Ở Phật Quang Sơn có câu “Bất nhị môn”, câu này có ý nghĩa gì?
Có thể hiểu một cách đại khái thế này, Phật Quang Sơn lưng quay về phía Bắc, mặt nhìn về hướng Nam. Ngày nào cũng vậy, sáng sớm mặt trời ló dạng từ phía Đông, chiều tà buông xuống thì lặn về hướng Tây; mọc như chưa từng mọc và lặn như chưa từng lặn. Hình dung nó thế nào thì đó chính là ý nghĩa của hai từ “bất nhị”.
Con người có sinh ra, cũng có chết đi. Mặt trời mọc, như con người được sinh ra; mặt trời lặn, cũng như con người chết đi. Sinh cũng như chưa từng sinh, sinh rồi phải chết; chết cũng như chưa từng chết, vì phải tiếp tục sinh ở kiếp khác. Cho nên, về căn bản thì đời người “sinh tử không hai” vậy.
Có người nói rằng: Văn hóa Trung Quốc là văn hóa của phương Đông, văn hóa Âu Mỹ là văn hóa phương Tây. Văn hóa phương Đông đề cao tinh thần nhân văn, đây chính là “thể”; văn hóa phương Tây thì đặt nặng ứng dụng khoa học, đó chính là “dụng”. Văn hóa giữa Đông và Tây biểu thị cho thể và dụng không tách làm hai, đây cũng chính là ý nghĩa của “bất nhị”.
Bất nhị môn ở Phật Quang Sơn được lấy từ ý nghĩa của câu “Bất nhị pháp môn” thuộc Kinh Duy Ma. Trong Kinh Duy Ma chép: Một ngày nọ, cư sĩ Duy Ma Cật bị bệnh, Bồ tát Văn Thù dẫn các vị Bồ tát khác đến thăm hỏi, lúc này đôi bên cùng thảo luận đến ý nghĩa của “bất nhị pháp môn” ngay tại nhà của cư sĩ Duy Ma Cật.
Trước tiên, ba mươi mốt vị Bồ tát có mặt ở đó đều đưa ra ý kiến, mỗi vị một quan điểm riêng. Cuối cùng, Bồ tát Văn Thù nói: “Dựa theo sự hiểu biết của tôi, đối với tất cả các pháp thì không nên nói cũng không nên bàn luận, không bày ra cũng không biết đến, từ bỏ chuyện hỏi đáp, như thế mới thâm nhập được vào ‘bất nhị pháp môn’!”
Sau khi nói xong, Bồ tát Văn Thù hỏi lại Duy Ma Cật: “Bây giờ đổi lại tôi sẽ hỏi cư sĩ, Bồ tát thâm nhập vào bất nhị pháp môn bằng cách nào?” Lúc ấy Duy Ma Cật im lặng không nói. Các vị Bồ tát đều lấy làm lạ, duy chỉ có Bồ tát Văn Thù có trí tuệ siêu việt mới hiểu được ý nghĩa thâm diệu này.
Ngài liền nói với các vị Bồ tát rằng: “Lành thay, lành thay! Thậm chí không có lời nói chữ viết, mới thật sự thâm nhập vào bất nhị pháp môn”. Triết lý nhân sinh cao đẹp và vi diệu này thật khiến người ta không thể không khen ngợi.
Trên thế gian này có thiện - ác, là thiện thì chẳng phải ác, là ác thì không phải thiện, chúng ta buộc phải phân định rạch ròi. Đúng - sai, là đúng thì không sai, là sai thì không thể đúng, chúng ta phải phân biệt rõ ràng. Cho đến tốt - xấu, lớn - nhỏ cũng vậy, bởi các pháp trên thế gian, chắc chắn có một phải có hai, phải thừa nhận sự thật này.
“Bất nhị” là pháp xuất thế đứng đầu trong tất cả các pháp. Đức Phật dạy: “Phiền não chính là bồ đề”, theo lý đây chính là bất nhị. Như quả dứa, quả hồng khi còn non rất chua và chát, trải qua một thời gian thấm đủ gió sương; đến lúc đủ nước, đủ ánh sáng mặt trời và hội đủ nhân duyên, chúng lớn lên và chín mọng, trở thành ngon ngọt, từ đó có thể thấy được chua tức là ngọt, ngọt không tách khỏi chua. Vì thế, phiền não cũng tức là bồ đề, đây chính là pháp xuất thế.
Quan sát thế gian bằng pháp xuất thế là dựa trên lý để tỏ ngộ, nhưng lúc chưa được giác ngộ, thì không thể dựa theo lý mà bỏ sự. Chúng ta có thể dùng lý để hiểu sự, có thể từ sự việc mà hiểu rõ nghĩa lý, có thể “lý sự đồng thời, sự lý viên dung”, như thế mới là “bất nhị” chân chính.
Nếu chúng ta có thể áp dụng triết lý “bất nhị pháp môn” vào đời sống thực tại, thì “ta và người như nhau”, “người với ta không hai” vậy.