C
húng tôi viết cuốn sách này là để đáp lại phản hồi nhiệt tình của độc giả đối với hai bài báo đăng trên tạp chí Harvard Business Review với nhan đề “What Makes a Leader?” (tạm dịch: “Điều gì làm nên nhà lãnh đạo tài ba?”) và “Leadership That Gets Results” (tạm dịch: “Lãnh đạo thực sự hiệu quả”). Cuốn sách trên tay bạn còn đi xa hơn thế khi mang đến một khái niệm mới, đó là lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc – chúng tôi tin nhiệm vụ cốt lõi của nhà lãnh đạo là bồi dưỡng cảm xúc tốt đẹp cho nhân viên, thông qua việc tạo nên sự cộng hưởng tích cực giúp từng nhân viên tối ưu hóa khả năng làm việc của họ. Yêu cầu cốt lõi đối với lãnh đạo chính là trí tuệ cảm xúc.
Chúng tôi tin vào tầm quan trọng của nền tảng này đối với nhà lãnh đạo, nó định đoạt thành bại của từng quyết định và hành động. Tuy thường xuyên bị xem nhẹ hoặc thậm chí bị phớt lờ, nhưng trí tuệ cảm xúc – sự tinh nhạy về mặt cảm xúc – là yếu tố vô cùng quan trọng đối với thành công của nhà lãnh đạo. Trong phạm vi cuốn sách này, chúng tôi sẽ trình bày cách lãnh đạo với trí tuệ cảm xúc dẫn đến sự cộng hưởng giúp gia tăng hiệu suất công việc, cũng như cách chủ động nắm lấy quyền năng của nó cho bản thân nhà lãnh đạo, các nhóm cộng sự và toàn bộ tổ chức.
Trong số các lý thuyết quản trị, có lẽ chỉ riêng mô hình lãnh đạo với trí tuệ cảm xúc mới liên hệ đến thần kinh học. Những nghiên cứu não bộ mang tính đột phá cho thấy cách mà tâm trạng và hành vi của cấp trên tác động mạnh mẽ lên nhân viên; đồng thời thể hiện một góc nhìn mới mẻ về sức mạnh của nhà lãnh đạo giàu trí tuệ cảm xúc trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy cảm xúc tích cực và sự nhiệt tình cống hiến nơi nhân viên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa ra cảnh báo đối với kiểu lãnh đạo “đầu độc” khiến môi trường làm việc trở nên căng thẳng.
Mỗi người trong nhóm tác giả chúng tôi sẽ mang đến một góc nhìn khác nhau. Nhà tâm lý học Daniel Goleman đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ độc giả toàn cầu dành cho những cuốn sách và bài báo của mình đăng trên tạp chí Harvard Business Review, Daniel cũng là diễn giả khách mời tại nhiều hội thảo quốc tế. Giáo sư Richard Boyatzis vừa giảng dạy tại trường Quản trị Case Western Weatherhead, vừa tham gia diễn thuyết khắp nơi với vốn kiến thức và kinh nghiệm ấn tượng của mình. Richard đã dành hơn mười lăm năm nghiên cứu chuyên sâu, đồng thời trực tiếp huấn luyện các khóa bồi dưỡng năng lực lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc cho hàng ngàn sinh viên cao học và nhà quản lý. Giáo sư Annie McKee, chuyên ngành sư phạm bậc sau đại học tại Đại học Pennsylvania, hiện là cố vấn cho các cấp lãnh đạo của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Annie sẽ trình bày về những vấn đề thực tế đúc kết từ quá trình tư vấn và bồi dưỡng cho các nhà lãnh đạo, quản lý về mặt trí tuệ cảm xúc. Chúng tôi đã kết hợp ưu thế chuyên môn của từng người để viết nên cuốn sách này.
Khi có dịp trò chuyện với hàng trăm tổng giám đốc, quản lý cấp cao và nhân viên ở các công ty, tổ chức, chúng tôi thấy được vô vàn khía cạnh khác nhau của lãnh đạo với trí tuệ cảm xúc. Chúng tôi đã tiếp xúc với các nhà lãnh đạo tạo được sự cộng hưởng tại nhiều tổ chức, họ nắm giữ những vị trí khác nhau – có vị là giám đốc điều hành, có vị là trưởng phòng, có vị tuy không nắm quyền lãnh đạo chính thức nhưng khi cần thiết sẽ đứng ra dẫn dắt mọi người. Có người đề xuất và tạo điều kiện để tiến hành cải tổ doanh nghiệp, cũng có người tách ra tự thành lập công ty. Những câu chuyện thật của họ sẽ được chia sẻ trong cuốn sách này. Một số vị không ngại công khai danh tính, còn một số khác chúng tôi xin phép giấu tên. Mọi thông tin cũng đã được chúng tôi xác thực sau khi tiến hành thu thập dữ liệu nghiên cứu từ hàng ngàn nhà lãnh đạo.
Chúng tôi may mắn được tiếp cận với nhiều nguồn dữ liệu lớn, các cộng sự ở bộ phận nghiên cứu của Hay Group đã chia sẻ với chúng tôi những phân tích đánh giá trong hai thập niên qua của họ về hiệu quả lãnh đạo của các công ty khách hàng trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà nghiên cứu tiến hành thu thập dữ liệu bằng ECI-360 – công cụ đánh giá năng lực lãnh đạo với trí tuệ cảm xúc của chúng tôi. Bên cạnh đó, tại nhiều trung tâm nghiên cứu khác thì hệ thống dữ liệu và lý thuyết về mối tương quan giữa trí tuệ cảm xúc và hiệu quả lãnh đạo cũng ngày một trở nên phong phú hơn.
Nhờ vào các nguồn dữ liệu này, chúng tôi tìm được đáp án cho những câu hỏi về lãnh đạo với trí tuệ cảm xúc. Đâu là năng lực tâm lý cần thiết giúp nhà lãnh đạo vượt qua những tình huống rối ren và đương đầu với sự thay đổi bất ngờ? Điều gì tạo nên sức mạnh nội tại để nhà lãnh đạo giữ mình thành thực dẫu sự thật thì mất lòng? Nhà lãnh đạo làm thế nào để truyền cảm hứng cho nhân viên làm việc hết mình và không rời bỏ công ty trước những lời mời mọc từ phía đối thủ? Bằng cách nào nhà lãnh đạo có thể tạo ra bầu không khí làm việc thân thiện, kích thích sự sáng tạo cũng như nâng cao hiệu suất công việc của nhân viên, ngoài ra còn duy trì và củng cố mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng?
Cái định kiến rằng cảm xúc chỉ là tiếng ồn gây phiền nhiễu cho quy trình làm việc đầy lý trí đã cắm rễ quá sâu nơi các nhà lãnh đạo, nhưng các doanh nghiệp không thể tiếp tục phớt lờ sức ảnh hưởng của cảm xúc. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận những lợi ích thiết thực của lãnh đạo với trí tuệ cảm xúc, đồng thời bồi dưỡng năng lực này nơi đội ngũ quản lý nhằm tạo sự cộng hưởng cảm xúc, thúc đẩy và truyền cảm hứng cho toàn thể nhân viên.
Thời điểm xảy ra thảm họa 11/9 tại New York, Washington và Pennsylvania cũng là lúc chúng tôi sắp hoàn thành cuốn sách này. Biến cố ấy càng nhấn mạnh thêm vai trò của nghệ thuật lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc trong giai đoạn khủng hoảng, đó cũng là minh chứng rõ nét cho tác động to lớn của sự cộng hưởng tích cực. Mark Loehr khi đó là giám đốc điều hành công ty môi giới công nghệ SoundView Technology ở bang Connecticut. Nhiều thân nhân, bạn bè và cộng sự của nhân viên công ty đã thiệt mạng trong tấn thảm kịch trên. Biết tin, Mark mời toàn bộ nhân viên đến công ty vào hôm sau – không phải để làm việc, mà để cùng nhau chia sẻ cảm xúc cũng như các phương cách đối mặt với khủng hoảng. Suốt những ngày sau đó, ông và mọi người sát cánh bên nhau, cùng chia sẻ nỗi đau và nước mắt, ông luôn khuyến khích họ giãi bày về những cảm xúc và khó khăn của mình. Đều đặn mỗi tối vào lúc chín giờ bốn mươi lăm phút, ông gửi email đến từng cá nhân trong công ty để tâm sự thêm với họ.
Chưa hết, giám đốc Mark còn tổ chức một hoạt động cứu trợ mà ai cũng có thể tham gia. Thay vì quyên góp một khoản tiền, công ty sẽ dành toàn bộ doanh thu trong một ngày để giúp đỡ các nạn nhân cùng gia đình của họ. Doanh số thường ngày chỉ nằm trong khoảng nửa triệu đến một triệu đô-la, thế nhưng hoạt động này đã truyền cảm hứng mãnh liệt đến các đối tác và khách hàng, giúp đẩy doanh số lên đến hơn sáu triệu đô-la chỉ trong ngày hôm đó.
Bên cạnh đó, Mark cùng đội ngũ nhân viên cũng bắt tay biên soạn một “cuốn sổ ký ức” để lưu giữ những suy tư, nỗi sợ, niềm hy vọng,... của mình và chia sẻ với thế hệ sau. Họ đã nhận được vô số email gửi về, gồm những bài thơ, câu chuyện cảm động, bài cảm nhận,… những dòng chữ xuất phát từ tận đáy lòng.
Khi vấp phải khủng hoảng, mọi người đều hướng về nhà lãnh đạo để tìm kiếm sự dẫn dắt về mặt cảm xúc. Cách nhà lãnh đạo nhìn nhận vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt nên họ chính là người định hướng tư duy, đưa ra cách hiểu vấn đề và cách phản hồi cho nhóm làm việc. Mark Loehr đã đáp ứng được một trong những yêu cầu thiết yếu nhất của việc lãnh đạo – ông giúp cho chính mình và nhân viên tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống ngay trong tình huống khủng hoảng. Ông dò đúng tần số cảm xúc của mọi người và chia sẻ bầu tâm trạng chung, ông hiểu được chính xác những gì mà mọi người đang cảm nhận và hồi đáp một cách thích hợp.
Cuộc đời sẽ thật tuyệt vời nếu doanh nghiệp, tổ chức nơi chúng ta làm việc tràn đầy sự cộng hưởng và nhà lãnh đạo truyền được cảm hứng, nhiệt huyết cho nhân viên. Nếu những nguyên tắc lãnh đạo tạo cộng hưởng được coi trọng như là nền tảng chứ không chỉ là giải pháp mang tính khắc phục thì sẽ có lợi biết bao cho các công ty. Lúc đó, ngay từ khâu tuyển dụng, người ta sẽ chú tâm chọn ra những nhà lãnh đạo giàu trí tuệ cảm xúc, và khi xem xét thăng chức hay thay đổi nhân sự, ta vẫn theo đường lối ấy. Việc trau dồi kỹ năng lãnh đạo với trí tuệ cảm xúc sẽ là một hoạt động thường nhật và các doanh nghiệp, tổ chức thực hành nó sẽ trở thành nơi lý tưởng để tập thể nhân viên, thành viên của họ cộng tác và làm việc với phong độ tốt nhất có thể.
Và sẽ thế nào nếu như chúng ta áp dụng được nền tảng này vào hôn nhân, gia đình, với con cái và cộng đồng? Sau mỗi khóa huấn luyện và bồi dưỡng năng lực trí tuệ cảm xúc cho các nhà quản lý, họ thường phản hồi rằng lợi ích họ nhận được không chỉ gói gọn trong công việc điều hành, mà còn dành cho cả bản thân và gia đình. Nhờ vậy, người thân của họ cũng sẽ có được sự tự nhận thức, tự chủ, sự thấu hiểu và đồng cảm trong các mối quan hệ của mình.
Hơn thế nữa, con cháu chúng ta sẽ nhận được những lợi ích gì nếu nền giáo dục thêm vào đó chương trình giảng dạy về trí tuệ cảm xúc? Khi chúng lớn lên, tốt nghiệp ra trường và tìm việc làm, nhà tuyển dụng hẳn sẽ hài lòng khi gặp được một nhà lãnh đạo tương lai tinh thông những kỹ năng quan trọng và thiết thực. Giáo dục trí tuệ cảm xúc còn góp phần làm giảm tệ nạn xã hội, chẳng hạn như hành vi bạo lực hoặc lạm dụng chất kích thích. Thực trạng này đa phần là do người ta thiếu khả năng kiềm chế tính bốc đồng và cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, cộng đồng cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi mọi người đều bao dung, giàu trách nhiệm và biết quan tâm, biết nghĩ cho nhau.
Trong thực tế, các nhà tuyển dụng vẫn tìm kiếm người có kỹ năng trí tuệ cảm xúc, thế nên các trường đại học, trường đào tạo nghề, nhất là về nghiệp vụ kinh doanh rất nên bổ sung kỹ năng này vào chương trình giảng dạy. Erasmus, vị học giả vĩ đại thời Phục Hưng, cũng đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Niềm hy vọng lớn nhất của một dân tộc nằm ở nền giáo dục đúng đắn cho lớp trẻ”.
Chúng tôi hy vọng các giảng viên kinh doanh sẽ sớm nhận ra tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc để kịp thời đào tạo nên những nhà lãnh đạo thực thụ thay vì những nhà quản lý đơn thuần. Những doanh nhân có suy nghĩ cấp tiến cũng sẽ ủng hộ phương cách giáo dục đó vì trí tuệ cảm xúc không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp họ về mặt nhân sự lãnh đạo, mà còn giúp nuôi dưỡng sức sống lâu dài cho toàn bộ nền kinh tế, cũng như dẫn đến những thay đổi tích cực trong cả gia đình và xã hội của chúng ta.
Lời cuối cùng mà chúng tôi muốn nhắn gửi đến bạn đọc, đó là ở mỗi doanh nghiệp, tổ chức đều có rất nhiều nhà quản lý với chức vụ và chuyên môn khác nhau. Trọng trách lãnh đạo không chỉ thuộc về nhóm quản lý cấp cao nhất hay giám đốc điều hành, mà còn thuộc về từng người đứng đầu trong nhóm làm việc của mình, đó có thể là quản đốc, nhóm trưởng hay trưởng phòng,… Vì vậy, những kiến thức được đúc kết trong cuốn sách này là dành cho mọi nhà lãnh đạo, dù họ là ai, ở đâu hay nắm giữ chức vụ gì.
Liên hệ với tác giả
Cuốn sách này là kết quả của quá trình khảo sát tỉ mỉ và tìm hiểu không ngừng về nghệ thuật lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc. Chúng tôi vô cùng hoan nghênh các phản hồi từ phía bạn đọc, đó có thể là những cảm nhận, câu chuyện hoặc lời góp ý. Dù không chắc có thể hồi đáp mọi email gửi về, chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ quý độc giả, hãy liên lạc với chúng tôi qua các địa chỉ email sau:
Daniel Goleman: [email protected]
Richard Boyatzis: [email protected]
Annie McKee: [email protected]