Khi còn nhỏ tuổi, người thầy thuốc được tôi hình dung là có thể giải quyết mọi bệnh nan y với chiếc áo blu trắng, cái ống nghe, sau lưng là một tủ kính chứa đầy dụng cụ y học, sách vở, mà chỉ cần đọc qua là các hướng điều trị đã xuất hiện rồi… Sau này, tôi thấy ngoài việc chữa bệnh, người thầy thuốc còn phải phòng được bệnh, lo sao cho cộng đồng được ăn ở sạch và phải dạy cho đồng nghiệp, sao cho con người có một cuộc sống vật chất và tinh thần thật thỏa mái, theo tinh thần của tuyên ngôn Alma Ata (Kazakhstan-1978).
Với tinh thần đó, tôi đã đón nhận tập tài liệu do các bác sĩ công tác tại Viện Tim mạch với sự hồ hởi của một người làm tim mạch dành cho đồng nghiệp của mình. Một lần nữa, tôi xin cảm ơn Viện trưởng Phạm Mạnh Hùng, người đã dành tâm huyết cho tập tài liệu này được ra đời và tất cả những anh chị em đã góp phần xứng đáng của mình cho “LÂM SÀNG TIM MẠCH HỌC”, có thể gọi đây là một “Cuốn sách Giáo khoa” về tim mạch, hay đúng hơn, một “Cuốn sách chuyên đề” ( Traité).
Nhiều vấn đề về tim mạch của người trưởng thành đã được cuốn sách đề cập đến, các tác giả là những người theo dõi sát sao người bệnh, đã có điều kiện áp dụng các biện pháp chẩn đoán, điều trị kinh điển và hiện đại. Họ đã có điều kiện, thời gian cần thiết để đánh giá các phương pháp đã sử dụng. Tôi đánh giá cao điều này, vì thấy rõ qua lâm sàng: Thực tế là thước đo đáng tin cậy nhất.
Khi trình bày một vấn đề với đầy đủ mọi khía cạnh và tập hợp ý kiến của nhiều tác giả thì rất khó tìm được sự cô đọng, ngắn gọn, cũng như sau nhiều năm học, phải lao tâm khổ tứ nhưng bản lĩnh của một học viên có khi chỉ được thể hiện trong một tình huống nhất định thôi. Cuốn sách này có một ưu điểm là đã nêu được tên những tác giả chính đã góp phần vào việc xây dựng nền Y học ngày nay nhưng theo tôi, không nên bỏ qua một số tác giả Việt Nam, ví dụ Giáo sư Đặng Văn Chung tác giả của “Bệnh học Tim Mạch” do Bộ Y tế xuất bản: Chúng ta tiến bộ là đã biết đứng trên vai người khác, tác giả Việt Nam đã biết đúc kết kinh nghiệm Việt Nam đã được kiểm chứng, thì cũng đáng được đứng trên vai chứ?
Tôi rất trân trọng cuốn sách này và xin phép giới thiệu với bạn đọc để chúng ta tham khảo.
GS.TSYH. Phạm Gia Khải
NGND.AHLĐ. Nguyên Viện trưởng viện Tim mạch Việt Nam
Nguyên Chủ tịch hội Tim mạch học Việt Nam
Nguyên chủ nhiệm bộ môn Tim Mạch, trường đại học Y Hà Nội