TỰ NHẬN THỨC
• Tự nhận thức cảm xúc: Năng lực này giúp nhà lãnh đạo trở nên đồng điệu với những tín hiệu nội tại, hiểu được cách mà cảm xúc tác động lên chính mình và công việc. Họ đồng điệu với các nguyên tắc cá nhân và thường để trực giác mách bảo về bức tranh toàn cảnh trong những tình huống rối ren. Nhà lãnh đạo tự nhận thức được về cảm xúc là người ngay thẳng và đáng tin cậy, thể hiện cảm xúc một cách hợp lý và có thể phát biểu đầy tự tin về tầm nhìn của bản thân.
• Tự đánh giá chính xác: Nhà lãnh đạo tài năng thường nhận thức rõ ràng về những ưu điểm và nhược điểm của mình. Họ mong muốn học hỏi, cải thiện bản thân và đánh giá cao những lời phê bình, đánh giá mang tính xây dựng. Nhờ tự đánh giá một cách chính xác, họ biết được khi nào mình nên yêu cầu sự trợ giúp, hoặc những năng lực lãnh đạo nào mình cần tập trung bồi dưỡng.
• Tự tin: Nhờ hiểu rõ khả năng của mình, nhà lãnh đạo sẽ chú trọng hơn vào những sở trường, thế mạnh cá nhân. Họ tự tin, thoải mái đón nhận mọi nhiệm vụ, thử thách và không ngại nắm giữ trọng trách, vì thế mà thường là cá nhân nổi trội nhất trong nhóm.
TỰ CHỦ
• Làm chủ cảm xúc: Nhà lãnh đạo tự chủ có thể chế ngự những cảm xúc tiêu cực và thậm chí hướng chúng theo chiều hướng hữu ích. Người tự chủ có đầu óc nhạy bén, chịu được áp lực, giữ bình tĩnh ngay trong khủng hoảng, kiên cường đối diện với mọi nghịch cảnh.
• Minh bạch: Nhà lãnh đạo minh bạch sống theo nguyên tắc riêng, luôn trung thực và chính trực. Họ trò chuyện một cách cởi mở, chân thành với người khác về những cảm xúc, niềm tin và hành động, thậm chí là các sai lầm hay khuyết điểm của mình. Họ cũng không nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi, sự việc bất chính mà sẽ tìm cách giải quyết đến cùng.
• Linh hoạt: Khả năng thích ứng giúp nhà lãnh đạo đáp ứng nhiều yêu cầu khác nhau mà không bị xao nhãng hay kiệt lực. Họ vẫn cảm thấy thoải mái trong tình cảnh bấp bênh và sẽ thích ứng với những thay đổi cũng như vượt qua thử thách một cách nhanh nhẹn, linh động, uyển chuyển.
• Tận tâm: Nhà lãnh đạo hết lòng vì công việc thường đặt ra tiêu chuẩn cao cho bản thân; họ suy nghĩ thực tế, đánh giá rủi ro, đặt mục tiêu rõ ràng, không ngại tự thách thức. Họ cũng không ngừng học hỏi, đồng thời hướng dẫn cho mọi người về những phương pháp, cách thức giúp hoàn thành công việc một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
• Chủ động: Nhà lãnh đạo chủ động nắm bắt hoặc tạo ra cơ hội chứ không ngồi chờ vận may đến. Họ sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thậm chí không ngần ngại phá vỡ quy tắc trong chừng mực để theo đuổi và chinh phục mục tiêu.
• Lạc quan: Nhà lãnh đạo lạc quan có thể điềm tĩnh đối mặt với mọi tình huống khó khăn, bởi họ thường tìm thấy cơ hội ngay trong nghịch cảnh. Họ luôn giữ thái độ tích cực và cái nhìn lạc quan đối với người khác, họ cũng tin vào những thay đổi vì một tương lai tốt đẹp hơn.
NHẬN THỨC XÃ HỘI
• Thấu cảm: Nhà lãnh đạo thấu hiểu cảm xúc có khả năng đồng cảm với nhiều tín hiệu cảm xúc khác nhau. Họ cảm nhận được suy nghĩ, cảm xúc của từng cá nhân hoặc nhóm cộng sự. Nhà lãnh đạo có khả năng thấu cảm luôn lắng nghe một cách ân cần, hiểu được ước mơ, nguyện vọng của người khác. Sự thấu hiểu cảm xúc giúp nhà lãnh đạo hòa hợp với cộng sự bất chấp những khác biệt về giới tính và văn hóa.
• Nhận thức tập thể: Nhờ năng lực nhận thức tập thể, nhà lãnh đạo có thể phát hiện và hiểu về các mối quan hệ then chốt cũng như cơ cấu của một tổ chức. Họ cũng nắm bắt được các quy định và nguyên tắc bất thành văn đang chi phối mọi người.
• Phụng sự: Năng lực lãnh đạo phụng sự sẽ bồi dưỡng, vun đắp cho bầu không khí làm việc tràn đầy nhiệt huyết, nơi mà đội ngũ nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng có được tinh thần phục vụ hăng hái nhất. Nhà lãnh đạo quan sát một cách cẩn trọng nhằm bảo đảm khách hàng hài lòng với chất lượng dịch vụ, bên cạnh đó họ cũng sẵn lòng có mặt để trợ giúp khi người khác cần.
QUẢN TRỊ MỐI QUAN HỆ
• Truyền cảm hứng: Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng tạo được sự cộng hưởng và dẫn dắt cộng sự với một tầm nhìn thuyết phục. Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng là hiện thân cho điều họ yêu cầu ở người khác, họ không đơn thuần đặt ra mục tiêu mà còn khơi dậy sự hứng khởi và niềm đam mê nơi cộng sự để hoàn thành sứ mệnh chung.
• Ảnh hưởng: Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của nhà lãnh đạo thể hiện ở sự thu hút trong lời nói và khả năng hành động, thuyết phục để tạo sự đồng tâm, nhất trí, hiệp lực của tập thể.
• Bồi dưỡng: Nhà lãnh đạo tài giỏi luôn chú trọng bồi dưỡng năng lực cho người khác, họ quan tâm đến đội ngũ nhân viên một cách chân thành, xác định được hướng đi, ưu điểm và khuyết điểm của từng người. Từ đó, nhà lãnh đạo có thể đưa ra lời góp ý, đánh giá đúng lúc và mang tính xây dựng. Họ là người thầy, nhà huấn luyện tâm huyết, tích cực của mọi nhân viên.
• Dẫn dắt thay đổi: Nhà lãnh đạo nhận ra nhu cầu thay đổi, thấy được những điều trì trệ, điểm yếu và khuyến khích đổi mới để phát triển. Dù có thể bị phản đối và ngăn cản, họ cũng sẽ tìm mọi cách vượt qua những trở ngại đó để tiến hành cải tổ.
• Kiểm soát xung đột: Khả năng quản trị xung đột giúp nhà lãnh đạo nhận ra các phe phái trong tổ chức, tìm được nguyên nhân gây bất đồng cũng như lý tưởng chung của mỗi bên. Họ hiểu được quan điểm và cách nhìn vấn đề của từng nhóm, dàn xếp mâu thuẫn, xung đột và giúp mọi người hòa giải để đồng lòng làm việc vì một lý tưởng chung.
• Hợp tác: Nhà lãnh đạo có năng lực hợp tác sẽ tạo dựng bầu không khí thân thiện. Họ tôn trọng người khác, sẵn lòng hợp tác và hỗ trợ mọi người để tất cả hăng say, tận tụy làm việc, đoàn kết cùng hướng đến mục tiêu chung. Nhà lãnh đạo hòa đồng cũng ra sức hun đúc, củng cố các mối quan hệ một cách chân thành, không chỉ vì trách nhiệm hay nghĩa vụ thuần túy trong công việc.