Ở Trung Quốc, số 7 được coi là một con số kỳ diệu, như: thất xảo1, thất tinh2, thất thái3 thất luật4. Trong Cơ Đốc giáo cũng có thuyết “Bảy ngày hình thành nên vũ trụ”; một tuần có bảy ngày, hàng tuần con chiên lên giáo đường làm lễ một lần vào ngày Chủ nhật. Trong Phật giáo cũng có thiền thất5, tịnh thất6,cho đến con số 7 - 7 - 49 cũng biểu thị ý nghĩa vô hạn. Do đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng số 7 vốn dĩ là con số biến hóa tuyệt diệu, là con số hàm chứa sự vô tận.
1 Còn gọi là Thất xảo bản, bắt nguồn từ một chiếc bàn có chân thấp gọi là “yến kỷ”. Yến kỷ được dùng trong yến tiệc, kiểu bàn này tương đối thấp, thường dùng để khách ngồi. Đến thời Tống, yến kỷ được cố định làm bảy chiếc. Thất xảo bản là do năm hình tam giác (hai hình tam giác to như nhau, hai hình tam giác nhỏ như nhau, một hình tam giác trung bình), một hình vuông và một hình bình hành tạo thành. Bảy phần của Thất xảo bản có thể ghép thành một hình vuông to. Cho nên, bảy chiếc bàn yến tiệc của thời cổ khi ghép lại với nhau thì thành một chiếc bàn vuông to. Các cạnh trong bảy phần của Thất xảo bản không có độ dài một cách tùy ý, mà phải đặc biệt để khi ghép hình sẽ rất dễ dàng trộn lẫn và ghép thành các kiểu hình dạng khác nhau; cùng một hình có thể dùng nhiều cách khác nhau để ghép thành. (Bí mật Toán học, Tuân Minh biên dịch, Nxb. Lao Động, 2007)
2 Là chòm bảy ngôi sao, tức Đại Hùng tinh, còn gọi là sao Bắc Đẩu.
3 Bảy màu sắc cầu vồng.
4 Hay còn gọi là thất ngôn bát cú. Là loại thơ mỗi bài có tám câu, mỗi câu bảy chữ, có quy định chặt chẽ về niêm, luật, vận, đăng đối, v.v.
5 Thiền thất là một hình thức hành trì của Thiền tông Trung Quốc, có nguồn gốc từ sự kiện Thái tử Tất Đạt Đa ngồi thiền bảy ngày dưới cội Bồ đề mà chứng ngộ, lấy hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Hành giả chuyên tâm hành thiền trong thời gian bảy ngày được gọi là “đả thiền thất”.
6 Gần giống với Thiền thất, thay vì ngồi thiền, hành giả thực tập pháp môn niệm Phật cầu sinh Tịnh độ.
Tuy nhiên, xuất phát từ quan niệm của Đạo giáo, vào lễ Trung nguyên phổ độ1, âm phủ sẽ mở cửa cho âm hồn ngạ quỷ lên dương gian, nên từ xa xưa người Trung Quốc luôn quan niệm tháng 7 là tháng cô hồn, tháng của những xui xẻo và kiêng kỵ, một tháng mà không có việc gì thuận lợi. Cho nên trong tháng 7, người ta không nên làm bất cứ việc gì trọng đại (xuất hành, kết hôn, mua nhà, chuyển nhà, v.v.). Theo dân gian, ai cũng cho rằng tháng 7 là một tháng xấu và bất an.
1 Là một ngày lễ quan trọng của người Trung Quốc, diễn ra trong tháng 7 âm lịch, còn gọi là tiết Trung nguyên hoặc tiết Vu lan bồn. Quan niệm của Đạo giáo cho rằng tiết Trung nguyên bắt đầu từ ngày mồng 1 tháng 7, là ngày “khai mở quỷ môn”, cho đến ngày 30 tháng 7, là ngày “đóng cửa quỷ môn”. Đây là tiết của quỷ, là khoảng thời gian âm phủ, âm ty mở cửa địa ngục cho các loài quỷ lên dương thế để thọ hưởng sự cúng tế và nhận đồ thế chấp của người thế gian, cũng như tìm người thế mạng.
Thực ra trong Phật giáo, ngày 15 tháng 7 là ngày chư Phật hoan hỷ. Tại đất nước Ấn Độ, vào thời Đức Phật còn tại thế, khi mùa mưa đến, cũng tức là mùa “kiết hạ an cư”, các vị Tăng sĩ không ra ngoài khất thực mà chỉ ở trong rừng núi tọa thiền, kinh hành, chuyên tâm tu trì. Trải qua thời gian ba tháng, đến ngày 15 tháng 7 mới kết thúc mùa an cư. Lúc này, các vị đệ tử trình bày thành quả tu tập và hành trì trong thời gian an cư kiết hạ của mình lên Đức Phật, mong được sự chỉ dạy của Ngài. Cũng chính vì vậy, ngày này được gọi là ngày Tự tứ của chư Tăng, hay còn gọi là ngày chư Phật hoan hỷ.
Từ xưa đến nay, mỗi khi đến tháng 7 âm lịch, tu sĩ cùng Phật tử ở các chùa và tự viện thường tổ chức pháp hội Vu lan nhằm báo hiếu song thân, tưởng nhớ tổ tiên và hồi hướng công đức. Tại Phật Quang Sơn cũng cho rằng tháng 7 là: tháng cát tường, tháng công đức, tháng báo ân, tháng hiếu đạo, tháng phúc điền, tháng Tăng già, v.v. Đây cũng là dịp để các Tăng sĩ báo hiếu song thân, cầu phúc tu thiện. Trải qua thời gian dài khởi xướng đến nay, nhìn chung xã hội đã tiếp nhận rộng rãi quan niệm tháng 7 là tháng hiếu đạo. Thậm chí Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Quốc tế Trung Hoa - Ngô Bá Hùng còn đề xướng tháng 7 là “Tháng từ bi”.
Tháng 7 không phải là một tháng thuộc mười hai tháng trong năm hay sao? Tương truyền ngày Thất tịch (mùng 7 tháng 7) hàng năm là ngày hẹn của Ngưu Lang và Chức Nữ; ngày Quốc khánh của nước Mỹ cũng rơi vào tháng 7; rồi cũng có rất nhiều những danh nhân trên thế giới sinh vào tháng 7; các trường học ngày nay thường tổ chức lễ tốt nghiệp vào tháng 7; các cuộc thi tuyển công chức cũng diễn ra vào tháng 7. Cho dù là Trung nguyên phổ độ hay pháp hội Vu lan thì cũng đều mang ý nghĩa của từ bi và tiếp độ, bởi vậy nên tháng 7 đến thì có gì không tốt? Tại sao người đời cứ gán cho tháng 7 những quan niệm không tốt lành để rồi không thích tháng 7, sợ tháng 7?
Số 7 vốn dĩ là một con số tốt đẹp, nhưng vì dân gian có ý gượng ép, kiêng tránh rồi dần dần hình thành nên quan niệm không tốt, hễ cứ đến tháng 7 lại sinh ra tâm lý hoang mang bất an, cho rằng mọi việc xui xẻo, không tốt đẹp, v.v. sẽ tới. Thật ra, Phật giáo quan niệm rằng: “Mỗi ngày đều là ngày tốt, mỗi tháng đều là tháng tốt”, chỉ cần mang trong mình tâm niệm thiện lành thì dù chúng ta làm bất cứ việc gì cũng đều sẽ thành tựu, không cần phải kiêng ngày cữ tháng. Cuộc sống thực tại không nên vì mấy lời bàn tán viển vông mà lạc mất lối đi đúng đắn, cũng không nên vì nghi thần ngờ quỷ mà phủ lên tâm hồn mình bóng đen mê tín mờ ám. Cớ gì chúng ta phải bận tâm những chuyện như vậy?