Bà nội tôi là một người hoàn hảo. Thật sự. Mọi điều ở bà đều toát lên tinh thần, “Tôi biết mình đang làm gì và bạn sẽ được chăm sóc tốt nhất”. Nhà bà sạch không tì vết và khu vườn thì lúc nào cũng đẹp như trong tạp chí. Bà dường như biết chính xác chỗ nào nên trồng loại cây hoặc hoa nào để luôn có màu sắc bung nở rực rỡ quanh năm, từ đầu mùa xuân đến cuối mùa hè. Điều duy nhất tuyệt hơn vẻ ngoài đầy tính thẩm mỹ của căn nhà chính là mùi bánh nướng tỏa ra liên tục từ bếp. Bà hào phóng tình yêu, và điều đó thể hiện trong mọi việc bà làm.
Ông nội tôi thì hoàn toàn ngược lại. Trong khi bà đảm bảo tất cả chúng tôi đều được chăm sóc chu đáo, thì ông lại náu mình dưới tầng hầm, miệt mài hàng giờ liền trong xưởng nhằm tránh xa những đứa cháu đến thăm. Mỗi khi nhìn ông, tôi đều cảm thấy ông luôn có vẻ cộc cằn. Phải nhiều năm sau, tôi mới biết rằng vẻ ngoài nghiêm nghị đó xuất phát từ quyết tâm trở thành trụ cột trong gia đình, chu cấp cho bố tôi và bác tôi những gì bố mẹ ông đã không thể chu cấp cho ông.
Tôi không nhớ ông và bà có cười hay nói chuyện với nhau nhiều hay không nhưng tôi rất nhớ việc ông bà đã tổ chức nhiều buổi họp mặt gia đình như tiệc nướng ngoài trời, tiệc Giáng sinh và các bữa tối ngày Chủ nhật. Tôi thích những khi tất cả các anh em họ trong nhà cùng chơi với nhau, trong khi các cô dì chú bác cười đùa tranh luận về chính trị. Vào bữa tối, tất cả chúng tôi sẽ đến bên bàn đồ ăn tự chọn để ăn thịt bò nướng, giăm bông và những tô khoai tây trắng đầy ắp, đẫm nước sốt. Suốt bữa ăn, dàn âm thanh nổi sẽ phát một loạt các tác phẩm kinh điển đến khi ai đó bắt đầu chơi piano. Khi rời khỏi nhà ông bà, bạn có thể chắc chắn ba điều: bạn đã no, bạn đã có khoảng thời gian tuyệt vời và bạn cảm thấy được yêu thương. Ngày ấy tôi không biết rằng “thời đại hoàn hảo” đó sắp đến lúc thay đổi.
Tôi mười hai tuổi và bố mẹ tôi đang chuẩn bị ký giấy ly hôn thì mẹ nhận được điện thoại thông báo ông đã được đưa đến bệnh viện. Ở tuổi sáu mươi hai, ông bị đột quỵ khiến một phần cơ thể bị liệt và không thể nói được. Trong suốt một tuần, tình trạng của ông liên tục bất ổn, và dù sau đó có hồi phục đôi chút, ông cũng không bao giờ được trở về nhà. Những ngày đó ông chẳng được tới đâu ngoài khu vực điều trị phục hồi của bệnh viện địa phương.
Sau một thời gian ngắn, ngôi nhà cùng khu vườn xinh đẹp của ông bà bị bán đi, bà chuyển tới một căn hộ nhỏ. Bà thi lấy bằng lái xe (một điều mà trước đó bà chưa bao giờ cảm thấy cần) để có thể tới thăm ông vào 7 giờ sáng mỗi ngày. Buổi tối bà sẽ nấu ăn để sáng hôm sau mang những món ăn ông thích với hương vị gia đình đến bệnh viện. Bà mua những bông hoa tươi để lên chiếc tủ đầu giường và trải chiếc chăn lông mỏng ông ưa thích lên giường – tất cả nhằm tạo ra một cảm giác quen thuộc giữa những ống truyền thức ăn và các buổi trị liệu hằng ngày. Suốt quãng thời gian đó tôi chưa từng thấy bà khóc.
Mẹ tôi chưa bao giờ biết bố mẹ mình là ai, vậy nên bà biết tầm quan trọng của mối gắn bó gia đình đối với những đứa con của bà. Mặc dù có những khoảng thời gian căng thẳng liên quan tới vụ ly hôn đang treo lơ lửng, chúng tôi vẫn đều đặn tới thăm ông bà vào mỗi tối thứ Sáu. Tuy nhiên, sau vài năm thường xuyên đến thăm ông bà vào thứ Sáu, tôi phát hiện ra mình đã có một thời gian biểu hoàn toàn khác, với đầy ắp bạn bè, những bộ phim và các buổi đi chơi tối. Tôi không muốn đến một bệnh viện toàn người già.
“Mẹ, con thực sự không muốn đi,” tôi ủ rũ.
“Đó là ông bà của con, và việc chúng ta đến thăm có ý nghĩa rất lớn với ông bà,” mẹ nói.
“Con chẳng nghĩ là ông quan tâm đâu. Ở đó mùi khó chịu lắm, và con ghét khi người ta cố gắng chạm vào con.”
“Đây là việc gia đình mình làm, vậy nên hãy sửa soạn đi và chúng ta sẽ ăn gì đó trên đường.” Chấm hết.
Mẹ, chị gái và tôi sẽ có một chuyến đi dài khoảng 45 phút. Khi tới nơi, chúng tôi sẽ đi qua những cánh cửa trượt và nếu có bị bịt mắt, tôi cũng vẫn biết mình đang ở đâu. Mùi của nơi này là hỗn hợp của trái cây nghiền, quần áo ẩm mốc và nước tiểu. Khu chăm sóc khá ồn ào với những giọng nói vang dội qua những bức tường gạch xỉ và một vài cụ già đang khóc lóc hoặc la hét trong khi những cụ khác bước đi vô định qua các dãy hành lang.
Khi chúng tôi bước vào phòng ông, tôi sẽ lúng búng chào ông bà và rồi lập tức dán mắt vào thứ duy nhất khiến tôi thích thú – chiếc tivi đen trắng nhỏ xíu trên góc bàn. Mẹ ngồi cạnh giường ông và nói chuyện với ông bà. Ngược lại, chị tôi và tôi hiếm khi tương tác với người lớn vì chúng tôi quá bận rộn chỉnh cái ăng-ten trên tivi để tìm ra bất cứ thứ gì có thể xem được. Bà liếc nhìn chúng tôi. Bà muốn chúng tôi quan tâm đến điều khác – bà muốn chúng tôi chú ý đến ông.
Một thứ Sáu nọ, bà bước đến chỗ tôi, khẽ ôm tôi và đưa cho tôi một bản nhạc, “Jenny à, bà đã mang bản nhạc này từ nhà đến. Đây là bài hát ưa thích của ông. Con có thể học nó và hát cho ông nghe vào tuần sau được không?”
Đề nghị của bà khiến tôi bất ngờ. Thật là một đề nghị kỳ lạ. Hơi lưỡng lự một chút, tôi nói, “Vâng”. Tôi không hề biết rằng bà đang sử dụng một kỹ thuật được biết đến là có khả năng dụ dỗ cả những thiếu niên xa cách nhất. Bà đề nghị tôi chia sẻ một thứ mà tôi cảm thấy mình có tài năng. Âm nhạc là thứ kích hoạt hệ thần kinh tưởng thưởng của tôi và thúc đẩy tôi gắn kết với người khác – nhưng tất nhiên, lúc đó tôi không hề biết điều này.
Thứ Sáu tuần kế tiếp, tôi mang theo cây đàn guitar đến thăm ông bà. Bà kéo chiếc ghế cạnh giường của ông và cúi xuống thì thầm vào tai ông, “Em đã nhờ Jenny hát một bài mà em nghĩ là anh sẽ thích.”
Ông trông đầy bối rối khi nhìn tôi, và tôi tự hỏi liệu ông có biết tôi là ai không. Tôi ngồi xuống bên ông, cẩn thận để chiếc cần đàn guitar không va vào cạnh giường.
Bà đặt tay lên vai tôi và nói, “Hát đi con”. Tôi cảm thấy lo lắng và nhìn xuống lời bài hát đang đặt trên lòng mình. Mất một lúc, tôi bắt đầu hát một bài ca đã được viết ra rất lâu trước khi tôi chào đời:
There’ll be blue birds over The White Cliffs of Dover
Tomorrow just you wait and see
There’ll be love and laughter
And peace ever after
Tomorrow when the world is free.
(Kìa, những chú chim xanh bay trên mỏm Dover trắng.
Ngày mai anh hãy đợi mà xem
Sẽ có tình yêu và những nụ cười giòn
Và hòa bình mãi về sau
Ngày mai khi thế giới tự do.)
Điều đầu tiên tôi nhận thấy là sự thay đổi trong thanh âm quanh mình. Những tiếng ồn quen thuộc và những cuộc trò chuyện lớn tiếng ngoài sảnh đã dừng lại. Mặc dù quay lưng ra cửa, tôi vẫn biết một số người đang bắt đầu ngó vào. Một bệnh nhân vẩn vơ bước vào phòng ông, đứng cạnh tôi, và bà đưa cho ông ấy một chiếc ghế. Tôi kinh ngạc khi vị khách cất lời hát bài ca mà với tôi là hoàn toàn mới mẻ ấy. Kể cả người phụ nữ thường la hét ngoài sảnh cũng đứng sau tôi và bắt đầu hát. Tôi không biết rằng có nhiều người biết bài này đến thế. Bà mỉm cười và gật đầu để tôi tiếp tục:
The shepherd will tend his sheep
The valley will bloom again
And Jimmy will go to sleep
In his own little room again.
There’ll be blue birds over
The white Cliffs of Dover
Tomorrow, just you wait and see.
(Chú mục đồng sẽ trông nom đàn cừu
Thung lũng sẽ lại nở hoa
Và Jimmy sẽ chìm vào giấc ngủ
Trong căn phòng nhỏ của mình.
Có những chú chim xanh bay cao
Trên những mỏm Dover trắng
Ngày mai, anh hãy đợi mà xem.)
Tôi kết thúc bài hát và ngẩng lên nhìn vào mắt ông. Ông đang khóc. Ông với tay tôi và khi tôi đặt tay mình vào lòng bàn tay ông, ông nắm chặt lấy. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy kết nối với ông mình. Tôi nhìn quanh căn phòng và biết rằng thứ gì đó quan trọng hơn đang diễn ra, thứ gì đó quan trọng hơn rất nhiều việc tôi lo lắng liệu mình có được xem tivi hay không.
Bà đặt tay lên vai tôi và tự hào thông báo với cả phòng, “Jenny sẽ tới đây hát vào mỗi tối thứ Sáu.” Tôi không thể không mỉm cười. Mặc dù không diễn tả nổi chuyện gì đang xảy ra, tôi vẫn biết rằng khoảnh khắc đó rất quan trọng.
May mắn cho tôi, đã có rất nhiều khoảnh khắc âm nhạc giống vậy xảy ra trong tương lai – với rất nhiều kiểu người, với xuất phát điểm khác nhau và ở mọi giai đoạn của cuộc đời. Tôi không biết rằng những chuyến thăm bệnh cuối cùng lại dẫn tôi đến với một công việc rất đáng làm là một nhà trị liệu âm nhạc, một công việc mà sau rất nhiều năm học tập, tôi đã biết cách sử dụng âm nhạc để bình tĩnh, kết nối và thậm chí là thay đổi hành vi của mọi người, bao gồm cả những thiếu niên chán chường và những người già cau có.