Dù là kết quả của lỗi lầm hay tình yêu
thì tôi cũng được sinh ra từ những gì đối lập.
Một bờ môi cong,
hình dáng đôi bàn tay hay dáng đi tất tả (cả những giấc mộng và nỗi sợ hãi)
được ban cho tôi từ những người đã tạo nên hình hài này
Nhưng những gì tôi tìm trong gương lẽ ra phải ở đó
giống như tôi khao khát.
Tôi sẽ có đôi cánh
của những người bay cao bay xa
những ai phủ bóng lên tôi khi tôi lớn
- như thể dưới tán cây kia một thân cây nhỏ
và bông hoa của nó.
Khúc củi bên sườn núi
Thế giới này sẽ không tồn tại nếu ta không cảm nhận về nó, không thiết lập trật tự cho nó.
Ít ai để ý rằng việc ta sống sót hay gục ngã hoàn toàn phụ thuộc vào cách nhìn của ta về cuộc sống. Ta khám phá hay trốn tránh tùy thuộc vào thái độ cởi mở hay khép kín của ta với cuộc đời.
Điều gì tạo quan điểm sống này?
Bắt nguồn từ thuở ấu thơ, với những nỗi trăn trở không thể nào lý giải.
Ngay cả khi được yêu thương, ta vẫn cảm thấy một nỗi bấp bênh cố hữu. Dù được bảo bọc, ta vẫn không tránh khỏi tai nạn và những tình huống khó khăn không xoay xở được. Ta vừa dựng lên những rào cản, vừa tìm cách kết nối với mọi thứ xung quanh và những điều sắp đến. Trên mảnh đất của gặp gỡ và ngăn cách, của nỗi sợ hãi và niềm sung sướng, những vật chất hình thành nên sự tồn tại của bản thân ta, đã có mặt trước cả khi ta sinh ra trên cõi đời này.
Nhưng ta không để mặc cho hoàn cảnh cuốn đi. Ta là người trong cuộc.
Có một bi kịch luôn tiềm ẩn: Nếu ta không nhận ra hoặc không đủ can đảm thay đổi và cải thiện, ta sẽ phí hoài cả cuộc đời bởi tài năng của mình bị chối bỏ - luôn luôn như thế, bất kể ta đang ở độ tuổi nào.
Quá trình hình thành bản ngã của mỗi người có thể được ví như việc xây nhà mà phần móng sẽ tượng hình từ thời thơ ấu, tường xây vào giai đoạn trưởng thành và mái được lợp ở tuổi xế chiều, thời điểm mọi thứ đã viên mãn nhưng đôi khi cũng bị xem như thời kỳ suy thoái.
Bàn tay của những người đã cho ta hình hài cũng góp phần vào công trình này. Bằng việc tách ra sống riêng khi lớn khôn, ta thể hiện bản ngã của mình: con người mà chúng ta mong ước, con người mà ta cho rằng mình nên như thế – con người ta thấy đáng sống.
Trong ngôi nhà này, ngôi nhà của tâm hồn và thể xác, chúng ta không thể là con rối ngu ngơ mà phải là những chiến binh biết suy nghĩ và ra quyết định.
Để trở thành con người đúng nghĩa, quá trình xây dựng "cái tôi" không cho phép chúng ta ngơi nghỉ một ngày nào: sẽ luôn có những bức tường mong manh, những tính toán sai lầm và đổ vỡ. Thậm chí, một phần của công trình sẽ đổ sập. Nhưng công trình đó cũng mở ra những cánh cửa sổ hướng đến mặt trời.
Cho dù kết quả là gì – một ngôi nhà để ở hay một phế tích hoang tàn – thì đó cũng là thành quả chung của tất cả những gì người khác nghĩ về ta và ta nghĩ về mình, là những gì ta yêu thương và được yêu thương, là những gì người khác làm cho ta tin rằng mình xứng đáng, và cả những điều ta làm để khẳng định hoặc thay đổi điều này, dấu ấn này - một điều gì đấy gắn liền với tên tuổi ta.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn quá đơn giản: kết quả ấy là sự trộn lẫn của lòng tin và sự lẩn trốn, cám dỗ và hân hoan, cả những yêu thương và khước từ. Chúng ta nhảy múa đằng sau những chiếc mặt nạ, nhờ chúng che giấu đi nỗi băn khoăn phiền muộn. Không ai có thể vui mãi và cũng chẳng ai phải buồn mãi. Mỗi ngày lại là một thử thách mới.
Sự mơ hồ này vừa khiến ta tổn thương, vừa giúp ta trưởng thành. Nhưng nó giúp ta thành người.
Với quỹ thời gian cuộc đời mình, tôi sẽ gắng sức hoàn thiện tác phẩm của riêng mình, bằng cọ, màu và giá vẽ.
Trong những năm đầu đời, hầu hết mọi thứ đều là sản phẩm của môi trường xung quanh nơi tôi được sinh ra, từ gia đình, trường học, những khung cửa – những phương tiện người lớn dạy tôi quan sát cuộc sống – vốn sẽ trở thành chốn nương thân hoặc nơi giam cầm, là niềm mong đợi hay sự ép buộc.
Rồi chẳng mấy chốc cũng không còn ai cho tôi đổ lỗi: cha mẹ, lòng yêu thương hay mối thù hận, sự quan tâm hoặc vẻ thờ ơ… chỉ khi lớn lên người ta mới nhận ra mình đã chịu đựng bao nhiêu căn bệnh trầm kha trong tâm tư con người. Cuối cùng, chúng ta sẽ thảng thốt nhận ra: cha mẹ cũng là những con người bình thường như chính ta thôi. Họ đã làm tất cả những gì họ biết, những gì có thể...
Còn tôi… tôi thì sao?
Mỗi người là một nghệ sĩ trong gánh xiếc đời mình. Tấm lưới đỡ bên dưới được đan bằng hai sợi dây bện chặt vào nhau: một từ những người đã sinh ra và nuôi dưỡng ta, một từ niềm tin và hy vọng của chính ta.
***
Thuở nhỏ, tôi thường nghe mọi người nói: "Trẻ con vô tư, không lo nghĩ".
Thật ra là trẻ con biết suy nghĩ. Và còn một thứ khác quan trọng hơn nhiều, một điều mà con người thường quên bẵng khi đã trưởng thành, là cách một đứa trẻ sống. Khi mải mê ngắm nhìn một dấu vết trên tường hay một con côn trùng trên cỏ, hoặc vẻ đẹp của đóa hoa hồng, đứa trẻ không chỉ đơn giản là nhìn, mà đã hóa thân vào tất cả những gì nó đang quan tâm. Giây phút ấy nó là con bọ, là dấu vết trên tường, là đóa hoa hồng, là ngọn gió và sự thinh không.
Tương tự như thế, đứa trẻ chính là hóa thân của sự lạnh lùng hay cơn giận dữ của người lớn, là sự vô tình hoặc là kết quả của một tình yêu chân thật.
Đôi khi trẻ con cũng cần ngồi yên. Đừng lúc nào cũng đòi hỏi chúng phải vận động, chạy nhảy, trò chuyện hay vui chơi. Trầm tư không đồng nghĩa với bệnh tật.
Khi một đứa trẻ hòa mình vào không gian xung quanh tức là nó tham gia vào một quá trình còn quan trọng hơn chính bản thân nó - nó đang phát triển một cách vô thức. Tuy nhiên, đứa trẻ còn sở hữu một gia tài quý báu hơn cả ý thức hệ: khả năng học hỏi mọi thứ, một trí tuệ hồn nhiên.
Chúng ta dần đánh mất thứ trí tuệ này đến mức hoàn toàn bị "thuần hóa", như thể việc ta khép mình vào thế giới xung quanh là điều tất yếu vậy.
May thay, con người dù trong quá trình bị thuần phục ấy vẫn còn giữ được khả năng biết ước mơ, bởi một thế giới hoàn hảo vẫn đại diện cho mong muốn được tự do của loài người. Bằng không, chúng ta sẽ trở thành thân lừa chở nặng những trách nhiệm và bổn phận, mà chôn vùi đi cái mà chúng ta thường gọi là tinh thần, bản ngã, cái tôi, hoặc đơn giản là tâm hồn.
Chúng ta sẽ bị bào mòn bởi sự phù phiếm vốn nguy hiểm không kém gì căn bệnh đáng sợ nhất: nó tấn công chính tâm hồn ta, khiến tâm hồn ta xác xơ và khô cằn.
Một tâm hồn mục ruỗng.
Một đứa trẻ không nhỏ bé như hình hài của nó, bởi tồn tại bên trong cơ thể ấy là thời gian, là nét riêng và tính cách, là sự hiện diện và cảm xúc – những gì làm nên tố chất của đứa bé ấy.
Khi còn là trẻ con, đôi khi tôi cũng cố lý giải điều này bằng những lời lẽ ngây thơ. Dường như không ai hiểu, hoặc bởi họ chẳng muốn nghe. Thế nên tôi đặt tất cả vào những câu chuyện tôi kể cho chính mình như những câu thần chú. Khi lớn lên, tôi thôi không sáng tác thần chú nữa mà chuyển sang viết tiểu thuyết và những loại sách khác. Như quyển sách này.
Tôi cũng nhận ra rằng sự thờ ơ mà người khác dành cho những ý tưởng nhỏ dại của tôi ngày xưa không phải bắt nguồn từ sự thiếu quan tâm.
Tôi không thể diễn tả ý mình cho rành mạch, mà người lớn thì không hiểu được sự khác nhau giữa tưởng tượng và thực tế, cũng không thể diễn tả chúng thành lời, thế thì làm sao hiểu nhau được.
***
Một lần nữa, tác phẩm này của tôi được viết dựa trên ý tưởng về một gia đình.
Tôi đã viết về chủ đề này không mệt mỏi.
Chúng ta bị những lời tiên tri đánh dấu lên số phận ngay khi còn rất nhỏ, như những lời nguyền hay chúc phúc trong những câu chuyện thần tiên.
Những nhân vật đầy bi kịch và thê thảm mà tôi tạo ra trong các tác phẩm của mình được cóp nhặt từ thực cảnh của những gia đình khốn khổ, nơi thiếu vắng tình yêu và thói đạo đức giả cùng sự cô độc mặc tình thao túng. Đôi khi những nhân vật này lúng túng vì không thể bày tỏ cảm xúc. Mà cảm xúc sẽ héo tàn nếu không được thổ lộ.
Sống một mình đã khó khăn, sống trong một gia đình lại thêm phần phức tạp và phiền toái. Chúng ta phải chấp nhận những sự ràng buộc tình cảm thất thường. Chúng ta phải chịu đựng cảm giác thiếu thốn về thời gian và tiền bạc. Chúng ta phải chịu đựng bởi nhu cầu được trưởng thành lớn hơn gấp nhiều lần nhu cầu về quyền lợi. Và nhiều phiền muộn khác nữa vì không được đối thoại, không được quan tâm và cô độc trong chính ngôi nhà mình. Chủ yếu là vì chúng ta không có thời gian hoặc cơ hội để thể hiện niềm sướng vui hạnh phúc.
Trẻ con dù sinh ra trong gia đình nào cũng không thể bị xem là gánh nặng hay một loại trách nhiệm. Nếu sự hiện diện của chúng mang đến cho ta niềm vui, ta phải mong chờ và yêu thương chúng mới phải. Trước khi đón một đứa trẻ ra đời, hãy làm cho ngôi nhà của mình thật sự là tổ ấm, chứ không phải chốn ngục tù.
Thời thơ ấu đặt nền móng cho con đường mà chúng ta sẽ đi suốt quãng đời còn lại. Nếu con đường ấy quá nhiều cạm bẫy, chúng ta sẽ dễ sẩy chân, có khi vấp ngã – nhưng như thế lại có ích, vì chúng cho ta cơ hội để chỉnh đốn diện mạo. Có thể là một vẻ ngoài dễ gần hơn. Nhưng đôi khi những vấp váp này khiến chúng ta tê liệt.
Khi đã trưởng thành, tôi luôn nhớ về mình qua dáng vẻ một cô bé say sưa tận hưởng nét đẹp của giọt mưa rơi trên những rặng cây trong vườn hàng mấy mươi năm trước. Hình ảnh đó còn đọng mãi trong tôi, ngay cả khi những người thân yêu đã qua đời, ngôi nhà cũ đã bán đi, và tôi cũng chẳng còn là bé gái thuở nào.
Bởi thế, tôi buộc phải dành một nơi trong tâm hồn mình để chứa đựng những điều tươi sáng, và tôi muốn nơi đó phải rộng lớn hơn cả gian phòng tôi dành để cất giữ những tàn dư của quá khứ.
Con người ấy bên trong tôi phải được nuôi dưỡng bằng nhiều kỹ năng, thế nên, dù vẫn còn những hạn chế, tôi vẫn có thể mở lòng chào đón một cuộc sống không ngừng biến đổi.
Ta sống gần hết cuộc đời mình như lũ chột, lớn lên sau những trắc trở và sai lầm, nhích từng bước qua những thách thức mà ta phải đối mặt mỗi ngày. Dù trên nền đất vững chãi hay trên nền cát lún, ta phải tự xây cho mình một mái nhà từ những chất liệu thô kia. Nhưng ta không lường hết được mọi điều. Ngay cả các phép tính cũng cho ra những kết quả bất ngờ. Bên trong ta có khả năng ước mơ lẫn sự sẵn sàng nhượng bộ - nỗi sợ hãi và niềm hân hoan.
Nghe có vẻ không tưởng, nhưng tôi sẽ không để cho sự nhạy cảm của mình bị mai một. Thay vì trở nên chai sạn, tôi sẽ biết bày tỏ những trạng thái cảm xúc của mình một cách tích cực nhất.
***
Mọi thứ trở nên phức tạp bởi ta cứ vác nặng hành trang tinh thần của chính mình. Bởi chúng ta được sinh ra trong quá trình tiến hóa của chính mình: có những điều không bao giờ thay đổi; bản chất con người dựng nên những bức tường kiên cố, không dễ lay chuyển và càng khó vượt qua. Cuộc chiến này vẫn sẽ tiếp diễn cho đến khi nào chúng ta còn tồn tại.
Thế nhưng những điều giúp ta đi hết cuộc đời này không phải lúc nào cũng ổn định, thể hiện qua việc một số người sinh ra vốn dĩ mong manh hơn những người khác. Một đứa trẻ luôn có vẻ phiền muộn hơn các anh em ruột thịt của nó. Đây không phải là lời phán xét, nhưng đó hẳn là một lời cảnh báo từ Bà Mẹ Thiên Nhiên.
Khu vườn nhỏ bé ngày xưa đã dạy tôi rằng một số loài cây tự thân đã mạnh mẽ, số khác chẳng ra sao, một số cây bị sâu bệnh hoặc tàn lụi ngay lúc còn non, trong khi những cây khác dù già cỗi vẫn không ngừng đơm hoa kết trái.
Chúng ta cũng không khác mấy, duy chỉ có một điều: chúng ta biết suy nghĩ. Chúng ta có thể tận hưởng cảm giác tự do, và trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể can thiệp vào mọi thứ.
Vì thế, một lần nữa, tôi khẳng định chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về mình. Ít nhất chúng ta có trách nhiệm liên đới với những gì mình làm, với hành trang mang theo trong suốt hành trình nối sự sống và cái chết.
Chúng ta mang theo quá nhiều thứ vô nghĩa. Trên đường đi, ta lại đánh rơi hoặc vứt bỏ những thứ quý giá để nhặt nhạnh thêm những thứ vớ vẩn, chẳng ra sao. Chúng ta cứ chạy mãi không ngừng cho đến tận cùng nỗi khiếp sợ; có mấy khi ta dừng lại một chút để xem xét con đường mình đi, để thay đổi hoặc tiếp tục với những điều đã định.
Chúng ta thậm chí không có những khát vọng riêng tư. Chúng ta mặc cho mình bị cuốn trôi theo số phận hoặc ý muốn của những người khác. Chúng ta quá yếu đuối đến mức không biết phản kháng. Chúng ta là những kẻ chui rúc nơi góc phòng hoặc ngồi lì bên mép ghế cuộc đời.
Một số phận phí hoài, khi ai đó bỏ quên sự phát triển tự nhiên của chính mình dù anh ta có thừa khả năng. Đối với tôi, điều đó cũng đau buồn như thua một cuộc chiến, bởi đó là thất bại của con người – vốn đáng giá ngàn lần hơn.
Chúng ta không nên chỉ viết những bài báo hoặc tham gia biểu tình để phản đối chiến tranh, tình trạng bạo lực tràn lan, tham nhũng hay nghèo đói, mà ta cần lên tiếng khẳng định tầm quan trọng của những gì ta gieo vào lòng mỗi cá nhân, và cả việc ta dành thời gian nuôi dưỡng những mầm cây ấy.
***
Nếu cứ khăng khăng về tầm quan trọng của cái nhìn đầu tiên dẫn dắt tôi trên con đường mình đi, phải chăng tôi đang trút mọi tội lỗi lên gia đình – lên các bậc phụ huynh?
Tôi nghĩ là thế.
Tình yêu đầu đời mà cha mẹ dành cho con cái sẽ quyết định những kỳ vọng mà chúng ta đặt lên mọi mối lương duyên của mình sau này. Những trải nghiệm thuở ban sơ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những gì xảy ra trong tương lai.
Sinh thành và dưỡng dục con cái đồng nghĩa với việc phải hoàn thành tốt vai trò làm cha làm mẹ liên tục mỗi ngày, không được lơ là, ngừng nghỉ.
Tình yêu có thể là một món quà vô giá, cũng có thể tạo nên những khủng hoảng; tình yêu lúc nào cũng cần lòng kiên nhẫn, óc hài hước, sự bao dung và sức mạnh, nhưng mức độ của những yếu tố đó thay đổi theo từng thời kỳ. Không có tài liệu hay trường học nào dạy con người ta cách yêu. Một đấu trường của những trận chiến sống mái khiến tôi không còn là một con người trọn vẹn – cũng giống như cảm giác bình thản đối mặt khó khăn mà ta tự tạo cho mình. Việc tranh đấu có thể mang ý nghĩa tích cực - có đấu tranh mới có phát triển. Yêu thương nghĩa là chấp nhận mọi giới hạn.
Mối quan hệ gia đình phát sinh từ những khác biệt, thậm chí đối lập trong tính cách con người, như thể số mệnh an bài chúng ta phải sống cùng nhau, giữa bốn bức tường của một mái nhà (với những mối quan hệ không thể nào chối bỏ, như cha mẹ và con cái), hai con người chung sống trong một nơi luôn sôi sục bất đồng và thiếu cảm thông:
- Tôi luôn cảm thấy hình như mẹ chẳng biết cách đối xử với mình!
- Con tôi từ lúc mới sinh ra đã chẳng bao giờ chịu nằm yên trong tay tôi.
- Tôi không bao giờ hiểu cha thật sự muốn gì ở tôi, ông như người xa lạ vậy.
- Cứ như có thứ hóa chất gì đó khiến tôi và mẹ dị ứng nhau, hai mẹ con không thích ôm nhau.
- Chúng tôi như sống trong hai thế giới tách biệt.
- Tôi không có cách nào làm mẹ hài lòng. Mẹ lúc nào cũng chì chiết tôi, ngay cả bây giờ tôi đã lớn còn mẹ đã già, sự tình vẫn vậy.
- Cha tôi hình như lúc nào cũng bực tức khi nhìn thấy tôi. Ông luôn đòi hỏi và đặt cho tôi những yêu cầu quá khắt khe, và dù có cố gắng đến mấy tôi vẫn cảm thấy đang nợ ông điều gì đó.
Chính mái ấm gia đình này, nơi tuy chúng ta không thể lựa chọn nhưng lại góp phần rất lớn trong việc hình thành nên con người mình, là nơi ta ra đi và trở về, ngay cả trong suy nghĩ. Nơi ấy mãi là mái ấm của ta, ngay cả khi ta không còn sống ở đó.
Thoát ly khỏi gia đình cũng tốt. Nơi ấy rốt cuộc sẽ trở nên ngột ngạt bởi nó có thể là ngục tù, là địa ngục, là hố sâu thăm thẳm. Nếu ta cho phép mình bị bó buộc trong ấy, sớm muộn gì ta cũng phải chật vật thoát ra, tìm đến một nơi mà ta vẫn thấy bất an, không biết liệu cuộc sống có dễ thở hơn và chẳng biết mình sẽ làm gì tiếp theo.
Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Bi kịch gia đình có thể là những chiếc rễ độc ăn sâu vào nền tảng của những mối quan hệ hoặc tâm hồn chúng ta. Quy luật của sự im lặng, của những nỗi ám ảnh thầm kín, có thể gây nên những xáo trộn nghiêm trọng. Nhưng chúng ta có thể thay đổi cái nhìn đối với ký ức, dù cho quá trình đó có ám ảnh và đau buồn đến mấy, nhưng đó chính là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.
Ta có thể tự giải phóng mình. Ta có thể tái lập nhận thức của bản thân để biết đâu là điều tốt nhất hoặc tiềm năng nhất cho mình.
Quan niệm sai lầm về thế giới xung quanh sẽ ngăn cản các quyết định của ta, khiến ta chùn bước và bỏ cuộc, hoặc phải tìm đến những giải pháp thay thế. Ngay lúc giao thời này, những năng lực bẩm sinh trong ta sẽ thể hiện vai trò của nó: những gì ta xây đắp cho mình, những nguồn sức mạnh ta tin cậy – và cả sự tự tin rằng mình có khả năng làm được một điều gì đó.
Chúng ta không thể kiểm soát số phận của những người mình yêu thương, càng không thể đau nỗi đau của họ, nhưng chúng ta có thể hiểu có con là một trách nhiệm nặng nề. Chúng ta không chỉ đảm bảo cho con trẻ được no đủ, được học hành, khỏe mạnh, mà còn phải giúp trẻ hình thành nhân cách: một việc phức tạp hơn rất nhiều so với việc nuôi dưỡng.
Điều này không có nghĩa là ta có quyền nhào nặn con cái như thể ta là những vị thần toàn năng. Mà ngược lại, trách nhiệm này là một phần trong bi kịch của những bậc làm cha làm mẹ khi chúng ta không thể sống thay con mình hay bảo bọc chúng khỏi số mệnh, cũng không thể lựa chọn thay chúng. Nhưng chắc chắn một điều, chính tính cách, lối sống và tư duy của chúng ta khi con cái còn nhỏ - khoảng thời gian khi chúng có vẻ vẫn đang "thuộc về ta" - sẽ chi phối đến toàn bộ cuộc sống của chúng về sau.
Tuy vậy, tôi không ủng hộ những bậc cha mẹ tự biến mình thành nạn nhân khi quan niệm "tất cả vì con em chúng ta" và hy sinh cả cuộc sống riêng của mình. Tôi cũng không đề cao những người mẹ giàu đức hy sinh, đánh mất bản thân và cuộc sống cũng với lý do tương tự, nhưng trong thâm tâm lại luôn đổ lỗi cho con cái và buộc chúng phải trả lại những gì chúng "mắc nợ", thậm chí cả những điều chúng không hề "vay".
Nhưng tất cả vẫn là ở ta. Chính niềm hy vọng hoặc nỗi thất vọng ê chề, tình yêu thương hoặc sự ghẻ lạnh của ta là những gì con cái chúng ta mang theo trong từng bước chân. Rồi những đứa trẻ sẽ trở thành cha mẹ, chúng sẽ truyền những điều đó đến với thế hệ tương lai. Đó chính là nền tảng truyền từ nhiều thế hệ trước.
Từ thuở sơ khai của nhân loại, con người đã đứng giữa những chuỗi dài của thất bại và thành công.
***
Khi sinh ra, chúng ta được thừa hưởng những đặc tính di truyền về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng chúng ta không chỉ có vậy. Chắc chắn không chỉ có vậy.
Xã hội chúng ta đang sống có rất nhiều tai mắt – những thứ vốn luôn dõi theo và can thiệp vào cuộc sống thường nhật của ta. Một trong số đó được gọi là ý kiến của người ngoài - không chỉ của những người chúng ta yêu mến và tôn trọng, mà cả những đối tượng hết sức mơ hồ, siêu nhiên hoặc gần như vậy. Chúng đường đột xâm nhập vào nhà chúng ta, cả vào ý thức của ta, què quặt và không đầu đuôi.
Bên ngoài bốn bức tường gia đình, áp lực hội nhập văn hóa mà xã hội đặt lên chúng ta là vô cùng lớn. Vậy nên chúng ta cần khả năng phân biệt, chứ không phải tài năng hay cá tính của tuổi trẻ. Chừng nào còn chưa trưởng thành, ta vẫn còn rất mong manh trước những tác động của ngoại lực – những áp lực ghê gớm chiếm lĩnh và sai khiến chúng ta.
Dù sống quãng đời niên thiếu trong chốn thành lũy tâm hồn, nơi mọi cử chỉ, hành vi đều phải nhất nhất tuân theo cái thế lực vô hình kia, tôi vẫn may mắn có được sự hậu thuẫn từ bài học mình nhận được ngay trong mái nhà thân thương: mọi chuyện thị phi bên ngoài thật sự không đem lại ích lợi gì. Tôi chỉ trao đổi, tham vấn về những vấn đề quan trọng với vài người mà tôi yêu quý và tôn trọng.
Ta có thể điều chỉnh rất nhiều điều mà người đời để lại, bởi ta là sản phẩm của xã hội chứ không là nô lệ. Những luật lệ xã hội áp đặt cho chúng ta không nhất thiết là án tử hình. Ta có thể thêm bớt, điều chỉnh những gì thuộc về lớp người đi trước và biến nó thành của riêng mình – dẫu biết đó là sự vô ơn.
Nhưng nếu bản thân ta là những thực thể đã được hun đúc, định hình từ trước, thì ai sẽ khuyên nhủ, sẽ giúp đỡ ta đây? Ai sẽ kiên nhẫn tháo gỡ những giằng néo của chúng ta với cuộc đời, với những mối quan hệ khác?
Chúng ta là kẻ tìm kiếm không ngưng nghỉ và về bản chất không bao giờ thỏa mãn. Chúng ta không tuân theo bất kỳ ai: ta thỏa thích quyết định theo ý mình. Từ khi đủ lớn để có ý thức, ta đã làm gì để tiếp tục là mình – hay để hoàn thiện mình hơn – như ngày hôm nay? Làm sao ta trở thành một người tự do nhưng vẫn biết tôn trọng và ân cần với người khác? Ta đã làm gì để khẳng định mình trong mối quan hệ với những cá thể không tên nhưng đầy quyền lực mà ta gọi là những người khác, những người rất đáng yêu nhưng cũng có thể vô cùng độc ác?
Cái nhìn mơ hồ của chúng ta sẽ trở nên rõ ràng hơn sau khi ta học hỏi và trưởng thành. Ta thường gọi đó là quá trình hình thành cá tính – ý kiến cá nhân và cách ta cư xử. Ta có hàng ngàn cách khác nhau để thể hiện vị trí của mình: thông qua cách ta lựa chọn trang phục, nghề nghiệp, bạn bè, mọi thứ. Hơn cả, từ trong tiềm thức chúng ta hành xử theo cảm giác tự tin, ngờ vực, lòng nhiệt tình hoặc nỗi hoài nghi vốn hình thành nên tính cách riêng của mỗi người.
Khi đứng trên bục giảng, tôi hay nói với các bạn trẻ: "Các bạn tốt đẹp hơn bạn nghĩ. Các bạn thông minh và tài năng hơn là bạn vẫn nghĩ về mình, hơn hẳn những gì mà chúng tôi – các bậc cha mẹ và thầy cô – nếu có vô tình khiến cho bạn hằng tin".
Chúng ta dạy con cái biết rằng vóc dáng chúng thật xinh, rằng tinh thần và tâm hồn chúng thật đẹp, hay ta chỉ khiến chúng cảm thấy bế tắc, phiền hà, rằng chúng là nguồn cơn của lo lắng và chán ghét, là khó khăn, và rồi chúng sẽ chỉ gặp toàn thất bại?
Tại sao chúng ta tạo ra những linh hồn dễ sai bảo, trong khi ta có thể tạo ra những linh hồn tự do?
Câu hỏi trên nghe có vẻ đầy bi quan giữa một xã hội phức tạp và nhiều cơ hội phát triển, nhưng nó xứng đáng có một lời đáp. Tôi nghĩ rằng con cái chúng ta phải được cảm thấy chúng là công chúa và hoàng tử. Dĩ nhiên tôi không có ý đề cập đến sự xa hoa và địa vị xã hội.
Mà ý tôi là lòng tự trọng.
Đó là một cái nhìn tích cực, không phải sự tự tin thái quá bị tô điểm bởi những điều không thật. Với quan niệm ấy, ta có thể tìm thấy niềm vui, mưu cầu hạnh phúc và những niềm tin. Ta có thể làm gì hơn ngoài việc sống trọn vẹn và hạnh phúc, với những gì mình có – những gì được xây đắp từ niềm tin của chính ta hoặc những gì khiến ta tin tưởng. Vì thế, tôi đã nói và luôn muốn nói với học trò rằng: các em tốt đẹp hơn các em nghĩ.
Nhắc đến lòng tự trọng, tôi lại nhớ về một người bạn mà tôi quý mến – nhà văn Erico Verissimo - người có lần đã nói: "Tôi yêu quý bản thân nhưng không thần tượng chính mình".
Chúng ta cần vượt qua tâm lý "Dại bầy hơn khôn độc" để hình thành và bảo vệ chính kiến. Không phải bằng cách xem thường lề lối, mà bằng cách đối đầu với nguy cơ bị cô lập. Không phải bằng cách bán linh hồn mình bằng mọi giá cho công việc, mà cần chọn lựa những công việc yêu thích, những người bạn chân thành, những hình mẫu và người thầy lý tưởng. Không phải bằng cách chọn lựa công việc trọng vọng nhất mà hãy chọn công việc phải luôn tranh đấu để tiến về phía trước.
Nói thì dễ… Tôi biết.
Sự thay đổi luôn khiến ta bất an.
Cảm giác khi muốn bỏ công việc với đồng lương rẻ mạt hoặc đã khiến ta chán ngấy, khi đối mặt với những bậc cha mẹ áp đặt, dứt bỏ một mối quan hệ chỉ khiến mình bị bó buộc và chèn ép, tránh những cuộc gặp mặt với những kẻ chuyên hà hiếp người khác… thường dễ khiến ta cảm thấy oán giận và tội lỗi.
Hoặc khi ta phá vỡ những lề thói xa xưa, dù biết chúng chỉ toàn những điều vô bổ, ta vẫn thấy bất an.
Khát vọng tự do, ước mong mạnh mẽ, nỗi sợ hãi khi phải từ bỏ những điều quen thuộc dù chúng tồi tệ đến đâu, có thể khiến ta cảm thấy tệ hại hơn thế. Tuy nhiên để tìm lại bản thân, ta phải tháo bỏ những xiềng xích cũ để khám phá đến tận cùng hành trình trở về với chính mình.
***
Có người phản đối: "Nhưng thời nay gia đình không còn quan trọng như xưa nữa. Con người giờ tự do hơn rồi, nghĩa vụ cũng không nặng nề như lúc trước. Mọi thứ đã thay đổi".
Không đúng, gần như mọi thứ đã thay đổi, nhưng điều cốt lõi vẫn không thay đổi. Đó là bản chất của chúng ta.
Xã hội không ngừng thay đổi từ hơn một thế kỷ qua: gia đình thay đổi, văn hóa chuyển biến còn khoa học và công nghệ thì liên tục phát triển; mọi thứ chuyển động với tốc độ không tưởng so với nửa thế kỷ trước đây.
Tuy thế, cảm xúc của con người vẫn không thay đổi.
Ít nhất, mỗi người vẫn là một cá thể độc đáo. Những khát vọng cơ bản của con người vẫn vẹn nguyên như thế: sống yên ổn, được yêu thương, tự do và có bạn đồng hành; muốn mình là một phần của xã hội và gia đình, cảm giác mình quan trọng đối với người khác hoặc ít nhất đối với một người – người mình yêu thương. Không nhất thiết tôi phải làm vua mới thấy mình quan trọng, tôi chỉ cần cảm giác mình là một người có giá trị.
Điều đó định hình con người chúng ta, không kém gì cái nhìn đầu tiên xã hội dành cho ta. Ta phải tự cảm thấy mình là người có năng lực và giá trị, không khoa trương cũng không quá nhún nhường, chỉ đủ để ta lựa chọn, điều chỉnh và biến nó thành của riêng mình.
Tôi không bàn đến tiền bạc, danh vọng hay địa vị xã hội, đơn giản là chúng ta được đánh giá ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào chính mình hoặc những người mình yêu quý. Ta dám hành động hay không tùy thuộc vào quan niệm chính yếu này.
Ta là một người công nhân, người giúp việc, tài xế, tá điền hay một nhà quản lý cấp cao, diễn viên tên tuổi hay chỉ là người bán hàng khiêm tốn đều không thành vấn đề. Chúng ta vẫn yêu quý bản thân bởi ta nhận thức được phẩm giá của mình và muốn lớn lên với những giá trị tương xứng. Điều đó tùy thuộc vào giá trị của từng việc ta làm hoặc thành quả ta tạo ra. Phụ thuộc vào sự tự tin của chính ta.
Tất cả những giá trị này không đến với ta từ những lời giáo điều hay lý thuyết suông, mà được hình thành từ những va chạm hàng ngày, tưởng rất bình thường nhưng lại tỏa sáng trong vai trò của nó.
Trở lại với vấn đề gia đình. Nhiều người cho rằng hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng chẳng giúp ta bản lĩnh hơn để đối phó với những vấn đề của cuộc sống. Ngược lại, chúng ta cần một nền tảng gia đình đầm ấm, vững chãi để có thể bảo vệ mình khỏi những bạo lực bên ngoài.
Nguồn sống từ thuở nằm nôi đó nuôi dưỡng tâm hồn, ban cho ta vị trí vững chắc: trong mái ấm của mình, trong cuộc sống hôn nhân, trong gia đình, trong lớp, trong công ty, trong nhà máy, và cả ngoài phố, nhưng trên hết là vị trí của ta đối với chính mình. Không thể xem thường điều đó.
Nếu ta tin rằng mình không có giá trị gì thì ta sẽ chẳng là gì hết. Ta sẽ để cho người khác nói thay, quyết định và sống thay mình. Ngược lại, nếu ta tin rằng mình xứng đáng chia sẻ những giá trị tốt đẹp, mặc cho những giới hạn tự nhiên và bao nỗi sợ hãi, ta vẫn sẽ tranh đấu vì điều đó.
Và ta sẽ làm mọi cách để được người khác yêu thương.
***
Những cử chỉ, sự im lặng và ngôn từ chỉ là những dạng tồn tại vật vờ chứ không thật sự sống.
Nhờ ngôn từ, cử chỉ và sự im lặng, chúng ta sẽ giao tiếp và vượt qua những hiểu lầm. Hầu hết những đau khổ mà người ta gây ra cho nhau đều bắt nguồn từ sự thiếu giao tiếp và thông hiểu.
- Từ trước đến giờ em vẫn biết chắc ba mẹ thương anh nhiều hơn mà.
- Sao mà hơn! Anh thấy ba mẹ thương em nhiều hơn anh mới đúng!
- Mẹ chưa bao giờ nói là mẹ thương con hết. Con cứ tưởng con không phải là con ruột chứ.
- Không nên nghĩ vậy, con à! Mẹ nuôi con, bảo bọc con, dạy con; mẹ làm mọi việc cho con trong khả năng của mẹ! Mẹ cố gắng cốt để con không thiếu thứ gì. Mẹ giặt đồ cho con nè; con mà ốm thì mẹ túc trực bên con suốt đêm…
- Nhưng có lần mẹ nói… mẹ làm…. nhìn mẹ, con thấy…
- Không phải đâu! Vậy là con không hiểu mẹ rồi. Chắc tại lúc đó mẹ không giải thích được cho con hiểu thôi.
Nếu vết thương quá sâu và gây nhiều đau đớn thì những lời lẽ như thế sẽ không đủ để hàn gắn. Một đêm Giáng sinh đầm ấm hay một bữa cơm trưa thân mật chưa đủ để làm bù đắp những tình cảm bị tổn thương.
Vài người nói với tôi rằng: "Cuộc đời là vậy, không ai hiểu ai. Con người ai cũng đầy tội lỗi, phức tạp, bấp bênh, không hạnh phúc, vậy thì làm sao có thể dạy cái gì tốt đẹp cho con cháu được?".
Tôi không đồng ý.
Tôi không tin con người ai cũng sống tội lỗi, cũng đều bất hạnh.
Con người rất phức tạp - điều đó đúng. Chúng ta mưu mô, dễ bị tổn thương, đầy thiếu sót và thường sai lầm. Nhưng chúng ta còn là những sinh vật có tình cảm và ý tưởng, biết ước mơ, biết sáng tạo – chính những điều đó đã đưa chúng ta vượt xa ranh giới của sự tầm thường. Chúng ta có khả năng hình thành những thói quen đơn giản nhất mang lại cho ta sự thư thái và an lạc.
Tuy nhiên tình yêu, chẳng hạn một tình yêu lạnh lẽo, là một điều hết sức khó khăn, là yếu tố sản sinh và tái tạo chúng ta từng giây từng phút. Nhân cách là trò chơi yêu thương với những cảm xúc rối ren, với những mảnh ghép khó lòng lắp ráp vào nhau cho khít.
***
Vài người chia sẻ với tôi:
- Mọi người nói rằng tôi xấu xí. Và tôi cũng nghĩ mình chẳng có chút giá trị nào, không may mắn – nói ngắn gọn, không đáng được hạnh phúc.
Nhưng lại có người nói:
- Đúng là tôi hơi thừa cân, nhưng cha tôi luôn nói tôi có cặp mắt đẹp, thông minh và đáng yêu. Tuy không nói ra nhưng cha dạy tôi nên biết chăm sóc ngoại hình. Nhưng đó vẫn không phải là tất cả và không quyết định điều gì cả. Thế nên nếu giờ đây ai đó không thể yêu tôi vì ngoại hình của tôi kém bắt mắt thì tôi cũng chẳng lấy đó làm buồn.
***
Gia đình chính là khuôn mẫu đầu tiên mà chúng ta hoặc noi theo, hoặc cố phá vỡ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc thoát khỏi
những khuôn mẫu của gia đình chính là một hành động tự vệ.
Từ khi còn rất nhỏ tôi đã được dạy rằng tự do là điều tiên quyết, rằng tự do gắn liền với phẩm giá, và rằng tôi phải chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình. Hơn thế, tôi biết rằng nếu xảy ra điều gì không hay thì vẫn luôn có một ai đó đưa tay nâng đỡ.
Bài học đầu đời này đã phác thảo trong tôi khái niệm cơ bản về gia đình: đó là một tập thể những con người cho dù không thấu hiểu hoặc không phải lúc nào cũng đồng tình với những việc tôi làm, nhưng họ luôn tôn trọng và yêu thương chính con người tôi, hoặc con người tôi đang hướng đến.
Dù ở bất kỳ giai đoạn nào, con người cũng cần được ủng hộ: phải, ta xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp. Sau đó, những trải nghiệm tích cực, nỗ lực cá nhân và việc không ngừng học hỏi sẽ giúp ta cải thiện và nâng cao lòng tự trọng.
Việc tự biết mình, một trong những mục tiêu của liệu pháp, sẽ làm sáng tỏ tầm nhìn và giúp ta thấu hiểu hơn mọi thứ, chịu đựng tổn thương và giúp chúng ta sống sót dù những con sóng cuộc đời có hung hăng, dữ dội. Và cuối cùng, là cảm giác được người khác xem trọng và yêu thương, trở thành bạn hoặc người yêu của một ai đó.
Tuy nhiên không phải mọi thứ đều diễn ra như thế.
Có những điều bất ngờ đã gây ra những tổn thương mà ta không thể nào chịu đựng. Ngay khi nhận một đòn chí mạng, ta sẽ cảnh giác từ mọi phía. Ai sẽ làm mình đau đớn tiếp theo? Ai sẽ phản bội mình? Trong quá trình trưởng thành và trải nghiệm, ta nhìn lại mình ra sao?
Vậy đến bao giờ chúng ta mới dừng lại và đứng vững?
Lối suy nghĩ và cách sống của chúng ta phần nào phản ánh hình ảnh của ta trong mắt người khác. Hay ta nên định hình tính cách bằng tất cả nỗ lực và cả những đau đớn cần thiết?
Trong sự mâu thuẫn với chính mình, ta có nỗi do dự và sợ hãi, hòa cùng tính quả cảm và lòng nhiệt thành. Chúng ta có thể giấu mình trong bóng tối hoặc đối diện với ánh mặt trời. Chúng ta là tất cả mọi thứ. Là sự tha thứ hoặc diệt vong.
Nếu ta cứ mãi rụt rè thì đó không phải lỗi của người khác. Bất kỳ lúc nào trong suốt quá trình hoàn thiện bản thân, ta đều có thể tạo ra một dấu ấn, một tiêu điểm hay sắc màu cho chính mình.
Có thể chúng ta bị buộc phải mang những bộ mặt khác nhau, nhưng sâu trong tâm khảm ta vẫn vang lên cái tên mà ta dành cho mình. Ta gọi đó là bản ngã.
Nguyên lý của tâm hồn
Càng có nhiều kiến thức trong lĩnh vực tâm lý và các mối quan hệ giữa con người với nhau, chúng ta càng cảm thấy bất an.
Cuộc sống càng văn minh, bản tính tự nhiên của chúng ta càng giảm. Đây là thời đại mà càng nói nhiều về thiên nhiên, ta chỉ càng thêm xa rời nó. "Sống tự nhiên" đã trở thành một điều gì đó rất không bình thường.
Và đó cũng chính là cách chúng ta đang nuôi dưỡng con cháu mình. Hàng ngày, ta nghe thấy vô số lý thuyết nuôi dạy con qua các phương tiện truyền thông và các trung tâm tư vấn mọc lên như nấm sau mưa với đủ loại phương pháp khiến nhiều người luôn tưởng rằng việc có con và nuôi con không phải là một quá trình tự nhiên cho lắm.
Chúng ta thường đi từ nhận thức sai lầm xưa cũ trẻ con đâu biết gì đến một sai lầm nghiêm trọng khác trẻ con là chúa rắc rối. Các bậc cha mẹ luôn cảm thấy khó khăn khi phải chọn lựa giữa hàng ngàn phương pháp trị liệu cho con trẻ, từ sơ sinh đến tuổi vị thành niên. Và những căng thẳng và lo lắng đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cá nhân của chính cha mẹ.
Chúng ta đã lãng quên người thầy vĩ đại nhất là trực giác. Bạn có còn nhớ cách chúng ta lắng nghe tiếng nói nội tâm bằng trực giác? Tất nhiên trước hết, chúng ta phải có trực giác và phải có một điều gì đó tồn tại bên trong để ta có thể nghe theo.
Bằng không, cứ mỗi khi đứa trẻ khóc gắt lên, hoặc ngồi yên không hoạt động (chẳng qua khi ấy chúng đang mải miết suy nghĩ một chút, mọi đòi hỏi phải tạm gác lại) là chúng ta lại cuống cuồng tìm đến các nhà chuyên môn, trông chờ họ dạy chúng ta cách ẵm bồng, cách cho bú, cách nhìn vào mắt chúng, ôm ấp chúng vào lòng.
Đó là vì chúng ta quá lo lắng nên không còn sáng suốt. Chúng ta đánh mất thói quen quan sát và phản ánh. Ta tránh né không nhìn vào chiếc gương phản chiếu con người thật của mình, ta đang trưởng thành ngày càng chậm hơn và tệ hại hơn, và hơn hết, ta là những đứa trẻ chưa lớn đã vội có con.
Chúng ta không thích nhìn lại mình hay phải đưa ra bất kỳ quyết định nào. Tôi từng nghe ai đó nói rằng: "Tôi sẽ quỵ ngã nếu ngừng suy nghĩ về cuộc đời mình". Chúng ta sợ mình sẽ lần ra mối dây ẩn sau nỗi sợ hãi của những điều mới lạ, sợ phải chứng kiến nhiều thứ rơi ra theo khi ta đưa tay kéo mối dây ấy.
Nhưng việc này cũng có mặt tích cực của nó: chúng ta có thể cóp nhặt những mảnh ghép và làm lại từ đầu. Biết đâu như thế sẽ khiến nội tâm con người trở nên tự nhiên hơn, ổn định hơn, truyền lại cho các con sự trầm tĩnh và những tính cách tích cực – đó chính là một thông điệp không thể tìm thấy trong sách vở hay ở các trung tâm tư vấn.
Việc sống một cách tự nhiên đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.
***
Khi đã quen ngụy biện cho những phương pháp và công cụ của mình, chúng ta có xu hướng lựa chọn những thứ phức tạp, miễn ta tin rằng như thế là đơn giản. Ngay cả trong môi trường nơi những tình cảm thắm thiết chiếm ưu thế, cảm giác hỗn loạn vẫn tồn tại từ lúc nào, thứ cảm giác phát sinh từ những lý thuyết mơ hồ hay những phương pháp ngớ ngẩn không hề liên quan đến tâm lý học, thứ tôi gọi là tạp chí tâm lý luận.
Một lần nữa, tôi muốn khẳng định lại sự trân trọng dành cho những người hoạt động trong ngành tâm lý. Bốn năm trị liệu đã giúp tôi vượt qua một giai đoạn vô cùng khó khăn. Không biết đến bao giờ tôi mới bày tỏ hết lòng biết ơn dành cho vị bác sĩ ưu tú đã đồng hành cùng tôi.
Không như hầu hết các lĩnh vực khác, tâm lý là lĩnh vực chúng ta tìm đến khi ta hứng chịu đau khổ. Chúng ta dễ bị tổn thương và chúng ta không biết hết những ngóc ngách của vùng đất mới mẻ này. Bởi chúng ta bị bỏ rơi, nên chúng ta được chăm sóc bởi đôi tay của các chuyên viên tâm lý.
Tôi đã quan sát vài cô gái trẻ đang chăm sóc bệnh nhân, người lớn có, thiếu niên có, trong những bộ trang phục phù hợp với hộp đêm hơn là vẻ nghiêm trang của một phòng tư vấn tâm lý. Tôi luôn nói rằng: đây không chỉ là cuộc phẫu thuật ghép tạng đơn thuần, mà chúng ta đang ghép lại tâm hồn đáng thương của chính mình.
Ẩn sau bộ dạng tùy tiện của các cô gái trẻ này – váy bó, áo hai dây, trang điểm đậm, dáng điệu trẻ con khi trò chuyện – có thể là một hành trang đầy ắp thông tin và kiến thức. Nhưng tôi, người không có ham muốn nhục dục cũng chẳng ưa xét nét, tự hỏi liệu họ có thể giúp làm cho bệnh nhân tin tưởng, liệu họ có thể động viên bệnh nhân, và trên hết, chỉ dẫn cho họ.
Tôi nhớ câu chuyện về một nhóm bác sĩ cùng giáo sư đi thăm bệnh. Một nữ bác sĩ trẻ mặc quần áo bó sát nói thầm với vị giáo sư:
- Thưa thầy, bệnh nhân giường 14 thủ dâm lúc em đi lại gần đó.
Vị giáo sư liếc nhìn cô từ đầu đến chân rồi điềm tĩnh nói:
- Em ăn mặc kín đáo lại chút đi.
Tôi cho rằng các chuyên viên trong lĩnh vực tâm lý học không nhất thiết phải là những người đứng tuổi, đạo mạo và trông có vẻ dày dạn kinh nghiệm. Nhưng chí ít họ cũng không nên khiến bệnh nhân rối trí khi phô trương tâm hồn mình trong những chiếc váy ngắn.
Nghe có vẻ kỳ cục, nhưng tôi đang nói rất nghiêm túc.
Tôi rất coi trọng việc cư xử đúng đắn.
Dù là tinh thần hay thể chất thì tôi cũng đặc biệt quan tâm đến mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh, bởi chính nhu cầu được che chở và giúp đỡ là động lực khiến người bệnh tìm đến bác sĩ.
Trong gia đình, nhiệm vụ của các bậc làm cha làm mẹ cũng tương tự như thế.
Người cha không thể là ngáo ộp, cũng không thể là người anh trai: người cha phải là một người cha, uy quyền, nhưng là chỗ dựa của con cái, thân thiện nhưng kiên quyết.
Và người mẹ không nên là một người bạn nhỏ của con, mà phải là một người mẹ. Người mẹ phải là nơi con cái, dẫu đã lớn khôn, tìm về khi cuộc sống khiến chúng thất vọng. Người mẹ không nên cố làm ra vẻ trẻ trung để cạnh tranh với con gái mình bằng phấn son và quần áo, hay cố ăn vận quyến rũ trước mặt bạn bè của con trai - những thứ khiến người mẹ quên rằng mình đang sống trong một thế giới thật.
Có vẻ đây là những quan điểm khắc nghiệt? Cuộc sống có lúc còn khắc nghiệt hơn nhiều.
***
Yêu thương là mang đến cho con cái những phương thức đạt tới sự cân bằng trong tính cách.
Bạn có thể hỏi đó là gì, và tôi sẽ trả lời rằng mỗi người đều có sự cân bằng của riêng mình. Sự cân bằng đó phải đủ để ngăn chúng ta không bị dìm chết ngay từ đợt sóng đầu tiên. Sự cân bằng ấy không đòi hỏi chúng ta phải rèn luyện quá nhiều hay phải thật đầy đủ về vật chất, cũng chẳng cần ta phải giỏi về lý thuyết và tranh luận, mà chỉ cần tấm lòng rộng mở, đôi tay vững chắc và đôi tai biết lắng nghe.
Những lỗ hổng trong quá khứ của chúng ta hình thành không phải bởi ta chỉ có mỗi một đôi giày và một cái áo, không có đồ chơi điện tử, không có giày múa ba-lê hay không được đến lớp học ngoại ngữ. Những vết nứt gãy có thể khiến ta sẩy chân ngã xuống, khiến ta xước mặt và tan nát trái tim, hình thành bởi một môi trường sống đầy thù hận, bởi sự thiếu thốn về hành trang hoặc bởi những cặp cha mẹ không hạnh phúc. Những thứ ấy còn đáng sợ hơn sự nghèo túng, quần áo xoàng xĩnh, nhà cửa bình thường, khu dân cư tỉnh lẻ, một ngôi trường bé tí và nhiều ngày tháng lao động cật lực để kiếm ăn. Một nền tảng vững chắc sẽ xuất hiện khi ta có tình cảm yêu thương, tính hài hước, lòng tốt và sự quan tâm.
Làm sao chúng ta có được những thứ đó nếu như lề thói thường ngày bị vứt bỏ và các thành viên trong gia đình thậm chí còn không thật sự giao tiếp với nhau? Tình yêu trở thành một thứ xa xỉ nếu ngay cả thời gian để đọc báo ta cũng không có, không có tiền trang trải sinh hoạt hàng tháng và không có niềm vui nào để bắt đầu một ngày mới.
Vì thế, tôi luôn nói rằng sinh con và nuôi con là một trách nhiệm nặng nề. Chúng ta sẽ tiếp tục cho ra đời những đứa con – không phải chỉ là sự tồn tại đơn thuần – mà đó phải là một con người đúng nghĩa.
Mối quan hệ gia đình mong manh, nỗi bất an trong lòng chúng ta, những mâu thuẫn dồn dập mà chúng ta hầu như không thể hiểu… tất cả đang khiến cho việc giáo dục ngày một khó khăn hơn. Thế nên ta phó thác mọi thứ cho nhà trẻ, trường mẫu giáo, cho bác sĩ tâm lý, cho bạn học.
Quỹ thời gian của mọi người đều có hạn, thế nên chẳng ai yêu cầu ta phải ưu tiên thể hiện cảm xúc của mình và trò chuyện khi về nhà vào cuối ngày làm việc trong tình trạng kiệt sức.
Dẫu sinh con và nuôi lớn chúng là một điều rất đỗi tự nhiên, nhưng việc dạy dỗ chính là đưa một con người đến chỗ tiếp cận với nền văn hóa đã xâm lấn hết tự nhiên. Điều đó có thể khá nhàm chán và nhạt nhẽo, khó hiểu. Chúng ta đang đi từ chỗ quá nghiêm khắc đến chỗ quá giản tiện trong giáo dục.
***
Tôi đã biết đến giáo dục từ khi nó còn khiến người ta khiếp sợ ngay cả trong những gia đình êm ấm và có nề nếp (trước khi những kết quả nghiên cứu tâm lý dạy chúng ta bớt hung hăng).
Nếu con nuốt hột thì tối nay nó sẽ mọc thành cây trong bụng con...
Nếu con nói dối thì mũi con sẽ dài ra và cảnh sát sẽ mang cái kéo khổng lồ tới cắt nó đi...
Nếu con ăn trái cây chưa rửa thì trong bụng con sẽ lúc nhúc sán lãi...
Ngày nay, chúng ta đã đạt đến một cảnh giới khác.
Với vô vàn kiểu lý luận tâm lý hời hợt và thiếu chặt chẽ, các bậc cha mẹ cảm thấy e dè và họ áp đặt lên con cái những quy tắc nhằm tránh cho chúng "gặp phải những bi kịch cuộc sống". Các bậc phụ huynh đầy bất an nhưng thiếu hiểu biết đưa con cái đến gặp các bác sĩ đủ mọi chuyên khoa một cách vô tội vạ. Tôi biết có những người đến phòng cấp cứu của bệnh viện chỉ để nhờ y tá cắt móng tay cho con, hoặc để cặp nhiệt độ vì "Hôm nay tôi thấy hình như cháu nó hơi khó chịu hơn bình thường", hoặc "Cháu nó khóc liên tục suốt ba tiếng đồng hồ rồi bác sĩ ơi, chắc nó phải bị đau ở chỗ nào đó"… và khi bác sĩ xem qua, ông kết luận đứa bé chỉ cần được tắm rửa và thay tã.
Cắt móng tay và cặp nhiệt độ không hề khẩn cấp. Tã lót dơ cũng không khẩn cấp.
Nhưng thiếu tình yêu thương và quan tâm chăm sóc có thể là trường hợp khẩn cấp.
Tâm lý học giúp chúng ta am hiểu và giải tỏa tính cách, nhưng tâm lý học không thể giúp hình thành tính cách con người. Tương tự, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo không phải là mái ấm hay gia đình, cô giáo không phải là những người mẹ hay người dì. Cho dù những đối tượng thứ ba này đáng tin cậy đến mấy, chúng ta cũng không thể khoán trắng cho họ trách nhiệm xuất phát từ trái tim ta.
Những trách nhiệm này là gì?
Dành một khoảng thời gian cho sự yêu thương trong thời gian biểu đầy hối hả và cực nhọc mỗi ngày. Để chào đón những cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa, vào một thời điểm nhất định, nhưng vẫn không thiếu sự quan tâm và nồng nhiệt quen thuộc. Tình yêu thương trong gia đình là cả một nghệ thuật, một trò tung hứng, thậm chí đôi lúc là một hành động anh hùng. Nó cần thiết không kém gì bầu không khí ta hít thở.
Chuẩn bị hành trang cho một con người bước vào cuộc sống không phải bằng những lời nói suông, mà phải bằng cách chung sống, chuẩn bị cho người đó về những mối quan hệ trong tương lai, cốt để một ngày kia họ sẽ có công ăn việc làm, có gia đình, có cuộc sống riêng, và giúp họ trở thành một con người thật sự, nhân hậu, rộng lượng, mạnh mẽ và có đạo đức.
Trở thành một con người
Quan niệm "cuộc sống là tài sản và chúng ta xứng đáng được hưởng tự do và hạnh phúc" được tạo dựng từ chính lòng tin ở trong gia đình. Toàn bộ quá trình phát triển của chúng ta trong tương lai được hình thành từ mái ấm gia đình. Sự tôn trọng ta dành cho con cái sẽ là kiểu mẫu cho sự tôn trọng mà chúng dành cho người khác và cho chính bản thân mình. Sự xuất hiện của một đứa con nữa sẽ dạy chúng biết chia sẻ, cạnh tranh lành mạnh, rộng lòng yêu thương và biết quý trọng người khác.
Ta không dạy con bằng những lời giáo điều, mà ta dạy con bằng thái độ đối với cuộc sống. Ta gọi đó là môi trường.
Môi trường ấy chi phối cuộc sống gia đình như thế nào?
Nếu tất cả những gì ta làm đều đầy hoài nghi thì sẽ không có lời nói, niềm vui hay phương pháp nào có thể thuyết phục một đứa trẻ tin rằng tình yêu không phải là tai họa, rằng con người có thể tin tưởng lẫn nhau...
Bầu không khí gia đình mà đứa trẻ đang sống sẽ cho chúng thấy việc có một gia đình, có anh chị em, có bạn bè, có người yêu là tốt hay không, mọi thứ có xứng đáng như thế hay không – liệu có thể yêu thương, tôn trọng nhau mà không sợ bị phản bội.
Việc chung sống sẽ nảy sinh nhiều vấn đề và cả sự mâu thuẫn, nhưng cũng mang đến niềm vui và sự phát triển cá nhân. Giữa anh chị em có lòng ganh ghét đố kỵ hay không? Tất nhiên là có. Điều này là rất bình thường, và là đó là cách chúng trải nghiệm để chuẩn bị cho những mối quan hệ rộng hơn trong tương lai.
Không phải lúc nào cũng có thể sẻ chia. Ai lại không muốn mọi thứ thuộc về mình: cha mẹ, nhà cửa, đồ chơi và nhiều thứ khác nữa. Nhưng chính sự chia sẻ giúp củng cố lòng tự trọng và khả năng tương tác. Chia sẻ là bài học tích cực, nhưng cần được chỉ dẫn rõ ràng. Bạn chẳng cần học cao hiểu rộng hay thật giàu có mới làm được điều này. Nhưng bạn cần sự cống hiến, sự khéo léo và dịu dàng: đó là những điều tối thiểu mà những đứa con của bạn đang mong đợi.
***
Gia tài thật sự ta để lại cho con cái không phải là nhà cửa, không phải tiền bạc, thậm chí không phải là học vấn, như ông bà ta thường nói.
Tài sản thật sự mà nhờ đó chúng củng cố bản thân (hoặc giải thoát bản thân) chính là những thông điệp mà ta truyền đạt cho con mỗi ngày. Đó không phải là những lời có cánh trong các dịp đặc biệt. Cũng không phải những câu chúc tụng trong đêm Giáng sinh, tiệc sinh nhật, hay trong giờ giảng đạo.
Những câu nói như thế này sẽ khiến nỗi hoài nghi bao trùm lên con cái chúng ta:
- Con chắc phải có thêm một thằng em nữa quá. Chỉ như vậy con mới bớt ích kỷ đi!
- Con mà có em thì ba mẹ không còn dễ dãi với con như vậy đâu, nghe chưa?
- Năm tới là con đi học rồi đó. May quá! Vô trường đi, rồi con biết thế nào là kỷ luật.
- Lớn thêm chút nữa con sẽ thấy cái gì là đúng, cái gì là sai; bây giờ con cứ lo chơi đi.
- Tới lúc có gia đình, có con rồi, mới thấy nhớ hồi xưa mình còn con nít.
- Để coi tới lúc con có chồng, con cái đầy một nhà thì sẽ ra sao… Lúc đó con mới thấm thía …
Không lẽ nào cảm xúc của chúng ta tệ đến nỗi để tình yêu thương trở thành gánh nặng? Chúng ta có thật sự suy nghĩ và cảm nhận như thế không, hay chúng ta tin rằng răn đe là một cách giáo dục tốt? Và nếu chúng ta thật sự được dạy dỗ như vậy, ta sẽ phải làm gì để sửa lỗi lầm này?
Chưa hết. Không chỉ là lời nói, chúng ta còn thể hiện bằng hành động, giọng điệu, nét mặt và những dấu hiệu ta bày tỏ. Bao trùm trong phòng riêng, nơi giường ngủ, trong nhà, cạnh bàn ăn của ta là thứ khí chất phân biệt giữa con người và tập thể: yêu thương hay thiếu nhường nhịn, gắn bó hay phản bội.
Mâu thuẫn là một phần của thực tế và chắc chắn vẫn tốt hơn là không thành thật. Mọi mối quan hệ không sớm thì muộn cũng cần ta củng cố lại, dẫu đó là những mảnh vỡ đau đớn.
Tuy nhiên, tôi là một trong số những người tin rằng ngoài những điều kể trên, yêu thương là điều có thể - yêu thương nhiều hơn, tốt đẹp hơn, yêu thương trong hạnh phúc. Những người yêu thương ta, và cũng là người ta yêu thương, không nhất thiết phải xinh đẹp, khỏe mạnh, quyến rũ. Giữa cha mẹ và con cái cũng thế.
Không phải ai có con cháu đều thích trẻ con.
Đây không phải là chuyện khiếm khuyết về nhân cách hay dấu hiệu của sự trái tính.
Những người lần đầu tiên ôm một đứa trẻ vào lòng đều trải nghiệm thứ cảm giác xa lạ, đột nhiên ập đến và khiến cảm xúc của họ thêm phong phú.
Một số khác lại thấy lòng mình nặng trĩu. Bởi đơn giản họ sinh ra không phải để làm cha làm mẹ, mặc dù họ có thể bày tỏ tất cả mọi tình cảm tốt đẹp khác.
Bởi những người này, cả đàn ông lẫn phụ nữ (kể từ khi chúng ta không còn hành động theo bản năng) không được trang bị cảm xúc đó. Hoặc bởi họ không được dạy cách yêu thương ngay từ khi còn bé.
- Ba ơi nhìn nè! Đẹp quá! Cho con xuống xe hái hoa tặng bà nội nha ba?
Cô bé hái những bông hoa dại màu vàng và tím, ôm chặt trước ngực trong suốt quãng đường, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Khi họ đến nơi, cô bé chạy ùa đến và tặng những bông hoa ấy cho bà.
Nhưng người bà vội lùi lại và nói một cách nhẫn tâm:
- Bỏ đi! Mấy cái thứ hoa ngoài đường dơ bẩn chỉ mang sâu bọ về cắn mình chứ làm gì!
Tôi không bao giờ quên nét mặt của cô bé lúc ấy.
Người phụ nữ lạnh lùng này không phải là người xấu. Bà cũng không thiếu tình yêu thương. Tuy nhiên, lòng tin của bà có lẽ đã bị tổn thương khi bà còn trẻ. Hẳn bà cũng từng ôm một bó hoa dại trên tay đến tặng một người lớn nào đó có tính khí cộc cằn.
Những câu như "Con là đứa con ngoài ý muốn; dĩ nhiên là mẹ yêu con, nhưng mẹ chưa bao giờ mong mình sẽ bận bịu với con cái thế này" hay "Mẹ chỉ định có anh con thôi, nhưng ba con lại muốn thêm một đứa con gái" là những đòn chí mạng, không phải vào mặt, mà vào thẳng lòng tự trọng.
Có những người không nên tự tạo áp lực tâm lý cho bản thân bằng cách sinh con. Tôi không phải là người tin vào tình yêu mù quáng hay nô lệ; những gì cần thiết đối với tôi có thể là gánh nặng lớn lao đối với người khác. Cũng không phải vì thế mà bạn có thể cho rằng giữa tôi với họ ai tốt hơn ai. Có con không đảm bảo rằng gia đình sẽ gắn bó hơn.
Ta có con bởi ta nghĩ rằng mình phải thế, bởi gia đình ta hối thúc, bởi vì xã hội trông chờ điều đó, bởi người bạn đời của ta mơ về điều đó, bởi bỗng dưng ta cảm thấy mình – dù có thể không mấy hứng thú với ý nghĩ này – có thể sinh con.
Để rồi sau đó, có trời mới biết tại sao (vì ‘vô ý’, để hàn gắn hôn nhân, để giải quyết vấn đề, để lấp đầy chỗ trống), chúng ta có một hay hai đứa con. Hiện ra trước mắt ta là cảnh tượng của tinh thần suy sụp, một hòn đá xoay tròn giữa dòng nước xoáy.
Khi tôi vui sướng kể về sự ra đời của hai đứa trẻ mới, có người đáp lại bằng giọng chê trách:
- Vậy là cô thích làm bà hả, để tối ngày trông mấy đứa cháu sao?
Một số khác ngay lập tức bày tỏ một cảm giác e ngại rất thành thật:
- Sinh đôi? Hai đứa cơ à? Nhiều thế! Không có thời gian nghỉ ngơi luôn đó! Con gái chị cũng tội nghiệp ghê! Có thêm hai nhỏ em là tha hồ mà ganh tị.
Cả nỗi nhọc nhằn lẫn niềm vui đều nhân đôi. Thật vậy. Ganh tị là cảm giác tự nhiên của mọi đứa trẻ khi trong ngày sinh nhật của mình đã xuất hiện thêm đối thủ cạnh tranh cũng như thành viên mới. Nhưng điều đó không nhất thiết phải trở thành thù nghịch. Có thêm anh chị em là chuyện bình thường, và đứa trẻ sẽ hạnh phúc nếu gia đình hạnh phúc. Khi có thêm anh chị em, đứa trẻ sống trong môi trường lành mạnh sẽ được dạy tính biết chia sẻ, tôn trọng người khác và khẳng định bản thân mà không phải tìm cách phủ nhận người khác.
Ngay cả bây giờ, khi cặp song sinh đã được vài tháng tuổi, vẫn còn có người hỏi:
- Bé lớn giờ sao rồi chị? Tội nghiệp nó quá!
Tôi là người quan sát cô bé hàng ngày và tôi khẳng định con bé vẫn đang hạnh phúc. Lớn lên trong một môi trường đầy tình yêu thương và khá yên bình, con bé giải quyết "vấn đề" bằng nhiều cách khác nhau.
Con bé đã đoạt giải trong một cuộc thi làm tóc với phần thưởng là hai con búp bê giống hệt nhau.
Có người hỏi:
- Đây là hai em con hả? Con bé trả lời:
- Dạ không phải, đây là mẹ với con.
Chúng tôi đã mua vài con búp bê bằng rơm để trang trí hai cái nôi. Cô chị gái giành lấy một con và trong mấy ngày liền cứ ôm theo bên mình. Khi có ai hỏi, con bé lại nói:
- Mẹ mua một con búp bê cho con, một con cho Fernanda, mẹ quên không mua cho Fabiana, nhưng mẹ sẽ mua liền.
Chúng tôi đã không mắng con bé. Con bé đang bảo vệ thế giới của riêng mình. Đó là quyền của mọi đứa trẻ, với niềm tin rằng mình sẽ không bao giờ bị ra rìa. Sau một thời gian, con bé trả con búp bê về lại cái nôi của em và tiếp tục quay về với những món đồ chơi quen thuộc.
Ở thời điểm này, mọi việc trong gia đình cần được điều chỉnh, đặc biệt là đối với một đứa bé gái lên bốn. Chúng tôi đồng thời phải chăm lo cho hai sinh linh bé nhỏ với vô số nhu cầu. Đôi khi tất cả những người phụ nữ trong nhà vây quanh hai chiếc nôi như những bà tiên trong chuyện cổ tích đang vây quanh nàng công chúa nhỏ để ban phép, để ngắm nhìn, yêu thương và giúp đỡ.
Tôi có những bức ảnh chụp chiếc bàn làm việc của mình có cái bình sữa em bé bên cạnh máy vi tính, hoặc hai chiếc nôi nhỏ với hai đứa bé đang ngủ say bên cạnh bàn viết.
Ấy là bổn phận, hay sự phiền toái? Đó là một lựa chọn yêu thương.
Không phải vì tôi là một người tốt hay một người bà mẫu mực. Mà đối với tất cả chúng tôi, đó là khoảng thời gian của công việc và niềm say mê, và chúng tôi chia sẻ sự ấm áp, rèn luyện tính nhẫn nại và suy ngẫm nhiều hơn.
Trên cán cân của cuộc sống, niềm vui cân nặng hơn tất thảy những thứ còn lại. Những mối dây tình cảm hình thành từ yêu thương cũng không bao giờ đứt.
Trong cuộc sống gia đình, tôi hy vọng mình sẽ sống như con người mình hằng mong muốn: một cá thể dễ bị tổn thương và phức tạp nhưng đầy tình yêu thương và khoan dung, rộng lượng. Sau mọi sai lầm, thất bại và nỗi ám ảnh của chính mình, tôi quý trọng những mối quan hệ và tình yêu thương, và chính suy nghĩ này đã khai sáng bản thân tôi, bởi sau tất cả mọi thứ, điều đó là xứng đáng.
Tôi không sống với nỗi lo canh cánh rằng một lúc nào đó người ta sẽ phản bội tôi. Tôi hiểu khi sợ hãi, người ta thường phạm sai lầm. Nếu cứ phập phồng lo sợ, tôi có thể làm tan nát cõi lòng người tôi yêu, và lúc đó tự nhiên tôi sẽ cảm thấy mình bị tổn thương.
Tất cả những bi kịch thường thấy này của loài người đồng thời cũng là của tôi. Qua bao năm tháng và bao mối quan hệ yêu thương, đã hơn một lần tôi nghĩ rằng sẽ có một buổi tiệc ăn mừng - chỉ là một sự thất bại. Khi tôi mong đợi một cuộc gặp gỡ - chỉ có nỗi cô đơn. Khi tôi mong muốn được ai đó ôm lấy - là khi tôi bị xa lánh.
Hoặc có rất nhiều thứ khác xảy ra, tất cả đều là những điều tốt đẹp, tuyệt vời và vượt xa mong đợi của tôi.
Nhưng ở đây, trong phạm vi của tình yêu thương gia đình truyền thống – yếu tố đang bị nhấn chìm bởi nhịp điệu hối hả của cuộc sống hiện đại – tôi tiếp tục sống với những điều tôi đạt được chứ không phải những thứ tôi mất đi, với hy vọng sau những cơn bão dù nhỏ hay lớn, chúng ta vẫn giữ lại được kỷ niệm về hy vọng, tình yêu và lòng trung thành.
Thần Chết ghé thăm
Người đàn ông vừa cầm chìa khóa xe lên (người phụ nữ đã rời khỏi nhà để đưa bọn trẻ đến trường) thì có tiếng chuông gọi cửa.
Một chút bực bội vì sắp trễ giờ, người đàn ông mở cửa nhà:
- Có việc gì thế?
Một người trẻ tuổi lạ mặt, gầy guộc, bán nam bán nữ, xinh đẹp và xấu xí, cao và thấp, tóc đen và vàng, khẽ ra dấu bằng cách cong ngón tay trỏ lại:
- Ta đến để đưa ngươi đi.
Không cần giải thích gì thêm, người đàn ông ngay lập tức hiểu rằng Thần Chết đã đến, và không có cách nào thoát. Nhưng vì đã quen với việc thương lượng và ngay cả trong trạng thái lo lắng, anh ta vẫn nhanh chóng nhận ra rằng điều này đến sớm, quá sớm và anh cố cãi:
- Làm sao như thế được? Ngay lúc này ư, đường đột và không hề báo trước?
Thần Chết nở nụ cười u tối:
- Có ai trên đời này hoan nghênh ta đến không? Có ai bao giờ sẵn sàng không? Đúng là ngươi chỉ mới bốn mươi, nhưng dù đã tám mươi người ta vẫn chẳng chịu đi.
Người đàn ông siết chặt chiếc chìa khóa xe đang nằm gọn trong túi áo khoác, nằn nì:
- Hãy cho tôi một cơ hội đi mà.
Người này ắt là đang vô cùng sợ hãi. Ôi, con người… Thần Chết chợt động lòng trắc ẩn và nhượng bộ:
- Thôi được. Ta sẽ cho ngươi một cơ hội, nếu ngươi có thể nêu ra ba lý do thuyết phục vì sao ta chưa nên đưa ngươi đi cùng ta lần này.
Dường như có tia sáng quỷ quyệt lóe lên trong cặp mắt đen và xanh của Thần Chết.
Người đàn ông đứng thẳng người; hiển nhiên, anh ta biết mình sẽ thành công, anh ta là một tay thương lượng có hạng. Nhưng khi anh ta chuẩn bị mở miệng nói một loạt lý do (chắc chắn hơn ba lý do), Thần Chết đã giơ ngón tay, vẻ độc đoán.
- Khoan đã. Ba lý do thuyết phục, nhưng sẽ không thuyết phục nếu ngươi nói rằng công việc kinh doanh của ngươi cần được giải quyết, gia đình ngươi không ai chăm sóc, vợ ngươi không biết cách ký một tấm séc, con cái ngươi chưa kịp lớn. Vấn đề là bản thân ngươi kìa. Vì sao ngươi xứng đáng được sống ở thế gian này thêm một thời gian nữa?
***
Tôi đã nghe câu chuyện ngụ ngôn này và tôi cũng từng kể lại trong một cuốn sách khác, trong đó người ra mở cửa là một phụ nữ. Lý do Thần Chết phản đối cô ta trước khi cô bắt đầu biện minh là: "Đừng nói với ta rằng vì chồng con ngươi cần ngươi…".
Câu chuyện ngắn này nói lên mức độ quý giá của bản thân ta đối với chính mình, chúng ta đánh giá bản thân đến đâu, chúng ta thật sự cảm thấy và suy nghĩ gì về bản thân mình.
Một người từng bình thản công nhận những hạn chế và thành tựu của bản thân đã nói với tôi rằng:
- Nếu hôm nay ở tuổi sáu mốt, tôi phải gặp hình mẫu lý tưởng của mình thuở mới mười tám, tôi sẽ không cảm thấy hổ thẹn. Tôi vẫn sẽ bắt tay anh ta, tôi có thể nhìn thẳng vào mắt anh ta thay vì quay sang chỗ khác để tránh cái nhìn ấy.
Không hề hàm ý nghiêm trang hay ca tụng bản thân, mà ông nói với thái độ hài hước cộng thêm một chút mỉa mai về mình, không phải ông khinh thường mà bởi ông yêu thương bản thân.
Bao nhiêu người trong số chúng ta có thể nói như vậy? Chúng ta nêu lên những lý do gì để thuyết phục Thần Chết khoan đưa chúng ta đi? Câu chuyện hàm ý nhắc nhở ta hãy suy ngẫm về những gì đã qua và sự phát triển của mình với tư cách là một con người.
Phải làm sao để chúng ta có thể lập trình bản thân mình hay đầu tư một phần nhân cách vào một kế hoạch cá nhân sinh lợi?
Câu chuyện này nêu lên một ý hay để suy nghĩ về giá trị của việc có giá trị, đánh giá cuộc sống chứ không phải xem xét qua loa. Đã bao giờ ta tạm gác công việc mình đang làm để thực hiện điều này – hay chúng ta mải vùi mình vào báo chí, thời trang và chủ nghĩa tiêu thụ, mải chạy đua để có đồng lương cao hơn, vị trí tốt hơn, bàn ăn sang trọng hơn trong nhà hàng, mánh khóe xảo quyệt hơn để lừa gạt người khác, để nổi trội hơn, dù chỉ là một ít, từ vị trí thấp kém của chúng ta?
- À, tôi tuân theo những giá trị của mình.
- Tôi truyền đạt những giá trị sống của mình cho con cái.
Chúng ta sử dụng thuật ngữ này quá dễ dàng. Những giá trị nào? Phải chăng đó là những giá trị mà tôi tuân theo trong cuộc sống, chứ không phải giáo điều trong một bài giảng đạo hay khi nói chuyện phiếm, là thứ chắt lọc từ cuộc sống hàng ngày với gia đình, nơi công sở, với bạn bè, với người thân?
Tôi nhận thức được là bằng cách yêu thương bản thân mình nhiều hơn, chúng ta có thể sống tốt hơn, và chúng ta có thể giải quyết vấn đề này. Chúng ta bắt đầu bằng cách thay đổi thế giới quan: thay vì chỉ nhìn thấy bức tường trước mặt, ta sẽ thấy một phần của quang cảnh. Việc ta trở thành tác giả của bản thân từ vị trí nạn nhân là một bước chuyển hữu ích.
Sự trưởng thành giúp ta nhìn thấy thực tế rõ ràng hơn – đó không phải là một tai họa. Đọc sách cũng giúp ích rất nhiều. Nhìn ngắm những điều tốt đẹp và tích cực cũng rất tốt. Yêu và được yêu cũng có tác dụng. Liệu pháp tâm lý cũng được. Ít nhất, những thứ ấy giúp chúng ta sống sót, thay vì cứ lún dần trong nỗi thương hại bản thân.
Tái lập bản thân rõ ràng là điều không thể: đường biên của những giới hạn, vùng đất nơi chúng ta được hình thành đã được mặc định như thế. Chúng ta mang con dấu trên tâm hồn – nhưng chúng ta có thể thay đổi hình dáng của chúng. Có thể thay đổi màu sắc chỗ này, hay mở rộng khai phá chỗ kia và xây dựng một nơi nương tựa.