N
hư cậu đã biết. – Lou tiếp. – Kate đã gọi lại cho tôi và tôi đã cơ hội thứ hai để bắt đầu lại. Và công ty Zagrum mà cậu đã ngưỡng mộ bao nhiêu năm nay là kết quả của cơ hội thứ hai đó.
Tất nhiên, chúng tôi đã phạm nhiều sai lầm khi bắt đầu lại từ đầu. Điều duy nhất chúng tôi làm tốt là đã biến những ý tưởng mà cậu đang học hai ngày nay thành nền tảng của Zagrum. Chúng tôi thống nhất với nhau rằng không nhất thiết phải tìm hiểu tất cả những ảnh hưởng của nó đối với tổ chức nên chỉ dừng lại ở mức độ những ý tưởng chung. Và cậu biết không? Khi đánh giá lại kết quả theo từng giai đoạn, chúng tôi vui mừng nhận thấy sự thay đổi này đã tạo ra những chuyển biến tích cực đến không ngờ. Sau hơn hai mươi năm, chúng tôi đã biết cách ứng dụng những phương pháp này một cách tinh tế và hiệu quả. Càng ngày, chúng tôi càng đào tạo được nhiều người “thoát ra khỏi hộp”. Và trong phạm vi công ty, chúng tôi đã phát triển được một kế hoạch hành động đặc thù, có thể giảm thiểu sự tự phản bội và xây dựng được một môi trường làm việc như những gì chúng ta đã nhắc tới trong hai ngày qua. Ngài Lou tạm dừng lời, và Bud tiếp tục câu chuyện:
– Những nỗ lực của chúng tôi được chia thành ba giai đoạn. Những gì cậu học hai hôm nay được gọi là giai đoạn một. Đây là giai đoạn nền tảng, là cơ sở cho tất cả những hoạt động sau này. Nó sẽ giúp cậu hiện thực hóa tất cả những mục tiêu đã đề ra. Giai đoạn hai và ba sẽ xoay quanh việc đưa cậu hòa nhập vào hệ thống, tập trung vào các mục tiêu và gặt hái thành quả. Nhưng cậu vẫn chưa sẵn sàng để chuyển sang giai đoạn hai.
– Tôi vẫn chưa sẵn sàng ư?
– Đúng vậy. Vì mặc dù giờ đây cậu có thể hiểu rõ sự tự phản bội cơ bản trong công sở là gì, nhưng cậu vẫn chưa hiểu được mức độ lún sâu của mình trong đó. Cũng như cậu vẫn chưa biết mức độ thất bại trong việc tập trung vào các kết quả của mình.
Trong phút chốc, tôi thấy lòng mình chùng xuống. Nhưng tôi biết, sự thật là mình cũng chưa sẵn sàng để làm mọi chuyện nên ngay lập tức, tôi lấy lại được vẻ tươi tỉnh.
– Tại thời điểm này, cậu cũng không có gì khác biệt so với tất cả mọi người. – Ông tiếp, với một nụ cười ấm áp. – Nhưng cậu sẽ sớm hiểu ra vấn đề thôi. Sự thật là tôi có một vài tài liệu cho cậu đọc. Chúng ta lại gặp nhau khoảng vài tuần tới. Và sau đó, mọi thứ sẽ bắt đầu. Bud đứng lên. Ông vui vẻ trao cho tôi một xấp tài liệu.
– À, nhân tiện, thêm vào việc đọc của cậu, tôi có một vài bài tập cho cậu.
– Được, thưa ngài. – Tôi nói, lòng thắc mắc không hiểu ông sẽ giao cho mình bài tập gì.
– Tôi muốn cậu nghĩ về khoảng thời gian cậu đã làm việc với Chuck Staehli.
– Staehli ư? – Tôi ngạc nhiên hỏi.
– Đúng. Tôi muốn cậu nghĩ xem cậu có thật sự tập trung vào các kết quả trong thời gian làm việc cùng ông ấy hay không và bằng cách nào. Tôi muốn cậu xem lại xem mình cởi mở hay khép kín trước sự góp ý của ông ấy cũng như cậu có chủ động học hỏi khi có cơ hội không. Cậu có tự chịu lấy trách nhiệm trong công việc mình làm hay đổ lỗi cho người khác khi có sự cố nào đó xảy ra. Cậu có tạo nên được sự tin tưởng đối với mọi người xung quanh, kể cả Chuck Staehli hay không.
– Và khi cậu nghĩ về những điều đó, tôi muốn cậu tiếp tục suy nghĩ về những gì chúng ta đã nói đến. – Ông kéo cái gì đó ra khỏi cặp.
– Một chút thiếu hiểu biết cũng có thể trở nên rất nguy hiểm, Tom ạ. Biết chung chung về công cụ này cũng không đưa cậu “thoát ra khỏi hộp” được. Hy vọng tấm thẻ tóm tắt này có thể giúp cậu ghi nhớ được nhiều nhất về những điều đã học.
Tôi nhìn tấm thẻ Bud trao. Và đây là nội dung của nó:
Hiểu tài liệu:
– Sự tự phản bội dẫn tới tự lừa dối và “chiếc hộp”.
– Khi “nhốt mình trong hộp”, bạn không thể tập trung vào kết quả mà mình đã đề ra.
– Thành công và tác động của bạn phụ thuộc vào trạng thái “thoát ra khỏi hộp”.
– Bạn “thoát ra khỏi hộp” khi ngừng chống đối lại người khác.
Thực hành tài liệu:
– Đừng cố gắng trở nên hoàn hảo. Hãy cố gắng để trở nên tốt hơn.
– Đừng sử dụng từ “chiếc hộp” và những thứ tương tự với người chưa biết gì về nó. Áp dụng những nguyên tắc này trong cuộc sống riêng của bạn:
– Đừng tìm kiếm chiếc hộp của người khác. Hãy tìm chiếc hộp của chính mình.
– Đừng buộc tội người khác đang “nhốt mình trong hộp”. Hãy cố gắng để mình “thoát ra khỏi hộp”.
– Đừng từ bỏ khi phát hiện mình đang “nhốt mình trong hộp”. Hãy tiếp tục cố gắng để thoát khỏi nó.
– Đừng chối bỏ việc “nhốt mình trong hộp” khi bạn thật sự đang trong tình trạng đó. Hãy xin lỗi và cố gắng tiến về phía trước, cố gắng trở nên hữu dụng hơn trong tương lai.
– Đừng tập trung vào điều người khác đang làm sai. Hãy tập trung vào việc bạn có thể làm điều gì đúng đắn để giúp đỡ họ.
– Đừng bận tâm xem người khác có giúp đỡ mình hay không. Hãy tập trung xem mình đã giúp đỡ họ được những gì.
– Cảm ơn Bud, những ghi chú này thật hữu ích đối với tôi. – Tôi nói, cất tấm thẻ vào cặp.
– Có gì đâu. Tôi rất vui vì cậu đã tham gia Zagrum. Hẹn gặp lại cậu vào tuần sau!
– Trước khi cậu đi, Tom, – Ngài Lou lên tiếng – tôi muốn chia sẻ với cậu thêm một điều cuối cùng này nữa.
– Ngài cứ nói ạ.
– Cậu còn nhớ Cory, con trai tôi chứ?
– Vâng.
– Sau ba tháng, chúng tôi đến đón nó từ trại giáo dưỡng về nhà. Chưa bao giờ tôi lo lắng khi gặp nó đến như thế.
Trước đó tôi đã thường xuyên viết thư cho thằng bé với tất cả tình yêu thương của mình. Và dần dần, nó cũng bắt đầu mở lòng ra với tôi. Qua những lá thư đó, tôi nhận ra một đứa trẻ mà tôi chưa từng biết đến trước đó. Tôi thật sự kinh ngạc trước những hiểu biết rộng lớn cũng như sự sâu sắc trong suy nghĩ của thằng bé. Nhưng điều đặc biệt nhất chính là tôi cảm thấy hạnh phúc và thanh thản vô cùng khi viết và nhận được những lá thư đó. Chúng làm dịu đi những bất an trong trái tim của một người cha đang lo sợ mất đi đứa con trai của mình mãi mãi. Mỗi lá thư gửi đi, nhận về là một sự hàn gắn giữa chúng tôi nói chung và trong trái tim tôi nói riêng.
Và khi chúng tôi còn cách điểm đến chừng vài kilômét, tôi đã vượt qua được mọi ranh giới khó chịu trước đây. Quả là một phép màu. Khi chiếc xe vòng quanh ngọn đồi bụi bặm cuối cùng, tôi nhìn thấy ở phía xa một nhóm trẻ nhếch nhác, tóc tai bù xù và đầy vẻ mệt mỏi.
Chỉ cần nhìn thoáng qua tôi cũng đã nhận ra đứa con thương yêu của mình trong số đó. “Dừng xe, dừng xe lại” – Tôi hét lớn và nhảy ra khỏi xe.
Ngay lập tức, thằng bé cũng lao tới và ôm chặt lấy tôi. Những giọt nước mắt tạo thành các vệt lem luốc trên gương mặt đầy bụi của nó. Qua tiếng nức nở, thằng bé nói với tôi: “Con sẽ không bao giờ để cha thất vọng nữa, cha ạ. Con sẽ không bao giờ để cha thất vọng nữa đâu.” Lou dừng lời, chìm trong dòng suy tưởng.
– Đó là những gì mà thằng bé đã cảm nhận về tôi, một người cha đã từng làm nó đau khổ. “Cha cũng sẽ không làm con thất vọng nữa đâu, con trai.” – Tôi đáp lời con mà thấy nghèn nghẹn trong họng.
Ngài dừng lời, như đang sống trong hồi ức và nhìn tôi với đôi mắt ân cần.
– Tom! – Ngài nói, đặt tay lên vai tôi. – Điều chia rẽ giữa cha con, vợ chồng, hàng xóm cũng chính là điều chia rẽ giữa các đồng nghiệp với nhau. Và nó cũng chính là nguyên nhân của mọi sự đổ vỡ. Gia đình, công ty… hay tất những tổ chức mà chúng ta tham gia đều đòi hỏi ở ta sự tận tâm và cống hiến hết mình. Và tại Zagrum này, đó chính là điều mà mỗi thành viên nên biết và hướng tới.
– Hãy nhớ là, – ngài Lou nhấn mạnh, – chúng ta sẽ không biết mình sống và làm việc với ai, có thể là Bud, Kate, vợ, con cậu hoặc thậm chí là một ai đó như Chuck Staehli, cho đến khi ta “thoát ra khỏi hộp” của mình và hòa nhập với họ.