1. Lễ Phật: Động Tác Mang Quy Luật Tự Giác - Là Sự Tận Hưởng Cao Nhất
Có người khi nghe đến lễ Phật thì vội cho đó là một hành động mê tín. Kỳ thực, đối với Phật pháp, họ chưa hiểu rõ về mặt giáo lý cũng như nội hàm cho nên hiểu lầm. Thực ra lễ Phật hoàn toàn không có nghĩa là để bày tỏ một thái độ cầu xin, hay sùng lễ một cách mù quáng trước một vị thần linh nào đó ở ngoài mình; mà là một cách thâm nhập và phát huy tiềm năng có tính chất nội tại ngay nơi tự tính, hoàn toàn phù hợp với những quy tắc, định luật vận động. Lễ Phật không những làm cho thân tâm lành mạnh, mà còn rèn luyện khả năng tỉnh giác cho người tập, chiếu rọi ở cấp độ cao. Lễ Phật khiến cho tâm được vui vẻ, sảng khoái, an định, đồng thời cũng mang lại cho người tập một sự hưởng thụ pháp lạc cao nhất. Nếu người tập một khi đã nắm vững được cơ bản thì bất kỳ ai cũng nên hết lòng tán thành và tôn sùng. Vì đây là một chuỗi động tác linh hoạt và vô cùng hữu hiệu đối với cả thân lẫn tâm.
2. Những Phương Pháp Lễ Phật Khác Nhau
Bối cảnh văn hóa mỗi nước đều khác nhau, nên phương pháp và cách thức lễ lạy theo đó cũng có phần khác biệt, ví dụ: Có nước thì khi lễ chắp tay vái, có nước thì cúi khom người, có nước lạy đầu mặt sát đất.
Tại Tây Tạng, lễ Phật thường được áp dụng phương pháp “đại lễ lạy”. Thậm chí, ở những vùng đầy băng tuyết lạnh lẽo, họ vẫn thành kính lễ lạy, nằm dài trên mặt đất, hai tay áp sát đất hướng thẳng về phía trước.
Tại Ấn Độ, có chín cách lễ lạy:
1. Đem lời vấn an.
2. Cúi đầu tôn kính.
3. Đưa tay lên cao vái chào.
4. Chắp tay cung kính cúi đầu.
5. Quỳ gối lễ (co gối lễ: gối phải chấm đất, gối trái dựng thẳng lên).
6. Quỳ thẳng đứng lễ (hai gối cùng đặt sát đất, mũi bàn chân chạm đất).
7. Bàn tay và đầu gối sát đất.
8. Đầu, hai tay và hai gối đều cúi xuống lễ.
9. Đầu, hai tay và hai gối sát đất là tỏ ý hết lòng kính lễ, còn gọi là “đảnh lễ”. Đầu và mặt cùng lễ, tiếp xúc bàn chân đối tượng được lễ, ý nói đầu, mặt là chỗ cao nhất chạm sát đất, đặt hai bàn tay chạm lên chân đối phương để kính lễ. Cũng gọi là “năm vóc sát đất”, tức là đầu, hai tay, hai gối đều tiếp xúc với mặt đất.
Chín cách lễ lạy trên đây từ đơn giản đến phức tạp, liệt kê thứ tự theo tư liệu đã được ghi chép trong sách Đại Đường Tây Vực ký.
3. Năm Vóc Sát Đất - Phương Pháp Và Ý Nghĩa
Tại các đạo tràng, chùa viện ở mọi nơi, phần nhiều phương pháp lễ Phật “năm vóc sát đất” đều đã được áp dụng. Tuy về phương cách cũng đều là năm vóc chạm đất, nhưng có hai động tác lễ khác nhau, đó là: phải trước trái sau và phải trái đồng thời.
1. Phải trước trái sau: Bởi vì Ấn Độ lấy phía phải tiêu biểu cho chính đạo, nên quỳ gối phải trước; tay cũng là bên phải trước bên trái sau lần lượt chạm đất, đây là để thể hiện sự tôn kính chính pháp. Đồng thời, nguyện cho chúng sinh đều thành tựu đạo chính giác, thành Phật. Người lễ đứng thẳng thân, chắp tay thành kính (tay nhẹ nhàng chạm mép áo). Đầu tiên là gối phải, tiếp theo là gối trái, hai khuỷu tay, lần lượt chạm đất, rồi xòe hai tay ra, để lòng bàn tay hướng lên trên, quán tưởng như đang chạm vào chân người được lễ, đồng thời hạ trán chạm đất1 .
1 Theo Phật Quang đại từ điển trang 6582.
2. Phải trái cùng một lúc: Có nghĩa là hai tay đưa xuống, đồng thời chạm đất, hai gối cùng lúc cũng quỳ xuống chạm đất. Phương pháp này dùng tay phải, tay trái để phân biệt và tiêu biểu cho “chỉ - quán”, “định - tuệ”, “quyền - thực”, “từ - bi”. Vì trái, phải cùng thực hiện đồng nghĩa bình đẳng tu tập cả định và tuệ, cả từ và bi, cả chỉ và quán1.
1 “Chỉ” là tịch tĩnh, “quán” tức là soi chiếu, tịch tĩnh soi chiếu cùng vận dụng. Đây là một tâm thái vô cùng tỉnh thức, vô cùng an định, do đấy mà trí tuệ phát sinh, lúc đó người tập sẽ thấy rõ các pháp, phân biệt được chân lý và thực tế, phát khởi tâm từ bi. (Người dịch chú thích).
Cho nên, trong hai cách lễ Phật này, mỗi cách đều có đạo lý ý nghĩa thâm sâu riêng, chúng ta phải khiêm tốn học tập để hiểu biết thấu đáo tường tận, để lĩnh hội sâu sắc hơn.
4. Giữ Thái Độ Nghiêm Túc Khi Học Lễ Phật
Như trên đã nói, lễ lạy có nhiều phương pháp, ở những đạo tràng khác nhau, người ta có thể học được những cách lễ lạy riêng. Trong mỗi cách đều có ý nghĩa và những nét đặc thù, cùng những ưu điểm riêng.
Tuy vậy, một khi bước vào đạo tràng, cùng với đoàn thể cộng tu, tất phải tôn trọng sự chỉ dạy của người hướng dẫn, cũng như tôn trọng nghiêm túc phương pháp, cách sắp đặt của những người khác, hòa đồng với đoàn thể. Nghĩa là phải tuân thủ và thực thi những nghi thức đặc biệt áp dụng tại đạo tràng. Bởi vì tôn trọng người khác, chính là biểu hiện lòng kính lễ chư Phật và thực hành hạnh nguyện hằng thuận chúng sinh (hai trong mười hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền). Trong khi học tập, chúng ta phải mở rộng tâm hồn của mình để đón nhận những ưu điểm của người khác, có như thế mới tự mình cải thiện, tự mình tu sửa chính bản thân mình. Đó mới thực sự là tu hành, là lễ Phật với một tinh thần khiêm cung, mới gọi là học tập với một thái độ nghiêm túc.
5. Đừng Dung Dưỡng Thái Độ Không Tốt Làm Chướng Ngại Bản Thân
Chúng ta đừng vì sự bất đồng giữa phương pháp lễ bái của người khác và phương pháp mà mình đã học được từ trước, hoặc vì sự khác biệt với các tư thế quen thuộc của mình, để rồi khởi lên những thành kiến nhỏ nhoi không đáng, làm sản sinh ra những đám mây đen phiền não, (không riêng gì việc lễ Phật, mà bất cứ việc nào khác cũng đều nên như vậy). Hoặc vì lãng phí tinh thần vào những hoài nghi vô ích, làm ngăn trở khả năng thâm nhập và khả năng lĩnh hội những tinh hoa của người khác. Hoặc vì một số động tác mà bản thân nhất thời chẳng tiếp thu được, mà sinh nản lòng, lùi bước. Hoặc vì gân cốt thiếu vận động, không được mềm dẻo, uyển chuyển, thì ngại, cho là khó, là khổ, bỏ không lễ nữa. Thậm chí còn mù quáng đi phê phán, sinh tâm khinh mạn. Đây đều là những thái độ chưa tốt, làm chướng ngại bản thân, hoàn toàn không phù hợp với nội dung tinh thần của phương pháp lễ Phật nhằm khai mở Phật tính, mỹ đức nơi tự tâm.
6. Điều Hòa Thân Tâm, Khiêm Cung Uyển Chuyển
Học lễ Phật, trước tiên là dứt trừ thái độ kiêu căng, thờ ơ lạnh nhạt nơi mình, đồng thời điều hòa thân tâm đã bị căng thẳng, khép kín, cố chấp, thiếu linh hoạt từ trước. Nếu tâm có cởi mở, rỗng rang, sáng suốt, nhún mình trước người khác, tôn trọng người khác (khiêm cung), từ bi dịu dàng, thì thân cũng sẽ theo đó mà tự nhiên thoải mái, đẹp đẽ, linh hoạt, khí huyết cũng được lưu thông. Nếu tâm căng thẳng, cứ mãi khư khư cố chấp vào các thói quen từ trước, thân sẽ trở nên ù lì chai sạn, mất đi tính đàn hồi linh hoạt, lão hóa, đồng thời các chức năng cũng bị thoái hóa, có thể làm phát khởi nguyên nhân gây nên một số các chứng bệnh cho thân.
7. Lễ Phật Là Động Tác Phục Hồi Sức Khỏe (Chữa Trị Và Điều Chỉnh Cột Sống)
Phật là bậc Giác ngộ, cũng là bậc Đại y vương chữa trị thân và tâm. Lễ Phật là động tác mang tính quy luật phù hợp với nguyên lý y học, thông suốt nội tâm và kết hợp với dòng giao cảm của bậc Đại y vương mà phát khởi nên khả năng trị liệu tự nhiên, làm tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch; đồng thời, tạo ra khả năng tự điều hòa một cách nhịp nhàng giữa thân, tâm và thế giới, có thể tiêu trừ được các mầm gây bệnh và tăng cường chức năng chữa lành bệnh tật1.
1 Ý nghĩa Phật pháp có thể thấy được ở đây chính là người tập khi lễ Phật, nếu các động tác được áp dụng đúng cách, buông bỏ tất cả những thành kiến, mọi chấp trước phân biệt, giữ tâm an nhiên, tỉnh thức và không ngừng quán tưởng Đức Phật. Tác dụng của tiến trình này như Pháp sư Đạo Chứng nói đó là “điều kiện cần” để có thể tiêu trừ được thân bệnh, nhưng chưa đủ. Muốn thành tựu rốt ráo, tâm người tập phải tùy thuận với hoàn cảnh, cả trong lẫn ngoài. Tại đó, chí tâm thành khẩn, công phu không gián đoạn của người tập thực sự tạo nên một sự kết hợp vô cùng kỳ diệu, nghĩa là do người tập rèn luyện, huân tập mà thành tựu, kết quả của nó sẽ là một sự mầu nhiệm trên cả tuyệt diệu. Tại sao? Bởi vì lễ Phật với tâm tỉnh giác, chính niệm, ắt sẽ phù hợp nhịp nhàng với thế giới bên ngoài, nghĩa là một sự “viên dung tuyệt hảo” tất sẽ được hưng khởi, tại đây người tập đang trong “điều kiện đủ” để có thể hiện thực tiến trình đi đến thành tựu chân lý. Khi đó, tâm người tập trở nên rỗng rang thênh thang, vô ngại. Người tập thực hành lễ Phật cần phải kiên trì huân tập không gián đoạn để tới được chỗ sống thực và lâu dài trong đó.
Chú ý: Khi lễ Phật, trang phục phải sạch sẽ.
Nếu là người xuất gia, trang phục phải thích hợp, kín đáo. Nếu là cư sĩ đã thọ giới, ăn mặc phải hợp với lễ lạy, thống nhất theo quy định của đoàn thể về trang phục. Tránh ăn mặc thiếu chỉnh tề, đội mũ hoặc mặc quần quá ngắn để lộ lưng, hở đùi.
Để tạo điều kiện cho những người mới học hiểu rõ những bước quan trọng trong từng động tác, nên trong cuốn sách này, tôi sử dụng hình ảnh người minh họa các động tác, không mặc áo quá rộng như áo dài lam, làm trở ngại tầm nhìn, xin thành thật cáo lỗi, mong sao đại chúng lúc tự tu, nên chí thành lễ kính, vì mười phần cung kính sẽ được mười phần lợi ích.
8. Tu Tập Lễ Phật Đạt Được Nghĩa Lý Thâm Sâu
Phương pháp lễ Phật chúng tôi giới thiệu ở đây được dựa trên cơ sở chỉ dạy của Ân sư Sám Công. Đó là phương thức “trái phải đồng thời” trong cách lễ năm vóc sát đất, (đã đề cập ở phần trên) đã được Ngài truyền dạy tại Học hội Ăn chay Giữ giới của sinh viên. Đồng thời, phương thức này được đem ra phối hợp thêm với các nguyên tắc giải phẫu, nguyên tắc sinh lý. Chúng tôi đúc kết sơ lược và trình bày rõ trong cuốn sách. Mong rằng đại chúng, bước đầu khi học lễ Phật, trước nhờ vào những động tác lễ Phật này mà đem lại lợi ích cho thân tâm được uyển chuyển, dễ chịu, đồng thời ngộ nhập vào nghĩa lý sâu sắc, nhiệm mầu của phương pháp.
Cũng ngay trong bước đầu, qua các động tác, tự thân mỗi người tập dần dần đạt được một sự nhịp nhàng, ăn khớp với các nguyên tắc giải phẫu học, sinh lý học và vật lý học. Khi có được phần tiến bộ, lại nhờ sự tu tập của việc lễ Phật mà người tập có thể khế nhập vào chân lý. Cũng mong sao tất cả đại chúng đừng vì mình thực hành chưa đúng phương pháp, không phù hợp với nguyên tắc sinh lý, chẳng hạn như: Các động tác vội vã, gây khó khăn khiến tự thân cảm thấy khổ nhọc, đau nhức, mỏi mệt mà đổ lỗi do lễ Phật mà ra. Đi tới đâu, họ cũng đều nói rằng hậu quả nơi tự thân đến nỗi như thế này tất cả là do lễ Phật. Cứ như là chư Phật trong mười phương đều bạc đãi họ vậy. Thậm chí, họ lại tạo thành khẩu nghiệp, khiến người khác hiểu lầm rằng lễ Phật không đem lại sự thoải mái mà còn vô cùng nhọc nhằn, khổ sở. Thực ra, nguyên nhân chính là bởi những người này đã thực hành (cách lễ Phật) sai phương pháp.
9. Lễ Phật Tiêu Trừ Nghiệp Chướng , Không Phải “Khổ Nhục Kế”
Lễ Phật là tiêu trừ nghiệp chướng, có thể loại bỏ tâm thái mệt mỏi, uể oải do những tư thế sai hằng ngày gây nên. Đây là sự vận động co dãn các bộ phận, đả thông những ức chế, làm lưu thông các huyệt đạo bị tắc nghẽn, rèn luyện thân tâm không chướng ngại, hoàn toàn không phải là “khổ nhục kế”.
Có người cho rằng lễ Phật càng làm cho thân thể mệt nhọc, đau nhức thêm, quỳ mòn cả đầu gối, cúi dập cả trán, cũng chẳng được Phật, Bồ tát “xoa đầu khen ngợi”. Rồi sau đó vì quá mệt mỏi, đau nhức, nên sinh nản chí không tiếp tục nữa. Do quá cực nhọc, không thể chịu đựng nổi, mới tìm vô số lý do để ngụy biện: “Tôi vì lễ Phật mà mệt mỏi như vậy, bác sĩ khuyên tôi không nên lễ Phật nữa”. Đó là bởi người này không có đủ tín tâm, không nghiên cứu học hỏi cho tường tận vấn đề, nên không thông suốt đạo lý. Đừng lấy lý do vì lễ Phật mà thân thể mệt mỏi, kỳ thực nguyên nhân chính là bởi không hiểu rõ cách lễ Phật lại còn quá ham mê chạy theo vọng tưởng nên không được an lạc.
Khi mới học lễ Phật, hậu học cũng vì hiểu sai ý, không nắm được những yếu tố cần thiết nên lễ lạy vô cùng vất vả và khổ nhọc, cho rằng việc lễ Phật như vậy quá mệt mỏi. Cuối cùng, hậu học mới khám phá ra rằng tại mình đã hiểu sai ý nghĩa và thực hành chưa đúng phương pháp.
10. Nguyên Nhân Mệt Mỏi Và Khổ Nhọc Trong Khi Lễ Phật
Trạng thái mệt mỏi và khổ nhọc khi mới học tập lễ Phật là do:
1. Áp dụng không đúng phương pháp, không thích hợp, tư thế trái với các nguyên tắc sinh lý và sức khỏe. Không nắm được nội dung chủ yếu của nguyên tắc vật lý tự nhiên, không khéo dụng sức tự nhiên, không sử dụng lực đúng mức, lãng phí sức vào những động tác vô ích.
2. Một vài khớp, cơ, vốn do chất cặn bã ứ đọng, lâu nay tích tụ lại, làm tắc nghẽn, hoặc do lão hóa. Hơn nữa, do trải qua nhiều năm thiếu vận động, tình trạng này cũng giống như lúc làm vệ sinh ống nước đương nhiên những bùn đất lắng đọng sẽ bị khuấy lên, làm cho ống cống tức thời bị bẩn, trở thành vẩn đục. Chỉ cần lấy nước trong mà dội, bùn bẩn tự nhiên trôi đi, ống cống sẽ trở nên sạch sẽ như lúc ban đầu. Như vậy, chúng ta đều có thể hiểu được một điều, sự vẩn đục dấy lên trong quá trình làm sạch ống nước, chính là cặn bẩn sẵn có đã tích tụ từ trước, nay bị khuấy động, chứ không phải đợi đến lúc quét dọn vệ sinh mới có. Nếu nói rằng do việc quét dọn vệ sinh mà bị vẩn đục, thì đó là một quan niệm sai lầm.
Cùng một lý này, nếu phương pháp lễ Phật đã được áp dụng chính xác, nhưng một vài vị trí trong thân, nhất là trong khi co duỗi, người tập vẫn còn cảm thấy căng cứng, đau nhức, đấy là biểu hiện rõ rệt do ảnh hưởng của cặn bã phế thải tích lũy đã nhiều năm. Hoặc, chỗ bị tắc nghẽn đó do vết thương đã có từ trước, chứ không phải là do lễ Phật gây ra, càng không phải do lễ Phật mới phát sinh ra nỗi đau nhức như vậy. Ngược lại, sự vẩn đục nhất thời của ống nước, trong khi tiến hành việc quét dọn vệ sinh chính là dấu hiệu bắt đầu cho một sự thanh lọc, chúng ta hãy đặt hết niềm tin tinh tấn làm sạch trở lại.
Mong sao chúng ta, ai cũng đều quan niệm đúng đắn, lý luận và thực tiễn rõ ràng phân minh. Đừng bỏ qua những khuyết điểm của mình, mà đổ tội cho lễ Phật. Hằng ngày, với người ít vận động, mặc dù chỉ đi một đoạn đường ngắn thôi, cũng cảm thấy đau chân, hay nếu bảo gánh một vật gì nằng nặng thì cũng kêu rên lưng mỏi vai đau. Nên dĩ nhiên những người này, khi lễ
Phật cũng khởi lên oán trách. Kỳ thực, do tứ chi thiếu rèn luyện, vận động; tuần hoàn không điều hòa, cho nên khả năng thẩm thấu các năng lượng để chuyển hóa và công năng phế thải chất độc, các chất cặn bã bài tiết đều chẳng thông. Điều này cho thấy cần phải đều đặn luyện tập. Nếu không, người tập sẽ đánh mất đi năng lượng và sự nhận biết đúng đắn vốn đầy đủ, sẵn có của mình. Lúc còn trẻ thiếu rèn luyện, đến già tất phải chịu khổ, biết nói sao đây? Nếu nghiêm chỉnh rèn luyện, nhất định có thể khắc phục được.
11. Chuyên Tâm Vào Một Việc, Không Gì Không Làm Được - Đừng Hao Tốn Tinh Thần, Than Cực, Trách Khổ
Trong nhà Phật, một ngày lễ Phật đến 3.000 lạy, số người âm thầm dụng công như thế rất nhiều. Khuôn mặt họ tươi trẻ, dáng vẻ lại ung dung tự tại. Từ đó thấy được, những người này dụng công thực sự có phương pháp. Hơn nữa, họ có khả năng rèn luyện. Chúng ta phải hết lòng trân trọng năng lực Phật tính vốn sẵn có, dụng tâm khai phá, sáng tạo. Đừng đem đời sống và tinh lực quý giá của mình sử dụng lãng phí vào việc oán thán, trách khổ. Đừng để “nước đến chân mới nhảy”. Chi bằng theo lời Phật dạy: “Chuyên tâm vào một việc, không gì không làm được”. Ở đời chẳng có việc gì khó, mà chỉ sợ lòng người e sông, ngại núi mà thôi.
12. Vấn Đề Then Chốt Dễ Hay Khó Trong Việc Tu Học Lễ Phật
Quan sát phương pháp của những người thực tập lễ Phật, một số phát hiện được chúng tôi ghi nhận như sau:
Đối với những trẻ nhỏ còn ngây thơ, vô tư, chưa có thành kiến, việc học hỏi rất nhanh chóng. Chỉ cần trình bày cách thức lạy từ một đến ba lần, đa số trẻ nhỏ đều hiểu và có thể làm được ngay. Có thể thấy, đây là một số động tác đơn giản, dễ học. Chúng ta đừng vì sợ khó mà tự sinh ra nản chí. Thật ra, lúc tâm không ngăn ngại, nhẹ nhàng thoải mái, thì năng lực học tập, khả năng vận dụng của tính giác sẽ tốt nhất và sự khai phát trí tuệ cũng dễ dàng nhất.
Đối với người lớn, nếu chưa bao giờ học lễ Phật (tâm chẳng chút thành kiến), thì việc học hỏi lại vô cùng nhanh chóng. Do không bị thói quen quá khứ trói buộc, nên nhanh chóng nắm được những điểm cốt yếu, giúp cho thân tâm nhẹ nhàng.
Trong học tập, khó khăn nhất là đối với những người có tính cách vội vàng, ương ngạnh ngoan cố lại chấp nhặt vào những tập quán cũ. Vì họ mơ hồ, một mực chỉ dựa vào thói quen mà hành động, chẳng chịu trực tiếp sử dụng ngay tính giác. Cho nên lễ Phật thường lơ là, tâm không chuyên chú. Làm mà chẳng biết mình đang làm gì: Đứng lệch chẳng biết mình đứng lệch, chắp tay năm ngón so le chẳng khít; mỗi một động tác đều là vọng tưởng, mơ hồ, qua loa lấy lệ cho xong; không đem cái tâm sáng suốt, rõ ràng, quay về quán chiếu tự thân. Đây là do thói quen phóng túng, quên mất đi tính giác của mình. Từ xưa đến nay, nghĩ là nếu lễ Phật một lạy, chỉ cần vài giây đồng hồ là xong. Nhưng nếu học theo kiểu như trên, thì dẫu có học đến mười năm cũng khó thành tựu được. Thậm chí mười năm trôi qua, chỉ một động tác chắp tay đơn giản thôi cũng vẫn làm một cách tán loạn không đều. Lúc cần, phải khiêm cung cúi đầu, thì lại mơ hồ cứng đầu cứng cổ. Ngay lúc đấy chẳng chịu dụng tâm thì một tật nhỏ dù mười năm cũng chẳng sửa đổi được. Vì vậy, học tập chẳng phải là nhìn vào thời gian (quá trình tiếp nối từng động tác), mà phải nhìn thẳng vào tâm niệm mình lúc ấy xem có được chuyên chú, thoải mái, cung kính hay không.
13. Thắc Mắc - Nghiên Cứu Và Thảo Luận
Thắc mắc:
1. Có người cho rằng: Lễ Phật chỉ là biểu hiện một sự kính lễ mà thôi, miễn sao trong tâm cung kính là được, cần chi phải học tới phương pháp thêm phiền phức?
2. Cũng có người nói: Phật và chúng sinh, bản thể đều Không, đều là tính Không, cần gì phải chấp trước, câu nệ đến hành động lễ Phật? Lại cần chi đến phương pháp lễ Phật?
Về ý kiến thứ nhất: Chúng ta phải hiểu rõ, học Phật và tu trì phải đạt tới chỗ lý luận đi đôi với thực hành. Không được dừng lại ở lý luận mà bỏ đi thực hành. Cũng không được cố chấp ở thực hành mà không hiểu rõ đạo lý bên trong của nó. Đại sư Ngẫu Ích dạy: “Chấp chặt vào lý luận bỏ đi thực tế, thì lý luận đó không chính xác”. Trong tâm có ý cung kính, thì lòng thành kính bên trong sẽ hiển lộ ra ngoài. Ví như, không thể nói tôi đối với bạn có ý kính trọng đó là tốt rồi, nhưng khi bạn đến nhà tôi, tôi chẳng ngó ngàng gì tới bạn, tôi cứ vắt chân ngồi xem ti vi. Bạn hỏi chuyện tôi, tôi cũng chẳng thèm trả lời. Có món ăn ngon, tôi đem ra ăn một mình, còn vỏ trái cây, thức ăn hư, cơm thiu tôi đem ra mời bạn, v.v. Bất cứ ai có hành động tiếp đãi bạn như thế, chắc chắn bạn không thể nào tin rằng trong tâm người đó đã có ý kính trọng bạn. Cho nên ý kính trọng ở tại tâm, song cũng phải có thái độ, lời nói tương ứng, đồng thời cũng phải có được một phương pháp biểu đạt thích hợp. Chẳng hạn khi chúng ta đói bụng, trong tâm khởi lên ý muốn ăn, tất cả hành động, mong muốn là cầu cho ăn được no. Khởi ý muốn ăn đôi khi còn đòi hỏi cách ăn, thực đơn, thậm chí còn đi phân tích tính dinh dưỡng, hiệu năng của các loại thức ăn và ngoài ra còn đòi hỏi đến cách dọn cỗ bàn, lễ tiết. Thế thì tại sao khi muốn biểu đạt sự kính trọng trong lòng, mà lại ngại là phiền phức, bỏ qua hình thức biểu lộ bên ngoài trong khi kính lễ?
Về ý kiến thứ hai: Đạo lý đặc biệt và thâm sâu của Phật pháp ở chỗ “Có - Không không hai” (nếu chấp vào Không mà bỏ đi hành động Có, cũng là thiên chấp).
Tất cả sum la vạn tượng: Bản thể là Không, nhưng ảo hiện giả tướng Có. (Chỉ do trong tâm hiển hiện ra, như giấc mơ, như ảo thuật, như huyễn cảnh, tuy là vậy nhưng không ảnh hưởng gì). Do đó: Không nên chỉ riêng chấp cái Có nơi hiện tượng, mà không biết tới cái Không nơi bản thể. Cũng không thể chỉ riêng chấp cái Không của bản thể mà bỏ qua cái Có của hiện tượng.
Bản chất hay thật tướng của tất cả sum la vạn tượng là Không. Tất nhiên, chúng sinh vẫn nhìn thấy các ảo tướng của tất cả các hiện tượng. Không chỉ như thế mà sự hiện hữu và biến hóa của các giả tướng ấy, vẫn còn có tồn tại của các định luật nhân quả. Nếu bị bỏng lửa hay dao cắt mà không thể thản nhiên được, tức còn chấp Có, thế thì sao lại có thể bỏ đi thực tế tu học?
Thân thể chúng ta tuy cũng là “bốn đại đều Không”, nhưng kẻ phàm phu chưa chứng vẫn còn chấp thân này, kể cả tác dụng và công năng của nó đều là thực có. Nếu khi chúng ta làm việc hay cử động không thích hợp, không dựa vào các nguyên tắc vận động hợp lý, thì theo luật nhân quả có thể tạo ra sự khó chịu và bệnh tật.
Đồ vật giả hợp như các loại pháp khí: chuông, mõ, v.v. ta không nên tham trước quá độ, cũng không nên sử dụng quá độ, có thể gây tổn hại. Lễ Phật là mượn cái giả để tu cái thật. Khi ở trên giả tướng mà hành động, tạo tác, tất nhiên không thể rời các luật nhân quả, liên hệ với giả tướng sinh diệt. Vì vậy, phải khéo kết hợp với những động tác thực hành, thông qua các nguyên tắc sinh lý và vật lý, mới có thể phát huy được năng lượng. Đồng thời có thể đánh thức được tiềm năng vốn có nơi Phật tính. Trong phương pháp lễ Phật, “nhân” không đồng, mà “quả” cũng khác. Hơn nữa, phàm phu lâu nay vẫn lấy giả làm thật, chẳng khác gì nằm mộng, cứ nghĩ mộng là thật, đâu phải đang trong mộng mà biết được mình đang mộng. Nếu như nhất thời, cái thân không thật có này bị bệnh, thì chấp lấy cái bệnh là thật, chẳng thể xem bệnh đó là giả mà phớt lờ đi. Vì thế, nếu ta ở trên cái giả mà tu hành, không phù hợp với các nguyên tắc vật lý và sinh lý, tất nhiên có thể tạo thành chướng ngại, gây rắc rối, khó xử cho bản thân. Miệng tuy nói lý Không, nhưng lúc lâm bệnh thì lý Không chẳng hiểu, đó mới thật là phiền phức!
Trước khi thực hành, các phép tắc đều rõ ràng thông suốt, vận dụng hợp lý, mới không bị trở ngại, mới không tự nhận quả khổ, tránh được trạng thái mệt mỏi và tư thế không thích hợp khi lễ Phật; cũng tránh được việc buông lời trách cứ Phật Tổ không linh, không phù hộ mình. Nói một cách nghiêm túc, mơ hồ, trước sau tán loạn không thể gọi là lễ Phật, bởi vì Phật là bậc Giác ngộ, lấy tâm giác tính, giác sát, giác ngộ mới có thể “tương hợp”. Theo Địa trì Bồ tát giới, thì hằng ngày trì giới Bồ tát phải siêng tu công đức lễ Phật.
Chú ý: Xin giới thiệu sơ lược về lợi ích của các động tác lễ Phật đối với cơ thể trên phương diện phân tích về sinh lý cũng như trên phương diện nghiên cứu, để những người mới học có thể theo nguyên tắc sinh lý và vật lý, dần đạt tới cảnh giới thân tâm an định. Đồng thời, tránh được những tư thế không thích hợp làm cho thân không an và tâm cũng chẳng định. Song, cũng xin đặc biệt chú ý những điểm then chốt của việc kính lễ Phật như sau:
Nên kính lễ Phật để huân tập khai mở tính Phật, phát huy mỹ đức của sự kính lễ, đạt đến kính người, trọng sự, kính trọng tất cả các loài hữu tình, vô tình; đồng thời phá chấp. Do đó, học tập lễ Phật chính là để củng cố, điều chỉnh các động tác cho hợp lý. Tuy nhiên, điểm quan trọng chẳng phải là tự mình muốn chủ tâm truy cầu một sự dễ chịu cho bản thân, cũng không phải muốn tự mình làm tăng thêm kiến thức sai lầm. Ngược lại là để đào sâu, thấu triệt thêm bản chất của hố sâu chấp trước, tham luyến. Đối với cái thân giả huyễn này hãy đặc biệt cảnh giác “động cơ” của tâm này, sai một ly đi nghìn dặm.
Xin quý vị khéo nắm chắc xu hướng của tâm, một lòng thành kính bồi dưỡng tâm, khai mở phát huy tính giác. Mong đừng hiểu lầm rằng hậu học có ý đem thân và tâm của mình ra mà làm gia tăng thêm sự chấp trước vào thân thể, tham cầu tự thân!
14. Lễ Phật Là Thực Tiễn Gắn Liền Với “Đệ Nhất Thiện” - Làm Tâm Ngay, Thân Thẳng
Kinh Vô Lượng Thọ dạy “đệ nhất thiện” là gì? “Làm tâm ngay, làm thân thẳng” (đoan chính thân tâm). Lễ Phật tức là một thực tiễn gắn liền với “đệ nhất thiện”.
Do lễ Phật mà rèn luyện lực quán chiếu một cách đúng đắn và thoải mái, điều phục các giác quan; thân tâm nhẹ nhàng, mềm mại. Ngay trong nguyên tắc của quy luật vận động, mà bồi dưỡng sức an định, sức giác chiếu và tinh thần kính lễ. Rồi lại đem công phu này, áp dụng vào đời sống thường ngày, trong mọi cảnh ngộ, mọi cử động, không phải là lễ Phật ngoài lễ Phật, đời sống ngoài đời sống, chia tách thành hai mặt. Nếu cuộc sống tu học tách rời lễ Phật, tức là đã đánh mất đi ý nghĩa của việc lễ Phật.
Hằng ngày, hành trì đều đặn trong cuộc sống, tức là triển khai tinh thần lễ Phật:
- Từ tán loạn quay về chuyên chú. Từ căng thẳng quay về an lạc.
- Từ cứng nhắc quay về uyển chuyển. Từ cố chấp, quay về cởi mở, rỗng rang, sáng suốt.
- Từ mê mờ quay về giác ngộ. Từ hồ đồ quay về sáng suốt.
15. Tại Sao Phải Nghiêm Chỉnh, Ung Dung?
Chúng ta quan sát hoạt động nuốt chất lỏng của thực quản thì có thể rõ:
1. Thực quản phải thẳng và thông mới có thể lưu thông chất lỏng thuận lợi. Ngược lại khi thực quản khúc khuỷu, thì việc chuyển tiếp, hấp thụ các chất lỏng bị cản trở. Giống với điều này, thân có nghiêm chỉnh, ngay ngắn, huyết quản mới dễ dàng lưu thông. Nếu thân thể qua thời gian dài đã bị trơ cứng, gò ép với tư thế sai lệch, nghiêng vẹo, không thích hợp, thì huyết quản cũng như thực quản bị gấp khúc, khiến cho máu huyết không lưu thông.
2. Quan sát tiếp: Nếu ta lấy tay ép từ bên ngoài làm thực quản thẳng ra cũng lại gây trở ngại cho các chất lỏng đi vào thực quản. Vì vậy, trong ngay ngắn cũng cần có thoải mái. Nếu các cơ bị căng cứng, liên tục trong trạng thái co duỗi cứng nhắc, thì các mạch máu trong các cơ bị ép lại. Đương nhiên, sự lưu thông sẽ bị tắc nghẽn, ấy là tự các cơ đã gây nên một áp lực đối với chính các huyết quản. Nguồn gốc của áp lực này có từ cái tâm căng thẳng. Tâm cần phải thật sự buông bỏ, thoải mái, khí huyết mới có thể hanh thông. Đừng để chính mình gây áp lực lên bản thân mình, tâm nhất định phải buông bỏ thoải mái, mới có thể phát huy được sức quán chiếu, sáng suốt, chuyên chú.
16. Giữ Cho Thân Ngay Thẳng Là Cơ Sở Để Tu “Quán”
Kinh Phật dạy rằng:
Phật, chúng sinh tính thường rỗng lặng,
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn.
Lưới Đế châu ví đạo tràng,
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời.
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện,
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.
Có người hỏi: Đã muốn quán Không, cần gì phải nói đến nguyên tắc đoan chính thân thể?
Cái quý của việc tu hành là tuần tự thứ lớp. Xây nhà cao mà không có móng vững chắc, đó là căn nhà nguy hiểm, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Xin tìm đọc các trước tác của chư cổ đức, như Đại sư Thiện Đạo, viết chú giải cho Kinh Quán Vô Lượng Thọ như sau: “Trước khi bắt đầu dạy về pháp quán tưởng phải có công phu chuẩn bị cho cơ sở an định của tâm”. Trước khi dạy: “Lại quán thân tứ đại1, trong ngoài đều không”, trong phần chú giải của Ngài có đoạn văn viết:
1 Thân tứ đại: Chỉ cho nhục thân bằng xương thịt của chúng ta. Tứ đại là bốn yếu tố: đất, nước, gió, lửa.
“Ngồi thẳng, chân xếp bằng, để cho thân thẳng, miệng ngậm lại, răng đừng cắn chặt, lưỡi đặt lên hàm trên, để cho hơi thở giữa yết hầu và mũi được dễ dàng thông suốt”.
Nội dung lời dạy trong đoạn văn trên rất quan trọng, là phương tiện hướng dẫn trước khi tu quán. Người mới học, đừng tham vọng viển vông, chểnh mảng công phu rèn luyện cho thân thẳng (mới có thể ở trên cơ sở lực quán mà quán Không). Cây không có gốc thì dễ bị khô héo. Mong sao cho người mới học, đều dùng tâm chú ý quán chiếu.
17. Lễ Phật: Tiêu Trừ Nghiệp Chướng , Phát Huy Tiềm Năng
Hai chữ “nghiệp chướng”, trong đó “nghiệp” tức là hành vi, “chướng” tức là chướng ngại cũng là do các hành vi trong quá khứ tích lũy lại mà sản sinh ra chướng ngại, bất luận là chướng ngại về thân thể hoặc chướng ngại về tâm lý. Các loại hành vi trong quá khứ bao gồm tư duy ở trong tâm chúng ta, lời nói cùng với các tư thế và hành vi ở thân thể.
Có người cho rằng nếu làm một việc ác lớn mới là tạo ác nghiệp, mới gây nên nghiệp chướng. Kỳ thực, chỉ cần khởi tâm động niệm, tức là đã có nghiệp, (niệm thiện là thiện nghiệp, niệm ác là ác nghiệp, niệm Phật tức là tịnh nghiệp); thân tạo ra tư thế động tác cũng là nghiệp. Tạo thành chướng ngại cho thân, đó là thân nghiệp thuộc phương diện nghiệp chướng. Có nhiều đau nhức, mệt mỏi, bệnh tật, có liên quan đến các tư thế thường ngày, cũng tức là có liên hệ đến thân nghiệp. Thân nghiệp lại chịu sự chỉ huy của tâm. Khi tâm lăng xăng, nghĩ ngợi, lập tức thân có dáng vẻ căng thẳng, thiếu tỉnh thức tức là chính bản thân tự tạo ra các chướng ngại.
Vì sao nói niệm Phật, lễ Phật có thể tiêu trừ được nghiệp chướng? Bởi vì khi lễ Phật, tâm phải điều chỉnh, hướng tới cung kính đồng thời từ bi thanh tịnh. Miệng niệm Phật tức là không thị phi, không nói tạp, ngôn ngữ trở nên thanh tịnh. Các động tác của thân vừa mềm mại, nhẹ nhàng vừa khiêm nhường, cung kính. Từ đó, loại bỏ dần được những hành vi, tư thế không tốt, gây chướng ngại lên thân thường ngày. Như vậy, về ba phương diện thân, khẩu, ý, đều thanh tịnh, cung kính, tức là tự mình có thể tiêu trừ được những hành vi trong quá khứ không hợp lý, gây nên các chướng ngại của thân và tâm. Điều này cũng thuận tiện để rèn luyện cho tâm “trong động có an”.
Cũng giống như ống nước thường xuyên tẩy rửa, dần dần có thể khai thông, sạch sẽ, có thể khai phát tiềm năng, làm cho các chức năng của các bộ phận trong thân thể thêm phần linh hoạt. Chúng ta hãy để tâm lắng xuống, quan sát các tư thế của chính mình (thân nghiệp), hoặc trước tiên là quan sát người khác, để cảnh tỉnh cho mình (nhưng chú ý, mục tiêu là quay lại quan sát tự thân, tự mình tu sửa, không phải quan sát để phê bình, chỉ trích người khác). Nếu tâm còn vướng víu bận bịu, tất nhiên thân thể không tự đạt tới chỗ sáng suốt, có thể một số cơ bị co rút, căng cứng.
Ví dụ: Tay phải làm việc, tay trái tuy không sử dụng, cũng dùng sức chống chịu, làm cho bả vai gồng lên (lãng phí khí lực), cổ tay bị ép gãy làm trở ngại huyết quản, chân trái không làm việc, gót cũng tì sát đất, bàn chân hất lên, cằm dưới ngẩng lên (làm cổ bị mỏi).
Não đang bận làm việc, các ngón chân vô cớ dùng sức ấn ép, rướn căng, khiến tay hao sức chống đỡ. Như vậy đều tự tạo ra áp lực cho bản thân, nhưng do thiếu sự tự quán chiếu, cho nên người ta rất khó phát hiện ra sai lầm này. Tu sửa bản thân, dù rất dễ dàng tiêu trừ chướng ngại, nhưng vẫn không có cơ hội. Khi lễ Phật, tức là phản chiếu tự thân, điều phục, điều hòa thân tâm, khiến cho thân tâm tự tại, được vô cùng thoải mái, không còn chướng ngại.
18. Lễ Phật Là Điều Phục Thân Tâm, Tiêu Trừ Chướng Ngại - Phát Tâm Lễ Phật, Phật Liền Biết Ngay, Phóng Quang Gia Bị
Khi lễ Phật cần thực hành đồng thời các bước:
- Tâm: Vạn duyên buông xuống, nhất tâm chính niệm, niệm Phật (quán chiếu sáng suốt).
- Thân: Vạn cơ buông thả thoải mái, trọng tâm vật lý tự nhiên, ổn định chắc chắn, trọng tâm giữ thân thăng bằng (linh hoạt, mềm mại, thanh thản).
Trong khi lễ Phật, thân tâm đều nhẹ nhàng thoải mái, buông bỏ chấp trước, an lành, nhưng cung kính và chuyên chú; cử động thư thả, thoải mái và linh hoạt. Tuy trong động mà vẫn quán chiếu an định. Nhẹ nhàng mềm dẻo, không căng thẳng, cứng nhắc, tùy từng chỗ mà phân bố lực, phù hợp với tinh thần “vô trụ sinh tâm” của Kinh Kim Cương.
Ví dụ: Đầu gối khi chạm đất, tay lập tức duỗi nhẹ thư giãn (không gồng cứng, phí sức chống đỡ). Khi ngồi xuống, đầu gối và toàn thân lập tức thả lỏng, buông thả toàn diện (vô trụ). Tùy lúc luyện tập, buông bỏ tâm vội vàng, cố chấp; rèn luyện khả năng đảm đương trách nhiệm, khả năng buông bỏ khiến cho thân và tâm đều thông suốt, không có chướng ngại.
Trong động, tùy lúc, tùy chỗ có thể vận dụng các động tác một cách linh hoạt sáng suốt (sinh tâm) lại tùy thời buông lỏng, thoải mái, không chấp chặt (vô trụ).
Trong thoải mái, không ngừng tinh tấn “vô trụ sinh tâm”. Tâm như trục của bánh xe, bánh xe lăn, quay, trục vẫn “nhất tâm” và “tâm không”, không chấp trước, bánh xe có di chuyển về phía trước, nhưng tâm không dao động.
19. Những Phương Thức Liệt Kê Đối Chiếu Để Chứng Minh
19.1. Mục tiêu của sự rèn luyện lễ Phật
1. Khai phát lực của Phật tính, bồi dưỡng sự kính lễ (mỹ đức của Phật tính). Kính lễ chư Phật, áp dụng vào đời sống hằng ngày (Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện). Giúp điều tốt nảy sinh, điều xấu mất đi, thân ý nhẹ nhàng, mềm mại (Kinh Vô Lượng Thọ).
2. Trong động có định, như bánh xe chuyển động mà trục tâm không động, tức là ở trong động mà tâm vẫn định.
3. Ngay trong thế động mà niệm Phật, tăng cường niệm lực.
4. Phát huy tác dụng của tính sáng suốt. Trong động, lấy tính sáng suốt chiếu soi từng động tác, biết chính mình đang làm gì. Lấy cái tâm sáng suốt mà niệm Phật, tương ứng với ý nghĩa niệm cầu hiệu Phật “Vô Lượng Quang” (Vãng Sinh Luận).
5. Sáu căn đều thu nhiếp (Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương). Chỉ thu nhiếp một căn, thì sáu căn đều thu nhiếp giữ gìn, chẳng phải riêng tu ở một căn.
- Mắt: Thu nhiếp tự nhiên, tập trung thị lực.
- Tai: Tự nhiên nghe Phật hiệu, từng chữ, từng chữ rõ ràng.
- Mũi: Thở tự nhiên nhưng có quán chiếu: thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra. Lạy xuống: thở ra tự nhiên đến hết, tư thế đứng dậy tự nhiên, hít vào.
- Lưỡi:
+ Lúc niệm Phật thầm, lưỡi để tự nhiên, tì lên hàm trên, mặt lưỡi trên không, cằm dưới buông thoải mái (nước bọt thông suốt).
+ Lúc niệm Phật thành tiếng, lưỡi để tự nhiên, mềm mại, thoải mái. Hai má thả lỏng, có khả năng giữ linh hoạt lâu và tịnh niệm tương tục (không gián đoạn).
- Thân: Cung kính lễ Phật, các động tác tự nhiên, an định, trong nhẹ nhàng, mềm mại, thoải mái có quán chiếu.
- Ý: Nhất tâm niệm Phật (hoặc quán tưởng) (mười sáu quán kinh). Điều phục các căn, thân tâm uyển chuyển (Kinh Vô Lượng Thọ).
6. Nhất tâm bất loạn (Kinh A Di Đà).
- Thân: Nhất tâm, trọng tâm vật lý tự nhiên, đặt ở gót chân.
- Tâm: Nhất tâm, niệm Phật.
- Thân: Các cơ đều thư giãn.
- Tâm: Rũ bỏ vạn duyên.
- Thân: Sau khi cử động, lập tức buông lỏng, không cứng nhắc.
Biết Phật đại bi, cứu mình không mệt mỏi,
Tiếp thụ ánh sáng Phật, lễ lạy rồi lui,
Báo đáp ơn Phật, rộng rãi bố thí chúng sinh,
Nay sinh Cực lạc, cùng Phật chung ở,
Cùng một hơi thở, vào ra đều thuận.
19.2. Những sai lầm nên tránh khi lễ Phật
1. Bất kính, không chuyên chú. Đầu cúi lạy không sát đất.
2. Trong lúc lễ, trọng tâm không ổn định (bị xê dịch). Cơ và các khớp bị trơ cứng.
3. Vội vàng, gấp gáp, làm tăng thêm sự tán loạn.
4. Thực hiện động tác theo quán tính, trước sau mù mờ, không tỉnh thức, không biết chính mình đang làm gì và các động tác như thế nào.
5. Sáu căn không thu nhiếp.
- Mắt: Khi mở thì nhìn ngang, ngó dọc. Còn lúc nhắm - Dễ làm choáng váng, tư thế không ổn, sự điều tiết huyết áp bị rối loạn.
- Tai: Chú ý tạp âm.
- Mũi: Cố gượng ép hít thở, hơi thở không thông, dẫn đến tức ngực.
- Lưỡi:
+ Khi niệm thầm, lưỡi cứng đơ, toàn bộ lá lưỡi bám sát hàm trên.
+ Khi niệm thành tiếng, lưỡi cứng đơ, khớp má dưới căng lên.
- Thân: Cơ căng cứng, phí sức, các khớp cứng nhắc, cử động không theo quy luật tự nhiên.
- Ý: Suy nghĩ viển vông, lộn xộn, cứng nhắc, khó điều phục.
6. Khi trọng tâm của thân thể đặt không đúng theo trọng tâm vật lý tự nhiên, thì thân: căng thẳng, phí sức để duy trì tư thế; tâm: vội vàng, lo lắng, khó có thể nhất tâm niệm Phật.
Sau khi lo lắng và phí mất sức thì thân đau nhức, tâm mệt mỏi, khó giữ trạng thái liên tục.
Chẳng thấu lòng từ bi của Phật,
Tâm tham lam chưa từng chán,
Ra sức tranh chấp, âu lo,
Buồn rầu, sợ hãi, bất an,
Chưa cảm nhận công ơn chư Phật,
Còn nhiều tự tư, tự lợi.
Tâm vướng vít cõi Ta bà,
Cách Phật mãi muôn trùng xa.
20. Chia Sẻ Về Kinh Nghiệm Lễ Phật (Phần I)
Pháp sư Diệu Âm chia sẻ về những điều tâm đắc khi lễ Phật:
Hậu học lấy việc lễ Phật làm thời khóa tu tập hằng ngày đã nhiều năm nay. Nhưng lúc ấy, chẳng biết rõ được những yêu cầu thiết yếu của tư thế lễ Phật như thế nào mới phù hợp với những nguyên tắc sinh lý cũng như sự cấu tạo của cơ thể. Nên sau mỗi lần lễ Phật, hậu học cảm thấy vô cùng mệt mỏi, bải hoải, cổ tay đau nhức, chóng mặt, choáng váng, sắc mặt nhợt nhạt, vì thế, cảm giác hết sức lo lắng bất an.
Về sau, trong một cơ duyên, tình cờ gặp được sư phụ Đạo Chứng, được sự từ bi chỉ dạy, khai thị của Ngài, hậu học mới hiểu được là, tất cả những trở ngại đều do tư thế lễ Phật sai lầm của mình mà ra. Thế là hậu học liền phát tâm theo Ngài học cách lễ Phật.
Học lễ Phật xưa nay rất đơn giản, rất dễ dàng. Học và biết cách lễ đối với một đứa bé thì rất nhanh, nhưng ngược lại hậu học đã phải bỏ công đến hơn một năm trời mới sửa được những tư thế căn bản rồi dần dà luyện tập đến thuần thục. Do trở ngại của những tập khí bệnh tật cũ, cộng thêm với việc tiêu phí sức lực sai lầm trong khi thực hành, cho nên hậu học học vô cùng chậm chạp, vất vả. Nói ra thật vô cùng hổ thẹn! Qua học tập, mới phát hiện được rằng trước đây về cơ bản từ động tác đứng chắp tay cho đến phương pháp đứng dậy hậu học đều không hiểu rõ ràng. Đứng thì sai tư thế, chắp tay thì so le không khít, kính lễ thì cổ cứng ngắc, cúi mình thì cột xương sống như vách sắt. Ngoài ra khi lễ, trọng tâm thường đặt ở ngón chân thay vì ở gót chân. Ngửa bàn tay thì như ngửa thuyền. Thậm chí, không thở ra khi lễ xuống, không hít vào khi đứng dậy. Do đó, lúc lễ Phật luôn chỉ lấy được hơi trước, chẳng lấy được hơi sau nên cứ phải thở hổn hển.
Nhớ lại hồi mới bắt đầu học lễ Phật, toàn thân hậu học không được mềm dẻo mà cứng nhắc, không linh hoạt, các khớp xương như cứng lại, gân cốt co rút, không được thư giãn, thoải mái. Lễ Phật xong, giống như con trâu già kéo cỗ xe nặng, chỉ vận chút ít sức mà toàn thân mồ hôi vã ra như tắm, mới lạy vài lạy thì áo quần ướt sũng. Học lễ Phật mà không nắm được phần cốt yếu, chẳng biết trọng tâm toàn thân là phải đặt ở gót chân mới đúng với trọng tâm vật lý tự nhiên. Ban đầu, hậu học cũng chẳng biết dùng lực ở đan điền (vùng dưới bụng) hóp bụng khi khom người. Kể cả khi cúi đầu xuống cũng không được tự nhiên, mặt không hướng vào điểm giữa hai gót chân. Cũng như chẳng biết khi cúi đầu, gập xuống chỉ cần dùng lực tự nhiên, nhẹ nhàng. Do khi đó chưa chuyên chú vào từng động tác nên khi đầu cúi xuống chưa đủ để có thể buông thả, khi cúi gập thân xuống mà không đẩy cho cột xương sống hơi lùi về phía sau, đồng thời không biết cậy nhờ vào lực ở đan điền để cho bụng cũng được đẩy theo; thậm chí còn quên cả hít thở.
Khi lễ Phật, áp dụng sai phương pháp chắc chắn sẽ làm cho lưng đau, vai mỏi, đầu choáng váng, khổ sở, chẳng tạo nên được một cảm giác nhẹ nhàng an lạc nào cả. Ban đầu, khi lễ Phật tuy thường bị sai sót, vất vả chưa được an lạc. Tuy nhiên, trong lòng vẫn dốc hết niềm tin, không ngừng nỗ lực tập luyện, lập chí nguyện quyết phải đạt cho kỳ được kết quả tốt. Vậy mà phải mất một năm, hai năm mới học xong việc lễ Phật. Chỉ đến khi nào thân tâm đạt tới chỗ thư thái, thoải mái, mềm dẻo, hoan hỷ mới được.
Do nhiều năm trước đây, nhiều người thường huân tập các động tác sai lầm trở thành thói quen ngay trong thực hành; một khi tâm không được chuyên chú, vọng tưởng trỗi dậy thì những động tác theo thói quen sai lầm đó sẽ xuất hiện trước tiên. Cho nên, người lễ Phật cần phải quán chiếu và cảnh giác cao độ.
Muốn đem những thói quen sai lầm đã áp dụng trong nhiều năm qua để sửa lại cho chính xác, đó là việc khó khăn đối với những người mới học, trong khi đó còn có nhiều yếu tố khác xảy ra. Nhất là khi ấy, người tập còn gặp thử thách bởi những phản ứng mang tính tạm thời (do các tư thế sai lầm lâu nay gây ra). Nếu không có lòng tin và nguyện lực lớn thúc đẩy, thì sự mỏi mệt sẽ khiến người ta thoái tâm, không còn muốn lễ Phật nữa. Do trên cơ thể, trước đây có chỗ đã bị tổn thương và sinh bệnh, nên trong khi lễ Phật, các cơn đau nhức xuất hiện. Nhưng đó chỉ là do tính phản ứng nhất thời xảy ra. May mắn thay, đạo tâm đã không thoái lui, lòng tin càng được củng cố. Với tinh thần can đảm, hậu học cứ tiếp tục lễ lạy không ngừng, cũng từ phản ứng đó, kết quả hậu học đạt được là một sự cải thiện lớn.
Do lúc thiếu thời, đầu hậu học bị thương, đốt sống cổ có vấn đề, nên thường hay bị chóng mặt; nhưng ngay lúc lễ Phật, hậu học chẳng hiểu vì sao vết thương này tự nhiên đã lành hẳn lại, không còn bị chóng mặt nữa, đốt sống cổ cũng đã được phục hồi. Nhưng có một điều là hậu học chẳng hiểu vì sao, bắp chân của mình bỗng nhiên lại bị sưng lên, càng sưng càng đau. Hậu học cứ không ngừng lễ lạy. Kết quả là chỗ sưng, chỗ đau cũng đã nhanh chóng biến mất, không còn gây chướng ngại nữa.
Hậu học từ nhỏ, lực ở đan điền khá yếu, nói chuyện nhiều lúc thở hổn hển, học bài thì lại đau đầu, hơi thở ngắn, khó giữ cho được liên tục, không thể làm được động tác đang nằm ngửa ngồi nhổm dậy. Sau này, do thực hành lễ Phật, vùng bụng tự nhiên sinh lực. Bây giờ, đã có thể làm được động tác đó rồi. Khi tụng niệm, hơi cũng được dài ra và không bị mệt, thở cũng được sâu và dài hơn.
Trước đây khí sắc của hậu học không tốt, nét mặt tái mét, hai tay thì vàng vọt, nhiều người gặp liền khuyên: “Có lẽ bạn nên tẩm bổ”. Bây giờ, thể chất thay đổi, khí chất cũng trở nên tốt hơn, không còn ai khuyên hậu học nên ăn đồ bổ dưỡng nữa.
Do lễ Phật nên thân thể đã có được nhiều cải thiện đáng kể, tâm cũng tương đối được chuyên chú an định, càng không phải khổ nhọc vì những bệnh vặt. Điều này khiến cho hậu học càng tin tưởng vào phương pháp lễ Phật phù hợp với những quy luật tự nhiên và những nguyên lý y học; càng có đủ tín tâm, vui vẻ, hăng say hơn trong việc lễ Phật. Một ngày không lễ Phật là một ngày trong lòng chẳng được thoải mái, an lạc.
Có người bảo rằng lễ Phật muốn lễ sao thì lễ, dùng phương pháp nào thì cứ dùng, đâu cứ phải là chính xác hay không chính xác. Phải biết rằng tư thế có thể làm cho cơ thể lành mạnh, cũng có thể gây ra tật bệnh. Then chốt là ở chỗ động tác khi thực hành có đúng phương pháp hay không.
Phật giáo dạy chúng ta bốn oai nghi: “Đi nhẹ như gió thổi, đứng vững như tùng bách, ngồi vững như chuông úp, nằm nghiêng như cây cung”. Đạo lý chính là đây, bởi vì mỗi một tư thế, động tác, đều có một ảnh hưởng sâu xa đến sự lành mạnh cho cả thân, lẫn tâm; cũng như ảnh hưởng lớn đối với bước tu hành thành tựu của chúng ta. Thân có lành mạnh, tâm có sáng suốt, tu hành mới được hanh thông, không chướng ngại. Không riêng chỉ ở lễ Phật, mà ngay cả trong cuộc sống hằng ngày, các tư thế không đúng, hoặc các động tác theo tập quán sai lầm, cũng có thể làm lệch đi cột xương sống, làm tắc nghẽn các huyệt đạo, thần kinh, nội tạng, v.v. Đó chính là nguyên nhân sinh ra các thứ bệnh tật, đau nhức và phiền não.
Do đó, khi đã phát tâm lễ Phật, tốt nhất là người tập phải áp dụng phương pháp nào thực sự đem lại lợi ích cho cả thân lẫn tâm, làm cho trí tuệ trở nên minh mẫn hơn. Sau cùng, hậu học thành tâm cầu nguyện, cho những ai khi lễ Phật đều được chư Phật gia bị và hộ niệm, phước tuệ tăng trưởng, đều được hưởng ơn pháp bảo lễ Phật thù thắng này; theo đó mà thực hành, cùng phát tâm Bồ đề, cùng hoan hỷ niệm Phật, cùng vãng sinh Cực lạc.
21. Chia Sẻ Về Kinh Nghiệm Lễ Phật (Phần II)
Chia sẻ của PGS. Bác sĩ Tạ Thanh Giai - Khoa Quản lý Dữ liệu, Đại học Đài Loan.
21.1. Một phương pháp lễ Phật tự nhiên, thoải mái
Pháp sư Đạo Chứng hỏi tôi: Bà có muốn viết một bài về những điều mình tâm đắc trong việc lễ Phật, để chia sẻ cùng quý liên hữu hay không? Khi lễ Phật, tôi cảm nhận được niềm hoan hỷ đặc biệt, nên vui vẻ nhận lời. Tôi chẳng câu nệ vì mình là phàm phu, lấy tâm của kẻ quê mùa mà viết lên những dòng này, tha thiết sẵn lòng chia sẻ cùng mọi người.
21.2. Nhiều người tập lấy việc niệm Phật, lễ Phật làm thời khóa hằng ngày
Nhớ lại mười năm trước đây khi mới bắt đầu học Phật, tôi gặp một nhóm người niệm Phật. Đa số họ đều lấy việc lễ Phật làm thời khóa hằng ngày, hoặc là lạy 24 lạy, hoặc lạy 48 lạy, hoặc 60 lạy, hoặc 108 lạy, hoặc 200, hoặc 300, hoặc 500, hoặc 600... Còn tôi thì hoàn toàn không biết lễ Phật, mà chỉ lễ theo cách mà bản thân đã học lỏm, hoặc phỏng theo cách thông thường của người khác. Tôi khởi tập lễ Phật với con số 48 lạy mỗi lần, rồi tăng dần cho đến 108 lạy. Và lấy 108 lạy làm định khóa, giữ liên tục như thế trong suốt mấy năm liền. Sau đó, tôi có duyên được tiếp xúc với phương pháp đại lễ bái của Mật giáo. Lúc bắt đầu học tương đối khó, nhưng vào một ngày kia khi tôi thực sự nắm được bí quyết cốt yếu, thì như cá gặp nước. Trong thời khắc khi toàn thân tôi gieo sát xuống nền đất, tôi như trao gửi hoàn toàn cho Đức Phật A Di Đà, không còn chỗ chướng ngại. Cho nên, tôi quyết định chuyển sang thực hành theo phương pháp đại lễ bái.
21.3. Sau khi phẫu thuật, việc lễ Phật bị ảnh hưởng lớn
Sau khi tôi mắc bệnh ung thư vú, phải cắt bỏ phần ngực bên phải, bác sĩ bảo tôi: “Từ nay về sau, tay phải không được tiêm thuốc, không được đo huyết áp”. Lần đầu nghe xong, tôi không biết sự việc đã nghiêm trọng đến mức độ nào. Từ đó, dưới nách phải thường bị sưng và đau, vai bên phải cũng căng nhức, thậm chí đau thấu cả đến xương bả vai phải, có lúc cánh tay phải có cảm giác như rụng rời khó chịu. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc lễ Phật. Khi lễ xuống, tôi phải dùng tay để phụ lực, chống đỡ lấy sức nặng của toàn thân. Lễ xong, khi đứng dậy, cũng phải sử dụng tay, ra sức chống đứng dậy. Do cánh tay phải, vai phải đều phải gánh quá nhiều sức khiến tôi khó chịu, nếu lễ nhiều một chút, thì cảm thấy mệt nhoài.
Nhất là, trong phương pháp đại lễ bái, lúc sụp lạy xuống, phải dùng hai tay chống chịu sức nặng toàn thân để nằm rạp xuống, hai tay phải chịu lực lớn. Tuy lễ không được nhiều, song lúc đó tôi cảm nhận dường như phương pháp đại lễ bái này không phải quá thích hợp. Cho nên, mặc dù ưa thích và hoan hỷ với phương pháp này, nhưng rồi tôi cũng đành phải dừng lại và thời khóa được đổi sang cách lễ Phật thông thường.
Tôi sở dĩ không buông việc lễ Phật là vì thực tình không lễ thì không chịu được. Thiết nghĩ, lễ Phật tuy vô cùng mệt, nhưng dù sao cũng tốt hơn so với không lễ, cho nên tôi cứ tiếp tục thực hành.
21.4. Lễ sám tiêu được nghiệp nặng nhưng do phương pháp lễ Phật không thích hợp, lễ Phật vô cùng vất vả, khổ sở
Sau khi lâm bệnh, nghĩ đến nghiệp chướng của mình quá sâu nặng, trong lòng tôi vẫn luôn tâm niệm rằng sám hối có thể diệt trừ được tất cả nghiệp chướng, thế nên tôi bắt đầu tu tập lễ sám. Phương pháp trong cuốn Bảo Vương Tam Muội Sám mà tôi đã chọn để áp dụng là do Lão cư sĩ Hạ Liên Cư trước tác lúc cuối đời. Trong đó, không những Ngài khai thị những chi tiết về đạo lý sám hối, cần phải sinh tâm hổ thẹn, sau không tái phạm, mà còn dung nhập với yếu nghĩa của Kinh Vô Lượng Thọ. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nhận định về quyển sám văn này như sau: “Lấy nhân hạnh của pháp tạng làm mẫu mực, lấy quả chứng của Phật A Di Đà làm chỗ nương tựa. Ngụ lý của sám là ở hành động sám, mọi người đều có thể bắt tay lễ sám”. Do đó, tôi lấy bản sám này làm thời khóa cố định, mỗi tháng lễ một lần.
Phân nửa đầu của thời khóa, khoảng chừng một tiếng đồng hồ, người tập quỳ tụng văn sám hối, hoặc lễ lạy. Một nửa thời khóa còn lại thì xưng danh hiệu Phật, mỗi danh hiệu của một Đức Phật lại lễ xuống một lạy. Liên tục lễ gần 300 lễ, điều này đối với tôi, sau khi bị phẫu thuật quả thực là một thử thách lớn. Mỗi lần, trước khi lễ sám, tôi đều phải tự động viên mình, phát khởi đại nguyện để có đủ năng lực và tinh thần, sau đó mới tiến hành lễ lạy. Sau khi lễ xong, tôi thấy hoàn thành được một việc lớn, nhưng dù lễ nhiều hoặc lễ ít, tôi đều cảm nhận hình như chưa được thích ứng, chưa được thoải mái cho lắm.
Bởi sau thời khóa lễ, nhìn tôi, các liên hữu liền bảo: “Ôi chà! Mặt mày chị sao mà sưng lên cả vậy?” Thêm nữa, tôi vì dùng sức chống để đứng lên nên khiến cổ tay và chân đều bị nhức. Nhất là dưới nách phải và bên bả vai phải, do ảnh hưởng của phẫu thuật nên tôi càng cảm thấy khó chịu hơn. Tuy bị sưng lên và đau nhức nhưng tôi nghĩ chưa đến nỗi tệ, cũng vẫn còn có thể chịu đựng được. Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng sám hối có thể tiêu trừ được nghiệp chướng, không chỉ nghiệp chướng của mình, mà còn là nghiệp tội của tất cả chúng sinh. Thậm chí, đối với các trọng tội như báng Phật, báng pháp, cũng đều có thể tiêu trừ nhờ ở lễ sám. Cho nên suốt cả năm dài tôi đều ra sức thực hành cách lễ sám này.
21.5. Vui mừng khi được nghe phương pháp lễ đến 300 lễ không biết mệt
Kỳ nghỉ hè năm trước, tôi được nghe qua băng thu âm của Pháp sư Đạo Chứng chỉ dạy cách lễ Phật rằng: Mỗi lần lễ 300 lễ, vừa không mệt, lại vừa không bị thở hổn hển, giống như chỉ mới vừa lễ xong một lễ mà thôi.
Tôi thầm nghĩ, điều này thật sự không thể tin được, nếu quả được như vậy thì quá tốt, thế là nghe đi nghe lại cuộn băng nhiều lần. Dựa vào ý Ngài dạy, tôi tự mình tìm tòi và bắt đầu lễ thử. Tuy có sửa đổi trong động tác lễ trước đây, nhưng do bản thân lĩnh ngộ chưa đầy đủ, nắm chưa được vững và chưa đi sâu vào phương pháp nên thực sự tự thân chưa hiểu rõ được phương pháp lễ Phật của Pháp sư như thế nào.
21.6. Nhờ Phật lực gia bị, nhận được bốn trang giảng giải cách lễ Phật, như được của báu, bắt đầu tự học
Thế là một năm trôi qua, trong lòng tôi luôn nguyện cầu, mong mỏi. Cuối cùng tôi nhận được một phần giảng nghĩa về cách lễ Phật, gồm bốn trang giấy. Trong đó, có phân tích bốn động tác, có kèm theo bốn hình đơn giản, rất dễ hiểu. Như được của báu, sau khi nghiên cứu tỉ mỉ, y theo lời dẫn giải, tôi bắt đầu thực hành, quả nhiên đỡ tốn sức rất nhiều so với phương pháp lễ Phật đã áp dụng lâu nay. Trước tiên, sự cải thiện tốt nhất là hai cổ tay tôi không còn bị đau nữa, chân cũng không còn bị nhức.
Tuy nhiên, kiểm nghiệm lại, hiện tại trong cách lễ của mình thấy vẫn còn rất nhiều động tác cũng như cách dùng sức không đúng, không thể tự nhiên buông lỏng mềm dẻo, thế nhưng phần lớn cũng đã có cải thiện. Phần dẫn giải nói rằng lễ Phật đều thu nhiếp tất cả sáu căn, động ở trong định, tôi mới nhận ra rằng việc lễ này không chỉ với mục đích lễ Phật thôi, mà còn là một hành pháp tự tâm quán chiếu trên cách thực hành của mình. Vấn đề chỉ là mình không biết được cần phải làm thế nào cho đúng cách để đạt hiệu quả.
21.7. Lễ tốn sức là bởi không biết thả lỏng, buông thư
Ban đầu lễ Phật, bản thân tôi tự thấy mình đã hao sức quá nhiều, nhất là trong năm động tác dưới đây:
1. Khom người.
Từ phần ngực, lưng, vùng bụng đến đầu gối, đẩy tự nhiên về phía sau, tạo thành một hình cung. Lúc ban đầu xương sống còn cứng, khó có thể làm đạt tiêu chuẩn. Nhưng lễ mỗi ngày sẽ được cải thiện thêm, lâu dài, động tác ngày càng thoải mái hơn, tư thế càng chuẩn hơn. Không nên mong mỏi trong thời gian ngắn mà thành thục ngay. Đến nửa năm sau, tôi mới cảm thấy tự nhiên trong các động tác lễ Phật này. Các bạn trẻ tuổi, họ học và làm rất giỏi, rất nhanh các động tác này. Các sinh viên của Đại học Thần Hi Xã Đài Loan, có nhiều vị tập được vô cùng nhanh chóng, không giống như tôi, phải trải qua nửa năm trời lễ lạy mới làm được.
Thực ra, chính việc buông lỏng, thư thả, khiến mình có thể làm được nhanh và giỏi các động tác này. Nếu tôi cố tâm dụng lực để thân mình gấp thành một hình cung sao cho có độ cong thật đẹp, thì kết quả, đương nhiên chẳng được tự nhiên. Nhưng nếu tôi cứ thoải mái mà làm, không ép tâm, không dụng lực, thì ngược lại độ cong của thân mình lại đạt được một cách tự nhiên.
2. Gập gối.
Bắp chân và đùi thẳng góc, cằm thu chạm sát ngực, như hai hình sau đây:
Trong hình chụp dưới đây: Bắp chân chưa được thẳng góc với bắp đùi, động tác không đạt tiêu chuẩn, nên là động tác sai cần phải sửa lại.
Đối với động tác này, phần đông người tập đều gặp phải vấn đề. Điểm chủ yếu là khi khom người, gập gối ngồi xổm xuống, trọng tâm phải được đặt ở điểm giữa khoảng cách hai gót chân. Tức là hoàn toàn sử dụng hai gót chân làm điểm tựa, đưa sức thẳng đến hai tay để chống đất, bắp chân phải giữ cho thẳng. Động tác này, lúc mới học rất khó làm, nếu không được thẳng góc thì bắp chân sẽ bị nghiêng lệch. Phần mông hạ xuống chưa đủ thấp, hoặc ngẩng đầu lên giữa chừng, như thế sẽ không được vững. Hoặc cổ còn gượng và hai tay đang chắp lại bị đưa về phía trước quá xa khoảng diện tích do hai mũi chân tạo ra, dễ khiến cho trọng tâm toàn thân không vững. Có khi trọng tâm bị đẩy về phía sau vượt qua khỏi gót chân nên bị ngã ngửa. Thử đi thử lại nhiều lần nhưng đều thất bại, đôi khi tôi suy nghĩ không biết động tác này có hợp với nguyên lý lực học hay không, căn bản là khó làm được!
Thật ra, suy nghĩ trong đầu chính là trở ngại lớn nhất, học Phật không thành, cũng thường do ở ý nghĩ sai lầm “tự cho mình là đúng” này. May là tôi có lòng tin lớn đối với Pháp sư, buông lỏng, thoải mái, tập đi tập lại động tác này. Trước mắt, không thể nói rằng mình làm đạt được tiêu chuẩn. Nhưng có thể nói, dần dần tự thân nhận được một sự thoải mái, nhẹ nhàng trong các động tác lễ Phật. Quả thực là bắp chân để thẳng, gót chân làm trợ lực thì đầu gối và đùi không tốn hao nhiều khí lực, lễ lâu ngày cũng không làm tổn thương đến đầu gối.
3. Quỳ hai gối xuống, sau khi quỳ chạm đất, hai đầu gối và hai mũi bàn tay đặt ngang hàng trên mặt đất.
Sau khi khom mình (cằm vẫn thu sát ngực), hai tay vươn ra trước áp xuống đất, hơi dùng sức chống đỡ cho đầu gối quỳ xuống. Sau khi đã quỳ xuống, hai mũi bàn tay và hai đầu gối đặt thẳng hàng trên mặt đất.
Phương pháp tôi áp dụng trước đây là hai tay đặt lên phía trước và cách đầu gối khoảng 15 - 20 cm, khi quỳ thì hai đầu gối ở sau, hai tay ở trước. Vì hai tay sử dụng lực để chống đỡ một phần sức nặng của cơ thể, cho nên hai cổ tay cũng phải chịu một lực khá lớn. Ban đầu, khi học quỳ, cách quỳ đặt hai đầu gối, hai mũi bàn tay thẳng hàng, thường khó ăn ý, nên không mấy được suôn sẻ, lúc nào cũng ngờ ngợ rằng: “Hay là mình đã hiểu sai ý dẫn giải rồi?”
Sau khi xem xét lại nhiều lần, không thấy gì sai, tôi vẫn kiên trì theo lời Pháp sư chỉ dẫn mà lễ, khoảng một tháng sau thì nhuần nhuyễn, lễ rất tự nhiên. Tôi mới phát hiện rằng, phương pháp này đã giảm bớt đi sức chống chịu ở cổ tay và khi lễ lâu, hai đầu gối cũng đỡ đau rất nhiều.
4. Quỳ ngồi.
Hai gối sau khi đã quỳ xuống, đến thế quỳ ngồi thì phần mông ngồi ngay trên hai bắp chân và mé bên trong hai gót chân. Lúc mới học, các khớp ở cổ chân còn cứng, rất khó làm, bởi vì lúc ngồi xuống mắt cá hai chân bị đau, nhưng khi đã ngồi được lâu sẽ không còn cảm thấy đau nhức nữa. Theo kinh nghiệm của tôi thì ước chừng hai hay ba tuần lễ là có thể ngồi được dễ dàng với một tư thế khá đẹp rồi.
5. Hít sâu vào.
Năm vóc sau khi chạm đất, ngả bàn tay để đón lấy chân Phật, tiếp đó, phải hít thật sâu vào để đứng lên. Lúc tôi mới bắt đầu học, hít không khí vào không được sâu, nhưng động tác này không khó, chỉ cần tập trung một chút, ai cũng có thể làm tốt được, đồng thời chẳng cần phải tập đi tập lại nhiều lần cũng đều có thể làm được, chỉ cần nhớ là hít thở cho thật sâu.
21.8. Mỗi ngày lễ 300 lạy, leo núi bốn giờ đồng hồ không mỏi mệt
Bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, mỗi ngày tôi lễ 300 lạy. Bởi vì, thời gian hoạt động hằng ngày đều dày đặc, nếu tăng thời gian lễ Phật, thì phải cắt bỏ thời gian vận động thể dục. Tôi đã đi bộ khoảng một năm, mỗi ngày 40 đến 45 phút trong công viên Đại An. Sau đó, tôi chuyển sang đi nhanh phối hợp đánh tay suốt một giờ, luyện được khoảng nửa năm. Để dành thì giờ lễ Phật nhiều hơn, do vậy, tôi phải dừng hết việc thể dục ấy. Dĩ nhiên tôi lại trải qua một nỗi lo âu, không hiểu thay đổi như thế này liệu có ảnh hưởng gì đến thể lực của mình hay không? Nhưng khi lễ Phật thì tôi vô cùng say mê, nên cũng quên luôn việc đó.
Đã khá lâu tôi không leo núi, đặc biệt tháng vừa rồi, tôi chọn một ngày chủ nhật, rủ bác sĩ Lý Phong cùng leo núi, cũng là dịp để kiểm tra thể lực của mình. Kết quả vô cùng phấn khởi, tôi leo núi theo hai vợ chồng họ suốt bốn giờ và tuyệt nhiên chẳng thấy mệt mỏi trên suốt chặng đường; trong khi họ lại là những kiện tướng leo núi một cách thường xuyên. Đủ thấy, lễ Phật có công năng duy trì sức khỏe rất tốt.
21.9. Cột sống tự nhiên điều chỉnh khiến bác sĩ chỉnh hình vô cùng kinh ngạc
Tết năm nay, con gái út tôi từ New York về, vừa xuống sân bay, nó bị trượt ngã vì băng trơn, nên phải đi khám chuyên khoa chỉnh cột sống. Tôi dẫn con đi gặp một y sĩ chỉnh hình có kinh nghiệm. Ông ấy là một Phật tử thuần thành, chúng tôi quen biết đã gần mười năm nay. Nhân thể, tôi cũng xin được chỉnh cột sống. Nào ngờ, ông ta vừa khám vừa kinh ngạc nói với tôi rằng: “Giáo sư Tạ, trường hợp của bà đã khác hẳn. Mười tháng nay bà không đến vậy mà đã khác hoàn toàn rồi. Cột sống và xương hông đều chuyển biến tốt. Thông thường như trước đây, mỗi hai tuần bà phải đến chỉnh kéo cột sống ra. Nhưng nay, cột sống hoàn toàn đã được chỉnh hẳn”. Ông ấy hỏi tôi, rốt cuộc bà đã chữa trị bằng cách nào vậy? Tôi phấn khởi và mạnh dạn đáp rằng: “Chính là do tôi lễ Phật!”
21.10. Huyết áp, nhịp tim tự nhiên được cải thiện
Sáu năm nay, kể từ ngày phẫu thuật, huyết áp của tôi đều là 90/60 mà nhịp tim thì chỉ dưới 60 nhịp/phút. Dù tôi nỗ lực bằng nhiều cách như: tĩnh tọa, uống thuốc bắc, cũng đều không có cải thiện. Sau nửa năm tập theo phương pháp lễ Phật của Pháp sư Đạo Chứng, mỗi ngày tôi lễ 300 lạy. Hai, ba tuần lễ trước đây, tôi đến phòng khám nhỏ của một bác sĩ gần nhà để khám tai. Khám xong, thấy trên bàn có máy đo huyết áp, tôi nhờ bác sĩ đo giùm, kết quả ngoài sức tưởng tượng, không phải là 90/60 như nhiều năm qua, mà là 110/70 (theo số đo của Đài Loan). Về đến nhà, tôi tự đo lại nhịp tim, cũng không phải là 60 như nhiều năm trước, mà là 70. Quả thực, công hiệu của lễ Phật thật không thể bàn cãi.
21.11. Vừa lễ, vừa xướng, vừa lắng nghe, vừa quán tưởng Phật A Di Đà để rèn luyện niệm Phật nhất tâm, đồng thời tạo thêm lực ở đan điền, không sợ lạnh nữa
Sau khi đã thuần thục các động tác lễ Phật, căn cứ theo lời dạy của Pháp sư, tôi kèm theo niệm Phật hiệu. Mỗi lạy, lúc thở ra được thực hiện đồng thời với tiếng niệm sáu chữ hồng danh. Khi đứng dậy hít vào thì không niệm. Lúc đầu, niệm không nhịp nhàng theo điệu, lạy nửa chừng thì chẳng còn hơi để tiếp tục niệm, muốn dùng liền hai hơi để niệm nhưng nghĩ không muốn làm sai lời Pháp sư chỉ dạy. Và cứ như thế mà liên tục lễ xuống, sau mỗi một câu hồng danh, tôi đành phải nằm sấp trước tượng Phật A Di Đà mà thở hổn hển, một lát sau mới hồi phục.
Có lần, niệm đến cạn hơi mà tôi vẫn cố sức niệm, kết quả ngực bên phải bị đau cả ngày, nên không dám ép mình như vậy nữa. Tuy nhiên tôi đã để tâm điều chỉnh hai việc chính như sau:
Trước lúc lễ Phật, hít vào một hơi thật sâu rồi mới lễ xuống.
Lúc đã lễ xuống, nếu lúc đó hơi chưa đầy phổi, phải hít sâu cho đầy, rồi cất tiếng niệm.
Lễ như thế được hơn ba tháng, tôi đã quen dần, không cần phải chú ý tới việc hít thở nữa, mà vẫn tự nhiên hít vào một hơi đủ để niệm Phật. Nhờ phối hợp giữa lễ Phật và hít thở, nên thân nhiệt cải thiện rất tốt. Tôi hay nói rằng mùa đông năm nay không lạnh, sau đó mới nghĩ hay do lễ Phật mà có hiệu quả như vậy. Vì mùa đông năm trước tôi mặc áo nhiều hơn thầy tôi. Còn hiện tại tôi chỉ mặc áo lót ở trong và áo sơ mi ở ngoài, còn thầy tôi mặc áo ấm khá dày. Ngoài ra, trong các khóa lễ công phu sáng, tối, tại chùa hay cộng tu Phật thất, tôi phát hiện được tiếng niệm Phật vang to và có lực hơn trước. Thực ra, kết quả lớn nhất thu được khi lễ Phật là có thể chuyên tâm xướng niệm, chuyên tâm lắng nghe, chuyên tâm lễ Phật, chuyên tâm quán tưởng Phật A Di Đà, rèn luyện được sự nhất tâm niệm Phật, tăng trưởng định lực, một lòng thành tâm niệm Phật. Đây là lý do, động lực chính khiến tôi say mê lễ Phật.
21.12. Biến khổ thành vui, càng lễ Phật, càng thoải mái, mọi đau nhức không thuốc tự khỏi
Bản thân tôi quả thực đã trải nghiệm lễ Phật theo phương pháp của Pháp sư Đạo Chứng, vừa tốn ít sức, lại vừa an tâm và khá thoải mái. Một ngày lễ 300 lạy, không còn là thời lễ quá gian khổ nữa, mà trở thành một bài học vô cùng hứng thú. Có khi, bê một vật nặng, cánh tay phải và vai phải đều thấy nhức nhối, khó chịu, mệt lả mà thời khóa lễ đêm vẫn còn 150 lạy, tôi vẫn cứ kiên trì lễ tiếp. Mỗi lần lễ, tôi đều ngạc nhiên phát hiện, sau 20 hay 30 lạy, thì mọi đau nhức khó chịu ở cánh tay phải và vai phải nay đã hết hẳn và trong người cũng không còn cảm thấy mệt mỏi, uể oải nữa.
21.13. Kiên trì lễ Phật, tăng trưởng định lực nhất tâm hướng Phật, ước mong trở thành một người chân chính chuyên tâm niệm Phật
Phương pháp lễ Phật này có những điểm khác biệt với cách lễ theo thói quen của một số người. Cho nên chúng ta cần phải có lòng tin kiên định. Bản thân tôi cũng đã từng có kinh nghiệm như thế này: Cứ cho rằng tự mình ở nhà lễ Phật cũng được, cũng rất tốt, nhưng sau khi cùng với các liên hữu đồng tu miệt mài lễ Phật, tôi mới phát hiện mình còn nhiều động tác làm chưa đúng tiêu chuẩn, cần phải điều chỉnh. Tôi chợt nhận thấy mình chưa hoàn toàn hiểu cách lạy mới này, tôi vô cùng chán nản, song vẫn cứ kiên trì. Tự mình hiểu được rằng: Phật pháp là kho pháp bảo vô tận, khi đã đạt được một bước tiến bộ rồi, cần phải tiến bộ thêm một bước nữa, không nên giậm chân tại chỗ, không nên tự mãn, mà luôn luôn trải tâm mình ra, cởi mở khai phát, tuôn chảy như suối nguồn.
Việc lễ Phật cũng thế, phải có lòng tin sâu sắc. Một khi lòng tin tràn ngập, chuyển hóa thành Phật lực, cùng tự tâm vốn đầy đủ công đức, cứ thế nối tiếp nhau, không dừng, không gián đoạn, tỏ rõ đến tận cùng. Thực ra, tôi chỉ là người mới học, song vì vô hình trung, hữu duyên tự thân gặt hái được nhiều lợi lạc, không riêng về mặt thể chất mà còn cả trên mặt tu định tuệ nữa. Cho nên, tôi vô cùng hoan hỷ viết lên đây, để chia sẻ cùng mọi người những gì mà bản thân mình tâm đắc. Sau cùng, tận đáy lòng, tôi cảm kích chư Phật, Bồ tát đã gia hộ để tôi được hưởng một nhân duyên thù thắng, là được học phương pháp lễ Phật này. Ước nguyện sao mình được mãi hữu duyên lễ Phật, luôn trông ngóng về với cõi Tây phương, quê xưa nguồn cội trăng thanh gió mát thuở nào. Tưởng nhớ tới Đức từ phụ A Di Đà thân thiết, từ dung đang dõi mắt trông chờ đứa con đã bao kiếp luân lạc, đang lang thang phiêu bạt nơi cõi Ta bà, sớm quay lại cố hương; sinh tín nguyện chân thật, tăng trưởng định lực một lòng hướng Phật, trở thành một người chân chính chuyên tâm niệm Phật. Nguyện cầu cho tất cả người tập niệm Phật, đều được đầy đủ thắng duyên, bước chân trên lộ trình hướng về Cực lạc, quê hương muôn thuở của mình.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Tôi đem thân, khẩu, ý, thanh tịnh đảnh lễ và đảnh lễ tất cả khắp pháp giới chư Phật, khi nào hư không này cùng dứt thì việc lễ lạy của tôi mới dừng.