Một cách bản năng, chúng ta đều biết âm nhạc có sức ảnh hưởng rất lớn, ở nó có gì đó thật kỳ diệu. Khi nghe bài hát đúng tâm trạng, bạn sẽ khóc hoặc cười, gõ nhịp chân hoặc chỉ thở ra mãn nguyện “à”.
Âm nhạc kết nối tới thứ gì đó sâu thẳm trong chúng ta, thứ gì đó liên quan đến khả năng sáng tạo ra mọi điều ta khao khát. Tôi đang không chỉ nói về hội họa, âm nhạc hay văn chương, mà mọi sự sáng tạo của cuộc sống – làm ra một chiếc bánh hoặc dọn sạch một khu vực trong nhà bạn, hay thậm chí chỉ là tạo ra một cảm xúc, tốt hoặc xấu. Âm nhạc mang đến cho chúng ta một đường dẫn trực tiếp tới sức mạnh đó và giúp nó nở rộ theo cách gần như không thể lý giải được.
Tôi đã nghe nói về thuật ngữ “liệu pháp âm nhạc” cách đây ít lâu, nhưng chưa bao giờ thực sự chú ý, thành thật mà nói, thậm chí còn gạt nó đi vì từ “liệu pháp” (làm thế nào một thứ tuyệt vời như âm nhạc lại bị quy thành liệu pháp – như phân tâm học hay gì đó). Sau đấy, tôi đã gặp Jennifer Buchanan. Cô là một chuyên gia trị liệu âm nhạc được đào tạo, nhưng có điều gì đó ở Jennifer khiến tôi ngay lập tức nghiêm túc chú ý. Trước cô, chưa từng có ai nói với tôi những điều như vậy về âm nhạc. Gần với những điều “không thể lý giải nổi” mà tôi luôn biết có tồn tại trong âm nhạc nhưng chưa bao giờ thật sự nắm bắt được.
Rõ ràng là Jennifer ấp ủ một cuốn sách và nóng lòng được xuất bản nó. Tôi chưa đọc cuốn sách nào về “liệu pháp âm nhạc”, nhưng tôi có thể nói rằng cô ấy đang cố gắng mang đến thứ gì đó chưa từng được trình bày đầy đủ trên giấy. Tôi nói với cô ấy rằng khoa học về âm nhạc không phải là điều khiến chủ đề này hấp dẫn tôi. Khi cô ấy bắt đầu kể cho tôi nghe các câu chuyện của mình, tôi biết rằng những câu chuyện đó đã hàm chứa câu trả lời: đó là những gì âm nhạc có thể làm với một người đang cần được cổ vũ, giảm căng thẳng, hay thậm chí đang tìm cách kết nối trở lại với thế giới.
Bốn năm đã trôi qua kể từ lần đầu tiên tôi gặp Jennifer và hai năm kể từ khi chúng tôi xuất bản ấn phẩm đầu tiên của cuốn sách này. Sau khi đọc một số bản nháp sơ bộ, tôi đã gợi ý cho cô về cách làm nổi bật thông điệp. Sau khi đọc cuốn sách của cô, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về âm nhạc và việc không hiểu sao cuộc sống của tôi lại thiếu đi âm nhạc nhiều đến thế. Tôi yêu âm nhạc, tôi lớn lên với việc chơi piano. Tôi có thể chọn bất kỳ nhạc cụ nào, trừ đàn guitar vì một vài lý do, và học chơi khá nhanh. Nhưng vài năm trước, tôi không còn nghe nhạc thường xuyên nữa. Tôi không còn bật radio trong xe hơi vì thích sự im lặng. Là một tác giả, đôi khi tôi tập trung hoàn toàn vào những suy nghĩ của mình. Tôi nói về việc “nghe” một cuốn sách trong đầu trước khi viết nó ra, vì vậy có thể nói rằng tôi “viết” liên tục, bất kể tôi đang làm gì khác.
Nhưng kể từ khi đọc bản nháp đầu tiên của cuốn sách này, tôi đã có chút áy náy với ý nghĩ mình không còn nghe nhạc nhiều như trước nữa, và chắc chắn tôi đã không nghe bất cứ thứ gì có thể chắp cánh cho mình. Tôi có một cô con gái đang học tiểu học nên chúng tôi thường xuyên nghe nhạc pop, nhưng các thể loại khác thì không nhiều lắm.
Rồi một buổi sáng Chủ nhật, tôi từ cửa hàng tạp hóa trở về nhà. Người cha yêu dấu của tôi vừa qua đời khoảng ba tuần trước đó; tôi ngập ngụa trong công việc, và không hề vui vẻ – tôi chỉ làm việc nhà, đảm bảo gia đình mình được chăm sóc đầy đủ.
Khi bước vào cửa, tôi nghe thấy chất giọng tuyệt vời của James Taylor đang hát “Sweet Baby James”. Chúng tôi có một cái máy nghe nhạc nhỏ trong bếp, không phải là đồ xịn gì và chồng tôi đã bật đĩa Những bài hát hay nhất của James Taylor mà anh tìm được tại một cửa hàng từ thiện ngày hôm trước. Khi nghe những giai điệu của bài hát đó, tôi đã suýt khóc. Đó là thứ hay nhất mà tôi được nghe trong suốt một thời gian dài. Vì bất cứ lý do gì, buổi sáng hôm đó, giai điệu ấy chính là âm nhạc “của tôi”, và thông điệp từ cuốn sách của Jennifer bừng lên trong tôi. Khi tôi cần một thứ gì đó êm dịu dễ chịu, thì nó đây: James Taylor đang hát cho tâm hồn tôi. Ngay lập tức tôi cảm thấy thư giãn hơn. Tôi bỏ túi đồ tạp hóa trên tay xuống và bắt chồng khiêu vũ với mình ngay giữa bếp. Sau suốt một thời gian dài tôi mới cảm thấy kết nối với cuộc sống nhiều đến thế. Đó là một kỷ niệm tôi sẽ trân trọng.
Ứng dụng âm nhạc để thay đổi cuộc sống là cuốn sách về việc sử dụng âm nhạc có chủ đích. Bạn sẽ thấy rõ điều này hơn trong các trang tiếp theo, nhưng tôi chắc chắn, theo bản năng, bạn vốn đã biết điều đó nghĩa là gì rồi. Đó là việc tìm kiếm âm nhạc phù hợp cho bất kỳ tình huống nào: khi bạn cảm thấy buồn và muốn ưu tư hoặc khi cần được khích lệ tinh thần để vượt qua một thời điểm khắc nghiệt trong cuộc sống, hoặc tìm cách đưa ra một quyết định khó khăn. Đó là khi bạn nhảy múa trên đường ra khỏi bếp – hoặc bất cứ nơi nào – vì bạn có lý do để ăn mừng hoặc “chỉ thích thì nhảy múa thôi”.
Điều tuyệt vời nhất của âm nhạc là nó mang tính cá nhân sâu sắc. Không có câu trả lời “đúng” hoặc “sai” cho việc tìm kiếm âm nhạc phù hợp để giúp bạn trong bất kỳ tình huống nào bạn gặp phải. Tuy nhiên, tôi hy vọng, bằng việc đọc cuốn sách này, bạn sẽ hiểu được rõ âm nhạc có thể làm gì cho bạn, làm thế nào sử dụng nó hiệu quả và có mục đích hơn trong cuộc sống.
Tôi không biết liệu có bao giờ ai đó giải thích được trọn vẹn lý do tại sao âm nhạc lại có sức mạnh như vậy không. Nhưng tôi biết khi bạn sử dụng âm nhạc một cách có chủ ý, bạn đang khai thác một nguồn năng lượng không giới hạn trong chính mình.
Chúc bạn đọc và lắng nghe thật vui!
TS Patricia Ross, Chủ bút
Nhà xuất bản Hugo House,
Denver, 2015