C
ách đây hơn hai ngàn năm, Aristotle cho rằng loài người có một bản chất chung – một ý tưởng cho đến hiện nay vẫn còn được nghiên cứu sâu và gây nhiều tranh cãi. Tất nhiên, Aristotle là một triết gia lừng danh, một nhà đạo đức học, cũng là một nhà tư tưởng lớn về chính trị, nhưng nên nhớ ông ấy cũng là một nhà sinh vật học và động vật học. Vì thế, định nghĩa nổi tiếng của ông về loài người cũng ít nhiều xuất phát từ nền tảng học thuật của mình. Bằng sự đơn giản nhất có thể, ông mô tả loài người là một loài động vật xã hội và chính trị.
Tập quán của các nhà triết học, xã hội học và các nhà tư tưởng thường tập trung vào khía cạnh xã hội và chính trị của bản chất loài người, nhưng Aristotle lại nhấn mạnh “loài người cũng là một động vật”. Nói cách khác, chúng ta cũng là những tạo vật, như các loài khác, nhưng có những nét đặc sắc và tính cách, xu hướng riêng biệt. Những đặc điểm này không giống những mã code của phần mềm – không lập trình chúng ta được và không quyết định được chúng ta suy nghĩ điều gì, làm điều gì. Thay vào đó, chúng sai khiến và hướng suy nghĩ, cảm giác, hành động của chúng ta theo một cách nào đấy. Ở một chừng mực nào đó, có thể nói chúng quyết định chúng ta là ai.
Cách suy nghĩ này làm cho một số người cảm thấy khó chịu, bởi vì có cảm giác như hạ bệ loài người giống những loài động vật khác và không đề cập đến trí thông minh, khả năng cảm nhận nghệ thuật, chức năng tương tác xã hội, những thành tựu công nghệ và giá trị tinh thần. Quá trình tiến hóa và cải tiến gien đã hình thành nên con người hoàn thiện, hay bản năng của con người thật ra cơ bản cũng như một loài động vật khác mà thôi? Thánh Thomas Aquinas, một lý thuyết gia Công giáo đã viết: “Chúng ta có sở hữu gì đâu, ngoài thân xác này”. Ông cũng viết: “Bởi vì linh hồn chỉ là một phần của thể xác con người và linh hồn của tôi không phải là tôi”.
Nếu những quan điểm của Aristotle đúng, điều đó có thể giúp giải thích tại sao có nhiều bộ óc vĩ đại và trái tim nhân hậu với các nền văn hóa khác nhau, ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, cùng trình bày nhiều cách suy nghĩ về vấn đề khó khăn trong vùng xám. Thấu hiểu vấn đề khó khăn sẽ củng cố xu hướng hợp tác để giúp loài người sống sót và vượt qua những khuynh hướng bẩm sinh tồn tại ở con người.
Vậy chúng ta có thể chấp nhận quan điểm của Aristotle hay không? Ông là một trong những nhà tư tưởng quan trọng của phương Tây, điều đó có nghĩa là chúng ta cũng nên lắng nghe ông ấy một cách nghiêm túc, nhưng không nên chấp nhận một ý tưởng đơn giản bởi vì danh tiếng của ông. Nếu quan sát thấu đáo tư tưởng của Aristotle, chúng ta sẽ tìm thấy sự ủng hộ mạnh mẽ quan điểm về bản chất chung của loài người trong lý thuyết tiến hóa đương đại.
Thuyết tiến hóa cho rằng khả năng, đặc tính và bản tính theo xu hướng đã giúp loài người tiền sử tồn tại qua sự sàng lọc của tự nhiên. Các sinh vật có cùng đặc tính có nhiều cơ hội tồn tại, sinh sản và tiến hóa thành loài người hơn. Khoa học về tiến hóa ngày nay dựa vào tâm lý, sinh học, di truyền, nhân chủng học để phác họa một bức tranh hợp lý về những tập quán xã hội, suy nghĩ và hành động đã giúp cho tổ tiên loài người tồn tại và tiến hóa đến ngày nay.
Lý lẽ mạnh mẽ nằm ở chỗ loài người tiền sử cũng đã tồn tại và tiến hóa theo cách như vậy nhờ họ có xu hướng biết hợp tác với nhau. Loài nào biết hợp tác nhiều hơn sẽ có cơ hội sống sót nhiều hơn, bởi vì các thành viên có thể làm việc với nhau để giải quyết vấn đề cơ bản nhất cho sự tồn tại – đó là bảo vệ con cái, tìm và trữ thực phẩm, chống lại các loài thú ăn thịt và chiến đấu với các giống loài khác. Bản chất chung của loài người – dưới góc nhìn như là một loài động vật xã hội – phản ánh những đặc tính hay nói cụ thể hơn là bản năng trước khi có nhận thức đạo đức đã giúp tổ tiên loài người vượt qua những thách thức chung.
Quan điểm cho rằng loài người có bản năng hợp tác bẩm sinh đã chống lại quan điểm cổ điển của những người theo chủ nghĩa giản lược về thuyết Tiến hóa. Theo đó, họ mô tả sự chọn lọc của tự nhiên, về bản chất, là một quá trình liên tục và vô tận của một cuộc đấu tranh tàn nhẫn, tạo nên những cuộc chiến giữa các loài với nhau. Như câu nói nổi tiếng của Alfred Lord Tennyson: “Trong tự nhiên, luôn đầy rẫy sự cạnh tranh bạo lực và tàn nhẫn”.
Nếu tồn tại bản chất chung của loài người, thì đó là gì? Tồn tại dưới hình thức nào? Một lần nữa, thuyết tiến hóa – cũng như nhiều quan điểm tôn giáo và triết học, cùng với lý thuyết tâm lý học – đều chỉ về cùng một câu trả lời khá rộng. Nhưng tựu chung đó là loài người luôn tồn tại khiếm khuyết, chia rẽ và cấu xé lẫn nhau. Chúng ta luôn bị giằng xé giữa sự nhân từ, vị tha và hiếu chiến, xấu xa. Lý lẽ này không chỉ được phản ánh trong thuyết Tiến hóa và giáo lý tôn giáo, mà còn qua các tác phẩm văn chương, sử học, các quan sát đời thường và những lời tự thú trước vành móng ngựa.
Vậy chúng ta đề cập đến vấn đề đạo đức thế nào đây? Trải qua hai thập kỷ vừa qua, các học giả và nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực đã tập trung nghiên cứu thật sâu để hiểu được mối quan hệ giữa bản chất con người và quá trình tiến hóa của loài người. Một số người khác tập trung nghiên cứu để nhận biết được mối quan hệ giữa sự tiến hóa và sự lan rộng của những tập quán mang tính phổ quát về đạo đức. Một câu trả lời gần đây được nhắc đến nhiều, đó là bản năng hợp tác của loài người – có lẽ phần nào do khuynh hướng vị tha tạo nên – đã giúp chúng ta tách ra khỏi bản năng thú dữ và ích kỷ, cho phép loài người tồn tại và sinh sản thành công.
Nội dung đề cập ở trên về mối quan hệ giữa sự tiến hóa và bản chất con người được trích rút từ những tác phẩm sau:
Boehm, Christopher. Moral Origins: The Evolution of Virtue, Altruism, and Shame . New York NY: Basic Books, 2012.
Dawkins, Richard. The Selfish Gene . Oxford: Oxford University press, 1976.
Flack, J. C., và Frans B.M. de Waal, “Any Animal Whatever: Darwinian Building Blocks of Morality in Monkeys and Apes”. Trong tác phẩm Evolutionary Origin of Morality: Cross-Disciplinary Perspectives , Leonard D. Katz biên tập, trang 1 – 29, Bowling Green, OH: Imprint Academic, 2002.
Kitcher, Philip. The Ethical Project . Cambridge, MA: Harvard University Press, 2011.
Krygier, Martin. Philip Selznick: Ideals in the World . Stanford, CA: Stanford University Press, 2012.
Kupperman, Joel. Theories of Human Nature . Cambridge, MA: Hackett Publishing Company, 2010.
MacIntyre, Alisdair. Dependent Rational Animals: Why Human Beings Need the Virtues . Chicago: Open Court Press, 1999.
Stephen Pinker, The Blank Slate: The Modern Denial of Human Nature . New York NY: Penguin Books, 2003.
Stevenson, Leslie, và David L. Haberman, Ten Theories of Human Nature , chương 11. Oxford: Oxford University Press, 2008.
Alfred Lord Tennyson, “In Memoriam A. H. H.”, 1850, http://www.portablepoetry.com/poems/alfredlord_tennyson/in_memoriam_ahh____. Html.
Wilson, E. O. The Social Conquest of Earth . New York: Liveright Publishers, 2013.
Wilson, James Q. The Moral Sense . New York: Simon & Schuster, 1997.