Trên thế gian, chuyện tốt vốn dĩ rất nhiều, thế nhưng “quan tâm” là chuyện tốt mà mỗi chúng ta cần nên làm nhất. Người di dân hoài niệm tổ quốc, kẻ xa nhà nhung nhớ gia đình, cha mẹ quan tâm con cái, hay việc chăm sóc những người thân bệnh tật, v.v. Quan tâm là chuyện đáng làm nhất.
Quan tâm trong giao tiếp là tôn trọng nhau, là trân quý sự hiện diện của nhau. Quan tâm được thể hiện rất rõ ràng trong cuộc sống hằng ngày, ví dụ như: Ở nhiều quốc gia, sáng sớm gặp nhau, dù cho người đó có quen hay không quen, họ đều nói: “Bạn có khỏe không?” Thậm chí khi gặp gỡ nhau, người Trung Quốc thường chào nhau bằng việc hỏi han: “Bạn đã ăn cơm chưa?” Việc chào hỏi như thế cũng là một cách thức bày tỏ sự quan tâm.
“Khói lửa liên miên suốt ba tháng, thư nhà đáng giá muôn lạng vàng”, bởi vì trong lúc nguy hiểm gian nan, nếu có thể nhận được tin tức người thân vẫn an toàn, quả thật đáng quý hơn ngàn vạn lạng vàng. Cho nên, người thân xa cách muôn dặm, có thể gọi cho nhau một cuộc điện thoại, gửi một lá thư cũng là thể hiện sự quan tâm với nhau.
Lắng nghe ai đó bộc lộ tâm tư là thể hiện sự quan tâm, thường xuyên thăm hỏi là thể hiện sự quan tâm. Một món quà phù hợp, lời chia sẻ khi gặp tai họa, lời động viên nhắn nhủ thăm hỏi khi bệnh tật, lời chia buồn tới tang gia, lời chúc tốt lành thi cử, lời chúc mừng đám cưới, v.v đều thể hiện một tấm lòng tốt, một tình bạn thân, một kiểu chúc phúc và một mối kết giao.
Đặc biệt, đối với những người đang trong hoàn cảnh đau khổ, yếu đuối, ngã lòng hay thất bại càng cần đến sự quan tâm của người khác. Một cuộc điện thoại khích lệ, một lá thư thăm hỏi, một cuộc gặp gỡ đúng lúc, v.v. những điều này đôi khi cũng có thể là một bước ngoặt thay đổi cuộc đời của người khác.
Thể hiện sự quan tâm thật lòng bao giờ cũng quan trọng hơn hỗ trợ về vật chất, tiền bạc. Trong xã hội phát triển ngày nay, hầu hết những người tốt có tấm lòng thiện lương thường sẵn lòng sẻ chia yêu thương “người đói ta đói, họ yếu ta yếu”, cứu ngặt giúp nghèo, hỗ trợ hết lòng cho những hoàn cảnh khó khăn. Đối với người già yếu lại càng nên được quan tâm, người nghèo khổ lại càng hy vọng được chăm sóc.
Bởi vì, cứu giúp có thể khiến người khác cảm thấy ngại ngùng, nhưng quan tâm sẽ giúp họ nhận được sự khích lệ và cổ vũ. Cho nên, đối với đệ tử Châu Lợi Bàn Đà Già khờ khạo thì Đức Phật quan tâm, còn đối với Ni Đề gánh phân thì Ngài thân cận. Hơn nữa, Đức Phật từng dạy, đối với những chúng sinh đang tật bệnh đau khổ thì càng nên bày tỏ sự quan tâm chăm sóc.
Từ nhỏ đến lớn chúng ta đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, thế nhưng chúng ta đã từng quan tâm đến bao nhiêu người rồi?
Trước khi học cách quan tâm đến người khác thì phải hiểu được cách yêu thương chính mình. Khi mùa xuân đến bạn có gieo hạt giống không? Kỳ thi quan trọng sắp tới, bạn có ôn tập không? Chuẩn bị đến bữa trưa bạn có đi nấu cơm không? Khách đến nhà chơi, bạn tiếp đãi có hết lòng không?
Có hai câu thơ thế này:
Nghèo ngay phố đông không ai hỏi
Giàu sâu núi thẳm lắm kẻ thăm.
Do đó, chúng ta không nhất thiết phải nhớ đến những người giàu sang phú quý, nhưng hãy dang rộng vòng tay nhân ái để quan tâm giúp đỡ người nghèo khó túng thiếu, có lẽ điều ấy còn đáng trân quý hơn núi vàng núi bạc. Thế nên mới nói, việc “thêu hoa trên gấm” không gọi là quan tâm, có thể “sẻ chia củi than trong băng tuyết” mới chính là sự quan tâm tuyệt vời nhất!