Tôi không hề biết tới bất cứ nghiên cứu nào trong lịch sử mô tả một tổ chức được quản lý để vượt qua khủng hoảng. Tất cả mọi tổ chức đều được dẫn dắt và lãnh đạo. Tuy nhiên, một lượng lớn những tổ chức giáo dục và chương trình đào tạo của chúng ta ngày nay không phải tập trung để phát triển các vị lãnh đạo đại tài, mà tập trung vào việc đào tạo những nhà quản lý hiệu quả. Những thành tựu ngắn hạn được coi như dấu ấn thành công, còn sự phát triển và khả năng đứng vững của tổ chức trong dài hạn chỉ được xem như người phải thanh toán hóa đơn. Cuốn sách Lãnh đạo luôn ăn sau cùng là một nỗ lực nhằm thay đổi mô hình này.
Trong cuốn sách này, Simon Sinek không đưa ra bất kỳ lý thuyết hay nguyên tắc mới nào về lãnh đạo. Ông có một mục tiêu cao hơn rất nhiều. Simon muốn biến thế giới trở thành một nơi tốt hơn cho tất cả chúng ta. Tầm nhìn của ông rất đơn giản: Tạo ra một thế hệ mới nhận thức được rằng thành công hay thất bại của một tổ chức được dựa trên nền tảng tài năng lãnh đạo chứ không phải sự nhạy bén trong quản lý.
Không phải tình cờ mà Simon dùng quân đội Mỹ, cụ thể là lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, để giải thích tầm quan trọng của việc người lãnh đạo tập trung vào người của mình. Những tổ chức đó có nền văn hóa mạnh và các giá trị chung, hiểu được tầm quan trọng của làm việc theo nhóm, xây dựng lòng tin giữa các thành viên, duy trì sự tập trung, và quan trọng hơn cả là hiểu được tầm quan trọng của con người và các mối quan hệ đóng góp cho sự thành công trong nhiệm vụ của họ. Những tổ chức này cũng đang ở vị trí mà cái giá phải trả cho sự thất bại có thể rất thảm khốc. Không hoàn thành nhiệm vụ không phải là một lựa chọn.
Khi bạn tập trung cùng với lính Thủy quân lục chiến để ăn uống, bạn sẽ nhận thấy rằng hầu hết các lính cấp thấp hơn sẽ được phục vụ trước, trong khi các lãnh đạo cấp cao sẽ được phục vụ sau. Khi bạn chứng kiến hành động này, bạn cũng sẽ phát hiện ra rằng không có mệnh lệnh nào được đưa ra cả. Đội Thủy quân lục chiến cứ thế mà làm thôi. Cốt lõi của hành động vô cùng đơn giản này là phương thức lãnh đạo của lực lượng Thủy quân lục chiến. Các lãnh đạo Thủy quân lục chiến phải ăn sau cùng vì cái giá thực sự của lãnh đạo là sẵn sàng đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu cá nhân. Những lãnh đạo tuyệt vời thực sự quan tâm đến người mà họ có quyền được dẫn dắt, và họ hiểu được rằng có một cái giá thực sự phải trả cho đặc quyền lãnh đạo, đi kèm với quyền lợi cá nhân.
Trong cuốn sách trước của mình, Bắt đầu với câu hỏi tại sao: Nghệ thuật truyền cảm hứng trong kinh doanh, Simon đã giải thích một tổ chức muốn thành công thì người lãnh đạo cần hiểu được mục đích thực sự của tổ chức – Tại sao. Trong cuốn sách này, Simon đưa chúng ta đến cấp độ tiếp theo để hiểu được vì sao một số tổ chức lại làm tốt hơn một số tổ chức khác. Ông làm vậy bằng cách nêu ra chi tiết tất cả yếu tố thử thách khả năng lãnh đạo. Nói đơn giản, biết được lý do “Tại sao” của tổ chức chưa đủ; bạn còn phải biết những con người ở đó và nhận ra rằng họ có giá trị nhiều hơn là một nguồn tài nguyên có thể mở rộng và phát triển. Tóm lại, khả năng chuyên môn là chưa đủ để trở thành một nhà lãnh đạo tốt; lãnh đạo tốt phải thực sự quan tâm đến những người mà họ có trách nhiệm phải quan tâm.
Quản lý tốt rõ ràng là không đủ để duy trì bất kỳ tổ chức nào trong thời gian dài. Lời giải thích sâu sắc của Simon về các yếu tố thuộc hành vi con người rõ ràng cho thấy rằng có những lý do thực sự tại sao một số tổ chức có thể làm tốt trong một thời gian ngắn nhưng cuối cùng vẫn thất bại: Các nhà lãnh đạo đã thất bại trong việc tạo ra một môi trường mà ở đó con người là quan trọng nhất. Như Simon đã chỉ ra, tổ chức nơi mọi người chia sẻ các giá trị và được coi trọng sẽ thành công dài hạn cả trong thời kỳ khó khăn và thịnh vượng.
John Quincy Adams có lẽ đã hiểu được thông điệp của Simon, bởi vì ông hiểu rõ cần điều gì để trở thành một nhà lãnh đạo khi ông tuyên bố: “Nếu hành động của bạn truyền cảm hứng cho những người khác mơ ước nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn, làm nhiều hơn và phát triển hơn, thì bạn là một nhà lãnh đạo.” Trong trích dẫn này, tôi nghĩ rằng bạn sẽ tìm thấy thông điệp của cuốn sách Lãnh đạo luôn ăn sau cùng. Khi các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng cho cấp dưới, mọi người có thể mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn, dành thời gian và công sức để học hỏi nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn cho tổ chức và tiến đến con đường trở thành nhà lãnh đạo của chính họ. Một nhà lãnh đạo quan tâm đến nhân viên và luôn tập trung vào hạnh phúc của tổ chức thì người lãnh đạo đó sẽ không bao giờ thất bại. Tôi hi vọng rằng sau khi đọc cuốn sách này, tất cả độc giả sẽ được truyền cảm hứng để luôn luôn ăn sau cùng.
George J. Flynn
Trung tướng, Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ