Vào ngày 19 tháng 8, khi bay trên chiếc “vòng kính” hay trực thăng OH-23 và phần đất bờ biển phía Bắc cách các huyện Đức Phổ và Mộ Đức 20 cây số, tôi mới có dịp thấy tận mắt các vùng đất mà trước đó tôi chỉ nhìn thấy trên bản đồ pháo binh Đức Phổ khi trao đổi với sĩ quan của Lữ đoàn 3 Sư đoàn 4 mấy ngày trước đó. Chiếc OH- 23, với hai ghế ngồi trong vòm kính nhựa trong suốt, cho phép tôi nhìn thấy mọi phía, trừ chỗ bị che lấp bởi tấm thép nhỏ ở dưới chân và tấm dựa lưng ghế. Động cơ máy không có gì che chắn, nằm ngay phía sau vòm kính và đỡ các cánh quạt dài trên một trục kim loại; nằm sau động cơ là một cái đuôi bé nhỏ trông giống như chiếc gậy nâng đỡ một chiếc rô-tơ nhỏ bên hông khối máy đặt trên các đường rãnh hẹp bằng kim loại. Ban đầu, Lục quân Mỹ đưa trực thăng OH-23 sang Việt Nam chỉ để sử dụng vào các chuyến bay trinh sát nhưng Lữ đoàn 3 Sư đoàn 4 đã cải tạo chúng thành trực thăng vũ trang bằng cách dùng một sợi dây thép treo lủng lẳng một súng liên thanh ở ngay cửa ra vào nằm ở một bên vòm kính nhựa. Các phi công OH-23 thuộc Lục quân, hàng ngày vẫn bay thám thính trên các vùng tuy đã bị tàn phá nhưng vẫn còn dân chúng sinh sống.
Các chuyến bay này thường được gọi là “các phi vụ săn tìm loài sóc” nhằm phát hiện kẻ dịch để sau đó, hoặc dùng súng máy tiêu diệt, hoặc chỉ điểm cho pháo binh oanh tạc. Họ cho tôi biết trong ba tháng hoạt động, họ đã đếm được 52 xác Việt Công; nghĩa là nhiều hơn số xác mà loại trực thăng Huey lớn hơn của Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 xác nhận đã diệt được trong cùng thời gian đó. Khi tôi nói chuyện với một toán phi công trực thăng OH-23, một phi công trẻ cho biết nguyên nhân:
- Trực thăng Huey phải cất cánh khi đang còn ở cách xa mục tiêu nhiều hơn so với trực thăng OH-23 mà lại phải quay về sớm hơn, và Huey không thể nào bay thấp được.
Tôi hỏi họ có xem bất cứ ai đang ở lại trong khu vực đã bị họ phá huỷ là quân địch hay không.
- Dân chúng đã nhân cơ hội trốn chạy ra ngoài. – Viên chỉ huy phi công trả lời. – Nhưng tôi cho rằng không phải bất cứ ai ở lại cũng đều là Việt Cộng cả. Đôi khi họ là dân quay về để làm ruộng. Nhưng tôi có thể đánh cược là mọi thanh niên trong lứa tuổi quân dịch đều là Việt Cộng. Rõ ràng đây là một vùng thuộc quyền kiểm soát của Việt Cộng. Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến việc một thanh niên nhắm bắn chúng tôi trong khi có đàn bà và trẻ em đang đứng bên cạnh. Lúc đó, tôi thường chần chừ không gọi pháo binh oanh tạc nhưng bây giờ thì tôi khắc phục được ý nghĩ do dự ấy rồi.
Mục đích chuyến bay hôm ấy chỉ là để chuyển tôi từ căn cứ Đức Phổ về thị xã Quãng Ngãi nhưng viên phi công đã bay vòng vèo để có thể đi qua những vùng mà anh ta cùng phi đoàn đã từng săn đuổi quân địch. Vì trong chuyến bay này không có ai là pháo thủ, chúng tôi không thể bắn vào mục tiêu nào mà phi công nhận định có thể là Việt Cộng. Chúng tôi hạ cánh ngay sau năm giờ chiều, trước khi mặt trời lặn nửa giờ.
Đi trực thăng, ngồi trong vòm kính trong suốt bạn sẽ có một cảm giác hoàn toàn khác với khi đi bằng một loại máy bay nào khác. Ngược với trực thăng Huey, loại máy bay chở được mười người nên phải cất cánh và hạ cánh từ tư, thận trọng giống như một con tàu khi đang rời hay cập bến, chúng tôi cảm thấy hình như lúc nào chiếc trực thăng vòm kính cũng có thể phóng vọt lên cao một cách dễ dàng, tựa như một chiếc thang máy trong một toà nhà văn phòng hiện đại. Ở trên cao, dù nhìn về phía trước hay hai bên, ta đều không thể nhìn thấy bất cứ bộ phận nào của trực thăng, ngoại trừ tấm bảng điều khiển ở trước mặt. Hầu hết các loại trực thăng bay trên toàn cảnh của một vùng, trên các ngọn cây, các mái nhà, nhưng loại OH-23 lại bay vào trong cảnh vật, ba vào giữa các vòm cây, bay ngang các mái nhà ở những nơi nhà cửa không quá dày đặc.Trên đồng lúa, nó có thể lượn ở độ cao chỉ vài mét cách mặt đất. Bay trên chiếc trực thăng tuy nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn này với tất cả máy móc lắp phía sau lưng nằm ngoài tầm nhìn ta có cảm giác tự do muốn bay đi đâu cũng được, tưởng chừng như mình có thể đậu xuống một cành cây như chim, hoặc có thể bay thẳng ngay vào cửa nhà ai đó và bay ra ngoài qua cửa sổ.
Khi bay về hướng Đông ra biển, tôi thấy vùng đất bị tàn phá bắt đầu từ ngay xung quanh căn cứ. Các vết xe tăng, xe ủi đất, xe thiết giáp chở quân chồng chéo trên nền đất đỏ của các ngôi nhà. Không sót lại một tàn tích nào còn có thể đứng được cả. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã bay vượt qua các làng mạc cũ và đến một vành đai trồng lúa rộng lớn nằm giữa Quốc lộ 1 và bờ biển. Cánh đồng đầy hố bom đạn nhưng vẫn được cày cấy. Dân chúng mặc áo bà đen quen thuộc của nông dân đang lom khom làm ruộng. Các tờ truyền đơn rơi vương vãi đó đây trên các bờ ruộng hoặc bị ngập chìm trong các vũng nước ngoài đồng. Anh bạn phi công giải thích đó là những tờ truyền đơn tâm lý chiến. (Tính trung bình mỗi ngày tại tỉnh Quảng Ngãi, quân Mỹ đã thả xuống cả triệu tờ như vậy).
Chúng tôi vượt qua một rặng cây ở rìa phía Đông của cánh đồng và bay vào một khu vực có nơi ở tạm của khoảng hai mươi, ba mươi ngàn dân cụm lại thành làng dọc theo một dải đất dài khoảng hai mươi và rộng bốn cây số dọc bờ biển. Nhà cửa nằm dọc theo dải đất này cũng bị phá huỷ hầu như không sót một nhà nào. Tại vùng duyên hải huyện Đức Phổ, khoảng hai phần ba nhà ở là vách đất cốt tre, mái tranh và số nhà còn lại có tượng đá, mái ngói đỏ. Có nơi, dù lính đã đốt cháy ngôi nhà nằm trên mặt đất, các chỗ còn lại như sân sau, giếng nước, bờ rào, cổng đá, rặng cỏ, bụi trẻ vẫn còn đứng nguyên. Ngôi nhà vốn là trung tâm của quang cảnh và nằm ẩn dưới bóng cây đã biến đi đâu mất; chỉ còn sót lại nền nhà đầy tàn tro và xà bần. Tại những lang bị pháo cối oanh tạc, máy bay ném bom và súng liên thanh bắn phá, sự huỷ hoại xảy ra không có tính chọn lọc như vậy. Những quả bom đã tác dụng đã phóng ra các mảnh thép xuyên và sóng chấn động; nơi bom rơi, tác động hướng lên trên của lực nổ đã cắt cụt ngọn những cây cọ, chỉ để lại thân cây trơ trụi, tuy đã bị xé nát vẫn còn hướng lên trời. Mảnh bom đã cắt ngang nhiều thân cây hoặc cắt trụi cành lá, có nơi sức bom nổ trốc toàn bộ cây và hất ra xa từ năm mươi đến một trăm mét. Tại các nơi bị bom napan, đồng ruộng và sân nhà bị cháy đen, cây cối trụi lá từng mảng lớn. Những tờ truyền đơn theo chiều gió bay vào các hố bom đạn. Hình như việc huỷ diệt không được tiến hành một cách có hệ thống.
Vết tích còn lại trong hầu hết các làng cho thấy chứng cứ của nhiều phương pháp huỷ diệt khác nhau. Tôi biết pháo binh thường dùng hoả lực quấy rối- ngăn chặn bắn liên tục trong nhiều ngay vào các khu vực lớn, dọc ngang mỗi bề đến mấy cây số. Thật dễ hiểu khi tôi nhìn thấy các hố do đạn pháo đào lên không theo một cung cách nào cả, đạn pháo rơi bất kỳ chỗ nào, có thể rơi xuống các cánh đồng trống hoặc các rặng cây và làng mạc. Xe tăng và xe thiết giáp chở quân cắt xé cảnh quan bằng các con đường đi riêng. Rõ ràng các lái xe đã chọn cách đi vượt qua cánh đồng chứ không dùng các con đường đã có sẵn do sợ bị cài mìn.
Trong vùng, những gia đình bỏ trại tập trung trở về nhà hoặc còn ở lại từ trước đều phải sống dưới hầm. Các cửa hầm tối đen rải rác dọc các rặng cây ở sân sau. Khi chúng tôi bay qua, tất cả các gia đình đang ngồi trên sân trước ngôi nhà bị tàn phá đều ngẩng đầu nhìn chúng tôi, và bất động trong tư thế đó mà nhìn theo cho đến khi chúng tôi bay khuất. Lúc này đã gần sáu giờ và nhiều gia đình đang xúm quanh bếp lửa nấu cơm chiều. Nồi niêu giường chiếu và vài chiếc bàn ghế nằm lăn lóc, rải rác trong sân. Tại vài nơi, các khung nhà khẳng khiu đã xuất hiện. Khắp nơi đều thấy những đống rơm cao khoảng một mét, và mãi sau tôi mới nhận ra đó là những chiếc lán cá nhân nhỏ bé, không có vách, chỉ là các mái lợp rơm rạ có cọc chống và khung tre nâng đỡ. Có vài người dựng lều ngay giữa đồng, cách xa các lùm cây và xa các công sự - có thể họ nghĩ rằng quân Mỹ sẽ coi các công sự và hầm ngầm là của Việt Cộng xây dựng để phòng thủ - dễ bị coi là mục tiêu quân sự hàng đầu của các cuộc oanh tạc. Củi đun chủ yếu là xà và cột của ngôi nhà bị phá huỷ đã chất thành đống. Trẻ em chơi trong bụi đất và thông thường chỉ thấy phần lớn là trẻ em, đàn bà và người già – không thấy đàn ông. Trẻ em đang cưỡi trâu từ ngoài đồng trở về nhà.
Viên phi công chú ý nhìn những nơi có đạn pháo nổ đang phun ra khói trắng ở ngoài rìa cánh đồng và cẩn thận bay tránh xa vùng này khoảng một cây số. Dân chúng ở dưới vẫn tiếp tục làm việc bên ngoài các chiếc lán, không hề có biểu hiện chú ý đến đạn pháo đang nổ gần đấy. Viên phi công bay vụt nhanh qua cánh đồng ở độ cao năm mét. Anh ta chỉ cho tôi thấy các mảnh vụn cong queo của sắt thép và một động cơ nằm trên một khoảnh đất cháy trụi của một thửa ruộng và nói rằng ngay trong tháng trước, trực thăng của anh đã bị bắn rơi tại đây. Anh ta và anh chàng pháo thủ đã an toàn hạ cánh khẩn cấp. Sau khi rơi xuống đất, quân du kích nấp ở một rặng cây đã nã súng bắn và họ đã bắn trả. Mười lăm phút sau, một trực thăng khác đã đến cứu họ. Vài phút sau khi chỉ cho tôi chỗ bị bắn rơi trước đây, viên phi công cho chiếc trực thăng bay lượn một vòng biểu diễn trên không. Anh ta lao về hướng rặng cây cho đến khi sắp đâm vào thì vụt bay thẳng lên, rồi cho máy bay quay tròn phía trên rặng cây và tàn tích các ngôi nhà đổ nát, sau đó lại ngừng bay hẳn như thể chiếc trực thăng đã bị một cơn gió giữ chặt lại.
Trong khi máy bay bồng bềnh chầm chậm trên các rặng cây xơ xác vì bom đạn, viên phi công bỗng kêu lên:
- Xem kìa! Có một tên! – Anh ta phấn khích kêu to hơn. – Thấy không? Thấy không? Hắn đang trốn!
Tôi nhìn xuống và thấy một thanh niên đang ngồi co mình lại trên con đường ngay sát rặng cây. Viên phi công quay vòng chiếc trực thăng lại và bay thẳng về phía anh thanh niên lúc đó đã đứng lên và bắt đầu bổ củi bằng chiếc rìu.
- Có thấy không? Hắn đang giả vờ làm việc. – Viên phi công nói. Một lúc sau anh lại la lên. – Hãy xem này! Lại thêm một con mẹ nữa. Mụ ta đang trốn! Hãy xem mụ trốn ra sao!
Tôi nhìn xuống và nhìn thấy một người đàn bà mặc đồ đen nấp quanh một gốc cây khẳng khiu, lúc nào cũng đứng về phía bên kia của thân cây đối diện chiếc trực thăng.
Chúng tôi bay sang phía bên kia của Quốc lộ 1, nơi các làng đã bị tàn phá. Chúng tôi bay ở tầm thấp, vụt qua một vùng cảnh vật tiêu điều, qua một cánh đồng cỏ cao và viên phi công nói:
- Tôi từng diệt được bốn tên ở đây. Chúng chạy đến một công sự để nấp nhưng không kịp.
Chúng tôi bay qua một làng bị tàn phá trước kia nằm dưới rặng cây. Một làn khói mảnh dẻ bốc lên từ một đốm lửa màu da cam trong một lùm cây. Viên phi công nói:
- Đấy, có một Việt Cộng đang ăn bữa tối. Chẳng có ai được ở dưới đó. Hắn không được ở đó.
Chúng tôi bắt đầu bay chầm chậm hướng ra phía biển, dọc theo sông Vệ, con sông đánh dấu ranh giới ngăn cách Khu trách nhiệm Chiến thuật của Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 và Khu Trách nhiệm Chiến thuật của quân đội Việt Nam Cộng hoà. Một em bé trần truồng đang tắm cho một em khác bé hơn cũng trần truồng tại một khúc sông uốn cong, nước trong suốt tận đáy cát. Cả hai đứng bất động, chăm chăm nhìn theo chiếc trực thăng của chúng tôi bay qua đầu. Các nhịp của hai chiếc cầu bị vặn cong queo đang nằm dưới sông. Tại bờ Nam, nơi mà Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 vừa mở cuộc hành quân, từng đống gạch, tro và các cọc nhà cháy xém giống như các bộ xương đang đứng lêu nghêu trên các nền nhà, ruộng lúa thì màu nâu và đen hoặc đã trở nên hoang dại. Nhưng ở bờ Bắc, nơi quân đội Việt Nam Cộng hoà đang hành quân, cây cối và ruộng đồng đang mùa xanh tốt – như thể tại đây đang ở một mùa khác – và các ngôi nhà vẫn còn đứng đó, ngay bên cạnh vườn rau, sân và cây cọ.
Trên đường quay về Quốc lộ 1, chúng tôi bay vượt qua bờ bắc. Khói bếp nấu cơm chiều đang bay lên từ các khoảng sân sẫm màu. Dân chúng đang quang gánh đi về nhà dọc theo hai bên đường Quốc lộ và phụ nữ đi xe đạp trên các đường khác. Khi viên phi công thả tôi xuống một bãi đáp trực thăng trong khu nhà của cố vấn Mỹ ở rìa thị xã Quảng Ngãi, màn đêm và buông xuống. Trong khu nhà này, mọi thứ đều là Mỹ, và tất cả mọi thứ như nhằm tạo cho tôi cái cảm giác là đã được hạ cánh một cách thần kỳ ngay trên đất Mỹ.
Những căn nhà trong khu nhà đều làm bằng ván trắng, được bố trí gọn gàng ngăn nắp và tiếng chuyện trò râm ran vang ra từ nhà ăn rực sáng ánh đèn, nơi khách đang tự phục vụ theo kiểu tiệc đứng. Binh lính và các cố vấn dân sự mặc áo sơ mi tinh tươm, đầu chải mượt đang cười nói đi vào nhà chiếu phim có máy lạnh. Tôi vào quán bar của sĩ quan và ngồi ngay bên cạnh bàn một số sĩ quan trong khi họ đang vừa uống vừa hát. Tiếng hát vang to, không chút dè dặt và họ cầm cốc đập xuống bàn để gõ nhịp. Lời của bài hát như chế giễu các cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ đã giết hại thường dân một cách không cần thiết – bài hát mà tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần với nhiều biến tấu khi tôi đang ở Quảng Ngãi như sau:
Ném bom vào nhà thờ, nhà trường
Ném bom xuống cả ruộng nương,
Để cho lũ trẻ chơi trên sân biết
Thế nào là bom na-pan.