thông tin của tiểu đoàn 2, trung đoàn 320) – Mới đây, buổi lễ đánh dấu lần bắn viên đạn thứ 250.000 lại trở thành một trận hoả lực tác chiến của tiểu đoàn 2, trung đoàn 320 pháo binh.
Từ một đỉnh núi nhìn xuống thung lũng sông Vệ, đại đội pháo binh B đã sẵn sàng cho buổi lễ. Trung tá Andrew Bolcar đứng cạnh một khẩu pháo 105 ly, tay cầm dây giật. Bên cạnh là người cầm quân kỳ đứng nghiêm. Những lá cờ tung bay trong gió, lễ kỷ niệm sắp bắt đầu.
Bỗng có một bức điện của Trung tâm Điều khiển Hoả lực: Đại đội B thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn bộ binh 327 đang chạm trán với quân địch, cần sự chi viện của pháo binh. Thế là mệnh lệnh được ban ra và pháo thủ vội vàng chỉnh lại thiết bị ngắm bắn. Trung tá Bolcar kéo dây giật và quả đạn thứ 250.000 được bắn ra về phía quân địch.
“Thật chẳng có cách nào tốt hơn để làm lễ kỷ niệm bằng cách bắn vào đối phương”, Bolcar nói.
Tờ Screaming Eagle không cho biết viên đạn thứ 250.000 định nhằm vào đâu trước khi có quyết định bắn vào quân địch.
Cũng trong đêm đó, để điều tra thêm về số phận của khoảng 52.000 dân vẫn còn sinh sống ở khu vực nằm trong tầm bắn của pháo binh ở Đức Phổ, tôi đến thăm đại uý Converse B. Smith – người phụ trách cơ quan dân sự của Lữ đoàn 3 thuộc sư đoàn 4. Đại uý Smith vốn là một cựu võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp, to cao, tóc vàng, nói với tôi rằng Lính thuỷ đánh bộ “đã tạo ra 10.000 người tỵ nạn” ở Đức phổ trước khi Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 đến. Các cuộc hành quân của Lữ đoàn 3 lại làm cho con số đó phình lên đến 20.000. “Chúng tôi chưa thực hiện được cuộc tái định cư nào cả”, anh ta nói. “Huyện này không có đủ quân, chúng tôi chưa thể đảm bảo an ninh cho các khu vực.”
Tôi hỏi đại uý Smith là anh có hy vọng dân làng sẽ ủng hộ quân đội Mỹ không. Anh ta trả lời:
- Suy cho cùng vấn đề sẽ phải là thế này – dân làng phải tự quyết định, đứng về phía bên này hoặc phía bên kia. Chúng ta đến đây để ủng hộ chính phủ Nam Việt Nam mà bọn họ là công dân, nếu họ muốn chấm dứt cuộc chiến tranh và tiêu diệt Việt Cộng, thì bọn họ phải đi đến một quyết định. Họ có thể báo cho chúng ta biết khi nào Việt Cộng vào làng. Họ phải chấm dứt việc cung cấp lương thực cho Việt Cộng và việc cho Việt Cộng sử dụng thôn xóm của họ làm căn cứ. Nhưng rất nhiều người Việt có thái độ thờ ơ. Thật đáng tiếc, nhiều người ở cái xứ sở này có thái độ như vậy. Chúng ta cũng đang vấp phải vấn đề này ở ngay nước Mỹ. Chúng ta đang đổ máu ở đây, nhưng có nhiều người hình như không quan tâm.
Tôi hỏi đại uý Smith làm sao anh ta có thể hy vọng dân làng có thể báo tin tức về Việt Cộng khi mà chúng ta không thể bảo vệ cho họ, để họ tiếp tục được sống yên ổn trong làng.
- Chúng tôi có một hệ thống mật vụ. – Viên đại uý trả lời. – Chúng tôi có nhiều đầu mối liên lạc bí mật, Việt Cộng không biết về hệ thống đó. Và dân làng cũng có cơ hội để đến cư trú trong các khu do chính phủ kiểm soát nếu họ muốn. Việc đó tuỳ họ quyết định.