“Vệ-đà không giá trị,
Sinh tộc không giá trị,
Chỉ với ai tịnh hạnh,
Được an lạc đời sau”.
(Chủ yếu dựa vào Kinh tạng Nikāya)
1. SỨC MẠNH NỘI TẠI ĐỂ TRUYỀN BÁ CHÍNH PHÁP
Sự ra đời của đạo Phật trong kỷ nguyên tỉnh thức tôn giáo
Đạo Phật ra đời ở giai đoạn chẳng những Ấn Độ mà cả Hy Lạp, Ba Tư, Trung Quốc đều đang chứng kiến các vấn đề tôn giáo nổi dậy. Đó là sự xuất hiện của Socrates cùng những học trò ưu tú của ông cũng như những triết gia cùng thời ở Hy Lạp, Ba Tư rồi Lão Tử, Khổng Tử ở Trung Hoa. Tại Ấn Độ, tập tục tế tự của Bà-la-môn giáo hình thành gắn liền với việc thảm sát hàng trăm vật tế đã diễn ra khá lâu (tính đến đầu thế kỷ thứ VI trước Công nguyên). Tập tục này dần phát triển thành hệ thống nghi lễ phức tạp. Những chi tiết hành lễ đó thất bại trong việc áp đặt tín ngưỡng đối với người Hindu khi họ bắt đầu nghi ngờ rằng liệu việc dâng cúng Chư Thiên, xây dựng các đền thờ, tích lũy vô số phẩm vật, tụng đọc chân ngôn (mantra), ca xướng thi tán, chuộc tội lỗi bằng cách cúng tế… có thực sự đạt được sở nguyện không hay rốt cuộc chỉ tiêu tốn thời gian, công sức và các chi phí. Người ta vẫn tin tưởng rằng nếu thực hiện việc tế lễ đúng sẽ có khả năng đảm bảo tài sản, sức khỏe, tuổi thọ, sức mạnh, thiện tâm và ân huệ của Chư Thiên ở cõi đời này cũng như hạnh phúc ở đời sau. Song, sự mơ hồ về niềm tin đã khiến họ bắt đầu đặt ra vấn đề: Phải chăng niềm tin đó đã sai lầm và kết quả không bao giờ đạt được? Bên cạnh những lễ tế phức tạp với sự hỗ trợ của các ẩn sĩ Bà-la-môn (vānaprastha và yati), các gia chủ còn có những nghi thức ngắn gọn khác, hoặc không cần bất kỳ chi tiết lễ nghi nào mà chỉ cần ý niệm về đấng tối cao là đủ. Nếu những nghi thức đơn giản này là đúng đắn thì phải chăng không thể có nghi thức nào khác đơn giản như thế phù hợp với số đông, không rườm rà phức tạp, hoặc có cách nào kết hợp với những nghi thức đơn giản dành cho người gia chủ hay không?
Các quan điểm nghi ngờ tương tự đã góp phần không nhỏ trong sự tiến bộ và chống lại Kiền độ (karmakāṇḍa) trong bộ Phạm Thư (Brāhmaṇa), đặc biệt là đối với tội ác giết hại động vật để tế lễ đã bắt đầu manh nha trước khi đức Phật ra đời và tuyên thuyết chính pháp. Đạo Bà-la-môn cho phép nhiều bản sao quan điểm triết học và tôn giáo lớn mạnh bên trong họ mà không hề chống đối hay hạn chế. Trên thực tế, mấu chốt của việc tiếp nhận sự dung hòa này là do tuy có quan điểm trái ngược, thậm chí chống đối về một hoặc nhiều phương diện của học thuyết Bà-la-môn nhưng vẫn cho thấy sự trung thành đối với một số học thuyết tuyệt đối căn bản của họ như: gắn chặt với kinh điển Vệ-đà, niềm tin vào thẩm quyền của Vệ-đà, thờ cúng bất kỳ vị thần Bà-la-môn nào, thừa nhận thẩm quyền của các Bà- la-môn hoặc đồng ý với hệ thống giai cấp… Chỉ khi nào nắm rõ vấn đề này, chúng ta mới hiểu được làm thế nào mà các giáo phái Thuận Thế luận (Cārvāka) và Số luận (Sāṁkhya) vừa có thể bảo vệ học thuyết của họ, vừa được Bà-la-môn thừa nhận là chính thống. Rõ ràng, tính mềm dẻo, uyển chuyển là sức mạnh của đạo Bà-la-môn. Chính tính tồn tại dung hòa này là một sự trói buộc. Bằng cách đó, khi một bộ phái đã bị cột chặt vào Bà-la-môn thì dù kéo giãn họ ra một khoảng cách thật xa vẫn không bị chia rẽ. Đó là lý do Bà-la-môn có thể phát triển thành một tôn giáo gồm nhiều nhánh, trải rộng khắp tiểu lục địa Ấn Độ. Tuy nhiên, học thuyết của giáo phái phi chính thống ít nhiều vẫn mang dáng dấp của một giáo phái thuộc Bà-la-môn. Đức Phật đã vượt qua được giới hạn đó. Ngài đứng vững như một tảng đá ngăn chặn dòng chảy tôn giáo để định hướng lại niềm tin đúng đắn cho quần chúng theo giáo pháp của chính Ngài. Đức Phật dạy chân lý tâm linh không nằm ở những việc cúng tế; không thuộc thẩm quyền của Vệ-đà; không dựa vào thờ cúng nhiều vị thần Bà-la- môn; không tuân theo các quy tắc giai cấp; không ở những phép tu luyện hão huyền của A-khoát-bà Vệ- đà (Atharva-veda); không bằng những hình thức cực đoan như tự sát. Nói ngắn gọn, chân lý không nằm ở niềm tin và những lễ tiết chỉ vì lòng trung thành với tín ngưỡng Bà-la-môn, mà ngược lại, nền tảng của Phật giáo được xây dựng trên quan điểm chân lý nằm ở ngay sự tu tập, rèn luyện chính mình với quả vị tối thượng là A-la-hán.1
1 “Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, con người được tuyên bố là có thể đạt được giải thoát bằng chính mỗi cá nhân, thông qua cuộc đời này, không phụ thuộc vào Thượng Đế hay Chư Thiên ở bất cứ cấp bậc nào”. T. W. Rhys Davids; Những Bài Giảng Của Hibbert Năm 1881: Thuyết Trình Về Nguồn Gốc Và Sự Phát Triển Của Tôn Giáo; trang 29.
Đức Phật phản đối việc tế lễ
Đức Phật bày tỏ quan điểm phản đối mạnh mẽ trong việc cúng tế và những hoạt động, nghi thức tế lễ, chống lại việc học thuộc lòng và tụng đọc lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa các mantra trong Vệ-đà. Đức Phật phê bình rằng: Các Bà-la-môn chẳng qua chỉ là những người lặp lại những câu thi tán được soạn bởi các bậc Thánh cổ xưa như Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta… Ngài cũng đả kích những tế lễ đòi hỏi tốn kém không cần thiết bằng cách vạch trần mưu đồ muốn biến các buổi cúng tế thành công cụ kiếm tiền, làm giàu cho bản thân của các Bà-la- môn. Những nghi thức và việc máy móc theo sự sai khiến của các tế sư Bà-la-môn nhằm duy trì đồ chúng mê tín dưới sự giám sát tuyệt đối và suốt đời là hoạt động vô nghĩa. Trong Kinh Tệ Túc (Pāyāsi), Ngài Cưu-ma-la Ca-diếp (Kumāra Kassapa), một đệ tử trực hệ của đức Phật hướng dẫn thái tử Pāyāsi: Hãy thực hiện pháp tế lễ nào mà không có giết hại, đó là loại tế lễ cao cấp hơn, tốt hơn so với tế lễ có giết hại. Quan điểm tương tự được đức Phật trình bày trong Kinh Cứu-la-đàn-đầu (Kūṭadanta) về những tế đàn được tổ chức theo mức độ tăng dần của lòng từ bi được sắp xếp như sau:
(1) Tế lễ giết hại chúng sinh;
(2) Tế lễ với sữa, dầu, bơ, mật ong, đường;
(3) Tế lễ với từ tâm bố thí - đặc biệt là cúng dường cho các bậc Thánh;
(4) Xây dựng tự viện; (5) Sự trì giới;
(6) Tế lễ với bốn thiền định.
Nói ngắn gọn, đức Phật phê phán một cách chung chung các loại tế lễ và coi đó là một loại hình nghệ thuật thấp kém, không xứng đáng với bất kỳ điểm nào theo như Bà-la-môn tự nói về họ.1 Lần đầu tiên trong lịch sử tôn giáo Ấn Độ xuất hiện một nhân cách vượt trội với tình yêu vô tận đối với chúng sinh, từ con người cho đến loài côn trùng thấp kém nhất. Ngài cảm thương sâu sắc đối với những thảm cảnh kinh hoàng mà hệ thống tế lễ Bà-la-môn chất chứa. Hàng nghìn tế vật dù không thể phản kháng hay nói lên nỗi thống khổ bằng ngôn ngữ rõ ràng, nhưng chúng cũng là những sinh mệnh có tình thức như con người và đều cảm nhận được nỗi đau đớn khi bị sát hại.
1 Trong Kinh Trường Bộ I (Kinh Phạm Võng) và Kinh Trung Bộ I, đức Phật có nói về tính không hiệu quả của việc tế lễ (yajña).
Lần đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ, một cá nhân đơn độc dám mạnh dạn chống đối quyết liệt đối với tất cả mọi tập tục mà xã hội Bà-la-môn thiết lập, bằng thủ đoạn gắn liền với niềm tin tâm linh của toàn bộ người dân Ấn nhằm phục vụ lợi ích riêng cho giai cấp thống trị. Và cũng là lần đầu tiên một người Ấn dám bảo vệ chính kiến của mình, thông qua thực tiễn cải cách những yếu tố xã hội đang tồn tại, để lập nên một tổ chức có thể dập tắt hoặc chấm dứt những tư tưởng tu luyện trái ngược ở Ấn Độ qua nhiều thế kỷ. Cho đến thời đại ngày nay, hoài bão của nhà cải cách vĩ đại ấy vẫn còn đang tiếp tục được hiện thực hóa với phạm vi rộng lớn ở vài địa phương thuộc Ấn Độ và một số quốc gia khác.
Giáo lý bất bạo động và lòng từ bi
Giáo lý bất bạo động (ahiṃsā) đã chạm mạnh đến trái tim người dân. Ngay chính các Bà-la-môn cũng cho rằng đức Phật là một hóa thân của thần Hindu. Mahāvira tuy khởi xướng tư tưởng bất bạo động tại Ấn Độ trước đức Phật nhưng đệ tử của ông lại thực hiện quá đà khiến các Bà-la-môn không tôn trọng. Trong khi đó, đức Phật cũng chủ trương tinh thần bất bạo động nhưng với quan điểm hợp lý nên thu hút được mọi người. Bất kỳ truyền thống tín ngưỡng nào Ngài cũng có thể tìm hiểu, không vấn đề gì cả. Mọi người đều biết rằng, nhờ đức Phật truyền đạt tư tưởng tiến bộ, cởi mở nên không có một chút sứt mẻ nào giữa tín đồ Bà-la-môn và Phật tử, mà ngược lại, họ còn tôn thờ Ngài như là một hóa thân (avatāra). Một minh chứng rõ ràng là, với tình thương vô hạn thấm nhuần trong trái tim, đức Phật đã khiến cho những kẻ thù ganh ghét mình cũng phải tỏ lòng kính ngưỡng, tôn thờ Ngài ngay tại ngôi đền thờ các vị thần của họ.
Thuyết bất bạo động thực ra xuất phát từ lòng thương (mettā), chẳng những không gây tổn hại cho chúng sinh mà còn ban trải tình yêu thương, chấm dứt việc gây ra sầu khổ cho muôn loài, ở bất cứ đâu và dưới bất kỳ hình thức nào. Tinh thần này đã được hiện thực hóa bằng nhiều công tác cộng đồng như: xây dựng bệnh viện, đào giếng, làm hồ bể… nhằm làm dịu bớt nỗi khốn khổ của nhân loại, hoặc cung cấp tiện nghi tích cực, thoải mái ở những nơi đang thiếu thốn. Chúng ta phải thừa nhận sự lớn mạnh của tinh thần này bắt nguồn từ tôn giáo. Tuy nhiên, việc thực hiện ứng dụng của mỗi tổ chức tôn giáo độc lập và ngân khoản tài trợ tôn giáo được bắt đầu từ những cách thức riêng để tiến hành những hoạt động mang lại phúc lợi. Theo quan điểm phổ biến này, cách nhìn nhận mang tính giai cấp của các Phật tử về địa vị cao sang và thấp hèn - những điều vốn dĩ không hề tồn tại trên thực tế, trong nhiều trường hợp gắn liền với lòng thù hận hẹp hòi mà cản trở việc thực tập tâm từ (mettā bhāvanā). Tôi sẽ bàn cụ thể vấn đề này sau. Còn bây giờ, tôi muốn bàn về việc đức Phật đã nhiều lần khuyên dạy các đệ tử của Ngài tu tập tâm từ (mettā), dùng làm phương tiện để đạt được viên mãn thiền định (samādhi) cùng với tâm bi (karuṇā), tâm hỷ (muditā) và tâm xả (upekkhā).
Quan điểm bác bỏ giai cấp
Đức Phật chẳng bao giờ lập ra một mô hình tuyệt đối về tổ chức xã hội để thông qua đó xóa bỏ những điểm đáng lên án mà Ngài được chứng kiến trong xã hội Bà-la-môn thời đó. Ngài chỉ tìm hiểu và bàn về những chủ đề tâm linh, giải đáp thắc mắc mọi người đặt ra, đôi lúc phản đối xã hội phân biệt giai cấp của Bà-la-môn và những điều kỳ quặc khác. Ngài vận dụng tư duy lý luận cho lập trường của mình để phê phán chủ nghĩa giai cấp bằng mọi giá. Quan điểm Bà-la-môn đặt trên nền tảng về nguồn gốc sinh ra và dựa vào vũ trụ quan để thiết lập bốn giai cấp theo thứ tự các bộ phận cơ thể từ trên xuống dưới của một đấng quyền năng vĩ đại. Đấng quyền năng (puruṣa) ấy được tin tưởng là đã tồn tại từ thời điểm vũ trụ hình thành.1 Trái lại, bằng cách nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này, đức Phật nêu rõ con người ở vị trí hạ tiện hay cao quý là nhờ vào phẩm chất chứ không phụ thuộc hoàn cảnh sinh ra.2 Đánh giá vũ trụ quan sai trái của Bà-la-môn, thay vào đó, trong Kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Aggañña Suttanta), đức Phật đã đưa ra cách hiểu mới về thế giới hiện tượng do chính Ngài khám phá, mô tả bản chất thực sự của vạn pháp. Trong bản kinh này, Ngài đề cập đến sự suy đồi của chúng sinh hữu tình bắt đầu từ Chư Thiên với phẩm chất cao thượng cho đến cuối cùng là những chúng sinh thấp kém. Những chúng sinh thấp kém là do kết quả nghiệp hình thành. Họ dễ bị thay đổi số phận từ giai cấp này sang giai cấp khác, thấp hoặc cao hơn, tùy thuộc vào sự vun đắp các nghiệp theo khuynh hướng giai cấp mới. Để giải đáp cho những câu hỏi3 và khai thông vấn đề thảo luận, đức Phật có hàm ý chỉ ra cho mọi người thấy Sát-đế-lợi (Kṣatriya) cao thượng hơn Bà-la-môn (Brāhmaṇa). Nếu nhờ phẩm chất đạo đức mà Sát-đế-lợi cao thượng hơn Bà-la-môn thì việc Bà-la-môn xem yếu tố nguồn gốc sinh ra là tiêu chuẩn để phân hóa giai cấp sẽ không được ủng hộ. Trên thực tế, rõ ràng có một số Bà-la-môn tự tuyên bố là cao thượng nhất trong xã hội lại có thói quen và phẩm chất đạo đức thấp kém hơn so với nhiều người thuộc giai cấp dưới. Đức Phật vạch ra thực tiễn này để cho thấy sự sắp đặt trật tự một cách phi lý, đưa những người có phẩm chất thấp kém lên vị trí cao hơn trong xã hội. Chúng ta không thể mong đợi nhiều hơn sự chỉ trích mạnh mẽ từ đấng hóa thân của lòng từ bi đối với thực trạng giai cấp, bởi làm như vậy sẽ có thể bị coi là cú đánh mạnh vào ác tâm và lòng thù ghét. Rất nhiều các đoạn kinh văn thể hiện tính uyển chuyển và giải pháp hợp lý của đức Phật về vấn đề giai cấp. Những gì Ngài đắn đo là tìm ra một trật tự hợp lý cho cư sĩ tại gia [và không áp dụng đối với chư Tăng]. Về đời sống xuất gia, không có bất kỳ sự phân biệt nào ngoại trừ thành tựu có thứ bậc về mức độ thăng tiến đạo đức và tâm linh trên lộ trình đến A-la-hán quả. Như những dòng sông mất đi chất riêng của chúng khi hòa nhập vào biển cả, cũng vậy, chư Tăng xóa bỏ mọi sự khác biệt về vị thế xã hội sau khi xuất gia tu học. Nếu quan sát sẽ thấy thái độ của đức Phật đối với các giai cấp chính là sự bày tỏ tình tương thân tương ái trong mối quan hệ giữa con người với nhau, và Ngài muốn ban rải tình thương đó khắp muôn loài.
1 Ṛg Veda; khổ thi tán với chủ đề Puruṣa-sūkta.
2 Trong Kinh Bổn Sanh (Jataka) cũng nói về tư tưởng cho rằng Bà-la-môn không chiếm vị trí đặc biệt nhờ vào nguồn gốc sinh ra mà nhờ vào đức hạnh tạo nên một Bà-la-môn đúng nghĩa.
3 Kinh Ambaṭṭha (Trường Bộ Kinh); Kinh Assalāyana và Kinh Madhurā (Trung Bộ Kinh).
Đức Phật chủ trương loại bỏ giai cấp và tế lễ - hai nền tảng chính của Bà-la-môn giáo lúc đó. Chính vì vậy, Ngài không tuân theo quy định của các Bà- la-môn trong việc chấp nhận thẩm quyền của Vệ- đà. Bởi, nếu chấp nhận Vệ-đà thì chẳng khác gì đức Phật đồng ý với hệ thống giai cấp và tế lễ mà Ngài đã chỉ trích. Đây chính là thái độ mang tính logic, thích ứng với những gì Ngài đã thẳng thừng phủ nhận thẩm quyền của kinh văn Vệ-đà.
Trong truyện tiền thân Sīlavīmaṁsa1, Bồ Tát nói:
1 Kinh Bổn Sanh.
“Vệ-đà không giá trị,
Sinh tộc không giá trị,
Chỉ với ai tịnh hạnh,
Được an lạc đời sau”.
Đức Phật không tin vào thuộc tính Thiên khải của Vệ-đà, khẳng định luôn rằng các vị Thánh cổ xưa như Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta… chẳng bao giờ thấy được Phạm Thiên để nhận kinh điển Vệ-đà từ vị ấy.2 Với việc bác bỏ tính huyền khải của Vệ-đà thì thẩm quyền của các kinh văn đó không còn nữa. Kể cả các vị thần được Vệ-đà nói đến cũng chỉ là những chúng sinh hữu tình tiến triển từ loài người, trải qua lộ trình nỗ lực tu tạo phúc đức thành tựu các tính thiện. Tôn thờ các vị Trời là vô ích vì họ chẳng thể nâng tầm con người lên cao hơn bằng sức mạnh của họ. Chỉ có nhờ vào chính phúc đức của tự thân mới có thể làm cho vị ấy thăng hoa phẩm hạnh và tâm linh, không nhờ bất cứ sự hỗ trợ nào từ các vị thần bên ngoài. Đây chính là nội dung Kinh Phạm Võng (Brahmajāla Suttanta):
2 Kinh Tam Minh (Trường Bộ Kinh);
“Tất cả các tư tưởng gia ở thời kỳ tân Vệ-đà đều nhất trí với nhau việc đánh giá bốn bộ Vệ-đà, và rằng khoa học Vệ-đà là nguồn tri thức thấp”; B. M. Barua; Lịch Sử Triết Học Ấn Độ Thời Tiền Phật Giáo (A History of Pre-Buddhistic Indian Philosohy), trang 193, 243.
“Thờ Trời, bậc vĩ đại,
Cầu Thiên nữ Sīri
Là vị thần may mắn,
Nguyện cúng một Thiên nam
Bậc ban bố lợi lạc,
Hiến lễ đến Chư Thiên
Là hạnh nghiệp thấp hèn,
Chính vì thế Như Lai
Bậc ẩn sĩ lánh xa”.
Phản đối những phép tu huyễn thuật
Đức Phật can ngăn việc tu luyện huyễn thuật và nghi thức trong A-khoát-bà Vệ-đà, kể cả các môn nghệ thuật khác như chiêm tinh, khiến con người đánh mất đời sống chính mạng. Ai cũng có thể cảm nhận được những cách tu luyện này thật ấu trĩ. Chẳng hạn, có người thấy mình ngồi trên lưng chim ưng đang đậu ở mái nhà…, bị cho là điềm xấu liền làm lễ để ngăn chặn hậu quả. Các cá nhân thực hiện những nghi thức huyễn thuật với niềm tin sẽ đạt được điều mình mong muốn nhờ vào phúc lành từ việc cúng lễ.
Họ chắc chắn điều đó, chẳng khác gì một việc làm cụ thể sẽ mang lại kết quả trong thực tế. Lại nữa, niềm tin vào hiệu quả của những chú thuật gợi lên ý tưởng chứng đắc sức mạnh phi thường nhờ tà pháp. Họ báng bổ niềm tin vào chính nghiệp, thay vào đó là thực hiện nghi thức huyễn thuật để mong mang lại hạnh phúc và tốt lành. Quan niệm này gây tổn hại cho các mục đích thiện hạnh. Chính vì thế mà đức Phật không ủng hộ những nghi thức huyễn hoặc và tránh xa những câu hỏi ẩn chứa điều mê tín.1
1 Kinh Trường Bộ, Kinh Phạm Võng và Kinh Kiên Cố.
Không ủng hộ việc tu luyện hành xác
Đức Phật không đồng tình đối với việc tu tập khổ hạnh. Ngài đã mất sáu năm vô ích để trải nghiệm theo các quy tắc của những vị thầy chỉ dẫn khi Ngài vừa mới từ bỏ vương quốc ra đi tìm đạo. Ngài không tin việc hành xác là phương pháp mang lại giải thoát. Ngài giác ngộ nhờ tu tập theo con đường trung đạo và khẳng định tu học cũng cần dùng đến những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống như thức ăn, y phục. Các nhu cầu này không bị coi là chướng ngại trong việc thành tựu tâm linh. Việc tu khổ hạnh nên được chấp nhận ở mức độ có chừng mực và phải kết hợp với hai yếu tố thiết yếu của đời sống tâm linh là Giới và Định. Đức Phật xác chứng rằng, việc ăn uống chừng mực trong lối tu khổ hạnh là một sự dung hòa với xu thế đang thịnh hành trong ý thức hệ Ấn Độ. Bởi lẽ niềm tin vào phương pháp khổ hạnh và phước báo từ việc tự trừng phạt bản thân đã thấm nhuần vào tâm thức người dân Ấn trong một thời gian dài. Phương pháp họ dùng đến là các hình thức cực đoan để tiết chế sự thoải mái của đời sống, ngay cả những cách gây đau đớn lên cơ thể nhằm hỗ trợ cho sự thành tựu công đức với ý nguyện hồi hướng đến lộ trình tâm linh. Đức Phật đã tuyên bố về sự rỗng tuếch của những bài tu khổ hạnh. Nền tảng cho đạo Giác Ngộ là chư Tăng phải giữ gìn các giới hạnh, tu tập thiền định mọi lúc mọi nơi và cần phối hợp lối sống chừng mực. Tôi không cần nói rộng về những gì cấu thành nên chính nghiệp theo lời Phật dạy, vì đó là chủ đề kinh văn Phật giáo bàn luận rất nhiều và cũng đã được biết đến rộng rãi. Điều đó đủ để chứng tỏ, đức Phật quả quyết những ai xuất gia tu học mà có thiện hạnh trong lời nói, ý nghĩ và việc làm thì sẽ đạt được thành tựu giải thoát. Đối với cư sĩ tại gia, Ngài cũng quy định những giới cấm nào đó để họ tuân thủ, nhưng cách thức mang lại giải thoát không nằm trong lối sống thế tục của họ mà chỉ được tìm thấy ở đời sống xuất gia, vì vậy Ngài chú tâm đến giới luật. Đây là một sự tách biệt mạnh mẽ ra khỏi những học thuyết Bà-la-môn khi kinh văn của họ cho rằng giải thoát không phải chỉ dành riêng cho đời sống xuất gia hay khổ hạnh mà bình đẳng đối với tất cả những tín đồ hay các gia chủ, bất cứ ai khát khao tu tập và thực hiện những bổn phận tương ứng. Phương pháp tu thiền định do đức Phật áp dụng được minh chứng từ các kinh điển về thiền như: Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsattipaṭṭhāna Suttanta), Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisaṃbhidamagga), Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga)…, khác hẳn so với những thực hành trong Khống chế Du-già (Haṭhayoga) cũng như nhiều hình thức của Điều thân (Āsana) hoặc Điều khí (Prāṇāyāma). Trong Kinh Trung Bộ, đức Phật căn dặn lánh xa quá trình tu luyện rập khuôn của việc dùng lưỡi đưa ra đưa vào vòm miệng thường được áp dụng trong Yoga của đạo Hindu. Ngài mong muốn giữ con đường thiền tập tránh khỏi sự kỳ dị, khắt khe, không cần thiết trong việc tập trung tư tưởng.1
1 Thái độ của đức Phật đối với việc tu luyện khổ hạnh trong Bà-la-môn giáo biểu hiện ở nhiều chỗ trong Kinh tạng Nikāya. Ví dụ: “Một ẩn sĩ thực hành ăn theo cách của loài chó (kukkuravatika) hoặc bò (govatika) dẫn đến kết quả bị đọa vào loài chó hoặc bò. Nếu được sinh vào cõi Trời thì sau khi hết phúc cõi Trời vị ấy sẽ bị tội trầm luân sinh tử vì chấp giữ tà kiến đó”; Kinh Trung Bộ, I, trang 239; II, trang 387, 388.
Hơn nữa, những cách thức khác thường tạo ra sự kiêu ngạo trong tâm các hành giả (sādhaka) với mục đích gây ấn tượng, mong được kính ngưỡng từ những ai đang cần được chỉ dẫn tu tập, rồi lợi dụng cho mục đích thế tục. Thiền của đạo Giác Ngộ là một tiến trình đơn giản, trong đó thỉnh thoảng có sử dụng những yếu tố Yoga theo truyền thống Bà-la-môn để bổ sung nhưng đã chọn lọc, loại bỏ những gì không cần thiết, không liên quan và nguy hiểm. Phương pháp tu thiền của đức Phật thích hợp cho những ai sống đời sống xuất gia, hành trì giới luật. Ngài phát triển thành công bộ khung thân - tâm làm môi trường cơ bản để từ đó bắt đầu tập trung tư tưởng dẫn đến trí tuệ tuyệt đối. Cuốn sách của Giáo sư Warren có viết: “Những trạng thái thiền định (samāpatti) trong Phật giáo rất quan trọng, chẳng những đối với những ai tu tập hướng đến Niết-bàn mà còn có thể thoát khỏi cảm thụ thế gian và nhận được sự tôn kính đặc biệt. Đó chính là an lạc, hạnh phúc được các bậc Thánh và chính đức Phật trải nghiệm”.1 Niết- bàn, mục đích cuối cùng đức Phật khởi xướng, dẫn dắt mọi người thành tựu là thông qua Giới và Định, con đường tuy dễ dàng nhưng chắc chắn.
1 H. C. Warren; Phật Giáo Từ Nguồn Chuyển Ngữ Kinh Văn (Buddhism in Translations) (Cambridge, NXB Harvard University, 1900), trang 282, 283.
Tầm quan trọng của Niết-bàn
Tầm quan trọng của Niết-bàn (Nirvāṇa) thể hiện nhiều hình thái khác nhau tùy theo cách nhìn của những nhà thuyết giảng, nhưng chắc chắn có cùng ý nghĩa: Niết-bàn là cá nhân thoát hẳn vòng xoáy của luân hồi và nghiệp báo đau khổ. Sẽ thật vô ích nếu chúng ta cố gắng định nghĩa thuật từ “Niết-bàn”. Những người thuộc phái Vedanta có thể đồng nhất nó với Phạm Thiên, là nền tảng không thể diễn đạt của thế giới hiện tượng. Những người sùng tín thần Śiva và Viṣṇu có thể gọi đó là “giải thoát” (mukti). Theo Thiên Chúa giáo, Niết-bàn không gì khác hơn sự cứu rỗi mà họ cảm nhận được. Nhưng thực tế, đức Phật giữ im lặng tuyệt đối về những gì Ngài muốn thuật từ “Niết-bàn” thực sự mang nghĩa. Thái độ này của đức Phật khá quan trọng. Lập trường của Ngài là không để tâm đi sâu vào những câu hỏi với mục đích siêu hình. Bởi lẽ định nghĩa hay diễn đạt về Niết-bàn nhất định phải nêu lên những vấn đề rất dễ trở thành nền tảng cho sự tranh cãi vô ích xảy ra không ngừng giữa các đệ tử của Ngài và các tín đồ ngoại đạo. Những ai còn xa cảnh giới Niết- bàn thì còn tranh luận do khác biệt về quan điểm.
Nhưng đối với những ai đã chứng đạt thì Niết-bàn rõ ràng như một sự tri nhận, mặc dù khái niệm và cảm thụ vượt ngoài sức biểu đạt của ngôn ngữ. Thực sự, tranh cãi giữa những vấn đề thuộc về bản thể học thường chứng minh chẳng khác gì họ đang đem cùng một đáp án mà họ có ra để tranh cãi.1 Đức Phật nhận thức rõ sự vô ích của việc tranh luận và những kết cục tệ hại của chúng. Ngài có lý do thích hợp để im lặng trước những câu hỏi như thế nhằm tránh những hậu quả không mong muốn.2 Đến đây, đủ để khẳng định rằng Phật giáo tu tập dựa vào thiền định, nếu thiếu thiền định thì Phật tử không thể thành tựu giải thoát. Đây là kết quả mà đạo Giác Ngộ hướng đến. Và, để thành tựu được mục đích đó, thiền định là con đường ngắn nhất.
1 Giống như vấn đề giữa Tweedledum và Tweedledee luôn cùng bản chất, nhưng do mỗi bên hiểu mỗi cách nên đem ra bàn cãi vô ích, rốt cuộc cũng chỉ cùng một đáp án mà thôi.
2 “Các trường phái triết học xung đột với nhau, tuyên thuyết chân lý khác nhau nhưng chân lý vốn chỉ có một. Chừng nào những tranh cãi còn tiếp tục thì lúc đó vẫn còn đấu tranh trên cõi đời này”; V. Fausböll; Kinh Tập Trong Thánh Điển Phương Đông (Sutta Nipata/ A Collection of Discourses Being One of the Canonical Books of the Buddhist), II (dịch từ tiếng Pali) (Oxford, NXB Clarendon Press, 1881); S.B.E. X, trang 167 - 174.
Có thể thấy rằng, đạo Phật chọn con đường đơn giản và dễ dàng. Hai đặc điểm này căn cứ trên thực tế đạo Hindu sa lầy vào việc quan trọng hóa một cách vô lý những nghi thức khó thực hiện vì sự chi li, đòi hỏi tiêu hao nhiều tài sản và công sức.Những lý do khác khiến cho đạo Phật thu hút quần chúng chính là các giáo lý và công phu tu tập liên quan đến:
(1) Tránh những câu hỏi siêu hình, giải thích giáo điển dễ hiểu cho công chúng.
(2) Chú trọng tư duy lý trí hơn là niềm tin dựa vào Thánh điển được mặc khải cùng với quá nhiều rắc rối như hệ thống Bà-la-môn. Đặc điểm này giúp Phật giáo thu hút được quần chúng vì đã giúp họ tiến bộ hơn trong thói quen tự tư duy điều tốt - điều xấu liên quan đến những câu hỏi về tôn giáo.
(3) Giáo lý bất bạo động và từ bi chủ trương thực tập tình thương với mọi chúng sinh đã chạm đến trái tim tất cả mọi người, đặc biệt đối với những ai không sùng tín vào tế lễ, tự xét thấy việc giết hại hàng trăm sinh mệnh trong tế lễ là tàn nhẫn tột cùng; và cũng thuyết phục được những ai, cho dù là tín đồ đạo Hindu, có mong muốn thoát khỏi sự phân biệt đối xử của các Bà-la-môn.
(4) Đạo Phật không dựa dẫm quá nhiều vào sự hộ trì của thế lực siêu nhiên như Phạm Thiên, không thường tìm cầu thành tựu thông qua sức mạnh vô hình với những cách thức đọc tụng chân ngôn, hành lễ cúng tế gắn liền với nhiều nghi thức mô tả trong śāstra. Sự ảo tưởng về yếu tố vô hình và siêu nhiên trong đạo Bà-la-môn trở nên phi thực tế đến nỗi một lỗi nhỏ trong nghi thức hay sai lầm trong tụng đọc một âm ngữ chân ngôn cũng phải chuộc lỗi thông qua một buổi lễ khác chuẩn xác hơn hoặc khắc phục bằng cách làm lại nghi thức một lần nữa. Các giáo sĩ Bà-la-môn lợi dụng niềm tin của gia chủ để đưa ra những đòi hỏi. Họ có nhiều cách để tăng thêm đòi hỏi, vòi vĩnh tùy thuộc mức độ niềm tin của tín đồ. Tuy nhiên, đạo Phật đã loại bỏ một phạm vi rất lớn các yếu tố siêu nhiên mà Bà-la-môn vẫn thường lạm dụng để đánh lừa tín đồ. Đạo Phật có ý niệm rõ ràng về: Tôn giáo là gì? Tôn giáo thực sự cống hiến được gì? Điều này khiến cho đạo Phật chú trọng tu tập, hành trì kết hợp với nghi lễ đơn giản để quần chúng hiểu được dễ dàng và cũng để họ biết rõ vì sao có những nghi thức đó.
(5) Ngôn ngữ dùng để truyền tải Phật pháp cũng như ngôn ngữ trong hành lễ là phương ngữ phổ thông của quần chúng. Vì thế, họ có thể nắm bắt được cách thức tu tập nhờ hiểu rõ các bài pháp cũng như các nghi lễ mà họ tham dự. Trong khi đó, các Bà-la-môn sử dụng tiếng Phạn cho mọi khía cạnh tâm linh nên không làm thỏa mãn mọi tầng lớp người dân được.
(6) Cuộc sống chính nghiệp được nhấn mạnh nhiều đến mức nó trở thành đặc điểm nổi bật hàng đầu trong giáo pháp nhà Phật. Đây cũng là yếu tố hấp dẫn. Nhờ sự nổi trội của giáo lý chính nghiệp mà đạo Phật thường được mô tả là tôn giáo đạo đức, trái ngược với nhiều tôn giáo khác. Chính nghiệp là công việc trọng tâm của một người kể từ thời điểm xuất gia cho đến khi chứng đắc quả vị A-la-hán. Lương tri phàm tình, ngay cả một người ít học cũng luôn ủng hộ nhiệt tâm đối với một tôn giáo có bản chất chân chính, chia sẻ thiện chí và lòng bác ái đối với tất cả. Đạo Phật đòi hỏi sự kiểm thúc triệt để, sự kham nhẫn lặng lẽ đối với lỗi lầm mà trong mắt của các tôn giáo khác thì hành vi đó là sự phạm tội và ác ý. Dựa vào lương tâm sẵn có của con người, đạo Phật xây dựng một bản chỉ dẫn đạo đức chung nhất với mười giới lành căn bản trong kinh. Việc xây dựng đời sống tinh thần mỗi người trên nền tảng này giúp đạo Phật luôn có giá trị rất hấp dẫn cho đến tận thời đại ngày nay.
(7) Tu tập Yoga đã thịnh hành, lan rộng khoảng một thời gian dài trước khi đức Phật thị hiện và còn được tin tưởng áp dụng cả với tín đồ đạo Hindu. Họ xem đây là một trong những phương pháp hiệu quả nhất tác động đến tiến trình tâm linh. Đức Phật cũng ủng hộ Yoga, nhấn mạnh về pháp môn này ở các giai đoạn mở đầu tập luyện chính nghiệp… giúp hành giả được khỏe mạnh nhằm hỗ trợ tu tập tâm và thân. Đồng thời, do đã từng trải nghiệm sự vô ích của việc hành xác trong Yoga nên Ngài cũng bác bỏ nó và chuyển tải Yoga sang hình thức đơn giản, phổ biến hơn. Về văn hóa tâm linh, phương pháp thiền định của đức Phật giúp nhận diện thế giới vô thường, một thế giới vắng mặt của bản thể bất hoại và thường hằng, về sự tồn tại của khổ đau trong trần thế hướng đến thói quen tu tập bát chính đạo (aṣṭāṅgika mārga) và thành tựu an lạc bằng cách trừ bỏ vô minh - nguyên nhân căn bản của khổ đau.
Từ những thực trạng kể trên, rõ ràng lối sống mà đức Phật khám phá chính là con đường đưa đến Niết- bàn, giải pháp tốt cho những vị sống đời ẩn dật và lang thang (vanaprastha và yati) đang tìm kiếm. Sự du hành của các nhà khổ hạnh (yatis) cùng với lối sống ẩn cư của các ẩn sĩ (vanaprasthas) tuyệt đối không dính mắc vào cám dỗ thế gian được ghép vào tổ chức Tăng đoàn với chính nghiệp và đơn giản hóa Yoga thành phương pháp thiền định. Điểm khác biệt cơ bản là ở chỗ, các ẩn sĩ lang thang thừa nhận thẩm quyền của Vệ-đà, còn tu sĩ Phật giáo thực hành đơn giản hóa những nghi lễ cúng tế, gỡ bỏ sự liên hệ đối với Vệ-đà, thẳng thắn từ chối thẩm quyền của bộ kinh điển này.
2. NHỮNG TRỢ DUYÊN BÊN NGOÀI CHO SỰ TRUYỀN BÁ CHÍNH PHÁP
Những tác nhân bên ngoài và bối cảnh đã trợ giúp đạo Phật phát triển rộng rãi phổ biến trong suốt giai đoạn từ thời đức Đạo sư chuyển pháp luân cho đến vương triều A-dục (Aśoka). Đến thời điểm này, Phật pháp đã lan tỏa rộng lớn từ lãnh thổ tiểu lục địa cho đến những quốc gia ngoài lãnh thổ Ấn Độ.
Nhân cách vượt trội của đức Đạo sư
Cuộc đời đức Phật, sự hi sinh cao cả, nghị lực mạnh mẽ, chứng đắc tâm linh, trí tuệ siêu việt và biểu hiện thần thông phi thường đã tạo thuận lợi rất nhiều trong việc thuyết phục người dân về sự vĩ đại của Ngài, khiến họ tôn trọng giáo pháp. Giáo sư Keith coi sự thành công của đạo Phật không dựa nhiều vào giá trị tôn giáo mà vào nhân cách của đức Đạo sư, ông viết: “Người sáng lập ra đạo Giác Ngộ phải được tôn vinh là một trong những nhân cách lãnh đạo lớn được sinh ra ở thế giới phương Đông”.1
1 Giáo sư A.B. Keiths; Triết Học Phật Giáo Ở Ấn Độ Và Tích Lan (Buddhist Philosophy) (Oxford, NXB Oxford University Press, 1923), trang 147.
Đặc điểm và sự nổi bật của các vị đại đệ tử
Chúng ta thử tìm hiểu nghị lực và nhân cách các vị đệ tử trực hệ của đức Phật như Xá-lợi-phất (Sāriputta), Mục-kiền-liên (Moggalāna), Ma-ha Ca-diếp (Mahākassapa), Ma-ha Ca-chiên-diên (Mahākaccāyana), Phú-lâu-na (Puṇṇa)... Ngài A-nan-đà (Ānanda) cũng là một nhân tố quan trọng trong việc phát triển Phật giáo. Sự ưu việt của các Ngài được cả đức Phật và các thầy Tỷ khưu khác khen ngợi và tán thán. Xá-lợi-phất được ca ngợi là bậc xuất chúng về trí tuệ, đức độ, tự điều phục, giỏi về luận giải, an trú sâu trong thiền định, chuyên nội minh và sở hữu sức mạnh thuyết giáo, cảm hóa. Mục-kiền-liên thì dũng cảm, có sức mạnh thần thông, tự điều phục và khéo dạy chúng đệ tử trưởng thành về đạo đức tâm linh.
Ma-ha Ca-diếp là vị đứng đầu về khổ hạnh, mặc dù chính đức Phật đã cho phép nới lỏng việc khắc khổ đối với các Tỷ khưu lớn tuổi. Ma-ha Ca-chiên- diên là vị luận pháp vĩ đại, Phú-lâu-na là nhà truyền giáo thuyết phục và A-nan-đà - thầy Tỷ khưu hàng đầu, uyên bác và đa văn, kiên định, thận trọng, đức hạnh, thông thuộc Thánh điển, giỏi tài hùng biện.
Những phẩm cách đã nêu được họ thể hiện nổi trội hơn các vị Tăng sĩ bình thường. Tuy vậy, không nên xem những phẩm chất khác [đòi hỏi phải có của một Tăng sĩ] chưa được liệt dẫn ở đây, lại thiếu ở các bậc đại đệ tử này.
Tất cả Tăng sĩ cùng nhau tinh tấn xiển dương chính pháp. Quý Ngài đã luôn giữ niềm tin kiên định và tôn kính hết mực đối với đấng Đạo sư. Sự ràng buộc này kết chặt chư Tăng và đồ chúng thành một hợp thể gắn bó để cùng tiến bộ, với bổn phận mà đức Phật đã chỉ dạy, đồng thời cụ thể hóa những nguyện vọng của Ngài thông qua công tác truyền bá chính pháp. Việc nghiêm túc thực hiện bổn phận của chúng đệ tử thế hệ đầu tiên có thể được so sánh với các sứ đồ Thiên Chúa trong nỗ lực chia sẻ trách nhiệm truyền bá những lời Chúa Jesus dạy.
Nhân cách các nhà lãnh đạo Phật giáo tính đến thời Vua A-dục
Những nhà lãnh đạo Phật giáo thuộc thế hệ liền sau nhóm đệ tử đầu tiên của đức Phật cho đến triều đại Vua A-dục bao gồm những cá nhân cũng ưu tú không kém, có thể thay thế tốt cho những đại đệ tử thời Ngài. Tên tuổi của chư Tăng giữ vai trò chính yếu trong kế hoạch tổ chức giáo hội và giữ vững giới luật, đạo đức tính ra rất nhiều nhưng chỉ có thông tin tiểu sử của một số Ngài được ghi chép lại trong văn thư Phật giáo.
Trong số đó có thể kể đến Ngài Siggava với sự kiên trì chuyển hóa ngoại đạo đã được kinh điển thuật lại. Theo sử sách ghi chép, Ngài viếng thăm một gia chủ Bà-la-môn mỗi ngày trong suốt thời gian dài, thậm chí vài năm để thuyết phục con trai của vị Bà-la- môn này tu tập chính pháp.1 Sambhūta Sānavāsika đã nỗ lực chuyển hóa ở Kashmire và Kandahar để truyền dạy dân chúng tại những nơi đó. Trưởng lão Revata học rộng và đoạn trừ các lậu hoặc; Trưởng lão Yasa cực kỳ mạnh mẽ trong việc thống nhất giáo lý đạo Phật và cũng nhờ Ngài mà hội nghị kiết tập kinh điển lần thứ hai được triệu tập, bác bỏ những điều trái giới luật do nhóm các thầy Tỷ khưu Bạt-kỳ cố gắng đưa vào Tăng đoàn.2 Ngài Udena đã chuyển hóa được Bà- la-môn Ghoṭamukha sau khi đức Phật nhập Niết-bàn và chính Ngài đã vận động xây dựng ngôi giảng đường lớn (upaṭṭhānasālā) tại Hoa Thị thành (Pātaliputta). Dưới thời Vua A-dục có tôn giả Upagupta thông minh, uyên bác, là trụ cột của Phật giáo lúc này. Vì nể phục nhân cách của Ngài, Vua A-dục đã cầu thỉnh Ngài làm thầy hướng dẫn tâm linh, bảo trợ cho Tăng đoàn, xây nhiều chùa chiền, tháp miếu ở khắp nơi, đồng thời cúng dường, hộ trì chư Tăng và mở rộng đạo pháp. Các tư liệu rất thiếu sót vì đã không đưa ra một danh sách những Phật sự sôi nổi, mạnh mẽ như thế để chứng tỏ ở thời kỳ này họ đã hoạt động cống hiến với những phẩm chất vượt trội, chia sẻ gánh nặng trong việc truyền bá chính pháp và chuyển hóa quần chúng. Danh sách liệt kê như thế chắc chắn sẽ hữu ích, giúp cung cấp một bức tranh cuộc đời vẽ lại những trọng trách đầy gian nan nhằm mở rộng phạm vi truyền đạo. Danh sách đó cũng rất ý nghĩa cho việc phác thảo một cách tổng quan về sự lan tỏa của chính pháp.
1 Đại Sử, chương V.
2 Sách đã dẫn; chương IV.
Tổ chức nội bộ vững mạnh
Đặt giả thuyết rằng đạo Phật đã phát triển mạnh nhưng thiếu một tổ chức nắm giữ quyền hạn tối cao để sắp xếp và trật tự hóa những đơn vị nhỏ ở địa phương rải rác khắp nơi trên các vùng đất nơi chính pháp được truyền đến.
Chúng ta chưa đủ lý do và chứng cứ để ủng hộ giả thuyết này. Vì rằng, thực tiễn đạo Phật phát triển nhanh rộng, duy trì trên quê hương Ấn Độ suốt cả thời gian dài như thế định hướng chúng ta có cái nhìn khác. Thẩm quyền tối cao của tổ chức giáo đoàn đến từ một hình thức khác chứ không hình thành một cơ quan quyền lực như chúng ta vẫn thấy ở một tổ chức thông thường. Nó không bao gồm những người cụ thể nào mà mệnh lệnh của họ là trên hết, có quyền kiểm soát và điều hành cơ quan thấp hơn ở các địa phương trong một quốc gia.
Thẩm quyền đó thuộc về giới luật, một cơ quan vô hình do đức Phật quy định chi tiết, điều chỉnh cả những oai nghi nhỏ nhất, yêu cầu sự tôn trọng và tuân thủ chung đối với tất cả chư Tăng, không phân biệt vị trí họ đảm trách trong giáo hội hay bất cứ nơi nào họ sinh sống.1 Một hoặc hai ví dụ về quan điểm khác biệt, tranh cãi, phá vỡ kỷ cương được tìm thấy trong các thư tịch được lý giải một cách chung chung là dấu hiệu suy yếu của Tăng đoàn do thiếu cơ quan quyền lực tối cao. Bởi những lời giải thích đó đa phần đều không đúng. Hãy nhớ rằng, quyền lực tối cao được đề cập ở trên là một loại khác, được chư Tăng tuân thủ với lòng tôn kính cao quý trên cơ sở niềm tin vào giáo điển Phật đà.
1 “Này A-nan-đà, sau khi ta nhập Niết-bàn, Pháp và Luật mà ta đã dạy chính là bậc Đạo sư của các ông” (Yo vo Ānanda mayā Dhammo ca Vinayo ca desito paññatto so vo mama accayena saṭṭhā);Kinh Trường Bộ, II, trang 154;
A-nan-đà giải thích cho Gopaka Moggalāna về quyền lãnh đạo giáo đoàn: “Này Bà-la-môn! Không phải chúng tôi không có chỗ nương tựa. Này Ba-la-môn, Pháp chính là chỗ nương tựa của chúng tôi” (Na kho mayaṃ, brāhmana, appaṭisaranā, sappaṭisaranā mayaṃ, brāhmaṇa, dhamma-paṭisaranā’ti vadesi’); Kinh Trung Bộ, III, trang 10.
Những người tìm hiểu về sự phát triển của Phật giáo dễ nhầm lẫn rằng, nhược điểm này sau đó trở nên nghiêm trọng dẫn đến sự suy yếu của Tăng đoàn là do không có tổ chức quản lý. Chúng ta cũng nên nhớ kỹ, hiện nay các sử gia Phật giáo khẳng định đức Phật vang danh nhờ tuệ giác của Ngài chứ không dựa vào sự quản lý tổ chức. Người ta thường vấp phải sai lầm trong việc truy tìm nguyên nhân suy tàn của một tổ chức tôn giáo hay tổ chức xã hội bằng cách tìm kiếm lỗi lầm của cá nhân cụ thể trong tổ chức đó, hoặc soi mói đến khuyết điểm của pháp môn tu tập đặc thù mà trước đây nhờ pháp môn đó từng giúp cho tôn giáo vững mạnh.
Nếu ở tuổi già, một ngón tay bị hoại tử, liệu chúng ta có nên biện hộ, đổ lỗi cho sự có mặt của chính ngón tay đó để rồi truy tìm nguyên nhân suy yếu của cơ thể theo cách nhìn của người trẻ trung và khỏe mạnh hay không. Cũng tương tự như thế, nguyên nhân gây ra sự suy tàn của Phật giáo bỗng dưng bị rà soát ở Tăng đoàn địa phương trong khi những tổ chức này đã từng đồng hành xây dựng nên toàn bộ tổ chức Phật giáo hưng thịnh kéo dài qua nhiều thế kỷ.
Giờ đây, những nhóm Tăng đoàn địa phương lại bị coi là tác nhân cho sự suy vong của Phật giáo. Một yếu tố vốn được coi là nguyên nhân của sự thịnh vượng lại trở thành nguyên nhân của sự suy tàn. Mà thực ra, tình trạng này xuất phát từ một tác nhân mang tính trung gian khác đã đưa Tăng đoàn đến chỗ suy tàn. Đối với vấn đề này, tôi cho rằng, có một nhân tố vô hình quyền uy rất mạnh, dù không tiếp xúc hữu hình nhưng nó đã tồn tại và dần dần làm sút giảm niềm tin vào chư Tăng.
Như vậy, sự xuất hiện của những yếu tố làm nguội lạnh đi hơi ấm niềm tin của chư Tăng mới chính là nguyên nhân thực sự làm suy yếu giáo hội. Trong thời Phật giáo huy hoàng, nhờ bám sát theo Pháp và Luật do đức Phật chỉ dạy mà niềm tin vào các Tỷ khưu đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ tạo nên một đạo Phật hưng thịnh. Thêm nữa, Pháp và Luật mới chính là nhân tố quyền lực tối cao xây dựng lối sống Tăng đoàn. Những gì tôi muốn chỉ ra là, sức mạnh đạo Phật và giáo đoàn có được nhờ dựa vào niềm tin cùng với sự tôn sùng của tín đồ, chứ không dựa vào cơ cấu tổ chức có hình thù cụ thể được đức Phật truyền thụ. Đấng Đạo sư đã cân nhắc thận trọng đối với từng chi tiết của cấu trúc tổ chức, thậm chí thay đổi hay thêm vào một số thành phần theo kiến nghị của đệ tử mà Ngài thấy phù hợp. Ở đời, không một tổ chức nào có thể hoàn hảo, chỉ cần trang bị đầy đủ phục vụ cho mục đích thành lập và cống hiến. Đức Phật làm nhiều hơn thế, chế định giới luật thiết yếu để xử lý nhu cầu cấp thiết có thể xảy ra trong đời sống xuất gia. Do đó, việc tìm kiếm khuyết điểm của Tăng đoàn là hiểu sai về lịch sử Phật giáo, bởi vì khiếm khuyết thực sự nằm ở sự suy giảm dần dần của niềm tin.
Khi nào còn hơi ấm niềm tin thì khi đó Phật giáo còn tồn tại, và khi nào niềm tin trở nên lạnh lẽo thì sự sống động giảm dần cho đến khi hơi ấm niềm tin biến mất kèm theo cái chết của đạo Phật ở Ấn Độ.
Tính phi chính thống của dân chúng Ma-kiệt- đà và các vùng lân cận
Một trong những lý do đạo Phật lan truyền ở Ma- Kiệt-Đà (Magadha) nhanh hơn so với những vùng như Tây Bắc xứ Cư-lô Bát-xá-la (Kuru-pañcāla) là nhờ người dân ở đó không chính thống, không khắt khe trong việc tuân thủ chặt chẽ vào niềm tin, giáo lý và quy tắc của Bà-la-môn. Theo suy luận của các học giả Grierson và Oldenberg thì người Āryan vào Ấn Độ có hai nhóm với thời gian cách nhau khá lâu. Nhóm do tộc Kuru đại diện định cư tại vùng đất thuộc trung tâm quốc gia gần thủ đô New Delhi hiện nay và vùng phía Bắc tiếp giáp với Delhi. Trong khi nhóm còn lại định cư ở vùng ngoại biên bao bọc vùng đất gần Delhi về hướng Đông, Nam và Tây. Bà-la-môn chính thống có địa bàn ở vùng đất trung tâm trong khi bao quanh là nơi ở của nhóm phi chính thống, đại để hoạt động trong phần đất cách xa với trung tâm của nhóm chính thống.
Do sự xa cách địa lý đã làm trở ngại quá trình bảo tồn giá trị chính thống của người dân ở những địa hạt xa xôi. Trong khi giữa hai nhóm Āryan cũng có những tư tưởng khác biệt về phong cách, tập quán, kể cả ngôn ngữ. Tính chính thống bị pha trộn của người dân vùng biên giới phía Đông ủng hộ sự lớn mạnh của những hệ tư tưởng đang thịnh hành ở đất nước Cư-lô Bát-xá-la. Khu vực trung tâm phía Đông bao gồm phần đất của Ma-Kiệt-Đà là nơi thuận lợi tạo điều kiện cho những tư tưởng phi chính thống phát triển. Đây là nguyên nhân đức Phật truyền dạy giáo lý ở những vùng này và được người dân đón nhận nhanh hơn ở xứ sở mà Bà-la-môn giáo đã chiếm giữ vị thế tại vùng đất trung tâm. Hơn nữa, theo các chứng cứ trong kinh điển, tổ chức giáo hội Bà-la-môn tại vương quốc Ma-Kiệt-Đà và Tỳ-đề-ha (Videha) chưa đủ vững mạnh và chắc chắn để chống lại sự phát triển của đạo Phật.
Cộng đồng Bà-la-môn ở đó cũng không có ai vững lý lẽ để đánh bại lập luận của đức Phật và hàng đệ tử ưu tú. Kinh điển có ghi chép lại nhiều trường hợp tranh luận giữa các Bà-la-môn và Phật tử. Ở các cuộc tranh tài đó, Bà-la-môn đều thất bại vì lộ rõ sự trống rỗng về mặt logic trong các lập luận. Tên tuổi chư vị Bà-la-môn ở vùng này được phát hiện trong các kinh điển Phật giáo, nếu truy nguyên nguồn gốc thì họ có dòng dõi từ Bà-la-môn phương Bắc Ấn Độ. Thông tin này chứng tỏ, nguồn gốc của Bà-la-môn tồn tại ở phía Bắc Ấn và không hề có mặt ở vùng đất mà đạo Phật thịnh hành lúc ban đầu. Bản văn nổi tiếng - Phạm Thư Śatapatha mô tả sông Sadānīrā được bao bọc bởi các khu vực mà tín đồ Bà-la-môn chỉ cư trú trong thời gian họ tế lửa. Khi họ di cư về hướng Đông, việc tế lửa này tuy đã chấm dứt nhưng vẫn để lại ngọn lửa thiêng ở sông Sadānīrā, tạo thành ranh giới của một vùng đất mà trước đây thỉnh thoảng được coi là nơi vô cùng linh thiêng. Nhờ thế đã làm sáng tỏ lập trường của Bà-la-môn chính thống không chiếm giữ dải đất phía Đông dòng sông vì nhỏ hẹp hơn lãnh thổ ở phía Tây.
Sự nổi trội của giai cấp Sát-đế-lợi ở lãnh thổ phía Đông
Một đặc điểm đáng chú ý nữa là sự vượt trội của giai cấp Sát-đế-lợi ở những khu vực phía Đông (prācya-deśa) vì họ giàu có và tri thức. Nhờ thế, họ đủ mạnh để tiến hành những đợt phản ứng, chống đối lại trật tự bị sắp đặt theo ý muốn của Bà-la-môn đang tồn tại. Thực sự, rất khó để nói nguồn gốc Sát- đế-lợi của họ tộc Śākya Siṃha đã hỗ trợ mạnh mẽ đến đâu trong việc truyền bá chính pháp dựa vào mối quan hệ gắn bó về dòng dõi Sát-đế-lợi giữa đức Phật với vua chúa địa phương. Nếu khẳng định yếu tố này đã không đóng góp gì cho việc quy tụ các vua quan địa phương dưới sự lãnh đạo tâm linh của Ngài thì có lẽ chưa chính xác. Điều chúng ta cần nghĩ đến là tầm vóc vốn có, nhân cách thu hút và những bài pháp đức Phật truyền dạy đủ vĩ đại để làm lu mờ yếu tố nguồn gốc chính trị. Đặc biệt, khi Ngài xuất gia là đã đồng nghĩa với việc từ bỏ nguồn gốc gia đình và bắt đầu một thân phận mới.
Tại sao nói đạo Phật là một tôn giáo thu nạp đồ chúng?
Trách nhiệm chuyển hóa ngoại đạo của chư Tăng được coi là mức độ thăng tiến cao nhất về mặt tâm linh. Do vậy, Phật giáo đã lan tỏa nhanh chóng chỉ trong vài thế kỷ sau khi hình thành. Chứng đắc Niết- bàn có thể là mục tiêu của một tu sĩ Phật giáo, nhưng tự bản thân đạt được điều đó mà không mang lại cơ hội tu tập, chứng đắc cho người khác thì sẽ mang vết nhơ của tâm ích kỷ. Các phương pháp để chứng ngộ và trải nghiệm hương vị giải thoát không nên bị giấu kín như là bí mật của một vài người hoặc một cá nhân. Nó cần được phổ biến rộng rãi cho tất cả mọi người từ cao sang nhất đến thấp hèn nhất, để cho tất cả đều có được cơ hội rèn luyện khả năng trạch pháp và chọn con đường hướng đến mục đích cao nhất của kiếp người. Khổ đau trên cõi thế gian vốn dĩ nhiều vô kể và luôn đè nặng tâm thức con người. Chân lý được khai sáng bởi đức Phật, những phương pháp do Ngài tìm ra làm giảm thiểu (kể cả tạm thời) sức đè nặng của sầu muộn và sự an lành liền có mặt. Những chân lý đó mang đến an lạc vĩnh hằng bất tử. Nếu ai nhận ra được sự thật này trong cuộc sống thì không thể ngồi thản nhiên nhìn ngắm đồng loại một cách vô tâm trong khi tự bản thân đã có được giải pháp. Chính lòng từ ái và bi mẫn đối với chúng sinh đã kích thích đức Phật cũng như các đệ tử của Ngài truyền dạy rộng rãi chân lý của đạo Giác Ngộ. Để nhờ đó, những ai đang tìm cầu giải thoát, giác ngộ biết được rằng, có thể chứng đắc nhờ phương pháp điều chỉnh tư duy và lối sống. Từ quan điểm này, hàng đệ tử Phật dễ dàng có động lực để phụng sự trên con đường chuyển hóa và cứu độ. Chúng ta thấy, những người theo Tiểu thừa cùng với số đông những người theo Đại thừa rèn luyện năng lượng tốt nhất để hoằng pháp nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp và xoa dịu khổ đau cho nhân loại. Thánh điển Phật giáo từ kinh điển Nikāya trở xuống chứa đựng những bài khen ngợi công đức của sự truyền đạt chính pháp và chuyển hóa. Câu kệ trong Kinh Pháp Cú 354 “Pháp thí thắng mọi thí”1 xác chứng tinh thần kính quý cao cả về trách nhiệm chuyển hóa được thực hiện bởi các nhà hoằng pháp Tiểu thừa. Kinh điển Đại thừa cũng có cái nhìn giá trị như vậy về sự truyền dạy chính pháp. Trong tập thi kệ Saundaranānda mô tả: Ngài Nan-đà không hoàn thành bổn phận chứng đắc Thánh quả cho chính mình, mà thay vào đó, Ngài du hóa với mục đích mang lại giải thoát cho chúng sinh đau khổ. Tác phẩm này cũng mô tả câu chuyện đức Phật nhấn mạnh rằng tất cả chúng sinh đang đắm chìm trong vô minh và bổn phận lớn nhất của Ngài Nan- đà là phải truyền đạt chính pháp bởi vì Ngài chính là tấm gương sáng cho những ai đang bị ngập chìm trong dục lạc trần gian học tập.2 Bộ Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận (Śikṣāsamuccaya) trích dẫn Kinh Bát- nhã Ba-la-mật (Prajñāpāramita), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharmapuṇḍarika), Kinh Nguyệt Đăng Vương (Candrapradīpa), Kinh Hải Tuệ Thỉnh Vấn (Sāgaramati-paripṛccha) về công đức hoằng pháp và giáo hóa với sự khác biệt.3
1 Dhammadānaṃ sabbadānaṃ jināti.
2 Mỹ Truyện Về Tôn Giả A-nan-đà (Saundarānanda Kāvya), chương 18, kệ thơ số 54 - 58.
3 Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận (Siksāsamuccaya).
Sứ mệnh hoằng pháp tách khỏi những phương pháp truyền thống
Việc chuyển hóa bằng phương pháp truyền giáo đã góp phần làm cho đạo Phật nổi bật vì đã tách rời một cách hợp lý ra khỏi truyền thống các tôn giáo Ấn Độ trong việc chiêu nạp tín đồ mới. Những cách thức mà đạo Hindu thu nạp thêm tín đồ mới, mở rộng địa bàn là riêng biệt độc tôn cho chính họ bằng cách dựa vào hệ thống giai cấp, dựa vào tinh thần độc quyền, đặc biệt đối với các vấn đề tôn giáo và dựa vào sức mạnh của sự thích nghi dần với các thay đổi do tác động từ nội bộ hoặc bên ngoài. Đạo Hindu thu nạp tín đồ mới qua quá trình lôi kéo từ từ và dần dần tiếp nhận ít nhiều những tập quán xã hội cũng như cách tu. Như thế, những tín đồ mới thu nạp có được một vị trí trong giai cấp chính hoặc giai cấp phụ đang tồn tại, và cũng có thể thành lập một giai cấp phụ khác. Họ sẽ quên đi việc thay đổi quan điểm tôn giáo và theo đuổi sự lôi cuốn của xã hội đang dần được hình thành. Phái Ni-kiền-tử ban đầu bác bỏ giai cấp với một vị thế riêng theo giáo điển, khác hẳn so với truyền thống Hindu. Còn đạo Phật cũng mở ra con đường mới hợp lý khác. Thường thì sự cải đạo của một tín đồ mới được thực hiện một cách thận trọng. Người được cải đạo sẽ tôn thờ tín ngưỡng mới nhờ vào một sự thay đổi có mục tiêu chủ đích.
Đối với hàng Phật tử, những đặc tính của việc cải đạo nổi trội hơn nhưng để hóa độ cộng đồng Hindu thì sự thay đổi diễn ra một cách chậm rãi và thầm lặng. Những nhà sáng lập tôn giáo và các đại đệ tử mong muốn chia sẻ với tha nhân cảnh giới an lạc mà họ chứng đắc cũng như chân lý đã được họ khám phá. Chính nhiệt huyết đó đã thúc đẩy họ dấn thân vào sứ mệnh hoằng pháp. Việc các Phật tử rời bỏ triệt để khỏi những phương pháp truyền thống là cách thức nhanh chóng để đạo Phật lan tỏa rộng rãi chẳng những trên khắp đất nước Ấn Độ mà còn cả ở những quốc gia khác.
Đức Phật thuyết giáo đầy nhiệt huyết và khích lệ các đệ tử hoằng pháp
Quyết tâm đầu tiên mà đức Phật khởi xướng sau khi chứng quả giác ngộ là trở thành người thầy tâm linh, cứu rỗi nhân loại thoát khỏi bất an và đau khổ. Ngài đi đến vườn Nai (Sārnāth) giáo hóa năm vị Bà-la-môn, rồi sau đó độ thêm nhiều người nữa. Ngài thành lập những nhóm hoằng pháp do Ngài đứng đầu. Theo Luật tạng, đức Phật nói với sáu mươi mốt vị đệ tử đầu tiên như sau: “Hãy đi đi, này các thầy Tỷ khưu, hãy đi vì lợi ích cho số đông, vì lợi lạc cho nhiều người, vì lòng từ mẫn đối với thế gian. Không nên đi hai người một hướng. Hãy truyền dạy chính pháp hoàn hảo ở đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, cả nghĩa lẫn văn. Liên hệ đến đời sống viên mãn, hoàn hảo và thanh tịnh của bậc Thánh. Có những chúng sinh với chút ít bụi trần dính mắc sẽ hiểu chính pháp. Nếu Pháp không được nói cho họ, họ sẽ không có cơ hội giải thoát. Và, Như Lai cũng sẽ đi, này các Tỷ khưu, đến Uruvela-senānigāma để truyền bá chính pháp”. Thế rồi, đức Phật đi qua từng lãnh thổ để giảng dạy cho các gia chủ hoặc gia chủ tử. Họ được thuyết phục bởi sự tuyệt diệu của giáo pháp, lánh xa thế gian, từ bỏ những pháp sở hữu dù lớn hay nhỏ.1 Tấm gương hoằng pháp này được các đệ tử Ngài hăng hái noi theo. Sau đức Phật, Xá-lợi-phất là người thích hợp nhất để chuyển bánh xe pháp. Mục-kiền-liên thuyết pháp cho chúng sinh ở các cảnh giới địa ngục, cõi Trời và thần linh. Phú-lâu-na hoằng pháp giữa quần chúng thô lỗ xứ Thâu-lư-na (Sunāparantaka). Tân-đầu-lô Phả-la-đọa (Piṇḍola Bharadvāja), bậc Đại Sư tử hống (Sīhanādikānam) trừ bỏ nghi ngờ về Phật đạo hay Phật quả. Đây là cách những đại đệ tử hoàn thành ước nguyện của bậc Đạo sư. Đức Phật mãn nguyện với hoạt động truyền giáo của họ, điều này thể hiện rõ nét qua việc Ngài rời bỏ cõi đời tạm bợ để nhập vô dư Niết-bàn. Chính Ngài đã từng tuyên bố với Ma vương (Māra) rằng, cho đến khi nào các đệ tử của Ngài đã đủ số đông, có năng lực bẻ gãy các nghịch đạo và giáo lý của Ngài được truyền dạy rộng rãi, tốt đẹp thì Ngài sẽ nhập Niết- bàn. Kinh Pháp Hoa có một đoạn chứng minh cho sự nhiệt thành, khích lệ hàng đệ tử sau này truyền bá chính pháp như sau: “Khi Như Lai nhập diệt, chúng con đi khắp mười phương khiến tất cả chúng sinh biên chép, đọc tụng, nhớ nghĩ, tuyên thuyết pháp môn (dharmaparyāya) này nhờ vào thần lực của Ngài”. Lịch sử Phật giáo ở hai giai đoạn sơ kỳ và hậu kỳ cho thấy, thực tế các thầy Tỷ khưu đã nỗ lực tối đa để lưu truyền chính pháp, đáp ứng hoài bão của đức Đạo sư. Sự đặc phái các đoàn truyền giáo đến nhiều quốc gia cả trong và ngoài nước dưới thời Hoàng đế A-dục, sự nỗ lực thành tựu của chư Tăng thống nhiếp vùng Trung Á suốt thời Vua Ca-nị-sắc-ca và những hành trình gian nan nguy hiểm đến Trung Quốc, Tây Tạng, Cam-pu-chia, Java và quần đảo Mã Lai ở giai đoạn sau này của lịch sử Phật giáo diễn tả đầy đủ di huấn của đức Đạo sư đã được thực hiện.
1 Đây là một trong những đoạn kinh xuất hiện thường xuyên trong Kinh tạng Nikāya.
Phương pháp giáo hóa
Việc mở rộng chính pháp phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Đơn giản, dễ học tập;
- Tinh thần bao dung để chuyển hóa;
- Lòng kiên trì thuyết phục của nhà truyền giáo;
- Hùng lực trong tranh luận;
- Phương thức truyền đạt hấp dẫn.
(a) Lộ trình giáo dục từng bước trong Phật giáo
Đối với các phần thuộc hiển pháp của đạo Phật, cả giáo lý lẫn hành trì đều mang tính đơn giản nên cư sĩ tại gia có thể hiểu rõ không quá khó khăn. Vả lại, những ai có ý định muốn nhập đạo, họ sẽ được khuyên nên bắt đầu tiến trình với những giáo lý và thực tập cơ bản, sơ khai phù hợp với sức chịu đựng chưa quy củ, chưa thăng tiến của họ. Và rồi, họ dần dần áp dụng đến những bài học khó hơn qua các giai đoạn.1 Đến với một gia chủ, thầy Tỷ khưu có thể giảng cho vị ấy bước đầu tiên về bố thí, giữ giới, Chư Thiên, nguy hiểm, phiền não, bất tịnh và sự phúc lạc của Niết-bàn.2 Khi vị ấy nhận ra nội tâm đã được trang bị đầy đủ nhờ nghe Phật pháp, thầy Tỷ khưu có thể giảng tiếp những pháp tuyệt diệu của đức Phật [về khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, về trạng thái khổ đau được diệt tận, con đường chấm dứt khổ].3 Những bài pháp này có sức lôi cuốn, chuyển hóa tâm con người bất kể họ có niềm tin hay không. Những chân lý cao xa, sâu sắc của đạo Phật dần được đưa vào và giải thích cho người mới khởi đầu tu học, hay nói đúng hơn là bậc Dự lưu. Như thế, người học Phật từ cấp độ thấp nhất đến cao nhất không còn cảm thấy lúng túng bởi sức nặng triết học và hành trì quá khó do sự hiểu biết hạn chế, hoặc do nghị lực và lòng mộ đạo chưa được lớn mạnh.
1 Về tiến trình tiệm tu trong đạo Phật: Chính pháp của Như Lai là quá trình huấn luyện dần dần, thực tập từng bước và tiến bộ theo cấp độ (Imasmiṃ dhammavinaye anupubbasikkhā anupubbakiriyā anupubbapṭīpadā); tham khảo Kinh Trung Bộ, III, trang 2 - 4.
2 Dānakathaṃ, sīlakathaṃ, saggakathaṃ, kāmānaṃ ādinavaṃ okāraṃ saṃkilesaṃ nekkhamme ānisaṃsaṃ.
3 Dukkhaṃ samudayaṃ nirodhaṃ maggaṃ.
(b) Tính bao dung của đạo Phật
Đạo Phật có tinh thần bao dung1 và gây sức hút lớn ngay cả đối với người ngoại đạo. Công kích tôn giáo khác là hành động không bao giờ được chấp nhận trong đạo Giác Ngộ. Đức Phật chuyển hóa người ngoại đạo mà chưa từng gièm pha hay phỉ báng bất kỳ một tôn giáo nào họ đã từng theo. Mặc dù, tất nhiên cũng có đôi lúc Ngài chứng minh rõ cho mọi người thấy những học thuyết sai trái và phương pháp thực hành lệch lạc, không đúng, không đáng học theo của các tôn giáo khác. Lại nữa, đức Phật quan niệm, hàng đệ tử của Ngài nên ban bố tặng phẩm chính pháp cho những tín đồ xứng đáng đến từ các tôn giáo khác chứ không chỉ riêng dành cho người con Phật. Ngài cho phép một gia chủ đạo Lõa Thể sau khi quy y Tam bảo vẫn được tiếp tục cúng dường cho các tu sĩ Lõa Thể dựa vào lòng tôn trọng của họ đối với các giáo phái ngoại đạo đó. Kinh Trung Bộ tường thuật lại câu chuyện một tín đồ thuộc phái Tà Mạng ngoại đạo (Ājīvaka) tái sinh ở cõi Trời nhờ công đức tin vào nghiệp báo (kammavādin). Sự kiện này cho thấy đức Phật không bác bỏ việc một nhà ngoại đạo tuyên bố về Thiên giới chỉ với lý do vị ấy không phải là Phật tử. Ngài tôn trọng những Bà-la-môn nào hướng dẫn đời sống đạo đức thực sự. Tinh thần dung hòa rõ ràng là một đặc điểm nổi trội của đời sống tâm linh Ấn Độ, nhưng tinh thần đó phải được nói đến với tầm ảnh hưởng của Phật giáo vì đã áp dụng theo cách triệt để hơn bất kỳ tôn giáo nào khác cùng thời.
1 “Một người không nên tự khen tôn giáo của mình và cũng không nên chê bai những tôn giáo khác” (Na ca saddhamma okkasanāna paradhamma-vambhanā); Kinh Trung Bộ, I, trang 523.
(c) Lòng kiên trì của các nhà truyền giáo
Kinh điển đạo Phật cung cấp cho chúng ta nhiều mẫu chuyện điển hình mà các nhà thuyết giáo phải bền chí theo đuổi công cuộc chuyển hóa những cá nhân đặc biệt khó hóa độ. Khuynh hướng chung của những trường hợp này là, đồ chúng của những giáo phái khác thiết tha đi theo đạo Phật, vì thế đã gây nên một chút khó khăn đối với các nhà truyền giáo khi thực hiện sứ mệnh chuyển hóa của họ. Các trường hợp như thế tuy ít xảy ra, song chúng cũng đã thể hiện rõ sự nhiệt tâm cổ vũ cho các nhà truyền giáo phổ biến chính pháp. Kinh Thiên Thí Dụ (Divyāvadāna) kể về chuyện Ngài Phú-lâu-na quyết tâm hoằng pháp giữa nơi đầy rẫy những kẻ côn đồ như ở Thâu-lư-na (Śroṇāparāntaka), thậm chí còn liều lĩnh với cả mạng sống của mình. Việc này đã được đức Phật khen ngợi như sau: “Này Phú-lâu-na, ông được phú cho sự kiên nhẫn và là người thích hợp để hoằng pháp giữa những người xứ Thâu-lư-na. Hãy đi, này Phú-lâu-na, giải thoát những ai có khát vọng giải thoát, cứu độ những ai đáng cứu độ, an ủi những ai cần an ủi, giải thoát những người cần giải thoát”. Kinh Mi-lan-đà Vấn Đáp (Milindapañha) liên hệ đến câu chuyện Rohana thăm nhà thân phụ của Nāgasena liên tiếp bảy năm mười tháng với mục đích hóa độ Nāgasena. Những chuyến thăm viếng được bắt đầu một thời gian trước ngày sinh của Nāgasena, trong lúc bao nhiêu sự chế giễu và lăng mạ đang hướng về phía Ngài. Những cuộc thăm hỏi bất chấp bối cảnh trở ngại rốt cuộc đã có ý nghĩa trong việc thu phục cha mẹ Nāgasena, sau đó Nāgasena cũng đã quy hướng Tam bảo. Bộ Đại Sử cũng có câu chuyện tương tự như thế nhưng những nhân vật được nói đến trong đó thì khác. Thật không dễ để khẳng định những truyện kể trên dựa theo sự kiện thực được bao nhiêu nhưng chính những câu chuyện có vẻ gần gũi với các tác giả của hai tác phẩm vừa nêu chứng tỏ sự kiên cường, ý chí của những nhà thuyết giáo Phật pháp trong công cuộc chuyển hóa ở thời này chẳng phải là điều quá mới lạ.
(d) Hùng lực trong tranh luận
Nhiều người cho rằng, đức Phật luôn muốn tránh né những cuộc tranh luận với người khác. Ngài không khuyến khích đệ tử tranh luận những vấn đề về tôn giáo trong quá trình giảng pháp và du hóa. Nói như thế cũng không hoàn toàn chính xác. Có những đoạn kinh dẫn chứng cho điều này nhưng chúng ta phải tìm hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa thật sự của vấn đề. Xin trích dẫn một hoặc hai đoạn kinh như thế, Ngài đã tuyên bố chính pháp của Như Lai không phải để chấp thủ thông qua lối lập luận logic (atakkāvacara) và Ngài lên án các Sa-môn, Bà-la-môn về việc chia chẻ tranh luận nhỏ nhặt, chê bai với nhau rằng: “Vấn đề trái ngược với ngươi, ngươi đã bị đánh bại, hãy làm rõ quan điểm của ngươi, tháo gỡ cho chính ngươi nếu có thể”.1 Dựa vào những đoạn kinh này, thật sai lầm nếu nhận xét đức Phật chỉ trích hay cấm đoán mọi tranh luận về tôn giáo. Thực tế, có một đoạn trong Kinh Phạm Võng (thuộc Kinh Trường Bộ) có thể làm cho người đọc hiểu lầm đức Phật không cho phép tranh luận đối với tất cả mọi trường hợp. Nhưng thực ra, Ngài chỉ phê bình những tranh cãi theo kiểu hý luận như đã nêu ở trên cần phải được từ bỏ. Cách hiểu đúng đắn là: những nhà biện luận phải nắm được chân lý, không còn mờ mịt do việc sử dụng ngôn ngữ và sự phản biện trái ngược về cùng một vấn đề vốn chỉ gây ra hoang mang. Chư vị Tỷ khưu nên quý trọng sự thật, điều các thầy ưa thích không gì khác hơn là chính pháp và chân lý. Đánh bại đối phương trong các cuộc biện luận chẳng qua là con đường dẫn đến tự khẳng định tính ngã mạn và càng trở nên thấp kém hơn bên trong nội tâm nếu xét về lập trường tâm linh. Tranh luận với tính cách như vậy bị đức Phật phê phán. Lời nói, câu văn sắc bén như vũ khí thường liên quan đến những quan điểm gay gắt không thể hòa giải được. Những vấn đề này mông lung không xác định nên việc tranh cãi chẳng giải quyết được mà chỉ có thể được nhận diện ở mức độ thiền định cao nhất. Các cảm thọ và sự nhận diện suốt quá trình thiền tập không thể được cảm nhận bởi những ai không có trải nghiệm cá nhân. Thành thử, sự khác biệt lớn luôn tồn tại giữa các đệ tử Phật và các Bà-la-môn. Nhìn nhận về sự khác biệt này giữa hai hạng người, các ẩn sĩ Bà-la-môn cho phép các đệ tử của họ tranh cãi để loại bỏ sự mâu thuẫn giữa hai hay nhiều đoạn kinh về cùng một quan điểm. Cư sĩ Bà-la-môn nào cho rằng lý luận logic giúp họ đạt được chân lý tối thượng thì họ đã sai lầm. Vì mọi ngôn ngữ được dùng với mục đích mô tả sự trải nghiệm đều trở thành vô nghĩa. Thế nên, rõ ràng đức Phật đã rất có lý trong việc khuyên ngăn các thầy Tỷ khưu tránh những tranh luận sáo rỗng.
1 “Ông phủ nhận chính điều ông đã nói, hãy từ bỏ lý lẽ của ông, hoặc tiếp tục giữ lý lẽ đó nếu ông có thể làm rõ vấn đề” (Āropito te vādo, niggahīto’si. Cara vādappamokkhāya, nibbeṭhehi vā sace pahosīti); Kinh Trường Bộ, I, trang 8.
Chúng ta hãy nhớ rằng, bối cảnh xã hội Ấn Độ vào thời đó bắt buộc một nhà truyền giáo phải tranh luận. Một trong những công việc thiết yếu của họ là thuyết phục thính chúng, và điều này khó có thể thành công nếu lý luận dàn trải, thiếu chặt chẽ. Vào thời đức Phật, thường có những câu chuyện về các nhà lãnh đạo Bà-la-môn rảo bước khắp vùng Đông Ấn cùng với một số đồ chúng để tổ chức các cuộc tranh luận với những người đứng đầu của các giáo phái chống đối nhằm khẳng định tầm ảnh hưởng và gia tăng số lượng đồ chúng của họ. Có những du sĩ vân du đây đó với lòng cởi mở để chấp nhận ánh sáng tôn giáo ở nơi nào có thể. Hàng cư sĩ cũng thích thú lắng nghe tranh luận. Họ xây dựng các khu giảng đường cho việc học hỏi chân lý (kutūhala-sālā) hay các am thất cho những du sĩ (paribbājakārāma) ở nhiều nơi khác nhau cư trú và làm chỗ tiện nghi cho việc tổ chức các cuộc tranh luận, đôi khi ở giữa nơi quy tụ đông đảo quần chúng của những địa phương lân cận. Mọi người thường cảm thấy rất đỗi tự hào nếu nhiều nhà truyền giáo giỏi đến dự tại các giảng đường hay am thất mà họ đã xây dựng. Nhiều bản tư liệu Phật giáo có nói đến một thường lệ tại những cuộc tranh luận, nếu người thầy thua cuộc thì đồ chúng của vị đó sẽ từ bỏ học thuyết của họ để đi theo người thắng cuộc. Sự cải đạo sau những cuộc tranh luận thịnh hành thời đó đã được các tôn giáo dùng làm nguồn thu hút tín đồ hiệu quả nhằm chiêu mộ đồ chúng. Các bậc thầy tâm linh tranh đua với nhau để thu nạp nhiều đồ chúng và hướng dẫn họ đến mục đích cao nhất theo cách riêng. Tranh luận giữa những vị hướng đạo sư thuộc các giáo phái chống đối nhau thể hiện họ có nền tảng tốt về lý luận, tránh những lỗ hổng logic. Họ cũng phải vững vàng về học thuyết của nhiều trường phái khác nhau, cao siêu hơn học thuyết của chính họ. Họ cần thông thạo cả phương pháp tu tập của các giáo phái đối lập với họ. Dựa vào những thực tế này, việc nói đức Phật cấm tranh luận tôn giáo là không chính xác. Nhiều nơi trong kinh điển Phật giáo mô tả đức Phật là một bậc thầy thông suốt về cả học thuyết lẫn thực hành của các trường phái ngoại đạo. Số đông các đệ tử của Ngài vốn là đối phương bị thất bại trong các cuộc tranh luận hoặc được thu nạp từ đồ chúng Bà- la-môn và những nhà truyền giáo ngoại đạo thông qua cách thuyết phục về sự ưu việt của giáo lý mà Ngài đã giảng dạy cho họ. Cuộc nói chuyện giữa đức Phật với Chủng Đức (Soṇadaṇḍa), Cứu-la-đàn- đầu, Ưu-ba-ly, Sakuludāyi, Vekhanassa, Assalāyana và nhiều người khác là những trường hợp tiêu biểu cho việc Ngài lập luận để rồi cuối cùng thu phục được đối phương. Ngài đã chiến thắng nhiều cuộc tranh luận và thu nạp được số lượng lớn đồ chúng ngoại đạo, nổi bật là trường hợp của Trường Khổ Hạnh (Dīghatapassi), một tu sĩ Lõa Thể gây hấn với lời rêu rao “ông Gautama là một phù thủy dùng phép thuật lôi kéo đồ chúng các giáo phái khác”.1
1 “Gotamo māyāvī, āvaṭṭtaniṃ māyaṃ jānāti yāya aññatithiyānaṃ sāvakā āvaṭṭetīti”; Kinh Trung Bộ, I, trang 375; Kinh Tăng Chi Bộ, II, trang 190.
Tên tuổi các đệ tử từ bỏ tín ngưỡng và pháp tu của họ, cải đạo sang Phật giáo rất nhiều. Các vị được nêu tên sau đây chứng minh rõ ràng họ đã từng là hàng thượng thủ, giỏi cả biện luận lý thuyết lẫn thực hành trong các giáo phái mà họ theo trước khi cải đạo, chẳng hạn: Ma-ha Câu-hi-la (Mahākoṭṭhita), Tân- đầu-lư Phả-la-đọa, Ma-ha Ca-chiên-diên là các nhà tinh thông ba bộ Vệ-đà và thành tựu hoàn hảo pháp Bà-la-môn. Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên là các đệ tử trụ cột của Sách-xà-da (Sañjaya) nhưng không thỏa mãn với giáo lý của người này. Anh em nhà Ca-diếp đều là những vị lãnh đạo của các du sĩ Búi Tóc; còn Vô Úy Vương tử (Abhayarajakumara) là học trò ưu tú của Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử (Nigaṇṭha Nātaputta), được người thầy phó thác tinh hoa thông tuệ về giáo lý và triết học đạo Kỳ-na để tranh luận với đức Phật.
Bốn cách thức tranh biện
Đức Phật áp dụng bốn cách thức thuyết giảng thông qua đối thoại như sau:
(1) Hỏi ngược lại đối phương (paṭipucchāvyā- karaṇīya): phương pháp này dùng các câu hỏi ngược lại để xác nhận chắc chắn về hoài nghi của người đối thoại, sau đó đưa ra câu trả lời thích hợp để loại trừ mối hoài nghi đó.
(2) Trả lời dứt khoát, thẳng vào vấn đề (ekaṃsavy- ākaraṇīya): tức là trả lời trực tiếp cho người hỏi mà không cần thảo luận với họ.
(3) Trả lời sau khi đã phân tích rõ ràng (vibhajjavy- ākaraṇīya): những câu giải đáp được chia nhỏ rồi giải quyết lần lượt.1
1 Tham khảo minh họa của phương pháp này trong Kinh Trung Bộ, II, trang 197.
(4) Bỏ qua câu hỏi (thāpanīya): đức Phật chọn giải pháp chỉ ra tính không xác định của những vấn đề được hỏi để tránh phải thảo luận, vì chúng không mang lại kết luận cuối cùng. Với lý do này cũng như những gì đã nói ở trên, đức Phật mong muốn các thầy Tỷ khưu tránh tranh luận những chủ đề trống rỗng như thế. Ngay cả khi gạt bỏ loại chủ đề này, các thầy Tỷ khưu cũng chỉ được cho phép thảo luận có chừng mực những gì giúp ích cho trí tuệ sắc bén cùng với lý luận thích hợp.
Để tranh luận thành công, luận chủ cần trang bị phương thức lập luận (kūṭatarka) ứng đáp với những đối phương thông thạo lĩnh vực lý luận logic khi cần. Qua các huấn thị của đức Phật, rõ ràng, Ngài mong muốn các thầy Tỷ khưu dùng năng lực lý luận nhằm mục đích phục vụ cho chân lý, duy chỉ chân lý, không ngụy biện theo ý muốn riêng của họ. Một người hoằng pháp mù tịt về các phương thức của một nhà lý luận logic về mặt hình thức và không có khả năng sử dụng mẹo ứng đối để bảo vệ chính mình thì nhất định sẽ là kẻ biện luận yếu kém. Có lẽ vì lý do này mà đức Phật áp dụng công thức nghệ thuật lý luận logic đối với những ai có ý đồ bất chính hoặc tranh cãi theo lối quanh co. Sự kiện này được mô tả qua bản Kinh A-ma-trú (Ambaṭṭha Sutta),1 đức Phật khuất phục thanh niên Ambaṭṭha khi anh ta tuyên bố về sự vượt trội của giai cấp Bà-la-môn do nguồn gốc sinh ra và cho rằng dòng họ Thích-ca có gốc gác từ nô lệ. Những người thuộc dòng họ Kaṇhāyanā đưa ra thông tin hư cấu rằng, dòng tộc Thích-ca là hậu duệ của con trai một tỳ nữ phục dịch trong nhà gia chủ Bà-la-môn. Kết quả câu chuyện rất thú vị với việc Ambaṭṭha tự lộ rõ nguồn gốc thực sự thấp kém của anh ta. Ambaṭṭha đã không đạt được điều anh ta mong muốn là hạ thấp dòng dõi Thích-ca. Mà ngược lại, do sợ hãi trước sức ép thần lực quỷ thần, Ambaṭṭha buộc phải thừa nhận dòng dõi thấp kém của mình. Bản kinh này làm rõ rằng, việc sử dụng lý luận logic thuần túy với lời lẽ đơn điệu, bình dị sẽ không hiệu quả trong tranh luận đối với một kẻ ngạo mạn như Ambaṭṭha. Đức Phật đã chọn những phương tiện hợp lý, tác động mạnh mẽ để giúp anh ta từ bỏ tà kiến.
1 Kinh Trường Bộ, I, trang 92 - 95.
Những sử liệu chi tiết về các cuộc tranh luận với đức Phật rất hiếm thấy trong kinh văn Phật giáo. Đáng phải kể đến là sự kiện Tát-già-ca Ni-kiền-tử (Saccaka Nigaṇṭhaputta) gây hấn với Phật được Kinh Cūla-saccaka thuộc Kinh Trung Bộ kể lại. Nội dung câu chuyện giúp cho người đọc hiểu cách làm thế nào để người đệ tử Phật có thể đối diện và khéo léo tránh né các phản biện từ đối phương. Bối cảnh câu chuyện như sau:
Một thời gian nọ, đức Phật đang ngụ tại Tỳ-xá-ly, ông Tát-già-ca Ni-kiền-tử tuyên bố không tìm được bất cứ ai không run sợ khi tranh luận với ông ấy. Ông cũng nghe nói về lời Phật dạy năm uẩn là vô thường, vô ngã. Ông phản bác điều đó và hồi hộp chờ đợi gặp Phật để tranh luận. Ông đến Kūṭagārasālā cùng năm trăm người thuộc bộ tộc Ly-xa (Licchavi) để họ chứng kiến ông đánh bại Phật. Sau khi ngồi, Tát-già- ca nói: “Tôi muốn hỏi Ngài một vấn đề, nếu Ngài đồng ý”. Và rồi, khi được đức Phật đồng ý, ông bắt đầu các câu hỏi.
- Ngài chỉ dạy đệ tử Ngài những gì?
- Ta dạy họ sắc vô thường, thọ vô thường, tưởng vô thường, hành vô thường, thức vô thường. Sắc là vô ngã, thọ là vô ngã… Tất cả pháp hữu vi là vô thường và không có tự thể.
- Xin cho một minh chứng về điều đó đối với tâm của tôi?
- Điều đó hiện hữu ngay ở tâm ông. Như hạt giống cỏ cây phát triển chín muồi là nhờ phụ thuộc, bám chặt vào đất để sinh trưởng. Cũng vậy, bất cứ hạnh nghiệp nào được lớn mạnh đều nhờ phụ thuộc, bám chặt vào một loại đất mà các nghiệp được hình thành. Với phương thức này, sắc là cá thể con người này, dựa vào sắc thân này, con người gây tạo các nghiệp thiện hay ác. Dựa vào thọ, v.v...
- Có phải ông nói “sắc là chính ông, thọ... là chính ông”?
- Tôi nói “sắc, thọ... mỗi mỗi đều là tự ngã của tôi”.
- Ông nghĩ thế nào, Aggivessana, có phải Vua Sát- đế-lợi như Ba-tư-nặc của nước Kiều-tát-la (Kosala) nắm quyền tuyên bố tội, tuyên bố hình phạt xử tử, tuyên bố luật pháp và sự nghiêm cấm?
- Đúng vậy, thưa Ngài!
- Khi ông nói sắc là tự ngã của ông, có phải ông có khả năng làm chủ đối với sắc, rằng: Hãy để sắc của tôi thế này, đừng như thế khác?
Với câu hỏi đó, Tát-già-ca ngồi im lặng. Đức Phật lặp lại câu hỏi này lần nữa để Tát-già-ca trả lời. Tát-già-ca thưa:
- Tôi không thể.
- Hãy suy nghĩ rồi trả lời, lời nói sau của ông không khớp với lời nói trước, lời nói trước cũng không khớp với lời nói sau. Sắc, thọ… là thường hay vô thường?
- Chúng là vô thường.
- Vô thường là khổ hay vui?
- Khổ, thưa Ngài.
- Cái gì vô thường, khổ là đối tượng của sự hoại diệt. Có thật đáng để coi cái đó là “của tôi, là tự ngã của tôi” không?
- Thật không đáng, thưa Ngài.
- Người nghĩ rằng “đây là tôi, đây là tự ngã của tôi”, liễu tri khổ như vậy thì khổ não có vây quanh vị ấy không?
- Không, thưa Ngài.
Đức Phật giảng:
“Như người chặt cây muốn tìm cây có lõi chắc nhưng khi đi vào rừng cắt rễ cây chuối rồi cắt đầu, cắt lá… vẫn không thể lấy được lõi cây. Như thế, ông cũng vào rừng hý luận muốn tranh chấp với ta, rốt cuộc ông lại tìm ra sự trống rỗng vô ích trong giáo lý của ông”.1
1 Phần này được tóm tắt từ cuốn Năm Mươi Bài Kinh Đầu Tiên Của Đức Phật Cồ-đàm trong Kinh Trung Bộ; Bhikkhu Silacara, First Fifty Discourses, quyển II (Leipzip, NXB Walter Markgraf, 1912), trang 84 - 88.
Các du sĩ ngoại đạo và các giáo phái khác đã hỗ trợ truyền bá Phật pháp như thế nào?
Các du sĩ và đồ chúng của các tôn giáo khác nhau ở thời đó đã đóng góp hiệu quả trong lĩnh vực quy nạp đồ chúng thông qua cách thức cải đạo để đến với Phật giáo. Theo thông lệ chung, qua một buổi tranh luận, bên thua cuộc sẽ bị hàng phục, buộc phải chấp nhận quy thuận tôn giáo thắng cuộc. Thông lệ này đã trở thành phương thức hiệu quả cho sự mở mang của đạo Phật, vì chính đức Phật cũng như nhiều đệ tử khác đều là các nhà biện luận giỏi khi đi hoằng pháp. Điểm đặc biệt vào thời đức Phật là tín đồ của nhiều tổ chức tôn giáo chú trọng niềm tin có tư duy hiểu biết chứ không tín ngưỡng mù quáng. Thực trạng tín ngưỡng tâm linh lúc bấy giờ đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về giá trị giáo lý. Kẻ bị đánh bại trong cuộc tranh luận sẽ từ bỏ tôn giáo của họ. Vì khi trải qua cuộc tranh luận trước công chúng, họ nhận ra rõ hơn các điểm yếu, sự thiếu sót trong chuỗi lý luận mà lâu nay họ đặt niềm tin vào. Trái lại, không có điểm sai sót nào được chỉ ra trong lý lẽ của tôn giáo mà bên thắng cuộc tín ngưỡng. Không ai xấu hổ khi phải từ bỏ một tôn giáo do thất bại trong một cuộc tranh luận. Và việc thay đổi tín ngưỡng tôn giáo bởi bất kỳ lý do nào khác cũng không có gì phải xấu hổ. Tuy nhiên, những thời kỳ sau này thì không còn như vậy nữa, lễ nghi và bề nổi hoạt động xã hội của tôn giáo đã không còn kết nối được với niềm tin nội tâm của một cá nhân.
Lại nói về thời đức Phật, nhiều người học đạo sau khi kết thúc giai đoạn học tập, rèn luyện đã đi khắp lãnh thổ Ấn Độ với tư cách là các du sĩ để tham cứu nền triết học giữa các tôn giáo khác nhau nhằm mục đích thông thạo nghệ thuật tranh luận.1 Họ được tự do trong việc tiếp thu một tôn giáo nào đó họ cảm thấy hấp dẫn và coi đó là phương tiện để đạt đến chân lý tối cao. Chúng ta thấy, các Bà-la-môn và Sát-đế-lợi trẻ tuổi dù vướng phải sự ngăn cản của cha mẹ nhưng vẫn quyết tâm gia nhập giáo đoàn.
1 Một vị giáo sĩ Bà-la-môn cần phải đi đây đó như một ẩn sĩ để hoàn thành giai đoạn học tập (“Caritaṃ kho pana bhotāy Assalāyandena paribbājakaṃ; ma bhavaṃ Assalāyano ayuddhaparājitaṃ parājayiti”); Kinh Assalāyana (Kinh Trung Bộ, II, trang 148).
Tiến sĩ B. M. Barua; Lịch Sử Triết Học Ấn Độ Thời Tiền Phật Giáo (A History of Pre-Buddhistic Indian Philosophy) (University of Calcutta, 1921), trang 192.
Thực tế này đã giúp đức Phật và đội ngũ truyền giáo của Ngài có được giải pháp tốt trong công tác mở mang chính pháp. Việc cải đạo của các đệ tử phái Sañ- jaya trong đó bao gồm Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ma-ha Ca-diếp, Cư Sĩ Búi Tóc (Jaṭilas), Phí-già- la- bà-la (Pokkharasāḍi), Sakuludāyī, Acela, Thường- già (Caṅki), Uất-sấu-ca-la (Esukāri), Cù-đá-mâu-già (Ghoṭamukha), Bỉ-ma-na-tu (Vekhanassa), Tát-già- ca (Saccaka) cùng với số đông khác chứng tỏ đức Phật rất thành công trong việc chuyển hóa các du sĩ ngoại đạo, các tôn giáo cả Bà-la-môn lẫn không phải Bà-la-môn. Trong Kinh Tập (Sutta-Nipāta), Ưu-bà- tắc Dhammika đưa ra lời nhận xét chuẩn xác rằng: Nhiều vị trong số các ngoại đạo (titthiya), Tà Mạng phái (Ājīvakan), Ni-kiền-tử (Nigaṇṭha) đều là các bậc Trưởng thượng.
Sự quy kính Tam bảo của họ đã giúp cho những buổi diễn giảng giáo pháp của đức Phật có sức thu hút đồ chúng mạnh mẽ. Dòng chảy cải đạo từ các nhóm người như thế cứ lớn dần, số lượng đông đến mức đức Phật buộc phải đưa ra rào cản chặn bớt việc gia nhập Tăng đoàn đối với những phần tử không mong muốn bằng cách yêu cầu họ trải qua bốn tháng thử thách.
(e) Cách thức truyền giảng
Phương pháp biện chứng, đối thoại tương tác trong thuyết giảng được đức Phật áp dụng thường xuyên. Phương pháp này có sự tương đồng lớn với cách thức đối thoại của Socrates. Mở đầu buổi thuyết pháp, Ngài kiểm chứng quan điểm tư tưởng của người nghe bằng cách đưa ra những câu hỏi về vấn đề tôn giáo hoặc trả lời những câu hỏi mà Ngài cho phép họ đặt ra với Ngài. Thông qua cách này, Ngài thường chọn những chủ đề thích hợp với bối cảnh và có thể chấp nhận đối với người nghe rồi giảng giải về nó. Ngài ưu tiên dùng ngôn ngữ phổ thông ở địa phương trong bài giảng. Các nghệ thuật so sánh ẩn dụ, ngụ ngôn, truyền thuyết thường được rút ra từ kinh nghiệm cuộc sống hằng ngày đan xen vào lời dạy cùng với kệ tụng súc tích tạo nên những lập luận nhẹ nhàng, hiệu quả. Đức Phật quan tâm đến nghệ thuật giảng giải và cố gắng tạo dấu ấn về những ý nghĩa quan trọng trong tâm thức hàng đệ tử. Các đặc điểm giúp cho lời giảng của Ngài được truyền đạt một cách ấn tượng là:
(1) Sử dụng tuệ giác siêu việt để phát hiện ra những đối tượng có thể được lợi lạc từ bài giảng tại một thời điểm đặc thù;
(2) Chẩn đoán chính xác tâm lý người nghe để lựa chọn chủ đề giảng thích hợp;1
(3) Vận dụng thần thông huyền bí (pāṭihāriya) với ba cách:
1 “Aśayānuśayam viditvā dhātuṃ prakṛtiṃ ca jñātvā tādrsi dharmadeśanā kṛta”; Kinh Thiên Thí Dụ, trang 96.
- Iddhis (ṛḍḍhis trong bộ Yogasāstra của đạo Hindu): Để lại dấu ấn với thính chúng khiến họ khâm phục về cảnh tượng phô diễn thần biến vượt ngoài quy luật vật lý;
- Ādesanā: Sự phô diễn thần lực đọc tư tưởng người khác;
- Anusāsani: Thông qua thần thông đọc suy nghĩ, khuyến cáo một cá nhân từ bỏ lời nói hay ý niệm xấu ác đối với đức Phật.
Đức Phật biết trước các đệ tử sẽ tùy tiện lạm dụng thần thông, vì nhiều người trong số họ có thể bị hạn chế ở trình độ tu dưỡng tâm linh thấp kém nên lợi dụng thần thông để phục vụ cho mục đích tự lợi. Để tránh tình trạng lạm dụng đó, Ngài nghiêm túc không cho phép đệ tử phô diễn thần thông trước các gia chủ.1 Theo đức Phật, một nhà truyền giáo giỏi phải tuân theo các quy tắc dưới đây:
1 “Na bhikkhave gihinaṃ uttarimanussadhammaṃ iddhipāṭihariyaṃ dassetabbaṃ”; Luật tạng, II, trang 112.
(a) Khi nói những bài pháp thông thường cho gia chủ thì phải nói tuần tự, tức là: bắt đầu từ bố thí, trì giới, v.v...;
(b) Xem xét trình tự các chi tiết của chủ đề;
(c) Dùng ngôn ngữ từ bi, hòa ái;
(d) Tránh bàn những vấn đề không thích đáng;
(e) Không sử dụng bài giảng châm biếm cay độc những người khác.
Sự bảo trợ của vua chúa, các bộ tộc và nguồn hỗ trợ khác
Vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên, do không có sự cai trị thống nhất tối cao ở vùng Bắc Ấn Độ nên đất đai nơi đây được chia làm nhiều nước độc lập. Trong số đó, bốn vương triều Ma-Kiệt-Đà, Kiều-tát- la, Vasta và A-bàn-đề (Avanti) vươn lên mạnh mẽ và gây chiến lẫn nhau nhằm lấn chiếm lãnh thổ các nước nhỏ hơn.1 Trong số lượng lớn các nhà truyền đạo thuộc nhiều tôn giáo khác nhau đang hoạt động ở những vùng này, nếu ai vượt trội hơn thì họ sẽ ganh đua nhau để giành sự ủng hộ của vua chúa. Kinh văn Phật giáo có nhắc đến việc đức Phật trân trọng kể lại lòng thiện cảm cùng sự bảo trợ của các bậc đế vương, hoàng gia và dòng dõi quý tộc đối với đạo Phật. Khi Ngài vào thành Ma-la (Mallas), quý tộc Malla Roja cung đón Ngài chẳng phải vì tâm cung kính mà để khỏi bị gánh nghĩa vụ pháp lý do dân Mallas đã quy định đối với những ai không đón rước Phật. Khi đến gần đức Phật, ông ta bộc bạch với tôn giả A-nan-đà cảm nghĩ thực sự của mình.
1 Rhys David; Ấn Độ Phật Giáo (Buddhist India) (Indological Book House, 1970), trang 3.
Tôn giả A-nan-đà nghe xong rất buồn và thỉnh cầu đức Phật tác động vào suy nghĩ của Malla Roja để hóa độ ông ấy làm một đệ tử thuần thành bởi ông ấy vốn thuộc dòng dõi quý phái. Tầm ảnh hưởng và tấm gương quy kính Tam bảo của ông ta sẽ giúp Phật pháp được lan rộng ở địa phương. Đức Phật đồng ý với lời tôn giả A-nan-đà thỉnh cầu và khiến Malla Roja thay đổi thái độ thông qua thực tập tâm từ, nhờ đó ông ấy thâm nhập được giáo lý. Dù chúng ta không tìm thấy bất kỳ đoạn nào trong Kinh tạng nói rõ đức Phật tái hiện việc tương tự như thế đối với bất kỳ cá nhân nào thuộc hoàng tộc, nhưng ở Luật tạng, Ngài chỉ dạy chư Tăng ấn định ngày bắt đầu mùa an cư (vasāsāvsa), thuận theo nguyện vọng của Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra), vào một dịp đặc thù cũng cho thấy sự bảo trợ gắn bó của hoàng tộc.
Tần-bà-sa-la, người trị vì vương quốc Ma-kiệt- đà, là vị vua đầu tiên gặp được đức Phật sau khi Ngài giác ngộ. Nhà vua đã đón tiếp trọng thể, sắp xếp chỗ ở cho Ngài tại khu vườn thượng uyển. Vua cũng hạ lệnh cho các trưởng làng trong vùng đến nghe Ngài thuyết pháp. Nhờ Vua Tần-bà-sa-la hỗ trợ mà đức Phật đã có được số lượng lớn đồ chúng ở Ma-kiệt- đà. Nhà vua đặc biệt quan tâm, lo lắng đến đời sống bình an của Tăng đoàn đến mức ra sắc lệnh không ai được làm tổn thương đến chư vị Sa môn Thích tử. Nhiều lần, nhà vua khuyên đức Phật chế định giới luật để mang lại lợi ích tốt đẹp cho Tăng đoàn.
Một trong số những điều quy định đó là không truyền giới pháp xuất gia cho những ai phục vụ trong hoàng tộc vì lo ngại các bậc đế vương không tín tâm có thể sách nhiễu Tăng đoàn. Một trường hợp khác, nhà vua khuyên đức Phật nên quy định việc tổ chức các buổi tập trung vào ngày mồng 8, ngày 14 và ngày rằm hằng tháng như các tôn giáo khác để lợi lạc cho các cư sĩ tại gia.
Vua Ba-tư-nặc nước Kiều-tát-la
Vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) là một nhà bảo hộ vĩ đại của đức Phật và Tăng đoàn, song có vẻ không hộ trì toàn diện như Vua Tần-bà-sa-la. Dù phải lo hỗ trợ rất nhiều bậc thầy Bà-la-môn nhưng sự hộ trì của Vua Ba-tư-nặc dành cho đức Phật và Tăng đoàn cũng không thua kém. Nhà vua quan tâm dâng phẩm vật cúng dường tôn giả A-nan-đà, hoan hỷ tha thứ cho những tội ác trong quá khứ của Ương-quật-ma-la (Angulimāla) và hứa cung cấp cho Ương-quật-ma-la những nhu cầu thiết yếu của một thầy Tỷ khưu. Nhà vua thiết tha mong muốn cưới công chúa dòng tộc Thích-ca và cuối cùng kết hôn với Vasabhakhattiya, rồi đặt niềm tin trở lại đối với chư Tăng. Nhà vua bày tỏ niềm tự hào về tuổi tác ngang bằng Phật, cùng giai cấp và sống cùng địa phương với Ngài, chứng tỏ lòng yêu mến của ông đối với giáo pháp và khát khao được xem như là một đại thí chủ với thiện chí hộ trì chính pháp. Trong kinh điển Nikāya có xác nhận, nhà vua đã trở thành một cư sĩ thuần thành, kính ngưỡng thành khẩn với Phật.1 Bức phù điêu được khắc vào khoảng thế kỷ thứ II - III trước Công nguyên mô tả hình ảnh nhà vua diện kiến đức Phật để nói lên rằng các Phật tử luôn tôn trọng ông như là một nhà bảo hộ chính pháp.
1 Kinh Tương Ưng Bộ, I, trang 70; Kinh Tăng Chi Bộ, V, trang 65; Kinh Thiên Thí Dụ, trang 154.
Vua Caṇḍa Pajjota của Avanti và Vua Udena của Kosambī
Các nhà nghiên cứu vẫn thường đặt ra nghi vấn rằng đức Phật thực sự thành công đến đâu trong việc chinh phục Nhà vua Chiên-đà Bát-thù-đa (Caṇḍa Pajjota) của A-bàn-đề và Vua Ưu-đà-na (Udena) của Kiều-thưởng-di (Kosambī). Những tư liệu về hai vị vua này rất hiếm trong kinh điển Phật giáo. Một lần nọ, Vua Pajjota cho Ma-ha Ca-chiên-diên cung đón đức Phật đến vương quốc của ông giảng pháp. Nhưng đức Phật nghĩ, tốt hơn nên để Ma-ha Ca-chiên-diên thuyết giảng và giáo hóa cho nhà vua, thế nên Ngài đã từ chối lời thỉnh cầu. Nhà vua sau đó rất mãn nguyện với bài pháp do Ma-ha Ca-chiên-diên giảng và đã trở thành đệ tử thuần thành trong chính pháp. Kinh Tương Ưng Bộ và bản dịch tiếng Tây Tạng của Luật điển1 có nói về sự kiện Vua Udena của Kosambī được giáo hóa. Bộ Dhammapadaṭṭhakathā mô tả chi tiết trường hợp quy y của Vua Udena. Đức vua rất ấn tượng với lòng mộ đạo của Hoàng hậu Soa-ma-bà- đế (Sāmāvatī), một cận sự nữ, chính nàng đã khuyên đức vua quy y chính pháp và hành trì bố thí. Câu chuyện vừa trình bày không thể nói rõ sự kiện hai vị vua này hỗ trợ cho việc truyền bá chính pháp, tuy nhiên, họ cũng không chống đối sự phát triển của đạo Phật. Chỉ thông qua việc họ cho phép các nhà truyền giáo hoạt động trong lãnh thổ vương quốc đã có thể được xem là bối cảnh thuận lợi cho việc mở rộng đạo Phật.
1 W. W. Rockhill (dịch); Cuộc Đời Đức Phật Và Lịch Sử Phật Giáo Thời Kỳ Đầu (The Life of The Buddha and The Early History of His Order) (London, NXB Trübner & Co., Ludgate Hill, 1884), trang 74.
Sự hộ trì của những người có tầm ảnh hưởng
Đức Phật đã thành công trong việc chuyển hóa nhiều bậc vương tôn quý tộc, quan chức, trưởng giả và những người giàu có. Chỉ cần liệt kê sự ủng hộ của Anāthapiṇḍika, Visākhā, Sīha, Abhayarājakumāra, Jīvaka, Yasa, Ambapālī, Nandaka… là sẽ rõ nguyên do đạo Phật rộng truyền mà không cần lý giải thêm. Điều sau chót cần phải kể đến là đức Phật cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều thị tộc thời đó. Dù Mahāvīra đã tạo tầm ảnh hưởng trước, tạo được mối quan hệ vững chắc với các thị tộc nhưng đức Phật lại khá thành công trong công việc hoằng pháp đối với họ. Ví dụ, không khó để đức Phật độ dẫn dòng tộc Thích-ca vì đó chính là nguồn gốc của Ngài. A-nậu- lâu-đà (Anurudha), Kim-tỳ-la (Kimbila), Bà-cửu (Bhagu), A-nan-đà, Đề-bà-đạt-đa, Nan-đà (Nanda), Ưu-ba-ly… và nhiều thành viên khác thuộc dòng họ Thích-ca vâng lời khuyên của đức Phật đều gia nhập Tăng đoàn. Dưới sự dẫn dắt của Kiều-đàm-di Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahāpajāpati Gotamī), nhiều người nữ dòng họ Thích-ca cũng theo tấm gương của các thanh niên trong dòng tộc, xuất gia làm cho giáo hội Ni lớn mạnh.
Bộ tộc Licchavi và Malla
Sau dòng họ Thích-ca là bộ tộc Licchavi và Malla quy y theo giáo pháp. Đức Phật ba lần đến Tỳ-xá-ly (Vesāli), thành phố trung tâm của bộ tộc Licchavi, thông qua các pháp thoại làm cho họ vui thích đạo Giác Ngộ. Ngài chuyển hóa rất nhiều nhân vật ưu tú trong bộ tộc và được họ dâng tháp cúng dường. Công cuộc hoằng pháp của Ngài ở Malla cũng rất thành công. Có lẽ để tỏ bày ý nghĩ ban ân huệ đối với lòng thành của dân chúng Malla mà Ngài đã chọn Câu-thi- na (Kusināgār), một khu rừng mát mẻ trong đất nước họ, làm nơi thích hợp để nhập Niết-bàn.
Dân chúng Bhagga và Koliya
Sứ mệnh truyền giáo của đức Phật đối với dân chúng Bạt-già (Bhagga) và Câu-lợi (Koliya) có lẽ không thành công như đối với những tộc bang vừa nêu ở trên. Đức Phật viếng thăm ba thị trấn của nước Koliya và tôn giả A-nan-đà thăm một thị trấn, song chỉ có vài người quy y từ những địa phương này. Ở Bhagga, sứ mệnh hoằng pháp của Phật cũng ít thành công. Điểm duy nhất Ngài đến là Bhesakalāvana, vườn Nai gần Suṃsumāragiri, những người được độ là Bồ- đề Vương tử (Bodhirājakumāra), anh em của Nakula.
Chúng ta hẳn không biết đến các bộ tộc ảnh hưởng bởi đạo Phật ngoại trừ câu chuyện trong Kinh Đại-bát-niết-bàn (Mahāparinibbāṇa Suttanta) về thị tộc Bạt-lợi (Buli) của Già-la-phả (Allakappa) và dòng họ Mạc-lợi-á (Moriya) của Thất-phỉ-lực- ngõa-lạp (Pipphalivana) cùng những thị tộc được công bố xây dựng bảo tháp phụng thờ xá lợi Phật ở đất nước họ.
Như thế, đạo Phật mở mang nhờ tài năng của chính đức Phật, nhận được sự bảo an và hỗ trợ từ các vua, quan, quý tộc, các thị tộc vốn đã từng hộ trì cho các tôn giáo khác. Đạo Phật có thể thay thế các tôn giáo khác nhờ nhận được thiện cảm và sự ủng hộ tuyệt đối của vài phú trưởng giả.
Nữ giới góp phần truyền bá chính pháp
Sự đóng góp của nữ giới trong công cuộc mở mang Phật pháp cũng không thể phớt lờ hoặc lướt qua một cách thiếu coi trọng. Nhiều lần, nhờ sức ảnh hưởng của nữ giới mà cả nhà gia chủ quy y với chính pháp. Tỳ-xá-khư (Visākhā) và Am-bà-la nữ (Ambapālī) đều có những cống hiến lớn cho giáo đoàn với sự cúng dường hào phóng. Công lao của Visākhā trở nên giá trị hơn nhờ sự hỗ trợ chuyển hóa tất cả thành viên trong gia đình người cha chồng từ đạo Kỳ-na sang đạo Phật. Con gái của phú trưởng giả Cấp Cô Độc nỗ lực thành lập Trung tâm Phật giáo ở Aṅga thông qua việc chuyển hóa toàn bộ gia đình phía cha chồng cô ấy. Hoàng hậu Sāmāvatī là người đã ảnh hưởng đến quyết định quy y Tam bảo của Vua Udena. Nhờ sự giúp sức của những cô gái Bà-la-môn kết hôn với dòng Thích-ca tại Bạt-đà-la-mục-ha (Bhadramukha) mà đức Phật độ được cư sĩ Văn Trà (Meṇḍaka). Sự kiện tương tự như thế này rất nhiều, đủ để chứng tỏ nữ giới đã chia sẻ tốt công việc hoằng dương Phật pháp.
Sự thành lập Ni đoàn đã làm mạnh thêm nguồn lực để phát triển Phật giáo rộng rãi. Nỗ lực này chẳng những giúp cho nhiều người nữ dẹp bỏ sầu muộn mà còn giúp họ nhận ra vị trí trân trọng, được đặt ngang hàng nam giới với hàm ý rằng họ vẫn đủ tư cách giải thoát nếu cố gắng tu tập. Những vị Tỷ khưu Ni nào dấn thân vào sự huyền bí tâm linh thì sẽ có xu hướng khai mở tâm cho những người khác theo lĩnh vực huyền bí và mang lại bình an lâu dài cho họ trong cuộc sống. Họ giống như các vị Tỷ khưu, cũng đi đến các tư gia, và nhờ dễ dàng tiếp cận với các nữ gia chủ nên họ có nhiều cơ hội hơn để tác động tư tưởng và chuyển hóa những nữ tín chủ ấy, hoặc thành người Phật tử tại gia thuần thành, hoặc xuất gia làm tu sĩ nữ. Những trường hợp chuyển hóa mang tính chất như thế xảy ra thường xuyên và có nhiều minh chứng trong Trưởng Lão Ni Kệ (Therigāthā) về việc nữ giới được xuất gia qua nỗ lực của những Tỷ khưu Ni Trưởng thượng. Chư vị Tỷ khưu Ni mang ánh sáng chính pháp mới đến khắp các gia đình, góp phần giúp Phật giáo phát triển rộng xa.
Vận dụng năng lực huyền bí
Yếu tố cuối cùng để truyền đạo là phương thức sử dụng năng lực huyền bí để thu phục những ai chưa được thu phục, qua đó hóa độ họ. Đáng tiếc là khi viết về sự truyền bá của Phật giáo hay cuộc đời của đấng giáo chủ, các học giả thường bỏ qua yếu tố này vì trong thời đại khoa học vật chất ngày nay, điều đó thường không được để ý tới. Có thể nói, một khi việc sử dụng năng lực huyền bí được cho phép, được tin tưởng thì các nhà viết sử mù quáng sẽ pha trộn lẫn lộn tác dụng thực tế của sức mạnh huyền bí vào chuyện hư cấu mà không có tiêu chuẩn nào để sàng lọc, tách biệt chúng để tránh nhầm lẫn. Hậu quả sẽ là những điều vô lý lại được tin tưởng. Câu hỏi đặt ra là: Sự phô diễn sức mạnh huyền bí nào cần được tin tưởng? Và điều gì nên bác bỏ? Hơn nữa, cần phải làm rõ quan điểm “Có nên loại bỏ yếu tố tâm linh huyền bí hay không?”. Vì thiếu nó sẽ thiếu đi một nhân tố quan trọng tạo nên vị thế và mức độ ảnh hưởng của một tôn giáo ở giai đoạn lịch sử nhất định.
Trong các câu chuyện kể về cuộc đời người sáng lập ra một tôn giáo hay chi phái của tôn giáo đó, chúng ta thường chỉ quan tâm đến những cuộc tranh luận. Các nhà viết sử chỉ để ý đến sự chống trái về mặt tư duy, suy luận mà không thuyết phục về mặt chân lý, cũng không quan tâm đến năng lực người lập luận có mang lại cứu cánh tốt đẹp cho đời người hay không. Nhà lý luận thường cứng rắn khi tạo ra sự gay gắt, cay đắng nếu họ gặp bất lợi trong cuộc đàm luận. Nhân cách nổi bật, lời lẽ thuyết phục, trí tuệ sắc bén, sự hy sinh quên mình trong tranh luận và những yếu tố khác gây nên cá tính mạnh mẽ, áp đảo là không đủ để mang lại kết quả thành công như những nhà sáng lập tôn giáo Jesus Christ, đức Phật Thích-ca, Muhammad… Các khả năng phi thường như: một bệnh nhân phong hủi cô độc được điều trị bằng cái xúc chạm của Chúa Christ, năng lực phục hồi thị giác cho một người mù… sẽ giúp cho việc truyền giáo hiệu quả hơn so với việc giành phần thắng qua vô số cuộc tranh luận. Chúng ta không tin tưởng năng lực đó trong thời buổi vật chất này, khi mà khoa học vật lý chiếm ưu thế hoàn toàn mù tịt về tâm linh. Trong cuộc đời của đức Phật, nhiều trường hợp, những lý lẽ đơn thuần không đạt được mục đích cuối cùng, rốt cuộc phải nhờ đến năng lực huyền bí. Nói vậy, không nên cho rằng tôi chủ trương tin vào quyền năng huyền bí theo kiểu mù quáng. Thêm nữa, tôi cũng không có ý định đưa ra những quy tắc phê bình khắt khe nhằm tách rời thực tiễn ra khỏi chuyện hư cấu. Điều tôi mong muốn là yếu tố có sức mạnh nhất cho việc truyền bá của một tôn giáo không nên bị lãng quên. Những yếu tố khác chỉ đủ để mang lại thành tựu nhờ nhà lập giáo cùng với đệ tử của họ vận dụng ở một giai đoạn cụ thể mà thôi. Tác động thực tiễn của việc một nhà truyền giáo tu dưỡng tâm linh tốt khi chứng đắc và sử dụng thần lực huyền bí là cách tốt nhất để hàng phục sự chống trái đối với vị ấy. Tôi không nói về những chi tiết mà năng lực huyền bí được triển khai, vì mô tả về chúng có nguy cơ lại gây ra sự trộn lẫn giữa hư cấu với thực tiễn. Tôi chỉ bàn về thực tiễn việc chứng đắc năng lực đó và vận dụng trong những chừng mực thuận theo quy tắc. Những quyền năng chứng đắc là món quà đặc biệt của tự nhiên ban tặng, hoặc thành tựu nhờ mật quỹ (sādhana) đều phải vận hành theo khuôn phép của loài người. Khuôn phép đó với những giới hạn ngẫu nhiên của nó làm cản trở việc triển khai năng lực thần bí. Ấn Độ qua các thời kỳ được biết đến là xứ sở của những vấn đề tâm linh. Không ở đâu tu luyện Yoga và Sādhana phong phú, thông thạo như đất nước này. Những tác phẩm chỉ dạy các phương pháp tu luyện Sādhana từ thời Patañjali trở về sau có bàn về nhiều năng lực huyền bí đạt được tự nhiên bởi các Mật giả Sādhaka chân chính. Thông tin xác nhận những sự kiện chứng đắc huyền bí thật có bị giới học giả phớt lờ theo phương pháp của chủ nghĩa phê bình phương Tây, dựa trên những nguyên lý của thế giới hữu hình mà các tác phẩm khoa học vật lý nói đến? Họ mù tịt về những vấn đề huyền bí. Họ không ngần ngại tuyên bố như những chuyên gia về các vấn đề tâm linh. Và cũng do thiếu hiểu biết về tâm linh mà nhiều người thời nay tin nghe theo họ. Chừng nào phương Tây vẫn còn bất đồng quan điểm với phương Đông về tâm linh, còn các nghiên cứu chẳng làm rõ được nên đặt niềm tin đến đâu và mức độ nào không nên tin, thì thật là liều lĩnh khi cố gắng sàng lọc tỉ mỉ chân lý ra khỏi những sự hư cấu do kinh điển để lại. Vì rõ ràng, thực tiễn thành tựu năng lực huyền bí là cuộc sống quen thuộc của bất kỳ ai trong số các Mật giả Ấn Độ chân chính. Họ chứng đắc và vận dụng năng lực thần kỳ là một sự thật, và hiệu quả trong việc truyền đạo là không nhỏ, thậm chí có thể mạnh hơn các yếu tố khác.
3. NƯỚC MA-KIỆT-ĐÀ
Sự tồn tại tà kiến Bà-la-môn chính thống và ngoại đạo
Những gì đã trình bày ở phần trước chứng tỏ nước Ma-kiệt-đà là một nơi thích hợp cho sự khởi nguồn và phát triển của các tín ngưỡng không thuộc hệ Bà-la-môn giáo như đạo Phật. Nếu chúng ta nhìn lại thời kỳ xa xưa khi Ma-kiệt-đà được biết đến là Kīkaṭa, bị đạo Bà-la-môn chính thống chê là nơi thiếu linh thiêng và không thích hợp cho việc cử hành nghi thức tế lễ. Điều đó cho thấy rõ, đã từ lâu đạo Bà-là-môn không thích cư trú tại Ma-kiệt-đà nên dân chúng ở đây sống không bị gò bó bởi truyền thống Bà-la-môn. Do đó, trong Kinh Trung Bộ, du sĩ ngoại đạo Sakuludāyi kể với đức Phật rằng, trong thời kỳ cổ xưa, Ma-kiệt-đà đã nổi lên các cuộc luận biện. Và nữa, cuộc nói chuyện của Vua A-xà-thế (Ajātasattu) với giáo chủ của sáu phái ngoại đạo trong Kinh Sa-môn Quả cho thấy đất nước này đã từng là trung tâm của các hoạt động thuộc về trí tuệ. Ma-kiệt-đà thu hút sự quy tụ của các giáo phái phi chính thống bởi ở đấy không chỉ thích hợp cho các nhà tu hành trình bày quan điểm một cách tự do mà còn rất thuận lợi để truyền bá giáo lý cho một lượng lớn những người đến đó nhờ vào vị thế quan trọng về chính trị. Kinh Phạm Võng được Phật thuyết giảng tại thành Vương-xá (Rājagaha) cho chúng ta một cái nhìn bao quát về các học thuyết được thịnh hành lúc bấy giờ. Nhiều học thuyết thuộc tín ngưỡng Bà-la-môn, một số học thuyết khác không thuộc truyền thống Bà-la-môn. Dưới đây tôi xin đề cập tên tuổi của một vài môn đồ thuộc Bà-la-môn chính thống và phi chính thống có quá trình hoạt động kéo dài ở Vương-xá:
Vị thứ nhất là người thầy Bà-la-môn Uất-đầu- lam-phất (Rudraka Rāmaputta) đã từng ẩn tu tại đây. Khi mới xuất gia, Thái tử Tất-đạt-đa (Siddhartha) đã theo học hỏi và thực hành lối sống khổ hạnh do chính ông hướng dẫn.
Vị thứ hai là Xách-xà-da Tỳ-la-đê-tử (Sañjaya Belaṭṭhaputta), giáo sĩ ngoại đạo không thuộc Bà- la-môn giáo, cũng đã có thời gian sống ở Ma-kiệt-đà cùng với Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, hai vị đại đệ tử của đức Phật.
Vị thứ ba là Cứu-la-đàn-đầu (Kūṭadana), giáo sĩ Bà-la-môn được Vua Tần-bà-sa-la bảo trợ. Ông ta đã từng cử hành các cuộc tế lễ rất lớn, giết hàng trăm động vật tế thần trong các dịp lễ.
Nhiều vị giáo sĩ ngoại đạo tin rằng năng lượng siêu nhiên và hạnh phúc Thiên giới có thể đạt được nhờ thực hành khổ hạnh nghiêm khắc. Kinh Sa-môn Quả và những kinh khác1 đều có trình bày rõ các giáo sĩ nổi tiếng không thuộc Bà-la-môn giáo, đó là: Phú-lan-na Ca-diếp (Purāṇa Kassapa), A-kỳ-đa Sí-xá-khâm-bà-la (Ajita Kesakambalin), Mạt-già-lê Câu-xá-lợi (Makkhali Gosāla), Ba-cù-đà Ca-chiên- diên (Pakudha Kaccāyana) và Ni-kiền-đà Nhã-đề- tử (Nigaṇtha Nātaputta) cùng với các đệ tử của họ thường xuyên cư ngụ tại nhiều nơi khác nhau ở Ma- kiệt-đà. Đáng chú ý là, ở Ma-kiệt-đà, không chỉ riêng gì đối với Phật giáo, Vua Tần-bà-sa-la và Vua A-xà- thế đã chấp nhận hài hòa cả tín ngưỡng Bà-la-môn giáo lẫn các tín ngưỡng không thuộc Bà-la-môn. Họ bảo trợ như nhau đối với các tu sĩ Bà-la-môn, đạo Phật và đạo Kỳ-na. Nhờ công đức đó, những tôn giáo này đều tuyên bố các vua là đệ tử thuần thành.
1 Kinh Trường Bộ, I, trang 47; Kinh Trung Bộ, II, trang 2.
Đức Phật và các Bà-la-môn
Với tình cảnh trên, chúng ta hiểu rằng đức Phật đã vướng phải sự chống đối từ số lượng lớn các giáo phái, nhưng may mắn thay, Ngài cũng gặp thuận lợi khi nhiều giáo phái có quan điểm quá khác biệt so với lập trường Bà-la-môn. Tuy nhiên, đây chỉ như một vài tia sáng le lói trong nét ảm đạm của sự đối lập đã làm tối đi con đường tiến triển, cản trở hành trình mở mang chính pháp của Ngài.
Đức Phật đã có được thành công kỳ lạ trong các ngôi làng Bà-la-môn Khư-nỗ-ma-đa (Khānumata) và Y-ca-na-la (Ekanala). Ở đó, Ngài khuất phục hai vị Bà-la-môn nổi danh là Kūṭadanta và Kasibharadvāja. Các tạng văn điển, dù không nhắc đến sự thất bại nào của đức Phật vì Ngài đã từng chiến thắng cả Ma vương, nhưng có nói đến trường hợp ở làng Bà-la- môn Pañcasālā, Ngài không thể khất thực được dù chỉ một thìa cơm.1 Từ điều đó, chúng ta có cái nhìn khái quát về chuyện đức Phật thỉnh thoảng vẫn gặp phải sự chống đối. Kinh điển Nikāya cũng có ý ngầm chỉ ra các cớ sự không đáng mà những kẻ chống đối đã gây khó khăn cho Ngài. Ví dụ như, một số vị Bà-la- môn tìm mọi cách gây gổ, loan tin đồn rằng đức Phật tìm kiếm, mong cầu sự sùng kính ưu tiên hơn so với các Bà-la-môn Trưởng thượng. Đức Phật cũng đã phải gặp sự đối nghịch từ các Bà-la-môn có tầm ảnh hưởng lớn, chẳng hạn như vị giáo sĩ cố vấn cho Vua A-xà-thế, chủ mưu xúi giục cả hoàng tộc xa lánh đức Phật bằng cách rêu rao rằng các Bà-la-môn có thể mang lại mọi hạnh phúc mà con người khao khát, mọi người không cần tìm kiếm sự giúp đỡ của Phật. Nhưng đức Phật bằng nhân cách cao thượng của chính Ngài, với phương pháp thuyết giảng hấp dẫn, hợp lý cùng năng lực luận biện trong các cuộc tranh luận đã vạch trần những điểm yếu của Bà-la-môn. Nhờ lập trường vững chắc chống lại tình trạng lạm dụng niềm tin tôn giáo đang thịnh hành lúc bấy giờ, Ngài đã thu phục được quần chúng (kể cả các Bà-la-môn) về với đạo Giác Ngộ.
1 Kinh Tương Ưng Bộ, I, trang 114.
Các giáo phái phi chính thống cũng chống đối Ngài không thua kém các Bà-la-môn, dù mục đích và phương pháp tu tập tâm linh của họ cũng hao hao giống với đạo Phật. Tôi cảm nhận luôn có sự phản kháng căng thẳng của các giáo phái đang hoạt động đối với một giáo phái mới ra đời có chủ thuyết trái ngược họ. Tuy nhiên, các cuộc va chạm giữa đức Phật cũng như chư Tăng với các giáo phái phi chính thống rất ít xảy ra. Trong khi sự va chạm giữa đức Phật và chư Tăng với đạo Bà-la-môn lại thường xuyên xảy ra vì đồ chúng của họ quá đông so với đồ chúng của các giáo phái khác. Có một điều khác thường trong thời kỳ đức Phật gặp phải sự chống phá của tín đồ các giáo phái khác. Đó là, sự chống phá từ các giáo phái phi chính thống (không phải Bà-la-môn giáo) trong nhiều trường hợp vượt quá giới hạn tranh luận bằng lời đã trở thành việc bôi nhọ phẩm hạnh của đức Phật, trong khi giáo đồ Bà-la-môn không làm như thế, theo thông lệ họ không vượt quá giới hạn lời nói.
Đức Phật và Sách-xà-da Tỳ-la-đê-tử
Sách-xà-da Tỳ-la-đê-tử hoạt động truyền đạo chủ yếu ở Vương-xá, là giáo chủ của giáo phái không thuộc hệ Bà-la-môn đầu tiên cảm nhận sức mạnh chính pháp do đức Phật giảng thuyết. Trong một thời gian ngắn, ông ta đã chứng kiến một nửa đồ chúng từ bỏ mình để đi theo Phật. Đó là trường hợp một vị đệ tử Phật tên là A-thuyết-thị (Assaji) khởi nguồn cho Ngài Xá-lợi-phất, đại đệ tử của Sách-xà-da, cải đạo. Đến lượt Ngài Xá-lợi-phất, Ngài đã dẫn một nửa tín đồ do chính mình dạy dỗ trước đây đi theo đạo Phật.
Sự kiện này cùng với công tác hóa độ của đức Phật và chư Tăng tại Ma-kiệt-đà là cơ sở cho lời nhận xét trong Luật tạng rằng đức Phật thu nhận chúng xuất gia gồm một nghìn Cư Sĩ Búi Tóc, hai trăm năm mươi môn đồ của Sách-xà-da và con trai của các gia đình danh giá ở Ma-kiệt-đà, khiến cho gia đình họ không có con trai, vợ không có chồng, không biết làm như thế nào để có con nối dõi.
Đức Phật và Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử
Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử là đối thủ khá gay gắt của đức Phật. Ông ta khởi xướng học thuyết sớm hơn đức Phật và đã phát triển mạnh việc truyền bá học thuyết của ông ở Ma-kiệt-đà và các vùng lân cận.
Từ các tư liệu về sự nghiệp hóa độ, đức Phật không có duyên thu phục nhiều đồ chúng từ Nhã- đề-tử như những gì đã làm đối với các tôn giáo khác, nhưng Ngài hạn chế sự phát triển của Nhã- đề-tử nhờ vào việc thu nhận hai vị Ưu-bà-tắc là Vua Tần-bà-sa-la và Vua A-xà-thế, vốn là những cư sĩ ủng hộ Nhã-đề-tử.1 Mặc dù đạo Phật là một tôn giáo truyền bá không quan tâm đến vị trí xã hội hay vai trò chính trị của mọi người, nhưng việc mở mang giáo pháp được dễ dàng thuận tiện hơn nhờ sự quy hướng của những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn. Bởi vì, đôi khi bá tính noi theo tấm gương những nhà lãnh đạo mà họ kính mến vì giữa hai tôn giáo đối lập, họ không đủ khả năng để nhận ra tôn giáo nào mang lại lợi ích tốt đẹp cho đất nước. Việc Vua Tần-bà-sa-la quy y với Phật thể hiện rõ nét qua những đóng góp cụ thể của nhà vua, chẳng những hộ trì hết lòng mà còn cho phép hoàng hậu thọ giới pháp Ưu-bà-di, về sau xuất gia làm Tỷ khưu Ni.
1 Điển tích đạo Kỳ-na công bố hai vua Tần-bà-sa-la và A-xà-thế là những tín đồ đạo Kỳ-na. Trong khi đó, văn tạng Phật giáo nêu rõ họ là những Phật tử. Nguồn kinh văn của cả hai không chấp nhận họ hỗ trợ nhiều tôn giáo tại nhiều thời điểm khác nhau, hoặc hỗ trợ cùng một lúc nhiều tổ chức tôn giáo với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, thực tế cuộc đời của hai vị vua này cho thấy, Vua Tần-bà-sa-la hỗ trợ đạo Kỳ-na từ thuở tôn giáo này mới có mặt trong lãnh thổ vương quốc, nhưng dần dần nhà vua đã quyết định chuyển sang hộ trì Phật pháp khi đạo Kỳ-na có những chống trái với Phật giáo. Vua A-xà-thế là người bảo trợ cho Đề-bà-đạt-đa, cũng là người khởi xướng cho một giáo phái chấp kiến tương tự đạo Kỳ-na về các nguyên tắc ràng buộc cấm kỵ. Vô Úy Vương tử, một tín đồ của đạo Kỳ-na phê bình đức Phật vì đã trách quở Đề-bà-đạt-đa. Chứng tỏ, Đề-bà-đạt-đa đã nhận được sự đồng cảm của đạo Kỳ-na cũng như Vua A-xà-thế thể hiện qua việc ủng hộ quan điểm tu tập của ông. Vua A-xà-thế được cải hóa theo chính pháp một năm trước khi đức Phật nhập Niết-bàn; V. A. Smith; Lịch Sử Ấn Độ Thời Kỳ Đầu Từ Năm 600 TCN Đến Cuộc Chinh Phục Của Muhammadan - Bao Gồm Cuộc Xâm Lấn Của Alexander Đại Đế (The Early History of India from 600 BC. to Muhammadan conquest: Including the invasion of Alexander the Great) (Oxford, NXB Clarendon Press, 1908), trang 33.
Ông còn khuyến hóa các quan cận thần trở thành Phật tử thuần thành, tạo duyên cho Vua Rudrāyaṇa xứ Roruka quy kính, cúng dường vườn Trúc Lâm cho Tăng đoàn, thỉnh cầu đức Phật chế định giới luật ban đầu. Nhà vua tin kính đức Phật tuyệt đối đến mức ông không cho phép giáo chủ của các giáo phái phi chính thống thi thố thần thông với đức Phật khi họ yêu cầu. Chính những vị này về sau lại yêu cầu Vua Ba-tư-nặc nước Kiều-tát-la tổ chức cuộc tranh tài và họ đã bị đức Phật khuất phục. Tại Na-lan-đà (Nālandā), nơi được xem là thành trì của Kỳ-na giáo, đã có những lần đức Phật dẹp bỏ các luận điểm đưa ra bởi bốn đệ tử lỗi lạc của Nhã-đề-tử gồm: Vô Úy Vương tử1, thôn trưởng A-tư-bàn-đà Ca-tử (Asibandhakaputta gāmaṇi), Ưu-ba-ly (Upāli) và Trường Khổ Hạnh (Dīghatapassi). Sau cuộc luận biện, ngoại trừ vị thứ tư, số còn lại đều quy hướng Tam bảo.2 Khi nói về công cuộc truyền giáo của đức Phật giữa đồ chúng đạo Kỳ-na, những sử liệu vừa nêu tường thuật rất ít thành công mà đức Phật có thể đạt được.
1 Hoàng tử Vô Úy là một trong những nhà bảo trợ chính cho giáo hội của Ni- kiền-đà Nhã-đề-tử; Kinh Trung Bộ, I, trang 392.
2 Kinh Trung Bộ, I, trang 371.
Đức Phật và giáo chủ bốn giáo phái phi chính thống khác
Thành quả hoạt động hoằng pháp của đức Phật với các môn đồ của bốn phái phi chính thống còn lại cũng có các trường hợp cải đạo sang Phật giáo mà không được nhắc đến trong Kinh tạng Nikāya. Khi lên án học thuyết tôn giáo nào, đức Phật đều có chủ ý nhằm chọn lựa thu nạp đệ tử từ tín đồ của họ. Nhiều bản kinh chứa đựng nội dung Ngài chỉ trích họ, cho thấy đức Phật đã làm dấy lên một làn sóng phản bác hoạt động của bốn vị giáo chủ Ba-cù-đà Ca-chiên-diên, Mạt-già-lê Câu-xá-lợi, A-kỳ-đa-sí- xá-khâm-bà-la và Phú-lan-na-ca-diếp.1 Những lời chỉ trích được tìm thấy với vai trò là nội dung phụ trong các cuộc nói chuyện riêng giữa đức Phật với Tăng chúng. Đôi lúc, đức Phật cũng phê phán những người thường đến gặp Ngài với mục đích học hỏi chính pháp hoặc để đánh bại Ngài qua các cuộc tranh luận. Như trường hợp Vô Úy Vương tử nêu ra học thuyết của Phú-lan-na-ca-diếp khi đối thoại với đức Phật, nhân đó Ngài đả phá học thuyết của Phú-lan-na-ca-diếp.2 Tương tự, nhân một lần tôn giả A-nan-đà nhắc đến quan điểm phân chia phẩm loại chúng sinh hữu tình của Mạt-già-lê Câu-xá- lợi, đức Phật liền làm sáng tỏ sự vô ích, sai trái của điều đó.3
1 Để biết chi tiết học thuyết của bốn vị ngoại đạo sư, tham khảo Tiến sĩ B. M. Barua; Sách đã dẫn, các chương XVIII, XIX, XX, XXI.
2 Kinh Tương Ưng, V, trang 128.
3 Kinh Tăng Chi, III, trang 383; Tiến sĩ B. M. Barua; Sách đã dẫn; trang 278.
Hoạt động truyền giáo của đức Phật ở Ma- kiệt-đà
Chúng ta đã bàn về sự cố và bản chất của những chống đối mà đức Phật đã trải nghiệm tại các nơi khác nhau ở Ma-kiệt-đà. Đến đây, tôi sẽ mô tả hoạt động của đức Phật gắn liền với việc truyền giáo ở vùng đất này được thuật lại trong kinh văn. Những khu vực đức Phật hoằng pháp ở Ma-kiệt-đà được nói đến trong kinh điển là Già-da (Gayā), Ưu-lâu-tần-loa (Uruvelā), Vương-xá cùng với các vùng ngoại ô gồm Na-lan-đà, Hoa Thị thành (Pātaliputta), Nam Phương (Dakkhiṇāgiri), A-na-già-tần-đầu (Andhakavinda) và Thiện Tri Thức thôn (Kallavālamutta-gāma).
Thành Già-da
Trong mắt người Phật tử, Bồ-đề Đạo tràng (Bodh-gayā) là địa điểm linh thiêng nhất trên trái đất này, vì đây là nơi sinh ra đạo Giác Ngộ, về sau lan tỏa khắp châu Á. Sứ mệnh hoằng pháp của đức Phật chính xác bắt đầu từ Ba-la-nại, sau đó được lưu truyền ở các nơi khác. Sau khi kết thúc việc giáo hóa đầu tiên tại Ba-la-nại, đức Phật tiếp tục tiến về Ưu-lâu-tần-loa, khu làng thuộc ngoại ô thành Già- da, thủ phủ của người Xà-đề-la (Jaṭila - ẩn sĩ thờ lửa), một tổ chức các tu sĩ khổ hạnh thuộc Bà-la-môn giáo. Nhóm người này rất khó từ bỏ việc tế lễ vì trong đó ẩn tàng niềm tin của chính họ. Đức Phật buộc phải thi triển thần thông để thu phục lòng tin của họ. (Bất đắc dĩ lắm Ngài mới sử dụng năng lực siêu nhiên khi thực sự hữu ích.) Sau khi tạo được uy thế bằng cách này, Ngài giải thích cho họ về kết quả tốt đẹp của việc tu tập theo chân lý mà Ngài đã khám phá. Sự giảng giải này làm niềm tin của họ bị lung lay. Đương nhiên, để họ cải đạo quy y hoàn toàn thì đức Phật cần hướng dẫn thêm để mở mang tâm trí. Ngài dẫn họ đến núi Tượng Đầu (Gayāsīsa), thuyết giảng bài Kinh Về Lửa (Adittapariyāṃ Sutta), mong muốn các ẩn sĩ thờ lửa hiểu ra điều thiện cao cả nhất mà họ mong cầu không gì hơn dập tắt lửa tham dục, sân hận, si mê được nhen nhóm khi các giác quan tiếp xúc với các cảnh trần. Những vị ẩn sĩ thờ lửa sau khi nghe bài giảng này đã từ bỏ tín ngưỡng của họ, xuất gia theo Phật. Với việc chuyển hóa các vị này cùng với sáu mươi mốt vị Tỷ khưu được thâu nạp tại Ba-la-nại và các vùng lân cận, đức Phật đã gây xúc động mạnh mẽ ở Vương Xá khi Ngài đến đó trong lần tiếp theo.
Thành Vương Xá
Lần đầu tiên đức Phật đến Vương Xá là vào năm thứ hai sau khi thành đạo. Ngài cư trú tại Trượng Lâm (Laṭṭhivana), cách đô thành năm dặm. Ở đây, Vua Tần-bà-sa-la cùng với quần thần và các cụ trưởng làng đã đến diện kiến đức Phật. Vẻ ngoài trẻ trung của đức Phật khiến họ lầm tưởng Ngài là đệ tử của lão sư Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (Uruvela Kassapa), người từng đứng đầu nhóm ẩn sĩ thờ lửa, cũng đến Trượng Lâm cùng với đức Phật vào thời điểm ấy. Thế nhưng sự cung kính của Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp đối với đức Phật lúc đó khác hẳn với những gì họ nghĩ. Đức Phật trẻ trung với âm thanh vang dội giảng giải những nguyên lý cơ bản đầu tiên của đạo Giác Ngộ, về vô thường (tạm bợ), vô ngã (không có bản thể bất biến) của năm uẩn. Đức Phật đã khiến cho đức vua cùng đoàn tùy tùng tin hiểu sự ưu việt của chân lý Ngài thuyết giảng - những chân lý mà nhờ đó đạo Phật được tuyên bố là vượt trội so với các tôn giáo khác thời bấy giờ.
Tầm quan trọng của Vương Xá nhìn từ góc độ hoằng pháp rất lớn lao. Đây là nơi cư trú của các giáo chủ và du sĩ ngoại đạo. Khi đến thành thị, họ đều mang theo những thương gia cung cấp thức ăn, y phục trong cuộc hành trình truyền đạo xa xôi. Hơn nữa, thành Vương Xá là nơi các con đường thương mại giao nhau, rất thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa nhiều vùng miền khác nhau. Vị trí như thế tạo nên thuận lợi cực kỳ quan trọng cho việc truyền bá chân lý một cách rộng rãi.
Và hơn hết, Vương Xá còn mang lại nhiều lợi thế khác có giá trị cho đức Phật tổ chức giáo hội, thể hiện trong các việc như:
(1) Có dịp để luận biện với các tôn giáo nhằm khẳng định sự vượt trội bằng cách dùng lý luận đánh bại họ;
(2) Thiết lập tổ chức vững chắc để nhờ đó các thầy Tỷ khưu theo đuổi tư tưởng tu học, đảm bảo cung cấp tứ sự thiết yếu không thiếu thốn;
(3) Tạo dựng nơi cư trú ẩn dật thích hợp cho chư Tăng ở các hang động, trên những ngọn đồi xung quanh, thuận tiện cho việc tu tập thiền định, tư duy chính pháp.
Những hang động ẩn tu
Việc miêu tả những ngọn đồi của chư vị tu sĩ đòi hỏi cần tỉ mỉ một chút vì chúng có vai trò khá quan trọng trong lịch sử truyền bá của Phật giáo. Ngọn đồi cao nhất gọi là núi Linh Thứu (Gijjhakūṭa- pabbata), đây được coi là nơi cư trú ưa thích của đức Phật. Trong những năm đầu tiên sau khi thành đạo, Ngài dành phần lớn thời gian ở đây cùng với các đệ tử ưu tú như: Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ma-ha Ca-diếp, A-nậu-lâu-đa (Anuruddha), Phú-lâu-na Di- đa-la-ni-tử (Puṇṇa Mantāniputta), Ưu-ba-ly, A-nan- đà, và Đề-bà-đạt-đa (Devadatta)… giảng dạy giáo lý và hướng dẫn những gì cần thiết cho tiến trình tâm linh cũng như sự nghiệp hoằng pháp của họ. Để dễ diện kiến đức Phật và Thánh chúng, Vua Tần-bà-sa- la đã cho kiến thiết một con đường bộ hành dẫn lên đến đỉnh núi. Ngọn đồi này là nơi mà Đề-bà-đạt-đa rắp tâm ác ý, cùng với sự trợ giúp của Vua A-xà-thế, sát hại đức Phật vì đã không cho ông ta lãnh đạo Tăng đoàn như vai trò của Ngài Xá-lợi-phất và Ngài Mục-kiền-liên. Bên cạnh những nơi ẩn tu trên đỉnh núi Linh Thứu, còn có mười khu khác cho các thầy Tỷ khưu trên những ngọn đồi quanh thành Vương Xá.
1. Đạo tặc đoạn nhai (Corapapāta): Vách núi - nơi những tên cướp tử vong;
2. Tiên Nhân sơn trác hắc thạch thất (Isigilipasse kalasilā): Tảng đá đen bên cạnh núi Tiên Nhân (Ṛsi-giri);1
3. Vebhārpasse sattapaṇṇiguha: Nơi tổ chức kỳ kiết tập kinh điển lần thứ nhất;
4. Sitavana Sappasoṇḍikapabbhāra: Hang động nằm trên ngọn đồi đầy rắn, gần khu hỏa táng Sitavana. Đức Phật và chư Tăng thỉnh thoảng từng đến đó tu tập;
5. Gomata-kandara;
6. Tinduka: Hang động có tên từ một loại cây;
7. Tapoda-kandara;
8. Tapodārāma;
9. Indasālaguhā: Đức Phật giảng Kinh Đế Thích Sở Vấn (Sakkapañha Sutta số 21, thuộc Kinh Trường Bộ) tại đây.
10. Pipphali-guhā: Đặt tên theo tên cũ của Ngài Ma-ha Ca-diếp là Pipphali Mānava vì Ngài từng cư trú ở đó.
1 Danh xưng Ṛsi-giri được gọi là thành Isi-giri có nguồn gốc từ ngọn đồi nuốt chửng (Gila), vì chư vị ẩn sĩ nào vào khu rừng đó đều không trở về. Thế nên, người ta mới đặt cho chúng cái tên có tính chất tương đồng (Kinh Trung Bộ, III, trang 68).
Những túp lều bằng lá
Những nơi ẩn cư trên các ngọn đồi không đủ cung cấp chỗ ở cho chư Tăng tại Vương Xá. Vì lý do đó, với tâm ưa thích đời sống độc cư, họ trú ngụ trong các túp lều bằng lá (arañña-kuṭika) tại những khu rừng rậm trên các dãy đồi.1 Tôn giả Dabba Mullaputta được giao trách nhiệm phân chia chỗ ở phù hợp với pháp môn tu học của chư vị Tỷ khưu.
1 Kinh Trung Bộ, III, trang 217; và Kinh Bổn Sanh, III, trang 33, 71; V, trang 176.
Mặc dù đức Phật nhận tinh xá Trúc Lâm (Veluvana Kalandakanivāpa) do Vua Tần-bà-sa-la dâng cúng và thường cư trú ở đây, nhưng giới luật lúc đó vẫn chưa cho phép các thầy Tỷ khưu có bất cứ nơi ở nào chuyên biệt do các cư sĩ dâng cúng. Một vị trưởng giả của Vương Xá thấy được sự bất tiện này của chư Tăng và đã xin ý kiến xem nếu ông ta xây dựng tu viện dâng cúng cho chư Tăng sử dụng thì có bị khiển trách hay không. Ông được hồi đáp rằng: cho đến lúc này đức Phật chưa cho phép chư Tăng có tinh xá, chùa chiền. Họ phải sinh sống ở rừng, nơi gốc cây, hang động trên sườn đồi, hang động trên núi, hang động trong rừng, nơi đồng bằng và thôn quê hoang vắng.1 Câu chuyện của ông sau đó được đức Phật biết đến, rồi Ngài cho phép các thầy Tỷ khưu được sử dụng năm loại chỗ ở gồm: tu viện, lều tranh, nhà kho, gác mái, hang động.2
1 Arañña, rukkhamūla, pabbata, kandara, giriguhā susāna, vanapattha, ajjhokāsa, palālapuñja.
2 Vihāra, aḍḍhayoga, pāsāda, hammiya guhā.
Những tu viện nổi bật do thí chủ hiến cúng
Khi đức Phật cho phép như thế, các thí chủ cư sĩ bắt đầu xây dựng nhiều tu viện. Ba tu viện ở ngoại thành Vương Xá thường được đề cập trong kinh văn Phật giáo là Trúc Lâm (Veluvana), Kỳ-bà-già-lê viên (Jīvaka-ambavana) và Mã-đạt-quật-chi lộc uyển (Maddakucchi-migadāya). Tu viện thứ nhất, Trúc Lâm, được Vua Tần-bà-sa-la dâng cúng vào mùa an cư đầu tiên đức Phật về Vương Xá. Tu viện thứ hai do Kỳ-bà (Jīvaka) dâng cúng trong mùa an cư thứ hai mươi và tu viện thứ ba do Hoàng tử Mã-đạt (Madda) dâng cúng khi Ma-ha Kiếp-tân-na (Mahakappina) phát tâm xuất gia tu học.1
1 Vợ của Ma-ha Kiếp-tân-na là công chúa xứ Madda.
Nỗ lực của đức Phật nhằm chuyển hóa các du sĩ và tín đồ ngoại đạo
Trong lần đến Vương Xá, chư vị đệ tử đi theo đức Phật gồm có năm ẩn sĩ khổ hạnh Bà-la-môn được độ ở Lộc Dã Uyển (Sārnāth), Yasa cùng với năm mươi tư người bạn, ba mươi thanh niên Bhahhavaggiya và ba anh em Ca-diếp (Kasspa) cùng các tín đồ thờ thần Lửa. Sau khi [đức Phật] tiếp nhận Vua Tần-bà-sa-la, các hoàng tử cùng chư vị cận thần làm cư sĩ tại gia. Đức Phật chọn tinh xá Trúc Lâm làm nơi cư trú lâu dài, từ đó Ngài tiếp tục hành trình hóa độ. Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên là những người đầu tiên được độ ở thành Vương Xá cùng với hai trăm năm mươi đệ tử của Sách-xà-da. Xá-lợi-phất đã có nhiều tiến bộ trong việc tu tập và chỉ mất một thời gian ngắn để chứng quả A-la-hán đúng vào lúc đức Phật giảng pháp tại hang Dã Trư (Sukarakhatalena) ở núi Linh Thứu về ba loại cảm thụ, nguồn gốc và sự từ bỏ cảm thụ vì lợi lạc cho du sĩ Trường Trảo (Dīghanakha), một người họ hàng của Ngài Xá-lợi-phất rất kính ngưỡng đức Phật.1 Còn tôn giả Mục-kiền-liên, xuất gia được bảy ngày, đã đến Thiện Tri Thức thôn để thực tập thiền định cảm nhận về các giới (dhātukammaṭṭhanaṃ) và bị rơi vào hôn trầm. Nhưng sau khi bị đức Phật quở trách, Ngài đã nỗ lực tinh tấn và chứng đắc trí tuệ viên mãn. Sau cuộc chuyển hóa các đệ tử của Sách-xà-da, đức Phật thường viếng thăm các ngôi đền khác nhau và chỗ cư ngụ của chư vị du sĩ ngoại đạo, giáo chủ các giáo phái ở Vương Xá nhằm mục đích luận đạo thuyết hóa họ về kết quả tu tập theo chính pháp.
1 E. W. Burlingame; Những Truyền Thuyết Phật Giáo (Buddhist Legends), I, trang 203; dịch từ bản gốc tiếng Pāli Tích Truyện Pháp Cú/ Dhammapada Commentary (Cambridge, Mass., NXB Harvard University Press, 1921), I, trang 203; Bản kinh được đặt tên là Kinh Trường Trảo (Dīghanakha Suttanta) trong Kinh Trung Bộ (I, trang 501) và Vedandpariggaha Suttantam trong phần luận giải của Phật Âm (Buddhaghoṣa); bởi vì phần đầu đề cập những giáo lý trong Kinh Dīghanakha, phần cuối nói về Vedanās.
Các bài giảng ở thành Vương Xá liên quan đến nhiều giáo lý khác nhau của các du sĩ và giáo chủ các giáo phái. Lúc bấy giờ, đức Phật đã chỉ ra điểm yếu trong niềm tin của họ, cũng nói rõ các sự ưu việt của chân lý do Ngài tìm được.
Tuy đã nhiều lần khuất phục đồ chúng những giáo phái khác quy y chính pháp, trở thành các cư sĩ tại gia nhưng Ngài không thể hóa độ thêm chúng xuất gia, ví dụ như các du sĩ Bà-tha chủng (Vacchagotta), Dīghanakha, Sakulūdayi và A-chi-la Ca-diếp (Acela Kassapa) quy y Tam bảo trong một thời gian dài nhưng không xuất gia làm Tỷ khưu.
Chuyến thăm Ca-tỳ-la-vệ ngắn ngày và những người được độ
Nhiều sứ giả được Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) gửi đến gặp Phật nhằm mục đích thỉnh Ngài về thăm quê hương Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu). Đức Phật đã tận dụng cơ hội hóa độ họ xuất gia. Sakulūdāyi, một người bạn thân với đức Phật từ thuở nhỏ là người dẫn đầu đoàn sứ giả cuối cùng. Sau cuộc đàm đạo, ông đã thỉnh được Phật về thăm Ca-tỳ-la-vệ. Câu chuyện liên hệ đến chuyến thăm quê nhà của đức Phật là chủ đề của phần tiếp theo. Điều tôi xin đề cập ở đây là trong số các vị xuất gia đóng vai trò quan trọng đối với công việc truyền bá chính pháp lúc bấy giờ và về sau trở thành những nhân vật nổi bật trong lịch sử Phật giáo như A-nậu-lâu-đà, A-nan-đà, Ưu-ba-ly và La-hầu-la (Rāhula), có một số vị ít nổi bật hơn, đó là em họ của Phật, Ngài Nan-đà, Bạt-đề (Bhaddiya), Bà-cửu (Bhagu), Kim-tỳ-la (Kimbila). Trong đó, Đề-bà-đạt-đa cũng xuất gia cùng với những người khác và trở nên nổi bật theo cách chống đối hơn là hỗ trợ chính pháp.
Đức Phật tinh cần hướng dẫn đệ tử
Suốt thời gian cư trú tại Vương Xá, đức Phật rất bận rộn đào tạo các thầy Tỷ khưu. Ngài thường dõi theo phẩm hạnh và cách thức chư vị Tỷ khưu tu tập, giúp họ ghi nhớ Pháp và Luật căn bản. Bài giảng trong tạng Kinh Nikāya cho thấy rõ, đức Phật đã tìm hiểu tính cách cũng như xu hướng tu tập của đệ tử, rồi dùng lời khuyên nhắc khiển trách phù hợp để giúp họ sửa đổi những mặt yếu kém, tuân giữ giới luật.
La-hầu-la
Chẳng hạn, trong Kinh Giáo Giới La-hầu-la (Rāhulovāda), đức Phật dạy La-hầu-la thực hiện thanh tịnh ba nghiệp thân - khẩu - ý bằng phương pháp tác ý, quán chiếu nội tâm (paccāvekkhana) bởi vì La-hầu-la không thể tự rèn luyện. Tuy nhiên, khi đệ tử đã đạt được tiến bộ trong quá trình tự rèn luyện mình, Ngài tiếp tục dẫn dắt vị ấy dần dần nhận ra tính vô thường, đau khổ của tất cả vạn vật trên thế gian. Và rằng, sự hợp tan của tứ đại hoặc ngũ uẩn đều không có ngã thể.
Người em họ Nan-đà
Một đệ tử khác của Ngài là Nan-đà, không thể tự mình kiểm soát trước những ham muốn về thức ăn và y phục nên đã bị Phật quở trách. Nhờ đó, Nan-đà kiểm soát được các căn tốt đến mức được đức Phật ca ngợi là người đứng đầu trong việc chế ngự sáu căn (Kinh Tăng Chi).1
1 Indriyesu guttadvaranam aggo.
A-nậu-lâu-đà
Thêm một trường hợp nữa, Ngài A-nậu-lâu-đà do chậm lụt trong việc nỗ lực tu tập, không chứng được tâm giải thoát mặc dù đã siêng năng thiền tập chứng đắc Thiên nhãn. Sự chậm lụt khiến Ngài bị trở ngại trên con đường tu tập đã được đức Phật khuyên dạy, tháo gỡ và tôn giả Xá-lợi-phất trực tiếp dìu dắt.
Kim-tỳ-la
Điểm yếu của Kim-tỳ-la cũng tương tự A-nậu- lâu-đà, không có khả năng tập trung tinh thần nơi hơi thở ra, vào. Điều này được đức Phật phát hiện và chỉ dạy cách loại trừ, đặc biệt liên hệ đến tiến trình tu tập mà Kim-tỳ-la không thể thực tập hoàn hảo được.
A-nan-đà
Trường hợp của A-nan-đà khá thú vị. Do không bao giờ thỏa mãn với đam mê học hỏi tri thức nên Ngài nỗ lực trở thành bậc đa văn đệ nhất. Tuy được đức Phật quan tâm chiếu cố rất nhiều về phương diện tu học nhưng Ngài không thể chứng đắc quả vị A-la-hán mãi cho đến sau khi đức Phật nhập Niết- bàn, vì Ngài không thể từ bỏ tâm quyến luyến đức Phật. Tâm quyến luyến đó tồn tại trong Ngài không với vị thế của một nhà sáng lập tôn giáo mà đơn thuần là vị thế một người thầy, còn Ngài với tư cách là đệ tử thị giả hầu cận. Tâm quyến luyến này là yếu tố khiến Ngài khó khăn trong việc thực tập giáo lý căn bản về từ bỏ thế gian. Đức Phật thường khiển trách Ngài A-nan-đà vì không có khả năng thoát khỏi luyến ái nên tâm không đạt trạng thái thiết yếu cho quả vị A-la-hán. Trong khi đó đọc Kinh Đại-bát- niết-bàn, chúng ta thấy đức Phật phê bình các vị đệ tử khóc lóc khi Ngài bày tỏ ý muốn nhập Niết-bàn. Khi đức Phật còn tại thế, tôn giả A-nan-đà không thể thoát ra được sự ưa thích đa văn quá mức của mình, bằng chứng là những câu hỏi mà Ngài đưa ra với đức Phật về tính chính xác đối với việc Phú-lan-na Ca-diếp phân loại các hạng người, rồi cũng hỏi về quan điểm nguồn gốc khổ đau do sự xúc chạm theo giải thích của ngài Xá-lợi-phất, ý nghĩa của các từ tịch diệt (niroddha), thế giới (loka), tính không (suñña), cảm thụ (vedanā), thần thông (iddhi), nhập xuất tức niệm (ānāpānasati), v.v...
Đề-bà-đạt-đa
Đức Phật giáo hóa Đề-bà-đạt-đa phù hợp với khuynh hướng tâm lý cá biệt của ông ta. Đề-bà-đạt- đa đã đạt một số bước tiến trong thiền tập và chứng đắc thần thông. Đức Phật biết ý đồ mong đạt được lợi ích và danh tiếng của Đề-bà-đạt-đa bằng cách thi triển thần thông để được Vua A-xà-thế bảo trợ nên Ngài có ý muốn dẹp bỏ tham vọng, danh tiếng và lợi dưỡng của ông ta, khuyên răn bằng bài pháp liên hệ đến sự từ bỏ ham muốn đó. Nhưng ý đồ tham vọng ấy đã bám rễ sâu vào tâm trí khiến ông ta vẫn tiếp tục trên con đường suy thoái, không lắng nghe những lời chỉ dạy của đấng Đạo sư.
Rất nhiều trường hợp đức Phật chăm lo dạy dỗ đệ tử, những câu chuyện vừa kể cũng đủ để thấy đức Đạo sư thấu hiểu tâm ý của hàng đệ tử mà Ngài đích thân chỉ dạy như thế nào. Đức Phật đọc rõ nguyện vọng cũng như điểm yếu tâm linh của đệ tử như thể họ được soi vào tấm gương phản chiếu. Điều này mô tả cho sự thành công của Ngài trong trị liệu tâm linh. Tuệ giác siêu việt giúp Ngài phát hiện ra thiếu sót của hàng đệ tử và phương thức trị liệu cho họ. Đức Phật là chuyên gia về nghệ thuật trị liệu tâm linh, thể hiện hòa nhịp theo mức độ giai điệu tinh thần của đồ chúng một cách hoàn hảo, tạo nên âm hưởng năng lượng bằng cách khảy đúng dây đàn tâm thức của họ, tạo ra sự thích thú an lạc của bản nhạc tâm.
Đức Phật nhận ra sự cần thiết của việc chế định giới luật
Một thời gian ngắn sau khi đến Vương Xá, đức Phật nhận thấy cần thiết phải chế định giới luật để chỉ dẫn phẩm hạnh chư Tăng đúng nề nếp. Giới luật cũng giúp giáo đoàn được vận hành trơn tru, vững mạnh để đáp ứng những ý tưởng về tổ chức tôn giáo mới dành cho chư Tăng. Vào lúc mới hình thành Tăng đoàn, chính Ngài đã đích thân quan sát và hướng dẫn đức hạnh cho chúng đệ tử. Nhưng, số lượng Tăng chúng dần tăng trưởng đông đảo và không giới hạn trong một địa phương nhất định, cho nên cần xây dựng khuôn mẫu giới luật dựa vào những gì chính Ngài đã quan sát và chứng kiến. Hơn nữa, Ngài đang xây dựng tổ chức giáo hội với định hướng tồn tại lâu dài cho đến sau khi nhập diệt. Nhờ giới luật, giáo đoàn mới có thể tự hoàn thiện, quy định về xử lý những trường hợp đột xuất, những trách nhiệm hàng ngày cần có đối với các thành viên. Dù nhận ra giới luật rất cần thiết để hoàn thiện cho tổ chức giáo hội bao gồm nhiều chi phái, Ngài biết rõ thực tế là không thể quy định mọi thứ cùng một lúc được. Vì toàn bộ hệ thống giới luật không thể đưa ra nếu chưa có trải nghiệm khuyết điểm thực tế của tổ chức cũng như những vi phạm lỗi lầm, thiếu sót trong Tăng chúng. Yếu tố thúc đẩy việc chế định giới luật là thực tiễn lệch chuẩn đạo đức thỉnh thoảng xảy ra trong chúng đệ tử, từ đó quy định chung liên quan đến tiết độ ăn uống, y phục không thích hợp… được đưa ra cho mọi người. Bất kỳ trường hợp vi phạm nào xảy ra mà chưa có giới cấm thì cần chỉnh đốn, và như thế, điều luật tương ứng sẽ được chế định. Giới luật là căn cứ để kiểm chứng phẩm hạnh của chư Tăng. Nếu không, họ sẽ sa lầy trong lỗi lầm ngày càng thêm nghiêm trọng không kiểm soát được. Luật tạng ra đời dần dần trên cơ sở những rắc rối hay lỗi lầm mới xảy ra. Nhiều điều luật được chế định theo khuôn mẫu hiện hành của những tổ chức tôn giáo thời đó, chẳng hạn như việc quy định về lễ Bố-tát tập trung. Cũng có các điều luật được đưa ra thuận theo tinh thần của số đông người dân. Một vài quy định giới bổn còn tuân theo pháp luật nhà nước. Điển hình cho việc đưa ra giới bổn dựa vào khuôn mẫu các tôn giáo hiện hành, đó là điều khoản cấm các thầy Tỷ khưu cư trú lâu ngày một chỗ cố định.1 Đối với trường hợp an cư - tự tứ tại một trú xứ2 cũng có quy tắc của nó. Còn minh chứng cho việc đưa ra giới bổn dựa vào pháp luật nhà nước thì sẽ thấy ở điều luật “binh lính và kẻ tù tội không được cho phép xuất gia”. Phải mất một thời gian dài để giới luật được hoàn thiện. Sự quan tâm giám sát càng tốt sẽ mang lại một tạng Luật càng hoàn hảo. Đức Phật tiếp tục thành công trong các chế định giới luật, thể hiện ở thực tiễn vận hành trôi chảy hệ thống giới luật đó qua nhiều thế kỷ. Khuôn mẫu cơ bản của Luật tạng được xây dựng ở Vương Xá nhằm kiểm tra những vi phạm của hàng Tỷ khưu mà nhiều lần đức Phật đã khuyến cáo:
1 Luật tạng, Đại phẩm I.
2 Luật tạng, Đại phẩm III.
“Những việc này không có lợi lạc, các thầy Tỷ khưu, việc chuyển hóa người không cải đạo và làm tăng thêm số người cải đạo. Nhưng việc này sẽ có kết quả, các thầy Tỷ khưu! Làm cho những ai chưa được cải hóa từ chối tín ngưỡng của họ và số đông những ai đã được cải hóa trở nên xa lánh [tín ngưỡng của họ]”.1
1 V. Fausböll; Sách đã dẫn, S.B.E. XVII, trang 18 - 19.
Tôi viện dẫn sau đây vài điều luật được chế định tại Vương Xá phản ánh những tình huống cần thiết hoặc đòi hỏi quy định giới luật:
(A) Khi đức Phật ủy thác thẩm quyền thâu nhận người mới nhập đạo cho các thầy Tỷ khưu lại nảy sinh những rắc rối. Khó khăn đó xảy ra trong cả hai trường hợp: hoặc là thu nạp không phân biệt phẩm cách của người xin nhập đạo; hoặc là từ chối thu nhận những người xứng đáng được thu nhận. Để tránh những phiền phức này, thẩm quyền được giao cho mười vị Tỷ khưu. Thủ tục truyền thụ giới pháp cho một người được mô tả chi tiết, nguyên tắc như sau:
1. Bãi bỏ truyền giới bằng hình thức Tam quy (Trisaraṇa):
Thay vào đó, hình thành quy tắc tam Yết-ma (ñatty cattuthena kammena upasamdādetabbam).
2. Không ai được thọ giới nếu vị ấy không tha thiết cầu giới pháp:
Nếu thu nhận một cư sĩ ngoại đạo (Jaṭila) hoặc một người vương tộc Thích-ca mong cầu giới pháp, vị ấy phải trải qua thời gian thử thách bốn tháng vì đã có những trường hợp ngoại đạo xin xuất gia rồi lại từ bỏ để hoàn tục sau một thời gian ngắn. Những vị ấy thường non yếu vì mù mờ bản chất của Phật pháp.
3. Không truyền giới cho những ai mắc năm loại bệnh:
- Người làm quan đương chức;
- Kẻ phạm tội;
- Người đang mang hình phạt;
- Kẻ nợ nần;
- Nô lệ.
4. Người mới thọ giới phải có một vị Hòa thượng (Upajjhāya) và một vị A-xà-lê (Ācariya) chỉ dạy:
Nguyên nhân có nguyên tắc này là vì nếu chưa được đào tạo thì cho dù được thọ giới, chư vị Tỷ khưu sẽ gặp phải sự không hài lòng của cư sĩ tại gia bởi y phục bê tha, uống ăn không tiết độ, phong cách thiếu tao nhã… Thầy Tỷ khưu mới phải trải qua thời gian huấn luyện dưới sự dẫn dắt của vị Hòa thượng hoặc A-xà-lê,1 vị này đã từng có mười năm thâm niên trong giới pháp Tỷ khưu. Theo đây, những điều khoản cụ thể được chế định ràng buộc trách nhiệm và bổn phận lẫn nhau giữa thầy và trò. Còn có quy định các vấn đề về kiểm tra sự không tuân thủ của họ về phẩm chất của vị thầy, về thời gian học trò cần sống bên thầy, về những lý do chấm dứt mối quan hệ giữa thầy và trò, v.v...
1 Về sự khác biệt giữa Hòa thượng và A-xà-lê, tham khảo S.B.E. XIII, trang 178 - 179; “A-xà-lê là người chỉ dạy thực tế, còn Hòa thượng là vị được cung cử chính thức tại thời điểm thọ Cụ túc giới (upasaṁpadā) chỉ chứng minh trên danh xưng. Tuy nhiên Hoà thượng có giáo phẩm cao hơn, và không có sự khác biệt giữa Hòa thượng và A-xà-lê về mặt chức trách”; S.K.Dutt; Chế Độ Tu Viện Phật Giáo Sơ Kỳ (Early Buddhist Monachism: 600 B.C – 100 B.C) (Routledge, Trubner & Co.Ltd), trang 180 - 181.
5. Việc truyền giới xuất gia còn bị giới hạn về độ tuổi:
Có lần, vài cậu bé nhỏ tuổi được truyền giới nhưng họ không thể hiểu như thế nào là đời sống Tỷ khưu. Từ đó, đức Phật quy định người dưới hai mươi tuổi không được thọ giới Cụ túc, dưới mười lăm tuổi không được thọ giới pháp xuất gia (pabbajjā).
6. Tuân thủ nguyên tắc bạch Tứ y chỉ (bốn nissaya) tại thời điểm thọ giới:
Dù các thầy Tỷ khưu phát nguyện sống thiếu thốn, một số họ lại lợi dụng sự cúng dường và tâm bố thí của cư sĩ để sống buông thả. Việc này dẫn đến quy định mỗi cá nhân khi được xuất gia phải sống dựa vào phần ăn do khất thực, y phục được làm từ vải rách khâu lại, sử dụng nước tiểu bò để làm thuốc, ở những nơi bên cạnh gốc gây hoang vắng (arañña rukkhamūla), sống trong rừng sâu (vanapattha)...1 Tính nghiêm khắc của giới luật đã khiến người muốn xuất gia e ngại cho nên bắt đầu có tình trạng nới lỏng giới luật. Các thầy Tỷ khưu được phép nhận lời mời của gia chủ, nhận sự cúng dường ẩm thực và y phục. Về trang phục, ngoài y phấn tảo (paṃsukūla) ra, nhờ nỗ lực của Kỳ-bà (Jīvaka), chư Tăng được cho phép dùng sáu loại chất liệu. Về nơi cư trú, có năm loại chỗ ở hợp pháp, cộng với những điều kiện vừa đặt ra nhằm giảm nhẹ tính khắt khe đối với chư vị Tỷ khưu. Năm nơi cư trú là tinh xá (vihāra), nhà hiên nửa mái (aḍḍhayoga), gian nhà lớn có gác (hammiya), hang động (guhā) và nhà sàn (pāsāda). Quy định liên quan về thuốc men cũng được nới lỏng, cho phép các Tỷ khưu dùng sữa, bơ, dầu, mật, đường… để làm thuốc. Các phú trưởng giả thành Vương Xá xây dựng tinh xá và quá thiết tha cầu thỉnh đức Phật cư trú nên Ngài đã chấp nhận. Từ việc này nảy sinh tình trạng chư vị Tỷ khưu lạm dụng, thiếu quy tắc, rơi vào đời sống xa hoa, làm phiền lòng dân chúng với những đòi hỏi thêm nhiều am thất hay vật chất cung phụng cho sự xa hoa của họ. Do đó, nhiều điều khoản nghiêm khắc khác lại được bổ sung vào Luật tạng, như: cấm chư Tăng đòi hỏi chỗ ở, giảm bớt phạm vi rộng lớn của tu viện…
1 Luật tạng, Đại phẩm.
(B) Tụ hội Bố-tát và tụng giới: Vua Tần-bà-sa-la khuyên đức Phật lưu tâm về việc tổ chức lễ Bố-tát (họp mặt thảo luận Pháp và Luật cứ mỗi nửa tháng ba lần) đang thịnh hành trong một số tổ chức tôn giáo thời đó và thỉnh Phật đưa quy định đó vào Luật tạng. Theo thời gian, những cuộc nhóm họp này được quy định thành một bộ phận Giới bổn Pātimokha. Trong buổi nhóm họp Bố-tát, chư Tăng tỏ bày sám hối những lỗi lầm mà họ đã sai phạm để được thanh tịnh. Các buổi nhóm họp tụng giới nảy sinh vài vấn đề nghiêm trọng được ngăn ngừa bởi Luật tạng theo các điều khoản sau:
1. Xác định phạm vi thẩm quyền về giới vức;
2. Lựa chọn người chủ trì buổi lễ tụng giới;
3. Chọn người trả lời những nghi vấn về Pháp và Luật;
4. Giảng đường nhóm họp và những điều kiện tiện nghi;
5. Những ai không được phép dự buổi Bố-tát;
6. Sự gửi dục của các thầy Tỷ khưu bệnh yếu và vắng mặt;
7. Quy trình nhóm họp buổi Bố-tát.
(C) An cư mùa mưa: Việc tu tập kéo dài suốt mùa mưa tại một nơi nhất định đã áp dụng phổ biến giữa những nhóm ẩn sĩ thuộc các tôn giáo khác nhau thời đó. Đức Phật tiếp thu truyền thống này. Bắt đầu hoặc sau ngày trăng tròn tháng 4 (āṣāḍha), hoặc sau một tháng kể từ ngày ấn định bắt đầu an cư.
(D) Sử dụng dép: Đức Phật cho phép chư Tăng sử dụng dép, căn cứ vào trường hợp Đại đức Soṇa Kolivisa do da chân non mềm nên bị đau chân và một số vị bị bỏng chân, một số khác đã phải đi chân trần trên những vùng đất đầy sỏi ở A-bàn-đề. Bất luận nhiều điều nghiêm khắc đối với việc mang dép đã đặt ra trước đó, tất cả chư Tăng sau này được cho phép sử dụng dép để tránh những bất tiện khi đi đường dài.
Sau cùng, tại Vương Xá, đức Phật quy định một số quy tắc chấm dứt sự tranh cãi và điều luật cụ thể chỉ dẫn đời sống hàng ngày của chư Tăng. Trong giới bổn, hai mươi mốt điều khoản được đặt ra tại Vương Xá, đó là: giới Ba-la-di thứ nhất, giới Tăng tàn số 6, giới Xả đọa số 3, giới Đơn đọa số 10, pháp Hối quá số 1.1
1 P. Vidhusekhara Sastri; Giới Thiệu Tỷ Khưu Giới Bổn (Patimokkha Introduction).
Vương Xá là bước chuẩn bị cho việc hoằng hóa ở Tỳ-xá-ly và Xá-vệ
Mùa an cư thứ năm, người dân Tỳ-xá-ly thỉnh Phật về thăm để cứu cơn dịch bệnh đang tàn phá thành phố này. Đức Phật đã nhận lời thỉnh cầu đến đó và nghỉ lại một thời gian ngắn. Dịch bệnh chấm dứt đúng vào thời điểm Ngài cư trú ở đó nên mọi người tin tưởng chính là nhờ vào từ tâm của đấng Đạo sư với nỗ lực chữa trừ dịch bệnh qua Kinh Ratana Sutta. Mục đích sâu xa hơn nữa là củng cố tín tâm với bậc siêu phàm qua hiện tượng nhiệm mầu mà họ đã chứng kiến. Đức Phật thăm Tỳ-xá-ly vào mùa an cư thứ năm và nhiều lần liên tiếp trở lại sau đó, Ngài đã hóa độ số lượng đồ chúng đông đảo.
Vào mùa an cư thứ hai khi Phật ngụ tại Hàn Lâm (Sītavana) thuộc Vương Xá, trưởng giả Cấp Cô Độc (Anāthpiṇḍika) từ nước Kiều-tát-la đến diện kiến Ngài, và rồi ông đã được hóa độ. Ông ta thỉnh Phật về thành Xá-vệ (Sāvatthi) để an cư, mở đầu cho công cuộc truyền bá chính pháp ở Kiều-tát-la, chi tiết sự kiện này sẽ được mô tả ở phần sau.
Những cư sĩ thuần thành gắn bó với Tăng đoàn: mối quan tâm của Phật
Những năm đầu trong sự nghiệp, đức Phật không mấy để ý đến việc tổ chức cộng đồng cư sĩ Phật tử như Tăng đoàn. Nhưng Ngài sớm nhận ra rằng một tổ chức tôn giáo gồm nhiều người xuất gia cần được hỗ trợ, duy trì bởi cư sĩ tại gia. Hình thức Tam quy xuất phát từ việc Ngài dạy các đệ tử tại gia phát nguyện, đánh dấu sự quy hướng của họ về chính pháp. Hình thức này khá đơn giản không được coi là đủ để ràng buộc họ gắn bó với đạo Phật. Từ đó, khi đức Phật tiếp độ, các cư sĩ phải thọ giữ năm giới, cao hơn là tu tập tám giới Quan trai vào sáu ngày Bố-tát, có trách nhiệm nghe pháp thoại và đàm đạo với chư Tăng vào các kỳ nhóm họp. Những chủ đề đức Phật thuyết giảng cho cư sĩ tại gia gồm bố thí, trì giới, tứ Thánh đế, chế ngự tâm… Sự lớn mạnh của cộng đồng cư sĩ Phật tử không thể nhận thấy được ở thời kỳ đầu, nhưng dần dần trở nên đáng lưu tâm chẳng những về số lượng mà còn là những điểm nổi bật của các thành viên cộng đồng tại gia. Lần đầu tiên tiếp độ cư sĩ tại gia, đáng kể đến có trường hợp những vị lãnh đạo của mười tám đoàn thương gia và quần thần của Vua Tần-bà-sa-la đảnh lễ Phật, quy y với Ngài vào năm thứ hai sau khi chuyển Pháp luân. Tuy nhiên, trước đó cũng đã có các cư sĩ như Đề Vị (Trapusa) và Bạt-lợi (Bhallika) quy y tại Già-da, cha của Yaśa quy y tại Ba-la-nại. Nhưng chỉ có cách thức phát thệ Tam quy mới xác chứng họ trở thành chúng tại gia của giáo đoàn. Cộng đồng cư sĩ ở Vương Xá dần dần trở nên quy mô đến mức cả số lượng lớn chư Tăng có thể duy trì ổn định, dễ dàng nhờ vào sự trợ duyên cúng dường của cộng đồng cư sĩ. Danh tính một vài vị cư sĩ thuần thành thuộc nhiều tầng lớp nhân dân trở thành một bộ phận chúng đệ tử Phật suốt thời gian Ngài hành hóa tại Vương Xá mà chúng ta biết đến qua Kinh tạng Nikāya là:
1. Các thôn trưởng (gāmaṇi): Talapuṭa, Yodhājiva, Assāroha, Maṇicūlaka;
2. Các tại gia cư sĩ (gahapati): Jotikā, Mānadinna, Sirivaḍḍha, gia chủ tử Soṇa, Dārukammika (gia chủ ở Nādika), Belaṭṭha Kaccāna (thương nhân buôn đường ở Andhakavinda), thanh niên Pukkusāti, Ưu- bà-tắc Dighāvu, Y sĩ Jīvaka, trưởng giả Anāthapiṇḍika và những người bạn giàu có của ông;
3. Tín đồ Kỳ-na giáo ở Na-lan-đà: Trưởng thôn Asibhandakaputta, Upāli, Abhayarājakumāra;
4. Giới Bà-la-môn: Kasibharadvāja, Dhanañjnana;
5. Nữ giới: Nữ du sĩ Sāri - mẹ ngài Xá-lợi-phất, nữ Bà-la-môn Dhanañjanta, Velukaṇṭaki Nandamātā, Cundi Rājakumāri;
6. Bậc đế vương: Tần-bà-sa-la, A-xà-thế;
7. Du sĩ ngoại đạo: Vacchagotta, Sakulidāyi.
Đáng tiếc là chúng ta không có tư liệu nói rõ số lượng người đã quy y thành cư sĩ tại gia của Phật, do thông tin danh sách này rời rạc và bị mai một đã lâu. Tăng đoàn nhận được sự hỗ trợ lớn nhất từ các phú trưởng giả, một vài trong số đó đã được đề cập ở trên. Nói về Vương Xá, sẽ không sai nếu cho rằng số lượng rất lớn những người được hóa độ là giai cấp Phệ-xá (Vaiśya). Mười tám thương gia tháp tùng Vua Tần-bà- sa-la diện kiến đức Phật đều thuộc giai cấp Phệ-xá. Mỗi vị trong số họ có rất nhiều đồ chúng. Danh sách mười tám thương gia được tìm thấy trong bộ Đại Sự (Mahāvastu). Tư liệu này cho biết thủ công nghệ tạo nên ngành nghề đa dạng cho các thương nhân, nghĩa là họ thực sự đến từ nhiều nghề nghiệp khác nhau trong cộng đồng Phệ-xá. Kinh tạng có rất nhiều các chứng cứ về những trưởng giả hết lòng hộ trì nhân lực và tài lực cho Tăng đoàn. Chúng ta sẽ có dịp nói đến câu chuyện này khi bàn về những vùng đất nơi họ sinh sống và hộ trì chính pháp. Cuộc vấn đạo giữa đức Phật và Cấp Cô Độc diễn ra nhờ mối quan hệ với một phú trưởng giả bằng hữu của ông là cư dân thành Vương Xá. Thông qua mối quan hệ với Cấp Cô Độc, nhiều phú trưởng giả khác của Vương Xá đã trở thành đệ tử Phật. Một đô thị lớn như Vương Xá sẽ là cơ sở giúp cho đức Phật có nhiều đệ tử thuộc tầng lớp thương nhân và dựa vào khối tài sản to lớn của họ để đảm bảo việc ăn ở cho chư Tăng. Ví dụ, khi một vị trưởng giả được chư Tăng che chở tâm linh thì vị ấy phát tâm cúng một ngôi am thất, đức Phật nhân đó cho phép chư Tăng sinh sống trong các am thất; còn khi vị nào cúng dường đường ăn lên chư Tăng thì đức Phật cho phép sử dụng đường ăn. Nhờ những mối quan tâm tích cực của các trưởng giả trong chặng đường phát triển Phật giáo như thế nên tên tuổi của họ đã được điền vào kinh sách.
Những hoạt động hoằng hóa của đức Phật tại Ma-kiệt-đà cho đến lúc nhập Niết-bàn
Khi ở Ma-kiệt-đà, đức Phật hóa độ hai vị cư sĩ là Vua A-xà-thế và y sĩ Kỳ-bà. A-xà-thế lên ngôi vua vào năm đức Phật bảy mươi hai tuổi. Lúc đó, A-xà- thế vẫn còn tiếp tục tài trợ cho Đề-bà-đạt-đa, mặc dù Đề-bà-đạt-đa cùng với Kokālika, Kaṭamoratissaka, Khaṇḍadeviyāputta Samuddadatta và Tỷ khưu Ni Thullanandā là những phần tử dẫn đầu nhóm chống đối đức Phật. Yếu tố giúp cho tầm ảnh hưởng của Đề-bà-đạt-đa đến với một số người là nhờ vào năng lực thần thông được Phật chỉ dạy tại Sukharakhata ở Gijjhakuṭa. Ông ta tập trung năm trăm đệ tử, lập cứ điểm tại Gayāsisa. Ở đó, Vua A-xà-thế xây dựng cho ông một tu viện. Đề-bà-đạt-đa tạo sự khác biệt giữa giáo lý của ông với đức Phật bằng xu hướng thiên về lối sống khắc nghiệt, hấp dẫn đại đa số quần chúng, trong khi đức Phật để hàng đệ tử tùy ý tự chọn thực hành theo hay từ bỏ lối sống đó. Vua A-xà-thế là công cụ để Đề-bà-đạt-đa thực hiện âm mưu của ông ta. Đến khi dần nhận ra sự vượt trội của đức Phật về mọi khía cạnh, nhà vua cảm thấy rất sầu não vì đã lún sâu vào việc hỗ trợ Đề-bà-đạt-đa trong những kế hoạch xấu ác đó. Vào khoảng thời gian này, y sĩ Kỳ-bà mới quay về Vương Xá, sau khi hoàn thành khóa học y thuật ở Takkhasilā và trở thành y sĩ nổi tiếng, ông được mời chữa bệnh cho các hoàng tử. Ông phát tâm chăm sóc sức khỏe cho đức Phật và chư Tăng, xác lập niềm tin chắc thật vào chính pháp. Là ngự y của Vua A-xà-thế nên ông có nhiều dịp được biết đến sự vĩ đại của đức Phật và chính pháp. Lời giới thiệu trong Kinh Sa Môn Quả liên hệ đến cách thức mà ông đã tạo duyên để Vua A-xà-thế được gặp Phật. Nhân cuộc gặp gỡ đó, đức Phật chuyển hóa nhà vua qua bài giảng về đời sống thế tục và công đức tâm linh mà các thầy Tỷ khưu thành tựu khi xuất gia. Sự kiện này diễn ra vào năm đức Phật bảy mươi chín tuổi, chỉ một năm trước khi Ngài nhập Niết-bàn.
Các khu vực khác ở Ma-kiệt-đà
Khi ngụ tại Vương Xá, đức Phật từng cùng chúng đệ tử đến thăm nhiều nơi thuộc lãnh thổ nước Ma-kiệt-đà, tuy nhiên chỉ những địa danh nổi bật mới được thuật lại trong Kinh tạng do ở đó có xây dựng các tu viện và đồ chúng đông đảo, bao gồm:
1. Na-lan-đà: Tuy nhỏ hẹp nhưng lại là một ngôi làng khá thịnh vượng, cách thành Vương Xá một do tuần. Nơi cư trú thường xuyên của chư Tăng là tu viện Pāvārika-ambavana. Một tu viện khác nằm giữa Vương Xá và Na-lan-đà là Ambalaṭṭhikā, nơi Ngài La-hầu-la thỉnh thoảng đến tu tập. Xét bản chất các bài kinh đức Phật giảng ở đó và tính đặc thù của những người mà Ngài phải tranh biện thì dường như Ni-kiền-đà Nhã- đề-tử có vị thế khá lớn ở đó. Gần như các bài giảng đều nhằm bác bỏ học thuyết của đạo Kỳ-na trong khi những kẻ tranh biện học rộng như Dīghatapassi, Upāli, Abhayrājakumāra và vị thôn trưởng Asibandhakaputta đều là đồ chúng của Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử. Hầu hết những người này đều đã được đức Phật chuyển hóa thành công ngoại trừ Dīghatapassi. Từ Kinh Bhagavati, chúng ta có thể biết Na-lan-đà chính là nơi gặp mặt giữa Mahāvīra và Gosāla.
2. Pātaliputta: Ở thời đức Phật, Hoa Thị thành chỉ là ngôi làng có tên Pātaligama. Đức Phật đã từng cùng các đệ tử đến thăm nơi này vào những ngày cuối đời. Trên đường đi, các cư sĩ trong vùng thỉnh Ngài cùng chư Tăng đến ngôi nhà nghỉ mà sau này được biết là Kukkuṭa-ārāmā. Lúc này, hai vị đại thần của Vua A-xà-thế là Sunidha và Vassākara đang cố bảo vệ xứ Pātaligāma chống lại người Bạt-kỳ. Nhờ đó mà ngôi làng về sau trở nên phát triển thành Hoa Thị thành, một đô thị lớn, cũng là thủ đô nước Ma- kiệt-đà. Do tôn kính đức Phật, hai vị đại thần đặt tên cửa ngõ mà Ngài đi qua cũng như bến phà mà từ đó Ngài khởi hành là Gotama-dvāra và Gotama-tittha. Gần Hoa Thị thành có hai ngôi làng tên là Koṭigāma và Nādika, đức Phật đã từng nghỉ chân ở đây, trên chuyến du hóa cuối cùng trước khi nhập Niết-bàn.
Cũng chính tại làng Koṭigāma, nàng Ambapāli đã đến thỉnh Phật về Tỳ-xá-ly. Đức Phật từng hóa độ từ Koṭigāma đến Nādika và có nhiều chúng đệ tử cả Tăng, Ni lẫn cận sự nam, nữ. Một vài vị trong số họ đã qua đời trước khi Ngài đến, nên nhân tiện đó Ngài giảng bài Kinh Quán Niệm Sự Chết (Maraṇa-sati).
3. Dakkhiṇāgiri: Vào năm thứ 11 của hành trình cứu độ, đức Phật đến ngôi làng Bà-la-môn Ekanālā, hóa độ hai vị Bà-la-môn tên là Kasi-bharadvāja và Sampūrṇa. Trong làng có một nữ cư sĩ ưu tú tên Velukaṇtakī Nandamātā sinh sống. Cũng tại đây, đức Phật nảy lên suy nghĩ về việc chế định y phục cho Tỷ khưu từ việc khâu các mảnh vải hình vuông với nhau giống như những mảnh ruộng trên những cánh đồng trong làng được canh tác bởi nhiều người.
4 & 5. Andhakavinda và Kallavālamuttagāma: Đây là hai ngôi làng khác gần Vương Xá, dù không quá nổi tiếng nhưng cũng có những tu viện mà thỉnh thoảng đức Phật đến cư trú. Ở Andhakavinda, Ngài chỉ dẫn các thầy tân Tỷ khưu và chuyển hóa Belaṭṭha Kaccāna, một người buôn bán đường ăn trong xứ. Tôn giả Ma-ha Ca-diếp trong một lần cư ngụ ở đây đã lội qua dòng sông để dự buổi Bố-tát tại Vương Xá.
Sau sự kiện này, Luật tạng quy định thêm điều khoản: “Thầy Tỷ khưu không được lội qua sông. Nơi nào có sông, suối thì cần phải thiết lập giới vức thẩm quyền Bố-tát tại chỗ cho tu viện.” Kallavālamutta-gāma được coi trọng nhờ gắn liền với việc trải qua khóa tu tập đầu tiên cùng Ngài Mục-kiền-liên.
4. VƯƠNG QUỐC KIỀU-TÁT-LA
Tầm quan trọng của Kiều-tát-la
Trong lịch sử truyền bá Phật giáo, tầm quan trọng của vương quốc Kiều-tát-la chỉ xếp sau Ma-kiệt-đà. Chính tại Xá-vệ, kinh thành của vương quốc Kiều- tát-la, đức Phật đã dành gần nửa sự nghiệp của mình với tư cách là một bậc Đạo sư giảng giải chính pháp với số lượng nhiều nhất là các bài kinh và giới bổn Pātimokkha. Theo Kinh tạng Nikāya, chính ở đây, đạo Phật phát triển chín muồi sau khi đã trải qua thời phôi thai ở Ma-kiệt-đà. Được biết, trong Kinh tạng có đề cập đến nhiều khu định cư của Bà-la-môn. Trên thực tế, lãnh thổ Kiều-tát-la cũng nằm trong phạm vi của họ, mặc dù Tiến sĩ Oldenberg1 cho rằng khu vực này nằm ngoài vùng đất mà đạo Bà-la-môn chính thống chiếm ưu thế. Tiến sĩ Oldenberg đưa ra quan điểm loại bỏ Bà-la-môn khỏi Kiều-tát-la dựa vào hai đoạn kinh:
1 H. Oldenberg; Đức Phật: Cuộc Đời, Học Thuyết Và Tôn Giáo. Phụ lục I bản dịch tiếng Anh của W. Hoey; Buddha: His life, His doctrine, His order (London, Williams Norgate, 1882).
1. Trong Tiểu Phẩm XII (Cullavagga) cho rằng: “Chư Phật được sinh ra ở Puratthima Janapadas”.
2. Trong Kinh Trung Bộ II nói: “Đức Phật vốn là một cư dân bản xứ của nước Kiều-tát-la”.
Tuy nhiên, từ “Puratthima” ở đây không hàm ý chỉ vùng đất phía Đông (prācyadeśa). Đoạn kinh chỉ muốn khoanh vùng Ca-tỳ-la-vệ thuộc cực Bắc của Kiều-tát-la chứ không phải toàn bộ khu vực phía Đông. Hơn nữa, trung tâm thị trấn và lãnh thổ đất nước nằm ở phía Tây sông Sadānīrā, vành đai biên giới mà lúc đầu người Āryan đóng chiếm như Phạm Thư Śatapatha mô tả.1 Do đó, với tư cách là công dân của Ca-tỳ-la-vệ, đức Phật cũng có thể được gọi là một người Kiều-tát-la, mặc dù Ngài không phải là cư dân của vùng phía Đông. Lúc đạo Phật ra đời, Kiều-tát-la là một đất nước theo đạo Bà-la-môn nên sự tiến triển của Phật giáo cũng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, với thực tế vừa nêu, việc tìm lại tiến trình truyền bá chính pháp đến vương quốc này sẽ thú vị và hấp dẫn bởi nó còn liên hệ đến quê hương của đức Đạo sư (tộc Thích-ca).
1 Sách đã dẫn; trang 398, 399.
Sự khởi đầu của Phật giáo ở Kiều-tát-la
Mặc dù Kiều-tát-la là xứ sở theo đạo Bà-la- môn nhưng điều này đã không ngăn cản được nỗ lực truyền bá chính pháp của đức Phật ở đó ngay từ khi Ngài bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một nhà thuyết giáo. Ta biết rằng, cuộc đời hoằng pháp của đức Phật được chia thành nhiều giai đoạn. Nỗ lực đầu tiên được thực hiện vào thời gian Ngài ở thành Ba-la-nại (Benares) thông qua nhóm truyền giáo đầu tiên, trong đó có năm cư dân của thành Ca-tỳ-la-vệ và các khu vực phụ cận. Đó cũng chính là năm người Bà-la-môn cải đạo đầu tiên.1 Nỗ lực thứ hai được thực hiện bởi riêng cá nhân đức Phật khi ở thành Vương Xá. Vua Tịnh Phạn liên tục thỉnh mời, cuối cùng người bạn thời thơ ấu tên Udāyi cũng đã thuyết phục được Ngài trở lại quê nhà. Trong thời gian ngắn ở đây vào dịp này, Ngài đã thành công trong việc hóa độ một số thanh niên dòng tộc Thích-ca theo Phật giáo. Nỗ lực thứ ba, cũng là lần thành công nhất, được thực hiện vào dịp Ngài đến thăm thành Xá-vệ theo yêu cầu của Cấp-cô-độc, vị thí chủ đã dâng cúng tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana ārāma') - một nơi nghỉ chân lý tưởng và nổi bật của chúng Tỷ khưu trong thời gian sau đó để Ngài được quyền tùy ý sử dụng cho việc truyền bá chính pháp ở Kiều-tát-la.
1 Theo các truyền thuyết Phật giáo, ba mươi công tử nhà giàu Bạt-đà-la-bạt-đề (Bhaddavaggiya) được đức Phật hóa độ trên đường từ Ba-la-nại đến Ưu-lâu-tần- loa cũng thuộc về Kiều-tát-la; Ngài Phật Âm nói rằng: “Những công tử Bạt-đà-la- bạt-đề là anh em của vua nước Kiều-tát-la. Sau khi xuất gia họ sống tại Pātheya, một quốc gia nằm ở phía Tây Kiều-tát-la”.
Sự chống đối Phật giáo ở Kiều-tát-la
Mặc cho những nỗ lực để mang lại cho Phật giáo một vị trí vững chắc tại thành Xá-vệ của Cấp- cô độc, những người đứng đầu các giáo phái địa phương đã phẫn nộ trước sự xâm nhập của một tôn giáo mới vào vùng đất mà họ coi là độc quyền của riêng họ. Đức Phật cũng đã lường được sự chống đối cứng đầu từ phía lãnh đạo của các giáo phái, và để tránh điều đó, Ngài đã phái Xá-lợi-phất - vị đệ tử có năng lực nhất, thay thế Ngài đến thành Xá-vệ với trách nhiệm giám sát việc xây dựng tu viện Kỳ Viên. Xá-lợi-phất, trước kia vốn là bậc thầy về nghệ thuật biện luận, có kiến thức sâu rộng về học thuyết Bà-la-môn cũng như các giáo phái khác. Ngài đã phải tranh luận với giáo chủ các giáo phái, khiến họ im lặng bằng năng lực luận giải giáo pháp tài tình của mình. Như vậy, Xá-lợi-phất đã chuẩn bị sẵn một chỗ đứng cho Phật giáo trước khi đức Phật đến nơi này. Ngoài sự phản đối của luận sư địa phương, đồ chúng sáu phái ngoại đạo ở thành Xá-vệ cũng gây khó khăn cho con đường thực hiện sứ mệnh cứu độ của đức Phật. Vua Ba-tư-nặc cùng dân chúng ở đây rất ngưỡng mộ các vị luận sư này và thường nói về họ như những bậc thầy lỗi lạc của các trường phái, những người đứng đầu giáo phẩm và được tôn sùng bởi sự thông thái (saṅghino gaṇācariyā nātā yasassino titthakarā sādhusammatā gaṅino). Trong khi đó, họ lại coi đức Phật còn trẻ tuổi và là một ẩn sĩ non nớt (daharo ceva jātiyā navo ca pabbajjāyāti).1 Theo Uvāsagadasao, thành Xá-vệ là trụ sở của giáo phái Tà Mạng Ājivika (những người theo cách sống nghiêm khắc). Nhà sáng lập của giáo phái này là Mạt-già-lê Câu-xá-lợi rất được kính trọng. Sức ảnh hưởng của Mạt-già-lê Câu-xá-lợi cũng như năm vị giáo chủ khác rất lớn. Họ đã có vị trí, danh tiếng, sức lan tỏa từ lâu, rất được người dân địa phương tin tưởng và không đồng ý nhường một tấc đất nào cho nhà thuyết giáo mới. Trong mắt họ, đức Phật chỉ là một thanh niên ngây thơ, hãy còn một chặng đường dài nữa mới có thể thành tựu. Do đó, họ đã tìm mọi cách để can ngăn người dân nghe lời thuyết giảng của chàng trai trẻ. Họ rêu rao rằng, lời Phật dạy chỉ toàn làm mất uy tín họ.2 Họ bắt tay nhau âm mưu “hất cẳng” Ngài ra khỏi Kiều-tát-la bằng cách thuyết phục Vua Ba-tư-nặc tổ chức một cuộc thi nhằm phô diễn năng lực phi thường của họ. Đức Phật đã đánh bại tất cả trong cuộc thi này, nhờ đó, thiết lập thanh danh của mình với tư cách là một nhà chứng đắc tâm linh vĩ đại. Sau sự kiện này, tên tuổi và sức ảnh hưởng của sáu phái ngoại đạo bắt đầu suy yếu, trong khi uy tín của đức Phật dần được tăng lên. Vì đố kỵ, họ đã nỗ lực bôi nhọ thanh danh của đức Phật bằng cách dựng chuyện Ngài với hai nàng kỹ nữ Ciñcā và Sundarī, nhưng rốt cuộc cũng không thành công. Đức Phật đã vạch trần trước công chúng những sai trái trong giáo lý của họ, do đó, dần dần khiến họ mất đi sức ảnh hưởng tại đây. Trong thời gian này, đức Phật thỉnh thoảng hướng dẫn đệ tử cách ứng đáp các cuộc tranh luận do nhóm chống đối đến từ sáu giáo phái không thuộc truyền thống Bà-la-môn đưa ra. Đồng thời, Ngài còn tận tình chỉ dạy họ về giáo lý cơ bản của chính pháp.
1 Kinh Tương Ưng Bộ, I, trang 68; Kinh Trung Bộ, I, trang 205, 400, 426.
2 Kinh Trung Bộ, I, trang 84.
Đức Phật và các Bà-la-môn ở Kiều-tát-la
Sự chống đối của sáu giáo phái ngoại đạo cản trở tiến trình truyền giáo của đức Phật không quá mạnh mẽ như tín đồ và các vị thầy Bà-la-môn chính thống. Họ không thể dành sự ưu ái cho những người không đồng tình với đức tin của họ, những người không ủng hộ các hình thức tu tập trong tôn giáo của họ, cũng như những ai đưa ra tiêu chuẩn cải cách chống lại họ. Đối với một số vị Bà-la-môn chính thống, ngay cả khi nhìn thấy đức Phật cạo đầu vào thời điểm thực hiện các nghi lễ cũng bị coi đó là điềm xấu. Khi nhìn thấy Ngài ở đằng xa cũng khiến Bà-la-môn Aggika- Bharadvaja phải thốt lên những lời lẽ để ngăn chặn, không cho Ngài đến nơi mà ông ta đang thực hiện buổi lễ hiến tế: “Ở lại đó, này kẻ trọc đầu; ở lại đó, này Sa môn khốn khổ (Samaṇaka); ở lại đó, này người hạ cấp (vasalaka)”.1 Những tư tưởng chống báng đức Phật của các vị Bà-la-môn được tìm thấy nhiều trong Kinh tạng Nikāya, như đoạn sau đây: “Những người trọc đầu, những kẻ lừa đảo, những gã hầu hạ đen đúa, những phần tử rác rưởi của những kẻ đáng khinh trong dòng tộc chúng ta”.2 Họ thậm chí còn chế nhạo ý định của đức Phật đến “để đối thoại với các vị Bà-la-môn thông thạo ba bộ Vệ-đà”.3 Chúng ta thấy trong kinh có đoạn nói về một nam Bà-la-môn bị một nữ Bà-la- môn xúc phạm vì ông ta quy kính Phật Pháp và đảnh lễ đức Phật. Vị nam Bà-la-môn sau đó đã nguyền rủa thái độ và hành động của vị nữ Bà-la-môn này.4 Còn rất nhiều bằng chứng về lòng căm ghét Phật giáo như những gì vừa kể ở trên. Nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ cho thấy các vị Bà-la-môn ở Kiều-tát-la ác cảm đối với đức Phật và chúng đệ tử của Ngài như thế nào. Bản chất các cuộc gặp gỡ giữa đức Phật với phe đối lập thực ra lại trở thành duyên cớ để Ngài thuyết giảng và thảo luận cho các vị Bà-la-môn địa phương về các vấn đề như: nguồn gốc, mục đích của hệ thống giai cấp; sự vô ích của việc cúng tế; sự vô lý của việc giải quyết các vấn đề không thể xác định được, chẳng hạn như “có sự tồn tại của linh hồn hay không?”, “thế giới là thường hay vô thường?”…; sự sụp đổ của các Bà-la-môn từ tư tưởng Bà-la-môn cổ xưa; sự thật ẩn sau niềm tin vào sự Thánh hóa tâm linh bằng cách tắm trên các dòng sông; sự phụ thuộc của các vị thần Bà-la-môn vào định luật nghiệp báo, v.v...
1 Tatr’eva muṇḍaka tatr’eva samaṇaka, tatr’eva vasalaka titthahi.
2 Kinh Trường Bộ, I, trang 103.
3 Sách đã dẫn, I, trang 81.
4 Kinh Trung Bộ, II, trang 210.
Thành công của đức Phật trong việc truyền giáo các vị Bà-la-môn ở Kiều-tát-la
Các vị Bà-la-môn ở Kiều-tát-la gắn chặt với niềm tin tâm linh của họ, yêu thích chân lý và bất cứ những gì họ có thể khám phá từ đó. Đức Phật đã gặt hái thành công trong việc truyền giáo bằng biện pháp tuyệt vời là kêu gọi tình yêu chân lý này. Ngài giải thích với họ rằng, tôn giáo mà họ theo đuổi có một lượng lớn sự tạp nhạp, làm giảm đi giá trị của tâm linh. Các nghi lễ và niềm tin sai lầm đã phát triển mạnh xung quanh tôn giáo mà họ hướng đến. Phần lớn giáo lý của các tôn giáo đó được phủ bọc bởi một lớp dày những điều phi lý. Bằng năng lực biện luận và hiểu biết về Bà-la-môn giáo, đức Phật đã làm cho các vị Bà-la-môn thấy rõ giá trị chân lý mà Ngài đang truyền dạy. Ngay khi nhận ra sự trống rỗng trong niềm tin hoặc sự lầm lạc trong triết lý của họ, bằng tình yêu vốn có đối với chân lý, họ đã đi theo đạo Giác Ngộ với nhiều điều hấp dẫn trước mắt. Một số người vẫn tiếp tục là cư sĩ nhưng tuyên bố đặt niềm tin vào Phật - Pháp - Tăng, trong khi những vị khác tiến xa hơn và trở thành Tỷ khưu. Những cư sĩ Bà- la-môn giàu có và tầm ảnh hưởng lớn như Jānussoṇi, Aggika-Bharadvāja và Dhanañjani đã tự nhận là cận sự nam trọn đời của Tam bảo. Thông minh uyên bác như họ thì quả thật rất khó khăn cho đức Phật trong việc chuyển hóa. Nhưng một khi đã được thuyết phục bởi chân lý có trong từng lời dạy của Ngài, họ sẽ trở thành những đệ tử vững vàng. Khi bắt đầu công việc truyền giáo ở Kiều-tát-la, đức Phật không kỳ vọng lắm, nhưng kết quả của những khó khăn, thử thách đã được đền đáp bằng những thành công rực rỡ. Số lượng Bà-la-môn được Ngài chuyển hóa ở Kiều-tát- la nhiều hơn ở bất kỳ nơi nào khác. Thành tựu vượt bậc của đức Phật ở vương quốc này là sự cải đạo của một số vị thầy Bà-la-môn (mahāsālas) ưu tú đang sống nhờ sự trợ cấp làng xã do các đức vua thực hiện và được người dân địa phương vô cùng tôn trọng. Mặc dù có vị trí cao với tư cách là bậc thầy Bà-la- môn chính thống, bất chấp lời can ngăn cũng như sự nài nỉ của hàng đệ tử và những người ngưỡng mộ, các vị thầy Bà-la-môn nổi tiếng như Pokkharasādi ở Ukkattha, Lohicca ở Sālavatikā và Cañki ở Opasāda đã quy y Phật, phát nguyện sẽ làm đệ tử của Ngài cho đến cuối đời (ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇam gataṃ). Tiếng tăm của đức Phật vang dội khắp Kiều-tát-la đến nỗi mười sáu đệ tử của Bāvari ở một nơi xa xôi như bờ sông Godāvarī cũng tìm đến xin gia nhập vào Tăng đoàn.1 Trong Tam tạng giáo điển (Piṭakas) không nói rõ về việc địa vị xã hội của các Bà-la-môn bị ảnh hưởng như thế nào khi họ trở thành những Ưu-bà-tắc. Tiến sĩ Law gợi ý trên cơ sở một vài mô tả trong Kinh tạng Nikāya rằng, những Ưu-bà-tắc này khi tuyên bố gắn bó với đạo Phật, họ có thể bị cộng đồng xã hội Ấn Độ giáo xem thường. Ở giai đoạn này, sự ngăn cách giữa họ với người Ấn Độ giáo trở nên rộng hơn theo tỷ lệ lòng sùng kính đối với Phật giáo ngày càng tăng trưởng theo thời gian, giúp cho cộng đồng cư sĩ Phật giáo dần dần lớn mạnh. Kinh tạng Nikāya chỉ đề cập đến tên tuổi của những Bà-la-môn cải đạo sau khi trò chuyện hoặc biện luận với đức Phật và đệ tử của Ngài. Những tên hiệu, khi nghiên cứu kỹ lưỡng, cho thấy một số lượng khá lớn các vị Bà-la-môn thuộc nhiều vị trí xã hội khác nhau đã được giáo hóa. Để làm rõ điều này, dưới đây đưa ra một số Bà-la-môn gắn liền với địa danh nơi họ sinh sống:
1 Bāvari đã từng là quân sư về nghi lễ (tế sư/ purohita) cho Vua Ma-ha Kiều- tát-la (Mahākosala) và con trai vị vua này là Ba-tư-nặc. Ông đã lui về bờ ẩn thất Godāvarī được Vua Ba-tư-nặc xây dựng dành cho ông.
(a) Các nam gia chủ Bà-la-môn (Brāhmaṇaga-hapatis) ở Sālā trở thành Ưu-bà-tắc (Kinh Trung Bộ);
(b) Kapaṭhikamānava ở Opsāda trở thành Ưu-bà-tắc (Kinh Trung Bộ);
(c) Các Bà-la-môn ở Nagaravinda trở thành Ưu- bà-tắc (Kinh Trung Bộ);
(d) Các Bà-la-môn ở Manasākata trở thành Ưu-bà- tắc (Kinh Trường Bộ);
(e) Các Bà-la-môn ở Venāgapura trở thành Ưu-bà- tắc (Kinh Tăng Chi Bộ);
(f) Các Bà-la-môn ở Icchānaṇgala trở thành Ưu- bà-tắc (Kinh Tăng Chi Bộ);
(g) Các Bà-la-môn ở Daṇḍakappakaṃ trở thành Ưu-bà-tắc (Kinh Tăng Chi Bộ);
Ngoài ra, Jānussoṇi, Sundarikabharadvāja, Piṅ- galakoccba, Assalāyana, Esukāri, Subha, Saṅgara và hàng loạt Bà-la-môn ở thành Xá-vệ cũng đã trở thành những Ưu-bà-tắc.1
1 Kinh Trung Bộ, I, trang 39, 175, 205; II, trang 147, 177, 208, 209; Kinh Trường Bộ, III, trang 81; Kinh Tương Ưng Bộ, I, trang 177.
Đức Phật và những du sĩ tu khổ hạnh (paribbājaka) ở Kiều-tát-la
Giống như các vương quốc khác, Kiều-tát-la cũng có nhiều am thất dành cho những du sĩ tu khổ hạnh (paribbājakārāmas)1, quen thuộc nhất trong số đó là am thất tại thành Xá-vệ do Hoàng hậu Mạt Lợi (Mallikā) cúng dường2. Đức Phật và các Tỷ khưu, thậm chí đôi khi có cả các đệ tử tại gia đến thăm những am thất này, lắng nghe quan điểm của chư vị du sĩ tu khổ hạnh, nếu cần thiết, họ sẽ bày tỏ thẳng thắn sự không tán thành các quan điểm đó. Cũng có lúc chư vị du sĩ này tìm đến đức Phật để xóa bỏ mối nghi hoặc trong tâm họ. Chúng ta biết kết quả của các cuộc gặp gỡ này là chư vị du sĩ như Bỉ-ma- na-tu (Vekhanassa)3 và Bố-tra-ba-đà (Potthapada) trở thành những Ưu-bà-tắc. Một số du sĩ ngoại đạo thể hiện lòng tôn trọng và kính quý đối với đức Phật qua câu trả lời của Pilotika cho nghi vấn mà Bà-la-môn Jānussoṇi đặt ra về kiến thức uyên bác của Phật: “Tôi là ai mà lại đánh giá về kiến thức của Sa môn Gotama, tôi là ai mà có thể khen ngợi Ngài ấy; Ngài được ca ngợi về những điều đáng khen ngợi nhất giữa Chư Thiên và loài người; Bất cứ ai tiếp cận Ngài để tranh luận, cho dù vị ấy là một Bà-la-môn, Sát-đế-lỵ (Khattiya), Cư sĩ (Gahapati) hay Sa môn thông tuệ đều nhận được sự hài lòng khi nghe Ngài thuyết pháp”.4 Từ những bình luận này, không thể nói đức Phật đã không thành công trong việc hóa độ các du sĩ ngoại đạo vì vẫn còn nhiều người trong số họ không nhận ra được sự ưu việt của Phật pháp.
1 “Aññattthiyānaṃ paribbājakānaṃ ārāma”; Kinh Tăng Chi Bộ, IV, trang 378; trang 48.
2 “SamayappavadakotindukācīroMallikāyaārāmo”; Kinh Trung Bộ, II, trang 22.
3 Ông cũng là người sáng lập ra giáo đoàn du sĩ Bà-la-môn.
4 Kinh Trung Bộ, I, trang 175.
Đức Phật độ Vua Ba-tư-nặc ở Kiều-tát-la
Đức Phật đã dành phần lớn sự nghiệp truyền giáo của mình tại tịnh xá Kỳ Viên thành Xá-vệ. Ngài cư trú ở đây trong hai mươi mốt mùa an cư và thêm nhiều lần lui tới khác. Nhờ vậy mà Vua Ba-tư-nặc có nhiều cơ hội để gặp gỡ và chuyện trò cùng đức Phật về các chủ đề tôn giáo. Từ tư liệu liên quan đến Vua Ba-tư-nặc có trong Kinh Trung Bộ, Kinh Tăng Chi Bộ và chương Tương Ưng Kiều-tát-la (Kosalasaṃyutta) thuộc Kinh Tương Ưng Bộ cho thấy rõ nhà vua là tín đồ của đạo Bà-la-môn. Vị tế sư đầu tiên cho nhà vua là Bà-la-môn Bāvari đã cử hành lễ hiến tế với sự sát hại sinh vật. Vua có Hoàng hậu Mallikā, hai chị gái Somā và Sakulā đều là những đệ tử Ưu-bà-di của Phật. Có lẽ nhờ chư vị cận sự nữ này tác động, kết hợp với những chỉ dẫn của đức Phật đã khiến cho nhà vua dần dần hướng tâm về đạo Giác Ngộ. Sau đó, chính nhà vua tuyên bố là đệ tử tại gia của Phật và thể hiện sự tận tâm bằng việc thỉnh thoảng cúng dường phẩm vật cho chư Tăng.
Cấp-cô-độc
Mặc dù ban đầu Phật giáo còn sơ khai, tuy không thể có được sự bảo trợ vững chắc từ nhà vua nhưng nhận được sự bảo trợ từ Cấp-cô-độc, một người hết sức giàu có ở thành Xá-vệ và là kho bạc trung ương của vương quốc. Lời khuyến hóa quý giá của ông kết hợp với sự hiến cúng tài vật làm cho Phật Pháp có thể đâm rễ sâu vào vùng đất Kiều-tát-la. Chính ông đã tạo điều kiện giúp đức Phật tổ chức những buổi thuyết pháp cho hàng cư sĩ về trách nhiệm, vị trí và vai trò của họ trong giáo đoàn. Những bài giảng này đã chỉ dẫn họ cách để thực hiện bổn phận của người Phật tử tại gia.
Như thế, thông qua nỗ lực của trưởng giả Cấp- cô-độc, đức Phật đã dành một vị trí cho giới cư sĩ trong cơ cấu tổ chức tôn giáo của mình. Thực tiễn này rất hệ trọng vì việc chậm chạp thừa nhận đúng mối quan hệ của họ với Phật giáo đã góp phần hạn chế sự phát triển nhanh chóng của tổ chức giáo hội. Vì, chính nhờ hàng cư sĩ tại gia mà Phật giáo đã trở nên lớn mạnh.
Tỳ-xá-khư và những người khác
Xét về vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đạo pháp, vị cư sĩ xếp kế sau Cấp-cô-độc là Tỳ-xá-khư (Visākhā), con gái một trưởng giả (seṭṭhi) ở thành Sa-chỉ-đa (Sāketa) và là con dâu của một trưởng giả giàu có khác ở thành Xá-vệ. Bà đã thuyết phục cha chồng Di-già-la (Migāra) và các thành viên khác trong gia đình từ bỏ niềm tin đối với các học thuyết của Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử để chọn hướng đi theo đức Phật. Ai cũng biết đến sự chăm lo của bà cho mọi tiện nghi của Tăng Ni. Bà xây dựng tu viện Đông Viên (Pubbārāma), nơi đức Phật cư trú được sáu mùa mưa (vassas). Chính từ trường hợp của Tỳ- xá-khư mà nhiều nguyên tắc trong tạng Luật cho cả chư Tăng và chư Ni đã được chế định.
Ba vị cư sĩ đáng chú ý khác ở Kiều-tát-la có thể nhắc đến ở đây gồm Bà-la-môn Gaṇaka Moggalāna, mộc sư Pañcakaṅga và hai quan giữ ngựa Isidatta và Purāṇa đều là quan chức nhà nước cấp cao.
Một sự kiện nổi bật gắn liền với công việc truyền giáo của đức Phật ở Kiều-tát-la là thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Ương-quật-ma-la (Aṅgulimāla - thanh niên mang vòng chuỗi ngón tay), một kẻ ác nghịch đến nỗi ngay cả nhà vua cũng không thể ngăn chặn được. Ông đã xuất gia làm thầy Tỷ khưu, cuối cùng chứng đắc quả vị A-la-hán. Sự chuyển hóa này gây ấn tượng lớn trong tâm trí của người dân Kiều-tát-la và giúp ích rất nhiều cho việc truyền bá chính pháp.
Đức Phật và dòng tộc Thích-ca
Qua những gì vừa trình bày, tôi đã tự giản lược các sự kiện liên quan diễn ra trong quá trình đức Phật truyền giáo tại thành Xá-vệ và các vùng lân cận. Giờ đây, chúng ta lưu ý đến các sự kiện gắn liền với dòng tộc Thích-ca bên trong lãnh thổ bộ tộc này. Mặc dù Vương quốc của dòng tộc Thích- ca nằm trong ranh giới Kiều-tát-la nhưng họ độc lập về chính trị và hình thành một thể chế riêng biệt nhìn từ quan điểm xã hội với những phong tục, tập quán riêng biệt. Họ vốn dĩ theo Bà-la-môn giáo và thoạt đầu không hề ủng hộ việc đức Phật ra mắt một tôn giáo mới đối lập trực tiếp với những tôn giáo đã được kính chuộng lâu đời. Nếu xem xét kỹ thông tin về việc dòng tộc Thích-ca tiếp đón đức Phật khi Ngài về thăm nơi chôn nhau cắt rốn của mình sau khi chứng ngộ thì chúng ta thấy rõ sự xuất hiện của Ngài không được chào đón nồng nhiệt. Người dân không những đã quên cung cấp thức ăn cho Ngài và chúng đệ tử vào ngày đầu tiên mà còn từ chối cúng dường cho chư Tăng vào ngày tiếp theo khi Tăng đoàn ra ngoài khất thực. Không chỉ có thế, họ còn cử những người Thích-ca hậu sinh có thứ bậc thấp hơn đức Phật làm đại diện để tiếp đón Ngài. Những hành vi này cho thấy thái độ, cảm nhận của họ đối với đức Phật và giáo pháp của Ngài lúc đó. Tình cảnh thảm tệ đến mức đức Phật buộc phải dùng đến thần thông để hàng phục họ. Cuối cùng, Ngài cũng đã độ được một số người trong dòng tộc Thích-ca, rồi vài vị trong số họ trở thành những đệ tử đứng đầu.
Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử và dòng tộc Thích-ca
Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử từng truyền đạo trong lãnh thổ người Thích-ca trước thời đức Phật và có được một số tín đồ. Mahānama, một người bà con của Phật, đã quy hướng về đạo Kỳ-na. Để chuyển hóa ông ta, đức Phật đã giảng bài pháp về sự vô ích của hình thức tự hành xác khắt khe mà các nhà tu khổ hạnh đạo Kỳ-na đang thực tập.1 Hiệu quả tác động của bài pháp này vào tâm trí Mahānāma vẫn chưa thấy được ghi nhận ở bất cứ đâu. Ông ta hiện diện như một người đối thoại2 trong nhiều bài pháp nhưng không nơi nào nói về việc ông từ bỏ đức tin ngoại đạo để tiếp nhận chính pháp. Chủ đề được nói đến trong các bài giảng của Phật tại Thiên Trì (Devadaha) gần Ca-tỳ-la-vệ cho phép chúng ta suy luận rằng tại đây từng có một nhóm tín đồ theo Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử. Không một sử liệu nào nói về bất kỳ ai trong số đồ chúng này của Kỳ-na giáo cải đạo sang Phật giáo. Tuy nhiên, tôn giả Mục- kiền-liên đã từng cùng với đức Phật thành công trong việc chuyển hóa Bạt-ba (Vappa) từ một người thuộc dòng tộc Thích-ca theo đạo Kỳ-na trở thành một tín đồ Phật giáo.3 Các bài giảng của đức Phật tại tịnh cốc Ni-câu-đà (Nigrodha) ở Ca-tỳ-la-vệ có đề cập về câu chuyện nhiều tín đồ tại gia đến để nghe pháp. Điều này cùng với việc dòng tộc Thích-ca thỉnh đức Phật hành lễ ra mắt một hội trường mới tại Ca-tỳ-la-vệ nhằm xác chứng rằng: Bằng những bài giảng của mình, đức Phật đã thành công trong hành trình mở rộng giáo pháp cho dòng tộc Thích-ca tại địa phương. Tuy nhiên, Ngài không thể thực hiện bất kỳ bước tiến nào đối với các Bà-la-môn thuộc lãnh thổ tộc Thích- ca như ở Silavati, Sakkara, Sāmāgama, Cātumā, Medalumpa, ngoại trừ ngôi làng Khomadussa là nơi tất cả các vị Bà-la-môn có mặt trong pháp hội đã quy y Tam bảo sau khi nghe Ngài giảng pháp.4
1 Kinh Trung Bộ, I, trang 91 - 95.
2 Kinh Tăng Chi Bộ, I, trang 219; III, trang 286; IV, trang 220; và Kinh Trung Bộ, I, trang 91, 354..
3 Kinh Tăng Chi Bộ, II, trang 196.
4 Kinh Tương Ưng Bộ, I, trang 184.
Như đã đề cập đến, phần trọng yếu của Luật tạng Phật giáo được hình thành tại Vương-xá, nơi đặt nền tảng đầu tiên cho tổ chức Tăng đoàn. Do đó, các giới luật được chế định tại thành Xá-vệ và Ca-tỳ-la-vệ ít nhiều xét về tính chất là phần bổ sung, mặc dù xét về số lượng thì chúng chiếm phần lớn nhất. Khi có tình huống mới phát sinh, giới luật vốn được định khung ở thời kỳ khởi đầu của Tăng đoàn phải được bổ sung hoặc sửa đổi tại thành Xá-vệ. Suốt thời gian dài ở đây, đức Phật đã chế ra các chi tiết nhỏ của nhiều giới bổn và cố gắng làm cho Luật tạng trở nên rõ ràng nhất có thể. Các điều khoản giới bổn được đặt ra ở Kiều-tát-la là:
(A) Quy định về việc xuất gia
(1) La-hầu-la đã xuất gia mà không cho mẹ và ông nội biết nên về sau họ yêu cầu đức Phật đưa ra quy định: Không ai được phép xuất gia nếu không được sự chấp thuận của cha mẹ.
(2) Những điều sau đây bị tuyên bố là không đủ điều kiện để nhận vào giáo đoàn, kết hợp với những điều khoản đã được đưa ra tại Vương-xá, cụ thể: người bị tâm thần, hoạn quan (thái giám), tà sư ngoại đạo, kẻ giết cha mẹ, kẻ giết A-la-hán, kẻ chia rẽ Tăng đoàn (saṅghabhedaka)… Điều quan trọng hơn nữa là nếu bất kỳ người nào không đủ điều kiện mà được cho xuất gia (do nhầm lẫn), người đó sẽ bị đuổi ra khỏi giáo đoàn. Cần thiết lập một thủ tục kỹ lưỡng để ngăn chặn việc xuất gia của những người không được hoan nghênh trong xã hội hoặc người không đủ tư cách.
(3) Nới lỏng điều luật xuất gia bằng cách cho phép một Tỷ khưu hoàn tục được xuất gia trở lại một lần nữa nếu người ấy biết tàm quý, sám hối việc vi phạm của mình.
(B) Hòa thượng và A-xà-lê
Ở Kiều-tát-la, theo Luật thì một thầy Tỷ khưu chỉ có thể có một đệ tử Sa-di (Sāmaṇera), nhưng ở Xá- vệ, giới luật đã được sửa đổi bằng cách cho phép các Tỷ khưu thông tuệ có nhiều hơn một đệ tử Sa-di. Việc kiểm soát bổ sung cũng được đặt ra về trách nhiệm lẫn nhau giữa thầy và trò.
(C) Mười giới Sa-di
Vài năm đầu tiên trong sự nghiệp hoằng hóa, đức Phật đã không ấn định số lượng giới bổn để chư vị Tỷ khưu tuân theo mà chỉ giảng dạy thông qua các bài giảng cần thiết nhằm kiểm soát thân nghiệp (kāyakamma), khẩu nghiệp (vacikamma) và ý nghiệp (manokamma). Các Sa-di nhỏ tuổi cảm thấy tò mò về số lượng giới bổn rồi thỉnh cầu đức Phật liệt kê và định danh chúng. Đồng ý theo yêu cầu của họ, đức Phật đã hệ thống lại số lượng giới bổn để họ tuân giữ.
(D) An cư mùa mưa (vassavāsa)
Mặc dù đức Phật đã nảy sinh ý tưởng thiết lập cơ chế sinh hoạt ở một nơi cố định trong suốt mùa mưa đầu tiên khi Ngài ở thành Vương-xá nhưng những quy tắc chi tiết để hướng dẫn các Tỷ khưu về bổn phận và trách nhiệm họ cần phải thực hiện trong mùa an cư cũng như việc tự tứ khi kết thúc mùa an cư lại được chế định tại thành Xá-vệ. Đáng đề cập trong số đó là:
(1) Quy định về việc gián đoạn an cư trong bảy ngày với lý do bất khả kháng liên quan đến lợi ích của Tăng già (Sattāhakaraṇiya);
(2) Chi tiết các hoàn cảnh bất lợi khiến cho việc an cư có thể bị gián đoạn;
(3) Điều khoản quy định việc tổ chức nghi lễ Tự tứ (Pavāraṇā) khi kết thúc mùa an cư, các thầy Tỷ khưu phải đối trước chư Tăng thú nhận lỗi lầm đã vi phạm trong suốt thời gian đó. Giới luật cũng quy định các hình phạt họ phải chịu vì không thú nhận hoặc vì ác ý vu khống bất kỳ Tỷ khưu nào;
(4) Nguyên tắc về nghi lễ dâng y Kaṭhina, việc hàng cư sĩ tại gia cúng dường y cho chư vị Tỷ khưu vào dịp hoàn mãn mùa an cư. Nhiều khó khăn nảy sinh liên quan đến việc bảo quản và phân phối y phục cho thích đáng nên giới luật đã được quy định rõ ràng và chi tiết hơn.
(E) Dược phẩm
Vốn dĩ, ban đầu các thầy Tỷ khưu chỉ có thể sử dụng nước tiểu bò để làm thuốc. Nhưng theo thời gian, giới luật liên quan đến việc sử dụng thuốc đã được nới lỏng hơn nhiều, cho phép các thầy Tỷ khưu sử dụng tất cả các loại dược phẩm, cũng cho phép những Tỷ khưu tàn tật được sử dụng phương tiện vận chuyển, ghế kiệu, v.v...
Mặc dù giáo đoàn Ni đã được thiết lập tại Tỳ- xá-ly vào năm truyền giáo thứ năm của Phật nhưng chưa lập ra bộ giới bổn dành cho chư Ni. Mãi đến một hoặc hai năm sau đó, thành Xá-vệ đã cung ứng một số lượng lớn nơi ở cho các vị Tỷ khưu Ni, chứng tỏ đã có đông đảo chư Ni tu học ở đây. Thực tiễn này gợi cho đức Phật ý tưởng về sự cấp bách cần có đối với một bộ giới bổn Tỷ khưu Ni. Như vậy, chính đức Phật đã thiết lập bộ quy tắc và đã hoàn thành gần như toàn bộ giới bổn Pātimokkha cho các Tỷ khưu Ni. Theo Parivārapāṭha, hai trăm chín mươi tư điều trong giới bổn của Tỷ khưu và Tỷ khưu Ni đã được đưa ra tại thành Xá-vệ, nhưng theo tính toán thực tế, chúng tôi tìm thấy con số là hai trăm tám mươi sáu, gồm có bốn ba-la-di, mười lăm tăng tàn, hai bất định, ba mươi tư đọa, một trăm bốn mươi tám tiểu tụng, mười giá nạn, bảy mươi ba pháp chúng học.1
1 Luật Tạng, V, trang 145.
Chính tại nơi này, một phần rất quan trọng của Luật tạng đã ra đời. Mặc dù đức Phật đã đưa ra rất nhiều quy tắc để hướng dẫn các Tỷ khưu nhưng lại đề cập một cách chung chung về các hình phạt cho hành vi vi phạm giới luật. Liên quan đến nhiều hình phạt, Ngài chỉ nói đến loại hình phạt cần áp dụng cho người vi phạm. Do vậy, rắc rối đã nảy sinh vì không xác định rõ mức độ nghiêm trọng hoặc thời hạn của hình phạt. Để loại bỏ rắc rối này và đưa ra một quy trình hợp lý nhằm chứng minh tội lỗi của người bị cho là phạm tội trước hội đồng Tăng, đức Phật đã đưa ra các điều luật tỉ mỉ giúp quản lý các tình huống khác nhau một cách chi tiết.
Việc mô tả về hành trình mở mang chính pháp ở Kiều-tát-la sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến ít nhất một vài trung tâm được thành lập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá Phật giáo cũng như làm nơi tu tập cho chư Tăng. Chúng ta nghĩ ngay đến Kỳ Viên (Jetavana) vì sự nổi tiếng của nó. Trung tâm quan trọng tiếp theo là Đông Viên (Pubbārāma), một tu viện lớn do Tỳ-xá-khư xây dựng, cách tinh xá Kỳ Viên khoảng sáu - bảy dặm về phía Đông Bắc. Tu viện này có thể làm nơi cư trú cho số lượng lớn Tăng Ni vì có nhiều am cốc, thuận lợi cho việc tọa thiền trong các tư thất nhỏ biệt lập. Nhờ các tiện nghi thiết yếu có sẵn cho đời sống tu sĩ nên đây được xem là điểm nghỉ chân yêu thích của đức Phật và chúng đệ tử. Chính Ngài đã trải qua tròn sáu mùa an cư ở Kỳ Viên. Các am thất như Kālakārāma, Kaṇṭakivana và Aṅjanvana tại thành Sa-chỉ-đa (Sāketa) làm chỗ ở thích ứng cho chư Tăng. Rất có thể là Dhanañjaya, cha của Tỳ-xá-khư, đã đóng vai trò dẫn đầu trong công cuộc biến nơi đây thành một trung tâm Phật giáo. Andhavana, tọa lạc cách tu viện Kỳ Viên một đoạn ngắn về phía Tây Bắc, xếp sau Đông Viên về phương diện cung ứng các tiện nghi cho Tăng Ni tu tập và thiền định. Nó được đặc biệt nhắc đến trong Kinh Tương Ưng Bộ1 rằng, các Tỷ khưu Ni vùng A-lạp-duy (Ālavi) - ngoại ô của thành Xá Vệ - từng đến tu viện này khi đang tìm kiếm nơi ẩn tu. Tại khu rừng A-lạp-duy có các tịnh thất Aggālava và Gomagga Siṃsāpavana cũng được các Tỷ khưu Ni hay lui tới. Ở giữa Xá-vệ và Tư-hòa-đề (Setavyā) là thành phố Ukkaṭṭha còn có một am thất, nơi đức Phật thuyết giảng hai bài pháp liên quan đến địa vị của Phạm Thiên.2
1 Alavikā bhikkhuṇī yena Andhavanam ten’ upusaṇkami vivekatthikini; Kinh Tương Ưng Bộ, I, trang 128.
2 Kinh Trung Bộ, I, trang 1, 326.
5. CÁC NƯỚC THEO CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ
Sự thịnh hành Bà-la-môn giáo trong bộ tộc Licchavi
Lãnh thổ ở phía Đông Kiều-tát-la, phía Bắc Ương-già (Aṅga) và Ma-kiệt-đà bị chiếm đóng chủ yếu bởi các bộ tộc khác nhau, cụ thể là Bạt-kỳ (Vajji), Ly-xa (Licchavi), Tỳ-đề-ha (Videha), Mạt-la (Malla), Bạt-già (Bhagga) và Câu-lợi (Koliya). Tất cả các bộ tộc này sống gắn bó với nhau, có lẽ hầu hết cùng một nguồn gốc. Đây là lý do cho sự tương đồng về tín ngưỡng và tu tập thịnh hành của họ. Rất ít thông tin về các bộ tộc phản đối việc giới thiệu Phật giáo đến với họ, ngoại trừ tộc Licchavi. Chỉ có thể dựa vào bộ tộc Licchavi mà chúng ta góp nhặt được một số thông tin cần thiết. Tuy lãnh thổ bộ tộc này nằm ngoài ranh giới bao bọc quốc gia trung tâm của đạo Bà-la-môn nhưng tôn giáo này cũng thịnh hành ở đây. Niềm tin vào tất cả các vị thần Bà-la-môn, nghi lễ thờ cúng các vị thần, việc thực hiện các lễ tế, sự tuân thủ tu luyện khổ hạnh… rất thịnh hành giữa đồ chúng của tôn giáo này. Tuy nhiên, họ không chính thống cực đoan đến mức ngăn cản các tôn giáo phi Bà-la-môn thành lập ở đất nước họ. Chúng ta thấy, một Bà-la-môn tên là Kāraṇapāli từng thực hiện các buổi lễ tôn giáo cho bộ tộc Licchavi (Licchavinaṃkammantaṃ kāreti). Cũng có tư liệu nói về một Bà-la-môn khác tên là Piṅgiyāni nhận y phục từ các thanh niên Licchavi như một biểu hiện cho sự tôn kính của họ đối với ông ta.1 Có rất nhiều đền thờ ở ven biên giới Tỳ-xá- ly2 và dân chúng Licchavi thường xuyên thực hiện cúng lễ tranh tượng các vị thần được thờ ở đó. Lại nữa, thực tế người Licchavi thờ phụng nhiều vị nam thần và nữ thần Bà-la-môn giáo vào thời điểm đất nước bị tàn phá bởi nạn đói và dịch hại là rất quan trọng. Những trường hợp này đủ để chứng tỏ bộ tộc Licchavi đã thấm nhuần sâu sắc tinh thần Bà-la-môn giáo. Dù vậy, con đường tiến triển của Phật giáo giữa cộng đồng Licchavi vẫn không bị gây khó khăn bởi những người Licchavi theo trường phái Bà-la-môn chính thống.
1 Kinh Tăng Chi Bộ, III, trang 236.
2 Xứ Mạt-la cũng có những đền thờ như vậy, ví dụ như: Makutabant dhana.
Đạo Kỳ-na với bộ tộc Licchavi trước khi đức Phật đến
Khi đức Phật mang chính pháp đến với bộ tộc Licchavi thì đạo Kỳ-na đã trải qua quá trình truyền bá khoảng hai trăm năm mươi năm kể từ thời Parśvanatha và họ có đồ chúng phần nhiều là người Licchavi. Sự truyền bá lâu dài của đạo Kỳ- na ở vương quốc Tỳ-xá-ly không phải là nguồn lực duy nhất cho sự lớn mạnh của họ. Ni-kiền-đà Nhã- đề-tử, nhà cải cách đạo Kỳ-na, xuất thân từ một gia đình danh giá thuộc dòng tộc Nāta có ảnh hưởng rộng lớn ở xứ sở đó. Yếu tố này cũng có tác dụng như một nguồn sức mạnh cho tôn giáo họ vì nó gây khó khăn cho đức Phật và Tăng đoàn khi truyền giáo ở đây. Có những chuyện kể trong Kinh tạng Nikāya nói về một vài tín đồ của Ni-kiền-đà Nhã- đề-tử, hoặc tranh luận với Phật, hoặc tiếp xúc với Ngài cùng các đệ tử khi đang truyền giáo ở chốn này. Về trường hợp tranh luận với Phật, điển hình chúng ta thấy Saccaka với tư cách là một người giỏi lý luận rất được dân chúng Licchavi tôn trọng, đã chấp nhận thua cuộc trong một buổi tranh biện với Phật. Tuy nhiên, vẫn không rõ liệu ông ta có cải đạo theo Phật giáo do hệ quả của sự thất bại này hay không.1 Còn trường hợp họ tiếp xúc với chư Tăng được kể lại trong Kinh Tăng Chi Bộ, Abhaya và Paṇditakumāraka đã hỏi tôn giả A-nan-đà về các cách thức đoạn tận khổ đau (dukkha) như đức Phật đã chỉ dạy, tuy nhiên họ không hài lòng với câu trả lời của Ngài. Trong một dịp khác, họ đến hỏi đức Phật: Liệu dòng chảy dục vọng (ogha) có thể được giải thoát nhờ đạo hạnh thanh tịnh hay sự sám hối nghiêm khắc hay không? - Đức Phật trả lời: Chỉ khi kiểm soát hoàn toàn thân, khẩu, ý thì mới có thể cứu một người ra khỏi dòng chảy dục vọng. Sự chuyển hóa đáng chú ý nhất được đức Phật thực hiện giữa đồ chúng đạo Kỳ-na là Sīha, vị thống soái của vua xứ Licchavi, có ảnh hưởng lớn trong nước. Bất chấp Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử can ngăn, ông tìm gặp đức Phật, ấn tượng với những lời dạy của Ngài rồi trở thành một Ưu-bà-tắc. Việc Sīha từ bỏ đức tin vào đạo Kỳ-na đã gây ra cú sốc dữ dội cho những người theo Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử. Vì lòng đố kỵ, họ lan truyền tin đồn sai sự thật rằng Sīha đã giết thú vật để làm thức ăn dâng cúng đức Phật và các Tỷ khưu.
1 Kinh Trung Bộ, I, trang 236, 250.
Bất chấp những chống đối này, đức Phật vẫn tiếp tục hành trình hóa độ một cách nghiêm túc. Những lời tán dương cao quý của người Licchavi dành cho Ngài tại buổi hội họp đã khiến Mahānāma thắc mắc trước sự thay đổi đột ngột của những thanh niên Licchavi dưới sức ảnh hưởng của đức Phật. Ông cũng ngạc nhiên về người cai trị dòng Licchavi tên Oṭṭhaddha cùng đoàn tùy tùng đông đảo khát khao được nghe những lời Phật thuyết giảng.1 Chứng tỏ, đức Phật đã có thể tạo nên thiện chí trong tâm người dân địa phương và gặt hái một số thành tựu đối với hoạt động truyền giáo. Để thể hiện tâm thành đối với đức Phật, họ không chỉ dành riêng cho Ngài giảng đường Trùng Các (Kūṭāgāra), Đại Lâm (Mahāvana) mà còn nhiều ngôi đền (cetiyas) khác được đánh giá cao là nơi thích hợp để tu tập, thiền định.2 Trong số những ngôi đền này, có một ngôi ở Gosiṅgasālavana đặc biệt được đức Phật và hai đại đệ tử là trưởng lão Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên ưa thích, từng nhiều lần thiền định cả ngày ở đó. Sự cải đạo đối với bộ tộc Licchavi không tương xứng với những đóng góp đề cập ở trên, vì các trường hợp cải đạo được nói đến trong Kinh tạng Nikāya không nhiều. Việc tôn giả A-nan-đà loại Tỳ-xá-ly ra khỏi danh sách những nơi mà số đông cư sĩ tại gia sinh sống cũng tương tự như thế. Những cái tên như Mahāli, Mahānāma, Ugga- gahapati, đại thần Nandaka, Bà-la-môn Piṅgiyāni và một vài người khác được nhắc đến là tiêu biểu cho sự cải đạo theo Phật giáo. Licchavi Oṭṭhaddha và du sĩ Bhaggava đã rất ấn tượng với những lời Phật dạy nhưng họ lại không quy y. Do sự mê muội của Thiện-tinh Ly-xa-tử (Sunakkhatta Licchaviputta) vào tín ngưỡng và các pháp tu khác, đức Phật đã rất thất vọng về ông. Tuy gia nhập giáo đoàn làm một vị Tỷ khưu nhưng ông vẫn giữ niềm tin và pháp tu ngoại đạo riêng của mình trong khoảng ba năm. Ông ta mong chờ để chứng kiến đức Phật phô diễn thần thông và nhờ Ngài giải đáp một số chủ đề mông lung. Tất cả những điều này đều bị đức Phật thận trọng né tránh và im lặng trong chính pháp. Chính vì thế đã làm Thiện-tinh Ly-xa-tử bực tức, rời bỏ giáo đoàn và bắt đầu nói xấu giáo đoàn khắp nơi. Sự khinh miệt này của Thiện-tinh Ly-xa-tử đã trở thành chủ đề của nhiều cuộc luận đạo giữa đức Phật và những người Licchavi. Đức Phật giảng giải với họ về quan điểm của mình rằng, lợi ích của chính pháp không thể có được đối với một kẻ đã mê muội với những người thầy cũng như giáo lý và sự tu tập của tôn giáo khác.
1 Kinh Trường Bộ, I, trang 151.
2 “Ramaṇīyā Ānanda Vesāli, Ramaṇīyaṃ. Udenaṃ cetiyaṃ, ramaṇīyaṃ Gotamaraṃ Cetiyaṃ, ramaṇīyaṃ Bahuputtaṃ Cetiyaṃ, ramaṇīyaṃ Sārandadaṃ Cetiyaṃ, ramaṇīyaṃ Cāpalam Cetiyaṃ”; Kinh Trường Bộ, II, trang 102.
Sự nhất trí thành lập giáo đoàn Ni
Một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Phật giáo diễn ra tại Tỳ-xá-ly đó là việc đức Phật đồng ý thành lập giáo đoàn Ni do tôn giả A-nan-đà và di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề nài nỉ. Bà Ma-ha-ba- xà-ba-đề đã có chút tiến bộ trên con đường giải thoát khi trở thành một nữ cư sĩ tại gia vào thời điểm La- hầu-la và Nan-đà được độ. Sau khi Vua Tịnh Phạn băng hà, vì quá đau buồn, bà đã quyết tâm đi theo đời sống ẩn dật. Bà tập hợp một số phụ nữ và lập nên nhóm người ẩn tu quyết tâm rời bỏ cuộc sống thế gian với nhiều lý do. Họ đã phải chịu áp lực và căng thẳng rất lớn về thân thể vì đi bộ từ Ca-tỳ-la- vệ đến Tỳ-xá-ly, nơi đức Phật đang cư trú và được Ngài đồng ý về việc hình thành giáo đoàn Ni kèm theo việc chấp nhận tuân thủ tám pháp kính Tăng do chính đức Phật đặt ra cho hàng Tỷ khưu Ni. Ma-ha-ba-xà-ba-đề đã có một bước tiến vững chắc trong việc tu tập tâm linh dưới sự hướng dẫn của đức Phật và sớm chứng đắc Thánh quả giải thoát cao nhất.
Chuyến thăm Tỳ-xá-ly cuối cùng của đức Phật
Đức Phật đã đi ngang qua Tỳ-xá-ly trong hành trình cuối cùng của mình. Sự hóa độ đáng chú ý duy nhất được thực hiện trong dịp này là kỹ nữ nổi tiếng Ambapāli, người đã hiến cúng vườn xoài cho Tăng đoàn. Trong thời gian cư ngụ tại đền Cāpala ở ngoại ô Tỳ-xá-ly, đức Phật quyết định sau ba tháng nữa sẽ nhập Niết-bàn. Trong thời gian lưu trú tại Tỳ-xá-ly, Ngài đã bổ sung vào việc hành trì giới luật của chư Tỷ khưu vài điều như sau:
(1) Đối với việc cấm Tỷ khưu ăn cá thịt, Ngài điều chỉnh giới luật theo hướng họ có thể ăn cá hoặc động vật nếu không nhìn thấy, nghe biết hoặc nghi ngờ chúng đã bị giết để dành cúng cho các Tỷ khưu;
(2) Trước sự khan hiếm thực phẩm tại Tỳ-xá-ly vào một thời điểm nhất định, một số điều khoản được nới lỏng cho phép các Tỷ khưu cất giữ thực phẩm và nấu ăn trong nhà, ăn những thực phẩm họ tích lũy và góp nhặt được, cho phép thọ thực trước bữa ăn… Khi đến thời điểm sung túc, giới luật nên được phục hồi ở mức độ nghiêm khắc như trước đây;
(3) Các Tỷ khưu được phép có một khu tịnh địa (kappiyabhūmi) - khu đất được dành riêng bên ngoài nơi ở của họ để lưu trữ thực phẩm tạm thời;
(4) Số y phục của các Tỷ khưu được giới hạn là ba;
(5) Sự gia tăng bất thường các trường hợp tử đạo dẫn đến việc ban hành giới luật nghiêm cấm hoàn toàn hành vi tự tử nói chung.
Trong các quy định của giới bổn Pātimokkha, mười giới đã được đưa ra tại Tỳ-xá-ly, bao gồm ba giới được xếp vào Ba-la-di, hai pháp Xả đọa và ba pháp Đơn đọa.
Đức Phật hoằng pháp ở Tỳ-đề-ha
Vương quốc Tỳ-đề-ha thời tiền Phật giáo đã trở thành một trung tâm quan trọng của tín ngưỡng Bà- la-môn. Nhờ Vua Janaka nhiệt tình bảo trợ học tập và văn hóa tâm linh, triều đình đã biến thành nơi gặp gỡ quan trọng của những học giả đặc biệt từ các quốc gia phía Tây Kiều-tát-la và Kuru-Pañcāla. Kinh Makhādeva, Tiền thân Mahā-janaka và Kinh Brahmāyu thuộc Kinh Trung Bộ xác nhận sự hưng thịnh của đạo Bà-la-môn ở Tỳ-đề-ha vào thời đức Phật. Kinh tạng Nikāya không đề cập đến việc đức Phật truyền giáo tại đây và cũng không nói về sự cố chống đối nào xảy ra trong quá trình truyền bá giáo pháp nơi xứ sở này. Chỉ trong Kinh Trung Bộ, chúng ta mới biết đến việc đức Phật ngụ tại rừng xoài Makhādeva ở Di-tát-la (Mithilā) đã độ được một giáo sĩ Bà-la-môn cao niên nổi tiếng tên là Phạm Thọ (Brahmāyu).
Đức Phật giữa dân chúng Bạt-già
Tuy nhiên, đối với dân chúng Bạt-già, đức Phật đã thành công trong việc hóa độ ba cư dân nổi tiếng của đất nước này là Nakulapitā, Nakulamātā và Bodhirājakumāra. Có thể đã có những người cải đạo khác nhưng tên của họ không xuất hiện trong Kinh tạng Nikāya. Đức Phật và đại đệ tử Mục-kiền-liên viếng thăm nơi này hai hoặc ba lần và ở tại vườn Nai (Migadāya), trong thành Suṃsumāragiri, gần rừng Bhesakalā. Đức Phật đã nói một vài bài pháp, ví dụ như giảng cho hai trong số những đệ tử tại gia được mến chuộng nhất của Ngài là Nakulapitā và Nakulamātā, trình bày rõ ràng về bổn phận người cư sĩ.1 Còn các bài pháp tôn giả Mục-kiền-liên nói đến ở đây là liên hệ đến biện pháp vượt qua dục vọng (māratajjanīa).2 Cũng vào dịp đức Phật đang cư trú ở vương quốc này, Thái tử Bodhirāja Kumāra đã thỉnh cầu Ngài ở lại cung điện Kokanada mới được xây dựng trong một ngày để Thánh hóa nó bằng sự hiện diện của mình, rồi thái tử có cơ hội chính thức quy y Phật - Pháp - Tăng. Ba trong số các điều khoản nhỏ của giới bổn Pātimokkha là một pháp Đơn đọa và hai pháp Chúng học đã được đưa ra ở đây.
1 Kinh Tăng Chi Bộ, II, trang 61; III, trang 295; IV, trang 85, 286; Tương Ưng Bộ, IV, trang 116.
2 Kinh Trung Bộ, I, trang 95, 332.
Đức Phật giữa dân chúng Câu-lợi
Đức Phật đã thành công trong việc truyền giáo cho dân chúng Câu-lợi nhiều hơn so với dân chúng Bạt-già, một phần là nhờ sự tiếp giáp địa lý của vương quốc Câu-lợi với Thích-ca và một phần là nhờ mối quan hệ giữa đức Phật với bộ tộc Câu-lợi thông qua mẹ và vợ của Ngài khi Ngài còn là thái tử. Đức Phật đến thăm đất nước này lần đầu tiên là từ Tỳ-xá-ly vào năm hoằng pháp thứ năm, khi một cuộc chiến sắp xảy ra giữa bộ tộc Thích-ca và bộ tộc Câu-lợi về quyền sử dụng nước của một dòng sông. Khi quân đội hai bộ tộc dàn trận cho cuộc chiến, đức Phật đã can thiệp, hòa giải bằng những lời pháp sâu sắc về tư tưởng hòa bình. Nhiều thành viên cả hai bộ tộc bị lay động bởi sự vĩ đại của đức Phật và do quá cảm kích về những lời Ngài dạy nên họ đã rời bỏ cuộc sống thế tục để trở thành Tỷ khưu. Trong số những người được hóa độ tại đây, cần nói đến Puṇṇa- govatika và Seniya-kukkuravatika vì họ là những nhà tu khổ hạnh Bà-la-môn tiêu biểu, có niềm tin sâu sắc vào kết quả của việc sám hối. Kakudha Koliyaputta đã xuất gia làm Sa-di (Saddhivihārika), đệ tử tôn giả Mục-kiền-liên,1 trong khi Suppāvāsā Koliyadhitā được đức Phật ca ngợi là nữ cư sĩ tối thắng về cúng dường các món ăn thượng vị (panitadāyikānam).2
Sau khi thỉnh cầu một bài pháp khá dài liên hệ đến các học thuyết khác nhau đương thời và sự ưu việt của Phật pháp, thôn trưởng Pātaliya đã được thuyết phục trở thành Phật tử.3
1 Kinh Tăng Chi Bộ, III, trang 122.
2 Sách đã dẫn, I, trang 26; II, trang 62.
3 Kinh Tương Ưng Bộ, IV, trang 340 - 358.
Đức Phật giữa dân chúng Mạt-la
Sự nổi bật mà bộ tộc Mạt-la ở Câu-thi-na được ghi nhận trong kinh văn Phật giáo là nhờ sự kiện Câu- thi-na trở thành Thánh tích - nơi đức Phật nhập Niết- bàn. Lý do tôn giả A-nan-đà không muốn đức Phật lựa chọn nơi đây làm địa điểm nhập Niết-bàn là vì nó chưa đủ phồn thịnh để phát triển thành một trung tâm Phật giáo quan trọng. Và, hội đồng người Mạt-la phải đưa ra quy định là những người không chào đón đức Phật sẽ bị phạt năm trăm đồng kahāpana. Điều này cho thấy, trong số những người Mạt-la, có một nhóm chống phá Phật pháp. Roja, một công tử dòng Mạt-la thuộc nhóm người này nhưng khi tiếp xúc với Phật, ông ta phủ phục không thể cưỡng lại việc quy y trở thành Ưu-bà-tắc. Hai người cải đạo nổi tiếng từ bộ tộc này, một người là Dabba Mallaputta - đảm nhận phân phát thức ăn và chỗ ở cho chư Tăng ở Vương- xá, còn vị kia là Cunda Kammāraputta - người cúng dường đức Phật bữa ăn cuối cùng, được lưu danh muôn thuở trong kinh văn Phật giáo.
Đất nước Mạt-la là nơi đức Phật giảng hai bài pháp quan trọng. Một bài thuộc Kinh Tăng Chi Bộ giải thích cho cư sĩ Đế-ba-tu (Tapassu) về sức hấp dẫn tuyệt vời vốn có ở những bài tập tâm linh được một thầy Tỷ khưu áp dụng, bởi vì chúng có thể đẩy lùi lạc thú cuộc sống trần tục. Chính sự an lạc hấp dẫn của vị Tỷ khưu ấy đã thuyết phục ngay cả những người trẻ tuổi cũng ưa thích đời sống ẩn dật. Đức Phật đã giảng giải các cấp bậc kế tiếp mà sự trau dồi tâm linh cao nhất có thể đạt được trong suốt cuộc đời là thiền định và trì giới.1 Bài pháp còn lại, Kinh Nghĩ Như Thế Nào (Kinti) thuộc Kinh Trung Bộ, đức Phật khẳng định Ngài thuyết pháp không vì bất kỳ động cơ ích kỷ nào mà là vì sự thăng tiến tâm linh cho những ai nhờ phước duyên quá khứ đã gieo nhân lành cho sự giải thoát khỏi thế gian đau khổ, nay cần thêm chút ít hỗ trợ và hướng dẫn để đạt được mục tiêu của họ.
1 Kinh Tăng Chi Bộ, V, trang 263.
6. CÁC VƯƠNG QUỐC KHÁC Ở PHÍA ĐÔNG
6.1. Vương quốc Aṅga
Sự tương đồng về điều kiện liên quan đến tôn giáo với Ma-kiệt-đà
Theo đánh giá của các vị Bà-la-môn chính thống, Aṅga chiếm vị trí tương tự như Ma-kiệt-đà, vì nó nằm ngoài lưu vực sông Sadānirā. Aṅga cùng Ma- kiệt-đà được xem là quốc gia không phù hợp với việc thực hiện tế lễ.1 Nơi đây không đủ thánh thiện để trở thành địa điểm cho vương quốc giáo sĩ Bà-la- môn (Brahmarṣi-deśa). Giống như Ma-kiệt-đà, Aṅga cũng có những vị thầy Bà-la-môn nổi tiếng, hai trong số họ được nhắc đến trong Kinh tạng Nikāya. Một là Bà-la-môn Chủng Đức (Soṇadaṇda) sống tại Campā với ba trăm học trò, có nguồn tài trợ thường xuyên do Vua Tần-bà-sa-la cung cấp. Người còn lại là Bà- la-môn Pārāsariya cư ngụ tại Kajaṅgala với Uttara Mānava và những học trò khác. Aṅga cũng chịu sự ảnh hưởng của Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử do con rể của trưởng giả Cấp-cô-độc thuộc về một gia đình theo tín ngưỡng Kỳ-na. Ở Aṅga cũng có các am thất nơi các du sĩ tu khổ hạnh thường nghỉ lại trong chuyến du hành của họ. Tầm quan trọng của đất nước này trong lịch sử truyền bá chính pháp là nằm ở vùng ngoài cùng về phía Đông, nơi mà Phật giáo được truyền đến ngay thời Phật tại thế.2 Theo Luật tạng, ranh giới phía Đông của khu vực trung tâm Phật giáo là làng Kajangala, vương quốc Aṅga, cách lãnh thổ Campā khoảng sáu mươi sáu dặm về hướng Đông. Đức Phật đã đến đây và lập nên bối cảnh cho bài kinh cuối cùng thuộc Kinh Trung Bộ tên là Tu Tập Các Căn (Indriya-bhāvanā).
1 Phạm Thư Śatapatha, I, 4, 1; A-khoát-bà Vệ-đà V, 22, 14.
2 Kinh Tương Ưng Bộ (V, trang 89, 168, 169) nói rằng: vùng đất cực Đông mà đức Phật viếng thăm trong quá trình truyền giáo của Ngài là Setaka, một thị trấn của Suhma ở Rāḍha.
Hoạt động của đức Phật tại Aṅga
Các kinh luận không mô tả rõ thời điểm đức Phật lần đầu tiên đặt chân đến đất nước Aṅga. Vài lần, Ngài đã đến Aṅga cư ngụ tại Campā, Apana, Assapura và Kajaṅgala. Một trong những dịp đó, Ngài giáo hóa cha chồng của con gái trưởng giả Cấp-cô-độc cùng với các thành viên khác trong gia đình. Suốt thời gian vắng mặt khỏi Campā, Ngài ủy thác tôn giả A-nậu-lâu-đà (Anuruddha) tiếp tục công việc truyền giáo. Bà-la-môn Chủng Đức cũng quy y khi các Vua Tần-bà-sa-la, Ba-tư-nặc và Bà-la-môn Pokkharasādi đều đã trở thành đệ tử Phật. Sự chuyển hóa của hai vị vua cùng với thầy Bà-la-môn nổi tiếng trên đã được Chủng Đức viện dẫn như một lý do để ông tiếp cận đức Phật, lắng nghe giáo lý Ngài giảng.1 Trong suốt cuộc đời, đức Phật hóa độ rất nhiều tín đồ ở Aṅga. Sự kiện này được minh chứng không chỉ bởi các đoạn kinh trong Kinh Trung Bộ và Kinh Tăng Chi Bộ2 mà còn bởi tên tuổi của họ được nhắc đến ở nhiều nơi trong kinh điển Phật giáo. Đáng chú ý nhất trong số đó là Pessa (con trai một tượng sư) và gia chủ Vajjiyamāhita. Pessa rất kính cẩn đối với việc tu tập tâm linh. Mặc dù chỉ là một cư sĩ, nhưng anh ta vẫn nỗ lực thực hành tứ niệm xứ (satipaṭṭhānas).3
1 Kinh Trường Bộ, I, trang 116.
2 Campeyyakāupāsakā; Kajaṅgalaupāsakā.
3 “Sự hiện diện của Niệm liên quan đến (i) Thân, (ii) Thọ, (iii) Tâm và (iv) Pháp”; Kinh Trung Bộ, I, trang 340.
Vajjiyamāhita thì được đức Phật khen ngợi bởi sự hiểu biết sâu sắc về Phật pháp mà nhờ đó ông đã khiến các du sĩ tu khổ hạnh nói xấu đức Phật phải im lặng trước sự hiện diện của ông.1 Luật tạng và Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragāthā) cho chúng ta biết thêm tên tuổi vài vị Tỷ khưu vốn là cư dân của Aṅga. Một trong số đó là Soṇa-Kolivisa - một người khá nổi tiếng đã được thọ giới Tỷ khưu tại Vương-xá. Những người khác là Nandaka và Bharata có các thi kệ được ghi lại trong Trưởng Lão Tăng Kệ.2 Chúng ta cũng biết đến tên một Tỷ khưu Ni ở Kajaṅgala đã chỉ dạy các giáo lý cơ bản cho một số nam cư sĩ Phật tử.3
1 Kinh Tăng Chi Bộ, V, trang 189 - 192.
2 Liên quan đến Soṇa Kolivisa, Luật tạng có cho biết, do bàn chân rất mỏng manh của Tỷ khưu Soṇa Kolivisa mà giới sử dụng giày đối với Tỷ khưu đã được đưa ra.
3 Kinh Trung Bộ, III, trang 298.
Một số giới luật được đưa ra ở Aṅga
Thuở nọ, đức Phật đang ngụ tại Campā, một số Tỷ khưu có các hành vi không chuẩn mực, phi pháp, không tròn cung cách của chúng Tỷ khưu. Điều này buộc đức Phật phải chế định chi tiết hơn những chuẩn mực hành vi mà chư Tăng phải chấp hành, nêu ra tình huống, thủ tục phải tuân theo trong từng trường hợp, từng hoàn cảnh dễ khiến họ mất tư cách đạo đức và các hình phạt áp dụng khi họ vi phạm giới luật.
6.2. Vương quốc Kāśī
Kāśī là một nơi quan trọng
Kāśī là một trung tâm lớn của văn hóa và học thuật Bà-la-môn, được công nhận trong cả sử sách Bà-la-môn lẫn kinh văn Phật giáo. Việc thường xuyên nhắc đến địa danh này trong các Kinh Bổn Sanh hay Chuyện Tiền Thân (Jātaka) cho thấy tầm quan trọng lớn lao của nó vào thời đó. Khu vực Tiên nhân đọa xứ (Ṛṣipattana) ở Kāśī trở nên bất hủ trong kinh điển tiếng Pāli cũng như văn học Phật giáo tiếng Phạn bởi đây là khu nghỉ chân của nhiều tiên nhân (rṣi) trong thời cổ đại. Đức Phật lựa chọn nơi này để thuyết giảng bài pháp đầu tiên khi bắt đầu sự nghiệp hoằng hóa chính vì truyền thống linh thiêng đó. Ở vùng đất đạo Bà-la-môn chính thống này, công việc truyền giáo của Phật cố nhiên bị cản trở bởi sự phản đối từ các giáo sĩ Bà-la-môn. Thế nên, thành công của Ngài ở đây không quá nổi bật như ở Ma-kiệt-đà và Kiều-tát-la.
Sứ mệnh hoằng pháp của đức Phật bắt đầu bằng việc hóa độ hai thương nhân nước ngoài là Trapusa và Bhallika lúc họ đang trong hành trình cùng một đoàn người đi buôn dọc theo tuyến đường thương mại từ Dakkhiṇāpatha đến thị trấn Ukkala1 ở vương quốc Gandhāra. Sự kiện hai vị ấy quy y Tam bảo tại Ưu-lâu-tần-loa sau này được ghi nhớ bằng việc xây dựng các bảo tháp tưởng niệm tại quê hương của họ ở Gandhāra.
1 Lalitavistara (NXB Lefmann, quyển III, trang 303, 310, 313): Uttarāpathe Ukkalam nāmādhisthānam… Tehi dāni yathā Kesasthāli nāma adhisthāno tahiṃ kesa-stupamkārāpitam. Bālukkho nāma nagaram tahim nakha-stupam kārāppitam… Trapusabhallikanain Siluksa nāma nigarna āvāstanam… adyāpi Gandhāra-rājye adhiṣṭhānam Sitānamana jñāyati”.
Lần hóa độ đầu tiên của đức Phật
Sau khi giác ngộ, trước tiên đức Phật nghĩ đến những người bạn đồng tu khổ hạnh đang cư trú tại khu Chư Thiên đọa xứ (Isipatana) gần thành Ba-la-nại. Bắt đầu từ Ưu-lâu-tần-loa, đi qua Gayā, Aparagayā rồi đến Vasala, ở đó Ngài được một vị Bà-la-môn mời dùng bữa ăn. Đức Phật đã chỉ ra cho người này những yếu tố tạo nên một Bà-la-môn đúng nghĩa, cố gắng chuyển hóa ông ta theo đạo Giác Ngộ. Sau đó, Ngài đi qua hai thị trấn Cundadvila và Sārathipura, rồi vượt sông Hằng tới Ba-la-nại. Tại Isipatana, đức Phật thăm năm người bạn đồng tu trước kia vốn không đồng tình với quan điểm của Ngài về sự vô ích của pháp tu luyện tự hành xác cực đoan, điều mà họ cho là mục tiêu tâm linh. Niềm tin sai trái của họ được đức Phật khắc phục và chuyển hóa bằng những chỉ dẫn từ ngày này qua ngày khác, tác động vào tâm thức của họ về sự vô thường của mọi thứ trên thế gian. Họ được thực tập lối sống của những người ẩn dật, thiền định và tự kiểm soát bản thân. Ngài chọn họ làm đối tượng để thuyết bài pháp nổi tiếng, Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana Sutta), bao gồm những chân lý được chính Ngài khai sáng nơi cội Bồ-đề. Bài kinh giải thích về con đường trung đạo hay nói cách khác là thực hành kiểm soát tâm (citta) bao gồm tu tập thiền định (dhyāna), đạt được tuệ giác (pañña)/ chân trí và sự hoàn thiện các giới hạnh (śīla) theo lối trung dung. Bài pháp cho thấy sự rỗng tuếch của việc tự hành xác một cách cực đoan mà năm Bà-la-môn đã áp dụng và cố chấp xem đó như là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát (muktī). Qua những lời dạy trong bài pháp này, Ngài đã độ thành công năm vị Bà- la-môn theo Phật giáo.
Sự cải hóa của Yasa
Từ Isipatana, đức Phật đến Ba-la-nại cùng với năm thầy tân Tỷ khưu tháp tùng, dừng lại bên bờ sông Varanā dưới gốc cây Ni-câu-đà, nơi Ngài gặp Yasa, con trai của một vị trưởng giả giàu có nhưng lại chán ngán thế gian này. Đức Phật nhìn thấu được tâm trí của chàng trai khá trong sáng, rất phù hợp để đón nhận giáo pháp. Do đó, Ngài giảng cho Yasa những bài pháp thích hợp cho hàng cư sĩ như Bố thí (dāna), Trì giới (śīla), Thiên giới (sagga)… Rồi Yasa được xuất gia làm Tỷ khưu. Sau đó năm mươi tư người bạn của Yasa cũng xuất gia theo.
Ý tưởng truyền giáo của đức Phật
Thành công trong sứ mệnh của mình đến chừng ấy rồi, đức Phật bắt đầu đưa ra ý tưởng lưu truyền chính pháp xa rộng hơn bằng cách cho phép sáu mươi người đệ tử đầu tiên đi khắp nơi làm công việc của nhà thuyết giáo. Sau khi giao cho họ nhiệm vụ tương ứng ở những nơi khác nhau, chính Ngài cũng đến Ưu-lâu-tần-loa để tiếp tục sứ mệnh hoằng pháp.
Isipatana: Trung tâm Phật giáo
Đức Phật đã trải qua mùa mưa đầu tiên tại Isipatana và rất lâu sau mới trở lại thăm nơi đó lần thứ hai.
Ngài đã đến nơi này sau mùa an cư thứ mười hai trên đường từ Tỳ-lan-nhã (Verañja) đến Tỳ-xá-ly. Tuy đức Phật không thường xuyên lui tới, nhưng nơi đây vẫn là một trung tâm Phật giáo rất quan trọng thông qua nỗ lực truyền đạo của các đệ tử ưu tú nhất như Xá- lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ma-ha Câu-hi-la, Ma-ha Ca- chiên-diên. Khi ở lại đây trong chuyến viếng thăm lần thứ hai, đức Phật đã giảng bài pháp về vô minh (avijjā)1 và khuyên cư sĩ Dhammadinna thực hành theo kinh điển chỉ dẫn. Trong trường hợp những phương pháp này nếu quá khó để tu theo, ông được khuyên đặt niềm tin vào Phật - Pháp - Tăng, vì chỉ cần tín tâm thì ông ta cũng có thể chứng đắc Tu-đà-hoàn (Sotāpanna), Thánh quả đầu tiên trong bốn quả Sa môn.
Vườn Nai đã trở nên nổi bật khi đức Phật chuyển Pháp luân lần đầu tiên tại đây. Vì đó là nơi đầu tiên đức Phật truyền giáo và được xếp vào một trong bốn địa điểm chiêm bái linh thiêng nhất đối với hàng Phật tử cho đến tận ngày nay.2 Trên trụ đá của Vua A-dục có khắc dòng chữ “Saṅghabhedakas” nhắc nhở về việc chia rẽ Tăng đoàn, chứng tỏ rằng vào thời điểm đó nơi đây từng xảy ra nhiều cuộc tranh cãi giữa các Tăng sĩ. Vấn đề này được tìm thấy trong Kinh tạng Nikāya, các Tỷ khưu hay nhóm họp ngồi xếp thành vòng tròn hình dạng một Mạn-đà-la (Maṇḍalamālā) và có những bất đồng về Vi diệu pháp (Abhidhamma),3 về việc giải thích những câu kệ do Phật nói,4 ý nghĩa của vô minh (avijjā) và nhiều chủ đề khác. Trong kinh hay nhắc đến việc trưởng lão Ma-ha Câu-hy-la thường tham gia các cuộc thảo luận vừa nêu nên sẽ có vẻ hợp lý khi suy luận rằng trưởng lão đã gắn bó thường xuyên với địa phương này.
1 Kinh Tương Ưng Bộ, V, trang 249.
2 Kinh Đại-bát-niết-bàn - Kinh Trường Bộ.
3 Kinh Tăng Chi Bộ, III, trang 392, 393.
4 Sách đã dẫn, III, trang 399.
Điều cấm giới duy nhất trong Luật tạng được đặt ra liên quan đến sự ủy thác nhập môn cho các đệ tử. Đức Phật đã tự mình thực hiện việc khởi xướng với hình thức đơn giản là: “Hãy đến đây, này các Tỷ khưu! Chính pháp mà Như Lai đã khéo thuyết hướng đến một cuộc sống thánh thiện, vì mục đích chấm dứt hoàn toàn khổ sinh tử luân hồi”.1 Tuy nhiên, với sự gia tăng chúng đệ tử đến từ Ba-la-nại, Ngài không tiện đích thân truyền pháp quy y nữa khi lượng người cải đạo ngày càng đông và nghi thức phải được thực hiện từ nơi quá xa xôi. Vì vậy, đức Phật đã ủy thác cho các đệ tử thẩm quyền truyền giới quy y, yêu cầu người xuất gia phải cạo đầu, đắp y vàng rồi lớn tiếng phát nguyện ba lần công thức như trên để quy y Phật - Pháp - Tăng.
1 Ehi bhikkhu, svākkhato dhammo, cara brahmacariyaṃ samma dukkhassa antakiriāyāti.
6.3. Vương quốc Bạt-tha (Vatsa)
Đức Phật đã đến đất nước Vatsa được hai hoặc ba lần và an cư mùa mưa lần thứ chín tại Kosambi. Mùa mưa thứ mười Ngài an cư trong một khu rừng lân cận tên Pārileyyaka. Đức Phật ẩn tu ở đó vì không thoải mái khi không thành công trong việc hòa giải cuộc cãi vã diễn ra giữa hai nhóm Tỷ khưu tại Kosambi, đó là: nhóm những vị hành trì Pháp (Dhammadhara) và nhóm những vị hành trì Luật (Vinayadhara). Tại Kosambi, Ngài thường ở tu viện rừng xoài Pāvārika được xây dựng bởi một trưởng giả giàu có là Pāvāriya. Ngoài ra, còn có những tu viện khác, hai trong số đó được xây dựng bởi trưởng giả Kukkuṭa và Ghosita. Hoàng hậu Sāmāvati, do tỳ nữ Khujjutarā khuyến dẫn, được đức Phật khen ngợi là nữ cư sĩ tối thắng về đa văn. Lòng sùng kính của hoàng hậu đối với đức Phật đã khiến cho những cung phi khác cũng như cha nàng là Māgandiya, một quan đại thần của vua xứ Kosambi rất không bằng lòng và có ác cảm lớn với đức Phật. Trong thời gian vua Udena vắng mặt tại kinh thành, Māgandiya âm mưu chống lại đời sống tu tập của Hoàng hậu Sāmāvati và hoả thiêu bà cho đến chết. Vua Udena vô cùng đau buồn trước sự cố này và xin quy y Tam bảo, vì lúc còn sống, hoàng hậu đã khởi lên lòng tôn kính hết mực với chính pháp. Trong số các cư sĩ khác, chúng ta có thể kể đến du sĩ tu khổ hạnh tên Sandaka, được tôn giả A-nan-đà chuyển hóa, cho dù những môn đệ của ông chống đối. Vị Tỷ khưu duy nhất ở thị trấn này được ghi trong Kinh tạng Nikāya là Tân-đầu-lô Phả-la-đọa, được đức Phật tán thán với vai trò đại đệ tử có Pháp âm sư tử hống (Sihanādikānaṃ). Ngài là con trai của giáo sĩ hoàng gia Kosambi, thông thạo học thuyết Bà-la-môn.
Trong khi đang cư trú tại Kosambi, đức Phật cảm thấy rất cần thiết phải chế định quy tắc giới luật để ngăn ngừa các mối bất đồng xảy ra trong giáo đoàn tương lai. Ngài đã trình bày chi tiết, như được ghi lại trong quyển thứ mười của Đại Phẩm (Mahāvagga) những bối cảnh sự chia rẽ có thể xảy ra và nhấn mạnh hậu quả tồi tệ của chúng. Trong giới bổn Pātimokkha có sáu điều được chế định ở đây: một điều thuộc Tăng tàn và năm điều thuộc Đơn đọa.
6.4. Vương quốc Cedi
Đất nước Cedi nằm ở phía Tây Kiều-tát-la. Dường như nơi này không biết đến chính pháp khi đức Phật tại thế. Trong nước có một địa danh gọi là Sahajāti, đã nổi lên thành một trung tâm Phật giáo sau khi đức Phật nhập Niết-bàn. Ở Kinh Tăng Chi Bộ và Kinh Tương Ưng Bộ, chúng ta biết đến địa danh này qua câu chuyện Tỷ khưu Mahācunda giảng một số bài pháp tại nơi này và đây cũng là nơi nghỉ chân của nhiều thầy Tỷ khưu.
7. CÁC QUỐC GIA Ở PHÍA TÂY VÀ PHÍA BẮC
Tuyên bố của Tiến sĩ Oldenberg bị chỉ trích khi cho rằng Phật giáo giới hạn ở vùng phía Đông
Tôi nghĩ Tiến sĩ Oldenberg nói Phật giáo bị giới hạn ở vùng phía Đông là do gặp khó khăn trong việc tra cứu các văn bản không được hoàn chỉnh. Ông đã dựa vào một đoạn trong Kinh Đại-bát-niết-bàn có nội dung Ngài A-nan-đà liệt kê ra một số thị trấn để đức Phật chọn làm nơi nhập Niết-bàn. Vì đây là những thị trấn có đông đảo tín đồ Phật giáo nên phần cực Tây được Tiến sĩ Oldenberg coi là nơi xa nhất mà đức Phật đã truyền giáo.1 Nhưng một nghiên cứu kỹ về các bộ Kinh tạng Nikāya cho thấy, đức Phật đã đi xa ra ngoài vùng đất phía Đông, còn ở phía Tây thì xa đến Tỳ-la-nhã (Verañja), Ma-thâu-la quốc (Madhurā) và phía Bắc đến tận đất nước Kuru.
1 H. Oldenberg; Sách đã dẫn.
Biên địa là phần không thể thiếu trong khu vực truyền bá chính pháp thời đức Phật
Luận điểm về việc Phật giáo không bị giới hạn trong những vùng phía Đông còn được ủng hộ bởi một chứng cứ khác, đó là việc nhiều đệ tử Phật đến từ xứ biên địa (paccantimā janapadā) hoặc các nước biên giới. Lý do tên gọi “paccantimā-deśa” được áp dụng cho những nơi như Saṃkassa và Ujjeni ở cách xa biên giới Ấn Độ là vì trong thực tế chúng hình thành vùng đất ranh giới giữa khu vực trung tâm Phật giáo với những nơi khác. Giới luật được đức Phật đặt ra thường áp dụng cho chư Tỷ khưu cư ngụ ở vùng trung tâm. Trong Luật tạng có vạch rõ về ranh giới của vùng trung tâm này. Mặc dù hiện tại các ranh giới không thể xác định được, ngoại trừ ở phía Đông, tuy nhiên, chúng ta biết rằng những nơi Phật giáo phát triển mạnh mẽ như Saṃkassa, Avanti, Gandhāra... đều bị coi là xứ biên địa. Chính đức Phật đã giảm nhẹ một số giới luật liên quan đến các Tỷ khưu ở những nơi đó để phù hợp với điều kiện vật chất mà họ đang sống. Sự nới lỏng các giới luật này cho thấy đức Phật rất quan tâm đến nhu cầu và sự thuận tiện cho các thầy Tỷ khưu ở vùng xa xôi, được biết đến bằng tên gọi “biên địa”. Điều này chứng minh một cách rõ ràng rằng đức Phật không có ý định giới hạn truyền bá chính pháp chỉ ở vùng đất phía Đông theo như giả thiết của Tiến sĩ Oldenberg mà Ngài cũng hướng đến “cắm rễ” chính pháp vào các khu vực bên ngoài khu vực trung tâm. Điều này càng rõ ràng hơn khi trong vòng một thế kỷ sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, tụ lạc Avanti và Pāṭheyya trở thành những trung tâm Phật giáo quan trọng, sự hiện diện của chư Tăng từ những nơi xa xôi này là không thể thiếu trong các hội nghị được tổ chức để giải quyết các điểm tranh chấp do nhóm Tỷ khưu Bạt-kỳ của Tỳ-xá-ly đưa ra.
A. CÁC QUỐC GIA Ở PHÍA TÂY
Đức Phật tại Tỳ-la-nhã
Mặc dù theo Luật tạng, toàn bộ phía Tây Ấn Độ được đặt bên ngoài vùng trung tâm, Phật giáo ở xứ sở này vẫn đạt được bước tiến triển khá lớn suốt thời đức Phật tại thế và đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo về sau. Dẫu cho đức Phật thường du hành trong vùng phía Đông, chính pháp không bị giới hạn trong phạm vi khu vực này như giả định của Tiến sĩ Oldenberg mà trải rộng ra nhiều khu vực phía Tây Ấn Độ, tính luôn những tín đồ đến từ các quốc gia ở phía Tây như Roruka, Bharukaccha, Suppāraka, Avanti, Ujjeni, Aparānta. Họ thành lập các tu viện tại một số nơi này. Điểm cực Tây mà đức Phật đã đến trong các cuộc du hóa là Tỳ-lan-nhã, gần Ma-thâu-la, vào năm thứ mười hai sau khi thành đạo. Lúc Ngài ở thành Xá-vệ, một số Bà-la-môn của Tỳ-lan-nhã (có lẽ nằm ở phía Tây Ma-thâu-la) cũng trú ngụ tại đó vì một số công việc. Họ đã nói chuyện với Ngài về quả báo của nghiệp thiện ác.1 Có lần, chư vị Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã thỉnh đức Phật đến quê hương của họ. Lời thỉnh cầu này được đức Phật thực hiện ngay từ đầu mùa an cư thứ mười hai. Chúng ta tìm thấy một đoạn trong Kinh Tăng Chi Bộ nói rằng, trên đường đi từ Ma-thâu-la đến Tỳ-lan-nhã,2 đức Phật đã dừng lại và giảng pháp cho các cư sĩ về người chồng và người vợ lý tưởng. Những cư sĩ đó đang trên đường đi ngược lại từ Tỳ-lan-nhã đến Ma-thâu-la. Sự kiện này chứng tỏ, Tỳ-lan-nhã nằm gần Ma-thâu-la dựa trên việc đối chiếu với các đoạn kinh tương tự được tìm thấy trong văn tạng tiếng Pāli. Qua kinh văn mô tả thì những địa phương nằm cách nhau một khoảng ngắn, thường so sánh như sự gần gũi giữa Ma-thâu-la và Tỳ-lan-nhã theo đoạn kinh vừa trích. Đức Phật và các thầy Tỷ khưu từng có một trải nghiệm gian nan tại Tỳ-lan-nhã. Đó là, trong thời gian cư trú tại đây, nạn đói bất thình lình xảy ra, các Tỷ khưu gặp khó khăn rất lớn trong việc khất thực hàng ngày. Họ bị người dân địa phương bỏ mặc cho chết đói, nhưng may mắn có một số người buôn ngựa phương Bắc đã dừng lại và hỗ trợ cho các thầy Tỷ khưu vài cân cám ngựa. Lúc đức Phật cư trú tại Nalerupucimandamūla, một Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã đã đến và hỏi đức Phật về lý do Ngài không kính lễ các vị Bà-la-môn trưởng lão. Đáp lại câu hỏi này, đức Phật đã đưa ra câu trả lời phù hợp để lý giải cho cách làm của mình và chuyển hóa vị Bà-la-môn đó theo đạo Giác Ngộ. Cũng ở đây, đức Phật đã có một cuộc nói chuyện tương tự với Pahārada Asurinda về tám sự thù thắng trong Pháp và Luật của Ngài. Kết thúc mùa mưa, Ngài rời Tỳ-lan- nhã cùng với A-nan-đà, đi qua Soreyya, Sañkassa, Kaṇṇakujja, Payāgapatiṭṭhanaṃ, vượt sông Hằng rồi tới Ba-la-nại.3 Ở đây, Ngài đã gặp trưởng lão Ma-ha Ca-chiên-diên đầu tiên. Sau khi được độ, trưởng lão đã khởi xướng thành lập trung tâm Phật giáo ở Avanti.
1 Kinh Trung Bộ, I, trang 290 - 291.
2 Antarā ca Madhuraṃ antarā ca Verañjaṃ.
3 Từ Ba-la-nại, đức Phật đã đi đến Tỳ-xá-ly, nơi Ngài trải qua mùa mưa thứ mười ba.
Ma-ha Ca-chiên-diên: Nhà sáng lập trung tâm Avanti
Trưởng lão Ma-ha Ca-chiên-diên là một trong những nhà truyền đạo nổi tiếng bậc nhất đã có đóng góp đáng kể vào di sản Phật giáo. Trưởng lão là con trai vị tế sư trong cung Vua Caṇḍa Pajjota xứ Avanti và là cháu trai của ẩn sĩ A-tư-đà (Asita hay Kāladevala), nhà tiên tri vĩ đại xứ Vindhyācala, người từng kính lễ Thái tử Tất-đạt-đa (Siddhārtha) thuở nhỏ. Với lời khuyên của A-tư-đà, người tu khổ hạnh trẻ tuổi Nālaka (tên cũ của Trưởng lão Ma-ha Ca-chiên-diên) đã đến Ba-la-nại để diện kiến đức Phật và rất khâm phục sự uyên bác vô song của Ngài nên đã cùng với những người bạn xuất gia tu học. Trưởng lão Ma-ha Ca-chiên-diên dẫn đầu nhóm Tỷ khưu này cùng trở về quê hương, thành lập các ngôi già lam (āśrama) tại Kururaghara-papāta-pabbata và Makkarakaṭa thuộc địa phận Avanti. Trong số những người cải đạo ở đây, đáng chú ý có Puṇṇa, Soṇa Kuṭikaṇṇa (ở Aparānta), Isidatta (một người hướng dẫn nhóm du hành ở làng Velugāma) và Bà-la-môn Kaṇḍarāyana. Trong Trưởng Lão Tăng Kệ và Trưởng Lão Ni Kệ, chúng ta bắt gặp tên và các bài thi kệ của một vài Trưởng lão Tăng cũng như Trưởng lão Ni khác của xứ Avanti. Thông qua Kinh Trung Bộ, chúng ta đã biết đến câu chuyện Trưởng lão Ma-ha Ca-chiên-diên chuyển hóa Vua Madhura Avantiputta sau khi đức Phật nhập Niết-bàn bằng bài pháp về hệ thống giai cấp.
Một đặc điểm đáng chú ý trong hoạt động của Trưởng lão Ma-ha Ca-chiên-diên là, với tư cách một người luận giải, trưởng lão đã chú trọng nhiều đến việc giải thích chi tiết những lời dạy sâu sắc của đức Phật hơn là đưa ra những bài thuyết giảng cho riêng mình. Mọi người thường đến với Trưởng lão để giải quyết nghi ngờ của họ liên quan đến lời Phật dạy. Ví dụ: cư sĩ Kali nhờ Trưởng lão giải thích một đoạn kệ từ phần kinh Những câu hỏi của đồng nữ (Kumāripañha) thuộc Kinh Tập, gia chủ Hāliddikāni thỉnh Trưởng lão chỉ rõ một đoạn kệ từ Kinh Māgandiyapāñha trong phẩm Tám kệ (Atthakavagga) thuộc Kinh Tập và giải thích Kinh Đế Thích Sở Vấn (Sakkapañha Sutta) - bản kinh số 21 thuộc Kinh Trường Bộ, v.v...
Chính nhờ Trưởng lão Ma-ha Ca-chiên-diên lãnh đạo cùng với sự trợ giúp của Sona Kuṭikaṇṇa, Phật giáo tuy gặp những hoàn cảnh bất lợi song cũng đã dần dần có được vị trí vững mạnh tại Avanti. Đất nước này tuy cách rất xa Ma-kiệt-đà nhưng dựa trên những điều kiện thuận lợi liên lạc với các cửa ngõ biên giới Tây Ấn cũng như kết nối với các thành phố chính của Ma-kiệt-đà và Kiều-tát-la nên nó đã trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng.
Trung tâm Phật giáo ở Avanti dường như chú trọng phương pháp tu khổ hạnh được giới luật nhà Phật cho phép, ghi nhận trong Luật tạng rằng các Tỷ khưu ở Avanti là những người theo trường phái Tu Hạnh Đầu Đà (Dhūtavāda).
Mặc dù tên của các quốc gia ở phía Tây, ngoại trừ Avanti, không được tìm thấy ở Kinh tạng Nikāya, nhưng thông qua các truyền thuyết về Thiên giới trong Luật tạng (Viniya Divyāvadāna), chúng ta biết Roruka và Aparānta là những nơi Phật giáo được truyền bá đến từ khi đức Phật còn tại thế.
Roruka
Rudhrāyana, vua xứ Roruka, lần đầu tiên nhận được tin tức đức Phật xuất hiện ở Ma-kiệt-đà thông qua Vua Tần-bà-sa-la. Vua Tần-bà-sa-la gửi cho ông bản khắc chữ về một số giáo lý của đạo Phật, điều này đã tác động rất mạnh đến tâm trí Rudrāyana. Nhờ thế, ông phát tâm quy y làm Ưu-bà-tắc, rồi về sau xuất gia tu học.
Aparānta
Nhân vật đáng chú ý ở xứ Aparānta là Phú- lâu-na, xuất thân từ vùng cửa khẩu Suppāraka của Aparānta. Mặc dù đức Phật giao phó trách nhiệm truyền giáo tại xứ sở đầy khó khăn nhưng ông vẫn luôn quyết tâm trong việc hoằng dương chính pháp. Nhờ sự kiên định mạnh mẽ, ông đã được chọn là người thích hợp nhất để hoằng hóa tại nơi gian nan như Aparānta.
B. CÁC QUỐC GIA Ở PHÍA BẮC
Đất nước Kuru
Nơi xa nhất ở miền Bắc được đức Phật đặt chân đến trong quá trình truyền giáo là Kuru, quê hương cổ xưa của đỉnh cao văn minh Bà-la-môn. Đức Phật đã thuyết hai bài pháp quan trọng tại hai ngôi làng Bà-la-môn thuộc đất nước này, đó là Kammāssadham- ma và Thullakoṭṭhita. Sự gắn liền của đất nước Kuru với hai bài giảng này đã làm cho nó được ghi nhớ trong sử sách về quá trình truyền bá Phật giáo.
Những bài giảng này là Kinh Tứ Niệm Xứ (Sati- paṭṭhāna Sutta) và Kinh Đại Duyên (Mahānidāna Suttanta). Bài giảng thứ nhất nói đến các nguyên tắc đầu tiên của hệ thống thiền Phật giáo, chỉ dẫn cách thức để một người có thể đạt đến mức độ thiền định rất cao thông qua tiến trình đơn giản của việc thường xuyên quán bốn đề mục mà không cần phải nhờ đến những phương pháp khó khăn hơn trong các thư tịch Yoga của Bà-la-môn.
Bài giảng thứ hai giải thích chuỗi mười hai nhân duyên (paṭiccasamuppāda)1 dẫn đến đau khổ hay giải thoát [nhờ đoạn tận].
Một vài bài pháp khác liên quan đến cách thức chấm dứt khổ đau, tám giải thoát (vimokkha), sự vô ích của những thú vui nhục dục… cũng được thuyết giảng ở đây.2
1 Trong chuỗi duyên sinh, hai yếu tố đầu tiên thông thường đã bị bỏ qua, còn Thức (Viññāna) và Danh - Sắc (Nāmarūpa) cùng tồn tại thay vì công thức “Cái này được bắt nguồn từ cái kia”.
2 Kinh Tương Ưng Bộ, II, trang 107; Kinh Tăng Chi Bộ, V, trang 29.
Theo các kinh Raṭṭhapāla và Māgandiya thuộc Kinh Trung Bộ, một số vị Bà-la-môn ở đất nước Kuru rất tôn kính đức Phật, thường xuyên đến nghe Ngài thuyết pháp. Bà-la-môn Bharadvājagotta vô cùng ngưỡng mộ đức Phật và từng dành cho Ngài một vị trí trong phòng tế lễ của mình trước sự phản kháng từ du sĩ Māgandiya. Raṭṭhapāla, một thành viên thuộc gia đình Bà-la-môn được trọng vọng nhất của làng Thullakoṭṭhita đã cùng với đông đảo cư sĩ Bà-la-môn diện kiến đức Phật để nghe Ngài thuyết pháp. Raṭṭhapāla phấn khởi đến nỗi quyết định xin xuất gia ngay lập tức. Ban đầu ông vướng phải khó khăn trong việc thuyết phục cha mẹ đồng ý, nhưng rốt cuộc cũng thành công và trở thành một thầy Tỷ khưu. Sau khi chứng quả A-la-hán, ông về thăm nơi chôn nhau cắt rốn và giảng giải chính pháp, khai mở đạo tâm cho Vua Kuru. Kinh tạng Nikāya không đề cập thêm bất kỳ sự cải đạo nào khác ở đất nước Kuru, ngoại trừ du sĩ Māgandiya, người mà ngay lúc đầu rất chống đối Phật giáo.1
1 Kinh Trung Bộ, I, trang 512.
Đất nước Madda
Trong số đệ tử của đức Phật, cũng có những người thuộc đất nước Madda xa xôi, đáng chú ý là Tỷ khưu Ma-ha Kiếp-tân-na cùng hai Tỷ khưu Ni Khema và Bhaddā Kapilāni. Sau thời gian thành lập Ni đoàn tại Tỳ-xá-ly, vào năm thứ bảy trong sự nghiệp truyền giáo, đức Phật hóa độ Khema, hoàng hậu của Vua Tần-bà-sa-la. Bà chứng đắc thánh quả cao nhất và được đức Phật nhận định là đệ nhất trí tuệ trong hàng Ni giới (Mahāpañānam). Danh tiếng của bà lan rộng khắp Ma-kiệt-đà cũng như Kiều-tát-la với sự ưu việt về kinh nghiệm, thông minh, uyên bác.1 Bà có một cuộc thảo luận với Vua Ba-tư-nặc nước Kiều-tát-la về những vấn đề không thể xác định được và nhà vua hoàn toàn hài lòng với cách giải thích của bà. Việc hóa độ Khema đã mở ra một chương mới trong lịch sử Phật giáo. Nó không chỉ góp phần vào sự mở rộng giáo đoàn Ni giới mà còn làm cho con đường truyền bá chính pháp ở Sāgala, thủ đô nước Madda trở nên dễ dàng vì bà đến từ dòng tộc hoàng gia của đất nước Madda.
1 Paṇḍitā, viyattā, medhāvini, bahussutā, cittakathi, kalyāṇapatibhānātī; Kinh Tương Ưng Bộ, IV, trang 375.
Bên cạnh Khema còn có hai người đáng chú ý khác đến từ đất nước Madda là:
(1) Ma-ha Kiếp-tân-na của Hoàng tộc Kukkuta- vati, được đức Phật tán thán là đệ nhất khuyến dụ Tỷ khưu (Bhikkhu ovādakānam);
(2) Bhaddā Kāpilānī, bậc trưởng thượng lãnh đạo các gia đình Bà-la-môn Sāgala và là vợ của Ma-ha Ca-diếp, được đức Phật khen ngợi là lỗi lạc nhất trong các Tỷ khưu Ni, đã chứng đắc thần thông, biết được đời sống nhiều kiếp trước của mình (pubbenivāsa anusssarantinam).