Điều quan trọng nhất của đời người không gì khác ngoài sức khỏe. Một người mà một thân thể yếu ớt, đủ thứ tật bệnh thì cho dù tiền tài rủng rỉnh, của cải đầy kho, gia đình sung túc, danh lợi đủ đầy, v.v. thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Theo thống kê, nguyên nhân dẫn đến cái chết của con người bao gồm:
Bệnh tật: HIV/AIDS, lao phổi, ung thư gan, tim mạch, v.v. những căn bệnh này được xếp vào hàng những căn bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
Chiến tranh: Kể từ khi con người tiến hóa, các cuộc chiến tranh lớn nhỏ diễn ra liên tiếp không ngừng. Chiến tranh không chỉ là đạn lửa vô tình, mà còn mang theo những nỗi đau thương mất mát bởi sự tàn nhẫn hiểm độc của kẻ thù. Chẳng hạn như sự kiện mười ngày ở Dương Châu (1645)1; chuyện liên minh nhà Thanh do Đa Nhĩ Cổn dẫn đầu ba lần tàn sát nhà Nam Minh (Gia Định tam đồ 1645); hay vụ thảm sát ở Nam Kinh (1937); v.v. đã cho thấy mức độ tàn khốc của chiến tranh là lớn như thế nào, con số tử chiến là không thể đếm được.
1 Mười ngày ở Dương Châu là một cuộc thảm sát kéo dài mười ngày do quân đội nhà Thanh tiến hành sau khi lấy được thành Dương Châu từ chính quyền Nam Minh vào ngày 20 tháng 5 năm 1645. Theo sách Dương Châu thập nhật ký, số người bị giết trong sự kiện này lên tới 800.000 người, tuy nhiên một số học giả cho rằng con số trên đã bị phóng đại.
Những tai nạn không ngờ tới: Cho dù khoa học kỹ thuật phát triển hiện đại như thế nào thì số lượng người chết bởi tai nạn giao thông, động đất, gió bão, lũ lụt, v.v. mỗi năm vẫn tăng cao một cách chóng mặt, chưa thấy có dấu hiệu giảm bớt.
Tử hình: Trong lịch sử, việc thiêu đốt kinh sách, chôn các Nho sĩ của Tần Thủy Hoàng, v.v. cho thấy các bậc trí thức, những nhà tư tưởng, chính trị gia phạm tội đã chết dưới lệnh của các vua chúa phong kiến nhiều vô số. Hiện nay, mỗi năm trên thế giới, số người phạm tội bị đưa ra pháp trường thi hành án cũng lên đến hàng nghìn hàng vạn người.
Những nguyên nhân khác: Như tự sát, tuổi già kiệt sức, đều được nêu ra ở đây.
Đời người khi không còn hơi thở, sức khỏe sa sút, thì mọi thứ xung quanh cũng chỉ là vô nghĩa. Từ đây có thể thấy, sức khỏe thật sự quan trọng biết nhường nào! Vậy thì, chúng ta làm thế nào để có được sức khỏe tốt?
Theo các chuyên gia y học, phương pháp nâng cao sức khỏe chia thành ba cấp độ: Thứ nhất, chăm chỉ vận động (mỗi ngày ít nhất phải đi được 10.000 bước chân); thứ hai, có một chế độ ăn uống thanh đạm, điều độ; thứ ba, đổi mới tư duy, nâng tầm trí tuệ.
Trong Phật giáo cũng chia làm hai phương pháp điều trị: Thứ nhất, về sức khỏe tinh thần cần giữ gìn nội tâm thanh tịnh, khoan dung, từ bi, v.v. Thứ hai, về sức khỏe thể chất cần thường xuyên lễ bái, thiền hành, lao động chấp tác, v.v.
Để có được một sức khỏe đích thực thì phải hội tụ đủ ba điều: Một là, làm những việc hữu ích, thiết thực cho xã hội; hai là, tự tu dưỡng, thanh tịnh thân tâm; ba là, phải có những cống hiến hoặc những ảnh hưởng có giá trị nhất định đến thế hệ mai sau.
Với nền y học phát triển hiện đại, việc dùng gen di truyền không chỉ để chữa bệnh, duy trì sức khỏe mà còn có thể nhân giống các loại động vật như trâu, dê, v.v. Tuy nhiên, việc phát triển xã hội trong tương lai dựa trên công nghệ gen hẳn sẽ có những mặt lợi và hại, bởi vì việc làm này cũng có nhiều nhân duyên quả báo.
Ngay trong hiện tại, sức khỏe của chúng ta là tốt hay không tốt cũng có một phần được quyết định do kết quả của những nhân duyên trong đời quá khứ. Cho nên, hễ chúng ta còn hiện hữu trên thế giới này, thì nhất định phải biết trân quý, giữ gìn sinh mạng và suy nghiệm những hành động, việc làm của mình sẽ ảnh hưởng đến quả báo tương lai như thế nào. Dù là khỏe mạnh hay ốm đau, may mắn hay xui xẻo, hạnh phúc hay khổ đau, v.v. suy cho cùng cũng đều có nhân duyên quả báo cả.
Tựu trung, sức khỏe là điều mà ai ai cũng luôn mong cầu và gìn giữ. Chúng ta cần phải hiểu rằng, sức khỏe của mỗi người không phải từ bất kỳ vị thần tối cao nào ban cho, cũng chẳng thể mua bán đổi chác được bằng vàng bạc của cải. Chúng ta có được sức khỏe hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức và hành động thực tiễn của bản thân đối với nhân duyên quả báo mà thôi!