Chiến thuật thông dụng nhất của các cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ tại Quảng Ngãi là bất ngờ dùng trực thăng để vận chuyển binh lính đến từ mọi hướng, bao vây xung quanh nơi được chỉ điểm có đơn vị địch, khép chặt vòng vây và tiêu diệt. Vào cuối tháng 8, Lữ đoàn 1 của Sư đoàn không vận 101 đã ba lần tại Quảng Ngãi và một lần khác tại Quảng Tín, tìm cách khép chặt một vòng thòng lọng như vậy đối với một lực lượng lớn quân dịch. Lần đầu tiên là trong cuộc hành quân Malheu(* I, sau đó là Malheur II, đến Hood River, và cuối cùng là trong cuộc hành quân Benton tại Quảng Tín. Nhưng trong cả ba lần, vòng thòng lọng đều khép vào khoảng không và Lữ đoàn buộc phải đánh giá mức độ thành công của cuộc hành quân thông qua các cuộc giao tranh cỡ nhỏ thường xảy ra với số lượng đáng kể.
* Tên một thị trấn ở bang Oregon, tây bắc nước Mỹ - ND.
Tại các huyện Mộ Đức và Đức Phổ, Lữ đoàn 3 của Sư đoàn 4 đã giao chiến theo một nguyên tắc khác. Đáng lẽ phải tiến hành các cuộc càn quét lớn theo một kế hoạch chi tiết, Lữ đoàn này đã đồng thời tung ra nhiều đơn vị cỡ đại đội đến nhiều địa điểm khác nhau của vùng chiến sự, và tuỳ theo việc đánh giá tình hình hàng ngày ở từng khu vực nhỏ mà điều hành hoạt động. Trên các bản đồ giao ban, các mũi tiến quân của hàng nửa tá đơn vị cứ xoắn xuýt, xoay vần và chồng chéo lên nhau. Vào cuối tháng Tám, tất cả các đơn vị đã hành quân trong một vùng mà hầu hết làng mạc đã bị phá huỷ, và phần lớn hoạt động của Mỹ chỉ còn là tìm kiếm quân đối phương đang nấp trong những mạng lưới đại đạo đan chen chằng chịt như tổ ong trong lòng đất.
Vùng này được nhận định còn khoảng 52.000 dân sinh sống và vì dân chúng sử dụng các hầm ngầm để ở và ẩn nấp nên khi bị ném bom, bị pháo binh oanh tạc hay hoả lực bắn phá, họ biết ngay là sau đó sẽ có các cuộc hành quân của Mỹ. Khó khăn lớn nhất mà Lữ đoàn 3 của Sư đoàn 4 gặp phải khi tiến hành cuộc chiến trong địa đạo là phải phân biệt được ai thực sự là Việt Cộng và ai là thường dân. Hơn nữa, việc tấn công trả đũa vào các làng mạc đã làm cho một số dân chúng già, trẻ, gái, trai buộc phải đứng lên cầm vũ khí chống lại quân đội Mỹ. Nhiều người Việt Nam sẵn sàng xả thân trong các cuộc chiến đấu chống lại người Mỹ chúng ta, cho dù họ biết như thế là vô vọng và không thể chiến thắng được. Các cuộc chống cự đó hầu như chỉ là do lòng căm thù. Tôi đã từng nghe một sĩ quan nói anh ta không thể nào tưởng tượng được có hai ông già dám xông thẳng vào đoàn xe tăng chỉ với súng trường trên tay. Anh ta nói thêm: “Đó là lúc tôi không còn ngần ngại gì nữa và thấy cần phải bắn hai ông già”. Một người lính Mỹ khác nói với tôi rằng anh ta phát hiện thấy có một bà già tìm cách dùng khẩu súng máy bắn vào đơn vị anh ta nhưng không bắn được, trong khi có hai đứa trẻ đang tìm cách luồn băng đạn vào hộp súng. Trong các thung lũng tại vùng núi, có nhiều trường hợp dân chúng tấn công lính Mỹ bắn cả cung tên.
Về dân chúng nói chung, một sĩ quan kể lại rằng:
- Chúng tôi vấp phải rất nhiều khó khăn khi muốn xua dân chúng ra khỏi hầm ngầm. Chúng tôi thường dùng loa kêu gọi họ chui ra ngoài, nhưng họ không chịu. Do đó, đôi khi chúng tôi phải phun hơi cay làm chảy nước mắt và dùng mìn nổ tung hầm. Tôi nhớ có một lần trong hầm còn nhiều người trốn nấp và chúng tôi đưa hai lính chiêu hồi đi trước những “con chuột cống hầm ngầm”* của ta. Khi họ vừa xuống được khoảng 2 tầng đã bị các tay súng trong hầm bắn lên. Họ quay ra khỏi hầm và chúng tôi lại dùng loa để kêu gọi, nhưng hễ cho ai xuống hầm đều không thấy lên nữa. Chúng tôi buộc phải làm nổ tung đến nửa sườn đồi.
* “Chuột cống hầm ngần”: Tiếng lóng để gọi cách lính Mỹ - thường có thân hình nhỏ bé – được lựa chọn chui vào các hầm ngầm để lùng sục tìm quân dụng, lương thực và quân đối phương. (Chú thích của tác giả)
Sau khi nghe xong câu chuyện này, một sĩ quan khác cúi xuống bàn và nói nhanh:
- Tất nhiên chúng tôi biết ở dưới đấy còn nhiều tên Việt Cộng sừng sỏ đang sống lẫn với dân chúng.
Viên sĩ quan thứ nhất tiếp tục:
- Thông thường, một Việt Cộng địa phương được trang bị một quả lựu đạn. Có lần chúng tôi gọi loa vào một hầm ngầm và một quả lựu đạn từ trong hầm vụt bay ra, giết chết một lính Mỹ. Rồi một thằng bé con độ 14 tuổi phóng nhanh ra ngoài, bị chúng ta bắn chết. Thằng bé chỉ có đúng một quả lựu đạn. Nhưng tôi cho rằng nó đã hoàn thành nhiệm vụ vì đã giết được một lính Mỹ.
Tuần báo Screaming Eagle thường đăng các câu chuyện chiến đấu kịch tính nhất. Số ra ngày 30 tháng 8 đã tường thuật lại một câu chuyện giao chiến trong hầm ngầm của Lữ đoàn 1 Sư đoàn 101 trong thời gian đơn vị này đang tiến hành cuộc hành quân Malheur I. Dưới đầu đề “Việt Cộng, Mỹ, Việt Cộng”, bài báo viết:
Lính dù Sư đoàn 101 Cơ động Không vận đã quả cảm chống lại sự kháng cự của Cộng sản suốt cả ngày dài và cuối cùng đã thu được thành quả. Lính kỹ thuật bậc 4 là Donald R. Kinton, quê ở Kreole, bang Misissippi tiến vào địa đạo và chỉ mười lăm phút sau đã bắt đầu phá rộng miệng hầm ngầm.
Khi miệng hầm đã được phá rộng, Kinton cầm một bó đuốc chui vào trong.
Thấy một Việt Cộng đang sắp kéo chốt quả lựu đạn, Kinton vội ném thẳng bó đuốc đang cháy vào mặt hắn và nhanh chóng chui ra khỏi hầm.
Quả lựu đạn bị thối, không nổ.
Tức giận kẻ thù ngoan cố, các lính dù ném nhiều lựu đạn vào trong cửa hầm.
Khi khói và bụi đã tan, một Việt Cộng bò ra đầu hàng.
…
Binh nhất Vito Legari, quê ở West Islip, Long Island, bang New York quyết định chui vào hầm để xem tình hình. Một viên đạn từ trong hầm bắn vọt ra, bay xoẹt ngang đầu.
Các lính dù chui ra khỏi hầm để nghĩ cách khác. Trung đội 3 tham gia ý kiến, đề ra chiến thuật mà họ hy vọng sẽ buộc được kẻ địch ngoan cố phải đầu hàng.
Lính Mỹ cho nổ một quả mìn Clây-mo, một loại mìn định hướng dồn tất cả các mảnh sát thương vào trong cửa hầm.
Việt Cộng trong hầm ném trả một lựu đạn ra ngoài. Lại thêm một quả lựu đạn tịt ngòi.
Tù binh Việt Cộng vừa bị bắt được đưa đến cửa hầm để thuyết phục đồng đội ra đầu hàng.
Chẳng có kết quả gì.
Trung sĩ James A. Ross, quê ở Canton, bang Ohio ném thêm một quả lựu đạn vào trong hầm và một lần nữa đưa tên Việt Cộng bị bắt đến cửa hầm để thuyết phục các đồng đội của anh ta ra đầu hàng.
Một Việt Cộng dao động bò ra hàng, mang theo hai vũ khí. Hắn cho biết trong hầm chỉ còn lại một Việt Cộng còn sống và hai người đã chết.
Rõ ràng, việc chỉ còn lại một Việt Cộng mà vẫn còn ngoan cố đến như vậy là điều quá sức chịu đựng đối với Phạm Minh Công, thông dịch của Đại đội A.
Công tức giận vứt chiếc mũ sắt xuống đất, chui vào hầm và lôi một Việt Cộng cuối cùng ra khỏi hầm bằng cách nắm hai chân hắn kéo ra.
Như vậy là phải mất gần cả một ngày lính Mỹ chỉ bắt được có ba tù binh, nhưng kết quả cũng đáng công sức. Trung đội Mỹ đã bắt được một viên chỉ huy Việt Cộng của vùng và một cán bộ trợ lý, 30kg tài liệu, 300 kg gạo, một chiếc máy chữ và các loại thuốc men.
Trong các cuộc trò chuyện cũng như trong các bản tin trên tờ Screaming Eagle, tôi thấy bộc lộ rất ít sự căm thù đối với kẻ địch. Ngược lại, tôi được nghe họ nói những lời khâm phục Việt Cộng, nhất là khi so sánh với quân đội Sài Gòn mà người Mỹ chúng ta đang ủng hộ và cùng chiến đấu.
Hầu hết lính Mỹ tôi gặp ở Việt Nam nói chung đều ủng hộ cuộc chiến tranh nhưng tôi cũng có gặp một số người còn tỏ ý hoài nghi. Vào một đêm cuối tháng tám, tại căn cứ Đức Phổ, tôi đi theo một nhóm gồm bốn lính quân dịch vào trong một chiếc lán nhỏ để tránh một trận mưa nặng hạt kéo dài suốt ngày và đã biến căn cứ này thành một vũng lầy. Cả nhóm tranh luận sôi nổi về chiến tranh. Có hai người cảm thấy bị chiến tranh làm đảo lộn sâu sắc tinh thần, một người tỏ ý nghi ngờ một vài khía cạnh của cuộc chiến và người còn lại thì nhiệt tình ủng hộ cuộc chiến. Cuộc trao đổi chủ yếu tiếp tục giữa hai chàng trai mà tinh thần đang bị đảo lộ sâu sắc – tôi sẽ gọi họ là Brandt và Sproul. Tôi gọi anh chàng nhiệt tình ủng hộ cuộc chiến là Dehlinger – người đang lau khẩu súng ngắn, thỉnh thoảng mới ngước nhìn lên và nói chen vào đôi lời nhận xét. Anh chàng thứ tư tôi gọi là Jackson, thì tương đối ít nói.
- Khi tôi đến đây, có vài làng đã bị quét sách nhưng cũng còn lại nhiều làng, - Brandt, một binh nhì quê ở California nói. – Dần dần sau đó, mỗi khi tôi ra ngoài, tôi lại thấy số làng ngày càng giảm đi và cho đến này toàn bộ khu vực đã bị quét sạch như ta thấy bây giờ. Lính Mỹ được hỗ trợ để chiếm được lòng tin của dân chúng, nhưng chẳng có ai dạy họ một mảy may nào về chuyện đó. Tôi đã qua đợt huấn luyện hẳn hoi, tôi đã học tháo lắp súng, học xạ kích, nhưng chẳng có ai dạy tôi phải biết thương yêu một dân tộc mà hình dáng của họ khác với chúng ta và xu hướng chính trị cũng khác ta đến một trăm tám mươi độ. Chúng tôi không hiểu được những người dân ở đây đang suy nghĩ gì. Khi đến đây, chúng tôi như đổ bộ lên một hành tinh xa lạ. Tôi nghĩ là tại nước Đức hay Nhật, chúng tôi vẫn có một sợi dây liên lạc nào đó, nhưng tại đây, ngay cả khi gặp một anh chàng người Việt nói tiếng Anh rất lưu loát, chúng tôi cũng chẳng biết anh ta đang nói cái quái gì.
- Chẳng ai có sự cảm thông đối với người Việt Nam. – Sproul, một binh nhì quê ở Texas nói. – Họ bị vứt bỏ. Chẳng có ai trong người Mỹ chúng ta coi người Việt Nam là con người. Họ không phải là con người. Do đó, anh có làm gì đối với họ thì cũng chẳng thành vấn đề gì cả.
- Chúng tôi tiến hành hỏi cung kẻ bị bắt ngay tại trận và nếu họ không chịu khai báo, thế là xong! – Brandt nói – Tù binh của chúng tôi thường chỉ là những người dân bị gom được trong các làng xóm mà chúng tôi đã càn quét và không cho một ai được ở lại. Nhưng vì trong các trại tỵ nạn không có đủ phương tiện để cho dân chúng sinh sống nên họ lại quay trở lại làng cũ, và thế là mặc nhiên họ bị coi là V.C. Và chúng ta xem họ là kẻ thù.
- Những Việt Cộng này thường rất khó bị khuất phục. – Sproul nói. – Có một lần tôi thấy một trung sĩ rất độc ác treo ngược một Việt Cộng vào càng trực thăng, đầu lộn xuống đất và cứ như vậy lủng lẳng trên không và lắc lư trên cánh đồng lúa ở độ cao hơn 900 mét… Một lần khác, tôi thấy lính Mỹ dồn một toán Việt Cộng lên một chiếc trực thăng. Trước tiên, họ đẩy một Việt Cộng ra khỏi chiếc máy bay cho rơi xuống đất và đe doạ những người khác là nếu ai không chịu khai báo thì cũng sẽ đi theo người kia. Thế là họ đã phải khai.
Tôi hỏi Sproul anh ta sẽ nói gì với dân chúng về chiến tranh sau khi về Mỹ.
- Có thể khi về Mỹ, tôi sẽ tự co mình lại và không hề hé răng. – Anh ta trả lời. – Sự việc ở đây tàn bạo quá mức nên sẽ chẳng có ai tin lời tôi nói đâu. Và tôi cũng không muốn chết vì bực bội nếu phải cố tìm mọi cách làm cho họ tin những điều tôi nói.
(Câu nhận xét “Người ở bên nước mình sẽ không ai tin lời kể của chúng tôi đâu” là câu mà tôi nghe hầu như hàng ngày ở Quảng Ngãi từ miệng những kẻ ủng hộ chiến tranh cũng như người chống lại cuộc chiến. Lúc ở căn cứ Chu Lai, có lần người lái xe Jeep đang chở tôi đi – người lái xe này cũng là một lính Mỹ đã tham gia chiến đấu – đột nhiên quay đầu lại và nói với tôi:
- Ông sẽ không tin vào những chuyện đang xảy ra trong cuộc chiến tranh này đâu.
- Những chuyện gì vậy? – Tôi hỏi lại.
- Ông sẽ không tin vào những chuyện đã xảy ra đâu. – Anh ta khẳng định lại một lần nữa.
- Đó là những loại chuyện gì vậy? – Tôi lại hỏi tiếp:
- Vì ông cũng sẽ không tin có những chuyện đó, nên tôi nói với ông làm gì.
– Anh ta trả lời, đầu lắc mạnh để biểu thị quyết tâm sẽ không nói cho tôi biết. – Sẽ chẳng có ai muốn tìm hiểu cho rõ những chuyện đã xảy ra; và sau khi cuộc chiến tranh này kết thúc, tất cả chúng tôi sẽ về Mỹ, và sẽ chẳng có ai biết được những chuyện đó nữa.
Tôi đã không thể thuyết phục được người lái xe nói cho rõ thêm điều anh ta đã đề cập.
Đáp lại những điều Sproul nói, Jackson, chàng trai quê ở Georgia cất tiếng:
- Tôi biết. Tôi đã nhìn thấy mọi điều. Tôi đã thấy lính Mỹ khi ra trận đã giận dữ đánh đập dân chúng – cả đàn bà và tất cả mọi người khác. – nhưng tôi chỉ quay đi. Tôi biết thế là sai nhưng tôi không thể nói gì hết.
Câu chuyện trong chiếc lán nhỏ chuyển sang vấn đề chúng ta có nên sang Việt Nam hay không. Sproul cho rằng chúng ta không nên. Brandt thì chẳng thích thú gì với cuộc chiến tranh này nhưng lại lo lắng có thể lại phải tham chiến ở một nơi khác nếu không chiến đấu trong cuộc chiến này. Còn Jackson lại cho rằng Mỹ phải ném bom nguyên tử vào Bắc Việt và cả Trung Quốc nữa nếu thấy cần thiết chứ không phải chỉ tiếp tục cuộc chiến vô vọng như thế này tại miền Nam Việt Nam.
Khi nhắc đến Trung Cộng, Dehlinger ngẩng đầu lên nói:
- Một tên Trung Cộng vừa bị giết tại Kon Tum.
- Làm thế nào mà anh biết đó là một tên Trung Cộng? – Brandt hỏi.
- Họ nói như vậy, dựa vào hình dáng. Bất cứ lão già người Hoa nào cũng từ Trung Quốc sang đây, có phải vậy không? – Dehlinger trả lời và nói tiếp – Tôi đã nhìn thấy khoảng bốn mươi tên địch bị giết ngay tại bãi chiến trường và tôi muốn xuống ngay đấy và diệt thêm vài tên nữa.
Cả bốn lính Mỹ cười chế nhạo việc bày tỏ sự cương quyết một cách đột ngột này.
Vài phút sau Brandt nói:
- Hôm qua tôi ngồi trên trực thăng cấp cứu. Có ba thường dân bị bắn trọng thương. Họ gồm một thằng nhỏ và hai phụ nữ. Trong số này, có một bà trông thê thảm lắm. Và có ba bốn vết thương nặng đã được băng bó. Nhưng lính Mỹ đã ném bà vào trong trực thăng như ném một khúc gỗ vậy. Trên trần chiếc trực thăng lúc đó treo lủng lẳng một dây băng với một chiếc khoá, và chiếc khoá này đập vào mặt người đàn bà này khi bà bị hất vào. Đáng lẽ lúc đó, lính Mỹ phải đẩy cái khoá sang một bên rồi mới đưa bà vào mới phải. Và khi bị xô vào khoang trực thăng, chiếc chăn đắp trên người bị tung ra, người bà gần như trần truồng. Đáng lẽ lính Mỹ phải kéo chăn đắp lại cho bà ấy. Nhưng họ không hề. Tôi nhớ lại có một lần tôi đi trượt tuyết bị gãy chân. Quả thật đau đớn lắm! Tôi nhớ có một người đến tháo chiếc ủng của tôi ra, anh ta rất cẩn thận, không hề làm tôi đau thêm. Và tôi cứ nhớ mãi điều đó. Trong lúc đau đớn, người ta sẽ ghi nhớ sâu sắc lòng tốt của người khác. Cũng giống như khi có ai làm điều tốt cho anh khi mẹ anh qua đời vậy. Anh sẽ ghi lòng tạc dạ lòng tốt đó. Họ đã rải xuống hàng triệu tờ truyền đơn để tuyên truyền nhưng họ lại chẳng hề đắp lại chiếc chăn.