Đọc kỹ nhận xét của ngài Edkins trong phần Giới thiệu về Phật giáo Trung Quốc khiến tôi chú ý đến đề tài của quyển sách đầu tiên trong lĩnh vực này. Lời nhận xét có nội dung như sau: “Sự khởi đầu các tôn giáo trên thế giới vốn mang nhiều thú vị và là nhu cầu quan trọng, tiến trình phát triển của nó cũng hấp dẫn và thiết yếu không kém. Nếu khảo sát kỹ chúng ta sẽ thấy những gì giúp ích cho sự lan tỏa của Phật giáo cũng chính là đóng góp giá trị vào lịch sử nhân loại”. Ngài Edkins nắm vững toàn bộ lịch sử phát triển của đạo Phật ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Còn tôi, do tính chất công việc nên thu gọn phạm vi đề tài, phần đầu chỉ nghiên cứu về thời kỳ đầu lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ. Nguồn tư liệu sử dụng là Luật tạng (Vinaya) và kinh điển Nikāya, đôi khi được bổ túc bởi những tác phẩm Phật giáo khác.
Lập luận của tôi dựa vào nội dung lâu đời chứa đựng trong kinh điển Nikāya. Dù có sự bất đồng lớn trong quan điểm về niên đại biên soạn bộ kinh này, nhưng không mấy ảnh hưởng đối với việc giải quyết đề tài của tôi. Những dấu hiệu trong kinh điển Nikāya cho thấy nội dung thuật lại trong kinh có niên đại vào thời đức Phật, người đã tuyên thuyết những bài kinh trong các tuyển tập đó.
Kinh điển Nikāya cung cấp bức tranh rất cổ xưa về tình hình tôn giáo ở Bắc Ấn, trong đó có những phác họa thường xuyên về tình hình tôn giáo trước khi đức Phật ra đời hoặc tồn tại trong suốt cuộc đời của Ngài. Chúng ta thấy, Ma-ha Phệ-la (Mahāvīra) đã thiết lập được tầm ảnh hưởng, còn Mạt-già-lê Câu- xá-lợi (Makkhali Gosāla) thì đã củng cố vững chắc tổ chức giáo hội. Ngoài ra, còn một nhóm các trường phái tôn giáo đang phấn đấu để làm cho niềm tin và nhiều học thuyết khác nhau của họ được thừa nhận là kho tàng chân lý. Và cũng đã đến lúc đạo Bà-la-môn cần có phản ứng để đáp trả.
Rất nhiều sự tương đồng trong Kinh tạng Nikāya cho thấy các chủ đề của kinh hầu hết được rút ra từ một nguồn gốc chung. Những khác biệt trong Kinh tạng Nikāya xét về bản chất nội dung không nhiều mà chỉ trên hình thức. Thực tiễn các nhóm khác nhau như nhóm trùng tuyên Kinh Trường Bộ (Dīgha-bhāṇakas), nhóm trùng tuyên Kinh Trung Bộ (Majjhima-bhāṇaka)… bảo tồn những lời dạy thánh thiện của đức Phật trong từng hình thức riêng phù hợp với mục đích mỗi nhóm. Do đó, nội dung kinh điển Nikāya của các nhóm khác nhau sẽ không có được sự tương đồng cao trừ khi họ cùng dựa vào một nền tảng chung, đó là truyền thống đọc tụng thuộc lòng những lời đức Phật đã giảng. Các tác phẩm về lịch sử Phật giáo thời kỳ đầu sử dụng phần lớn các bản tiểu sử cuộc đời đức Phật trong tiếng Pāli, tiếng Phạn và nhiều ngôn ngữ khác nhưng vẫn chưa khai thác được hết nguồn thông tin trong hệ Kinh tạng Nikāya. Vì lý do này, Giáo sư Kern nối bước Oldenberg nhận xét: “Sau câu chuyện về các sự kiện diễn ra vào kỳ an cư mùa mưa lần thứ 20, những tình tiết về đức Đạo sư hoàn toàn bỏ trống”. Rất khát khao sẽ có thêm bảng tóm tắt hoạt động của đức Phật trong khoảng hai mươi ba năm cuối đời, bởi sự thực là chúng ta không thể chắt lọc thông tin suốt hai mươi ba năm cuối đời của Ngài rồi sắp xếp các sự kiện theo thứ tự từng năm. Tuy nhiên, việc sử dụng những dữ liệu tóm tắt trong kinh điển Nikāya có thể hữu ích nhiều mặt.
Phần II của quyển sách tập trung nghiên cứu bốn bộ phái Phật giáo ra đời trong vòng bốn thế kỷ sau khi đức Phật nhập diệt và tồn tại kéo dài đến thời trung cổ. Những tài liệu đã có về nguồn gốc và sự phát triển của các bộ phái này bao gồm giáo lý và quan điểm triết học dù chưa đủ để thỏa mãn người đam mê về mọi chi tiết của vấn đề nhưng chúng cũng đã rất hữu dụng để vẽ nên bức phác họa có chuyển tải rõ ràng tất cả tư tưởng của bốn bộ phái với những đặc điểm nổi bật. Để góp phần cho bức phác họa này có nội dung phong phú hơn, chúng ta cần tiếp cận kho tàng thông tin từ những bản dịch kinh văn tiếng Trung Quốc và tiếng Tạng của các bộ phái này.
Rất tiếc là tôi không thể hoàn thành quyển sách này khi ngài Asutosh Mookherji còn sống. Ngài là người đã khởi xướng môn học tiếng Pāli tại Bengal, truyền đạt cho nhiều người niềm đam mê nghiên cứu về lịch sử, đồng thời chỉ dẫn cho tôi thấy được tầm quan trọng của việc khai thác những lĩnh vực chưa được quan tâm trong Phật giáo. Công sức của tôi sẽ được đền đáp đầy đủ nếu có một lời đánh giá của Ngài ấy về quyển sách này. Tôi cũng tỏ lòng tri ân tương tự đến Tiến sĩ Narendra Nath Law, một nhà nghiên cứu thầm lặng, hăng say không biết mệt mỏi trong lĩnh vực nghiên cứu sử học. Tiến sĩ đã kiên nhẫn chỉ dẫn từng bước cho tôi phương pháp khảo cứu tư liệu lịch sử có khoa học, giúp tôi tránh sa lầy vào những gì sinh viên ngành Sử đã làm. Tôi càng biết ơn Tiến sĩ hơn nữa vì đã viết lời tựa cho quyển sách này và gộp vào bộ Calcutta Oriental Series của ông để có thêm nhiều sự đón nhận. Tôi cũng vô cùng trân quý và tri ân Tiến sĩ B. M. Barua đã nhiều lần khích lệ và thỉnh thoảng có những đóng góp giá trị cho phần nội dung quyển sách trong suốt thời gian nghiên cứu. Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn ông N. C. Paul vì tinh thần tích cực, tận tụy và hăng say trong suốt quá trình làm việc. Xin cảm ơn sự giúp đỡ của Nirmal Chandra Barua và tôi cũng không quên cảm ơn R. N. Seal đã hỗ trợ xuất bản quyển sách này một cách nhanh chóng.
Calcutta, 1925
Nalinaksha Dutt