Thông thường, khi chúng ta nói đến “đồng chí”, “đồng đạo”, “đồng học”, “đồng môn”, tức là muốn chỉ cho những người có cùng chí hướng, cùng mục tiêu trong cuộc sống. Những câu mà người xưa thường nói như: “Một thầy một đường”, “Một lòng không hai” cũng đều bao hàm ý nghĩa tuyệt vời của sự “đồng tâm” vậy.
Một trong những phương châm đào tạo tăng tài của Phật giáo là kiến hòa đồng giải1, nghĩa là cùng nhau thể hiện sự tương đồng trong quan điểm và ý kiến. Bởi vì, một khi tất cả những thành viên trong đoàn thể có chung chí hướng, chung sự quyết tâm, thì sức mạnh được tập trung, ý chí được thống nhất, như vậy dù gặp bất kể khó khăn gì mọi người cũng có thể giải quyết một cách nhanh chóng và thuận lợi.
1 Chia sẻ, trao đổi tri thức, kinh nghiệm của mình với người khác.
Các nhà kinh tế học phương Tây thường khuyên cộng đồng doanh nghiệp ở các nước đang phát triển hãy luôn ghi nhớ hai chữ “đồng tâm”. Bởi lẽ, chỉ khi cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước đồng tâm nhất trí, chung sức đồng lòng thì nền kinh tế của quốc gia ấy mới có khả năng lập nên kỳ tích và vươn tầm thế giới.
Xã hội nào, quốc gia nào cũng thường gặp trường hợp có nhiều ý kiến trái chiều và những quan điểm đối lập cần đưa ra thảo luận, bàn giải; ngay ở thời đại dân chủ cũng cần phải có sự biểu quyết mới đạt được thống nhất chung.
Trong bất cứ một lĩnh vực hoạt động hoặc một phạm vi đoàn thể nào, nếu không có sự đồng lòng nhất trí thì dù sức mạnh của mỗi cá nhân có lớn đến đâu chăng nữa, nhưng đoàn thể đó cũng sẽ trở nên yếu ớt và rời rạc, khó có thể thành tựu. Bạn có chủ trương của bạn, tôi có ý kiến của tôi; mỗi người đều có một lý tưởng, hoài bão và con đường khác biệt của riêng mình, từ đó nguồn nhân lực và trí lực bị phân tán, rất khó để đạt được mục tiêu và lý tưởng đã đề ra.
Trước đây, dù chỉ còn “ba gia tộc”1, nước Sở vẫn đủ sức lật đổ nhà Tần, bởi vì người nước Sở luôn quyết chí đồng lòng trong việc phục quốc. Hay như chỉ trong một đêm, nước Tề có thể chiếm lại hơn 70 thành trì cũng nhờ toàn dân trên dưới một lòng, đồng tâm hiệp lực mới có thể chuyển bại thành thắng, v.v.
1 Chỉ cho tam thị hoặc tam hộ: Ba gia tộc họ Triệu (Triệu Dương), Khuất (Khuất Nguyên) và Cảnh (Cảnh Sai).
Chiêm nghiệm quá khứ rồi suy xét hiện tại, chúng ta thấy rằng triều đại nào cũng đều như thế, chính bởi sự bất đồng quan điểm trong triều đình, tướng sĩ biên cương không biết phải tuân theo lệnh ai nên khó tránh khỏi chuyện nước mất nhà tan. Vì thế, một dân tộc cần đồng tâm hiệp lực, một đoàn thể phải trên dưới đồng lòng, một chính quyền nên có sự thống nhất, đồng thuận toàn dân. Cho nên, thành công hay thất bại không cần phải đợi đến phút cuối cùng mới biết được kết quả, mà ngay từ đầu chỉ cần xem những người thực thi sự việc đã nhất trí đồng lòng, trên dưới đồng thuận hay chưa thì đã có thể tỏ tường.
Trong thời kỳ kháng chiến, Nhật Bản sử dụng khí tài quân sự để áp đảo, dự tính chỉ trong ba tháng sẽ chiếm được Trung Quốc. Thế nhưng, quân dân Trung Quốc trên dưới đồng lòng quyết tâm kháng chiến, trải qua tám năm gian khổ đẫm máu, cuối cùng cũng giành được thắng lợi. Nên biết rằng, nếu trên dưới một lòng, đồng tâm hiệp lực thì mọi khó khăn, thử thách đều có thể vượt qua, đạt được thành tựu viên mãn.
Trong giới công nghiệp và doanh nghiệp thương mại ngày nay, một khi tập đoàn hay gia tộc gặp cảnh anh em tương tàn, ý kiến bất đồng, thiếu mất sự hòa thuận thì công danh sự nghiệp của tổ tiên tạo dựng lập tức đối diện với nguy cơ sụp đổ. Như vậy, chẳng phải là người sau đã hủy hoại toàn bộ công sức gây dựng của người trước rồi hay sao? Thật đáng tiếc thay!