Năm 1972, nhà thơ Anh Ngọc là chiến sĩ thông tin thuộc Trung đội 2, Đại đội 4 (Trung đoàn 132, Binh chủng Thông tin liên lạc), chiến đấu ở Mặt trận Quảng Trị. Vừa thực hiện nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ chỉ huy, tác chiến, ông còn chịu khó ghi chép tư liệu và sáng tác tại chiến trường. Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng trân trọng giới thiệu những trang nhật ký của nhà thơ Anh Ngọc trong thời gian này.
Ngày 9-4-1972
Từ ngày 8-4, chính thức ở đơn vị mới, Tiểu đội 4, Trung đội 2, Đại đội 4. Hôm nay, cần phải ghi nhanh về những cảm xúc ở đây. Nằm trong đáy rừng. Cây to. Trên bờ suối. Suốt đêm rì rào như nằm gần biển vậy. Nửa đêm chợt tỉnh giấc, bâng khuâng rất lạ. Nửa đêm mà cũng có tiếng chim. Bao nhiêu giấc mơ đồng bằng đều bị rừng phủ định. Không khí trong lành. Nằm rừng rất lạnh, nhất là lưng. Quả thật, mình đã bớt đi rất nhiều chất tiểu tư sản trẻ con xưa, nếu không thì không còn yên tĩnh nữa.
Nhớ lại hôm qua, dọc đường đầy bùn lầy, xe phải pa-ti-nê đến hàng chục lần, có lần vươn lên hàng chục lần không lên nổi. Và bom phá còn đầy dấu vết, xe đang bốc khói, trận địa hỏa tiễn đang sụp đổ.
Lái xe là đồng chí Sĩ rất hiền, mắt lé, nhỏ, da ngăm ngăm, nhỏ nhẹ như con gái. Tự nhiên anh ta mời mình và rất biết rõ mình, có thể biết quá mức nữa. Anh ta đọc Phạm Tiến Duật nhiều, thích (từ ngày vào chiến trường mình mới thật thấy hết uy tín của Phạm Tiến Duật, lính tráng đủ mọi loại đều thuộc và thích ông ta. Diễm phúc lớn quá cho ông ấy. Một suy nghĩ cho mình đó). “Đồng chí lái chính, đồng chí lái phụ và tôi”. Xe anh này đã liên tục đi tuyến Phú Thủy vào đây (Bộ tư lệnh B5) suốt. Có nhiều lần anh ta suýt chết. Mồng 1 Tết Dương lịch vừa rồi, địch đánh vào đoàn xe đang đỗ ăn Tết. Xe anh này cách 20m, thoát nhưng “kính vỡ đi rồi”. Anh ta nhỏ nhẹ, muốn tâm sự nhiều với mình nhưng không có thì giờ. Mình đã ba lô lên vai, chống gậy đi rồi. Bắt tay hẹn gặp nhau sau hòa bình vậy.
Nhà thơ Anh Ngọc (người không đội mũ) cùng đoàn phóng viên Báo Quân đội nhân dân tại Đông Hà (Quảng Trị, tháng 1-1975). Ảnh do tác giả cung cấp.
Có thể viết một cái gì về anh này không?
Đi cùng trên xe là một tốp lính K7, đây hoàn toàn là lính chiến. Rất sôi nổi. Đi một quãng lại có những đồng chí hát liên tục, ngâm thơ, thổi sáo. Một tình cảm gì đó rất lớn trong những lời đó. Vinh quang thay những nghệ sĩ đã sáng tạo những bài ca, bài thơ đang góp mặt giữa chiến trường cùng chiến sĩ.
Ngày 11-4-1972
Đang cùng đơn vị nghỉ để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới, chưa rõ đi đâu. Mưa rừng liên miên. Lạnh. Đang nghĩ một bài lục bát. “Nửa đêm tỉnh giấc trong rừng”. Sương mù từng mảng bay mờ mờ trên các vòm cây lưng núi. Ở xa không ai nghĩ rằng trong đáy rừng này lại có người, có một cuộc sống đầm ấm như vậy. Mưa gió, suối ngàn, chim muông và mọi thứ xa lạ khác đều ở quanh, nhưng nằm trong lán này, bên bạn bè thì ấm, yên dạ, đầy tình người. Lính tráng rất vui, nghịch không thể tả. Chim “khảm khắc” (từ quy) hót trong đêm.
Chúng nó hát đùa rất hồn nhiên:
“Nắng lên cho ghẻ ăn da
Cô em tay gãi, tay xoa nhịp nhàng”...
Ngày 13-4-1972
Đêm qua nằm mơ thấy gặp Phạm Tiến Duật. Rất buồn cười. Sáng nay nắng trong rừng. Cây rất cao, phải đến 20-30m, không rõ là những cây gì. Nắng lỗ chỗ trên thân cây. Ve đã kêu ran đâu đó. Lán nằm rải rác hai bên suối nhỏ. Thung lũng. Lá khô mục. Mòng rất nhiều. Chiến sĩ hết sức nghịch ngợm. Đùa suốt nhưng làm thì ra trò. Sắp sửa đi vào vùng giải phóng Quảng Trị rồi.
Đêm 16-4-1972
Hai ngày khủng khiếp nhất trong đời mình. Hôm qua hành quân suốt, 1 giờ chiều đến địa điểm. Bỏ ba lô là đi vác dây, leo một cái dốc khủng khiếp. Trên đường về tối mịt, không biết đường. Toàn thân bàng hoàng, nôn, chưa bao giờ mình như vậy. Không thể tưởng tượng.
Sáng nay lại đi tiếp, vác dây. Hai chuyến. Chuyến sau đi suốt từ 9 giờ đến 5 giờ chiều chưa tới, 14kg. Leo dốc liên miên. Không đến nơi. Bọn bạn bảo về mới về. Về đến nơi chỉ còn bò ra. Nằm gần như bất tỉnh nhân sự. Trong đời mình chưa bao giờ gặp những gì ghê gớm như vậy...
Bây giờ nằm trên võng. Ngón chân bỏng, phồng hết. Ê ẩm, ợ, đầy bụng. Không cơm cháo gì được. Không thể nào tưởng tượng...
Sáng 17-4-1972 (Trạm T2)
Nằm ghi chép trên võng. Nắng trên tăng rất nóng.
Hôm nay nghỉ vì không thể lê đi được nữa. Toàn thân bải hoải. Các ngón chân phồng to. Đầy bụng. Loạng choạng.
Nhớ lại ngày 15-4, ra đi rất sớm, trèo đèo lội suối, những con đường bé chỉ đi lọt một bàn chân, lau lách, gai góc, bùn lầy, không thể ngờ lại là đường của hàng vạn anh lính đi. Vác ba lô và 4kg gạo ê vai mới đến chỗ nghỉ, 1 giờ chiều. Mắc võng, nghỉ một tí lại bò đi vác cáp ngay. Rất xa và leo một cái dốc dựng đứng 80 độ, rất dài. Đi không cũng ngất đi huống gì vác cáp. Đến chỗ lấy cáp gần lặn mặt trời. Lấy cáp về, cùng một thằng bạn, dọc đường nghỉ, giơ tay xin lương khô “thanh niên xung phong”. Nói chuyện với các “ả” hỏa tuyến ở Nghệ An vào. Lần mò đi. Tối mịt. Trong rừng rậm con đường len trong lau lách lên xuống trập trùng. Không đèn pin, không bật lửa, không diêm. Đi được nửa đường, buồn nôn quá, người lao đao không đi được nữa. Đành bỏ dây lại bên đường, lần mò cuốc về. May gặp một toán đi sau nó kịp soi đèn cho về.
Nhà thơ Anh Ngọc trước khi vào chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ảnh do tác giả cung cấp.
Những tưởng là xin được nghỉ vì không thể đi được nữa. Nhưng hôm sau lại đi làm vì không muốn để họ nghĩ xấu. Phiền lắm, danh dự là cực kỳ quan trọng. Đúng là đi bằng đầu. Sáng hôm qua vác hai chuyến, chuyến đầu lên đỉnh dốc (cao và dài ghê gớm) thì quay lại. Gần 10 giờ vác chuyến thứ hai. Sáng chỉ ăn hai bát. Trèo đèo lội suối, leo dốc liên miên suốt đến lúc mặt trời còn một con sào nữa. Bọn đi sau đều vượt xa. Đến một doanh trại pháo mặt đất. Không sao lê lên được nữa. Bọn bạn bảo bỏ đấy mà về. Thế là đành. Bỏ. Giời sắp tối, con đường quá xa nên nhắm mắt lao. Thở không ra hơi nữa. Càng đến gần càng bủn rủn. Phải bò qua thân cây đổ nằm ngang mà đi. Về đến đây chập tối. Nằm vật ra, nhờ bọn chúng nó pha sữa cho uống, lấy nước nóng ngâm chân, không thể nhúc nhắc được.
Thật trong đời mình chưa bao giờ khủng khiếp đến dường này. Suốt thời bộ đội vừa rồi cũng không bao giờ có lúc như thế...
Chiến công của chiến sĩ thông tin rất thầm lặng nhưng cũng kỳ vĩ lắm. Không hy sinh xương máu mấy, nhưng vô cùng vất vả. Hai ngày nay mình đã nếm mùi và bắt đầu hiểu. Họ im lặng làm...
Đây là đợt phục vụ cho cuộc tấn công ở Quảng Trị đang tiếp diễn. Đang bao vây Đông Hà, La Vang, Ái Tử và thị xã Quảng Trị.
Tối 14-4, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc (Trung tá Lạc) đến báo cho biết kế hoạch gấp: Phải làm trong 5 ngày (hết 19-4) xong 150km đường dây phục vụ chiến dịch (bổ sung thêm một trung đội bộ binh). Từ 400, qua T2 (chỗ mình ở hiện nay) tít vào A33 (Tân Lâm, Cam Lộ), sau đó làm tiếp vào đơn vị bộ binh đang chiến đấu. Từ 400 đến A33 làm 2 đường cáp, 1 đường dây bọc. Từ ngày 15 đến 17 phải xong 40km cáp từ 400 đến A33.
Thương bọn trẻ vô cùng. Có những đứa hiền lành như trẻ con, phần lớn là học sinh cấp II. Không ít tuổi nhưng vẫn là tuổi đi học. Minh, Trí, Bì, Hùng, Bàng... Mình đang từ trên dốc xuống, thấy Trí (hiền lắm), Minh đi lên, è cổ. Thương, cảm động đến không cầm được nước mắt. Lạ thật.
Có những người rất lạ: Nhiệt tình, không nói nhiều mà làm rất khỏe. Đồng chí Thành vác 6 cuộn cáp, Bàng thường xuyên vác 4 cuộn cáp. Mỗi cuộn cáp nặng 7kg. Mình chỉ có thể vác 2 cuộn đã è cổ.
Thường xuyên nhịn ăn cả ngày là chuyện thường. Uống nước suối, ăn lương khô. Mà dốc thì khôn tả.
Đã vác dây vượt sông Bến Hải (giờ cạn chỉ như con suối rất nhỏ). Đến mảnh đất của miền Nam. Đến tận một khẩu đội pháo 122 ly vừa pháo kích vào Quảng Trị. Đến đầu Đường số 13, đang tiến vào Đường 9.
Lính rất nghịch, mà nói đùa thì thật là có sách và gọi đúng tên sự vật ra mà nói.
Nhất định phải viết về những chiến sĩ thông tin K4 trong chiến dịch này. Vì nó lớn quá, có lẽ nên viết cả văn xuôi và thơ...
Nhà thơ ANH NGỌC
(Sự kiện và nhân chứng, mục Thư – Nhật ký chiến tranh, số ra ngày 16/4/2022)