Tục ngữ có câu: “Mắt không nhìn thì miệng không tham ăn; tai không nghe thì tâm không phiền não”. Biết được một điều gì đó sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, nhưng đôi khi “không biết gì” cũng là một điều hạnh phúc.
Mọi người chỉ trích sau lưng ta, nếu ta không biết gì về điều đó thì chuyện sẽ tự nhiên mà trôi qua. Có vài chuyện ưu phiền, nếu ta không nhớ đến thì chúng cũng tự nhiên biến mất. Có người muốn mưu hại ta, có người muốn lợi dụng ta, nhưng bởi vì ta không biết nên tâm chẳng vướng mắc gì, tự nhiên mà đối đãi bình thường. Những người bạn tốt của chúng ta, không may gặp phải vài chuyện khó khăn, nhưng bởi không biết nên ta không hề bị phiền não. Người nhà nảy sinh bất hòa, nhưng do ta không biết gì nên không phải lo lắng, bất an.
“Không biết” cũng có điều kỳ diệu vô cùng của sự không biết.
Bạn ăn vụng sau lưng tôi, vì không biết nên tôi sẽ chẳng tranh giành. Bạn có rất nhiều đồ vật giấu giếm tôi, vì không biết nên tôi sẽ không sinh lòng ghen tỵ. Ngày mai có vài chuyện không tốt, vì không biết gì thế nên ngày hôm nay tôi vẫn sống rất vui vẻ. Năm sau có vài tai họa nguy hiểm, bởi vì không biết trước điều đó, cho nên năm nay tôi vẫn sống rất nhẹ nhàng.
Con người thường mong muốn bản thân hiểu biết thật nhiều, nhưng kỳ thật biết càng nhiều phiền não càng nhiều. Sự hiểu biết không chỉ là nguồn gốc của phiền não mà có lúc còn sinh ra bệnh tật, trở thành “ngu si”. Trong xã hội tồn tại những kẻ được gọi là “tội phạm trí tuệ cao”, đó là do những kẻ ấy biết quá nhiều, kiến thức quá phong phú, kết quả là thông minh đã phản ngược lại thông minh, chính thông minh, toan tính đủ điều đã dẫn đến sai lầm.
Thậm chí, sự phát triển của khoa học kỹ thuật ngày nay cũng mang lại đau khổ nhiều hơn và lớn hơn cho nhân loại. Chẳng hạn như, con người đã phát minh ra các loại vũ khí: súng đạn, bom nguyên tử, năng lượng hạt nhân, v.v. kết quả là khả năng sát thương của chúng càng khủng khiếp bao nhiêu, đau khổ của con người càng tăng lên bấy nhiêu. Cho đến việc phát minh ra ô tô, máy bay, v.v. dẫn đến tai nạn giao thông xảy ra liên tục, tai nạn hàng không ngày càng nhiều. Đặc biệt là công nghệ ADN - công nghệ giải trình gen tiên tiến nhất trong hiện tại, cũng đã làm ảnh hưởng đến hạnh phúc mỹ mãn của nhiều gia đình. Bởi vì công nghệ này đã phát hiện ra những cặp vợ chồng vốn là anh em ruột thịt với nhau; những đứa con được bố mẹ thương yêu, chăm sóc hết mực lại mang dòng máu của người khác, v.v.
Ôi, nhân tình thế thái, những “hiểu biết” như vậy thật chán chường xiết bao!
Mỗi người đều có quyền “được biết”, nên mới có câu nói “biết trước mới vui”. Nếu mình là người biết đầu tiên thì dĩ nhiên sẽ cảm thấy đắc ý. Tuy nhiên, giả sử khi là người đầu tiên nghe được cuộc phỏng vấn, chứng kiến được hình ảnh về những vụ án giết người đẫm máu trên ti vi, những cái “biết trước tiên” như thế không lẽ cũng khiến bạn cảm thấy thú vị sao?
Trong xã hội có rất nhiều chuyên gia và học giả biết rõ ngọn ngành chuyện đại sự của quốc gia thiên hạ, thậm chí còn biết được những chuyện từ xưa đến nay, thử hỏi họ có thật sự cảm thấy vui vẻ hay không?
Vậy nên, những lúc cần biết thì nên biết, bởi vì cái gì cũng không biết sẽ bị coi là ngu dốt; những lúc không nên biết thì cũng không cần biết làm gì. Do vậy mới nói: “Kẻ tài trí giả ngu không biết” để không đánh mất niềm tự tại vốn có ban đầu.
Mọi việc trên thế gian cũng chính từ sự khác nhau trong nhận thức mà nảy sinh sự tính toán, lo sợ được mất. Do vậy, Đại sư Tăng Triệu đã viết Luận Bát nhã vô tri, lấy cảnh giới cao nhất của trí tuệ bát nhã là “vô minh nhi tri” (vô minh mà biết) và cũng chính từ Đại viên cảnh trí1 không phân biệt mà có thể hiểu rõ toàn bộ những sự việc trước mắt, đây mới là hiểu biết chân chính trọn vẹn. Nếu không thì khi đối mặt với chuyện đời rối ren, chẳng thà giữ thái độ “biết mà giả vờ không biết”, bởi không biết vốn có niềm vui của sự không biết!
1 Trí như một tấm gương lớn, giúp người nhìn vạn vật với một tâm thức vô ngã, không muốn chiếm đoạt, biết phân biệt đúng sai, chấp nhận vạn vật với mỗi sắc thể riêng của nó.