Chương trước đã đề cập tới phương pháp lễ Phật và quán tưởng. Chương này sẽ tiến sâu thêm một bước nữa, phân tích rõ hơn về mặt nguyên lý tự nhiên. Đặc biệt phân tích về các động tác lễ Phật, trên phương diện ý nghĩa tu tâm của Phật pháp. Đồng thời, cũng bàn rõ ý nghĩa cấu tạo của cơ thể con người trên phương diện sinh lý và vật lý.
Phương thức áp dụng cho chương này là “hỏi đáp”, tổng cộng 23 câu hỏi “tại sao?” được đưa ra để giải thích. Sau cùng câu thứ 24 sẽ giải thích về lợi ích của việc hít thở sâu trong động tác lễ Phật đối với thân và tâm.
Có người hỏi: Cổ đức nói lễ Phật như: “Cây đổ núi lở”, tại sao sách này lại nói lễ Phật là phải hợp lý và thích nghi theo nguyên tắc?
Trả lời rằng: Cổ đức dùng câu trên để diễn tả ý: Một lòng tin rằng việc lễ Phật giống như cây đổ, núi lở hoàn toàn nhờ vào lực hấp dẫn của trái đất, không hoài nghi, không ngăn ngại, không chấp chặt... Không phải là dạy người lễ Phật dùng sức mạnh lễ thẳng xuống đất một cách bất ngờ. Mà cây đổ núi lở ở đây phải hiểu là việc lễ Phật được thực hiện một cách tự nhiên dựa vào nguyên lý lực hấp dẫn của vật lý. Điều này đúng cách và hợp lý.
1. Tại Sao Khi Lễ Phật Phải Chắp Tay?
1.1. Ý nghĩa
Nhà Phật thường lấy động tác thay cho lời nói, diễn tả cho một đạo lý vô cùng thâm thúy. Cho nên, dù là một tư thế bình thường cũng không nên coi nhẹ mà mắc lỗi. Chắp tay lễ lạy cũng vậy. Từ thời cổ, người Ấn Độ quan niệm rằng tay phải là tay thanh khiết, “tay Thánh Thần”; tay trái là tay dơ bẩn, “tay bất tịnh”. Vì vậy, trong đời sống hằng ngày, hai tay thường được sử dụng một cách phân biệt theo thói quen: Khi cầm nắm thức ăn, thì chuyên dùng tay phải, mà lau đồ dơ thì phải dùng tay trái. Tuy nhiên khi hai tay cùng hợp lại làm một, tức là biểu thị cho một sự hợp nhất của hai phương diện Thần Thánh và bất tịnh. Đồng thời, nói lên đạo lý về sự thật chân lý vũ trụ nhân sinh không có phân biệt.
Trong Tâm Kinh Bát Nhã cũng nói “không dơ không sạch” cũng là thể hiện ý nghĩa này vậy. Cho nên chắp tay để biểu thị khuôn mặt vốn chân thật xưa nay của con người.
Lễ Phật hoặc bình thường khi gặp nhau, chắp tay tức là thể hiện một nét chân thành khi chào nhau, loại bỏ các trạng thái của nội tâm như: lạnh nhạt, vướng mắc; hoặc có thể dung thông tâm hồn với nhau; đồng thời cũng đưa chúng ta đến chân lý, khôi phục lại bản tính thanh tịnh, phù hợp với thật tướng của vũ trụ.
Tay trái, tay phải cũng được sử dụng như là sự dung hợp của hai ý phân biệt để thay cho “lý và trí”, “định và tuệ”. Cho nên, chắp tay là biểu tượng cho lý trí hợp nhất, định tuệ cùng tồn tại. Còn mười ngón tay như là sự phối hợp của ngũ đại: đất, nước, gió, lửa và hư không hoặc là sự kết hợp của mười Ba la mật1.
1 Mười Ba la mật: Mười pháp tu của Đại thừa mà số lượng căn cứ vào gốc là sáu Ba la mật, thêm bốn Ba la mật là: Phương tiện, Nguyện, Lực và Trí tuệ. Theo Pháp tướng tông, Mười Ba la mật này gắn liền với mười giai vị của đạo Bồ tát. Đó là: 1. Thí Ba la mật; 2. Giới Ba la mật. 3. Nhẫn Ba la mật. 4. Tinh tiến Ba la mật. 5. Thiền Ba la mật. 6. Bát nhã Ba la mật. 7. Phương tiện Ba la mật. 8. Nguyện Ba la mật. 9. Lực Ba la mật. 10. Trí Ba la mật.
Ngoài ra, chắp tay còn một ý nghĩa khác nữa: Lấy mười ngón tay để biểu trưng cho mười pháp giới. Nếu chắp tay với các ngón tay tán loạn, biểu tượng này cho thấy cái “tâm trùm khắp mười pháp giới” đã bị loạn động. Do đó, chắp tay như là một sự thu nhiếp tâm loạn để chuyên chú một lòng hướng về Đức Phật.
Một khi đã dốc hết lòng hướng Phật, thì ánh sáng của tâm nhất thời chiếu khắp mười phương. Điều đó cũng mang một ý nghĩa đánh thức, nhằm nhắc nhở cho mọi người tập rằng cả lý trí lẫn thực tiễn, nhất định phải được kết hợp mật thiết với nhau trong suốt tiến trình tu học.
Chắp tay còn được biểu thị cho sự tôn kính. Không phải là một sự tôn kính mang tính khác biệt, mà là sự cung kính bộc lộ từ nguồn gốc của Phật tính trong bản thân, với Phật tính của Đức Phật từ xưa đến nay không có khác nhau, mà luôn có mặt khắp mọi nơi mọi lúc.
1.2. Phương thức
Theo Sớ Kinh Đại Nhật có mười hai cách chắp tay; chúng chính là cơ sở của các “khế ấn”. Cùng với sáu loại “quyền ấn” (ấn tạo thành bằng cách nắm tay), chắp tay (hiệp chưởng ấn) được gọi chung là “ấn mẫu”. Mười hai cách chắp tay này, mỗi cách đều có ý nghĩa vi diệu của riêng nó.
Các hình minh họa cho thấy, từ ngón út tới ngón cái, được chỉ cho: đất, nước, gió, lửa và hư không:
1. Chắp tay vững vàng chắc chắn: Tức hai bàn tay chắp lại, áp chặt vào nhau không để khoảng trống (hình 1).
2. Chắp tay có khoảng trống nhỏ ở giữa lòng hai bàn tay (hình 2).
3. Chắp tay như búp sen. Các ngón tay hơi khum lại tạo thành khoảng trống ở giữa, giống hình dáng của hoa sen chưa nở (hình 3).
4. Chắp tay như búp sen chớm nở. Tức hai ngón tay út và hai ngón cái tựa vào nhau, ba ngón còn lại chỉ cho nước, lửa, gió thì hơi cách nhau như hình dáng hoa sen mới chớm nở (hình 4).
5. Chắp mở lòng bàn tay, hai ngón út sát nhau, cho lòng bàn tay hướng lên (hình 5).
6. Chắp tay giữ nước: Tức hai tay đồng thời bụm lại, đầu ngón tay hơi co lại, tựa lên nhau, đưa hai ngón cái tì bên hông hai ngón tay trỏ, dáng như đang bụm nước (hình 6).
7. Chắp mười ngón tay đan vào nhau, năm ngón tay phải đặt trên năm ngón tay trái (hình 7).
8. Chắp lưng hai bàn tay áp sát, mười ngón đan vào nhau (hình 8).
9. Chắp lưng hai bàn tay áp sát, năm ngón tay bàn tay này giáp với cổ tay kia (hình 9).
10. Chắp tay ngón giữa chạm vào nhau, các đầu ngón tay còn lại hơi tách rời ra (hình 10).
11. Chắp tay các ngón cái và các ngón giữa chạm nhau, lòng bàn tay úp xuống (hình 11).
12. Chắp tay chỉ hai ngón cái áp sát nhau, lòng bàn tay úp xuống (hình 12).
Thông thường các đạo tràng thường áp dụng cách chắp tay thứ nhất và thứ bảy.
Cách chắp tay thứ nhất:
Những điểm quan trọng:
1. Hai vai phải thả lỏng, nhưng ngay thẳng, mềm dẻo không cứng nhắc.
2. Hai bàn tay áp chặt vào nhau, nhưng phải thoải mái.
3. Chắp tay ngang ngực, tay không kẹp chặt vào nách, gốc ngón tay cái ngang chỗ trũng giữa ngực, không ép lên ngực.
4. Mắt tập trung vào đường chắp của hai bàn tay, kiểm soát xem mình chắp tay đã được chỉnh tề, thoải mái chưa. Thông thường, người nào tâm bị phân tán, hay lơ là, rất khó chắp tay đúng cách, năm ngón tay lúc tâm tán loạn, ngón út không khép sát, một khi thiếu chuyên chú, ngón út lập tức bị hở ra (xem hình bên dưới).
Tất nhiên phải dùng tâm mà quán chiếu, kiểm soát và phát huy cao độ tính giác, thì khi chắp năm ngón tay mới có thể khít sát với nhau.
Cách chắp tay thứ bảy:
Trong Kinh Vô Lượng Thọ có nói đến cách chắp tay này và Pháp sư Sám Vân trong khi hướng dẫn khóa tu giữ giới, ăn chay kèm dạy lễ Phật cho sinh viên, đã đề xướng áp dụng cách này1. Với phương pháp đó người học càng lạy càng thích hợp, càng nhẹ nhàng vui vẻ, thoải mái, khó sinh nóng giận.
1 Ngài Sám Vân dạy rằng: Khi tới các đạo tràng cộng tu, nên tuân thủ các quy tắc, cách chắp tay... của đoàn thể. Đồng thời, cũng tùy thuận theo lời chỉ dạy của người hướng dẫn, tùy thuận với đại chúng, mới là biểu hiện sự kính lễ đối với chư Phật.
Phương pháp: Tay phải ở trên, các đầu ngón tay đan nhau ở ngay đốt thứ nhất. Tay trái là “chúng sinh giới”, tay phải là “Phật giới”. Ý muốn nói là chúng sinh quay về với chư Phật. Hai tay chắp lại, có ý nghĩa người lễ và người được lễ không khác, chúng sinh và Phật như nhau. Đối với những người tu theo Mật giáo, lấy ấn đó thể hiện cho lòng cung kính đối với Đức Bổn Sư, cũng là ấn biểu thị một lòng tin vững chắc.
Khi chắp tay phải biết rõ, cao, thấp, bằng ngực mình, chỉnh tề ngay ngắn. Điều này phù hợp với lời dạy trong Kinh Vô Lượng Thọ: Điều thiện thứ nhất, phải tu tập tâm ngay thẳng, thân chỉnh tề.
Tám cách chắp tay không hợp lý:
1. Chắp tay lỏng lẻo, mắt không thu nhiếp quán chiếu.
2. Chắp tay quá cao, đôi vai quá cứng.
3. Nhìn ngang ngó dọc, năm ngón tay đều xòe ra.
4. Vai và lưng quá cứng.
5. Ngón út xòe ra, chắp tay ngả chúc xuống, thiếu sinh khí.
6. Chắp tay các ngón so le, lại ép vào ngực.
7. Ngẩng đầu, đưa cằm quá xa về phía trước.
8. Ngẩng đầu, đưa cằm, cánh tay phải chống đỡ một cách khổ sở.
1.3. Tại sao khi chắp tay không nên ép sát vào ngực?
Tư thế chắp tay ép sát vào ngực lộ tướng uể oải, biếng nhác và ảnh hưởng đến sinh lý.
Thông thường, chúng ta không biết bên trong vùng ngực có một tuyến miễn dịch được cấu tạo vô cùng quan trọng gọi là “cơ quan lympho”. Thân thể chúng ta có một hệ bạch cầu Lympho T như là một hệ thống cảnh vệ, tức là cơ quan phòng thủ rất quan trọng. Nó có thể giúp đẩy lùi sự xâm nhập của những tác nhân bên ngoài, cũng có thể tiêu diệt (hoặc vây bọc) các tế bào ở bên trong cơ thể, hay các loại tế bào phát triển bất thường, hoặc các tế bào ung thư.
Bạch cầu lympho T do tuyến ức chế tiết. Tuyến ức có thể chế tiết “nội tiết tố tuyến ức”, giúp cho bạch cầu lympho T phân hóa tốt, có hoạt năng tối đa. Nếu tinh thần bị áp lực nặng, tuyến ức bị suy sụp, công năng bị giảm. Nếu tay đè trên ngực, sẽ khiến cho phần ngực bị ép, khí huyết tất sẽ bị nghẽn, không thông (tham khảo thêm phần sau).
Lồng ngực, nhìn từ phía trước:
Tuyến ngực - cơ quan lympho.
(Như hệ thống cảnh vệ - Sản xuất ra các “chiến sĩ” lympho T).
(1) Tuyến ức.
(2) Xương đòn (xương quai xanh).
(3) Phổi phải.
(4) Phổi trái.
(5) Tim.
(6) Hoành cách mô.
Lồng ngực nhìn từ phía sau:
(1) Sụn giáp trạng.
(2) Chuỗi cầu (chuỗi hạch lympho quanh cổ) (hạt xanh trong hình vẽ).
(3) Xương đòn trái.
(4) Nhánh khí quản trái, phải.
Cắt ngang phổi phải, (chỗ khí quản phân nhánh), lộ ra mặt cắt ngang, màu xanh như đường gân ở các cành cây nhỏ, biểu thị ống lympho nhỏ chi chít hấp thụ dịch lympho (xem thêm phần trình bày phía sau), đổ vào ống lympho chính (bao quanh khí quản bằng các phân nhánh li ti rồi tụ nhập vào chuỗi hạch lympho (chuỗi cầu màu xanh). Ta thấy lympho kết dính vào hai bên khí quản trung ương, đồng thời lympho cũng có ở hai bên xương ngực (xem thêm phần trình bày phía sau). Nếu ép tay vào ngực, có thể ngăn trở dịch lympho chảy về, cuối cùng bị đẩy vào tĩnh mạch (phía dưới xương quai xanh).
2. Tại Sao Không Nên Nghiến Răng , Nghiến Lợi?
2.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Đại sư Thiện Đạo, trong Sớ Kinh Quán Vô Lượng Thọ trước khi dạy phương pháp quán tưởng, có nói về những điều kiện cần chuẩn bị vô cùng quan trọng. Đó cũng là cơ sở của một trình tự trước sau không thể thiếu trong tiến trình tu quán. Các bước này người tập không được làm qua loa, tùy tiện, để rồi bỏ qua.
Làm cho thân ngay thẳng,
Miệng không khép quá sát,
Lưỡi tì lên hàm trên
Khiến yết hầu, khí quản
Được trôi chảy hanh thông.
Đoạn văn này viết ngay trước câu: “Quán chiếu thân vật lý này, trong ngoài đều không có một vật gì”. Đủ thấy trước khi quán Không hay quán mười sáu pháp, thì các động tác: làm cho thân ngay thẳng, ngậm miệng và răng đừng nghiến sát, lưỡi tì lên hàm trên... nhất định cần phải làm và đây là phương pháp không thể bỏ sót.
Nhà Nho cũng nói rằng: “Người quân tử nhất định phải chăm lo cái gốc. Gốc vững chắc thì cành lá mới sum sê, hoa trái mới sinh trưởng”. Người mới học, nếu không thể thực hành những điều căn bản, cũng giống như rễ chưa vững chắc, thì việc đơm bông kết trái quả thực là vô cùng khó khăn.
Tâm vọng tưởng, cố chấp, lo lắng, sợ hãi, tự nhiên biểu hiện ở thân. Nhưng người tập lại không tự biết được, răng mình đang nghiến chặt, lưỡi cứng bám chặt lên hàm trên, bên trong mũi, đường hô hấp và yết hầu cũng không được hanh thông, cổ thì gồng lên. Cảnh giác không nên nghiến răng nghiến lợi, tức là nhắc nhở chúng ta phải buông bỏ vọng tưởng, chấp trước. Việc nghiến răng nghiến lợi, khi tinh thần bị kích động được biểu hiện rất rõ ràng, có thể thấy được. Nhưng thường ngày, với tâm vô tư, mình đang nghiến răng nghiến lợi mà cũng không hay. Người tập cũng thường tự không cảm nhận được rằng: chỉ cần tâm vướng víu, thì cơ nhỏ trên mặt lập tức phồng lên, tự nhiên khiến răng trên, răng dưới nghiến chặt lại.
Cho nên, không nghiến răng, nghiến lợi, hãy buông lỏng các cơ thịt nhỏ. Đồng thời, cũng phải buông bỏ được những vướng víu trong tâm.
2.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
2.2.1. Không nghiến răng nghiến lợi giúp cho ống tuyến nước bọt thông suốt, nước bọt đầy đủ.
Hình minh họa Tuyến nước bọt
Chụp cắt phần phía trước tai, lộ rõ tuyến dưới tai ở dưới da. Cắt phần xương hàm dưới bên trái, thì lộ rõ tuyến dưới má, tuyến dưới lưỡi và các ống dẫn.
Chú thích hình trên:
(1) Tuyến dưới tai và ống dẫn. (2) Tuyến dưới má và ống dẫn. (3) Tuyến dưới lưỡi và ống dẫn.
Nước bọt là dịch tiết vô cùng quan trọng trong cơ thể con người. Nó không chỉ làm trơn ướt, tiêu hóa phân giải thức ăn, mà còn chứa các kháng thể, tăng cường sức đề kháng cho con người.
Tuyến nước bọt của con người có ba cặp lớn:
a) Tuyến dưới tai (tuyến mang tai) Nằm ngay phía dưới tai.
Các ống tuyến có miệng mở: Ở má vòm hàm trên (đối diện với răng hàm số 7, hàm trên).
b) Tuyến dưới má
Nằm ở vị trí tam giác vòm dưới miệng, phía dưới xương hàm dưới.
Các ống tuyến có miệng mở.
c) Tuyến dưới lưỡi
Nằm tại phía dưới đầu lưỡi. Ống dẫn lớn.
Ống dẫn nhỏ (khoảng 10 ống), mỗi ống đều có miệng mở, miệng xoang niêm mạc ở dưới lưỡi.
Ngoài ba cặp tuyến nước bọt đó, còn có rất nhiều tuyến nước bọt loại nhỏ, phân bố bên trong khoang miệng ở má, trên dưới môi và vị trí chót lưỡi.
Tuyến nước bọt (tuyến dưới lưỡi) và miệng ống của nó:
Há to miệng, đưa đầu lưỡi tì lên hàm trên, ta có thể nhìn thấy phía dưới chính giữa lưỡi, có một dây buộc lưỡi. Mỗi bên có một miệng ống nhỏ, có nước bọt tiết ra. Trên hình vẽ, có một ống màu xanh là một ống dẫn khác của tuyến nước bọt dưới miệng, sẽ sáp nhập vào miệng ống của tuyến dưới lưỡi.
Hình trên: (1) Cắt lớp da bên ngoài của phần dưới lưỡi, có thể thấy tuyến dưới lưỡi. (2) Miệng ống của tuyến dưới lưỡi. (3) Thuộc hệ đới dây buộc, dây chằng lưỡi. (4) Miệng ống của tuyến dưới lưỡi.
Khi nghiến răng nghiến lợi: Từ miệng mở của ống dẫn tuyến nước bọt trở lên hầu như bị tắc. Hệ quả là nước bọt bị thiếu, không chỉ làm miệng khô, lưỡi ráo, mà còn thiếu đi chất men tiêu hóa, dẫn đến tiêu hóa không thông, đồng thời mất đi chất kháng thể và sức miễn dịch bị sút giảm. Vì vậy, người tập nên giữ sao cho cơ thể được thả lỏng, thoải mái, không nên nghiến răng nghiến lợi (chỉ cần môi trên và dưới khép lại).
Mọi người thường chạy đôn đáo tìm kiếm một thứ nước uống từ bên ngoài, mà không biết rằng ngay bên trong mình có sẵn một loại thức uống vô cùng tuyệt hảo, đó là nước bọt. Nước bọt tiết ra mỗi ngày 24 giờ liên tục, (như nước suối tuôn). Thế mà số đông người lại tự mình nghiến răng nghiến lợi, chặn bít cửa mạch, làm ngăn trở nguồn suối, lại còn oán than miệng khát, quả thực là oan uổng vô cùng!
Người hay bị khô miệng, tất nhiên là do trong tâm thường bất an buồn rầu, tiều tụy, nét mặt đờ đẫn, lo âu. Họ không tự biết là mình đã nghiến răng nghiến lợi, làm tắc nghẽn không cho nước bọt tuôn ra ở miệng ống dẫn tuyến. Hoặc do tinh thần bị căng thẳng làm ảnh hưởng đến khả năng tự chủ của hệ thần kinh khiến cho tuyến nước bọt bị tiết giảm, giới hạn.
Mọi người có thể thử nghiệm: Cằm thả lỏng, không nghiến răng nghiến lợi, cơ ở cổ cũng thả lỏng, đưa lưỡi tì nhẹ lên hàm trên. Nhưng mặt lưỡi, cuống lưỡi và chính giữa hàm trên, giữ cho chúng cách một khoảng trống (giống như ngậm một hạt ô mai hay ngậm một ngụm không khí vậy), như thế sẽ cảm thấy nước bọt dồi dào, liên tục chảy ra (cửa ống tuyến nước bọt được thông suốt). Làm như vậy, khi niệm Phật hay lễ Phật miệng sẽ không bị khô. Khi tâm thanh tịnh thì nước bọt rất ngọt ngào, nhất định vượt hơn hẳn các loại thức uống khác trên đời. Do đó, qua thử nghiệm nhỏ này, có thể cho thấy rằng cơ thể chúng ta vốn có nhiều chức năng tốt, nhưng vì sự tự hạn chế của bản thân mà không phát huy được.
Tất cả chúng sinh đều có trí tuệ, đức tướng của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng, chấp trước mà không thể chứng đắc được.
2.2.2. Xoang miệng thả lỏng, không nghiến răng, nghiến lợi giúp hơi thở được thông suốt.
Hàm trên bao gồm:
Phía trước: Ngạc cứng (bộ phận cứng bám chắc xương).
Phía sau: Ngạc mềm (bộ phận mềm lơ lửng, giữa có huyền ung thùy).
(1) Huyền ung thùy (tiểu thiệt)
(2) Ngạc mềm.
(3) Ngạc cứng.
Chúng ta có thể thực nghiệm:
Khi lưỡi tì lên phía sau răng cửa hàm trên khoảng 1 đến 2 cm, giữ khoảng cách giữa mặt lưỡi và ngạc mềm, khi thả lỏng và thoải mái, thì lập tức cảm thấy tiểu thiệt (lưỡi con, thông thường gọi là chuông cổ họng) ở phía sau yết hầu, thông gió, mát lạnh. Đường hô hấp như được mở rộng làm cho hơi thở ra vào được thông suốt. Càng buông lỏng, thoải mái, càng có thể cảm nhận được sự mát lạnh, không bị buồn ngủ khi hít thở.
Kỳ thực, nếu chỉ dùng khí quản thở ra một hơi nhỏ, chúng ta cảm giác ngay một luồng gió mát lạnh. Nhưng thường ngày chúng ta đã thở bằng cách nào mà không khí thông qua mũi, họng lại không cảm thấy mát lạnh? Chính là do hằng ngày chúng ta quá căng thẳng, các cơ nhỏ nơi họng đều căng lên, tự mình đã ép đi một nửa ống dẫn khí. Khi lượng dưỡng khí cung ứng đã bị sụt giảm đi, chẳng những không mát mẻ mà còn quá nóng, thực ra là do không biết sử dụng cách để tận dụng luồng khí bên trong.
Người ta thường hướng ra ngoài tranh thủ “mở đường thênh thang” để dễ dàng bôn ba. Nhưng vì tự mình tạp niệm, bế tắc, mà không biết rằng chính mình có sẵn con đường mũi, đường khí, tương ứng “khắp hư không vũ trụ”... Người xưa đặt ra chữ “tị” (mũi) nghĩa là “ruộng riêng” nhà mình (tức tâm điền hay ruộng tâm), hơn nữa “ngang dọc đều thông”, ngang biến mười phương, dọc khắp ba cõi. Chúng ta suy nghĩ kỹ càng, xác thực là như vậy. Khoang mũi là không gian thênh thang tại sao lại từng có ngăn cách. Đều do tự mình vọng tưởng chấp trước, tư duy bế tắc, mới sinh ra các thứ chướng ngại cách trở. Tim càng căng, khí đạo càng hẹp, hơi thở càng nông cạn. Tâm càng thênh thang thì con người lại càng thoải mái.
2.2.3. Không nghiến răng nghiến lợi, tâm dễ an định bình tĩnh, nâng cao khả năng tư duy.
Khi kiểm soát các luồng sóng điện não, chỉ cần nghiến răng nghiến lợi, sẽ làm xuất hiện những luồng sóng não nhiễu loạn, có thể thấy và đo được trên điện cơ đồ. Khi nghiến răng, các cơ trương phồng lên và phóng ra các luồng sóng điện. Ngoài ra, cũng có thể biết được cái tâm an định cũng tác động đối với các luồng nhiễu sóng. Do đó, có thoải mái thì tâm mới có thể an định. Có một số nghiên cứu chứng tỏ, ngay lúc nghiến răng nghiến lợi, luồng tư duy của não bị phân chiết, chức năng quán tưởng ở cấp độ cao cũng bị trở ngại và bế tắc. Cho nên hành động này có ảnh hưởng xấu đến khả năng quán tưởng và tư duy trong Phật pháp.
2.2.4. Không nghiến răng nghiến lợi giúp nâng cao thính lực
Nghiến răng nghiến lợi, khiến cơ căng cứng lên (thân nghiệp), huyết quản xung quanh tai đều bị ép lại. Do đó, chức năng của tai, thính lực cũng bị sút giảm, đó là lẽ tất nhiên (nghiệp → chướng). Có nhiều người kêu ca, khi nghe Phật pháp hoặc nghe giảng, nghe mà không hiểu, hay nghe tai này sang tai kia rồi quên mất. Những việc này có liên hệ với nhau, chỉ cần cảnh giác, buông xuống, tức không tạo chướng ngại ở thân nghiệp. Nghiến răng và buông lỏng có liên quan đến tình trạng lỏng chặt, đóng hay mở của bộ phận dưới má.
Vì sao không nên nghiến răng nghiến lợi?
Chúng ta thường nghe nói “viêm xoang mũi” nhưng rất ít người biết xoang mũi ở đâu. Cơ thể con người có bốn cụm xoang mũi phụ, như hình minh họa sau.
Bốn cụm xoang mũi phụ của con người: (1) xoang trán, (2) xoang mũi phụ, (3) xoang bướm, (4) xoang má trên.
Có một số xoang rỗng trong xương sọ đầu, có chứa không khí gọi là hàm khí cốt (xương chứa khí). Xoang rỗng gọi là “đậu” (chữ Hán: đậu nghĩa là xoang).
Như trong hình trên:
Xương trán có xoang trán (hốc mũi), vì vậy còn gọi là xoang mũi phụ.
Xương bướm có xoang bướm, nếu thường bị nghẹt, dễ tạo thành viêm xoang mũi.
Xương hàm trên có xoang má trên, nếu xoang không thông khí, dễ bị nhức đầu, buồn ngủ.
Nếu nghiến răng nghiến lợi thì cảm giác khí không được thông qua các lỗ thông khí này, cũng có thể không cảm nhận được trạng thái thông khí ở các xoang rỗng của xương đầu (đó là do lỗ thông khí bị bế tắc, bị nghẹt). Nếu buông lỏng cơ mặt, không nghiến răng, thì có thể cảm nhận được các xoang này đều được thông gió và mát lạnh, không bị hôn trầm (buồn ngủ, uể oải).
(1) Hốc (xoang) trán. (2) Miệng hốc (xoang) trán. (3) Tuyến lệ. (4) Miệng ống nước mũi. (5) Môi. (6) Răng cửa. (7) Hốc (xoang) má trên. (8) Xương bướm. (9)Miệng xoang sàng. (10) Lỗ xẻ bán nguyệt (bộ phận màu đen). (11) Miệng xoang bướm. (12) Hốc xoang bướm.
Trong xoang mũi có xương lá mía thượng, trung và hạ. Đem cắt dọc xương lá mía, có thể thấy được xoang mũi phụ, tuyến lệ và mũi mở miệng.
Nếu miệng xoang bướm, miệng xoang sàng - lỗ xẻ bán nguyệt, miệng xoang trán, miệng xoang má trên - lỗ xẻ bán nguyệt thông suốt, tức sự lưu thông ra vào của hơi thở có thể cùng các xoang của xương đầu tương thông nhau, thường cảm giác được đỉnh đầu khoan khoái, mát mẻ, không bị hôn trầm.
Nếu nghiến răng nghiến lợi (tâm gấp gáp, căng thẳng), (cơ mặt căng cứng lên) thì khoang miệng sẽ bị ép lại, dễ tắc nghẽn. Chẳng những làm cho khí khó lưu thông, đầu bị nhức, dễ sinh bệnh “viêm xoang mũi”, dễ bị cảm mạo, mà đường hô hấp cũng dễ bị nhiễm bệnh.
3. Tại Sao Khi Đứng Phải Tiền Bát Hậu Nhị?1
1 Tiền bát hậu nhị: Bát là tám thốn, tức tính bằng tám đốt ngón tay; nhị là nhị thốn, tức tính bằng hai đốt ngón tay.
Nếu để ý, đứng theo tư thế này, hai bàn chân theo tỷ lệ [8:2] thì hai mé ngoài ngón chân út ngang với hai mé ngoài của hai vai hai bên. Khoảng cách giữa hai gót chân bằng 1/4 khoảng cách giữa hai ngón chân cái (quan sát hình dưới).
3.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Người quân tử cốt chú trọng ở cái gốc, khi gốc đã lập, đã vững thì đạo mới sinh.
3.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
a) Nhà Phật xưa nay, đối với người thực hành lễ lạy, chưa bao giờ đòi hỏi một điều gì vô lý. Khi đứng, hai gót chân cách nhau khoảng 2 đốt ngón tay là rất có lý. Quan sát sự cấu tạo của bộ xương trong cơ thể con người: Thân trên, vì có một cột xương sống, nằm trên đường thẳng đứng giữa lưng, thiên về phía sau, cho nên phần lớn sức nặng của thân lấy phía sau làm trọng tâm. Và khi đứng, thích hợp nhất là sức nặng này phải phân bố đều ở hai gót chân để nâng đỡ.
Khoảng cách hai gót chân là 2 đốt ngón tay, khoảng cách 2 đốt này (hơi hẹp so với độ rộng của cột xương sống, như trên đã nói, độ chừng 1⁄4 khoảng cách giữa hai đầu ngón chân cái) là vừa hợp với cột xương sống khi có trọng lượng của toàn thân đổ xuống. Đứng ở tư thế này có tác dụng:
- Giúp cho cơ đùi và cơ cẳng chân dễ thẳng góc, như vậy các cơ mới có thể buông lỏng đều đặn.
- Giúp cho các khớp của xương hông, đầu gối, mắt cá chân, đạt được một góc độ hợp lý, tránh tình trạng chịu lực không đúng cách mà đầu nối các khớp xương bị cọ mòn, thoái hóa.
Mọi người đều có thể quan sát và thực nghiệm ngay trên bản thân mình như sau:
- Nếu hai gót chân dang quá rộng, thì xương giữa hai đùi sẽ bị cong (giống như ngôi tháp xây nghiêng, không thể chống chịu lâu dài được). Đồng thời, lực kéo ở các cơ đùi không được chia đều dễ gây mỏi mệt, góc độ của các khớp xương không chuẩn, lực chịu không được đồng đều, dễ bị thoái hóa (hình 3).
- Nếu hai gót chân khép sát (hình 4), xương đùi sẽ không thể thẳng được, các bắp thịt sẽ bị gồng cứng lên. Nếu khoảng cách hai ngón chân cái là 8 đốt ngón tay, tạo cho khoảng rộng nhất của thân trên (tức khoảng cách giữa hai mép ngoài vai sẽ bằng với khoảng cách hai mép ngoài của ngón chân út) để vừa đủ gánh đỡ trọng lượng toàn thân, đồng thời mặt chân đế (phía dưới) cũng vừa đủ để ổn định trọng tâm.
Nếu không đủ 8 đốt ngón tay (hẹp hơn khoảng cách hai mép ngoài vai), thì mặt bằng của chân đế hẹp hơn so với phần trên, do đó trọng tâm sẽ không được ổn định.
Nếu vượt quá 8 đốt ngón tay (tức dang quá xa, mép ngoài ngón chân út vượt khỏi tầm của mép ngoài hai bên vai) thì cơ đùi sẽ bị căng gồng lên. Thực ra trên phương diện vật lý, không cần thiết dang quá rộng, vì thực tế không thích hợp với một thế đứng dang chân quá xa như vậy sẽ khó giữ được thăng bằng.
4. Tại Sao Khi Đứng Phải Lấy Hai Gót Chân Làm Trọng Tâm?
Khi hạ hai gót chân xuống, có lực ghìm xuống hai gót, cột sống sẽ thẳng. Nhón gót chân lên, thu cằm lại.
Như trên đã nói, việc này không phải là nhằm quy định cứng nhắc cho một tư thế gọn gàng, đẹp mắt, cũng không phải cố thể hiện một dáng vẻ trang nghiêm cho người khác thấy, mà là thuận theo các nguyên tắc giải phẫu sinh lý, phù hợp với sự cấu tạo của cơ thể con người.
Chú ý: Người không quen chống chịu bằng gót chân, có thể làm thử: nhón hai gót chân lên rồi hạ xuống, cảm nhận khi vừa hạ xuống (lúc gót chân hạ chạm đất), trong sát na đó (ngay tức khắc), phần sau của gót chân sẽ cảm nhận như có một lực ghìm xuống ở hai gót chân. Có nghĩa là, ở thế đứng này, đang có mặt của lực chống chịu ở tại hai gót chân.
4.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Trong giáo lý Phật dạy: “Tính không duyên khởi”. Nghĩa là các pháp đều do nhân duyên sinh. “Thể” là Chân không, nhưng “Tướng” là Diệu hữu. Chúng sinh chúng ta, mang cái thân tướng tạm bợ. Thân giả tướng này, vẫn phải chịu ràng buộc trong đạo lý nhân quả của nó. Vạn pháp giai không, nhưng vì sự đổi thay biến dị của các giả tướng này, nên vẫn phải tuân theo các quy luật nhân quả. Cho nên, sự vận động trên mặt sinh lý thường cũng không ở ngoài điều kiện nhân quả đó. Nếu đi ngược lại điều kiện nhân duyên, nghiệp quả hợp lý, tức là với một nhân không tốt, dựa vào định luật nhân quả, ắt sẽ ứng với một quả xấu. Vì thế có tùy thuận, có thích ứng với những điều kiện hợp lý, thì sự hiểu biết và năng lực sẵn có của một con người mới có thể được phát huy một cách tốt đẹp.
Chúng ta hãy suy ngẫm tường tận, Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, trong đó có “gót chân rộng và phẳng” (gót chân đầy đặn, các khớp xương không bị lộ ra) và bàn chân bằng phẳng (lòng bàn chân tròn trịa). Những nét tướng tốt đẹp ấy đã nói lên sự vi diệu huyền bí về “đạo lực qua gót chân”.
Tổ sư Thiền tông, khi muốn khảo nghiệm xem một đệ tử của mình có dụng công tinh tấn hay không, thường hỏi: “Gót chân chấm đất hay chưa?” Hình ảnh này phải được thường xuyên chiếu soi, chiêm nghiệm để thẩm thấu cho được cái ý vị sâu xa của nó.
Có người cho rằng, phải dùng toàn bộ bàn chân, các ngón chân đều phải được phân bố đồng đều sức chịu đựng thì mới có thể đứng vững được. Thực ra, chân của người phụ nữ Trung Quốc xưa thường bị bó nhỏ lại, chỉ chừa hai gót chân để chạm đất, họ vẫn có thể đi đứng vững vàng.
4.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
Quan sát cụ thể cấu tạo bộ xương của toàn thân.
Đùi nhỏ (bắp chân và ống quyển), phần thân trên, đến gót chân, nếu đứng thẳng bàn chân sẽ tăng thêm mặt bằng của chân đế, thì trọng tâm vật lý tự nhiên sẽ được đặt nơi gót chân. Do đó, dùng gót chân gánh chịu sức nặng toàn thân, nó tựa như một vật thể có được một trọng tâm vững vàng, tự nhiên thẳng thắn, không cần phải hao công phí sức. Trọng lượng toàn thân nếu được đặt đúng xuống gót chân, mỗi ngón chân đều có thể thả lỏng, thoải mái, các cơ bắp đùi và cẳng chân không cần hao tốn năng lượng để cân bằng tư thế, cơ lưng cũng chẳng cần co rút khẩn trương. Như vậy, sẽ không phải phí sức để gánh chịu sự đau nhức, mỏi mệt nơi thân.
Chúng ta đều có thể tự thể nghiệm, so sánh. Khi đứng, tự mình dùng tay xoa xoa xương sống để dễ phát hiện:
Nếu lấy đầu ngón chân làm điểm tựa để chống, thì xương sống ở lưng sẽ trì xuống phần bụng, bắp thịt ở hai bên xương sống co cứng lại, gồng lên, như thế dễ bị đau lưng và nếu đứng như vậy cũng chẳng thể hít thở sâu được.
Nếu lấy gót chân làm điểm tựa để chịu sức, thì xương sống ở lưng đều được xếp ngay thẳng, không bị đổ xuống phần bụng. Lưng, chân, ngón chân và các cơ cũng đều được thả lỏng. Đồng thời dễ hít thở sâu (thở sâu xuống đan điền). Ở tư thế đó ngẩng đầu đứng lên dễ dàng. Lấy gót chân làm điểm tựa, cho dù đứng lâu cũng không bị tốn sức.
Từ hình 1 và hình 2 ở trang tiếp theo, hãy quan sát đường chỉ may ở hai bên hông của ống quần dài, để có thể so sánh:
Hình 1: Các ngón chân chịu sức nặng toàn thân. Phần trên của đường chỉ may của ống quần sẽ xô nghiêng về phía trước. Cơ đùi và xương chậu cũng đều bị xô nghiêng về phía trước. Phần dưới lưng đổ về trước. Bụng bị ưỡn về phía trước. Như vậy đã đứng sai tư thế.
Hình 2: Hai gót chân chống, chịu sức nặng toàn thân, thì cơ đùi mới được ngay thẳng, đường chỉ may của ống quần sẽ đứng thẳng. Động tác đứng đúng tư thế vừa thoải mái vừa đẹp.
Khi đứng, nếu sử dụng đầu ngón chân và đặt lực tì lên trên các ngón chân, hệ quả sẽ sinh ra năm ảnh hưởng xấu sau đây:
1. Cơ lưng, cơ đùi co kéo lâu ngày sinh mệt mỏi, đau nhức. Khi trọng tâm được thiết lập theo tư thế đứng này, đùi bị nghiêng, xương trụ cũng bị lệch, do đó, tất cả các ngón chân, cơ đùi, cơ lưng, đều phải tiêu hao nhiều năng lượng để duy trì cân bằng, làm cho lưng, đùi dễ bị đau, mệt mỏi, uể oải. Thậm chí, các khớp cũng sẽ bị biến dạng khi về già. Ngoài ra, khi lưng đổ về phía trước, tự mình có thể sờ thấy cơ ở hai bên xương sống đều căng cứng lên, rút rất chặt, xương sống ở thắt lưng lại bị lõm vào. Điều này không những làm cho các cơ bị co rút hao sức, mà còn làm cho xương sống ở đoạn thắt lưng đổ xô vào khoang bụng thành hình cong vẹo. Nên không chỉ khi lễ Phật mà trong công việc hằng ngày, người tập cũng đều phải chú ý để điều chỉnh cho đúng tư thế đứng (giữ cho “chính thân nghiệp”).
2. Cơ lưng rút chặt, huyết quản lúc này giống như khí quản bị ép từ ngoài vào, huyết đạo không thông, tuần hoàn của mạch máu trong các bộ phận liên quan cũng không được tốt, cẳng chân bị lạnh, dễ mệt mỏi, đau nhức.
3. Lưng, xương cùng đổ xô vào khoang bụng, xương chậu nghiêng lệch về phía trước, không gian bên trong khoang bụng đều bị thu hẹp lại, bụng bị áp lực làm phình ra, các tạng phủ cũng bị ép theo, khí huyết không thông, chức năng bị giảm sút. Chẳng hạn như khi đứng, chịu sức trên đầu ngón chân thì phần bụng sẽ bị đẩy thiên về phía trước (phần dưới bụng cứng bị ưỡn theo về phía trước). Xương chậu theo đó bị nghiêng ra trước, xương sống ngang phần thắt lưng và xương cùng cũng bị đổ quá vào khoang bụng (rất nhiều người với tư thế ngẩng đầu ưỡn ngực, hay cố ý ưỡn ra, thường bị một hệ quả như thế). Thực ra, tình trạng này, xương sống sẽ không thẳng, bị cong vẹo và bị trì đổ xuống vùng bụng, ép vào khoang bụng. Những người thích mang giày gót quá cao, do cho rằng sẽ tạo nên một đường cong đẹp trên cơ thể, nhưng thực ra điều đó khiến cho lưng bị đau, vai bị mỏi, thần kinh xương chậu bị đau và các chứng bệnh theo đó cũng dễ dàng sinh ra.
4. Xương sống đổ vào khoang bụng, liên quan đến nửa phần sau của hoành cách mô khi hạ xuống khó khăn, không sao có thể hạ thấp xuống khoang bụng, không làm cho phổi dãn nở mà lại bị hạn chế, dẫn đến hơi thở bị ngắn và cạn, không thể thở sâu được. Tự cảm nhận thấy là mình chỉ hít thở ở trên phần ngực thôi, không thể thở sâu xuống hoành cách mô ở bụng dưới, tiếp giáp với đan điền. Như thế dễ dàng sinh thiếu khí và hơi thải loại ra tất yếu cũng bị ngưng trệ. Tế bào một khi thiếu dưỡng khí cung ứng rất dễ sinh ra biến chứng suy giảm chức năng sống.
5. Thần kinh từ xương sống ngang thắt lưng, xuống đến xương cùng, như thần kinh xương chậu, thần kinh ruột ở bụng dưới khi bị ép dễ phát sinh ra nhiều biến chứng. Trong các tư thế thường ngày, người có lưng đổ về phía trước thái quá, thường bị đau thần kinh xương chậu và các chứng bệnh ở các bộ phận thuộc phần dưới bụng.
5. Tại Sao Khi Đứng Phải Thu Cằm, Gáy Sát Với Cổ Áo?
Không phải lúc lễ Phật mới cần thực hiện tư thế đứng này, mà thường ngày trong cuộc sống sinh hoạt cũng nên làm như vậy.
Thu cằm lại là khiến cho góc độ giữa phần đầu và đốt sống cổ được định vị chính xác, phù hợp với nguyên tắc giải phẫu sinh lý (tức là điều chỉnh cả góc độ của vùng khớp xương chẩm).
Gáy sát với cổ áo giúp cho đốt sống cổ và đốt sống ngực được điều chỉnh thẳng nhau, khí huyết sẽ được lưu thông.
5.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Khi một người hướng nhìn ra ngoài (hướng ngoại phan duyên), tất không tự cảm nhận được cằm của mình bị ngẩng lên, lại không tự quan sát mình được (đã đánh mất đi cái khả năng tự giác và quán chiếu).
Phải thu cằm mới có thể tự nhìn lại mình, soi lại tự tâm, sáu căn hoàn toàn thu nhiếp. Nếu không thì đến phút cuối của cuộc đời, đều lăng xăng, xáo trộn, bị kích thích bởi ngoại duyên, chạy theo ngoại cảnh, chẳng cảm nhận được chút gì. Giống như người mê, quên mất đường về. Tựa như hình ảnh con chó (vô minh), mù quáng đuổi phóng theo một hòn đá, cho đến buổi chiều tối, sức lực mòn mỏi, nhưng đó cũng chỉ là một hòn đá thôi, không thể ăn được, quả thật đáng thương biết dường nào!
Phật có tướng tốt gọi là bảy chỗ đầy đặn, tức là vùng cổ, và hai tay, hai vai, hai chân đều đầy đặn. Căn cứ theo Phật Thuyết Tạo Tượng Lượng Độ Kinh Giải, Phật có tướng cằm đầy đặn, nghĩa là tướng thu cằm lại không rong ruổi chạy theo, hướng ngoại, tìm cầu những gì mình muốn.
5.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
Ai cũng biết: Ống nước thẳng và thông, thì nước chảy vô cùng thông suốt. Ống nước bị gấp khúc, thậm chí bị bẻ gãy, tất sẽ có trở ngại. Khi chúng ta thu cằm lại, gáy sát với cổ áo (hình 2 trang bên), xương sống ngay thẳng, khiến cho khoảng giữa não, đốt sống cổ, đốt sống lưng “giao thông” thuận lợi, chức năng của các bộ phận trở nên hữu hiệu. Giữa đầu xương chẩm và đốt sống cổ thứ nhất, xương sống cổ thứ nhất (vùng xương sống) gọi là khớp xương vùng chẩm. Khớp xương này khi thu cằm lại sẽ có góc độ tốt nhất, rất thuận tiện cho sự lưu thông vùng cổ.
So sánh:
Chưa thu cằm: Nghiến răng nghiến lợi (Hình 1).
Thu cằm: Thả lỏng má dưới (Hình 2).
Hình 1
(1) Đốt sống cổ bị xếp gấp khúc, tủy sống bên trong cũng vậy.
(2) Đường dẫn thức ăn bị ép cong.
(3) Ống dẫn khí cũng bị cong.
Hình 2
(1) Đốt sống cổ xếp tương đối thẳng, tủy sống cũng vậy.
(2) Đường dẫn thức ăn thẳng, rộng.
(3) Ống dẫn khí thẳng và thông suốt.
(4) Ngạc mềm.
(5) Mặt lưỡi lưu lại khoảng trống, đường dẫn khí thông suốt (đầu được mát mẻ, không bị hôn trầm).
(6) Đầu lưỡi tì vào hàm trên.
Khi ngẩng cằm lên, nhìn hướng ra ngoài.
Ngẩng cổ quá cao khi làm việc, giữ lâu tư thế này có những ảnh hưởng không tốt.
Ngồi lưng cong, cổ đưa về phía trước và cằm không thu lại, tư thế này không tốt.
Đứng ngẩng cằm, người ngả về phía trước, chịu sức trên mười đầu ngón chân.
Quan sát hình 1 (người phụ nữ lái xe):
Đốt sống cổ tương đối gấp khúc (xô về phía trước), thậm chí có thể thấy được da ở phần gáy tạo thành nếp nhăn ngang như nếp gãy của khí quản.
Góc độ của cổ không thẳng.
Cổ, đốt sống ngực xếp cong cúp theo góc độ xung quanh. Xếp cong theo cách này, các chất dịch tiết ra dĩ nhiên khó lưu thông.
Chú ý: Ống dẫn bên trong cơ thể, bao gồm huyết quản, ống dẫn lympho, khí quản, thực quản, xoang tủy sống, v.v. ở các chỗ gấp khúc dễ tích tụ chất phế thải và các chất độc bị tồn đọng. Những chỗ càng gấp khúc quanh co nhiều, sẽ gây ra áp lực càng lớn, làm cho máu truyền vào mạch máu não khó khăn và lượng máu cũng tăng áp để đột phá các trở lực này. Như vậy hao phí nhiều năng lượng một cách vô nghĩa. Người ta nói, các loại ống dẫn trong cơ thể như huyết quản, ống dẫn lympho lớn, nhỏ, nối lại có tổng chiều dài bằng mấy lần vòng quanh trái đất.
Ngẩng cằm trong thời gian dài, ít nhất có bốn ảnh hưởng không tốt:
1. Về phương diện cơ: Cơ gáy trở nên cứng đơ, thậm chí co rút lại (làm cho khi cúi gập đầu xuống, cằm không thể sát ngực), dây chằng cũng vậy. Cơ rút chặt, làm nghẽn mạch máu và ảnh hưởng đến sự lưu thông của máu trong não bộ.
2. Về phương diện tuần hoàn của máu: Huyết quản dẫn máu cung ứng cho bộ não trong cơ thể con người, bao gồm có hai cặp:
- Cặp phía trước gọi là động mạch cảnh cổ.
- Cặp phía sau gọi là động mạch ống sống.
Cặp động mạch ống sống ở mặt sau, xuyên qua lỗ của đốt sống cổ, đi vào não, cung ứng cho nửa phần sau của não. Động mạch ống sống này đã xuyên vào trong lỗ của đốt sống cổ, tức là nó tùy thuộc vào sự biến dạng của đốt sống cổ. Đốt sống cổ gấp khúc thì nó cũng gấp khúc. Đồng thời, trước khi xuyên vào não, cũng đã sẵn có một gấp khúc quanh co này.
Chi tiết ở hình minh họa dưới đây cho thấy, cung ứng cho não bộ gồm hai cặp huyết quản (hình chỉ trình bày cho thấy mặt nhìn từ phía bên phải).
(1) Xương chẩm. (2) Đốt sống cổ. (3) Động mạch ống sống. (4) Động mạch cảnh cổ. (5) Xương khóa. (6) Động mạch ống sống xuyên qua sống cổ. (7) Động mạch ống sống đi vào não bộ, phía trước có chỗ gấp khúc quanh co.
Khi thu cằm, mạch vòng lưu thông tương đối tốt.
Nếu cằm không thu, thậm chí ngẩng đầu lên quá mức với một góc độ quá lớn sẽ làm cho các mạch vốn gãy gấp lại càng gãy gấp hơn. Thậm chí, lực ép phát sinh cản trở, làm máu cung ứng chảy vào não không đủ, chức năng của não bị sút giảm, thậm chí bị thoái hóa (như bệnh già đãng trí). Toàn thân bị mệt mỏi, uể oải. Thật không may, người ta thường bỏ qua việc vô cùng quan trọng này để chạy đuổi theo ngoại cảnh, vốn là những thứ không có gì quan trọng.
Nếu như suốt ngày cứ phóng ngoại, tìm cầu phan duyên bên ngoài, tất cằm luôn ngẩng lên, khiến bệnh lâu năm tích tụ nay phát lộ. Nếu không biết tự mình điều tiết, tự giác nhìn lại mà điều chỉnh, thu cằm, nhiếp tâm niệm Phật, để tới khi vướng bệnh, không ai có thể gánh thay, tiền bạc cũng chẳng thể mua được sức khỏe. Như thế cũng chẳng phải là khổ hay sao?
3. Về phương diện dịch não tủy:
Rất nhiều người khổ vì chứng nhức đầu, đầu bị căng, chóng mặt, toàn thân rũ rượi, dễ quên, chức năng của não bị suy giảm. Họ không biết nguyên nhân là do ở những tư thế không thích hợp của mình mà phát sinh (thân nghiệp không được tốt), dẫn tới việc gây trở ngại cho sự tuần hoàn của dịch não tủy. Danh từ “dịch não tủy”, đối với một số người còn khá xa lạ, ở đây nói đơn giản dịch não tủy là một hệ thống dịch thể tuần hoàn bên ngoài tủy sống và buồng não cũng như ống dẫn dịch và ống tủy sống trung ương bên trong não bộ.
(1) Mạch kết tùng. (2) Lỗ chính giữa tủy sống. (3) Ống tủy trung ương.
Hình lập thể của buồng não qua X-Quang:
Màu xanh trong hình chỉ cho buồng não là một khoang lập thể, kẹp ở trong não và chứa đầy dịch thể, từ trong buồng não chảy ra, giống như cắt đầu theo hướng chảy lên hay xuống từ lỗ chính giữa chảy ra, thấm qua toàn bộ não, đi vòng ngoài tủy sống và ống trung ương (xem hình), sau đó thu về sáp nhập vào hốc tĩnh mạch (nằm ở tuyến giữa đỉnh đầu), rồi đi thẳng vào máu.
Do tủy sống não có chất liệu giống như đậu phụ, nhằm để bảo vệ sự vận chuyển các chất dinh dưỡng và loại bỏ các chất cặn bã, tạo nên sự cấu tạo của dịch não tủy.
(1) Mạch kết tùng (phần màu đỏ).
(2) Hốc tĩnh mạch (xanh lam).
(3) Buồng não (xanh lá cây).
(4) Lỗ bên.
(5) Lỗ chính giữa (miệng mở của buồng não).
(6) Ống tủy sống trung ương.
(7) Hình này nhìn từ mặt cắt theo đường chính giữa.
Trên hình vẽ cho thấy: Màu xanh lá cây chỉ cho dịch não tủy. Màu đỏ của đầu cắt (chiều mũi tên đỏ) biểu thị hướng chảy của dịch tủy sống.
Như trong hình vẽ, theo mặt cắt dọc của não bộ, có thể thấy được cấu tạo ở bên trong buồng não và ống tủy sống trung ương và từ miệng mở của buồng não, dịch não tủy chảy dần tới lớp ngoài của tủy sống não.
Dịch não tủy là một hệ thống dịch thể lưu động, kẹp giữa hai lớp màng (mô), chức năng của nó là:
- Ngăn ngừa chấn động, bảo vệ tủy sống (như đậu phụ thả trong nước).
- Cung cấp dinh dưỡng.
- Vận chuyển chất phế thải.
- Điều hòa huyết áp não.
Dịch này vốn được chế ra từ buồng não, mỗi ngày khoảng 450 cc (phân khối), chảy dần ra lớp ngoài, rồi hòa nhập vào máu và dịch lympho. Ước định trong một ngày hoặc 6, 7 tiếng đồng hồ, nó có thể thu hồi đổi mới. Nếu trong quá trình đó mà sự vận chuyển không được hanh thông, thì nước tích đọng sẽ không được tươi mới. Hơn nữa, toàn bộ não bị ngâm trong buồng nước không được trong lành, tất sẽ bị hôn trầm, hỗn loạn. Dẫn đến trí tuệ không thể khai mở, tinh thần tất nhiên cũng không tốt. Lúc này có cần an tâm để tu định tuệ thì cũng gặp phải khó khăn. (Chú thích: dịch não tủy ước lượng tổng cộng 150 cc).
(1) Lỗ chính giữa.
(2) Ống tủy sống trung ương.
Khi sự lưu thông của dịch não tủy bị nghẽn, giống như một rãnh nước bị ứ đọng, dễ biến chất, thì ở não không chỉ chất dinh dưỡng không thể chuyển đến, mà chất cặn bã cũng không thể chuyển đi.
Nếu góc độ của các đốt sống cổ không được thẳng, tư thế không được đúng, rất dễ gây ngăn trở cho sự lưu thông của dịch thể (bởi vì lớp dịch thể này rất mỏng, với góc độ quá gãy gập, thì lưu thông sẽ không được thông suốt).
Đồng thời góc độ của tư thế cằm ngẩng lên không thu lại có khi bị gãy gập, chỗ “miệng mở” của buồng não ở vùng phụ cận (lỗ chính giữa), tạo nên một áp lực vô cùng lớn, khiến cho sự lưu thông của dịch não bị cản trở và làm cho ống tủy sống trung ương bị thu lại quá nhỏ, cũng không được thông suốt.
Một khi sự tuần hoàn của dịch thể ở buồng não từ các lỗ nhỏ, không được dẫn ra ngoài thuận lợi, thì sẽ bị trào ngược trở lại, tích đọng trong buồng não. Lúc này, buồng não cũng giống như một bọc nước, dịch thể trút đầy vào và trương lên, gây sức ép vào não. Trong khi vỏ não lại không thể đàn hồi được, cho nên trong một thời gian, buồng não bên ngoài thì chịu giới hạn, trong thì gia tăng sức ép, sinh ra chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, chức năng của toàn thân có triệu chứng suy giảm. Nếu tình trạng này xảy ra trong thời gian dài, buồng não như bọc nước trương rộng ra, gây áp lực lên não, dẫn đến não suy thoái và bị teo lại.
Dạng trở ngại và áp lực này, khi tư thế thân người được chuyển biến sửa đổi, thì có thể dần dần được loại bỏ. Như vậy mới không bị chứng não úng thủy (buồng não trương đầy nước và không ngừng biến chứng ác tính, nguy hiểm). Tuy nhiên, nếu ngẩng cằm, ngẩng đầu trong một thời gian dài, mà không tìm cách loại bỏ thì bệnh trạng liền phát sinh.
4. Đối với thần kinh: Đầu, thần kinh phần đầu, được phân bố tinh vi, vô cùng phức tạp, nhằm ứng phó với mọi nhu cầu sinh hoạt hằng ngày trong cuộc sống. Nếu bị áp lực tất nhiên sẽ biến thành bệnh (xin tham khảo thêm phần tóm tắt trong phụ lục), nhưng dinh dưỡng của thần kinh dựa vào sự cung ứng của máu. Trong khi đó sự lưu thông của máu ở tủy sống và sự cung ứng của động mạch ống sống có liên quan với nhau. Khi lưu thông của máu có trở ngại, cho dù khi ấy thần kinh không trực tiếp nhận chịu áp lực, cũng bị gián tiếp mất đi nguồn dinh dưỡng màu mỡ dồi dào. Thêm vào đó, các cơ bị căng cứng do áp lực lớn, thần kinh dẫn truyền cũng bị ảnh hưởng. Lúc này, nếu hơi ngẩng cằm thì ảnh hưởng tương đối nhỏ, nhưng nếu ngẩng đầu (đặc biệt ngẩng lên lâu dài) thì sẽ có một áp lực trực tiếp, gây ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng.
Phần thuyết minh trên đây trình bày đến các ảnh hưởng xấu khi ngẩng cằm (nội dung sẽ được trình bày thêm ở phần sau). Vì vậy, không những khi lễ Phật, đứng phải thu cằm, điều chỉnh góc độ cổ và xương sống cho đúng; mà trong đời sống hằng ngày, cũng phải thường xuyên tỉnh giác, chiếu soi lại bản thân mình. Đồng thời, lấy việc luyện tập lễ Phật này làm hành trang cho mai sau.
Bảng chú thích 1: Chỗ trở ngại và bộ phận liên quan bị bệnh.
Phật pháp là phép tắc mang lý tính cao độ, là “đại học vấn” có trí tuệ cao (nền giáo dục ở cấp độ cao). Trong mỗi nguyên tắc đều hàm chứa những nguyên lý sâu sắc, không thể dễ dàng nhìn thấy. Học Phật, là hợp với lý lẽ, phép tắc, lại phát huy được khả năng hiểu biết, nhận thức đúng đắn (lương tri) và năng lực vốn sẵn có (lương năng) của một con người. Lễ Phật là cầu ở tính giác, là tự xét lại mình chứ không phải là mê mờ, rong ruổi tìm cầu bên ngoài.
Ngược lại, có rất nhiều người không hiểu rõ những phép tắc sinh lý giải phẫu thông thường, suốt ngày chạy đôn chạy đáo tìm đến bác sĩ, hỏi han bí quyết,... Trong khi đó lại không biết cách để điều chỉnh thân, tâm cho hợp lý. Kết quả, trong quá trình theo đuổi đó, cằm càng ngẩng lên, não tất nhiên càng bị ngăn trở không thông.
Thực ra, khí quản bị gãy, khí không thông được là điều tất nhiên. Nên chỉ cần điều chỉnh chỗ gãy cho ngay thẳng, thì khí được lưu thông cũng là lẽ đương nhiên, lễ Phật tức là điều chỉnh toàn diện (đại điều chỉnh). Tư thế, nếu không tự điều chỉnh cho được ngay thẳng thông suốt, lại cứ một mực ra ngoài tìm thuốc hiệu nghiệm nhất để chữa cho khí quản thẳng và thông suốt trở lại, mới thực là mê tín. Không thu cằm, tức là đã tạo áp lực lên tủy sống não. Ngẩng đầu thái quá, liên tục, không thu cằm lại, tức là tự sát từ từ vì làm giảm sút đi chức năng của não. Thu cằm là tốt cho việc giải tỏa áp lực, tốt để tự giúp mình làm cho tâm ngay thân thẳng.
Nếu tâm được ngay, thân được thẳng, phù hợp với những nguyên tắc sinh lý bình thường, thì chức năng của thân tâm tất nhiên sẽ được cải thiện (đây là bản năng của tính Phật). Chỉ cần bản thân không bị xiên vẹo, nghiêng lệch, gãy gập (áp lực không gia tăng trên tự thân), thì sẽ thoải mái. Ai lại có thể đem áp lực đặt vào chúng ta được?
Có nhiều người cho rằng áp lực là do người khác áp đặt lên chúng ta. Thật không ngờ rằng áp lực lớn nhất đã đến từ nơi thân và tâm của chính mình.
5.3. Vận dụng trong đời sống hằng ngày
Cho nên trong cuộc sống hằng ngày, tất phải thường xuyên chú ý điều chỉnh tư thế, thường nên thu cằm, giữ cho phần cổ thoải mái. Cúi đầu vận động, mềm mại, thường xoa bóp giữ cho phần cổ ấm lên. Tránh tư thế ngẩng đầu không thích hợp, ngẩng cằm quá lâu, trong khi làm việc hoặc trong lúc ngủ. Nếu không thì ít nhiều cũng bị rơi vào hiện tượng dịch não tủy phải chịu áp lực, bế tắc không thông.
Nếu bất đắc dĩ phải ngẩng đầu hoặc ngẩng cằm khi làm việc, thì phải định thời gian để làm ngược lại cách đang vận động (cúi rủ đầu xuống, vận động thả lỏng thoải mái). Đồng thời phải thường xuyên lễ Phật. Có như vậy, mới có thể sửa chữa, phòng tránh được những ảnh hưởng không tốt, làm bế tắc không thông gây bệnh trầm trọng (xem hình minh họa).
Tự điều chỉnh, thu cằm lại.
Ngẩng cằm làm việc, tư thế không hợp.
Hai tay đan chéo, nhẹ nhàng đặt lên phía sau đầu ngay xương chẩm, rủ đầu, thả lỏng, lấy trọng lượng của cổ tay, áp trên bộ chẩm, điều chỉnh kéo mở đầu (khớp vùng chẩm) và các khớp vùng cổ.
Tự giác điều chỉnh, thu cằm lại.
Cằm ngẩng sai tư thế.
Có nhiều người do trong thời gian dài đã để cho cổ đổ về phía trước, không biết được “thẳng” là như thế nào, cũng không biết được cách làm cho gáy sát với cổ áo.
Cách luyện tập: Có thể nằm trên sàn gỗ cứng hoặc tấm nệm (ngăn ẩm và lạnh), nằm thu cằm lại, để cho gáy áp sát xuống sàn gỗ. Như vậy, sẽ nhận ra được cảm giác của “thẳng” (sống ngực - thẳng với sống cổ).
Chú ý: Răng trên và dưới để hở ra một chút, như vậy có thể tự nhiên cải thiện rất nhiều bệnh về cổ, (xem lại bảng liệt kê các bệnh trạng do áp lực trên thần kinh sống cổ).
Trẻ con ngẩng đầu xem TV, nằm ngửa, cột sống cổ đổ quá về phía trước, dễ bị cảm mạo, ho, não lực hạ thấp, đồng thời dễ bị đau mắt, tai, mũi, họng, bệnh a-mi-đan.
Nếu càng ngẩng đầu quá mức thì ảnh hưởng càng nghiêm trọng.
Phương pháp luyện tập: Sửa chữa cột sống cổ đổ quá về phía trước. Để có thể ở trong một trạng thái thoải mái và khoan khoái, thì gối đừng quá mềm, mà nên ngoài mềm, trong cứng đặt trên bộ phận cổ xương chẩm (gần với đỉnh đầu), thu cằm lại, cho sống cổ hoàn toàn được thả lỏng, dựa vào trọng lực tự nhiên (lực hấp dẫn của trái đất). Cột sống cổ có thể kéo ra, có thể chữa lành và khôi phục lại.
Cũng có thể nhân khi đứa trẻ ngủ, nằm ngửa hoàn toàn thoải mái, lấy nệm lót cho trẻ, giúp cho cằm thu lại, có thể điều chỉnh sống cổ đã bị đổ về phía trước, cải thiện sự lưu thông của máu, thần kinh, hệ miễn dịch, cải thiện chức năng của não. Mỗi ngày có thể điều chỉnh vài phút như thế (khoảng 15 phút) thì sẽ có cải thiện, chứ không cần phải là trọn đêm ngủ như vậy. (Khi ngủ nên nằm nghiêng về bên phải).
Chú ý:
Lúc ngủ nằm ngửa, để đầu quá ngửa, cằm bị ngẩng, đường gân máu ở cổ (tĩnh mạch) nổi lên, liền gây trở ngại lớn, khó linh hoạt. Do đó đường gân nổi tăng thêm áp lực, làm mệt mỏi, uể oải, tuần hoàn của máu không được tốt.
Cằm chưa thu, đường gân cổ vẫn nổi lên.
Khi thu cằm lại, chót cằm bám vào ngực đường gân máu ở cổ lặn xuống (không lồi ra), trở lực nhỏ lại - lưu thông tốt.
Những người làm việc, gân rút chặt, cột sống cổ đổ quá về phía trước, trước khi ngủ nên điều chỉnh cách dùng gối sao cho đúng:
Chỉ có xương chẩm của đỉnh đầu tiếp xúc với gối.
Sống cổ không tiếp xúc với gối. Trước khi ngủ, điều chỉnh một chút, khoảng 15 phút, rồi sau đó nằm ngủ bình thường, chứ không phải là suốt đêm phải ngủ với tư thế như vậy.
6. Tại Sao Lễ Phật Phải Cúi Đầu?
6.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Cúi đầu trong ý nghĩa thâm sâu về phương diện Phật pháp là biểu thị một sự tôn trọng, kính lễ đối với Phật, cũng như nói lên cái tâm thành khẩn tự nhiên, cũng chính là toàn thân tiếp nhận sự dạy dỗ. Hành động ấy biểu thị sự nhìn lại chính mình, kiểm điểm tự thân. Từ chỗ đắm nhiễm năm dục, sáu trần, giờ một niệm quay trở về bản tâm, cúi mình tỉnh giác, quay đầu là không chạy tìm cầu bên ngoài.
Phật ở Linh Sơn đừng chạy tìm kiếm đâu xa,
Linh Sơn ở tại lòng ta,
Chớ có ngẩng đầu lên mà nhìn ngược nhìn xuôi.
Lễ Phật không phải là chạy tìm cầu ở bên ngoài, mà là hướng nội phát huy tự tâm. Do đó, phải cúi đầu chiếu soi lại mình. Khai phát một phần cung kính nơi tự tính, tức là mười phần quang minh được hiển lộ, là được mười phần lợi ích, không những cung kính đối với Phật mà đối với tất cả người, vật và sự vật cũng đều cung kính.
Phật tính của chúng ta, vốn đầy đủ sáng rõ phước báu và trí tuệ. Nhưng vì tham, sân, si, mạn, nghi, giống như các thứ mây đen, bẩn bụi ngăn che, làm chướng ngại. Bắt nguồn từ ý thức tự tư tự lợi của mình, khiến cho mình ngang nhiên và cố tình lấy củas người khác (tham), cho mình hơn kẻ khác (ngã mạn), khiến cho mình ức hiếp người khác, đổ lỗi cho người khác (sân, si), khiến cho mình trở nên lạnh lùng. Nói chung, luôn cho mình là tốt và quan trọng hơn người khác. Đây là cái nhìn, cái biết, cái thấy sai lầm, đi ngược lại với Phật tính bình đẳng.
Người ta thường tự cao tự đại, tự cho mình là đúng, là vinh hiển, mà khinh rẻ người khác và xem thường Phật pháp. Những kẻ đó không biết mình đang sa vào làm “nô lệ của ngạo mạn”, bị ngạo mạn trói buộc. Họ không biết được đây là ngã mạn, là đám mây đen phiền não, làm chướng ngại cho phước tuệ của Phật quang. Lễ Phật, cúi đầu mềm mại, tỉnh giác, chế ngự được đám mây đen ngã mạn lâu nay, hàng phục được những lầm lẫn nơi tâm tính tự cao tự đại, từ đó phát huy đức tính cao đẹp của sự khiêm cung.
Trong 64 quẻ Kinh Dịch, chỉ một quẻ Khiêm là sáu hào đều tốt. Duy chỉ “khiêm kính” đâu đâu cũng tốt lành thuận lợi, không gì sánh kịp. Đây thực sự là thần thông.
Cúi đầu, như là điều mà Đại sư Ngẫu Ích chỉ dạy: “Nếu một niệm quay về bản tâm, thì quyết định vãng sinh. Bởi tự tâm vốn sẵn đầy đủ Cực lạc (Niết bàn - tịnh độ)”.
Cúi đầu, ở trên động tác của thân thể là quán chiếu, nhìn sâu vào sự an định vững vàng của trọng tâm, ở trên tâm pháp cũng là quán tâm (nhìn sâu vào tâm).
6.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
Khi đứng cúi đầu hành lễ, trọng lượng của toàn thân đặt tại trọng tâm, ngay trên điểm giữa của đường nối khoảng cách hai gót chân. Nó đem lại lợi ích từ phương diện giải phẫu sinh lý:
Kéo các khe hở của các khớp sống cổ ra. Chữa trị đốt sống cổ, giải trừ áp lực đối với thần kinh, huyết quản, ống lympho và tủy sống não.
6.2.1. Tại sao lấy động tác cúi đầu để chỉnh đốt sống cổ?
Bởi vì một người bình thường trong công việc hằng ngày, dù hoạt động hoặc nghỉ ngơi, ngẩng đầu quá nhiều, ngẩng cằm hướng ra bên ngoài, nhìn ngang, ngó dọc quá nhiều, khi làm lưng oằn xuống dưới, cũng ngẩng đầu lên. Như vậy lâu ngày, phía sau cổ thường hiện ra một lằn ngang lõm sâu, như vết gãy khí quản. Càng nghiêm trọng hơn, lằn ngang đó bị xếp gù lên, khiến cho sự lưu thông của chất dịch bị cản trở ngưng đọng.
Trong sinh hoạt hằng ngày, ngẩng đầu nhìn ngang ngó dọc quá nhiều làm cho góc độ của cổ không được thích hợp. Cột sống cổ đổ quá về phía trước làm ngẩng cằm, ngoài những ảnh hưởng không tốt đối với thần kinh sẽ phải gánh chịu một cấp độ áp lực khác nhau. Nếu tiếp tục lâu dài, chưa kịp điều chỉnh tư thế cho đúng, thì gây nguy hại cho sức khỏe.
Trước tiên phải nắm được sự cấu tạo bình thường của xương sống. Khi đó, mới có thể hiểu một cách chính xác tính quan trọng của các tư thế, cũng mới có thể hiểu được sự oai nghi trong “đi, đứng, nằm, ngồi” của Phật giáo, đều chứa đựng những nguyên lý thâm sâu về y học.
Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu qua cấu tạo của xương sống và các cặp dây thần kinh đi ra từ xương sống, để tiện cho mọi người hiểu rõ ảnh hưởng không tốt khi ngẩng đầu. Từ đó có thể hiểu thấu được tính quan trọng và tất yếu trong việc chỉnh cột sống cổ của tư thế cúi đầu lễ Phật.
Cột sống tổng cộng gồm 33 đốt. Theo hình trang bên cho thấy: Sống cổ có 7 đốt, ngực có 12 đốt, thắt lưng có 5 đốt, xương cùng cụt có từ 2 đến 4 đốt, nhưng do xương chậu hợp thành một khối lớn, xương cùng cũng hợp thành một khối, do đó cộng lại là 26 đốt xương.
Giữa các đốt sống có đĩa đệm gọi là “trùy gian bản” để làm đệm lót (màu xanh lam).
(1) 7 đốt sống cổ.
(2) 12 đốt sống ngực.
(3) Trùy gian bản (đĩa đệm, lớp đệm ở giữa đốt sống).
(4) Hoành đột (gai ngang).
(5) 5 đốt xương sống thắt lưng.
(6) 5 đốt xương chậu.
(7) 2 đến 4 đốt xương cùng cụt (hợp nhất).
Tóm tắt: Cột sống, từ cổ đến xương cùng, từng nhóm tương quan, nối tiếp nhau, trong sự sắp xếp hài hòa và ăn khớp với nhau. Nên một tư thế sai lầm, có thể làm biến dạng cột sống, gây ảnh hưởng không tốt về mặt sinh lý. Nhất là đối với các tư thế có tính chất lâu dài gắn liền với sinh hoạt riêng của mỗi người. Việc lễ Phật là một điển hình về lâu dài, nên cần phải để ý và sửa chữa các tư thế không thích hợp, để tránh bị rơi vào những trở ngại đáng tiếc, làm cản trở công phu tu tập của mình.
Cột sống nhìn từ sau lưng (B), cột sống nhìn từ bên hông (A).
Xin chú ý trùy gian khổng (gai sau đốt sống).
Hình A:
(1) Từ sống lưng có thể sờ thấy những đốt xương cứng nổi lên, đó chính là những điểm lồi của các đốt xương sống.
(2) Màu xanh lam - đĩa đệm trùy gian bản, đĩa chêm giữa các đốt sống.
(3) Khoảng trống giữa hai đốt xương sống trên dưới, tạo thành một lỗ hổng gọi là trùy gian khổng (lỗ hổng giữa hai đốt sống).
(4) Bảy đốt sống cổ.
(5) Mười hai đốt sống ngực.
(6) Năm đốt sống thắt lưng.
(7) Năm đốt xương chậu hợp thành một khối.
(8) Hai đến bốn đốt xương cùng hợp thành một khối.
Hình B
(9) Điểm lồi của các đốt xương sống.
(10) Điểm lồi ngang.
Cột sống của chúng ta, tuy mỗi nhóm có hình dạng khác nhau, nhưng về căn bản có cấu tạo giống nhau.
Dưới đây, chúng tôi dùng hình vẽ phối hợp với phần thuyết minh để giới thiệu về cấu tạo cột sống:
Lấy đốt xương sống cổ làm ví dụ, từ trên xuống dưới theo số thứ tự để đối chiếu:
(1) Phía trước có trùy cốt thể (trùy thể).
(2) Phía sau có đốt lồi của xương sống (khi cúi xuống có thể sờ thấy những đốt nhô lên của xương sống).
(3) Giữa có một lỗ hổng (lỗ hổng của mỗi đốt xương sống, thẳng thông với nhau thành ống chứa tủy sống tích trùy xoang động, trong ống dẫn là nơi tủy sống tích tủy thông qua).
(4) Hoành đột: Bộ phận giúp cho các cơ bám tựa vào.
(5) Hoành đột khổng (lỗ thông ngang): Động mạch xuyên qua vào trong lỗ hổng này (chỉ đặc biệt có ở chỗ đốt sống cổ).
Cấu tạo riêng lẻ của từng nhóm xương sống: Ngay giữa sống lưng của chúng ta, có thể thấy được những mỏm lồi của mỗi đốt xương sống.
Đối chiếu hình vẽ:
a) Hình A và B: Đốt xương sống cổ.
Hình A: Nhìn từ trên xuống.
Hình B: Nhìn từ mặt bên.
(Hướng trong hình: ← trước → sau).
(1) Trùy thể. (2) Mỏm lồi sau ở đốt sống cổ. (3) Lỗ xoang. (4) Hoành đột. (5) Hoành đột khổng.
b) Hình C và D: Đốt xương sống ngực.
Hình C: Nhìn từ trên xuống.
Hình D: Nhìn từ mặt bên.
(Hướng trong hình: ← trước → sau).
(1) Trùy thể. (2) Mỏm lồi lên. (3) Lỗ xoang. (4) Hoành đột. (5) Chỗ phụ trợ cho cơ bám chặt vào. (6) Nối tiếp với một đốt trên. (7) Nối tiếp với một đốt dưới. (8) Mặt khớp xương nối tiếp xương sườn. (9) Bề mặt khớp.
c) Hình E và F: Đốt sống thắt lưng.
Hình E: Nhìn từ trên xuống
Hình F: Nhìn từ mặt bên
(Hướng trong hình: ← trước → sau).
(1) Trùy thể. (2) Mỏm lồi lên. (3) Lỗ xoang. (4) Hoành đột (nối với xương sườn). (5) Bề mặt khớp xương nối tiếp xương sườn (Quan tiết diện).
d) Hình G: Nhìn từ mặt bên.
Đốt sống thắt lưng xếp thành chuỗi, liên kết nhau qua mặt quan tiết diện.
(1) Xoang động (lỗ xoang) nối kết với nhau hình thành một đường ống, tủy sống xuyên qua ống dẫn này.
(2) Trùy thể chồng lên nhau, giữa chúng có lớp đĩa đệm (trùy gian bản).
(3) Giữa đốt sống trên và dưới có trùy gian khổng. Hệ thần kinh của tủy sống phân nhánh từ trùy gian khổng này mà đi xuyên ra.
(4) Tủy sống.
Như trên đã trình bày, cột sống vốn có từng đốt riêng biệt nhau, nhưng do dây chằng giữa năm nhóm chủ yếu liên kết với nhau, tạo thành một chuỗi. Xung quanh có mười sợi dây cơ, ở giữa các đốt xương lại có một đĩa đệm có tính đàn hồi rất cao.
Do vậy, các trường hợp xương sống bị vẹo, hay có vấn đề, thông thường không phải do bản thân của xương, mà là do hệ thống các sợi cơ xung quanh níu kéo nhau không được phân đều, ăn khớp với nhau. Vì sao có vấn đề này xảy ra? Đó là do các tư thế áp dụng không đúng.
Đối chiếu trên hình nhìn ngang các dây chằng cột sống:
(1) Dây chằng dọc phía trước.
(2) Dây chằng dọc phía sau.
(3) Dây chằng ngang.
(4) Dây chằng giữa các điểm lồi.
(5) Dây chằng phía trên điểm lồi.
(6) Dây chằng tiếp giáp với xương sườn.
(7) Trùy gian bản (đĩa đệm ở giữa đốt sống trên, dưới).
(8) Dây chằng nối giữa các điểm lồi ngang.
Các dây chằng này do thực hành sai tư thế có thể bị co rút lại cản trở sự tuần hoàn của mạch máu và tuyến dẫn chất dinh dưỡng cung cấp tới não. Ảnh hưởng này chỉ có thể khắc phục bằng cách thu cằm, cúi đầu lễ Phật. Đây là điểm quan trọng khi đọc cuốn sách này để học cách lễ Phật1.
1 Lưu ý của người dịch.
(1) Tủy sống. 2
(2) Thần kinh cổ có 8 đôi.
(3) Thần kinh ngực có 12 đôi.
(4) Xương bả vai. 5 3
(5) Xương cánh tay. 6
(6) Xương sườn có 12 đôi. 7
(7) Thần kinh thắt lưng. 9
(8) Thần kinh xương cùng.
(9) Xương chậu.
(10) Xương đùi.
(11) Xương cùng.
(12) Đốt xương cùng – thần kinh xương cùng một đôi.
Vì dây thần kinh bắt nguồn từ tủy sống, phân bố đến nội tạng và tứ chi cho nên vô cùng quan trọng. Nên cần bỏ những tư thế không tốt (không phù hợp với nguyên tắc sinh lý, y học) để tránh chịu ảnh hưởng xấu của áp lực do các tư thế sai lầm gây ra.
Hình vẽ ở trên nhìn từ phía sau lưng: Nửa phần bên phải - loại bỏ xương bả vai, bộ phận xương sườn, xương chậu và xương cùng.
Nửa phần bên trái - Giữ nguyên xương bả vai, xương sườn, xương chậu và xương cùng.
Cắt bỏ phần sau của cột sống, để có thể quan sát xuyên suốt tủy sống bên trong cột sống và do hệ thần kinh xuất phát từ trong các đốt tủy sống, từng đôi, từng đôi trái phải đi ra từ những lỗ hổng của xương sống, phân bố đến các bộ phận trong cơ thể (bao gồm nội tạng và tứ chi).
Trong trường hợp đầu thường nghẹo về bên trái, đương nhiên ở đốt sống cổ: Cơ và dây chằng bên trái co và rút ngắn lại. Cơ và dây chằng bên phải kéo dài ra. Lâu ngày cột sống sẽ đổ về phía trước (bị cong lại và biến dạng).
Có một số người thích nằm nghiêng vòng tay trên ghế salon xem tivi, hoặc ngủ. Tư thế này khiến cho cổ nghiêng quá độ về một phía (có khi nghiêng gần đến 90 độ), ở góc độ này đã chèn ép sự lưu thông của hệ thống tuần hoàn và thần kinh. Khi thức dậy thường cảm thấy cơ thể và chân tay tê cứng. Có khi nghiêm trọng hơn là không thể cử động được. Càng nguy hiểm hơn, tư thế này có thể khiến cho trùy gian bản (đĩa đệm) của đốt sống cổ bị lệch ra ngoài, ép trên tủy sống, nếu không kịp thời điều chỉnh, có thể dẫn tới tình trạng bị liệt sau này.
Kinh nghiệm qua mẩu chuyện nhỏ sau đây: Một cụ già hàng xóm của tôi ở một mình. Vào một đêm đông, cụ nằm trên ghế salon xem tivi và ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, toàn thân cụ không thể cử động được, cụ muốn điện thoại cho người thân đến cứu giúp, thế nhưng chỉ với khoảng cách vài cm, cho dù có cố gắng vận hết sức lực cụ cũng không sao với tới điện thoại được. Đại, tiểu tiện cũng không thể làm chủ được. Sau hai ngày hai đêm, cụ mới được hàng xóm phát hiện ra, mọi người đều cứ ngỡ là cụ bị tai biến mạch máu não.
Ngay lúc ấy, tôi vì ở gần nên có người chạy đến nhờ cấp cứu. Tôi chẩn đoán xét thấy bệnh tình là do tư thế sai lầm nên dẫn đến tủy sống bị chèn ép, chứ không phải do tai biến mạch máu não. Tôi cùng mọi người kịp thời giúp đỡ chữa trị cho cụ. May mắn là tình trạng nhanh chóng hồi phục, cụ già sung sướng cười và thốt lên: A Di Đà Phật!
Thế mới biết tư thế quả thật vô cùng quan trọng, làm một tư thế vẹo lệch chính là tự hại, tự giết mình.
“Giữ cho tâm được ngay, giữ cho thân được thẳng. Đó là cái tốt thứ nhất”.
6.2.2. Tại sao cúi đầu lễ Phật có liên quan đến thần kinh tủy sống và trùy gian khổng (lỗ ống sống)?
Bởi vì thần kinh tủy sống điều khiển chức năng hoạt động của các bộ phận nội tạng, và chức năng của hệ thống tim mạch cũng là con đường quan trọng, liên kết giữa não bộ và các bộ phận trong cơ thể. Đồng thời, hai bộ phận này cũng là trung khu phản xạ trong trường hợp chúng ta lâm nguy khẩn cấp, cho nên vô cùng quan trọng. Nhưng không gian nhỏ lớn và chu vi áp lực của lỗ ống sống (lỗ hổng giữa hai đốt xương sống trên và dưới) lại có ảnh hưởng do dây thần kinh phát xuất từ trong các lỗ hổng đó. Điều này tại sao lại có liên quan đến việc lễ Phật? Đó là do tư thế cúi đầu hoặc ngẩng đầu của chúng ta trực tiếp quyết định lỗ ống sống lớn hay nhỏ. Cho nên, cũng quyết định đối với tình trạng gánh chịu áp lực của thần kinh và huyết quản ở trong đó.
Khi cúi đầu: Phía sau các đốt sống xòe ra giống như hình rẻ quạt. Lỗ ống sống do hai đốt xương cổ trên, dưới hợp thành cũng hơi mở ra, không gian lớn mở ra - áp lực nhỏ, cho nên qua đó thần kinh và huyết quản lưu thông thông suốt.
(1) Các khớp lồi lên kéo xa ra.
(2) Lỗ ống sống mở lớn (khoảng không giữa hai đốt lồi cách xa ra).
Khi ngẩng đầu: Mặt ngang phía sau các đốt xương sống bị ép lại, hai lõm của lỗ ống sống cũng gần lại nhau (khoảng không giữa hai khớp nhỏ lại). Áp lực chịu đựng tương đối lớn, cho nên thần kinh và huyết quản lưu thông không được thông suốt:
(1) Các khớp lồi lên bị ép lại.
(2) Lỗ ống sống thu nhỏ.
Hình chỉ rõ ba tư thế khác nhau của lỗ ống sống mở lớn và thu nhỏ.
Lúc đứng thẳng – lỗ ống sống.
Lúc ngẩng đầu – lỗ ống sống bị chèn ép.
Lúc cúi đầu hoặc cong lưng – khoảng không gian của lỗ ống sống lớn thêm.
Cung ứng màng bao và huyết lưu của tủy sống
Chú ý mỗi lỗ ống sống đều có:
Huyết quản gồm: động mạch (vận chuyển dưỡng chất - màu đỏ), tĩnh mạch (loại bỏ chất cặn bã - màu lam).
Dây thần kinh (màu vàng).
Tủy sống mặc bốn chiếc áo:
(1) Chiếc áo dính thân - màng mỏng.
(2) Áo len (ngậm nước) - màng lưới nhện (chứa dịch tủy).
(3) Áo khoác ngoài - màng cứng.
(4) Áo bông - màng xương. Dưới màng xương là một lớp mỡ và hệ thống huyết quản.
(5) Mỏm xương lồi ra.
(6) Bóc phần màng xương có thể nhìn thấy bên trong màng xương có lớp mỡ và hệ thống huyết quản.
(7) Mỡ.
(8) Trùy gian bản (đĩa sụn đệm).
(9) Trùy cốt thể.
(10) Động mạch chủ. Các đốt sống đều phân nhánh vào trùy gian sống và xương.
(11) Trùy gian khổng (lỗ ống sống).
Có một số người bị chứng gai cột sống. Lúc đầu nhờ giữa các đốt xương sống có kẽ hở lớn, nên gai cột sống không ảnh hưởng đến dây thần kinh xuất phát từ các lỗ hổng xương sống, song vì chưa có triệu chứng gì nên không quan tâm. Nếu như có tư thế không đúng, thường xuyên ngẩng đầu lên, vặn, vẹo lưng thì kẽ hở giữa các đốt xương sống bị ép gần lại, khi đó gai cột sống sẽ tác động đến thần kinh, dẫn đến tình trạng đau nhức. Chính vì vậy, cúi đầu lễ Phật, kéo các đốt xương sống, có thể loại bỏ áp lực ảnh hưởng của căn bệnh này; làm phong phú lượng máu lưu thông trong cột sống, nâng cao chức năng trị liệu. Tình trạng gai đốt sống cũng có thể được cải thiện, không trầm trọng thêm. Bởi vì gai cột sống là sự thoái hóa các khớp xương sống. Thoái hóa cũng như tư thế không đúng đều có liên quan đến sự lưu thông của máu.
Lễ Phật, tức là sửa chữa những tư thế sai lệch hằng ngày (tu sửa thân nghiệp), loại bỏ các thứ áp lực (nhổ gốc khổ, tạo an lạc), tiêu trừ các loại chứng trạng xấu, khôi phục năng lực vốn có nơi Phật tính.
Những người có các chứng bệnh ở đầu, cổ, ngũ quan (lông mày, mắt, tai, mũi, miệng) cùng với vai, tay có thể đối chiếu, kiểm tra để có thể cải thiện tốt hơn.
Sau đây là phần phân tích nguyên nhân đem lại lợi ích tiếp theo từ phương diện giải phẫu sinh lý của động tác cúi đầu lễ Phật.
Thúc đẩy cho máu lưu thông được thông suốt.
Phần trên chúng tôi đã giới thiệu qua về động mạch cột sống. Nó xuyên qua lỗ hổng ngang (hoành đột khổng) của đốt sống cổ, trở vòng lại mới xuyên qua lỗ xương chẩm sau gáy, tiến nhập vào não, cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào não.
Động mạch ống sống, ban đầu đã quanh co gấp khúc. Mặt khác, mọi người thường ngày lại ngẩng cằm, ngẩng đầu làm việc, thường khiến cho xương đầu (xương chẩm) và khe hở ở đốt thứ nhất của xương sống cổ bị thu hẹp lại, chèn ép hệ động mạch vốn quanh co, gấp khúc, khiến cho lượng máu chảy vào não bộ bị sút giảm, thiếu dưỡng khí, chức năng của não dần dần bị suy thoái. Không những dẫn tới chứng nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, tinh thần bất ổn, bồn chồn lo lắng không yên, mất ngủ; mà còn dẫn đến chứng cao huyết áp, nội tiết không ổn định (kinh nguyệt không đều).
(1) Động mạch cột sống cổ đã có một điểm gấp khúc trước khi đổ vào não bộ sau khi xuyên qua các lỗ hổng giữa các đốt sống.
(2) Động mạch cột sống cổ (cung ứng máu cho nửa phần sau não). Động mạch cảnh cổ cung ứng cho nửa phần trước của não).
Rất nhiều người có thói quen ngẩng đầu làm việc như: lái xe, sơn nhà, hái cau, đánh vi tính,... thường ở trong trạng thái này. Nếu như lâu ngày không thay đổi tư thế, não sẽ bị suy thoái. Thậm chí, mắc chứng già đãng trí, đôi khi chưa tới tuổi già đã nghễnh ngãng, trí nhớ, suy nghĩ giảm sút. Những chứng tật này xảy ra do động mạch cột sống bị tổn thương gây trở ngại (thiếu máu và thiếu dưỡng khí).
Cúi đầu lễ Phật (cằm chạm sát ngực) có thể kéo các khớp sống đầu và cổ ra, làm cho động mạch sống không bị chèn ép, máu lưu thông vào não được.
Cho nên lễ Phật là phát huy tính giác, phát huy chức năng của não và khai phát tiềm năng của Phật tính. Điều này được chứng minh trên lĩnh vực y học giải phẫu.
Làm cho dịch tủy sống lưu thông thông suốt.
Như phần trên đã trình bày về ảnh hưởng đến chức năng và trở ngại của tủy sống, động tác cúi đầu có thể loại trừ được những ảnh hưởng không tốt thường ngày, như ngẩng đầu làm gãy gấp đường lưu thông của máu. Động tác cúi đầu khiến cho sự lưu thông của chúng trở về nhập vào tĩnh mạch hoàn toàn thông suốt, khiến cho não được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Chất cặn bã có thể được thải trừ, áp lực nội sọ được bình thường, chức năng trở nên hiệu quả và được nâng cấp.
Dây chằng bị rút ngắn sẽ được kéo dài thoải mái.
Công việc hằng ngày rất bận rộn căng thẳng (đầu thường ngẩng lên), cơ bắp và dây chằng phía sau gáy tiếp tục ở trạng thái bị co rút lại, rất ít khi được buông thả. Lâu ngày bị thu rút lại làm mất dần đi tính đàn hồi và khi cúi đầu thì cằm lại không thể áp sát vào ngực được.
Cúi đầu như trường hợp ngủ gật, khiến cho đầu tự nhiên thả lỏng xuống, có thể làm cho cơ và dây chằng phía sau cổ bị kéo dãn ra, làm giảm bớt sức ép.
Những người có cơ bị co rút nghiêm trọng, có thể dùng khăn nóng đắp kín lên tai và sau gáy (khi đắp nóng, nên cúi đầu xuống, sẽ có hiệu quả nhanh chóng hơn), cơ bắp sẽ được thư giãn, không giữ sự gia tăng sức ép liên tục trên huyết quản và thần kinh. (Tham khảo các thử nghiệm cuối phần).
Những người bị co cơ lâu ngày, ban đầu khi kéo dãn cơ bắp, chất cặn bã ở bên trong được bài tiết ra ngoài, có thể bị đau nhức, khi được đắp bằng khăn nóng, khiến cho tốc độ bài tiết cặn bã nhanh hơn. Kết hợp với việc liên tục cúi đầu lễ Phật, sẽ duy trì sự thông suốt, nhanh chóng cải thiện sự tuần hoàn của huyết quản. Nếu thấy chỉ mới hơi đau là dừng ngay việc lễ Phật lại sẽ khiến cho các chất bài tiết không thể tống khứ ra được, tích tụ lâu ngày sẽ sinh bệnh.
Những yếu tố cần thiết của động tác cúi đầu lễ Phật: Phải như bông lúa chín vàng, tự nhiên rủ xuống, cũng như ngủ gật hoàn toàn, không gượng sức.
Chú ý: Không nên tạo sự gò ép miễn cưỡng đối với các cơ bắp ở phía trước đầu. Lễ Phật là mềm mại, dẻo dai, giống như một đứa bé tự nhiên sà vào lòng mẹ.
Nếu như cằm không thể áp sát vào ngực, chỉ cần làm đi làm lại động tác này như ngủ gật, hoặc đắp thêm khăn nóng lên gáy, thì có thể áp cằm sát ngực được. Hoặc cúi đầu, đan chéo hai tay ra sau, đặt lên trên phần sau não bộ. Tay có thể thả lỏng, không cần dùng sức, để tự nhiên gia tăng áp lực của sức nặng, kéo dãn các đốt xương sống cổ.
Chúng ta ai cũng đều có thể thử nghiệm:
Hình 1: Dùng muỗng cạo sau gáy.
Hình 2: Choàng tay xoa bóp sau cổ.
Hình 3: Chườm cổ bằng khăn bông thấm nước ấm.
Hình 1: Sau mỗi ngày duy trì liên tục một động tác không thu cằm, như sau khi lái xe, đánh máy vi tính, ta lấy một chiếc thìa, (thoa một ít dầu) cạo nhẹ như cạo gió, phía sau cổ và vai, sẽ làm xuất hiện nhiều nốt đỏ như hạt cát. Đây không phải là do cạo làm rách da chảy máu, mà là do những chất cặn bã tích tụ lâu ngày giữa các tế bào, gây trở lực quá lớn làm cho các tế bào lympho và mạch máu không thể thông suốt hoàn toàn, giống như hiện tượng kẹt xe, khiến cho các chất phế thải không bài tiết ra ngoài được, tích tụ cục bộ. Màu sắc của vết đỏ thẫm, thậm chí bầm tím biến thành đen, chứng tỏ đang lâm vào tình trạng thiếu dưỡng khí nghiêm trọng, nếu không tiêu trừ được, tích tụ lâu ngày sẽ thành bệnh tật.
Lễ Phật là phương pháp tiêu trừ nghiệp chướng đặc biệt nhất. Nó làm cho sự lưu thông của mạch máu thêm thông suốt, chất bài tiết sẽ được thải trừ. Nhưng tốt nhất là hằng ngày ta phải chú ý đến các tư thế đi, đứng, nằm, ngồi, ngay ngắn chính niệm và thoải mái, không sinh mỏi mệt, chất bài tiết không lắng tụ, đây mới chính là phương cách cơ bản nhất.
Hình 2: Sau khi làm việc hoặc ngồi lâu, nên xoa bóp phía sau gáy khoảng từ 100 đến 200 lần (phải cúi đầu mà làm mới có hiệu quả, phối hợp niệm Phật và hít thở thật sâu).
Hình 3: Nếu có nước ấm, dễ nhất là dùng khăn bông thấm nước ấm, chườm lên sau gáy (nóng thì lật lên), vừa xoa vừa ấn xuống, tiêu trừ được mệt mỏi, cải thiện được chức năng của tủy sống não.
Nếu như lúc cúi đầu lễ Phật, thu cằm không được sát ngực, phần lớn là do ngẩng đầu đã lâu ngày, cơ bắp dây chằng co rút và giảm tính đàn hồi, lúc rảnh rỗi nên thường xuyên dùng tay phụ trợ để điều chỉnh, chẳng hạn như khi lái xe, nhân lúc kẹt xe, tốt nhất nên làm các động tác như trên để điều chỉnh.
Phương pháp luyện tập:
Như hình 1 - 4 (trang bên) chỉ rõ: lấy một tay áp lên một bên đỉnh đầu đối diện, sau đó đổi tay làm ngược lại, dùng tay đặt lên chỗ khác nhau trên đỉnh đầu, dùng lực bàn tay ấn xuống phía đối diện, mỗi lần ấn xuống khoảng chừng 10 giây (thời gian ấn xuống bằng niệm mười câu hồng danh Phật). Ấn tại nhiều chỗ trên đầu theo nhiều hướng, có thể kéo dãn cơ của nhiều bộ phận. Nếu làm được như vậy, có thể kéo dãn các sợi cơ và dây chằng, cải thiện chứng trạng gây ra do sự chèn ép, tiêu trừ được sự mệt mỏi.
Hình 1
Hình 2
Hình 3
Hình 4
Ảnh hưởng của gối ngủ đối với thần kinh và cột sống:
(1) Không nằm gối, cổ nghiêng về phía vai phải chèn ép dây thần kinh và huyết quản bên phải làm não không được cấp đủ máu.
(2) Gối quá thấp, đầu cũng nghiêng về phía vai phải, gây sức ép lên thần kinh và huyết quản bên tay phải.
(3) Gối quá cao hay dùng chỗ gác tay của ghế salon làm gối, đầu nghiêng về phía vai trái, khiến cho cột sống cổ cũng vẹo theo, gây sức chèn ép trên thần kinh và mạch máu bên trái. Nếu giữ tư thế nằm này lâu dài sẽ lâm vào chứng trạng bị tê cứng và đau nhức, thậm chí cũng có thể bị liệt.
(4) Độ cao của gối phù hợp (gối cần ngoài mềm trong cứng) có lực nâng đỡ cổ, cột sống ngực, cột sống cổ, tạo thành một đường thẳng. Ngoài ra, cằm thu lại, mạch huyết điều hòa, thần kinh có thể thông suốt, chức năng của não được phát huy.
Khi nằm nghiêng ngủ, độ cao của gối, góc độ (của đầu, cột sống phần ngực) có một ảnh hưởng rất lớn. Nếu như góc độ không đúng, sau một đêm nằm ngủ liên tục trong nhiều giờ, không những máu không lưu thông thông suốt, mà còn tạo ra ác mộng, cũng do nơi não và tủy sống, máu không được cung ứng đầy đủ, gây tê cứng toàn thân, gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Chú ý: hình chụp cho thấy rõ về độ nghiêng của cổ (cao độ của gối không giống nhau).
7. Tại Sao Lễ Phật Phải Cúi Khom Người, Mắt Nhìn Vào Điểm Giữa Hai Gót Chân (Quán Tâm)?
Mục đích: Ở trong động, giữ tâm không động.
Cúi người, nhìn sâu vào tâm (cột sống cong về sau, thân lùi ra sau). Trọng tâm giữ tại gót chân. Phần dưới thân hơi lùi về phía sau, bụng đẩy lùi ra sau khoảng 2 - 3 cm, bụng ở trên đường thẳng với gót chân.
Hình 1: Sai tư thế
Hình 2: Đúng tư thế
Không được cong người về phía trước (thân chồm ra trước), trọng tâm dồn về mũi chân (ngón chân và cẳng chân phải gánh chịu lực), thân người và đường thẳng đứng tạo thành một góc vuông (hình 1).
7.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Cột sống (cột sống ngực, xương cùng) lùi về phía sau (cơ thể cong đẩy nhẹ về sau như hình dạng cây cung được giương), biểu thị sự nhún nhường, khiêm cung, lễ độ. Cong thân theo hình cung và hơi lùi ra sau cũng biểu thị cho các ác pháp bị đẩy lùi và thiện pháp hiển bày.
(1) Dây cung.
(2) Cần cung.
(3) Kéo cung.
(4) Lực kéo cung hướng về phía sau.
(5) Lực bắn hướng về phía trước.
“Cung” trong từ “cúc cung” (cúi mình cung kính) có nghĩa: chữ cung - ý là người như dây cung bị kéo về phía sau, lực kéo tuy hướng ra phía sau nhưng lực bắn lại hướng về phía trước. Người tu hành cũng vậy, lòng ích kỷ lùi về sau thì đạo lực sẽ tiến về phía trước.
Lễ Phật không giống như các động tác thông thường, lễ Phật chính là ở chỗ rèn luyện trong động, tâm bất động. Định trong cái động, nhất tâm bất loạn trong cái động, cho nên thân tuy động mà trọng tâm ở yên không động.
Động: có nghĩa là trong cử động.
Thân: chỉ có một tâm (một trọng tâm - đó là trọng tâm vật lý tự nhiên).
Tâm: một tâm niệm Phật.
Nếu như trong động, trọng tâm mỗi lúc thay đổi, tất phải hao sức để giữ cân bằng, rất nhiều cơ liên quan sẽ căng thẳng và tốn sức, tâm không dễ thư thả mà lại còn đắm trước vọng động.
7.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
Điều chỉnh hằng ngày tư thế đứng xương chậu đổ về phía trước quá độ. Đây là những ảnh hưởng không tốt do cột sống lưng đổ ép xuống vùng bụng.
Như trước đã trình bày, nếu khi đứng, lấy lực chịu dồn xuống mũi chân (trọng tâm thiên về phía trước), tức cột sống đổ quá về phía trước, chỉ ít lâu sẽ bị rơi vào năm ảnh hưởng không tốt.
Động tác “hướng tâm cung thân” (trọng tâm ở giữa hai gót chân) tức là để chỉnh sửa những tư thế lệch lạc sai lầm này.
Chức năng chỉnh hình như sau:
1. Có thể kéo dài cơ lưng, dây chằng và gân. Cơ phần sau đùi vốn thường ngày đã bị co rút và cứng lại, bởi thường ngày bị co rút, các gân, bắp thịt này ít nhiều đã bị co cứng lại và giảm đi tính đàn hồi. Nếu cứ tiếp tục mãi như thế, sẽ khiến cho cơ bắp bị teo lại, cử động khó khăn. Cho nên khi mới bắt đầu học lễ Phật, phải thực hiện động tác kéo dãn các gân, bắp thịt vốn từ lâu đã bị co cứng lại. Lúc đầu sẽ có cảm giác như bị ghì chặt lại, dần dần đau nhức do các chất bài tiết lắng tụ lại. Đây là hiện tượng tự nhiên, chỉ cần tiếp tục lễ lạy xuống theo đúng phương pháp. Sau mỗi thời lễ lạy, nên dùng nước nóng để tắm, để tiếp trợ cho chất bài tiết được tẩy sạch. Hiện tượng đó sẽ nhanh chóng được cải thiện.
2. Như trên đã nói, cơ co dãn thoải mái sẽ trợ lực và làm giảm đi áp lực đối với sự lưu thông của máu. Trong đó, huyết quản cũng được tác động liên đới, đồng thời tuần hoàn của huyết quản cũng được thúc đẩy.
3. Uốn cong xương cột sống về phía sau.
Hình 1. Cột sống nhìn nghiêng từ bên trái.
Hình 2. Cột sống cong về phía sau.
Hình 3. Khi cúi lạy xuống cột sống được uốn cong giống như cột sống trong hình 2, các khe hở giữa hai đốt sống sẽ được kéo mở ra và xương chậu sẽ được uốn chỉnh về phía trước.
Quan sát từ hình 1 qua hình 2, cách điều chỉnh này có thể kéo hở khoảng cách giữa các đốt xương sống (lỗ ống sống). Các mấu xương lồi được kéo xa giống như kéo dài cột xương sống ra, lại chỉnh cho cột xương sống cong về phía sau, có thể giảm đi áp lực trên phủ tạng ở phía trước.
Động tác lễ Phật do việc cúi khom lưng, xương cột sống kéo ra, do giữa lưng sau nặng, độ dãn có thể hơn 10 mm, khe hở giữa các đốt được mở rộng ra.
4. Phía trước cột sống có rất nhiều nội tạng quan trọng, nếu như phía trước bị lực ép quá lớn, sẽ ảnh hưởng đến sự thông suốt của các bộ phận này, có thể mô tả sơ lược như sau:
Quan sát bộ phận dưới bụng, từ đường giữa phân thành nửa phần bên phải và nửa phần bên trái, quan sát nửa phần trái của xương chậu:
Hạch lympho lưng và xương chậu. Chủ yếu chỉ rõ ở phần sống lưng và mặt trước đốt sống xương chậu.
Mạch máu lớn: màu đỏ là động mạch, màu xanh là tĩnh mạch và màu xanh lá cây là hạch lympho.
(1) Đốt sống xương chậu. (2) Xương cùng. (3) Đốt sống lưng. (4) Hạch lympho trực tràng. (5) Trực tràng. (6) Hạch lympho lưng. (7) Hạch lympho xương chậu. (8) Xương mu. (9) Hạch lympho.
Nếu lưng, xương chậu đổ về phía trước quá nhiều, sẽ tạo nên sức ép lớn cho các mạch máu và hạch lympho phía trước nó, làm trở ngại lớn và bất lợi cho sự tuần hoàn của máu.
Ngoài ra, trước mặt đốt sống thắt lưng thứ nhất có bầu dịch nhũ. Bầu dịch nhũ thu nhận dịch lympho nửa thân dưới chảy ngược lại, bao gồm hai cẳng chân và đường tiêu hóa xoang bụng, sau khi tích tụ lại sẽ chuyển vào mạch máu ngực.
Cơ thể chúng ta có một “nguồn thu hồi”. Dịch lympho do nước sau khi được sự dẫn dụng của các tế bào, phải được thu hồi lại để xử lý. Ngoài ra, còn có chức năng làm một hệ thống bảo vệ miễn dịch.
Bầu dịch nhũ là trạm thu hồi lớn nhất, các hạch lympho là các trạm thu hồi nhỏ phụ trách việc sàng lọc, chống lại sự xâm nhập của các khuẩn.
Ở trạm thu hồi, nếu sự lưu thông bị bế tắc, thì chất thải sẽ ứ đọng, gây tai hại. Cơ thể cũng giống như thế. Thường ngày, đối với những người cột sống quá đổ xuống, nếu đổ tại vùng phụ cận của đốt sống lưng thứ nhất thì sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng thu hồi của bầu dịch nhũ, nước thải từ các tế bào sẽ không được thu hồi tốt, gây chứng phù thũng.
Hình vẽ sau cho thấy:
Bầu dịch nhũ - thu hồi:
(1) Chi dưới bên trái.
(2) Đường tiêu hóa.
(3) Chi dưới bên phải.
Ba đường lớn để cho dịch lympho chảy vào.
Từ bầu dịch nhũ trở lên là ống lympho dài nhất và lớn nhất của cơ thể, gọi là ống ngực (ước chừng 30 - 40 cm). Ống ngực, từ bụng xuyên qua hoành cách mô cùng với động mạch chủ, lên đến bộ phận ngực, chảy ở phía trước cột sống ngực. Đó là con đường thu góp dịch lympho từ các bộ phận đổ về, sau cùng tiến nhập vào bộ phận cơ sở của cổ.
(1) Chi dưới bên trái.
(2) Đường tiêu hóa.
(3) Chi dưới bên phải.
(4) Góc tĩnh mạch trái.
(5) Lympho chi trên bên trái.
(6) Góc tĩnh mạch phải.
(7) Ống tổng lympho bên phải.
(8) Lympho chi trên bên phải.
(9) Lympho nhánh khí quản xoang ngực phải.
(10) Ống ngực, ống dẫn này thu góp ¾ lympho trên toàn thân.
Bầu dịch nhũ phía trên chảy vào huyết quản ngực.
Và từ hai chi đến hợp với chi trên trái - phần cổ trái đổ vào góc tĩnh mạch trái, tức là góc giao tiếp giữa tĩnh mạch trong cổ và tĩnh mạch dưới xương quai xanh trái.
Lympho của chi trên và cổ bên phải cùng với lympho xoang ngực phải tập hợp thành ống chung (tổng quản) lympho phải ước chừng từ 1 - 2 cm đổ vào góc tĩnh mạch phải (hình trang trước).
5. Khom người lễ Phật khiến cho đốt sống lưng bị đẩy ra phía sau, có ảnh hưởng quan trọng đến việc hoành cách mô hạ xuống. Bởi vì chính giữa phía sau hoành cách mô bám vào phía trước của đốt sống thắt lưng (đọc kỹ mục 24: Lợi ích của động tác hít thở sâu trong khi lễ Phật).
Cột sống lưng đổ về phía trước: Ngăn cản nửa bộ phận phía sau hoành cách mô hạ xuống, cũng ngăn trở phổi nở ra, cho nên sự hô hấp bị kém đi, (xem hình sau đây).
Hình 1:
(1) Hoành cách mô hạ xuống bị chặn lại (hoành cách mô là phần màu hồng gạch trong hình vẽ).
(2) Đốt sống lưng đổ về phía trước chèn ép huyết quản và nội tạng.
(3) Tĩnh mạch xoang dưới.
(4) Động mạch chủ bụng.
(5) Hoành cách mô có chân nối với đốt sống lưng.
Hình 2:
(1) Bộ phận phía sau hoành cách mô có thể hạ xuống tối đa (hô hấp sâu).
(2) Cột sống cong về phía sau, các khớp được kéo ra.
(3) Hoành cách mô.
(4) Chân của hoành cách mô cũng bị di chuyển theo.
(5) Tĩnh mạch xoang dưới cũng xuyên qua hoành cách mô (đưa toàn bộ máu có chứa chất cặn bã quay về tim xử lý).
Cột sống lưng đổ về phía sau:
Điều chỉnh lưng lùi về phía sau, nửa phần sau của hoành cách mô có thể hạ xuống thuận lợi, lúc thở phổi có thể tự do dãn nở phát huy đan điền hô hấp (hoành cách mô hô hấp).
6. Như trước đã trình bày, nguyên lý của tư thế cúi đầu có thể khiến cho các phần của đốt sống sau của cổ xòe ra như nan quạt, lỗ ống sống mở lớn. Cùng với tư thế khom mình có thể điều chỉnh phần sau cột xương sống tức là phần lồi ra xòe như nan quạt.
Lúc ở tư thế ngay thẳng (hình 1), lỗ ống sống lỗ hổng giữa các đốt sống. Lúc ngẩng đầu hoặc cong lưng (hình 2), lỗ ống sống bị chèn ép. Lúc cúi đầu hoặc khom mình (hình 3), lỗ ống sống mở rộng ra.
Qua các hình dưới có thể so sánh khoảng trống của lỗ hổng giữa các đốt sống trong ba tư thế khác nhau.
Như hình 3 cho thấy, lúc cúi đầu hoặc khom mình, lỗ ống sống mở lớn hơn, cũng có thể điều chỉnh được chứng xương chậu quá nghiêng về phía trước. Chính vì thế, có thể giải tỏa được thần kinh, giảm thiểu sức ép của các mạch máu phát xuất từ lỗ ống sống, cải thiện sự tuần hoàn máu và chức năng của hệ thần kinh trong khắp thân. Bảng chú thích 2 dưới đây, liệt kê những chứng bệnh thường gặp có liên quan mật thiết đến trạng thái thần kinh cột sống bị ép. Mọi người có thể tùy vào chứng bệnh của riêng mình, kiểm tra phần cột sống và quan hệ giữa các tư thế mà thực hành lễ Phật để điều chỉnh khắc phục các chứng tật. Đồng thời, chú ý đến các tư thế làm việc hằng ngày để có biện pháp chữa trị thích hợp.
Bảng chú thích 2: Hiện tượng và triệu chứng của cột sống chịu sức ép.
Hình 1
Sống ngực gồm 12 đốt.
Thần kinh sống ngực gồm 12 đôi (màu vàng).
(1) Đốt sống lưng. (2) Thần kinh đùi. (3) Tổ hợp thần kinh lưng. (4) Tổ hợp thần kinh xương chậu. (5) Xương chậu. (6) Xương cụt. (7) Thần kinh xương tọa. (8) Xương đùi. (9) Thần kinh cẳng chân. (10) Xương cẳng chân. (11) Xương trụ chân.
Đường màu xanh lục chỉ cho dây thần kinh.
Thần kinh của bộ phận dưới của cơ thể từ đốt sống lưng và xương chậu không những chi phối vùng bụng (nội tạng), mà còn ảnh hưởng đến chân. Khi trở ngại ở các đốt sống thắt lưng từ l đến 5 và đốt xương chậu, xương cùng, dây thần kinh bị ép, sẽ gây ra nhiều chứng bệnh, sẽ được liệt kê thứ tự trong bảng chú thích 3 sau đây:
Bảng chú thích 3: Hiện tượng và triệu chứng của cột sống chịu sức ép (tiếp).
(1) Đốt sống ngực 12.
(2) Đốt sống lưng 1.
(3) Đốt sống lưng 1, 2, 3, 4, 5.
(4) Xương chậu 1.
(5) Xương cùng.
(6) 5 đốt sống lưng.
(7) 5 đốt sống xương chậu hợp thành một khối.
7. Tác dụng của động tác cúi đầu, khom lưng. Đưa phần thân hơi lùi về phía sau chuẩn bị cho bước gập gối.
So sánh tư thế trong các hình sau đây:
Hình 1 Hình 2
Nếu phần dưới của thân (đầu gối, chân) hơi lùi về phía sau, tức là khi đầu gối gập lại, cẳng chân (ống quyển và bắp chuối) mới có thể giữ thăng bằng được. Trọng tâm giữ tại gót chân, ổn định trọng tâm một cách tự nhiên, không cần phải tốn hao một chút sức nào. Toàn thân thoải mái, vận động lâu cũng không thấy mệt.
Cẳng chân thẳng, tay cũng duỗi thẳng xuống (sát bàn chân, bàn tay chạm ngón chân út) trọng tâm vững vàng, an định, giống như hình cây nấm ổn định trọng tâm, không cần phải tốn hao sức lực.
Trước hết phải hơi lùi nhẹ thân về phía sau, khi lùi, mông và thân lui, hai bàn chân vẫn bám đất và không xê dịch, mới có thể được nhất tâm, bất động.
Yếu tố cần thiết của động tác này không chỉ được dùng trong lễ Phật mà còn được áp dụng vào cuộc sống thường ngày như khi đánh răng, lau nhà cần phải cúi đầu khom lưng...
Cẳng chân nghiêng, đầu gối và tay đều vượt ra khỏi mặt bằng chân đế, trọng tâm thay đổi và bị đưa về phía trước mặt, hao tốn sức. Chú ý: thực hành động tác theo cách sai lầm như thế, có thể bị ngã nhào ra phía trước vì thân không giữ được thăng bằng.
Nếu khi khom người, phần dưới cơ thể (như cẳng chân, đầu gối, đùi, bụng) không lùi về phía sau, thì khi thân ngả về phía trước, trọng tâm sẽ dồn về phía trước. Lúc này muốn giữ được thế cân bằng, các bắp thịt đều phải gồng thẳng, tốn hao nhiều sức, gây đơ cứng, tạo sức ép trên các mạch máu, chẳng những không tiêu trừ được chướng ngại (tiêu nghiệp chướng), lại còn tăng thêm áp lực. Cứ như vậy, khi tiến hành bước tiếp theo là gập gối, đầu gối sẽ vượt ra khỏi phạm vi mũi chân, phải chịu một lực lớn, tốn hao nhiều sức lực, đau đớn, nhức nhối, khó chịu đựng được lâu dài (quan sát kỹ hình trên).
Yếu tố cần thiết trong thực hành:
Bởi rất nhiều người không hiểu được những yếu tố cần thiết khi làm động tác cong thân đưa cột xương sống cong ra phía sau, nên chúng tôi xin giải thích sơ lược:
Phương pháp dùng lực của động tác này giống như phương pháp đang nằm ngửa lấy sức để ngồi dậy (trước tiên, có thể tập động tác đang nằm ngửa rồi ngồi dậy này vài ba lần, sẽ cảm nhận được sự dùng lực của cơ bụng và cột sống cong về phía sau là như thế nào). Đây là động tác cần được thực hiện một cách cung kính, khéo léo linh hoạt chứ không đường đột và dùng lực mạnh.
Phương pháp luyện tập:
(1) Đứng cách tường một bàn chân, ngực, bụng, chân lui về phía sau, để cho thắt lưng có thể tựa vào tường (không để vai và lưng chạm vào tường), cẳng chân nghiêng về phía sau.
Tầm mắt tập trung vào đường thẳng từ mắt đến điểm ở chân tường, cách điểm giữa hai gót khoảng một bàn chân, mắt có thể thấy được điểm giữa hai gót chân. Lưng và vách tường hợp thành một góc không quá 450.
(2) Tư thế giống như đang tránh vật chướng ngại phía trước, dồn lực vào gót chân, phần giữa thân cong về phía sau (cho tới khi rốn thẳng xuống điểm giữa hai gót).
Ngoài ra, có người do trước đây bị bệnh ở lưng, có tật hoặc thiếu hoạt động, nên các khớp xương, dây chằng đốt sống bị trơ cứng, nhất thời khó có thể kéo dãn ra được, thì có thể tham khảo phương pháp sau đây, lợi dụng lúc làm việc, rảnh rỗi khi đợi xe mà tập điều chỉnh.
Hình 1
Hình 2
Hình 3
Những ai khi lễ Phật thực hiện động tác cúi đầu, cong lưng, nếu gặp khó khăn phần lớn là do cột sống cổ, cột sống eo lưng đã bị đổ về phía trước quá nhiều, hoặc do tư thế làm việc hằng ngày, bất đắc dĩ phải ngẩng đầu, cong lưng (như lái xe, đánh máy vi tính,...), những lúc rảnh rỗi, nên thực hiện các động tác sau đây, để điều chỉnh, giải trừ áp lực (quan sát hình ở trên).
Hình 1: Dùng tay xoa nhẹ sau gáy, hai bàn tay ấn vừa đủ và đè nhẹ xuống, động tác điều chỉnh này có thể kéo dãn đốt sống cổ. Vị trí của hai bàn tay ấn trên vùng gáy nên di chuyển để các dây cơ gân khác nhau được kéo dãn ra.
Hình 2: Với tư thế khom lưng, hai khuỷu tay tựa bên đầu gối, thu cằm sát ngực, ép bụng lên đùi, có tác dụng làm kéo dãn cột sống eo lưng, đốt sống xương chậu.
Hình 3: Thường xuyên dùng khăn bông thấm nước ấm áp lên gáy, lên tai, đầu cúi xuống, tay áp lên đầu, ấn xuống, cằm thu sát ngực, cột sống lưng đẩy về sau. Động tác này kích thích máu lưu thông vào bộ phận cổ và não, giải trừ sự mỏi mệt, làm cho thần kinh hưng phấn.
Khi ngồi, cột sống phải thẳng, nghĩa là không để cho lưng bị khòng, càng không để quá ưỡn lên và không để lưng bị đổ ngược lại. Vậy thì làm thế nào để thẳng lưng?
Phương pháp luyện tập: Có thể nằm ngửa trên một tấm phản (dưới lót một tấm chăn mỏng, để tránh lạnh), chân xếp bằng lại như trong hình trang bên, cằm thu lại, cảm nhận được cột sống của mình thẳng từ trên xuống dưới, điều chỉnh sao cho mỗi đốt xương sống đều chạm xuống mặt giường, đó gọi là trạng thái “thẳng”.
Sau khi thu cằm, nếu khoảng cách giữa cột sống cổ và giường quá xa, phần lớn là có dị tật về đầu, bả vai. Khi ngồi thường rất khó khăn, nên thường xuyên lễ Phật để điều chỉnh.
Nếu những người cột sống không áp sát xuống giường được, khi ngồi cảm thấy tê nhức (thần kinh xương chậu bị chèn ép), nên lễ Phật nhiều để điều chỉnh hoặc có thể dùng tay ôm siết chặt hai chân, khiến cho đùi ép sát vào thành bụng, sau đó, thả lỏng, hít thở sâu. Làm đi làm lại nhiều lần, khiến cơ eo lưng có thể được kéo dãn. Đó là một cách điều chỉnh.
Lễ Phật có thể nói là phương tiện luyện tập tất yếu trước khi ngồi. Bởi vì, nếu đốt sống cổ, đốt sống lưng quá đổ, dây thần kinh và mạch máu bị ép thì không thể ngồi tốt được. Do đó khi mới học, nên lễ Phật trước, sau đó mới ngồi, lễ Phật nửa giờ, ngồi nửa giờ (động tĩnh điều hòa).
Người mới học, trước khi ngồi nên thực tập như trong hình trang bên: Chân xếp bằng. Đầu cúi xuống, khom lưng. Buông thả bộ phận cổ, bộ phận lưng nghiêng trái, nghiêng phải một cách tự nhiên để lúc ngồi, cơ thể có thể thẳng và thoải mái.
Thực hiện động tác theo đúng chỉ dẫn trong hình vẽ, thân thể phải thật mềm dẻo, thả lỏng một chút mới có thể áp sát trán xuống đất, chuyển thân chậm từ trái qua phải, mỗi góc độ dừng lại vài giây niệm Phật.
Thả lỏng, kéo dãn các khớp cột sống, hít thở sâu, từ từ ngồi thẳng giống như khí bơm căng quả bóng cao su, duy trì trạng thái này. Như thế có thể cải thiện chứng uể oải, mệt mỏi, buồn ngủ và các triệu chứng đau nhức.
8. Tại Sao Cúi Mình Làm Lễ Phải Buông Tay Xuống (Vai Thả Lỏng)?
8.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Bàn tay đối diện với đầu gối. Mũi tay hướng thẳng về điểm giữa hai gót chân. Vai buông thả, thoải mái. Biểu hiện cho sự khiêm hạ, buông bỏ. Buông bỏ ngã mạn, phiền não, ưu sầu, căng thẳng và các thứ chấp trước.
Tâm có vướng bận, căng thẳng, thì vai tất phải rút lên. Giũ sạch vạn duyên, nhất tâm chính niệm, có nghĩa là vai buông thả lỏng, thoải mái, đồng thời vọng tưởng cũng buông xuống. Vẫn chắp tay, một lòng chuyên chú, giác chiếu niệm Phật.
8.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
Động tác này có thể kéo dãn dần các cơ và dây chằng phụ cận của xương bả vai, làm cho các khớp xương trở nên linh hoạt, loại bỏ được trạng thái cứng nhắc và đau nhức của vai.
Một người bình thường, cơ xung quanh bả vai vẫn ở trạng thái căng thẳng, nên thỉnh thoảng có thói quen nhún vai, chống tay. Rất ít người có thể tự nhận thức được điều này để giữ cho cơ thể thoải mái. Nên lâu ngày, cơ bắp bị co lại và trở nên trơ cứng, mạch máu bị chèn ép cản trở máu lưu thông. Do ống dẫn bị tắc nghẽn, nên các chất phế thải không thể bài tiết ra ngoài được mà lắng tụ lại, sinh ra các triệu chứng đau nhức bả vai.
Áp lực lớn trong cuộc sống hiện nay là nguyên nhân gây ra những triệu chứng đau nhức vai thường xuất hiện khá sớm so với tuổi. Người xưa hay nói đau vai ở tuổi 50, nay nói rằng đau vai ở tuổi 30, thậm chí ở tuổi 20.
Từ hình vẽ sau, chúng ta có thể lý giải cấu tạo vùng phụ cận của bả vai.
Cấu tạo của các khớp vai: Phía ngoài của xương bả vai (1) có một lỗ hõm, trên xương ống tay của cánh tay (2) là đầu hình cầu. Đầu hình cầu này ráp vào lỗ hõm tạo thành khớp xương bả vai. Xương bả vai có hai chỗ nhô ra tạo thành: Gò xương bả vai (3), điểm cao nhất của cầu vai. Mỏ nhô ra hình dáng như mỏ chim (4). Cả hai được kết nối với nhau bởi dây chằng.
Gò xương bả vai (3) và xương quai xanh (5) được nối kết bởi dây chằng, giống như vòm cổng. Vòm cổng và xương cánh tay trên lại hình thành một khớp xương, gọi là khớp xương vai thứ hai. Sự vận động của hai tay, ngoài việc dựa vào hai khớp xương vai, còn phải dựa vào sự phối hợp của các khớp xương quai xanh - xương ngực (6), xương bả vai - xương quai xanh.
Hình 1
(1) Xương bả vai. (2) Xương cánh tay trên. (3) Gò xương bả vai. (4) Mỏ nhô ra. (5) Xương quai xanh. (6) Xương ngực. (7) Khớp xương vai thứ hai. (8) Xương sườn. (9) Xương sườn ngang. (10) Dây chằng.
Hình 2
(1) Đốt sống cổ.
(2) Đốt sống ngực.
(3) Xương vai.
(4) Xương cánh tay.
Hình 2, những đường màu xanh được sử dụng để thay thế cho cơ bắp ở bộ phận lưng và hoạt động của nó có liên quan tới xương bả vai. Từ hình vẽ có thể nhận ra cơ bắp nằm ở mặt trong của xương bả vai nối liền với đốt sống cổ và đốt sống ngực.
Do chúng phụ trợ với đốt sống cổ, nên khi chúng ta vận động, cần phải phối hợp với động tác cúi đầu (kéo đốt sống cổ ra) mới có thể kéo dãn đầy đủ, làm cho hoạt động của cơ bắp thêm phần linh hoạt.
Ngoài ra, do cơ bắp ở giữa và bên ngoài xương bả vai, nối liền với xương cẳng tay và cánh tay, cho nên khi cúi đầu, phải buông thõng hai tay (hai tay chắp lại và buông thõng xuống) để có thể kéo dãn cơ bắp một cách đầy đủ, loại bỏ được các triệu chứng đau nhức ở xương bả vai và các huyệt nguy hiểm (gọi là cao hoang huyệt, cao là phần dưới trái tim; hoang là phần trên trái tim; đó là chỗ trọng yếu nhất trong cơ thể).
Hai vai kéo dãn ra theo chiều mũi tên, mũi tay hướng thẳng về điểm giữa hai gót chân, tập trung tầm nhìn.
Để vai tự nhiên thoải mái, tay vẫn chắp nhưng buông xuống, đồng thời duỗi thẳng cho mũi tay hướng xuống điểm giữa hai gót (sao cho động tác được chỉnh tề, gọn gàng, mềm mại), hai xương bả vai càng được kéo rộng ra hai bên, thì cơ thể càng được thoải mái dễ chịu. Động tác này khiến cho các cơ bắp và các dây chằng thường ngày luôn bị co rút, đều được kéo dãn ra, tạo cảm giác dễ chịu.
Hầu như, mỗi người khi tập theo cách lễ Phật này trong một thời gian đều có thể phát hiện thấy cánh tay sẽ dài hơn rất nhiều. Trên thực tế, các cơ bắp và dây chằng xung quanh bả vai được kéo dài ra và thoải mái, khôi phục lại trạng thái ban đầu, đồng thời chữa lành được các chứng bệnh kinh niên.
Theo như tư thế trong hình trên cho thấy, do kéo dài khe đốt sống cổ, khe hở đốt sống ngực, nên khiến cho thần kinh vai, thần kinh tay được thông suốt và tuần hoàn của máu được dồi dào.
Dưới đây là sơ đồ giải phẫu:
(1) Dây thần kinh đi ra từ những lỗ hổng giữa các đốt xương sống, chi phối vai và tay.
(2) Các dây thần kinh cổ và ngực tập hợp thành chùm dây thần kinh cánh tay.
(3) Xương đòn.
(4) Xương ngực.
(5) Xương sườn.
(6) Dây thần kinh xương trụ cánh tay.
(7) Dây thần kinh giữa.
(8) Xương trụ cẳng tay.
(9) Xương quay cẳng tay.
(10) Dây thần kinh quay xương cẳng tay.
(11) Mu bàn tay trái.
(12) Lòng bàn tay phải.
(13) Trong hình này: phải và trái, phân biệt hệ thần kinh mu bàn tay và thần kinh lòng bàn tay.
Qua hình vẽ trên, sự phân bố các dây thần kinh ở tay phải và trái có thể lý giải như sau: Truy tìm tận gốc xuất phát điểm của nó chính là do đốt sống cổ (số 4, 5, 6, 7) và các lỗ hổng đốt sống ngực, chúng hợp thành một chùm thần kinh cánh tay. Cũng tức là cặp dây thần kinh sống cổ đốt thứ 5, 6, 7, 8, và đốt thần kinh sống ngực thứ nhất, chi phối các bộ phận vai và tay. Nên thường ngày, các tư thế ngẩng đầu đã tạo áp lực lên chúng, làm phát sinh ra các chứng bệnh đau vai, tê tay và toàn thân mất hết sức lực.
Nếu có thể lễ Phật, thường thực hành hai động tác:
Cúi đầu cong lưng hai tay buông thõng xuống, hai bàn tay vẫn chắp, tầm mắt hướng về khoảng cách giữa hai gót chân, sức nặng toàn thân vẫn đặt ở gót chân.
Ở tư thế quỳ gối, cằm vẫn thu, hai bàn tay rời nhau và duỗi thẳng. Mũi ngón tay cái chạm nhẹ trên đất. Đầu cúi xuống, thu cằm chạm ngực. Động tác này có tác dụng kéo dãn các đốt sống bị ép lại, khiến các lỗ hổng giữa đốt sống trước đây bị chèn ép, được nới rộng ra, thần kinh và mạch máu được thông suốt. Nó có thể giải trừ được các chứng tật do các động tác sai lầm tai hại hằng ngày mang lại.
Nếu không phối hợp với động tác cúi đầu, thì việc kéo dãn các đốt sống cổ và ngực không có tác dụng. Tính linh hoạt của thần kinh tất sẽ yếu đi vì phải chịu một áp lực dài hạn, vì thế không chỉ vai bị đau mà còn dẫn đến tê nhức cả tay và các ngón tay. Nếu như có thể phối hợp được với động tác cúi đầu thì sự kéo dãn các đốt sống cổ chắc chắn sẽ được cải thiện. Bí quyết của động tác cúi đầu, khi chuẩn bị quỳ xuống là phải buông lỏng hai vai.
Người xưa xem tướng, nói rằng tay dài là một tướng tốt, các bậc Thánh tay dài tới gối, Đức Phật có 32 tướng tốt trong đó có tướng “đứng thẳng tay dài chấm gối”. Có thể là vì tâm của các bậc Thánh không căng thẳng, không phan duyên chấp trước, mà hết sức lắng dịu, không co vai rút cổ, vai buông thả thoải mái nên tay mới dài ra như vậy.
Vận dụng vào đời sống sinh hoạt hằng ngày, ta nên sử dụng nguyên tắc buông lỏng vai, cổ tay mềm dẻo, để cho khí huyết thông suốt.
Quan sát hai hình dưới đây:
Sai tư thế: nhún vai, gồng cứng, căng thẳng.
Đúng tư thế: thu cằm, vai thoải mái, mềm mại, linh hoạt.
9. Tại Sao Lễ Phật, Tay Chống Đất Trước Khi Quỳ Xuống?
Tay chống đất trước khi quỳ xuống, vừa gập gối, vừa giữ cho bắp chân thẳng.
Mục đích: Trong khi thực hiện liên tục các động tác, thân tuy động mà trọng tâm không động. Với trọng tâm vật lý tự nhiên này, người tập không phải mất sức để giữ thăng bằng, giữ thẳng góc với đùi cho đến khi mũi tay chạm đất, sẽ dễ dàng quỳ xuống.
Hình 1: Cánh tay và điểm giữa hai gót chân nằm theo một đường thẳng. Tầm mắt thu nhiếp tập trung về điểm giữa khoảng cách hai gót chân. Trước tiên, gối và chân lùi về phía sau, gót chân chịu lực, các ngón chân thả lỏng.
Hình 1
Hình 2: Bắp chân thẳng, mắt nhìn điểm giữa khoảng cách hai gót chân. Đầu gối gấp như tư thế chuẩn bị ngồi xuống ghế. Cẳng chân như bám sát vào chân ghế, ngón tay buông lỏng, chỉnh tề.
Hình 2
Hình 3: Mắt nhìn tập trung vào gót chân. Tạo thành một đường thẳng.
Hình 3
Hình 4: Bắp chân thẳng đứng (xem thêm phần chú thích).
Hình 4
Chú ý: Ở hình 4 này, lòng bàn tay úp xuống (dễ dàng cho việc chống xuống đất), các khớp xương thả lỏng, hai bàn chân chống xuống đất tạo thành hình chữ V. Trước khi nương nhẹ tay xuống đất, trọng tâm vẫn đặt ở gót chân, các ngón chân hoàn toàn không chịu lực.
Rất nhiều người khó có thể trong chốc lát mà nắm vững được tư thế. Bởi vì trong khi gập gối, phải biết rõ cẳng (bắp chân) thẳng và vuông góc với bắp đùi, trọng tâm cố định ở gót chân sẽ tạo nên một cảm giác hết sức an ổn và chắc chắn như bàn ghế, đứng rất thẳng, tức là tư thế vô cùng vững vàng, kiên cố.
Thường khi gập gối, người tập hay rơi vào các động tác sai lầm như sau:
Hình 1: Đầu gối hơi gập, cẳng, bắp chân hơi hướng về phía trước, cẳng càng nghiêng, chân càng thấy mỏi. Đó là tư thế không cân bằng, phí sức. Thậm chí, có người để thân ngả về phía trước, gây cho tâm căng thẳng bất ổn.
Hình 2: Cẳng chân không những nghiêng về phía trước, mà còn nghiêng sang hai bên.
Chú ý: Sở dĩ nói cẳng chân thẳng là vì nếu quan sát cách lễ của người tập từ phía trước, từ bên hông, sẽ thấy tất cả đều thẳng.
Hình 3: Tay giơ ra phía trước quá xa, chưa thể chạm đất, gót chân đã nhón khỏi mặt đất, lực chịu trên các ngón chân, trọng tâm không vững, chân sẽ bị mỏi.
Hình 4: Cũng có người, cẳng chân tuy thẳng, trọng tâm dồn về gót chân, nhưng không thể ngồi xổm xuống, cũng không có cách nào cong lưng được. Đây là do các đốt sống của bộ phận phía dưới lưng quá trơ cứng không linh hoạt, các khớp xương chậu không thể kéo dãn ra được, nếu thường xuyên luyện tập, dần dần tình trạng này sẽ được cải thiện tốt hơn.
Mọi người, có thể thử thực hiện các tư thế 1, 2, 3, 4 ở trên. Trong khi thực hiện, nếu ngưng lại một lát, ta sẽ cảm nhận được sự nhức mỏi, làm cho quá trình tập lễ vất vả, tất nhiên cũng sẽ dẫn đến việc tích lũy các thứ bệnh đau nhức.
Làm thế nào khi gập gối, giữ cho cẳng chân được thẳng? (Xem các hình bên).
Hình 1: Đứng thẳng, đầu gối áp sát vào ghế.
Hình 2: Gót chân không xê dịch, đầu gối hơi lùi về phía sau.
Hình 3: Trước tiên, đầu gối hơi lùi ra sau, lúc gập gối mới có thể thẳng góc.
Hình 4: Giữ vững đầu gối,, khom người, chân thẳng.
Phương pháp luyện tập: Ở đây chúng tôi xin nêu ra hai phương pháp để tiện luyện tập, chỉ cần chăm chỉ tập luyện vài lần, nắm vững điều cốt yếu, thì rất dễ dàng thấy được những lợi ích của động tác giữ cẳng chân thẳng, giảm hao tốn sức, tư thế ổn định, gót chân thêm sức.
1. Do đằng trước được chặn (dùng một chiếc ghế áp sát vào tường, đầu gối được xê dịch, dần dần sẽ quen với cảm giác này,... Người mới tập có thể dùng khuỷu tay buông thõng giữ đầu gối không cho đổ về phía trước.
2. Phía sau dựa cho vững, có thể dùng một chiếc ghế dựa vào tường, hoặc dùng một chiếc tủ nhỏ đặt ở phía sau để làm chỗ tựa.
Hình 1
Hình 1: Cẳng chân và khoeo áp sát vào phía sau, tựa cho thật vững, tất nhiên sẽ giữ cẳng chân được thẳng, tập trung, đưa tầm mắt về đường giữa, phần trên của cơ thể buông lỏng, giữ đầu gối ở trên đường giữa, thẳng đứng xuống tới gót chân.
Hình 2
Hình 2: Biết được động tác gấp khúc này, người tập có thể cảm giác được trọng tâm bất động dồn lực về gót chân, giống như trụ cột chôn xuống đất. Phần dưới lưng (các đốt sống thắt lưng) đều được kéo dãn ra.
Hình 3
Hình 3: Giữ thẳng cho đến khi tay chạm đất, cẳng chân vẫn thẳng, lực dồn về gót chân. Lúc này, không cần dùng tủ nhỏ, cũng có thể làm được động tác này. Bụng áp sát lên đùi, nghỉ ngơi.
Những người mới học chưa thể làm ngay được động tác này. Nhưng người tập cũng đừng nôn nóng, ông cụ tóc bạc hơn 70 tuổi, nếu phát tâm chuyên cần luyện tập thì cũng có thể làm được.
9.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Hành động gập gối có ý nghĩa bẻ gãy tính ngạo mạn, hàng phục phiền não.
Cúi người xuống, biểu hiện cho tính khiêm tốn, cung kính, tôn trọng Thánh đạo, thân tâm mềm mại, phá trừ ngã chấp.
Trong quá trình thực hiện động tác, giữ cho trọng tâm được ổn định tiêu biểu cho ý nghĩa nhất tâm bất loạn, rèn luyện tâm định trong động và lực quán chiếu ngay trong lúc động, trong trạng thái mềm mại và an định để chuẩn bị quỳ xuống.
Hai tay buông xuống đồng thời chạm đất có một ý nghĩa sâu sắc và vi diệu.
Sự phân biệt về ý nghĩa của tay phải và tay trái trong Phật giáo được nêu ở bảng sau. Tay trái và tay phải biểu thị ý nghĩa ghép thành từng cặp theo tứ tự:
Do đó, hai tay đồng thời chạm đất biểu trưng cho ý nghĩa:
- Định Tuệ đẳng trì: Định và Tuệ đồng thời duy trì và luôn được sáng rõ.
- Chỉ Quán song vận: Quá trình xem xét, nhìn lại chính mình được thực hiện mọi nơi, mọi lúc.
- Bi Trí song vận: Từ bi và Trí tuệ luôn luôn cùng chuyển dịch, hiểu rõ bản chất của thế gian, đạt tới tự giải thoát.
Hai tay buông lỏng trước khi quỳ xuống, thể hiện ý nghĩa buông bỏ phiền não, đạt được tự tại, nhất tâm hướng Phật.
Hai tay tiếp đất, quỳ xuống thể hiện cho ý nghĩa khiêm cung, từ bi đến cùng tận.
9.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
1. Động tác này bao hàm trong phần nói về ích lợi của việc cúi đầu, cột sống cong về phía sau, vai buông lỏng. Đặc biệt có thể kéo dãn các khớp cột sống lưng, cột sống xương chậu, có ích cho việc phòng trị các chứng bệnh liên quan đến nửa phần dưới cơ thể.
2. Cẳng chân thẳng, dùng gót chân để chống chịu lực. Thân hình như cây nấm, tạo lực trụ ở bộ phận trung tâm, trọng tâm vững vàng. Dựa vào nguyên tắc vật lý, trước khi quỳ, hay bất cứ động tác liên tục nào, nếu giữ được trọng tâm vững vàng, thì cũng giống như một vật đạt được trạng thái trọng tâm ổn định một cách tự nhiên, chẳng cần tốn sức để thiết lập sự thăng bằng cho cơ thể. Cho nên các cơ không phải quá căng cứng, không sinh đau nhức, nên có sức chịu đựng bền bỉ. Nếu cơ phải chịu áp lực căng thẳng thì tạo trở ngại lớn cho sự tuần hoàn máu. Nếu các động tác được thực hiện chính xác, cho dù có dừng ở bất cứ một tư thế nào để phân tích động tác, cũng có thể giữ được tư thế rất lâu, không thấy mỏi mệt mà vẫn mềm mại thoải mái.
Chú ý: Khi cẳng chân thẳng, thì bất kỳ góc độ nào cũng thấy thẳng, giống như trụ cột của một căn nhà, hay chân bàn chân ghế có ngay thẳng thì thế đứng mới thăng bằng ổn định. Nếu trụ cột nhà, chân bàn ghế mà nghiêng đổ cũng có nghĩa là khả năng chống đỡ không bền. Ngồi ghế hoặc lái xe, ta sẽ cảm nhận được điều này - an định ngay thẳng trong động tác. Cho nên, chuỗi động tác này tuy chỉ diễn ra trong chốc lát, trước khi tay chạm đất quỳ xuống, nhưng chúng ta đừng nên sơ suất. Phải chú ý, xem xét tiến hành động tác cẩn trọng, nên để tâm vào động tác mình làm, không được qua loa, đại khái mà uổng công. Có nhiều người khi luyện tập đều rút ra kinh nghiệm cho mình. Nếu như thực hiện động tác được chính xác, cằm sẽ chạm sát vào ngực. Cho dù mùa đông cũng chẳng sợ lạnh, bởi bạn đã cảm nhận được hơi ấm từ toàn thân.
Nhưng cũng có nhiều người không nắm được bí quyết dẫn lực vào gót chân, hoặc để cho gót chân đứng không vững. Để khắc phục điều này, quan trọng là tâm phải chuyên nhất, mắt nhìn phải tập trung, (trong lúc cúi đầu cong thân) tầm nhìn hướng theo đường thẳng đứng giữa thân (từ giữa hai gót chân lên đến đỉnh đầu), trọng tâm đặt ở gót chân. Không được chớp mắt, bởi khi mắt nhắm thì sự điều tiết cân bằng sẽ thay đổi, do đó khó có thể giữ được thăng bằng. Thực ra chỉ cần giữ cho cơ thể trên một trục thẳng đứng và thư thả, khi đó các cơ bắp sẽ rất thoải mái, về căn bản không phí sức mà còn lợi sức. Chẳng khác gì cơ thể tựa trên hai chân thoải mái nghỉ ngơi mà thôi. Tâm của bạn phải định thì trọng tâm mới không xê dịch, không dao động. Khéo dùng gót chân và sức ở đan điền, tức là tạo được sự thoải mái với công dụng tự nhiên của trọng lực.
3. Có một số người đầu cúi quá thấp, tay với ra phía trước chống xuống đất (xem hình).
Đầu cúi xuống, mông cao hơn đầu, bộ phận đầu đột nhiên bị dồn máu, huyết áp thay đổi (tăng huyết áp) gây chóng mặt. Đồng thời, tay đưa về phía trước, lực dồn ở mũi chân, mũi chân chịu sức, dễ sinh đau nhức.
4. Khi tay buông xuống, nên chỉnh tề và thoải mái, các ngón tay khép sát nhưng mềm mại.
Vai, cẳng tay, ngón tay, mềm mại xếp theo đường thẳng, giúp cho máu lưu thông thông suốt, hệ thống thần kinh mới khỏe mạnh và linh hoạt. Tránh gồng cứng vai và tay. Nếu các khớp cổ tay căng cứng, bị co thành hình ống nước bị gấp khúc, sẽ làm trở ngại cho sự lưu thông trong mạch máu, xem hai hình tiếp theo, cả hai tư thế đều sai.
Tay duỗi xa, trọng tâm không vững. Tay chưa chạm đất. Không cần phải bẻ gấp khuỷu tay và gồng cứng, vừa phí sức vừa tăng trở lực.
Tay đã chạm đất, nên thong thả thoải mái, các ngón tay khép sát chứ không nên xòe ra làm phân lực ngón tay, rất dễ bị thương.
Chú ý: Nơi khớp cổ tay có huyệt dương trì, nếu cổ tay bị bẻ quá cong, làm khí mạch của huyệt đạo này bị tắc nghẽn, dễ mắc chứng lạnh buốt chân tay.
Rất nhiều người, vô tình khi thực hành động tác, thường làm cổ tay bị gấp khúc 20⁰ giống như trong hình dưới đây. Vô hình trung huyết quản bị ép lại. Do đó, hằng ngày nên lưu tâm giữ cho các khớp cổ tay luôn được thoải mái.
Chú ý: Ngoài ra, có một số đạo tràng áp dụng phương pháp tay phải chạm đất trước, kế đến mới chống tay trái xuống (gọi là lưỡng bộ bán lễ pháp). Phương pháp này cũng có ý nghĩa sâu sắc. Ở Ấn Độ, tay phải tượng trưng cho chính đạo. Do đó, tay phải chống xuống đất trước, động tác này biểu trưng cho ý nghĩa tôn trọng chính pháp, nguyện cho chúng sinh đạt được đạo chính giác.
Cho nên, hai tay đồng thời thực hiện, hay tay phải trước tay trái sau, đều mang ý nghĩa sâu sắc, ưu việt như nhau. Mọi người không nên phân biệt, cho rằng phương pháp này hay, phương pháp kia dở. Như thế, vô hình trung mắc vào tội kiêu ngạo, coi thường người khác.
- Nếu tự tu, có thể tùy ở căn cơ mỗi người mà lựa chọn cho mình một phương pháp thích hợp.
- Nếu cộng tu, thì nên tuân thủ những quy củ khuôn phép của đoàn thể, mới là lễ kính chư Phật.
Chú ý: Hình giải thích thứ tự các bước của phương pháp tay phải trước, tay trái sau được trình bày trong các hình sau đây:
Chuỗi động tác chính xác của phương pháp tay phải trước, tay trái sau (loạt hình từ 1 đến 11 là động tác đúng tư thế của tiến trình một lễ). Ngoài ra, loạt hình còn lại phía dưới có đánh dấu X là động tác sai tư thế.
Lưu ý dù có áp dụng phương pháp tay phải trước, tay trái sau cũng phải nắm chắc và phù hợp với nguyên tắc giải phẫu sinh lý trong động tác cúi đầu, cong thân, buông lỏng vai, trọng tâm ổn định,... Không nên áp dụng những tư thế phản lại nguyên tắc sinh lý và vật lý như: ngẩng đầu, cong lưng, tay gồng cứng, gấp gáp,...
10. Tại Sao Phải Chạm Tay Xuống Đất Trước, Sau Đó Mới Quỳ Xuống?
10.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Hai tay chạm đất để quỳ xuống, thể hiện cho sự khiêm cung và lòng từ bi đến tận cùng.
10.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
Bởi vì nếu tay không chạm đất trước, thì đầu gối tất nhiên phải hạ xuống trước, các khớp xương đầu gối bị va chạm khi tiếp xúc với đất dễ bị tổn thương.
Như trên đã trình bày, lễ Phật là động tác mềm mại khai phát tính giác, chứ không phải là hành động khổ nhục. Do vậy, không nên để cơ thể bị tổn thương. Cho nên, trước tiên phải nhẹ nhàng đưa tay tiếp đất để làm điểm tựa, sau đó gót chân mới rời khỏi đất và người quỳ xuống, điều phục thân tâm trong trạng thái nhu hòa.
Khi tay chạm đất, có thể dùng lực để chống chịu, gót chân rời mặt đất, ngay lúc đó, nhẹ nhàng quỳ xuống. Đầu gối sẽ tiếp xúc với đất ngay mũi tay.
11. Tại Sao Phải Quỳ Gối Xuống Đất?
11.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Quỳ gối biểu hiện cho sự bẻ gãy tính ngạo mạn, hàng phục được phiền não.
Quỳ xuống đất biểu hiện một cách triệt để cho sự chế ngự vô minh, bước sâu vào giác ngộ.
11.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
Tiêu trừ những chướng ngại ở khớp xương đầu gối. Có rất nhiều người do tư thế đi đứng không đúng cách, hoặc vì phải gánh nặng, làm việc nhiều năm liên tục, khiến cho các khớp xương đầu gối phải chịu một sức khá lớn, máu không lưu thông thông suốt, làm cho đầu gối biến dạng, thoái hóa. Nếu thường xuyên quỳ gối lễ Phật đúng cách (trọng tâm đặt tại gót chân), hoạt động của động tác quỳ xuống đất có thể làm cho khớp xương đầu gối trở nên linh hoạt, tăng cường khả năng hoạt động của các khớp xương cấu tạo xung quanh đầu gối, làm cho các khớp xương đầu gối trở nên linh hoạt, không bị trơ cứng và lão hóa.
Chú ý: Đối với người mới học, tốt nhất là dùng gối đệm có tính đàn hồi, nhưng phải dựa vào phạm vi giới hạn, đừng cao quá hai tấc.
Hình bên trái: Khớp xương đầu gối phải, nhìn từ phía trước. Hình bên phải: Khớp xương đầu gối phải nhìn từ phía sau.
(1) Xương đùi: là xương dài nhất. (2) Xương ống chân. (3) Dây chằng chữ thập trước. (4) Dây chằng chữ thập sau.
Chính vì vậy mà khớp xương đầu gối có khả năng hoạt động co gập, xoay với một biên độ lớn. Ngoài ra, cạnh ống chân còn có tấm bán nguyệt đệm bảo hộ.
Có người hiểu nhầm rằng co gối quỳ xuống đất có thể làm gối bị thương. Thực ra không phải như vậy, động tác này có khả năng tăng cường chức năng hoạt động của đầu gối. Khi co gối quỳ xuống đất, do cấu tạo của gối mà có thể bảo đảm giảm bớt ma sát của cơ bắp và xương.
Quỳ ngồi sát xuống, trọng tâm ở phía sau (gót), mới có thể khéo dùng phần đệm lót bên trong nơi các bộ phận được đánh số (3) (5) (6) trong hình, v.v.
(1) Xương bánh chè. (2) Lớp bọc dưới da trước bánh chè. (3) Lớp bọc sâu dưới bánh chè. (4) Lớp bọc trên đầu gối. (5) Lớp mỡ dưới bánh chè. (6) Màng gấp trơn dưới bánh chè.
12. Tại Sao Trong Lúc Quỳ Xuống Phải Hoạt Động Toàn Bộ Các Khớp Ngón Chân?
12.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Động tác quỳ biểu hiện sự khiêm cung đến tận cùng, triệt để cải sửa nội tâm. Trong đó, hoạt động thấp nhất của các khớp ngón chân biểu hiện sự quét sạch, sự cải tạo ở tầng thấp nhất, ở chỗ sâu nhất.
12.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
Động tác này có thể kéo dãn từng khớp chân, khiến cho chúng được thư giãn, cũng có thể làm cho những cặn bã hằng ngày lắng tụ ở chân và lòng bàn chân (chỗ thấp nhất) được thanh trừ. Thường ngày, do lực dẫn, khiến cho rất nhiều phế vật trong cơ thể lắng tụ nơi lòng bàn chân và các ngón chân, giống như những lớp bụi, bẩn ở góc tường. Động tác quỳ ngồi, kéo dãn các đốt ngón chân, nếu siêng năng thực hiện, sẽ tẩy sạch được những chướng ngại này.
Đối với một số người quanh năm đi giày, các khớp xương này rất ít hoạt động. Thậm chí, ngay cả lúc đi bộ, thì các khớp, mạch dưới bàn chân cũng được vận dụng không nhiều, khiến chúng trở nên ít linh hoạt. Do vậy, nên khi thường xuyên đi bộ, lại không sử dụng nhiều các ngón chân, mắt cá chân, làm cho các bộ phận này dần dần bị trơ cứng, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng liên quan. Bởi lòng bàn chân có khu phản xạ nội tạng.
Lược đồ khu phản xạ ở bàn chân.
(1) Xoang mũi - Xoang mũi. (2) Đầu. (3) Cổ. (4) Tuyến giáp trạng. (5) Cột sống. (6) Phổi. (7) Vai. (8) Tim. (9) Gan. (10) Túi mật. (11) Thận. (12) Dạ dày. (13) Khuỷu tay. (14) Ruột già. (15) Ruột non. (16) Niệu quản. (17) Gối phải - gối trái. (18) Đùi phải. (19) Ruột thừa. (20) Cuống ruột thừa. (21) Bàng quang. (22) Tuyến sinh dục. (23) Trực tràng. (24) Chân phải - chân trái.
Hình 1
Hình 1: Chân phải: (1) Sống cổ. (2) Sống ngực. (3) Sống lưng. (4) Đốt sống xương chậu. (5) Đốt sống xương cùng.
Chân trái: (1) Mũi. (2) Tuyến lympho. (3) Ngực. (4) Tai. (5) Hoành cách. (6) Tuyến lympho cổ.
Hình 2
Hình 2: (1) Cổ. (2) Khu phản xạ đau lưng. (3) Bàng quang. (4) Buồng trứng (nữ)
- Dịch hoàn (nam). (5) Khu phản xạ khớp xương chậu. (6) Trực tràng (trĩ).
Lễ Phật là biểu hiện hoạt động của tính giác toàn bộ cơ thể từ đầu cho đến bàn chân. Ở đây, không có sự can thiệp của người ngoài, mà chính là tự thân quán chiếu, vận động toàn thân và các cơ bắp, các khớp xương một cách linh hoạt. Đến ngay cả nội tạng, cũng sẽ được xoa bóp (xoa bóp khí thể) (sẽ trình bày chi tiết tại mục 24).
13. Tại Sao Đầu Gối Vừa Chạm Đất, Tay Lập Tức Buông Lỏng?
13.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Bất luận là lúc lễ Phật hay trong đời sống thường ngày, hãy tùy thời, tùy duyên mà rèn luyện sự nhất tâm, buông sạch mọi tạp duyên.
Thân → Nhất tâm - Một trọng tâm vật lý tự nhiên (đặt ở gót chân), không cần phải đặt ở nhiều nơi, gây căng thẳng và tốn sức.
Tâm → Nhất tâm niệm Phật, không phải lúc nào cũng nặng nề mà thân ý phải mềm mại.
Bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà, nguyện nào cũng đều có thể cứu vớt chúng ta. Chớ nên đi ngược lại Phật lực, đó là tự chuốc lấy phiền não. Cứ yên tâm giao phó cho Phật, để Phật tùy duyên cứu độ.
Lúc quỳ, đầu gối đã chạm đất, có thể chịu một lực ổn định, cân bằng, thì tay không cần phải phí sức, không còn gồng cứng căng thẳng nữa (không còn gia tăng trở lực). Do đó, đồng thời khi quỳ chạm đất, trong khoảng sát na, tay buông lỏng, đây cũng là pháp luyện tập, “sinh tâm” tức khắc “vô trụ”, “vô trụ” lại “sinh tâm” (chính niệm). Dần dần có khả năng trải nghiệm được đạo lý “vô trụ sinh tâm” của Kinh Kim Cương.
Phương pháp luyện tập: Trong động tác, chỉ chuyên chú ở sát na đang xảy ra này. Và theo đó, không chút vướng bận, tùy duyên cho qua, tùy duyên buông bỏ, thư giãn, tự tại. Không nên làm một động tác nào khi mà tâm đang ở trong tình trạng căng thẳng. Nếu như nhất tâm chuyên chú ở sát na hiện tại, thân tâm mới buông bỏ, mới tự tại được.
13.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
Tùy lúc buông bỏ, có thể khiến cho sự lưu thông của máu, dịch lympho giảm bớt sự trở ngại. Các cơ bắp không phí sức để co rút căng thẳng. Như vậy, tức là đã giảm thiểu lượng khí hao tổn, không sinh mệt mỏi. Đồng thời, làm giảm đi mức độ sinh ra các thứ phế thải, không làm chất cặn bã lắng đọng, gây ra các chứng bệnh đau nhức.
Khi bắt đầu luyện tập, vì bả vai trơ cứng, thiếu linh hoạt, bắp tay đã bị gồng cứng trong thời gian lâu dài, cho nên, tính đàn hồi bị giảm đi. Từ đó, khó thực hiện động tác quỳ trong tư thế của đầu gối và các ngón chân (như trong hình dưới đây). Vai có thể kéo dài thoải mái. Tay có thể kéo dài. Nhưng chỉ cần lễ Phật một thời gian, các khớp xương ngón chân và bàn chân được kéo dãn ra thay vì bị căng cứng co rút lâu ngày, các bắp chân có thể được buông lỏng, các khớp xương vai cũng được thoải mái và linh hoạt, thân tâm trở nên nhu hòa hơn.
Ứng dụng trong đời sống hàng ngày: Con người ta thường ngày luôn có thói quen gây ra những chướng ngại căng thẳng, ví dụ như khi tay phải đang làm việc, tay trái rõ ràng không làm gì song vẫn đưa lên lưng chừng. Giống như trường hợp chúng ta nấu ăn trong bếp, tay phải cầm vật dụng xào thức ăn, trong khi đó tay trái đưa lên một cách phí sức.
Hình 1
Hình 1: Khi tay phải xào thức ăn, tay trái không phải làm việc, nhưng vẫn đưa lên.
Hình 2
Hình 2: Xào thức ăn cũng cần niệm Phật, thoải mái chuyên chú và tự tại.
Thực ra, chỉ cần lựa chọn tư thế trọng tâm vững vàng là có thể khiến toàn thân được thoải mái, các cơ bắp không gồng cứng căng thẳng.
Một khi khởi tâm chấp trước, căng thẳng, thì chẳng những không được gì cả, mà còn chuốc lấy nỗi đau nhức trên thân; càng thư giãn, thoải mái, càng làm cho thân tâm tự tại, linh hoạt hơn.
14. Tại Sao Phải Quỳ Ngồi Lên Mặt Trong Của Hai Gót Chân?
Ở hình minh họa trang tiếp theo, mũi tên trong hình 1, chỉ rõ là sức nặng của thân đều đặt ở trên mặt trong của hai gót chân. Hình 2, chỉ rõ mông áp xuống sát hai cẳng chân, trọng tâm của toàn thân nằm ở giữa khoảng cách hai gót chân.
Hình 1
Hình 2
14.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Thế quỳ ngồi lên mặt trong của hai gót chân mang ý nghĩa triệt để buông xả mọi căn bản chấp trước, triệt để hàng phục mọi căn bản phiền não.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Dừng cái tâm tán loạn, dừng lại tức Bồ đề”, tức là khi đã tĩnh tọa thì cái tâm lăng xăng liền dứt, không còn sinh khởi.
Tiếp nữa là, thế quỳ ngồi này đối với cách tập ngồi thế kiết già sẽ trợ giúp rất nhiều.
14.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
1. Thế ngồi áp sát trên hai cẳng chân sao cho mông tiếp giáp với mặt bên trong hai gót chân này, kéo dãn được hai mắt cá chân. Sức nặng toàn thân đặt ở giữa hai gót, loại bỏ được sự căng cứng thường ngày của hai gót chân. Trong khi lễ lạy, ngồi xuống đứng lên tức là lúc co, lúc dãn, làm linh hoạt các cơ bắp. Xét trên nguyên lý cơ bản của y học Trung Quốc, thì sáu kinh mạch ở chân, thêm mạch dương nghiêu và mạch âm nghiêu đều thông qua mắt cá chân, nếu như mắt cá chân bị chai cứng thì kinh mạch sẽ bị tắc nghẽn gây nhiều trở ngại.
Khu phản xạ dưới mắt cá chân.
Mặt trong của mắt cá chân: Điểm phản xạ lympho nửa cơ thể dưới.
Mặt ngoài của mắt cá chân: Điểm phản xạ lympho nửa cơ thể trên.
Đây là bộ phận mà hằng ngày rất ít được hoạt động. Lâu ngày, chất cặn bã không thông sẽ bị lắng tụ đầy ắp tại khu vực này, gây tắc nghẽn, đè ép dây thần kinh, sinh ra đau nhức, làm suy giảm khả năng miễn dịch (làm hạn chế chức năng bảo trì kháng thể của tuyến lympho).
Lympho tương đương với một hệ thống cảnh vệ bên trong cơ thể (như quân đội quốc phòng), hỗ trợ cho tĩnh mạch vận chuyển toàn bộ các chất từ mọi tế bào của cơ thể về tim (giống như hệ thống đường ống thu hồi nguyên liệu).
Chú ý: Máu của chúng ta chứa chất dinh dưỡng và oxy, được động mạch vận chuyển và phân phối đến tận các mao quản (giống như hệ thống giao thông về tới tận thôn ấp). Một bộ phận dịch thể trong máu, thẩm thấu qua thành mao quản đến các khe hở giữa các tế bào, hình thành dịch thể giữa các tế bào (dịch gian bào). Tế bào được thấm ướt, thực hiện tiến trình trao đổi: hấp thụ chất dinh dưỡng và thải chất cặn bã kể cả những tế bào chết, huyết cầu, vi khuẩn,... bị đào thải phân thành hai dòng và chuyển đi:
Mao quản → tĩnh mạch → trở về tim.
Ống lympho (phụ trách vận chuyển một bộ phận dịch thể và phần lớn vật chất) di chuyển hướng tâm, lọc qua tuyến hạch lympho, tiêu độc → tĩnh mạch → về tim.
Hình vẽ dưới đây chỉ rõ bốn trạm thu hồi lớn và quan trọng nhất trong cơ thể - Tuyến lympho cục bộ (phụ trách công tác lọc, kháng khuẩn, tiêu độc).
Hướng di chuyển thuận nghịch của dịch lympho:
- Ở đầu: Tập hướng dưới cằm, dưới miệng, tuyến dưới họng, trước và sau tai, gáy.
- Ở cổ: Tập hướng xuống phía dưới xương quai xanh (xương đòn).
- Ở ngực, chi trên: Tập hướng xuống nách.
- Ở phần dưới thân: Tập hướng xuống háng.
(1) Đầu. (2) Cổ. (3) Nách. (4) Háng.
Động tác lễ Phật: Cúi đầu, cong thân, quỳ phục, năm vóc sát đất, vô hình trung đã khiến cho việc trao đổi chất trong cơ thể được thực hiện sinh động, diễn ra một cách tối ưu nhất (thu dinh dưỡng - thải phế liệu) bằng những động tác xoa bóp lúc co lúc dãn, lúc ép, lúc mở lặp đi lặp lại, đạt được kết quả cao.
Lympho còn có một chức năng khác, đó là hấp thụ và chuyên chở chất dinh dưỡng; như hệ thống lympho ở bụng, trên đường tiêu hóa có thể hấp thụ và vận chuyển những sản phẩm sinh hóa từ lipid, tổng hợp vitamin từ lipid.
Động tác lễ Phật, khi quỳ ép khớp mắt cá chân, đã làm linh hoạt sự vận động của chân và toàn thân, tạo hiệu quả xoa bóp rất tốt đối với điểm phản xạ lympho, thúc đẩy sự tuần hoàn. Nó có tác dụng trợ giúp tăng cường chức năng miễn dịch.
Chú ý: Những người mới học, đa số không thể ngồi mà đặt lực toàn thân nơi mặt trong của hai gót chân do khớp xương mắt cá chân không đủ linh hoạt. Thậm chí, khi ngồi xuống, gót chân và mông không thể tiếp xúc với nhau. Đây là do cơ bắp của lưng và đùi căng thẳng lâu ngày nên trơ cứng, không thể co mở thư giãn. Chỉ cần liên tục lễ Phật theo đúng phương pháp, tư thế ngồi thoải mái, để cho sức nặng toàn thân đè xuống một cách tự nhiên, không lâu bạn sẽ khôi phục lại được tính đàn hồi linh hoạt ban đầu. Không nên lo lắng phiền muộn. Phải có lòng tin ở Phật lực, tin ở tự tính vốn đầy đủ, khả năng hiểu biết, nhận thức đúng đắn và năng lực vốn sẵn có, nhất định có thể khai phát được. Có người trong một ngày chỉ cần lễ vài tiếng đồng hồ là có thể khôi phục được. Chỉ cần chuyên tâm niệm Phật, thân tâm uyển chuyển, có được lòng thành tín thì sẽ đạt được mục đích. Cũng có thể dùng khăn thấm nước nóng quấn vào chân, quấn cho đến khi chân trở nên đỏ, cứ để như thế một hồi lâu, cơ bắp vốn đã bị trơ cứng sẽ trở nên mềm và linh hoạt. Cách sử dụng khăn quấn vào chân, nên dùng nước nóng thích hợp, sau đó nâng nhiệt độ cao dần, sao cho độ nóng có thể làm cho chân đỏ lên, cho đến khi nào bạn cảm thấy hiệu quả.
Đang lúc rửa chân,
Nguyện cho chúng sinh,
Sức lực được vẹn tròn,
Mọi việc đều thuận lợi.
(Phẩm Tịnh Hạnh, Kinh Hoa Nghiêm)
15. Tại Sao Phải Cúi Đầu, Ngả Tay, Nghênh Tiếp Phật?
Ngồi an định, sức nặng toàn thân đặt xuống ở mặt trong của hai gót chân. Phần thân mình cúi thành vòm cong hướng về phía trước Phật, khoảng chừng 45⁰. Trong lúc này, chúng ta sử dụng lực ở đan điền, bụng hóp lại, áp sát xuống đùi; đầu, vai thư giãn, thoải mái; ngón tay chạm nhẹ ngay nơi đường giữa (đường chạy thẳng qua điểm giữa khoảng cách hai gót chân), cúi đầu, tập trung tầm mắt.
Ngoài cách trên, ta còn có một cách khác: Đó là hai tay đặt chồng lên nhau, tay trái để dưới, tay phải để trên.
15.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Duỗi bàn tay nghênh đón Phật, thể hiện ý nghĩa “bội trần hợp giác” (xa rời hư vọng, trở về với tính giác), “trừng độc phản thanh” (lắng đi cặn bã, trở về với sự trong sạch, thanh tịnh), “dữ Phật tương ưng” (tương ưng với tâm Phật).
Giữ tư thế cúi đầu (không được bỗng chốc lại ngẩng đầu lên), thể hiện một lòng cung kính Phật, khiêm cung một cách triệt để, mới có thể tương ưng.
Ngồi an định, giữ cho trọng tâm không động (trọng tâm được đặt ở khoảng giữa hai gót chân) biểu hiện cho một lòng quán tâm, an trụ tâm, không động, không chuyển.
Hai tay chạm nhẹ, duỗi thẳng ngay nơi đường giữa, mang ý nghĩa “hướng về trung đạo”. Tay duỗi thẳng mà nhu, biểu hiện cho tâm ngay thẳng, tâm nhu nhuyễn, hai tay sát vào nhau thể hiện cho ý nghĩa dốc lòng nhiếp tâm, không tán loạn.
Hai vai dãn ra, biểu hiện cho việc mở rộng tâm mình.
15.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
1. Cúi đầu: (như trên đã trình bày).
2. Ngồi định, sử dụng lực đan điền hướng xuống, thân cúi về phía trước, hợp với đường thẳng đứng một góc 45⁰ (chú ý, phần thân trên không dùng lực, giữ cho thoải mái, mềm mại).
Cột sống lưng cong lên hướng về phía sau, như thế có thể kéo dãn khớp xương chậu.
3. Vai buông lỏng, nhưng phải được kéo dãn ra, tay duỗi thẳng về phía trước (mềm mại, không gồng cứng). Cố gắng kéo dãn vai và nách (tay duỗi ra sao cho có cảm giác xương bả vai kêu rắc rắc). Trước hết, tay đưa thẳng, nâng khuỷu tay lên mới có thể kéo dãn hệ thống cơ bắp ở dưới nách và xung quanh vai, khiến cho mạch máu và lympho dưới nách lưu thông thông suốt, vì dưới nách có nhiều hạch lympho, cho nên cần vận động để kéo dãn bộ phận này ra.
4. Có vận động kéo dãn, sự lưu thông chất dịch mới thông suốt, có thể thanh trừ được các thứ phế thải, cặn bã, làm tăng cường sức miễn dịch (vì hạch lympho có chức năng lọc, kháng khuẩn và tiêu độc).
Sơ đồ dưới đây trình bày hạch lympho và ống lympho ở nách, thành ngực và cánh tay.
(1) Cổ. (2) Vai. (3) Ống lympho. (4) Tĩnh mạch ở ngoài lồng ngực. (5) Hạch dịch lympho. (6) Hạch lympho trước cánh tay, chỉ cho hạch lympho cạn.
Những hạch lympho này tập trung ở cánh tay, dịch lympho đến từ mặt ngoài của lồng ngực và tuyến vú từ dưới xương quai xanh đổ vào tĩnh mạch.
Do bộ phận dưới nách bình thường đều bị kẹp chặt, rất ít linh hoạt, ít được kéo dãn ra, đặc biệt những người có bả vai căng cứng, thì lực ép càng lớn. Khi lực ép lớn, đương nhiên gây trở ngại mà đổ ngược lên trên, cho nên bất lợi cho sự lưu thông của huyết quản và lympho.
Động tác nâng khuỷu tay, cúi mình, tạo không gian mở rộng tối đa cho nách không những có lợi cho lympho, sự tuần hoàn của tĩnh mạch mà còn có lợi cho sự tuần hoàn máu từ động mạch.
Vai, tay phải giữ thoải mái, lực tập trung tại đan điền và không được ngẩng đầu vì tư thế ngẩng đầu làm cho đốt sống cổ bị gấp khúc, huyết quản bị ép, khiến tay cứng trơ, không giữ thẳng được.
16. Tại Sao Khi Cúi Xuống Đất, Khuỷu Tay Phải Khuỳnh Ra, Cho Nách Dãn Ra, Cánh Tay Và Ngón Tay Phải Áp Sát Ngay Thẳng?
16.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Động tác này có ý nghĩa trải tâm ra, bao dung tất cả, tương ưng với tâm Phật.
Ngón tay ngay thẳng thể hiện ý nghĩa tâm không tán loạn. Cánh tay áp sát, thể hiện ý nghĩa tâm bình đẳng (bàn tay Phật có tướng bình thản, mềm mại).
16.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
Vai và lưng phẳng, khuỷu tay dang rộng ra hai bên, kéo dãn các khớp bả vai, kéo dãn lồng ngực (bao gồm cơ bắp lồng ngực có liên quan đến hô hấp), có thể tăng thể tích hoạt động của phổi, hỗ trợ triệt để cho hô hấp, tăng cường lượng dưỡng khí oxy cung cấp cho tế bào.
Làm linh hoạt mạch máu, lympho bộ phận bả vai và nách. Giữ cho lưng, vai phẳng, không nâng vai cao, giữ cho ngang và cân đối, thoải mái.
Hệ thống được tô đậm nét trên hình, biểu thị cơ bắp nối từ bộ phận ngực (xương quai xanh, lồng ngực, xương sườn) với cơ bắp xương cánh tay trên và xương sườn nối với cơ bắp của xương cầu vai.
(1) Xương đòn gánh trái.
(2) Xương đòn gánh phải.
(3) Xương bả vai.
(4) Xương cánh tay.
(5) Xương ngực.
(6) Xương sườn.
(7) Xương sườn.
(8) Đốt sống ngực 12.
(9) Đốt sống lưng 1.
Trong khi lễ Phật, với một chuỗi động tác liên tục này, khuỷu tay phải dang rộng ra, để có thể làm tăng lượng không khí hô hấp ở phổi.
17. Tại Sao Khi Lễ Phật, Đầu Và Mặt Phải Chạm Đất?
17.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Triệt để hàng phục tâm ngã mạn, phiền não (dùng đầu và mặt là chỗ tôn kính nhất của bản thân để nghênh tiếp chỗ thấp nhất là chân Phật), và thể hiện ý nghĩa khiêm cung đến tột cùng, mới có thể nhận biết sâu sắc cảnh giới giác ngộ của chư Phật. Triệt để buông bỏ tất cả vọng niệm về ngã chấp, tự tư, mới có thể khế hợp với con đường của Phật (đó là pháp bình đẳng).
17.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
Khi ấn đường (khoảng giữa hai chân mày) áp sát mặt đất, mắt mở lớn, không nên nhắm lại, đỉnh đầu, bụng, chân, xếp trên đường trung tuyến (đường giữa). Tư thế này giống như tư thế của thai nhi nằm trong bụng mẹ.
Đầu, tim, toàn thân từ đầu tới chân dường như áp sát xuống, kéo dãn các đốt cột sống xuống, khiến cho dịch tủy vận hành linh hoạt.
Đầu và tim ở độ cao ngang nhau, máu chảy vào đại não, không cần phải đi ngược lên (tức là không phải chống lại lực hấp dẫn) mà có thể dễ dàng lưu thông, do đó có ích cho sự tuần hoàn ở não, cải thiện chức năng chỉ huy toàn thân.
Nửa dưới cơ thể, do tư thế quỳ áp mặt xuống đất, gây chèn ép trong giây lát, lúc đứng dậy, cần phải thả lỏng. Giống như sự đàn hồi của tấm bọt biển vừa ép vừa thả lỏng, để đẩy các tạp chất tích chứa bên trong cơ thể (vận chuyển về tim để xử lý). Ngoài ra, do quỳ phủ phục xuống mặt đất, làm cho nửa dưới cơ thể áp sát gần tim, máu trở về tim tốt hơn, lưu thông bình thường không phải mất nhiều năng lượng để gia tăng áp lực vận chuyển hướng lên trên. Do đó, mà sự tuần hoàn máu trở nên tốt hơn. Hơn nữa, cột sống cong lên, không tạo áp lực nơi khoang bụng và mạch máu phía trước cột sống, nên ít trở lực cho sự lưu thông của máu.
Một mặt, không gian của khoang bụng khá lớn, mạch máu nằm ở phía trước cột sống lưu thông tương đối thuận lợi, khiến mạch máu ở các nội tạng trong khoang bụng và hai chân được cung ứng đầy đủ. Mặt khác, như trước đã trình bày, khi cột sống cong về phía sau, có lợi cho cả thần kinh tủy sống và huyết quản.
Hình 1
Hình 1: Đúng tư thế, hợp với nguyên tắc y học và vật lý: Cột sống cong lên, các khớp xương kéo dãn ra, lượng máu cung cấp phong phú.
Hình 2
Hình 2 với tư thế sai: Không phù hợp với nguyên tắc y học và vật lý. Mông nhô lên, đầu quá chúi về phía trước, cơ lưng căng thẳng, các đốt sống lưng ép xuống phía bụng, chèn lên vòm bụng, dây thần kinh và cản trở sự lưu thông của máu.
Ở phương diện khác, nếu thực hiện động tác cúi đầu đúng như hướng dẫn thì hoành cách mô có thể vận động tích cực và có thể được hít thở một cách triệt để.
Chú ý: 1. Khi cúi mình lễ Phật, không đưa mông quá cao vì khó coi, dễ ngã, dễ bị chóng mặt, nhức đầu, không tốt cho người huyết áp cao, phần cổ cũng cảm thấy khó chịu. Như thế sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc lễ Phật, bởi vì lễ Phật phải đạt tới sự thoải mái, minh mẫn.
2. Không được chúi đầu xuống đất, làm cho mông cao đầu thấp, làm cho đường hô hấp không thông.
3. Theo như hình trên, ta thấy cột sống lưng bị võng xuống, cơ bắp hai bên cột sống căng và nhô lên. Tư thế này chèn ép dây thần kinh và mạch máu, không những làm cho eo mỏi, lưng đau, chân tê, mà còn làm ảnh hưởng đến nội tạng.
18. Tại Sao Phải Ngửa Tay Đón Phật?
“Nếu có chúng sinh, thấy được hào quang, chiếu chạm thân mình, nếu không an lạc, không từ tâm hành thiện, không sinh về nước ta, thề không thành Phật”.
18.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
1. Động tác này thể hiện quyết tâm phải chuyển biến tâm cảnh của chính mình để tiếp nghênh quang minh của Phật, phải chuyển đổi tâm phàm thành tâm Phật (tiếp nhận sự giáo huấn của Phật).
2. Trước tiên mỗi nửa nắm tay, cuốn tròn rồi ngửa lòng bàn tay lên, cũng là biểu thị ý nghĩa nguyện dâng hết cái tâm không một tơ hào nắm bắt này, để dâng lên cúng dường Phật.
3. Lòng bàn tay ngửa hướng lên trên, không để nghiêng lệch, biểu thị ý nghĩa: Tâm khí an hòa (tay Phật bằng phẳng, mềm mại giống như hoa, chúng ta cũng có thể noi theo cách này, nhưng do ban đầu, các cơ bắp bị co lại, cứng trơ, khó có thể làm ngay được). Các ngón tay như là những cánh sen, mềm mại nhưng chỉnh tề (đừng gồng cứng tay, tán loạn và để tâm sử dụng sức).
Tỉ mỉ quán sát, nếu tinh thần căng thẳng thì tay cũng sẽ căng cứng (có vọng tưởng vi tế, một ngón tay bất giác dấy khởi), tâm sẽ tán loạn, ngón tay sẽ so le. Phải điều chỉnh sao cho tay không vướng vấp nhưng mềm mại, ngay ngắn như cánh sen, đang trang nghiêm nở ra mềm mại, linh hoạt. Chúng ta thường nói, người vãng sinh Tây phương, có tướng đẹp đẽ, toàn thân mềm mại, tự tâm an định, buông xả tự tại, đó là cái tâm mềm mại. Bên cạnh đó, tay hoàn toàn tự nhiên thoải mái, cũng có thể đạt tới chỗ thênh thang của tâm, phát huy quán tưởng, chức năng của trí tuệ.
4. Hai tay như hoa sen, tâm mở hoa nở. Động tác này cũng thức tỉnh chúng ta, sen nở không phải là ở hình tướng bên ngoài, mà do ở năng lực tự giác bên trong. Tâm chúng ta khai mở cũng giống như vậy.
5. Lúc ngửa tay tiếp Phật, phải quán tưởng: Phật đại từ bi đang đứng trên hai bàn tay hoa sen của chúng ta, tiếp nhận sự lễ lạy của chúng ta, chúng ta có thể đối diện với Phật. Đây là niềm hoan hỷ, hạnh phúc biết chừng nào! Tự nhiên lúc này, tâm ta mở ra và mỉm cười (lễ Phật là niềm vui sướng ngàn vạn lần, do vậy không nên có khuôn mặt căng thẳng gượng ép). Phật chạm vào hoa thì chúng ta mỉm cười.
Lại quán tưởng: Phật phóng quang minh từ bi thanh tịnh, mỗi tế bào, mỗi lỗ chân lông đều phóng quang hoan hỷ. Quang minh biến chiếu khắp mười phương, tất cả chúng sinh tắm mình trong hào quang của Phật.
6. Quán tưởng: Tất cả bệnh tật và phiền não giống như sự u ám, tối tăm. Nếu có quang minh, u ám tối tăm sẽ tan biến, toàn tâm quán tưởng đến quang minh, lấy tâm chuyển biến cảnh giới thành quang minh (tâm chuyển, cảnh chuyển).
7. Lại quán tưởng: Tất cả chúng sinh đều đang cùng với chúng ta lễ Phật, cùng tắm mình trong hào quang của Phật, đều cùng đang dùng tâm để chuyển cảnh, chuyển cảnh tức đồng với Như Lai.
18.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
1. Các hoạt động càng tinh vi, càng phải do bộ phận cao cấp của não điều hành. Các loài động vật khác đều không có kiểu hoạt động của tay như con người. Khu vực kiểm soát hoạt động của tay chiếm một tỷ lệ tương đối lớn trong đại não. Đặc biệt, ngón tay út và mức độ chú ý của tâm có liên hệ mật thiết với nhau.
Nếu tâm không chuyên chú, ngón tay út sẽ khó mà nghe theo lệnh. Do vậy, khi ngón tay út cử động để thực hiện động tác lật bàn tay thật nhẹ nhàng, có thể làm thư giãn sự căng thẳng bên trong nội tâm, ngoài ra còn làm cho sự điều khiển hoạt động tương ứng với chức năng của đại não.
2. Những người bình thường do hằng ngày căng thẳng, chấp trước, cơ bắp ít nhiều bị co lại, do đó, khi lễ Phật, động tác phủ phục xuống đất, động tác áp phẳng hai bàn tay trên đất sẽ rất khó thực hiện, chỉ có thể áp hai cánh tay sát đất. Lúc này chủ yếu chỉ dựa vào cơ của ngón tay cái do cơ bắp ngón tay cái và cụm cơ bắp bả vai rõ ràng bị rút ngắn lại, khí huyết không lưu thông thuận lợi. Nếu miễn cưỡng lật úp bàn tay áp phẳng xuống mặt đất, thì nhóm cơ của ngón tay cái phải dùng một lực tương đối lớn, nhưng nếu tiếp tục dùng lực, sẽ trở nên cứng nhắc, khí huyết không thông.
Hình 1: Khi ngửa tay đón Phật, ngón tay quá cứng nhắc, căng thẳng, tán loạn, bàn tay bị đẩy nghiêng.
Hình 2
Hình 2: Tâm chưa thoải mái, có sự căng thẳng, nên mỗi ngón tay đều căng cứng. Ngón cái cũng trong tình trạng tương tự, mặt sau của ngón cái, mu bàn tay cũng không thể áp sát xuống mặt đất. Rơi vào hiện tượng này do thường ngày cơ bắp bị căng cứng và bị co ngắn lại.
Cho nên, đối với người mới học luyện tập lễ Phật, bàn tay không thể áp sát trên đất thì chỉ cần mỗi khi lật bàn tay, cố gắng dùng sức áp sát xuống trong giây lát, rồi lập tức thả lỏng, hít thở sâu, không nên dùng sức lâu. Trong thời gian của mỗi một lễ đó có thể kéo ra một chút, rồi buông lỏng. Thời gian sau sẽ khôi phục được tính đàn hồi và độ dài của cơ bắp, khi đó sẽ rất dễ dàng lật ngửa bàn tay và áp phẳng sát mặt đất. Lật bàn tay, tuy chỉ là một động tác nhỏ, nhưng có quan hệ đến toàn bộ cơ bắp và mạch máu ở cánh tay, thậm chí có liên quan mật thiết đến não bộ và tủy sống. Do đó không nên xem thường.
Lạy một vị Phật, tức lạy tất cả Phật,
Lạy tất cả Phật, tức lạy một vị Phật.
Bởi pháp thân Phật, thể dụng cùng dung thông.
Nên lạy một lạy, biến thông khắp pháp giới.
19. Tại Sao Sau Khi Đón Phật Phải Lật Bàn Tay Bám Sát Đất?
19.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Hình 1: Lòng tay áp sát đất.
Sau khi tiếp Phật, bàn tay nhẹ nhàng nắm lại, tiêu biểu cho sự lĩnh nạp Phật quang, nhận lấy lời Phật dạy, vui mừng, hân hoan, hạnh phúc đón nhận. Cũng như Đại sư Ngẫu Ích chỉ dạy:
“Người tập lấy tín và nguyện để thực hành pháp trì danh hiệu Phật, hoàn toàn tiếp nhận công đức của Phật làm công đức cho chính mình”.
Lòng bàn tay biểu thị cho ý nghĩa hoàn toàn tiếp nhận, toàn bộ nhận lấy ngay ở nơi lòng bàn tay mà nhập tâm.
Lòng bàn tay áp sát đất, biểu thị ý nghĩa sau khi nhận được sự giáo hóa của Phật, lấy tâm bình đẳng bố thí rộng khắp.
19.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
Giống như phần tóm lược ở mục 18.2.
20. Tại Sao Lúc Khôi Phục Tư Thế Ngồi, Hai Tay Phải Thu Về Bên Cạnh Ngang Hai Bên Đầu Gối? (Không Được Cách Đầu Gối Quá Xa)
Vì động tác kế tiếp là xoay bàn chân chuẩn bị đứng dậy, điểm nâng trong động tác này là đầu gối, cho nên hai tay kéo về bên cạnh đầu gối là để cho trọng lượng toàn thân đặt ở gối. Trọng tâm sẽ ổn định và động tác này có tác dụng khiến cho chân đủ linh hoạt để xoay trở, thư giãn dễ dàng.
Hình 1 Hình 2
Hình 1: Đúng tư thế, như có lực kéo lên từ đỉnh đầu (trong lúc hít vào). Đầu gối là điểm tựa.
Hình 2: Sai tư thế. Tay đặt quá xa đầu gối, không đưa được trọng tâm toàn thân về đầu gối, bàn chân khó xoay trở cho nên không vững.
21. Tại Sao Trước Khi Khởi Thân Đứng Dậy Phải Quỳ Và Dựng Đứng Bàn Chân Lên?
21.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Phương pháp học tập lễ Phật quý ở chỗ bắt đầu một cách thực tế, rồi linh hoạt vận dụng vào cuộc sống hằng ngày. Linh hoạt lật bàn chân, chuyển mắt cá chân, mục đích nhằm khi đứng dậy vẫn duy trì được vị trí cũ (duy trì tâm điểm xuất phát ban đầu). Điều này nhằm thể hiện ý nghĩa: tùy duyên linh hoạt vận chuyển mà trọng tâm bất động, trước sau không biến đổi. Trong đó vừa bao hàm ý nghĩa tùy duyên bất biến vững vàng, sâu sắc; lại vừa có sự linh hoạt bất biến tùy duyên. Tu học Phật pháp, lý sự không hai, nguyện mọi người luôn cung kính hành trì, không biết mỏi mệt.
Chuyển mắt cá chân. Hai ngón chân cái hướng ra phía ngoài, phía trước tách ra xa, hai gót chân sát vào mông.
21.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
Nghiên cứu lâm sàng của Trung y hiện đại, nếu lấy kim châm hai bên mắt cá chân, hoặc nếu kích thích bằng áp lực, có thể làm gia tăng lượng dưỡng khí oxy. Khi linh hoạt lật chuyển mắt cá, xoay, lật cổ chân, bàn chân, kích thích sự linh hoạt tự nhiên là để tăng lượng oxy trong mạch (khi đi kinh hành niệm Phật, mắt cá chân hoạt động linh hoạt, đồng thời việc chống đỡ gót chân cũng đem lại cùng một hiệu quả này).
22. Tại Sao Từ Khi Khôi Phục Tư Thế Quỳ Cho Đến Lúc Đứng Dậy Đều Phải Lấy Đầu Làm Chuẩn? (Đồng Thời Hít Thở Sâu)
Khi lễ Phật, động tác khởi thân đứng lên, lực kéo như phát khởi từ đỉnh đầu. Lúc đứng lên, người tập phải quán tưởng có Phật lực kéo thân đứng lên thoải mái, không dùng sức.
Giống như kéo một con rối, chỉ cần kéo sợi dây gắn trên đỉnh đầu, là sẽ nâng được toàn bộ cơ thể. Tức là khi đã tiếp cận Phật, như được Phật nâng từ đỉnh đầu. Từ nơi đỉnh đầu mà nâng lên tức là nâng toàn bộ cơ thể lên.
22.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
- Dùng một đường trên đỉnh đầu để làm chuẩn nâng cơ thể lên, điều này biểu thị cho ý nghĩa nêu rõ những nét chính của vấn đề, nắm vững trọng điểm đầu nguồn.
- Nêu rõ ý nghĩa: Khi làm việc chúng ta cần phải nắm yếu lĩnh và điểm tựa cho thật vững. Cầm chiếc áo lên, nếu không nắm ở chính giữa cổ áo thì áo sẽ nghiêng lệch. Khi nâng con rối, nếu không nắm ngay đỉnh đầu, thì con rối cũng chẳng được ngay thẳng.
Chú ý: Khi đứng dậy, không được cúi đầu, đầu và cổ phải thẳng, nhưng cũng không được ngẩng đầu. Từ tư thế phủ phục, khôi phục lại tư thế quỳ. Đồng thời hít thở sâu, cũng như nắm từ đỉnh đầu kéo lên, tay cũng theo đó mà thu về cạnh đầu gối và vai trở về vị trí thích hợp. Từ tư thế ngồi quỳ, khôi phục trở lại tư thế đứng. Thực hiện cùng một nguyên tắc lực từ đỉnh đầu kéo lên.
22.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
Như trên đã nêu, việc điều khiển vận động của cơ thể thực tế nằm ở đại não. Cho nên, từ đỉnh đầu (quán tưởng vạch một đường thẳng đứng hướng lên từ đỉnh đầu) nâng cơ thể lên, điểu chỉnh cho toàn thân thư giãn, đồng thời vận động một cách tự nhiên, không dùng sức, thu chân đứng lên, đặc biệt linh hoạt. Nếu không lấy đầu làm chuẩn (đồng thời hít thở cho sâu), thì vai và tay ắt phải dùng sức để nâng thân đứng dậy và lưng cũng phí sức. Như thế thì chỗ nào trong cơ thể cũng bị căng cứng, mất sức và mệt mỏi.
Ở tư thế sai lầm này, sức nặng toàn thân dồn nhiều vào hai cánh tay.
Nếu đứng lên mà không dùng lực từ nơi đỉnh đầu mà khởi thân thì dễ bị chúi đầu về phía trước, hoặc tạo nên áp lực ở lưng (do đó khi đứng lên tất phải dùng sức ở mông, ảnh hưởng đến cột sống). Hình dưới đây cho thấy cả bốn tư thế đều sai.
23. Tại Sao Lúc Khởi Thân Đứng Dậy Phải Hít Thở Sâu?
23.1. Ý nghĩa về phương diện Phật pháp
Thấu triệt được pháp giới,
Đi vào chân lý không còn khó khăn
Nhưng do bản ngã từ xưa đến nay,
Luôn chạy theo cảnh phàm tục.
Chấp vào các hiện tượng bên ngoài.
Hiện tại tâm được tu tập sáng suốt,
Cho nên khi lễ Phật, thì Phật hiện trong tâm.
(Tam Tạng Lặc Na)
Từ một hơi thở, thể hội được Phật pháp:
Rất nhiều người lầm tưởng rằng cơ thể mình chỉ là một túi da thịt. Thực ra, mũi của chúng ta hoàn toàn tương thông với không gian vũ trụ, không ngăn cách. Hít thở một hơi, bất kỳ lúc nào cũng có thể nhận được luồng khí giao lưu vô tận. Chúng ta có thể hít vào hoặc thở ra như những đám mây trong vũ trụ, cũng có thể tự do hít thở hương sen thơm ngát nơi thế giới Cực lạc. Thực tế, chúng ta cùng chư Phật trong mười phương, vốn hít thở cùng một bầu không khí. Các Ngài thở ra, chúng ta hít vào, chúng ta thở ra, các Ngài hít vào,...
Phải trải nghiệm thật sâu sắc rằng: Thực tế, chúng ta và tất cả chúng sinh, không những có mối liên hệ với nhau, mà còn tương thông. Bởi cùng một hơi thở với nhau, và ta không thể sống ngoài hơi thở. Trên thực tế, thân ta là toàn bộ không gian mà hơi thở này đi qua. Cho nên, thở là cùng thở, hít là cùng hít, cùng nhau hô hấp, hòa vào nhau, khó có thể vạch ra được sự ngăn cách, giới hạn. Nhưng tâm con người thường ôm ấp hư vọng, tự vẽ nên giới hạn, vọng chấp chất ngất, tự cho mình là quan trọng, coi thường chúng sinh. Do đó mà khởi tâm hư vọng, cách biệt, sinh ra vô lượng những ác nghiệp từ tham, sân, si, mạn,... nên chịu khổ vô cùng tận.
Trong khi lễ Phật, giữ chính niệm thanh tịnh. Thở và biết mình đang thở, dần dần thấu hiểu được tâm, Phật, chúng sinh, vốn không sai biệt, bản thể thênh thang bình đẳng. Dần dần buông bỏ sự kiêu mạn của mình, buông bỏ ý thức tự ngã, phá vỡ tính tự tư, chấp trước, thể hiện lòng từ bi chân chính và bình đẳng. Con người có thể buông đi ý niệm cố chấp - hiểu biết của ta, cá tính và ý kiến của ta, mới có thể phát huy tâm từ bi, nhổ tận gốc khổ để được vui. Nếu không sẽ bị lôi cuốn, mắc kẹt vào cá tính, nên tranh hơn thua, đúng sai với kẻ khác, như thế ắt có chướng ngại, không thể vào cửa Không được.
Lễ Phật là để cho cá tính của chúng ta mềm mại, linh hoạt trong suốt như băng mới đông, dễ vỡ, để rồi bốc hơi thành mây dạo chơi biến khắp hư không pháp giới. Phật dạy hàng đệ tử luyện tập phương pháp định tâm, ban đầu hít vào biết mình đang hít vào, thở ra biết mình đang thở ra.
Hô hấp bao hàm trong chữ “tức” (hơi thở). Trong chữ Hán, nếu chiết tự thì chữ “tức” do hai chữ hợp thành: Chữ “自- tự” viết ở phía trên và chữ “心 - tâm” phía dưới hợp thành chữ “息 - tức”. Tâm và sự hô hấp có tương quan mật thiết với nhau, hơn nữa có thể nói là cả hai bao gồm trong một thể thống nhất. Bình thường, chúng ta không biết thở ra, hít vào như thế nào, bởi vì tâm mải chạy theo ngoại duyên, ngoại cảnh, sinh ra chướng ngại trùng điệp, cho nên thất niệm, không biết mình đang hít vào, cũng không biết mình đang thở ra.
Trong một sát na biết ta đang hít thở, tức là giũ sạch vạn duyên, không dính với ngoại cảnh. Do đó Phật dạy đệ tử, nếu tâm bị tán loạn, phải để tâm lắng xuống mà huân tập cách hít cách thở trong chính niệm. Nếu như hơi thở dài và vững vàng thì tâm an định, nếu như hơi thở ngắn, dồn dập thì tâm tán loạn. Hằng ngày, hít và thở có quan hệ không ngừng nghỉ đối với thân nghiệp, nhưng vô tình chúng luôn bị xem thường.
Hằng ngày chúng ta đã mơ hồ, lại không biết hít thở đúng cách, thì lại càng thêm mơ hồ. Lễ Phật là luyện tập sao cho trong từng hơi thở có thể cùng chư Phật cảm ứng đạo giao, để cho mỗi một câu niệm Phật, mỗi một hơi thở, một sát na đều trở thành con Phật đang đứng trước Đức Như Lai.
Khí hít vào đầy phổi, mùi hương Cực lạc tỏa man mác,
Khí thở ra biến khắp giới, tâm ngát hương Di Đà.
23.2. Ý nghĩa về phương diện giải phẫu sinh lý
Một quả bóng bay nếu không bơm đầy khí sẽ bị mềm ra và dễ biến dạng. Nếu quả bóng ấy bơm vừa đầy khí sẽ căng lên và không bị biến dạng. Săm xe, nếu không bơm đầy hơi sẽ bị lép xẹp xuống, không nâng được xe lên.
Cùng một ý nghĩa này, người không triệt để hít đủ khí, không dựa vào sức nâng của khí, sẽ phải tiêu hao rất nhiều năng lượng, khí lực để duy trì tư thế. Nếu biết hít thở đúng cách, dựa vào lực của khí, thì có thể tiết kiệm năng lượng và động tác sẽ trở nên nhẹ nhàng, linh hoạt. Chúng ta không nên xem thường việc này. Cũng giống như tàu hỏa, xưa kia đầu máy chạy bằng hơi nước, chạy được là nhờ ở sức đẩy của hơi nước. Nếu đem áp dụng vào thực tế, chúng ta có thể lý giải được việc này.
Phổi chúng ta do nhiều túi tiểu phế bào cấu thành, mỗi phế bào giống như một khí cầu nhỏ, nếu như không hít thở, phế bào sẽ xẹp xuống làm giảm năng lực nâng đỡ. Nếu như hít thở khí triệt để, mỗi khí cầu đều đầy ắp khí, khi đó hình dạng các tiểu khí bào được duy trì, giống như khi chúng ta bơm săm xe, vỏ lốp cũng giữ được hình dạng và có khả năng nâng đỡ tốt.
24. Lợi Ích Của Động Tác Hít Thở Sâu Trong Khi Lễ Phật
Lễ Phật đúng tư thế, tự nhiên sẽ hít thở được sâu (hít thở xuống đan điền).
Khi lễ xuống đúng tư thế, thì tự nhiên sức mạnh được tăng thêm. Hít vào sâu hơn, thở ra nhiều hơn, lượng khí phế thải ra ngoài nhiều hơn. Thậm chí, có thể dứt sạch tất cả mọi phiền não và lòng oán hận, đồng thời quét sạch hết tất cả những nội kết, chấp trước, mang lại tác dụng an định cho tâm.
Sau khi đã đẩy sạch hết khí ra ngoài, lúc này toàn thân thư giãn, thoải mái. Hít thở sâu, nhẹ nhàng, lượng khí trong phổi được đổi mới hoàn toàn, như thế tránh được sự bế tắc và sự tích tụ chất cặn bã.
Chiếc hộp uyển chuyển thu nạp khí: bên trái - chất khí bị ép ra; bên phải - chất khí nạp vào.
Chúng ta khi hít thở, giống như chiếc hộp uyển chuyển thu mở khí. Nó nằm ở ngay trong lồng ngực chúng ta. Nhờ vào việc tăng thêm dung lượng của hộp chứa, đã làm cho áp suất bên trong giảm xuống, khiến cho không khí bên ngoài có áp suất cao hơn được chuyển vào trong, giống như động tác hít vào của ta khi hô hấp (hình bên phải). Khi hộp khí trong quá trình bị thu nhỏ lại (giảm thể tích), khiến cho áp suất bên trong cao hơn áp suất bên ngoài, khi đó khí bên trong tự nhiên sẽ bị ép đẩy ra ngoài giống như trường hợp thở ra của ta trong quá trình hô hấp (hình bên trái).
Như trên đã trình bày, hộp khí trong cơ thể của con người ở trong lồng ngực, dựa vào hai động tác hô hấp, cơ chế của hoạt động hít - thở có thể được phân tích như sau:
1. Do sự kéo dãn cơ bắp của khoang lồng ngực:
Lồng ngực căng phồng lên tức là áp suất của khí bên trong giảm thấp xuống và không khí bên ngoài (áp suất cao hơn) có thể tràn vào - tương ứng với động tác hít vào.
Lồng ngực thu nhỏ lại tức áp suất của khí bên trong tăng lên cao hơn áp suất bên ngoài, khí bị đẩy tràn ra - tương ứng với động tác thở ra.
Thực ra phổi có vô số các tiểu phế bào (khoảng chừng sáu triệu) đường kính độ 0.14 mm. Nếu đem chúng trải trên mặt bằng sẽ chiếm một diện tích khoảng 60m2, tương đương với mặt bằng của một sân bóng rổ.
Các nhánh phế quản giống như nhánh cây, mỗi nhánh lại phân thành nhiều nhánh nhỏ.
Những phế bào quy tụ như những quả nho rỗng ruột, phía trên được che phủ bởi một mạng lưới huyết quản có thể nối thông nhau. Khí cặn bã trong huyết quản ngấm thấu qua thành phế bào và thải ra ngoài. Đồng thời, dưỡng khí tươi mới thẩm thấu qua phế bào, thâm nhập vào huyết quản, phân phối cung cấp cho toàn thân.
Xin xem theo thứ tự từ (1) → (2) → (3) → (4) → (5) → (6).
(1) Trên mỗi phế bào, huyết quản đều được phân bố đều (trên hình vẽ chỉ biểu thị tượng trưng mà thôi). (2) Cắt ngang từng phế bào. (3) Máu chứa khí thải toàn thân, đưa đến các mao mạch của phế bào. (4) Khí thải được các mao mạch thải ra ngoài phế bào theo hơi thở ra ngoài. (5) Dưỡng khí oxy theo hơi thở vào các phế bào, thấm vào mao mạch. (6) Máu đã thay dưỡng khí mới và được vận chuyển cung ứng cho toàn thân.
2. Dựa vào sự lên xuống của hoành cách mô:
Hoành cách mô là mô phân cách giữa bộ phận ngực và bụng, nó có thể hạ xuống và nâng lên.
Chuyển động hạ xuống: Kéo và nới hộp khí lớn thêm, thể tích của hộp tăng lên, tương tự, lồng ngực mở rộng thêm (áp suất giảm), sự chênh lệch áp suất trong và ngoài làm cho luồng khí chạy vào phổi tạo nên động tác hít vào.
Chuyển động nâng lên: Buông hộp khí (không kéo) mà để hộp khí đàn hồi thu về vị trí cũ, như lồng ngực trở về trạng thái ban đầu, đẩy khí cặn bã từ trong cơ thể ra ngoài, tạo nên một luồng khí thở ra.
Để nghiên cứu hoành cách mô người ta thường dùng mô hình Hesh (Hec) để thí nghiệm lý giải tác dụng hô hấp. Lấy một bình không đáy, phía dưới bao lại bằng một màng cao su, màng cao su này tượng trưng cho hoành cách mô (Xem hình trang bên).
a) Kéo màng cao su phía dưới xuống, như vậy không gian trong bình (thể tích) và tấm màng cao su được tăng lớn, làm cho áp suất trong bình giảm thấp (thấp hơn áp suất bên ngoài bình). Chất khí, theo nguyên tắc vật lý tự nhiên (sự chênh lệch áp suất giữa hai môi trường), sẽ chuyển động từ nơi có áp suất cao tới nơi có áp suất thấp. Do đó, không khí bên ngoài sẽ tràn vào bên trong bình, khiến cho bình đầy khí (bong bóng trong bình căng phồng lên). Hoạt động này tương ứng với động tác phổi phồng lên khi hít đầy không khí vào.
(1) Như phế quản. (2) Như khoang ngực. (3) Như phổi. (4) Như hoành cách mô.
b) Buông màng cao su cho trở về trạng thái cũ, không gian trong bình và màng cao su bị thu hẹp lại, áp suất trong bình lớn hơn áp suất ngoài bình vì giảm thể tích của bình, khiến cho không khí trong bình bị đẩy ra ngoài, bong bóng bên trong xẹp xuống trở về trạng thái cũ, hoạt động này tương ứng với khi phổi bị xẹp lại và tạo thành cử động thở ra.
Qua thí nghiệm trên, rõ ràng ta thấy hoành cách mô có ảnh hưởng khá quan trọng đối với các tư thế. Nếu tư thế sai lầm, sẽ gây ra nhiều tai hại, nhất là trong động tác hô hấp sai lầm sẽ gây nên bệnh tật. Khi đứng với tư thế eo lưng ưỡn về phía trước quá nhiều, sức nặng toàn thân dồn xuống mũi chân, cột sống xô về phía bụng trước làm trở ngại cho sự chuyển dịch của hoành cách mô. Do đó, sự hô hấp của phổi sẽ kém đi trong khi lễ Phật.
- Động tác cúi người, cột sống cong lên điều chỉnh hơi lùi về phía sau.
- Động tác phủ phục, có thể khắc phục được tình trạng cột sống đổ về phía trước vì nếu cột sống đổ về phía trước sẽ gây trở ngại cho sự linh hoạt của hoành cách mô.
Hai động tác này được thực hiện trong khi lễ Phật có tác dụng đẩy cột sống ra sau, làm cho hoành cách mô có thể dễ dàng dịch chuyển xuống vùng bụng mà không bị cột sống cản trở. Do đó sự hô hấp không khí ở phổi sẽ dễ dàng.
Mặt khác, thở đúng và lễ Phật đúng cách, người tập sẽ:
- Phát âm dễ dàng và thuận lợi hơn, vì lượng khí hô hấp phong phú, vô hình trung hơi thở trở nên dài hơn, thậm chí càng có thể duy trì thời gian phủ phục lúc lễ Phật. Phát âm càng dễ dàng, âm thanh càng lớn (hơi thở vừa dài vừa sâu), điều này càng có lợi cho việc hô hấp để cung cấp dưỡng khí (oxy) cho toàn thân.
- Nếu tư thế không thích hợp, như eo lưng đổ về phía trước, không phù hợp với nguyên tắc sinh lý thì khi lễ Phật, âm thanh niệm Phật phát ra trầm đục, nguyên do là bởi hoành cách mô bị ngăn trở.
- Hoành cách mô còn có tên khác là tim thứ hai.
Hoành cách mô khi bị co ép trầm trọng sẽ làm ảnh hưởng đến cử động hô hấp ở đan điền. Động tác lễ Phật, có tác dụng thúc đẩy chức năng hoạt động của hoành cách mô và làm cho lượng khí hô hấp tăng lên.
- Thông thường chúng ta hô hấp nông (hơi thở chỉ vào đến phổi, không xuống được hoành cách mô), dẫn đến sự trao đổi khí không đủ, khiến trong phổi tồn đọng rất nhiều chất cặn bã. Nếu cứ liên tục như vậy, chúng sẽ được tích lũy càng ngày càng nhiều. Khi thực hành lễ Phật và hít thở đúng cách, cơ bắp vùng bụng, eo lưng được thúc đẩy hoạt động nhịp nhàng. Lực ép của bụng gia tăng khi hít thở sâu, lúc này, các cơ quan nội tạng sẽ giống như miếng bông thấm nước bị vắt ép khô. Chúng sẽ đẩy một cách triệt để chất phế thải ở tĩnh mạch của nội tạng, đổ về tim và phổi để đổi lấy máu có chứa dưỡng khí tươi mới, đồng thời mang các chất cặn bã đẩy ra ngoài.
Hít thở sâu ở phổi, lượng chất cặn bã CO2 sẽ được thải ra gấp bốn lần so với lúc hô hấp bình thường. Hít thở sâu sẽ tránh được tình trạng một vài bộ phận trong phổi bị xẹp, bế tắc, mất đi chức năng thẩm thấu khí và dinh dưỡng, hoặc thải loại các chất cặn bã. Khi bị ngưng trệ, các chất cặn bã sẽ làm phát sinh các chứng bệnh nan y và biến chứng của nó.
- Khi lễ Phật tự nhiên tạo thành thói quen hít thở sâu. Khi hít vào sâu, không khí được đưa qua phổi tiến thẳng xuống dưới hoành cách mô, lúc này bụng hơi hóp lại để đẩy cho hơi thở vào thẳng hoành cách mô nhiều nhất. Sau đó, thư giãn, dùng cơ bụng đẩy hơi thở từ hoành cách mô lên phổi, sẽ thở ra được sâu. Lúc lễ Phật, động tác đứng lên, tự nhiên, không gắng gượng, có liên hệ trực tiếp với huyết dịch động lực học. Kiểu hô hấp như vậy, chẳng khác gì mát xa. Dùng áp lực khí để xoa bóp, lúc ép, lúc thả để xoa bóp các cơ quan nội tạng. Đây là kiểu xoa bóp mềm mại và hiệu quả. Hoành cách mô lúc này mềm dịu như bàn tay Phật, thường xuyên, thân thiết, làm cho sự tuần hoàn của huyết quản tốt hơn, thông suốt hơn. Đồng thời, phát huy tác dụng điều hòa, chức năng đàn hồi và linh hoạt của nội tạng. Ngoài ra, lượng máu từ động mạch đổ về tim sẽ trở nên dồi dào hơn, đồng thời cũng làm cho tĩnh mạch trong đại não với chức năng vận chuyển chất cặn bã được thuận lợi hơn, không để chất phế thải tồn đọng trong đại não.
Trên trán có đường gân xanh, khi giận dữ sẽ nổi rõ lên chính là hiện tượng tắc nghẽn tĩnh mạch bộ đầu. Cũng là do áp lực lớn ở não, do hô hấp không được sâu, làm cho sự lưu thông của máu không được thuận lợi thông suốt. Để khắc phục tình trạng nguy hiểm này, nên áp dụng lễ Phật cùng với niệm Phật, bằng động tác hít vào thật sâu, thở ra thật sạch trong lúc đứng dậy. Thường xuyên tập như thế nhiều lần, tĩnh mạch não có thể thông suốt, lưu thông dễ dàng, khắc phục được tình trạng mạch máu bị tắc nghẽn, khiến cho máu trong động mạch tiếp nhận lượng oxy dồi dào dẫn đến đại não, giúp hoạt động tư duy thêm linh hoạt và làm cho tinh thần ổn định hơn.
Lượng chất bã tồn đọng trong đại não làm cho tinh thần bất an, hành động bất nhất, tâm không an định, ảnh hưởng đến việc tu tập. Tốt nhất khi lễ Phật, nên phối hợp với niệm Phật hiệu. Phật hiệu chính là vạn đức hồng danh, chứa đựng mọi thành tựu tu hành của Đức Phật. Và khi niệm Phật, tất cả công đức ấy chứa đựng ở bên trong. Mỗi câu Phật hiệu niệm lên đúng cách sẽ làm chấn động cả vũ trụ pháp giới. Âm thanh Phật hiệu có chức năng làm phát huy Phật tính trong mỗi chúng ta. Đương nhiên, nó còn có tác dụng điều trị các bệnh lý của cơ thể. Chỉ cần có ý nguyện thực hành, tất cả chúng ta, ai cũng đều có thể tự nhận thấy hiệu quả kỳ diệu của nó.
Phải biết rằng, sự hô hấp của chúng ta và vũ trụ, hoàn toàn không có sự ngăn cách, mà cùng tương ứng qua hơi thở. Chúng ta và Phật cũng là một thể. Lúc hít vào ngào ngạt hương thơm của thế giới Cực lạc, lúc thở ra tâm hương A Di Đà Phật tràn ngập không gian. Thông qua lúc lễ Phật, dốc lòng và thể hội được sự hít thở, đạt đến cảnh giới hòa vào hư không, biến khắp pháp giới, cùng một thể với Phật, Bồ tát, cùng thở chung với Phật A Di Đà. Nam Mô A Di Đà Phật!
Con kính lễ vô cùng tận, niệm niệm nối tiếp, không gián đoạn. Phòng hộ thân, khẩu, ý nghiệp, không mỏi không chán.
Quan sát các trang hình liên tiếp sau đây và đối chiếu với bản giải thích.
Bảng Giải Thích Các Hình: Chỉ Rõ Đúng Và Sai Tư Thế
Đối chiếu theo thứ tự từng trang hình. Hình có đánh dấu x là sai tư thế.