Quý độc giả thân mến,
Lịch sử loài người chưa bao giờ là một dòng phẳng lặng, luôn có những khoảng thăng trầm đan xen. Những gì diễn ra trong quá khứ chính là nguồn dữ liệu khả tín duy nhất để con người dựa vào, và quyết định xem trong tương lai họ muốn phiên bản nào trong vô số khả năng đang bày ra sẽ trở thành hiện thực. Có lẽ vì vậy mà từ thời xa xưa, con người đã có ý thức muốn ghi chép để lưu lại những biến cố của quá khứ làm bài học cho hậu thế. Trải bao thăng trầm, còn lưu lại đến ngày nay chỉ là một phần rất nhỏ những ghi chép, nghiên cứu sử học đã được viết ra từ cổ đại, phần lớn đều dang dở hoặc không toàn vẹn, nhưng cũng có những tác phẩm đã vượt qua thời gian một cách kỳ diệu để vẫn còn nguyên vẹn đến bây giờ. Một trong những ngoại lệ hiếm hoi ấy, may thay, chính là tác phẩm được coi là mở đầu cho sử học hiện đại phương Tây, Historiai. Được viết vào thế kỷ V trước công nguyên (TCN) bởi sử gia Herodotos thành Halikarnassos ở bờ biển Aigaion (nay là thành phố Bodrum thuộc lãnh thổ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ), tác phẩm là tập hợp các khảo cứu về lịch sử, văn hóa, phong tục, thiên nhiên, khí hậu, địa hình v.v. của những vùng đất mà tác giả đã tìm hiểu được, trong đó nhấn mạnh vào sự hình thành đế quốc Ba Tư cũng như nguyên nhân và diễn biến của cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư vào đầu thế kỷ V TCN.
Bản thân nhan đề tác phẩm, Historiai, vốn có nghĩa gốc là “khảo cứu, điều tra”, cũng đã cho thấy Herodotos khi đặt bút viết ra bộ sách của đời mình không bó hẹp ở lịch sử. Lần theo từng dòng tác phẩm, người đọc sẽ thấy tác giả đưa vào đó tất cả những hiểu biết, kiến thức ông sưu tầm được một cách cả trực tiếp lẫn gián tiếp, với mục đích để những điều đó được lưu truyền cho hậu thế. Kết quả là không ít những câu chuyện khó tin, vô lý, thậm chí hoang đường cũng được Herodotos đưa vào bộ sách của mình, một trong những lý do khiến ông từng bị gọi là “Cha đẻ của dối trá” bên cạnh việc được tôn xưng là “Cha đẻ của môn sử học”. Có lẽ vì ông đã quá trung thành với bổn phận người khảo cứu, ghi chép, đồng thời cũng đủ sáng suốt để ý thức được sự hạn chế của con người vào thời đại của ông trong khả năng lý giải thế giới. Có thể ông đã tự nhủ khi gặp một câu chuyện khó tin được thuật lại nhưng bản thân ông không đủ khả năng tự mình kiểm chứng: “À, chuyện này thật khó tin, nhưng biết đâu hậu thế sẽ lý giải được chăng, tốt nhất ta cứ chép lại như nghe được đã.” Sự khách quan trong ghi chép nhiều biến cố, sự vật của Herodotos đã được chứng tỏ khi từ những manh mối ông ghi lại các nhà khảo cổ đã tìm ra đường hầm dẫn nước trên đảo Samos hay dấu vết con kênh đào qua mũi Athos của Xerxes, vốn một thời gian dài bị coi là sản phẩm của trí tưởng tượng. Sự khách quan ấy còn thể hiện trong cả cách ông viết về những con người, nhân vật trong tác phẩm của mình. Dù là người Hy Lạp hay “man tộc”, mỗi nhân vật được đánh giá qua phẩm cách, tài năng của anh ta chứ không phải xuất thân hay chủng tộc. Bởi thế Herodotos từng bị các học giả Hy Lạp cổ đại chỉ trích là ưu ái những kẻ không phải người Hy Lạp, nhưng cũng bởi thế mà Historiai được đánh giá cao về tính khách quan.
Bên cạnh khía cạnh một tác phẩm biên niên về lịch sử, một khảo cứu về văn hóa, phong tục, địa lý, v.v., Historiai còn có thể được nhìn nhận như một câu chuyện lý thú, cuốn hút. Trong tác phẩm này, những ai thích tiểu thuyết lịch sử, chuyện cổ tích, ngụ ngôn có thể tìm cho mình những nhân vật, những câu chuyện thật hấp dẫn. Những nhân vật lịch sử được Herodotos kể lại trong Historiai không khỏi có phần được tiểu thuyết hóa, “bảy thực ba hư”, để trở thành những biểu tượng mang đậm tính ngụ ngôn. Ảnh hưởng của những nhân vật do Herodotos tạo ra là rất lớn trong văn hóa phương Tây, từ cổ đại đến hiện đại. Những câu chuyện trong Historiai đã trở thành đề tài cho vô số tác phẩm nghệ thuật, văn học, từ xa xưa cho tới hiện đại, gần gũi với chúng ta như truyện tranh 300 của Frank Miller lấy cảm hứng từ trận Thermopylai, hay thậm chí cảnh bầu vua hải tặc trong loạt phim Cướp biển Carribean cũng phảng phất sự trào lộng ngấm ngầm của Herodotos khi ông mô tả cuộc bầu chọn đô đốc xuất sắc nhất của liên quân Hy Lạp sau trận Salamis. Hy vọng rằng với sự xuất hiện của bản dịch tiếng Việt, Historiai sẽ đến gần hơn, quen thuộc hơn với bạn đọc Việt Nam.
Herodotos biên soạn Historiai bằng tiếng Hy Lạp cổ đại, một từ ngữ giờ đây còn rất ít người thành thạo, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bản tiếng Việt trên tay quý vị được chuyển ngữ qua bản dịch tiếng Anh do G.C. Macaulay dịch từ nguyên bản Hy Lạp cổ đại, được nhà xuất bản Macmillan phát hành lần đầu năm 1890. Để đảm bảo độ chính xác và nhất quán của quá trình chuyển ngữ, chúng tôi đã tham khảo thêm một số bản dịch tiếng Anh khác như bản của G. Rawlinson (Wordsworth Classics) hay bản của P. Mensch (Hackett), và bản dịch tiếng Pháp của Larcher. Để giúp cho quý độc giả thuận tiện hơn trong quá trình đọc tác phẩm, chúng tôi đã bổ sung một số cước chú cũng như mục lục các nội dung chính và niên biểu các biến cố được mô tả, cùng với danh sách địa danh, nhân vật và một bản đồ về diễn biến chính của chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư.
Trong quá trình đọc, quý độc giả hẳn sẽ ngạc nhiên với việc mỗi quyển của Historiai được chia thành nhiều tiết có đánh số thứ tự. Đây là dấu vết của hệ thống phân chia văn bản cổ xưa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, sao chép, nhất là ở thời kỳ chưa có công nghệ in ấn. Văn bản của Historiai được truyền tớingày nay dưới dạng chia làm 9 quyển, từng quyển phân chia làm nhiều tiết, như vậy chỉ cần nói tên quyển, số tiết là có thể tham chiếu được nội dung tương ứng, ví dụ như “Kleio, 18” là tiết số 18 trong quyển 1 Kleio của Historiai. Việc chia quyển, chia tiết này được thực hiện từ bao giờ, do Herodotos tự thực hiện hay do người đời sau, cho tới nay vẫn chưa thể biết chính xác. Song nhiều khả năng Historiai cũng như nhiều văn bản cổ Hi – La khác đã được các thư lại Byzantine tại thư viện Constantinople thực hiện việc phân chia chương, tiết một cách hệ thống dưới thời Đế quốc Byzantine.
Historiai là tác phẩm do một tác giả cổ đại viết về thời kỳ cách đây đã 25 thế kỷ, vì vậy trong quá trình chuyển ngữ, chúng tôi trong một số trường hợp đã sử dụng một cách gọi mới nhằm dịch một số thuật ngữ chưa có từ tương ứng trong tiếng Việt. Chẳng hạn, từ “oracle” trong bản tiếng Anh vừa dùng để chỉ những người có năng lực giao tiếp với thần linh và truyền đạt câu trả lời của vị thần, vừa dùng để chỉ lời phán của thần hay những ngôi đền nơi lời phán của thần được đưa ra. Trong bản Việt, để nhấn mạnh sự khác biệt này, “oracle” sẽ được chuyển ngữ là “dự ngôn giả” khi chỉ người, là “thần dụ” khi chỉ lời phán của thần linh và “thần miếu” khi chỉ ngôi đền nơi dự ngôn giả sinh hoạt và trông nom, tùy theo văn cảnh cụ thể. Những trường hợp như vậy chúng tôi đều có chú thích ở chân trang sách, và mong quý độc giả lưu ý rằng chúng tôi chỉ sử dụng cách chuyển ngữ như vậy với ý nghĩa tương ứng trong phạm vi hẹp của cuốn sách này. Bên cạnh đó, tất cả tên nhân vật, địa danh trong bản dịch này chúng tôi giữ nguyên tên gốc trong tiếng Hi Lạp cổ (ngoại trừ “Herodotos” như đã viết), một số tên gọi này có thể hơi khác so với các tên gọi hay dùng trong tiếng Anh, tiếng Pháp, ví dụ như Kroisos thay vì Croesus, hoặc Athenai thay vì Athens v.v.
Để có được bản dịch Việt ngữ quý độc giả đang cầm trên tay, người dịch đã nhận được sự giúp đỡ chu đáo, cẩn trọng, xuất phát từ sự say mê, trân trọng với văn hóa Hi – La cổ đại của anh Trần Tuấn Hải, một người trẻ tuổi, nhiệt huyết, với tinh thần trách nhiệm cao. Người dịch xin gửi tới anh Trần Tuấn Hải lời cảm ơn chân thành nhất.
Vẫn biết chúng tôi có nỗ lực đến mấy cũng không thể tránh khỏi những điểm chưa toàn bích do phải qua một cầu ngôn ngữ trung gian, song trong lúc chờ đợi một bản Việt ngữ hoàn chỉnh hơn, lý tưởng nhất là chuyển ngữ trực tiếp từ nguyên tác Hy Lạp cổ đại, chúng tôi hy vọng bản dịch này có thể truyền tải tới quý độc giả trọn vẹn về mặt nội dung một kiệt tác đã vượt qua được thử thách 25 thế kỷ thời gian.
Chúc quý vị một chuyến du hành ngược thời gian thú vị cùng những câu chuyện kể của Herodotos!
Hà Nội, xuân 2019