Sự khác biệt về mô hình bệnh tim mạch trên thế giới có liên quan đến các các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch. Yếu tố nguy cơ (YTNC) gây bệnh bao gồm 2 nhóm chính: Nhóm liên quan đến hành vi và nhóm liên quan các bệnh chuyển hóa.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch là các yếu tố đã được chứng minh có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh tim mạch. Những nghiên cứu cho thấy, các bệnh tim mạch thường gặp liên quan đến các yếu tố nguy cơ mang tính hành vi là hút thuốc lá, chế độ ăn và lười vận động thể lực. Điểm đặc biệt là, các YTNC thường đi thành chùm và thúc đẩy nhau theo cấp số nhân dẫn đến khả năng bị bệnh và bị bệnh sớm.
Cũng theo báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu 2017 (Lancet), các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch thường gặp, trong đó đứng đầu bảng là nguyên nhân ăn uống không hợp lý (Hình 1.5).
(Nguồn: Global health data 2017 http://ghdx.healthdata.org/)
a. Các yếu tố nguy cơ về hành vi thói quen
Hút thuốc lá (và các chế phẩm tương tự)
Có trên 1,3 triệu người trên thế giới đang hút thuốc lá, con số này có thể tăng lên 1,6 triệu vào năm 2013. Hút thuốc lá có liên quan đến cái chết của khoảng 5 triệu người (chiếm 9% tử vong chung), trong số đó có khoảng 1,6 triệu người chết liên quan đến bệnh tim mạch. Nếu vẫn tiếp tục theo xu hướng này, sẽ có khoảng 10 triệu người tử vong vào năm 2030 liên quan đến hút thuốc lá. Có sự chuyển dịch tỷ lệ hút thuốc lá tại các khu vực. Trước đây, hút thuốc lá chiếm tỷ lệ cao ở các nước thu nhập cao thì nay tỷ lệ lại cao ở các nước có thu nhập thấp - trung bình. Đặc biệt, tỷ lệ này rất cao ở các nước Đông Á và Thái Bình Dương, nơi mà việc tiếp cận thuốc lá và các chế phẩm khá dễ dàng do giá thành thấp và luật còn chưa chặt chẽ. Tại châu Á, cũng tồn tại nhiều dạng của thuốc lá (như thuốc lào, nhai trầu thuốc…) khiến cho việc kiểm soát càng khó khăn, thách thức. Vấn đề hút thuốc lá bị động cũng rất đáng báo động, việc này cũng đã được chứng minh gây ra cái chết của khoảng 600.000 người (không hút mà hít khói bị động). Việc cai thuốc, bỏ thuốc bất kể thời điểm nào cũng đều mang lại lợi ích đáng kể.
Chế độ ăn
Tổng lượng tiêu thụ calo trên đầu người đã tăng đáng kể cùng với sự tiến bộ của xã hội và mức sống. Tuy nhiên, sự tiêu thụ quá mức calo với các thực phẩm nhiều mỡ động vật, nhiều tinh bột, nhiều đồ chế biến sẵn… dẫn đến nguy cơ tăng sinh xơ vữa động mạch và thúc đẩy các nguy cơ tim mạch khác (như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid…). Chất béo chiếm dưới 20% lượng calo tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, dưới 30% tại Nhật Bản nhưng trên 30% ở Hoa Kỳ.
Trong khi xu thế khẩu phần ăn về chất béo bão hòa có xu hướng giảm đáng kể ở các nước thu nhập cao thì lại có xu hướng tăng nhanh chóng ở các nước thu nhập thấp - trung bình. Bên cạnh đó, tại các nước này, lượng tinh bột vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong khẩu phần. Điều này, khiến cho mô hình bệnh tật cũng đã thay đổi nhanh theo khu vực.
Vai trò của chế độ ăn với các bệnh lý tim mạch đã được chứng minh rõ. Chế độ ăn DASH (Di- etary Approaches to Stop Hypertension) và chế độ ăn Địa Trung Hải với tăng cường rau, củ quả, các hạt, cá; hạn chế chất béo không bão hòa, tinh bột, đồ ngọt, thịt động vật màu đỏ, giảm mặn… đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc THA và các bệnh lý tim mạch. Nghiên cứu PURE (2019) đã chỉ ra rõ thang điểm dinh dưỡng với các nguy cơ bệnh tim mạch.
Vấn đề giảm muối trong khẩu phần là rất quan trọng. Hướng dẫn của các Hội Tim mạch lớn (ESC, ACC/AHA) hiện nay khuyến cáo nên duy trì chế độ ăn dưới 5 g muối mỗi ngày.
Vấn đề uống rượu bia cũng đã được khuyến cáo rõ: Việc lạm dụng rượu bia làm gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Nên sử dụng rượu bia đúng mức nếu có thói quen này.
Ít vận động thể lực
Sự thay đổi đời sống xã hội hiện đại đã dẫn đến thay đổi trong sự vận động thể lực của con người. Lối sống thay đổi từ trạng thái vận động nhiều vì các công việc cần hoạt động trong nông nghiệp, công nghiệp truyền thống nay đã sang lối sống tĩnh tại nhiều hơn với các phương tiện giao thông đầy đủ, ngồi bàn giấy, giải trí điện tử…
Ngay tại Hoa Kỳ có tới 1/4 dân số không tham gia bất kỳ tập luyện thể dục nào, chỉ có một nửa người lớn là có tập thể dục ít nhất 3 lần/tuần. Tại các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam), với phương tiện đi lại cơ giới hóa, công việc tĩnh tại nhiều (ngay cả trong các khu công nghiệp), phong trào tập thể dục còn hạn chế… lối sống tĩnh tại đang ngày một phát triển và là nguy cơ dẫn tới các bệnh lý tim mạch và các nguy cơ tim mạch khác một cách rõ rệt.
Hiện các nghiên cứu đã chứng minh rất rõ về lợi ích của vận động thể lực trong việc làm giảm các nguy cơ tim mạch khác cũng như các bệnh lý tim mạch.
b. Các yếu tố nguy cơ tim mạch liên quan chuyển hóa
Rối loạn lipid máu
Trên toàn thế giới, tăng cholesterol máu được ước tính liên quan đến các biến cố bệnh ĐMV và đột quỵ não lần lượt là 56% và 18%; dẫn đến 4,4 triệu người chết hằng năm vì 2 bệnh này. Thực tế, lượng cholesterol huyết thanh đã tăng ở các nước đang chuyển dạng mô hình bệnh tật sang giai đoạn bệnh do thoái hóa. Tuy nhiên, một số nước thu nhập cao, lượng cholesterol trung bình lại có xu hướng giảm. Do vậy, tính chung toàn cầu, lượng cholesterol huyết thanh kể từ năm 1980 đến năm 2017 đã giảm với mức khoảng 0,08 mmol/L mỗi thập kỷ với nam giới và 0,07 mmol/L với nữ giới. Các nước có xu hướng giảm mạnh nhất là Australia, Bắc Mỹ, Tây Âu với mức giảm được lên tới (0,19 - 0,21 mmol/L). Trái lại, tại các nước Đông Á và Thái Bình Dương, mức này lại tăng hơn 0,08 mmol/L cả nam giới và nữ giới.
Sự thay đổi của cả xã hội và mỗi cá nhân do quá trình đô thị hóa chắc chắn liên quan đến tăng cholesterol bởi nồng độ này có xu hướng cao hơn ở vùng đô thị so với nông thôn. Sự thay đổi này chắc chắn bị ảnh hưởng của việc thay đổi chế độ ăn uống với nhiều thực phẩm nguồn gốc từ động vật và các món ăn chế biến sẵn bên cạnh sự giảm vận động thể lực đáng kể.
Tại các nước thu nhập thấp và trung bình, tăng cholesterol rất khác nhau giữa các nước, các quần thể dân cư.
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp (THA) là một chỉ dấu rất sớm của sự thay đổi mô hình bệnh tật. Trên toàn thế giới, THA là thủ phạm hàng đầu liên quan đến đột quỵ não (trên 60%) và bệnh ĐMV (trên 50%) và tổng số tử vong có liên quan đến THA hằng năm ước tính khoảng 10 triệu người.
Vấn đề đáng chú ý là ngưỡng chẩn đoán THA đã thay đổi, bởi nhiều biến cố vẫn xảy ra với những người có con số huyết áp dưới 140 mmHg (tâm thu). Hiện nay, ngưỡng và đích điều trị THA đã giảm đáng kể, đặc biệt tại Hoa Kỳ, chẩn đoán là THA khi số huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên.
Vấn đề đáng báo động là tại các nước thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ THA tăng dần đều theo các năm và khác nhau giữa các khu vực, cộng đồng. Tỷ lệ được phát hiện THA còn thấp (ước tính 50%) và đặc biệt số người được kiểm soát tốt huyết áp cũng rất thấp (từ 15 - 30%). Các nước thu nhập cao, số bệnh nhân THA tích lũy nhiều, tuy vậy, tỷ lệ được kiểm soát THA đã tăng lên và mức huyết áp trung bình đã giảm theo thời gian.
Tại các nước châu Á, tỷ lệ phát hiện THA còn thấp cũng như kiểm soát kém có thể lý giải về nguyên nhân còn nhiều bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não và xuất huyết não còn nhiều. Tốc độ THA thậm chí ở một số nước đang phát triển có thể tới 0,5 đến 1,0 mmHg mỗi năm.
Tính chung toàn thế giới, từ năm 1998 đến nay, số huyết áp có xu hướng giảm trung bình 0,8 mmHg trong một thập kỷ với nam và 1,0 mmHg với nữ.
Béo phì
Thực tế, nguy cơ béo phì với bệnh ĐMV đã được nêu rõ, tuy nhiên béo phì còn ảnh hưởng tới các bệnh tim mạch thông qua việc thúc đẩy các yếu tố nguy cơ khác như THA, đái tháo đường, rối loạn lipid máu… Theo báo cáo mới nhất của GBD (chương trình nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu) thì có khoảng 1,46 tỷ người thừa cân/béo phì (vào năm 2008). Tuy nhiên, tốc độ gia tăng cân nặng đang tiến triển nhanh trên toàn cầu. Từ 1975 đến 2014, tỷ lệ béo phì đã tăng từ 3,2% lên 10,5% ở nam và từ 6,4% đến 14,9%.
Chỉ số khối cơ thể BMI hiệu chỉnh theo giới cũng đã tăng đáng kể từ 21,7 lên 24,2 kg/m2 ở nam và từ 22,1 lên 24,4 kg/m2 ở nữ trong thời gian đó. Tỷ lệ thừa cân/béo phì đã tăng trong khoảng năm 1980 đến 2013, là từ 28,8% (95% UI, 28,4% - 29,3%) lên 36,9% (95% UI, 36,3% - 37,4%) ở nam và từ 29,8% (95% UI, 29,3% - 30,2%) lên 38,0% (95% UI, 37,5% - 38,5%) ở nữ.
Thừa cân/béo phì đã tăng trên toàn thế giới nhưng đáng lo ngại là tốc độ tăng rất nhanh ở các nước có thu nhập thấp và trung bình và có xu hướng trẻ hóa. Vào năm 2015 có tới 107,7 triệu trẻ em và vị thành niên béo phì và 603,7 triệu người lớn béo phì (theo tiêu chuẩn BMI > 29 kg/m2).
Đái tháo đường
Vừa là hậu quả, vừa là bệnh đồng mắc cùng với thừa cân béo phì và ít vận động thể lực nói trên, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường type 2 đã gia tăng nhanh chóng. Cũng theo báo cáo của GBD năm 2017:
- Tỷ lệ đái tháo đường đã tăng tới 119,1% ở nam và 106,1% ở nữ tính từ năm 1990 đến năm 2016. Trong đó có 198,7 triệu nam giới và 184,7 triệu nữ giới mắc đái tháo đường trên toàn thế giới năm 2016.
- Tỷ lệ tử vong liên quan đến mức đường huyết lúc đói thấp nhất ở các nước Tây Âu, Australia và New Zealand. Tỷ lệ tử vong liên quan đến mức đường huyết lúc đói cao hơn ở các nước Tây Thái Bình Dương, Nam Á, sa mạc Sahara châu Phi, Bắc và Trung Phi và Trung Mỹ và các nước Mỹ La Tinh.
- Tỷ lệ mắc đái tháo đường cao nhất ở vùng đảo trên Thái Bình Dương, Trung Mỹ và các nước Bắc/Trung Phi. Các nước Nam Á và Đông Nam Á là những nơi có tỷ lệ đái tháo đường gia tăng nhanh nhất.
- Gánh nặng chi phí cho đái tháo đường ước tính 1,3 nghìn tỷ USD năm 2015 và tăng lên đến 2,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030.