T
rong những năm gần đây, chúng tôi đã phân tích dữ liệu thu được từ gần 500 mô hình năng lực của những công ty toàn cầu như IBM, Lucent, PepsiCo, British Airways, Credit Suisse First Boston và nhiều tổ chức y tế, học viện, cơ quan chính phủ, thậm chí là một dòng tu tôn giáo. Nhằm xác định những năng lực cá nhân có tác động vượt trội đến hiệu quả hoạt động của tổ chức, chúng tôi phân ra ba nhóm năng lực: năng lực chuyên môn (như kế toán hoặc lập kế hoạch kinh doanh),năng lực nhận thức (như lập luận phân tích) và năng lực trí tuệ cảm xúc (như tự chủ, hay tạo dựng mối quan hệ).
Để xây dựng mô hình năng lực, các nhà tâm lý học tiến hành thu thập ý kiến từ một số CEO về các năng lực cần có ở một nhà lãnh đạo xuất sắc, bên cạnh đó tham khảo thêm ý kiến của đội ngũ chuyên gia. Họ cũng yêu cầu các CEO dựa trên một tiêu chí nhất định, chẳng hạn như lợi nhuận của công ty, để xác định những nhà quản lý xuất sắc trong các doanh nghiệp, tổ chức. Tiếp đến, những cá nhân này được phỏng vấn và được đánh giá một cách toàn diện để hệ thống hóa và lọc ra những năng lực có sức ảnh hưởng lớn nhất ở một nhà lãnh đạo xuất sắc. Kết quả nghiên cứu thu được danh sách những năng lực mà nhà lãnh đạo xuất sắc sở hữu, trung bình gồm khoảng 15 năng lực, bao gồm khả năng dẫn dắt, cộng tác, sự thấu cảm,…
Việc phân tích dữ liệu từ hàng trăm mô hình năng lực đã cho thấy kết quả thú vị. Dĩ nhiên, trí tuệ và các kỹ năng nhận định (như tư duy tổng quát và tầm nhìn dài hạn) rất cần thiết trong công việc. Thế nhưng, sự chênh lệch về những yếu tố trên giữa lãnh đạo của các doanh nghiệp, tổ chức là không đáng kể, điều đáng nói là những nhà lãnh đạo càng xuất sắc thì càng sở hữu nhiều năng lực trí tuệ cảm xúc, có thể xem đây là lý do dẫn đến thành công của họ. Theo dữ liệu nghiên cứu, 85% khác biệt giữa nhà lãnh đạo xuất sắc với nhà lãnh đạo trung bình nằm ở yếu tố trí tuệ cảm xúc chứ không phải năng lực nhận thức thuần túy.
Về trí thông minh, nhà lãnh đạo cần đáp ứng một số yêu cầu cụ thể, chẳng hạn như những người tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) thường có chỉ số IQ thấp nhất là 110 đến 120. Các nhà quản lý vượt qua kỳ tuyển lựa dựa trên năng lực trí não nên chỉ số IQ giữa họ thường tương đương nhau. Ngược lại, người ta hầu như không xem trí tuệ cảm xúc là một tiêu chí để đánh giá, chọn lựa nhà lãnh đạo. Vì vậy, trí tuệ cảm xúc có sự khác biệt rõ rệt giữa các quản lý cấp cao và là một yếu tố quan trọng nhiều hơn so với chỉ số thông minh trong việc đánh giá khả năng lãnh đạo.
Trên thực tế, sức áp đảo của trí tuệ cảm xúc so với chỉ số thông minh khi xem xét về khả năng lãnh đạo còn tùy thuộc vào những yêu cầu riêng của từng doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm và các nghiên cứu của chúng tôi thì trí tuệ cảm xúc đóng góp từ 80% đến 90% trong việc tạo dựng các năng lực lãnh đạo. Dĩ nhiên các năng lực nhận thức thuần túy và năng lực chuyên môn rất cần thiết đối với nhà quản lý, nhưng chúng chỉ là bước đầu, thiếu chúng thì ta không làm xong việc. Trong khi đó, các năng lực trí tuệ cảm xúc là vô cùng quan trọng, chúng tối đa hóa hiệu quả công việc và giúp phân định ra những nhà lãnh đạo xuất chúng.
Trong một nghiên cứu về mức đóng góp lợi nhuận của các chủ phần hùn (partner) tại một công ty kế toán lớn, nếu có năng lực xã hội vượt trội hơn thì lợi nhuận mà partner đó thu về cho doanh nghiệp tăng 110% so với những người khác. Thậm chí nếu xét về năng lực tự chủ, mức tăng lợi nhuận sẽ lên đến 390% – trong trường hợp này là đến 1.465.000 đô-la/năm. Trong khi đó, những partner có năng lực lập luận phân tích tốt chỉ giành thêm 50% lợi nhuận. Như vậy, các năng lực nhận thức thuần túy cũng hữu ích, nhưng năng lực trí tuệ cảm xúc còn quan trọng hơn gấp nhiều lần.