Ni Pháp sư Đạo Chứng (thế danh: Bác sĩ Y khoa Quách Huệ Trân, sinh ngày 25 tháng 2 năm 1956, viên tịch ngày 19 tháng 6 năm Quý Mùi, Dương lịch năm 2003).
Pháp sư sinh tại Đài Trung. Ông nội là bác sĩ Đông y nổi tiếng. Cha của bà từ nhỏ đã theo ông nội học nghề y. Pháp sư thi đậu vào Trường Đại học Y Đài Loan, vừa học vừa thực hành. Từ nhỏ, Pháp sư đã chứng kiến và tiếp thu sâu sắc sự tận tình chữa trị, chăm sóc bệnh nhân của cha mình, nên khi tốt nghiệp, Pháp sư đã trở thành một bác sĩ tận tụy, hy sinh cho các bệnh nhân. Sau khi Pháp sư mắc bệnh nan y, thì cơ duyên đã đến, bà rũ sạch vạn duyên, xuất gia theo Phật. Sau khi Pháp sư xuất gia, bệnh tật vẫn dai dẳng không ngừng. Hai vị đồng tu cùng với nhiều huynh đệ, đều hết sức hỗ trợ Pháp sư, chỉ mong sao tìm ra phương pháp chữa trị cho bà. Khi nghe nói đến Tiểu mạch thảo là một loại dược thảo đặc biệt có thể trị các chứng ung thư, mọi người đã chạy đôn chạy đáo đi tìm. Họ chẳng ngại khó nhọc, tích cực sát cánh chăm sóc cho Pháp sư, chỉ hy vọng là Pháp sư chóng được lành bệnh. Trong tác phẩm Nhân duyên vẽ hình Phật của Pháp sư có lược viết về Tiểu mạch thảo. Hạt tiểu mạch đem ngâm nước, khi đã mọc mầm, thì xới đất, rồi đem gieo xuống, việc chăm sóc phải trải qua một quá trình hết sức khổ nhọc. Riêng sư phụ của Pháp sư, cứ nửa đêm thức dậy trì chú, để tưới nhuận Pháp âm Đại Bi lên cây Tiểu mạch thảo. Trước nghĩa cử cao cả, hình ảnh của một ân sư cần khổ, cặm cụi trong bóng đêm lạnh lẽo, tràn ngập tình thương yêu dành cho đệ tử của mình như vậy, thì bất cứ ai cũng cảm động vô cùng. Trong những tháng ngày lâm bệnh, có hai vị đồng tu âm thầm hy sinh, giúp đỡ cho Pháp sư vượt qua từng cơn hành hạ của bạo bệnh, cũng như những chướng nạn trên đường tu. Hai vị pháp sư lúc nào cũng ân cần, tận tình chỉ bảo để Pháp sư hiểu những lời chỉ dạy của Lão hòa thượng, nhằm mục đích bồi dưỡng thêm năng lực, giúp cho Pháp sư có thể vượt qua khó khăn trùng điệp trước mắt.
Trong Nhân duyên vẽ hình Phật, Pháp sư có viết một đoạn như sau: “Ân sư vô cùng từ bi, tất cả đều biểu hiện trong sự thử thách của bệnh khổ. Ngài giảng cho hậu học một số chỉ dạy của Lão hòa thượng Quảng Khâm. Hoài bão của Lão hòa thượng là mong mỏi mọi người, trong bóng tối của vô minh, khổ đau, mệt mỏi, bức bách, nếu không thể chịu đựng được, hãy đem tất cả những phiền não, đớn đau ấy mà cẩn trọng sàng lọc. Ngài nói với mọi người: “Chẳng lẽ, lúc lâm chung còn có thời gian để cho quý vị sàng lọc hay sao?” “Hoặc giả quý vị cứ nằm đó để đợi ân sư sàng lọc cho ư?” Lão hòa thượng nói tiếp: “Sàng lọc là công việc của quý vị, mà không sàng lọc cũng là công việc của quý vị”. Lúc lâm chung, chúng ta không còn cơ hội để lựa chọn. Thực tế, lúc đó tuyệt đối phải là khoảng thời gian để tâm nhẹ nhàng và thư thả, v.v. Cho nên cần phải nỗ lực tập luyện, chẳng nề hà bất kỳ khổ đau hay gian nguy nào. Hãy luôn luôn nhớ giữ gìn chính niệm. Bởi vì, sư phụ đã dạy cho hậu học như thế, càng phải tinh tấn niệm Phật hơn, nhất là trong những lúc bị rơi vào tình huống chao đảo, khốn đốn”.
Pháp sư như được tắm mình trong nước pháp Cam lồ, lấy nghịch cảnh để rèn luyện tâm mình. Mỗi lần vượt qua, mỗi lần bệnh khổ lại thuyên giảm. Cho nên, Pháp sư luôn nói lời cảm niệm công ơn của sư phụ. Trong tác phẩm Trùng con hóa bướm, Pháp sư viết: “Trên đường giác ngộ, hậu học vô cùng cảm kích công ơn của sư phụ. Đồng thời, trong quá trình tu đạo, hậu học cũng hết sức hữu duyên được gặp rất nhiều bậc sư trưởng từ bi. Điều này giống như lúc lâm bệnh, gặp được những vị giáo thọ tốt bụng. Các ngài không bỏ lỡ một cơ hội nào mà hết lòng giảng dạy, chỉ bày cho hậu học những bài học cũ, giúp cho hậu học bồi dưỡng thực lực, ngộ nhập được cảnh giới. Các ngài cũng lấy chính kinh nghiệm của mình mà tùy duyên chỉ dạy cho hậu học, để giúp hậu học khắc phục nghịch cảnh, vượt qua ngưỡng cửa khó khăn.
Trong cung cách đối nhân xử thế, Pháp sư Đạo Chứng là một tấm gương sáng. Pháp sư hết lòng thành kính, rất mực trọng đạo, quả thực không có sách vở nào có thể diễn tả được! Lúc lâm vào tình huống bức bách, khổ bệnh hành hạ, Pháp sư cũng vẫn bình tĩnh, tinh tấn, mạnh mẽ, với niềm tin sắt đá, miệt mài trì tụng năm bộ kinh của Tịnh độ. Pháp sư chịu đựng từng cơn đau dồn dập, giày xéo, vẫn nhất tâm cầu sinh Tây phương. Dựa vào cảnh giới và nghĩa lý của kinh điển, Pháp sư vẽ lên lụa năm bức chân dung của Đức Phật A Di Đà, để nhắc nhở, để an lòng những đứa con còn đang mê mờ, lang thang trong cõi Ta bà khổ đau, kham nhẫn này. Pháp sư lấy máu của mình chép Niệm Phật Viên Thông chương và Phổ Hiền Hạnh Nguyện phẩm; cho thu băng các tác phẩm Sen xanh tỏa hương, Nhân duyên vẽ hình Phật và in sách. Đồng thời, pháp sư viết rất nhiều pháp ngữ về niệm Phật để cùng kết pháp duyên Tịnh độ với mọi người; cũng là để báo đáp bốn ơn nặng, hướng dẫn rộng khắp người mê về bến giác... đó đều là nguyện lực và lòng từ bi vốn sẵn có của Pháp sư. Được biết vào năm 2002, trước khi cố Pháp sư vãng sinh, đại chúng, quyến thuộc của bà, thỉnh cầu bà đứng ra lãnh đạo Đoàn Phóng sinh Liên Tử. Pháp sư không chút do dự nhận lời, chẳng màng đến bệnh tình của mình và dùng hết sức mình nắm giữ và điều hành công việc để tiếp tục chí nghiệp của cố Pháp sư. Công việc được đẩy mạnh, tiến hành một cách hiệu quả và có kế hoạch. Nhờ kiến thức uyên thâm và nguyện lực to lớn của Pháp sư, nên Đoàn đã quy tụ được hàng ngàn hội viên và định kỳ tổ chức nhiều đợt phóng sinh lớn, cứu sống được vô số sinh mạng. Gần đây, xã hội bất ổn, cũng như bệnh tật hoành hành, đại chúng vô cùng hữu duyên và vững tâm vì nhờ có Pháp sư đảm trách điều hành lãnh đạo công tác...
1. Chính Mệnh Và Bồ Tát Hạnh
Pháp sư có đầy đủ thiện căn, khi học y, đã phát nguyện học Phật và tham gia Y Vương Học xã. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Đài Loan, Pháp sư hành nghề Đông và Tây y. Năm 1983, bà đến bệnh viện Cao Hùng làm việc. Năm 1984, Pháp sư hành hương tới Ấn Độ và viết cuốn Hành hương xứ Phật, kể lại cuộc hành trình tâm linh này. Có thể nói, đây là lịch trình nội tâm người tu hành đã trải qua trên con đường hướng về Bồ đề. Năm 1985, Pháp sư từ chức và đến bệnh viện Thuận Thiên ở Đài Trung, làm bác sĩ điều trị ung thư (bấy giờ Pháp sư là bác sĩ Quách Huệ Trân). Bà không chỉ dùng thuốc để điều trị cho bệnh nhân, mà còn lấy Phật pháp để giải tỏa những lo buồn ưu tư của người bệnh. Đó là những câu chuyện ngắn như nước Cam lồ tươi mát, ngọt lịm rót đầy vào tâm linh của người sắp lâm chung, dẫn dắt họ quy y Tam bảo, cầu sinh Tây phương. Pháp sư cũng thường được mời đến các Phật học xã đoàn để chia sẻ Phật pháp qua các bài diễn giảng Học y, học Phật và Lắng nghe tiếng hát sông Hằng, làm cảm động nhiều người. Trong những năm tháng hành nghề bác sĩ, Pháp sư đã tận tình giúp đỡ không biết bao nhiêu bệnh nhân ung thư, từ chỗ tuyệt vọng bên bờ sinh tử, dẫn họ đến biển đại nguyện của Di Đà từ bi. Pháp sư không nỡ để chúng sinh đau khổ, đem nước Cam lồ Phật pháp tưới nhuận lên tâm khảm của những người bệnh. Nhưng nghiệt ngã thay, cuối cùng chính Pháp sư lại mắc căn bệnh nan y này...
2. Duyên Xuất Gia Của Pháp Sư
Sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa, Pháp sư đến yết kiến Lão hòa thượng Quảng Khâm ở chùa Thừa Thiên. Lúc vừa gặp mặt, Lão hòa thượng khuyên Pháp sư nên rũ sạch vạn duyên, xuất gia tu học. Tuy vậy, lúc đó nhân duyên chưa đủ, Pháp sư đã lỡ mất cơ duyên quý báu xuất gia dưới trướng của Lão hòa thượng. Sau đó, được tin Pháp sư bệnh nặng, hai vị đệ tử của Lão hòa thượng là Pháp sư Truyền Duyên và Pháp sư Truyền Tịnh đến thăm Pháp sư, (Pháp sư lúc đó chưa xuất gia). Theo lời kể lại của Pháp sư Đạo Chứng, hai vị pháp sư Truyền Duyên và Truyền Tịnh vừa bước vào, bỗng nhiên Pháp sư thấy được khuôn mặt hiền từ của Lão hòa thượng đi giữa hai pháp sư. Thuận duyên đã đến, thiện căn cuối cùng đã chín muồi. Trước lễ Phật Đản năm 1987 vài ngày, bác sĩ Quách Huệ Trân đã rũ sạch vạn duyên lên núi ẩn tu, tam bộ nhất bái tới trước chính điện, thỉnh mời hai vị pháp sư từ bi, thành toàn cho tâm nguyện của mình. Sau đó vào ngày Phật Đản, Pháp sư đã được mãn nguyện xuất gia với pháp danh Đạo Chứng và phát tâm đến Đài Trung nghe Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giảng dạy Kinh Hoa Nghiêm và tham dự những buổi giảng nhỏ đầy ý nghĩa của Liên Xã.
Pháp sư tự chích tay, lấy máu viết kinh, vẽ bức tôn dung của Đức A Di Đà cao khoảng một tầng lầu, để mọi người chiêm ngưỡng và kết duyên Tịnh độ trên tinh thần: Tin sâu nguyện thiết quyết tâm vãng sinh, chứng vô sinh, chân thành niệm Phật, đủ đức, lập đức, thành tựu đức.
3. Duyên Ta Bà Đã Mãn
Năm 2003, ngày Bồ tát Quán Thế Âm thành đạo 19 tháng 6, năm Quý Mùi, biết trước ngày giờ ra đi, Pháp sư Đạo Chứng nằm thế kiết tường, niệm Phật xả bỏ nhục thân, vãng sinh Tây phương. Lúc lâm chung, chính niệm phân minh, Ngài bảo thị giả: “Tâm thái niệm Phật vô cùng quan trọng, phải biết là Phật đang thương con, và con đang nhớ Phật”. Ngài tiếp tục niệm Phật vài câu, rồi tự tại vãng sinh, thọ 48 tuổi, 17 năm tăng lạp. Lúc Ngài nhập liệm, dung nhan tươi tắn, toàn thân mềm mại.
Được tin Pháp sư Đạo Chứng vãng sinh, Pháp sư Truyền Tịnh liền điện thoại báo cho Pháp sư Truyền Duyên. Pháp sư Truyền Duyên lập tức chỉ thị, đưa Pháp sư về chùa Tổ để tiến hành tổ chức hậu sự, làm lễ trà tỳ. Pháp sư Truyền Tịnh vội vàng tới nơi Pháp sư Đạo Chứng tu tập khi còn sinh tiền, khi ấy Đoàn Phóng sinh Liên Tử đã có mặt tại chỗ và đang trang nghiêm trợ niệm. Khi Đoàn Phóng sinh Liên Tử được thông báo rằng hậu sự của Pháp sư sẽ được đưa về chùa Tổ, đại chúng đều nhất trí lấy lý do đường về nơi đó quá xa xôi, không tiện di chuyển và thỉnh cầu hậu sự được tổ chức tại nơi Pháp sư tu tập... Pháp sư Truyền Tịnh tiến thoái lưỡng nan, không thể làm khác được, đành miễn cưỡng đáp ứng yêu cầu của đại chúng.
Cuộc đời và đạo nghiệp của Pháp sư đã cống hiến cho cộng đồng Tăng Ni Phật tử khắp nơi nhiều bài học vô cùng quý giá. Tấm gương nhẫn nhục, tinh tấn nhất là ái ngữ và bản tính tinh cần, chịu đựng và nhẫn nại của Pháp sư khiến ai ai cũng mến mộ. Đặc biệt khi thuyết giảng bài Trùng con hóa bướm, giọng nói của Pháp sư qua từng lời, từng tiếng hết sức bình dị, từ tốn và mến thương không thể tả xiết!
Ân sư biết đệ tử của mình là một bậc pháp khí nên đã áp dụng đường lối tinh nghiêm giáo hóa Pháp sư. Nhưng hơn ai hết, Pháp sư thầm hiểu rằng, thầy mình muốn cho mình sớm được giác ngộ, nên chẳng bao giờ tỏ ý chểnh mảng, oán trách, buồn tủi, hay làm trái ý ân sư. Pháp sư đã đem hết khả năng thế học (bác sĩ y khoa) kết hợp với khả năng Phật học, cùng với những kinh nghiệm trực tiếp của bản thân, để nghiên cứu phương pháp lễ Phật, vừa nhằm vào mục tiêu y học trị liệu, vừa đạt được mục đích giải thoát.
Cuốn sách Lễ Phật và Y học là một pháp bảo, cũng là linh đơn quý giá, cứu giúp bao người vượt qua được những bức bách về thân bệnh do tư thế sai lầm hằng ngày áp đặt trực tiếp lên trên từng đốt xương sống, đồng thời phát huy tiềm năng của Phật tính bằng phương pháp lễ lạy đúng cách.
Pháp sư vãng sinh, cao đăng Phật quốc, để lại cho hậu thế một niềm mến thương khôn cùng. Người dịch thay đại chúng, xin đốt nén hương lòng dâng lên Ngài với tấm lòng thành kính tri ân. Nguyện đem công đức dịch cuốn sách Lễ Phật và Y học này, hồi hướng đến pháp giới chúng sinh được thắng duyên lễ Phật, niệm Phật viên mãn, thành tựu sinh về Tây phương và đồng thời hồi hướng tất cả đạt Vô thượng Bồ đề.