Trong xã hội hiện đại ngày nay, khá nhiều người không hiểu rõ về đạo lý, không những đã ngu si sai lầm điên đảo, mà có khi họ còn mang những thứ đạo lý không phải là đạo lý ấy, rồi cố chấp cho đó là đạo lý, tưởng rằng mình đúng mà thực ra lại sai. Thế nên đạo lý nghiễm nhiên đã trở thành “không phải giới nhưng cho là giới rồi chấp chặt”, “khư khư chấp vào giới, tự trói buộc mình vào những cấm chế mà chẳng màng đến phương tiện độ sinh”, đó mới là điều đáng sợ.
Có một học sinh gian lận trong lúc làm bài thi, thầy giáo nói: “Tôi cảnh cáo em, em đã xem lén bài bên cạnh đến ba lần rồi”. Học sinh thưa: “Thưa thầy, thầy không cần nhắc nhở em đâu, thầy nên nhắc nhở bạn ấy kìa, vì bạn ấy viết chữ vừa nhỏ vừa cẩu thả, nếu không thì em chỉ cần xem qua một lần là đủ rồi”.
Thật khó hiểu tại sao trong cuộc sống lại có thể tồn tại kiểu học sinh ngang nhiên nói những lời ngụy biện như thế với thầy giáo, lý lẽ trái ngược như vậy thật sự đáng sợ!
Có một người đi xe máy vượt đèn đỏ, anh ta bị cảnh sát chặn lại hỏi: “Tại sao anh lại vượt đèn đỏ? Anh không nhìn thấy đèn đỏ à?” Người lái xe trả lời: “Thưa cảnh sát, đèn đỏ thì tôi có thấy, chỉ là tôi không thấy anh mà thôi”.
Những lời tréo ngoe như vậy mà anh ta cũng nói ra được thành lời!
Lại có câu chuyện, đứa cháu không ngoan nên bị ông nội cho một cái bạt tai. Cha của đứa bé thấy thế trong lòng cảm thấy khó chịu, lập tức tát vào mặt mình một cái. Ông nội bèn hỏi: “Sao con lại tự tát mình như thế?” Người con trả lời: “Vì cha đánh con của con, nên con cũng đánh trả lại con của cha”.
Thật không thể tưởng tượng được trên thế gian này lại có người nói ra những luận điệu ngang trái như vậy!
Có tên trộm nọ đã lấy đi 3.000 tệ của người kia, chẳng may bị người đó bắt được và tra hỏi: “Tại sao anh lại lấy trộm tiền của tôi?” Tên trộm nói: “Trong ví anh có tới 5.000 tệ, tôi chỉ trộm mất 3.000 tệ, anh tính toán với tôi làm gì?”
Những hành vi sai trái, bất chính như thế quả thật rất đáng sợ!
Phật giáo thường đề cập đến “chân lý” và sự giới hạn có điều kiện của chân lý. Muốn biết một câu nói, một sự việc có lý hay là không thì hãy trả lời các câu hỏi: Việc đó có mang “tính phổ biến” không? Việc đó có đảm bảo “tính chắc chắn” không? Việc đó có “tính bình đẳng” không? Việc đó có “tính lâu dài” hay không?
Nếu một sự việc có đầy đủ những điều kiện như thế thì mới được coi là chân lý, còn nếu không đảm bảo đầy đủ những điều kiện này thì đó là điều bất chính, là điều sai trái. Người nào cứ dựa vào những điều bất chính, sai trái để làm việc thì sẽ không được mọi người chấp nhận. Vì thế, chúng ta không thể không cẩn thận.
Một người kiếm chuyện vô cớ đã đủ đáng sợ rồi, nếu họ còn tiếp tục làm thêm những điều bất chính, những chuyện sai trái đổi trắng thay đen nữa, thì hạng người này thật sự đáng sợ hơn hạng người vô lý rất nhiều lần.
Trong thiền đường của các chùa viện Phật giáo ngày xưa, người có lý cũng bị ăn ba gậy, người vô lý cũng bị ăn ba gậy, bị đánh chừng nào không còn lý để nói nữa thì mới thôi, gọi là “đánh chết những tạp niệm, để chân lý sáng tỏ”, câu này cũng không phải là không có đạo lý!