Tháng 6, khi Lữ đoàn 3 của Sư đoàn 4 bộ binh đang hoạt động tại Đức Phổ, thì Lữ đoàn 1 Sư đoàn Cơ động Không vận 101 với khẩu hiệu là “không ngơi nghỉ” đã di chuyển theo hướng Tây Bắc để mở cuộc hành quân Malheur II. (Địa danh này đã được Lữ đoàn 1 của Sư đoàn Cơ động Không vận 101 đặt tên cho một cuộc hành quân trước đó, mượn tên của một thị trấn ở Oregon, không phải mượn tiếng Pháp có nghĩa là “sự bất hạnh” hay “đau khổ”.)
Cuộc hành quân Malheur II là đợt đầu tiên trong ba cuộc hành quân của Sư đoàn 101 trong quá trình chuyển dần hoạt động ra hướng Bắc, đi qua ba vùng đồng bằng rộng của vùng duyên hải hạ lưu của tỉnh Quảng Ngãi (cuộc hành quân Malheur I trước đó ở Đức Phổ). Với mục tiêu là tiêu diệt các đơn vị quân địch trong vùng, biến nơi này thành vùng bắn quấy rối và ngăn chặn, Sư đoàn 101 hy vọng sẽ ngăn chặn được dòng tiếp tế hậu cần và nhân lực giữa quân du kích vùng đồng bằng và quân du kích miền núi. Cuộc hành quân Malheur II được mở ở vùng thung lũng của con sông Vệ chạy uốn quanh giữa các quả núi một đoạn dài từ mười đến mười lăm cây số. Bước đầu tiên là di chuyển khoảng năm ngàn người sống trong thung lũng đến cách vùng duyên hải, nơi sẽ được xây dựng các trại tỵ nạn mới. Dân chúng được di chuyển bằng trực thăng và họ được phép mang theo bất cứ thứ gì có thể mang theo bằng tay.
Giống như mọi cuộc hành quân trước đó, quân đội Mỹ phải di tản một số lượng lớn thường dân ra khỏi vùng chiến sự, trong cuộc hành quân Malheur II này Sư đoàn 101 cũng phải phân loại từng người theo mức độ tham gia hoạt động cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng Cách phân loại theo thứ tự từ những người đáng nghi nhất đến những người ít nghi nhất là “Việt Cộng chính cống”, “tình nghi Việt Cộng”, “ủng hộ Việt Cộng”, “người bị tạm giam”, “người tỵ nạn” và “lính đào ngũ”. Nhưng trong cuộc hành quân Malheur II, Tình báo Lục quân chỉ có nửa tá thông dịch viên và chỉ có vài ngày để phân loại trên năm ngàn người trong một vùng mà chính phủ Việt Nam Cộng hoà không có mặt từ hơn một thập kỷ và chẳng nắm được tình hình dân chúng; trong một vùng mà mọi người già, trẻ, gái, trai đều đã cùng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng cầm súng thì rõ ràng là với hầu hết số dân phải phân loại đó, Lục quân Mỹ không thể nào xác định được người nào vào loại nào.
Có thể nói một cách công bằng rằng trong hầu hết các trường hợp, Lục quân quyết định việc phân loại dựa trên cơ sở những việc mà họ đang làm. Ví dụ, khi binh lính vào trong làng để quây bắt dân chúng đưa đi di tản, họ phân loại dân chúng thành “ủng hộ Việt Cộng”, “tình nghi Việt Cộng” và xếp loại cả làng là “100% Việt Cộng”; nhưng cũng là số dân làng ấy, khi di chuyển vào trại, Lục quân lại phân họ thành “người tỵ nạn”. Cũng cách thức tương tự, bất cứ người Việt Nam nào bị lính Mỹ bắn chết hầu như đều được xếp loại là “Việt Cộng chính hiệu” (lính Mỹ thường nói đùa rằng “Bất cứ người chết nào không phải da trắng thì đều là Việt Cộng!”). Càng ngày Lục quân Mỹ càng sử dụng phổ biến cách đánh giá mức độ phạm tội của người Việt Nam bằng cách xếp họ vào loại “người bị giam giữ”.
Theo lý thuyết, một “người bị giam giữ” là người mà họ không kết luận được mức độ tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng như thế nào mà chỉ bị giam giữ để thẩm vấn mà thôi. Nhưng trong cuộc hành quân Malheur II này, Sư đoàn 101 đã thống kê toàn bộ số người bị giam giữ (gồm 631 người) trong một bản thống kê cùng với số người bị quân Mỹ giết và bị bắt làm tù binh, như thể họ đã xác định được rằng những người bị giam giữ đều là người của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Tình hình còn dễ gây nhầm lẫn hơn nữa do cách sử dụng từ ngữ trùng lắp và định nghĩa cực kỳ nhập nhèm, dễ lẫn lộn. Các cụm từ “người bị giam giữ”, “tình nghi Việt Cộng” và “người tỵ nạn” đều có thể dùng để chỉ một người, tuỳ theo sự chọn lựa của vị chỉ huy, mặc dù các cụm từ này đã được sắp xếp riêng rẽ trên các cột thống kê số liệu báo cáo về Sài Gòn. Trong cuộc hành quân Malheur II, có thể nói chắc chắn là tất cả những “người tỵ nạn” đều là người đã từng “bị giam giữ” và trong khi họ đang ở trong những làng của một khu vực bị Mỹ coi là thù địch thì họ cũng bị xếp loại ngay là người “ủng hộ Việt Cộng”. Tại trận tuyến, các từ ngữ “tình nghi Việt Cộng” và “ủng hộ Việt Cộng” thường được dùng lẫn lộn và có thể thay thế cho nhau. Bất cứ người nào bị đặc biệt nghi ngờ là “tình nghi Việt Cộng” như vậy đều bị trói tay ra sau lưng, bị buộc một bao cát lên đâu và chuyển đến một trung tâm thẩm vấn. Nhìn thấy họ bị trói như một tù binh, người thẩm vấn có xu hướng coi họ là một người ủng hộ Việt Cộng thực sự, và thế là may mắn lắm họ mới không bị tra tấn và giam giữ.
Trong khi tiến hành cuộc hành quân Malheur II, Sư đoàn 101 đã tổ chức thực hiện một kế hoạch thật khôi hài – dồn đàn gia súc. Họ quây bên ngàn trâu bò và bắt đầu dồn chúng xuống chân thung lũng và hướng đến các trại tập trung dân cư mới được di chuyển đến. Tuy nhiên mất công việc mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến. Sau sáu ngày thực hiện, đàn gia súc chỉ đi được 16 cây số trong tổng độ dài 20 cây số của đoạn đường đi đến trại. Mệt mỏi với việc xua đuổi đàn gia xúc, Sư đoàn 101 đã chuyển giao đàn này cho một đơn vị thuộc lực lượng dân vệ của Việt Nam Cộng hoà. Đơn vị này đã bắt trộm khoảng hai trăm con và đuổi số còn lại đến các khu chăn nuôi gia súc gần các trại. Một vài ngày sau, vụ trộm bị bại lộ, lính Mỹ liền quay trở về và bắn chết nhiều gia súc bị bắt trộm.
Một bản tin do Lữ đoàn phát hành đã mô tả lại các giai đoạn của cuộc di tản và xua dồn trâu bò trong cuộc hành quân như sau:
“Trên năm ngàn cư dân vùng đồng bằng phía Tây sông Vệ đã được trao cho chính phủ Việt Nam Cộng hoà kiểm soát khi các đơn vị quân sự Mỹ kết thúc chương trình hoạt động dân sự lớn nhất từ trước đến nay được tiến hành tại tỉnh Quảng Ngãi.
Khi di tản dân làng, lực lượng quân sự hỗn hợp đã thu gom đàn gia súc và gia cầm, tiến hành giai đoạn hai của cuộc hành quân bằng cách xua đàn gia súc đến Nghĩa Hành. Trong lúc trực thăng bốc dân làng đến Nghĩa Hành, lính dù bắt đầu xua đàn gia súc. Họ gán cho lộ trình này cái tên “đường mòn Chisholm”* và những tiếng là ó “Hãy thúc chúng tiến lên! Hãy thúc chúng ra khỏi làng!” vang vọng khắp thung lũng. Binh lính Cộng hoà thì hát các bài dân ca; lính dù Mỹ đáp lại bằng các điệu Âu Tây. Binh nhất Gary M. Nichols, quê ở Wynne vốn sắp tốt nghiệp khó thú ý được giao việc chăm sóc các con bò mẹ và bê con sinh ra trong suốt chuyến đi này.”
* Chisholm: Tên con đường mòn để di chuyển gia súc từ phía Nam bang Texas đi lên phía Bắc đến bang Kansas, hình thành khoảng hai mươi năm sau cuộc Nội chiến Bắc Nam ở Mỹ. (Chú thích của người dịch)
Để thông tin cho báo chí, Lữ đoàn chọn một tấm hình chụp cảnh binh lính đang xua đuổi đàn gia súc đi qua các cánh đồng lúa vừa mới cấy chỉ nhú lên khỏi mặt nước năm bảy phân và ghi thêm một tiêu đề: “Đây là ruộng lúa nước, không phải là cánh đồng cạn”. Khi nói đến chuyện này, các sĩ quan Sư đoàn 101 tỏ ra thích thú, phấn khởi với ý nghĩ họ đã áp dụng được việc dong đàn trâu bò, một việc làm đặc biệt, đặt Hoa Kỳ vào trong khung cảnh của các ruộng lúa nước ở Việt Nam.
Nhiều tuần sau khi kết thúc cuộc hành quân Malheur II, tôi lại bay qua thung lũng sông Vệ trên một máy bay FAC và quan sát thấy mọi ngôi nhà đều bị phá huỷ. Viên phi công nói với tôi rằng sau khi xua đuổi hết dân chúng, lính của Sư đoàn 101 đã phá huỷ sạch các làng này. Anh ta cũng lấy tay chỉ toàn bộ các đồng ruộng đã đồng loạt biến thành màu nâu và giải thích rằng chiến dịch Ranch Hand đã tiến hành rải chất độc diệt cây cỏ xuống thung lũng.
Một vài ngày sau, tôi hỏi viên sĩ quan thông tin của Lữ đoàn việc huỷ diệt đã diễn biến ra sao.
- Tôi e rằng anh đã nhận được tin tức sai. – Anh ta đáp. – Chúng tôi có huỷ diệt thung lũng đâu!
Tôi nói rằng tôi vừa bay qua khu vực này và quan sát thấy đúng là thung lũng đã bị huỷ diệt.
- Tôi không biết điều đó. Nhưng chúng tôi không huỷ diệt thung lũng.
Tôi hỏi anh ta giải thích như thế nào mới là huỷ diệt.
- Này! Khi tôi rời thung lũng, mọi cây cối vẫn còn y nguyên. – Anh ta trả lời. Ngừng hồi lâu, anh ta nói thêm. – Chúng tôi không có kế hoạch huỷ diệt thung lũng. Nhưng Việt Cộng đã quay lại thung lũng nên chúng tôi chẳng còn cách nào khác là phải đưa hai tiểu đoàn trở lại đấy và thung lũng bị huỷ diệt trong quá trình ngăn cản không để cho quân địch hoạt động.
Viên sĩ quan thông tin tại bộ chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Oregon tỏ ý rất ngạc nhiên khi nghe tin các làng trong vùng thung lũng đã bị huỷ diệt. “Đấy là một tin mới cho tôi”, anh ta nói.
Tôi thường thấy cái sĩ quan Mỹ có xu hướng làm ngơ trước một phần kết quả của các cuộc hành quân – ví dụ như huỷ diệt các làng mạc trên quy mô lớn – thậm chí họ còn phủ nhận nếu các kế hoạch ban đầu vạch ra cho các huyện không nêu các mục đích này.