1. Phật Là “Giác”
Lễ Phật là phát huy tính giác, chẳng phải là sùng tín lễ bái mù quáng, cũng chẳng phải là làm theo thói quen, bị các động tác quán tính chi phối.
Lễ Phật là bồi dưỡng năng lực nhìn lại chính mình.
Sử dụng tính giác trước khi chạy theo quán tính. Song các cử động chẳng phải như nhau, vì thế mọi lúc phải quán chiếu ngay từng động tác của mình. Do đó, trong khi lễ Phật cần chú ý mắt không nên nhắm lại.
Từ đầu đến cuối nhiếp tâm nhìn, chiếu soi lại mình, quán sát tự tại. Thị lực tập trung giữa hai mắt. Phải biết rõ mình đang làm gì (dường như trên đỉnh đầu có Phật đang quan sát mình), không được hồ đồ mê muội, đều phải thu nhiếp sáu căn, trên dưới không được lơ là.
2. Đứng Như Tùng Bách – Thẳng Và Thoải Mái
Tay chắp không cho áp sát ngực, ngón tay khép sát nhau, giữ cằm không ngẩng, mắt nhìn theo đường tiếp xúc của hai bàn tay, cánh tay không kẹp sát vào nách.
Hai chân: Đứng “trước 8 sau 2” (trước: hai ngón chân cái cách khoảng tám đốt ngón tay; hai gót cách nhau khoảng hai đốt ngón tay).
Đầu đội trời, chân đạp đất, đứng thẳng như tùng bách. Chịu sức ở gót chân, hít thở sâu, toàn thân buông lỏng, thư thả. Kiểm soát các ngón chân hoàn toàn thoải mái.
Đầu như chuông treo, rỗng rang, linh hoạt, nghiêm trang, ngay ngắn, tai thẳng ở ngay giữa vai.
Gáy sát cổ áo, thu cằm, đốt sống cổ thẳng một đường với sống ngực.
Chú ý: Quan sát trục từ dưới giữa hai gót chân lên cột xương sống, đến đỉnh đầu, kéo thành một đường thẳng đứng. Tay chắp trước ngực, không áp sát vào ngực, hai cánh tay nâng lên không để cánh tay trên kẹp sát vào nách.
Phân tích hình trên:
Đường nối từ điểm giữa khoảng cách hai gót chân đến cột xương sống thẳng lên đỉnh đầu, như là một sợi dây thẳng đứng (từ dưới lên trên).
Thả lỏng khớp xương dưới cổ, không nghiến răng, lưỡi, hàm, yết hầu đều phải thả lỏng, mềm dẻo.
Đầu lưỡi tì lên hàm trên.
Cuống lưỡi đưa lên không, giống như đang ngậm một ngụm không khí. Do đó, khi mở miệng, tuyến nước bọt thông suốt, khí quản từ mũi đến yết hầu cũng thông.
Nếu thực hiện lễ Phật thong thả thì mạch khí sẽ thông, đỉnh đầu tươi mát, dễ giữ chính niệm, không bị hôn trầm (buồn ngủ), tâm không tán loạn.
3. Chắp Tay (Nhiếp Tâm)
Vẫn giữ thế đứng như trong hình trang trước, nhưng cần chú ý thêm: Vai và tay thả lỏng thoải mái, dùng tâm kiểm soát các ngón tay cho khép sát nhau, để mười đầu ngón tay hướng thẳng đứng lên, hít thở không khí cho thật sâu.
Hai tay chắp ngang ngực, vai và cánh tay thả lỏng. Gốc ngón tay cái để phía trước và ngang chấn thủy (đản trung) tức lỗ trũng chính giữa ngực. Đừng cho tay áp sát vào ngực (nên giữ khoảng cách khoảng 3 cm). Phải tự kiểm soát, sao cho năm ngón tay khít sát vào nhau và mũi tay hướng thẳng lên trên.
Tay tuy chắp, các ngón tay hướng thẳng lên nhưng không gồng, phải giữ hết sức thoải mái tựa như bàn tay này dán sát vào bàn tay kia, thư giãn, không vướng víu. Hít thở cho sâu, vai thả lỏng, không để cánh tay áp sát vào ngực, cho hở cách một khoảng chừng 3 cm.
Giữ thẳng, thoải mái, duy trì trạng thái hít thở như trải không khí chan hòa trong thân. Nhiếp tầm mắt vào đường chắp giữa hai bàn tay. Theo dõi hơi thở ra vào mũi.
Ban đầu, nếu không thể làm được động tác này là bởi cơ cổ lâu ngày bị co lại. Chỉ cần buông lỏng, tập luyện nhiều lần (để cho đầu gục xuống tự nhiên giống như trạng thái ngủ gật, hoàn toàn không sử dụng sức, như vậy mới có thể thả lỏng và dãn cơ cổ).
Vẫn thu nhiếp tầm mắt, tự quan sát lại mình, lễ Phật tức là pháp tu động ở trong định. Trước mắt, ngay nơi các động tác, “cảnh” tuy biến động song khởi đầu và kết thúc đều nhiếp nơi tầm mắt (phương pháp tu tập của Bồ tát Đại Thế Chí).
Nếu một niệm quay về bản tâm,
Thì quyết định được vãng sinh,
Bởi tự tâm vốn sẵn đầy đủ cực lạc.
(Đại sư Ngẫu Ích)
4. Cúi Đầu (Nhìn Lại)
Thân giữ thế đứng như trong hình: đầu cúi rũ xuống tự nhiên; cằm thu lại cho đến khi chạm vào ngực, thu nhiếp ánh mắt, giữ tâm an tĩnh. Động tác tuy có động nhưng tâm không động. Uyển chuyển cúi đầu kính lễ. Đầu như ngọn bông lúa uốn câu, cằm chạm đến ngực, cổ buông lỏng hoàn toàn, không dùng sức.
5. Khom Người
Cong lưng để cúi người xuống, giữ chân cho thật vững, sức nặng toàn thân phải đặt ở gót chân, trọng tâm phải được đặt ở điểm giữa khoảng cách thẳng xuống hai gót chân. Thân vừa cong vừa hơi đẩy lùi về phía sau, sao cho điểm giữa hai gót và rốn ở trên cùng một đường thẳng đứng.
Tuyệt đối không để thân ngả về trước mà khom lưng, cũng không đặt trọng tâm ở các ngón chân mà phải lưu tâm theo dõi khi khom mình, sức nặng của toàn thân nhất định phải được đặt ở giữa hai gót chân.
Đứng trong tư thế giữ gót chân cho vững, ngón chân thoải mái linh hoạt, không chịu sức.
Cúi đầu, mắt quán sát theo trục đối xứng của thân và tự nhìn sâu vào từng động tác của mình.
Khi làm động tác lễ này, luôn hướng mắt nhìn thẳng xuống hai gót chân.
Giống như sử dụng sức theo thế nằm ngửa để ngồi dậy, sao cho tim, bụng, gối cùng có khuynh hướng bị kéo lùi về phía sau, đồng thời cột sống cũng đẩy lui ra sau.
Bụng và rốn phải đưa lùi khoảng 3 cm ra phía sau, cánh tay buông lỏng, bất động.
Khi lưng cong đưa lùi về phía sau, thì tự mình theo dõi sao cho rốn nằm ngay tại đường thẳng đứng nối từ điểm giữa khoảng cách của hai gót chân lên.
6. Vai Buông Lỏng (Thư Thả Cúi Xuống)
Khom mình (vẫn giữ phần thân theo hình cong), đầu cúi rũ xuống.
Hai tay vẫn chắp, hạ duỗi thẳng xuống, mũi tay hướng về điểm giữa hai gót chân.
Tay đặt khoảng ngang tới đầu gối.
Tay vẫn chắp, dùng lực nhẹ, kéo nhẹ hai vai xuống, vai dang ra (để chuẩn bị quỳ xuống). Động tác này có thể giúp điều trị được những chướng ngại hằng ngày ở lưng và vai.
Tay buông xuống, cúi nhìn chuẩn về điểm giữa hai gót chân, cần kiểm soát xem phần thân đã đưa lùi ra phía sau với một khoảng cách vừa phải và đúng tiêu chuẩn hay chưa.
Chú ý: Động tác 7 và 8 sau đây là hai động tác liên tục. Hai tay chạm đất (trước khi quỳ), là động tác tiến hành rất nhanh (khoảng chừng 3 giây), nhưng quan trọng nhất là giữ cho trọng tâm toàn thân không đổi (ở tại điểm giữa khoảng cách hai gót), khai phát lực nơi hai gót chân và đan điền. Vì thế không thể làm lấy lệ, qua loa đại khái, mà phải rõ ràng và theo dõi thật sát từng động tác.
7. Gập Gối (Cúi Mình Cung Kính Uyển Chuyển)
Tiếp tục cúi đầu, khom mình, tay thả lỏng. Tiếp tục cho thân mình hạ thẳng xuống, giữ cho bắp cẳng chân và bắp đùi vuông góc, (từ từ hạ xuống) cho đến khi hai tay chạm đất (chú ý đừng làm lệch trọng tâm toàn thân). Giống như phía sau lưng có ghế dựa, hai chân như bám sát vào chân ghế và như ở trong tư thế ngồi lui ra sau.
Tầm mắt hướng về điểm giữa hai gót chân, giữ cho rốn nằm ở trên đường thẳng đối xứng của thân. Khi hạ người xuống giữ sao cho rốn cũng hạ xuống và hướng thẳng về điểm giữa này, tay dang ra và tiếp tục hạ xuống cho đến khi chạm đất.
Người mới học, khi làm động tác này, khó tránh sai sót, khi ngồi xuống thường để bắp cẳng chân xô lệch về phía trước.
Chú ý: Do trước khi thực hiện động tác khom mình, đùi và đầu gối đã bị kéo lùi về sau, vì vậy khi tiếp tục gập gối, phần bắp cẳng chân, không thể làm vuông góc với bắp đùi, đồng thời không nghiêng nổi về phía trước (xin tham khảo thêm chương sau).
So sánh lúc gập gối:
Nếu bắp cẳng chân được thẳng: Trọng tâm toàn thân ở gót chân sẽ không bị hao sức, giữ được thăng bằng, thoải mái và bắp đùi không bị đau.
Nếu bắp cẳng chân bị xô lệch về phía trước, tức không duy trì được trọng tâm vật lý tự nhiên, bắp đùi bị căng, phải hao sức để duy trì thăng bằng.
8. Bám Đất Quỳ Xuống (Hết Sức Khiêm Cung)
Đến khi mũi tay chạm đất và tì nhẹ trên đất, cho tới lúc này, gót chân mới được nhón lên, để cho đầu gối chạm tới đất và quỳ xuống (xem hình trên sẽ rõ).
Quỳ trong khoảng tích tắc. Các khớp của bàn chân vận dụng toàn diện, các ngón chân duy trì đủ dãn, các đốt xương ngón chân cũng đều được kéo.
Mũi tay chạm xuống đất ở vị trí thích hợp, sao cho khi quỳ xuống, đầu gối với các đầu ngón tay đều thẳng hàng trên đường thẳng nằm ngang. Hai gối cách nhau khoảng chừng 5 cm (không cần dang rộng để tránh trường hợp cột sống bị võng xuống quá mức trong khi thân cúi phục lạy xuống).
Gối vừa chạm đất, tay thả lỏng, không phí sức, trước sau nhất tâm, giữ vững trọng tâm toàn thân ở gót.
9. Quỳ Ngồi Thoải Mái (Lắng Dịu Tâm Lăng Xăng)
Ngồi xuống, áp ngược hai mu bàn chân sát đất để cho lòng bàn chân ngửa lên trên, hai bàn chân hợp thành hình chữ V, hai ngón cái nhẹ nhàng tiếp xúc với nhau, nhưng không đè áp lên nhau, phần mông ngồi ở trên và bên trong hai gót chân, quỳ ngồi vững chắc và an định.
10. Vươn Hai Tay Đón Phật
Ngồi định, trọng tâm toàn thân vẫn ở giữa hai gót chân, thân thoải mái. Giữ cho đầu cúi xuống không ngẩng lên, cằm vẫn tiếp tục thu lại.
Hai tay mềm mại, duỗi ra, hướng thẳng về phía trước, đầu ngón tay giữa chạm đất, lòng tay úp xuống theo hướng mũi tên chỉ trong hình.
Hai bàn tay theo các ngón tay trượt sát trên đất.
Tay tuy duỗi thẳng nhưng thoải mái không gồng cứng, chỉ có lực kéo của hai vai.
Lúc này, bụng dưới hướng xuống đất, thân trên thoải mái, lực tập trung tại đan điền.
11. Năm Vóc Gieo Chạm Đất
Ngồi yên trong tư thế quỳ, giữ trọng tâm ở phía sau giữa hai gót chân.
Để đầu ngón giữa của hai bàn tay chạm đất làm điểm tựa để chống.
Hai khuỷu tay vươn ra ngoài hai bên, phía trước hai bàn tay dang ra chống nhẹ xuống, tiện cho đầu cúi lạy chạm đất, sao cho khuỷu tay ngang hàng với hai tai. Hai vai kéo vươn ra, vai và lưng ngang nhau, đừng rút vai lại, kéo cho phần dưới nách vươn ra như mở rộng tâm lượng, hít mạnh tăng thêm dung lượng khí trong phổi. Ngón tay và lòng bàn tay hoàn toàn áp bằng sát trên đất, giữ tâm tĩnh lặng.
Đồng thời khi vươn hai khuỷu tay ra, thân cúi gieo xuống, chỗ giữa hai chân mày hướng xuống, chạm đất. Như thế mới có thể hít thở sâu một cách triệt để.
Nếu người tập quá cúi về phía trước, khiến cho cơ lưng bị căng lên, xương sống bị chùn xuống phía bụng gây cản trở cho hô hấp, lưu thông máu huyết và thần kinh.
Tư thế này, đỉnh trán, điểm giữa của khoảng cách hai gối và trung điểm giữa hai gót chân cùng nằm trên một đường thẳng.
12. Ngả Tay Đón Phật (Chuyển Phàm Thành Thánh)
Trước tiên, khẽ lật nghiêng bàn tay lên, lấy ngón út làm điểm tựa, rồi ngửa hai lòng bàn tay lên, như hoa sen nở, quán tưởng như đem hết tâm mình ra để dâng lên cúng Phật. Khi ngả tay, phải ngửa trọn lòng bàn tay cho phẳng ra, ngửa lên trên, không dùng sức, tức khắc buông lỏng thoải mái, các ngón tay như đóa sen vừa nhẹ nhàng vừa dịu dàng khai nở.
Đem đóa sen (vừa làm bởi năm ngón tay) đón nhận chân Phật. Đặt hai bàn tay ở phía trước cách đầu khoảng hơn 10 cm, các ngón tay tuy để thoải mái, nhưng phải ngay ngắn mềm mại.
13. Tương Ứng Với Tâm Phật - Cảm Ứng Đạo Giao
Lúc ngửa tay đón chân Phật, quán tưởng Phật đang đứng trên bàn tay sen, tiếp nhận lễ của mình, lúc này tâm mình cùng với tâm Phật hòa nhập, mỉm cười.
Phật phóng quang tiếp mình, ánh sáng Phật đi vào từ đỉnh đầu, sung mãn, chan hòa thân tâm.
Lúc này, toàn thân thoải mái, mỉm cười hoàn toàn tự nhiên, hít thở thật sâu.
Quan sát từ bên ngoài có thể thấy, toàn thân cân đối, ngay đến phía dưới lưng chỗ hai bên thận căng đầy và cân bằng, đây là do người tập hít thở sâu, buồng phổi nở ra đầy đặn.
Ta bà là cõi phiền não
Xin hãy quay đầu về
Tiếp thụ hào quang Phật
Tâm khai hoa sen nở.
14. Thu Trở Lại Thế Quỳ Ngồi (Vui Vẻ Tin Nhận)
Sau khi ngửa bàn tay đón Phật, các ngón tay cuốn tròn lại, quán tưởng như đang tiếp nhận năng lượng của Đức Phật.
Tiếp tục cuốn bàn tay trở lại, rồi lật úp hai bàn tay cho mu bàn tay hướng lên trên, lòng bàn tay áp xuống sát mặt đất (quán tưởng như bố thí bình đẳng).
Hít thở sâu (hít vào tự nhiên, không cố dụng sức để hít). Dựa vào sức hít vào để nhấc đầu lên, chuyển trở về thế quỳ ngồi, hai tay rút về hai bên đầu gối, các đầu ngón tay xếp thành một hàng ngang với đầu gối. Từ đỉnh đầu hướng lên, giống như sợi dây kéo thẳng con rối lên (quán tưởng như đang được Đức Phật nâng lên), toàn thân buông lỏng, không dùng sức, tuyệt đối không dùng lực ở lưng và vai để kéo trở về tư thế quỳ ngồi.
15. Quỳ Hai Bàn Chân Nhón Thẳng Lên (Tâm Khởi Hoan Hỷ)
Lấy đầu gối làm điểm tựa, hai bàn tay ở hai bên đầu gối, chỉ cần nương nhẹ.
Như có một sức kéo dậy từ đường thẳng đứng giữa đỉnh đầu, mông tự nhiên rời thế ngồi quỳ, khiến cho bàn chân linh hoạt dựng thẳng lên chuyển hình chữ V.
Thân có buông thư, thoải mái thì động tác mới được linh hoạt, đừng vận sức ở vai và tay để cố ghìm người xuống.
Phương pháp trở bàn chân chuyển hình chữ V thành chữ A như hình vẽ:
Quan sát từ phía sau lưng:
Hai gót cách nhau khoảng 2 đốt ngón tay, 2 mũi chân cái cách nhau khoảng 8 đốt ngón tay.
Xoay mũi trước của hai bàn chân hướng ra ngoài và mở sang hai bên sao cho 2 ngón cái cách nhau khoảng 8 đốt ngón tay. Trong khi đó, hai gót chân hướng vào trong, cách nhau khoảng 2 đốt ngón tay.
Mục đích của động tác này là khi đứng dậy, giữ nguyên được tư thế lúc ban đầu. Như vậy mới có thể thu về thế đứng đúng theo tư thế cũ.
16. Trở Lại Tư Thế Đứng
Dựa vào tư thế hít thở, người tập không nên cố dụng sức để thở. Cứ hít thở tự nhiên, không gò bó, như được Phật kéo lên từ đường giữa trên đỉnh đầu, tựa như con rối được kéo nhẹ lên, rất thoải mái và linh hoạt, để trở về với tư thế đứng trong khoảnh khắc.
Đứng dậy, hoàn toàn không phải dụng sức ở cơ lưng, cũng không cần dụng sức của hai bàn tay chống trên đất để đẩy lên, mà do lực kéo lên từ trên đỉnh đầu. Toàn bộ quá trình, vẫn phải giữ cho đầu ở vị trí cao nhất, phải dùng tâm kiểm soát biết điểm cốt yếu của động tác đứng dậy này, đừng nên để cho các bộ phận khác của thân thể làm vướng víu, gây trở ngại.
Chú ý: Không thích hợp nếu cho mông lên trước, đầu ngẩng sau, như thế lưng phải tốn sức, vai bị mỏi, lưng bị đau.
Mông cao, đầu thấp khiến trọng tâm bị đổ ra trước. Đây là động tác sai.
Mỗi một thân lại hiện ra vô lượng vô biên thân.
Mỗi một lễ biến thành lễ vô lượng vô biên Phật.