Phần đầu của tác phẩm phân tích sự mở rộng lớn mạnh của Phật giáo Ấn Độ và phác họa rõ nét công cuộc hoằng pháp độ sinh của đức Phật. Có nhiều nghiên cứu về tiểu sử đấng Đạo sư vĩ đại liên hệ đến những câu chuyện đời sống hằng ngày của Ngài. Tuy nhiên, chỉ với khuôn khổ giới hạn trong một bản tiểu sử thì không thể có được sự mô tả đầy đủ nhất. Tác phẩm của Dutt tập trung nghiên cứu hết mình về vấn đề này, được đón đọc như một bảng trích yếu mọi thông tin về hành trình hoằng hóa của đức Phật theo cách súc tích và dễ hiểu nhất. Các tình tiết được sưu tầm từ kinh điển Phật giáo và sắp xếp trình tự giúp cho người đọc nắm rõ tối đa các tình tiết cuộc đời đức Phật bằng lập luận hợp lý và liên hệ chặt chẽ về niên đại. Bức phác họa đó mang một giá trị nhất định trong mắt các vị học giả quan tâm đến lịch sử truyền bá Phật giáo. Nỗ lực của đức Phật và chúng Thánh đệ tử truyền dạy giáo lý phổ biến khắp các ngôi làng, phố thị ở từng địa phương, hướng dẫn hóa giải khổ đau bằng những bài pháp ứng dụng tốt nhất từ trí tuệ và tình thương của quý Ngài. Những sự kiện này chỉ có thể được kiểm chứng chính xác thông qua các tư liệu chính thống về quá trình lan tỏa của giáo pháp chứ không phải trong tiểu sử của riêng đức Phật bởi trong tiểu sử Ngài, các dữ kiện đó đã không được trình bày một cách hợp lý. Các khía cạnh mức độ ảnh hưởng của Phật giáo tại một xứ sở, tầng lớp vua chúa bảo hộ, bản chất của những mâu thuẫn trong nội bộ Tăng đoàn và sự chống đối của các tôn giáo khác… chỉ có thể được xem xét đầy đủ, thỏa đáng, xứng tầm thông qua nghiên cứu trực tiếp, tận tụy và rõ ràng.
Nội dung trọng tâm của phần hai mô tả chi tiết về bốn bộ phái chính của Phật giáo, đúc kết lại các học thuyết đã được xác nhận tính đến thời điểm hiện nay. Việc khảo cứu văn học Pāli hay Phạn ngữ Phật giáo chỉ có thể giúp chúng ta hiểu biết một phần về đạo Phật. Việc nghiên cứu và xuất bản số lượng lớn các tác phẩm thuộc hệ thống văn học tiếng Pāli cũng như tiếng Phạn chú trọng nhiều về giáo lý và triết học nổi trội của một hoặc hai bộ phái có thể bị nhầm lẫn cho rằng chỉ với bấy nhiêu đó đã hình thành nên toàn bộ Phật giáo. Chắc chắn, còn có những bộ phái khác đã từng thịnh hành ở Ấn Độ vào thời điểm nào đó trong quá khứ, có nguồn văn học riêng được lưu trữ trong các tư liệu do những nhà chiêm bái người Trung Hoa ghi lại. Và trong đó, có vết tích một số tác phẩm văn học được dịch sang tiếng Trung Quốc hay Tây Tạng. Ví dụ, Chính Lượng bộ lớn mạnh ở thế kỷ thứ VI và VII (xét về số lượng tín đồ và phạm vi truyền bá). Ngoài ra, cũng có những dấu hiệu cho thấy các chi phái của Đại Chúng bộ từng đạt được tầm ảnh hưởng lớn ở Nam Ấn. Tín đồ từng bộ phái đều cho rằng giáo thuyết của họ đáng tin cậy và hiệu quả tâm linh tốt hơn so với những bộ phái khác. Mỗi một bộ phái đều tự bảo vệ tính nguyên gốc và chính xác nhất lời dạy của đấng Đạo sư thông qua kinh văn và sự áp dụng tu tập của họ. Chính vì vậy, mỗi bộ phái là một mặt của viên kim cương đóng góp một phần tuy nhỏ nhưng vô cùng quan trọng và không thể thiếu vào ánh sáng toàn diện của viên kim cương đó. Ông Dutt phác họa về bốn bộ phái chính từ kho tàng tư liệu có được tính đến thời điểm hiện nay, giúp người đọc dễ dàng nắm rõ về các bộ phái này. Từ tư liệu hiện có cho thấy Dutt là người đầu tiên rút ra những phác họa về nguồn gốc, quá trình phát triển và hoạt động của các bộ phái.
Việc hiểu biết cặn kẽ các bộ phái Phật giáo Ấn Độ được đánh giá khá là quan trọng, vì thực tế nó giúp chúng ta hiểu rõ những hình thái Phật giáo được lưu truyền từ Ấn Độ sang các quốc gia khác. Như tôi từng nói trước đây, lúc các Phật tử hoạt động truyền giáo bên ngoài lãnh thổ Ấn Độ thì bộ phái nào vượt trội sẽ đặc phái các đội ngũ của họ đi truyền bá sang nước khác. Dân chúng ở đất nước mà họ đến truyền giáo nhìn vào hình thức họ đang tu tập cứ lầm tưởng đó là Phật giáo nguyên gốc nên tiếp nhận, bảo vệ nền văn học và giáo lý của bộ phái đó với tâm thái rất hẹp hòi. Để minh chứng, trước hết tôi sẽ đề cập về người Tích Lan (Sri Lanka). Khi Thượng Tọa bộ (Theravāda) phát triển đến đỉnh điểm, Tích Lan đã trở thành đất nước Phật giáo và kinh văn của Thượng Tọa bộ cũng đã được bảo tồn ở quốc gia này. Tương tự, dưới sự bảo hộ của Vua Ca- nị-sắc-ca (Kaniṣka), phái Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Sarvāstivāda) đã trở nên lớn mạnh, chuyển hóa dân chúng nước Vu Điền (Khotan) và Trung Á sang Phật giáo. Chính vì thế, các kinh điển được phát hiện trong quá trình khai quật ở vùng này hầu hết đều thuộc phái Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ. Một trường hợp khác tương tự là Chính Lượng bộ (Sāṃmitīya) đối với dân chúng Chiêm Thành (Campā). Dù không có các văn bản kinh điển nào của Chính Lượng bộ được tìm thấy ở đây nhưng khi bộ phái này thịnh hành vào thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ VII, dân Campā đã bắt đầu biết đến Phật pháp và quy y Tam bảo.
Tôi rất tán thành cách nhìn của tác giả về đức Phật và cuộc đời Ngài. Dù biên soạn một công trình sử học, nhưng phương pháp đánh giá văn tạng cũng cần được áp dụng. Tuy nhiên, những vấn đề thuộc phạm vi đề tài mà chưa có giải pháp nào tốt thì tác giả đã khéo léo chọn cách giải quyết bằng sự im lặng tôn trọng thay vì hoài nghi, chỉ trích hay thất vọng. Đối với những nhân cách vĩ đại như đức Phật, có thể có nhiều điều nằm ngoài tầm tri thức của con người. Chúng ta không thể hiểu biết về con đường của các bậc thượng nhân hoặc những cấp độ tâm linh cao nhất. Cách thức để người phàm phu phần nào hiểu được các vị đó là dựa trên sự thấu đáo rõ ràng về công hạnh, năng lực và thực tiễn thăng tiến tâm linh của họ. Sự thấu hiểu đó được bổ sung bằng cách nghiên cứu kỹ lưỡng các tác phẩm uy tín, tích lũy nhiều kinh nghiệm từ những người đi trước nhằm làm sáng tỏ các điểm còn tối nghĩa cũng như xác chứng thêm những điều đã biết. Các tác giả thường nỗ lực tạo ra định khung theo những khuôn mẫu nhỏ hẹp của chính họ về nhân cách các bậc Thánh như Chúa Jesus, Muhammad, đức Phật Cồ-đàm và Caitanya. Quyển sách này tránh được nhược điểm như vừa nêu. Đồng thời, cũng không tồn tại tình trạng làm lu mờ những giá trị lịch sử của các nghiên cứu khác về tôn giáo đặc thù, cụ thể như: quan điểm tác giả tự cho tôn giáo mình đang quan tâm luôn cao siêu hơn so với tôn giáo được các nghiên cứu khác nói đến. Thiên kiến này làm cho chính tác giả không thể nhìn ra được nhiều điểm ưu việt của tôn giáo đó. Chúng ta phải thấu hiểu và đồng cảm mới làm sáng tỏ được điểm vượt trội của tôn giáo mà mình không quan tâm, nhờ đó mới có động lực để so sánh một cách khách quan, mang tính khoa học giữa hai tôn giáo, rồi sau đó mới ca ngợi bên nào hơn bên nào. Tôi hi vọng tác phẩm của Dutt với nhiều điểm hấp dẫn như những gì đã chỉ ra trên đây sẽ là một công trình hữu ích, xứng đáng được đón nhận và bổ sung vào nguồn sử liệu về đức Phật và công hạnh của Ngài.
Tháng 4, năm 1925
Số 96, đường Amherst, Calcutta
Narendra Nath Law