1. Cái nó (id)
Freud cho rằng nhân cách của cá nhân là cảnh tượng về một cuộc chiến dai dẳng, giữa một bên là những thôi thúc nguyên sơ và không thể chấp nhận được, đang mong muốn được diễn tả, một bên là các lực lượng cố tìm cách từ chối hoặc ngụy trang các thôi thúc đó. Id, còn gọi là cái tự ngã, là cực xung năng của nhân cách, “bể chứa khổng lồ” của cái libido và, rộng hơn, của cái xung năng cội nguồn của mọi xung động, mọi chuyển động, mọi sự sống. Trong cái id diễn ra cuộc chiến kịch liệt giữa các bản năng tính dục (gây ra sự lộn xộn) và bản năng chết (tìm cách trở về trạng thái trật tự có trước sự xuất hiện của sự sống), giữa nguyên tắc khoái cảm và cái libido. Nó cũng chính là nơi thường xuyên lộn xộn, một “cái chảo chứa đầy cảm xúc sôi sùng sục”, một “cái hỗn mang” không biết đến thời gian... Nó không có bất kì một ham muốn nào của riêng mình và chỉ hướng tới việc thỏa mãn các nhu cầu xung năng, bằng cách thuận theo nguyên tắc khoái cảm (Dẫn theo Sigmund Freud, Cái Tôi và cái Nó, Thân Thị Mận dịch, Nxb Tri Thức, 2015).
2. Cái tôi (ego)
Cái tôi, hay bản ngã, là một phần có tổ chức của cấu trúc nhân cách bao gồm các chức năng phòng thủ, tri giác, nhận thức và điều hành hành vi. Nhận thức có ý thức nằm trong cái tôi, mặc dù không phải tất cả các hoạt động của cái tôi đều có ý thức. Ban đầu, Freud đã sử dụng ego để có nghĩa là tự nghĩ, cảm về mình, nhưng sau đó sửa đổi nó thành một tập hợp các chức năng tinh thần như phán đoán, khoan dung, kiểm tra thực tế, kiểm soát, lập kế hoạch, tự bảo vệ, tổng hợp thông tin, hoạt động trí tuệ và trí nhớ. Cái tôi phân biệt cái gì là thực tại. Nó giúp chúng ta tổ chức những suy nghĩ và làm cho tinh thần của cá nhân hòa nhập với thế giới xung quanh. Trong phân tâm học, cái tôi là một phần của cái-nó (id) hay bản năng, đã được sửa đổi bởi ảnh hưởng trực tiếp của thế giới bên ngoài. Cái tôi đại diện cho lí trí và thông thường chứa đựng niềm đam mê. Cái tôi hoạt động theo nguyên lí thực tế; tức là các cơ chế điều chỉnh cho phép cá nhân trì hoãn thỏa mãn nhu cầu trước mắt và hoạt động hiệu quả trong thế giới thực. Chẳng hạn khi khát, thay vì vục đầu xuống uống vũng nước, người ta sẽ đi mua một chai nước.
3. Cái siêu-tôi (super-ego)
Hay còn gọi là siêu ngã, dôi khi được dịch là lương tri. Cái siêu- tôi có thể được định nghĩa một cách đại khái là “lương tâm”. Học trò chính của Freud ở Hoa Kì là A.A Brill đã viết: “Cái siêu- tôi là sự phát triển tinh thần cao hơn cả mà con người có thể đạt tới được và bao gồm lẫn lộn mọi sự cấm đoán, mọi quy tắc cư xử do cha mẹ tạo ra nơi đứa trẻ. Tri giác lương tâm hoàn toàn tùy thuộc vào sự phát triển của cái siêu-tôi này.”
4. Phức cảm (complex)
Là một thuật ngữ quan trọng của phân tâm học. Một phức cảm là một khuôn mẫu các cảm xúc, kí ức, ý niệm và mong muốn được tổ chức trong vô thức cá nhân tùy theo từng bối cảnh. Một nhà phân tâm học Đức là Theodor Ziehen đã đề ra thuật ngữ này. Sau đó nó được phát triển trong các tác phẩm của Carl Jung và Sigmund Freud từ khi hai ông còn gắn bó với nhau trong các nghiên cứu lẫn đời sống. Với Jung, phức cảm là một giao điểm của vô thức, một nút cảm xúc và niềm tin trong vô thức, có thể phát hiện gián tiếp qua hành vi gây khó hiểu hoặc khó giải thích. Theo lí thuyết nhân cách của Jung, phức cảm là những khối kiến tạo tâm lí và là nguồn gốc của tất cả cảm xúc ở con người.
Nhà tâm thần học người Áo, Alfred Adler có một đóng góp khác cho lí thuyết về phức cảm, cùng với những ý tưởng về “lí thuyết phức cảm” tương tự như của Jung, ngày nay nó đã trở thành một phần của di sản tâm lí quan trọng nhất trong lĩnh vực này. Adler là người đầu tiên thừa nhận sự tồn tại của phức cảm bản ngã, đáng chú ý là phức cảm tự ti và phức cảm ưu việt, tạo ra cuộc cách mạng liên tiếp trong việc tiếp cận các nghiên cứu về ý thức vì nó chứng tỏ sự không hoàn hảo tâm trí. Các đặc tính chính của phức cảm gồm:
- Niềm tin phi lí hoặc một bộ chỉ thị điều chỉnh hành động của con người;
- Một loạt hành vi lặp đi lặp lại, không có khả năng hành động khác;
- Trạng thái cưỡng ép, cưỡng ép suy nghĩ hoặc hành động (đôi khi thiên vị);
- Sợ hãi không thể chấm dứt;
- Định hướng ra quyết định do cảm xúc thuần túy hơn là kết luận logic;
- Đau khổ và loạn thần kinh;
- Một triệu chứng kéo dài;
- Khen ngợi hoặc đổ lỗi cho đạo đức xã hội, nó không phải là thái độ trung lập.
5. Phức cảm thiến hoạn
“Sự thiến hoạn”, hiểu theo nghĩa biểu trưng, là một thử thách mang tính giới hạn và mang tính con người. Thiến hoạn mang ý nghĩa là “sự thất vọng của các khả năng khoái cảm”, đấy là sự thất vọng của các khả năng trong việc tìm kiếm khoái cảm của con người. Trong phân tâm học, sự thiến hoạn dẫn đến những thử thách công kích vào ham muốn của con người ta, chẳng hạn như những cấm kị trong việc tìm sự thỏa mãn, hoặc sự cấm kị đối với con người nói chung (như loạn luân). Trong các giai đoạn phát triển khác nhau, khoái cảm không tập trung ở cùng một khu vực của cơ thể. Nên sự trưởng thành của cơ thể có thể được thực hiện thông qua những sự thiến hoạn liên tiếp:
- Sự thiến hoạn rốn: Kết thúc của đời sống bào thai và sự chào đời, tạo nền tảng cho tính ái kỉ nguyên thủy;
- Sự thiến hoạn môi miệng (cai sữa hoặc cấm bú mút): Là khả năng đạt được ngôn ngữ, kết quả của sự thiến hoạn hậu môn (kết thúc sự trợ giúp của người mẹ), cho phép đạt được những cấm kị tổn hại bản thân và người khác, đạt được sự tự chủ và xã hội hóa;
- Sự thiến hoạn sinh dục sơ cấp: Dẫn đến sự khác biệt giữa hai giới tính;
- Sự thiến hoạn sinh dục Oedipus: Đưa đến cấm kị loạn luân.
6. Sex motive (sex drive/sexual motivation)
Là xung năng hay lực thôi đẩy phải thỏa mãn các nhu cầu tính dục, thông qua hoạt động tình dục trực tiếp hoặc những hành động dường như không liên quan (thăng hoa)… Trong tâm lí học của Freud, những khái niệm ban đâu về tính dục (sexuali- ty) được mở rộng để bao trọn mọi hoạt động một người làm để có được khoái lạc.
7. Dục năng (libido)
Tức xung năng tính dục, là sự khát khao tính dục của con người. Freud coi vô thức là bể chứa các xung năng và xung năng tính dục là xung năng quan trọng nhất cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động tâm thần của con người. Theo Freud, libido là bản năng tình dục của con người, chịu tác động theo nguyên tắc khoái lạc (pleasure principle). Khát vọng tình dục là nhu cầu thỏa mãn một ham muốn mang sự bằng lòng tình dục. Nó là nhu cầu của con người như ăn, uống, ngủ, nghỉ. Nhờ những thực tại ngăn cản nguyên tắc khoái lạc (Freud gọi là ego) nên con người chỉ thỏa mãn thúc đẩy tình dục khi hội đủ các yếu tố mà thôi.
8. Bản năng chết (Thanatos, death instincts)
Học thuyết về động cơ của Freud đã thay đổi và biến hóa trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ban đầu ông mô tả một nhóm các động cơ có tên là “bản năng sống” (Eros) và tin rằng những động cơ này chịu trách nhiệm phần nhiều cho hành vi của chúng ta. Nhưng cuối cùng, ông lại tin rằng một mình bản năng sống không thể giải thích tất cả các hành vi của con người. Trong cuốn sách Beyond the Plea- sure Principle (Vượt lên Nguyên tắc khoái lạc) xuất bản năm 1920, Freud đã kết luận rằng tất cả mọi bản năng đều được chia thành hai nhóm: bản năng sống (Eros) và bản năng chết (Thanatos).
Khái niệm về bản năng chết (Thanatos) được mô tả lần đầu trong cuốn sách, trong đó Freud có phát biểu rằng “Mục đích của tất cả mọi sự sống đều là cái chết.” Freud tin rằng con người ta về cơ bản đều hướng đến việc thể hiện những bản năng chết này ra bên ngoài. Ví dụ, sự hung hăng là cái sinh ra từ bản năng chết. Tuy nhiên, đôi khi nhóm bản năng hướng đế sự hủy diệt này có thể được hướng vào bên trong, gây ra những hành vi tự làm hại bản thân hoặc tự sát. Để hỗ trợ cho học thuyết này, Freud đã lưu ý rằng người nào trải nghiệm một sự kiện gây sang chấn có thể sẽ thường xuyên tái diễn lại trải nghiệm đó. Từ đây, ông kết luận rằng những người đang nắm giữ những ham muốn vô thức rằng mình muốn chết bà bản năng sống của họ đang vất vả “cân” lại ham muốn này.
9. Sự mê đắm (fixation)
Hay còn gọi là sự “cắm chốt”, sự cố định. Là một khái niệm (trong tâm lí học nhân cách) do Freud khởi xướng (1905) để biểu thị sự tồn tại của các đặc điểm tính dục vào các giai đoạn khác nhau. Thuật ngữ này sau đó được dùng để chỉ các “mối quan hệ đối tượng” (object relationships), biểu thị sự gắn bó của một người với một người khác hoặc một sự vật nói chung tồn tại từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Freud tin rằng tính cách con người được phát triển qua một chuỗi các giai đoạn trong thời thơ ấu, đây là khoảng thời gian các thôi thúc tìm kiếm sự dễ chịu bản năng tập trung tại một số vùng gây khoái cảm tính dục nhất định. Vùng khoái cảm này được định hình bởi một bộ phận trên cơ thể đặc biệt nhạy với kích thích. Trong 5 giai đoạn tâm lí tính dục, bao gồm: giai đoạn miệng, hậu môn, dương vật, tiềm tàng và sinh dục, thì vùng khoái cảm tình dục liên đới với từng giai đoạn sẽ đóng vai trò như một nguồn tạo khoái cảm.
Năng lượng tâm lí tính dục, hay còn gọi là dục tính được coi như một nguồn sức mạnh chi phối hành vi. Thuyết phân tâm cho rằng hầu hết tính cách được thiết lập vào độ tuổi lên 5. Những trải nghiệm trước mốc thời gian này đóng một vai trò cực lớn trong sự phát triển tính cách và sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lên hành vi của con người trong cuộc sống về sau.
Nếu có một số vấn đề nhất định trong từng giai đoạn không được giải quyết một cách phù hợp thì hiện tượng “mê đắm” (cắm chốt) sẽ xuất hiện. Mê đắm là một dạng tập trung liên tục vào một giai đoạn tâm lí tính dục trước đó. Chừng nào xung đột vẫn chưa được giải tỏa thì người ấy vẫn cứ mãi “mắc kẹt” lại ở giai đoạn này. Ví dụ, sẽ có người bị cắm chốt ở giai đoạn miệng, người này có thể sẽ quá phụ thuộc vào người khác và có thể thực hiện hành vi tìm kiếm kích thích qua đường miệng như hút thuốc, ăn, uống.
10. Kĩ thuật diễn giải (interpretation)
Nhà trị liệu dùng lời nói giải thích và phân tích cho bệnh nhân những giả thiết về xung đột vô thức, những xung đột này sớm thôi sẽ bộc lộ ngay trong cuộc đối thoại trị liệu. Việc giải thích, diễn giải cho bệnh nhân thường bắt đầu với việc giải thích trạng thái quan hệ đối kháng giữa nhà trị liệu và bệnh nhân, rồi sau đó là giải thích hoàn cảnh trị liệu, hoặc diễn giải tình trạng và lý do bệnh nhân đề phòng nhà trị liệu. Giai đoạn diễn giải/giải thích can thiệp bao gồm: (i) Nhà trị liệu nói rõ xem cái gì đang là tỉnh táo, nhận thức rõ trong trí óc bệnh nhân; (ii) Chỉ ra cho bệnh nhân thấy một cách từ từ những vấn đề nội tâm bộc lộ ra trong hành vi của bệnh nhân; (iii) Nói thật hợp lí cho bệnh nhân xem lí thuyết vô thức nhìn nhận ra sao về toàn bộ vấn đề của bệnh nhân trong việc giao tiếp và bộc lộ ra với thế giới bên ngoài.
11. Liên tưởng tự do (association)
Là phương pháp chính trong phân tâm học, nhằm thăm dò vô thức và thả lỏng các chất liệu bị dồn nén trong nội tâm. Kĩ thuật này do Freud phát minh ra để giải tỏa với mọi “dồn nén” và loại bỏ mọi đối kháng: Những lời nói thao thao bất tuyệt có ý thức của người bệnh khi nằm trên cái giường của nhà phân tâm học trong cảnh đèn sáng mờ mờ, nhà phân tâm học kích thích, khêu gợi để người bệnh không nghĩ một cách có ý thức về bất cứ chiều hướng nào, Freud cho rằng phương pháp “kích thích tự do liên tưởng” là phương pháp duy nhất hữu hiệu để chữa bệnh tâm thần. Ông thuyết phục con bệnh gạt mọi suy nghĩ có ý thức, tự buông thả mình vào một trạng thái tập trung bình thản, tự phó mặc theo những cảm xúc và suy nghĩ nảy sinh, rồi thuật lại tất cả những điều đó cho ông biết. Nhờ phương pháp ấy, ông đưa dần bệnh nhân tới trạng thái “tự do liên tưởng”; và nhờ nghe người bệnh tự do liên tưởng, mà thầy thuốc có thể tìm ra được nguồn gốc sâu xa của các triệu chứng. Sự việc đã quên rồi nay lại được người bệnh kéo ra khỏi cõi vô thức, có khi phải sau hàng tháng trời điều trị bằng phương pháp phân tâm. Nguồn gốc thường là một sự việc nào đó đau đớn, khó chịu, đáng sợ hay nói cách khác đáng ghét, từ trong quá khứ của bệnh nhân. Đó chính là những “kỉ niệm” mà người bệnh hoàn toàn không muốn nhớ lại một cách có ý thức.
12. Giải tỏa căng thẳng cảm xúc (abreaction)
Hay còn gọi là giải tỏa mặc cảm. Theo phân tâm học, giải tỏa và biểu lộ căng thẳng cảm xúc gắn liền với những suy nghĩ, ý tưởng bị dồn nén bằng cách đưa những suy nghĩ đó vào ý thức. Đây là những quá trình tinh thần làm tiêu tan một cảm xúc bị dồn nén bằng cách sống qua nó một lần nữa trong cảm nhận và hành động. Nếu được giải tỏa hoàn toàn, một cảm xúc bị dồn nén sẽ bị khuếch tán và tự tiêu tan một cách vô hại. Nếu không được giải tỏa hoàn toàn, nó có thể dẫn đến những trạng thái phân li tâm thần (mental dissociation) – đấy là một quá trình tinh thần gây ra một sự thiếu kết nối trong suy nghĩ, kí ức, ý thức về bản sắc của một người.
13. Chuyển dịch (transference)
Trong phân tâm học có ba cơ chế tâm lí quan trọng: Chuyển dịch (transference), Phóng chiếu (projection) và Đồng nhất hoá (identification). Sự chuyển dịch tiêu cực xảy ra khi một người (Jim) cảm nhận hoặc tin rằng người khác (Jane) đang có những cảm xúc tiêu cực đối với anh ấy (như chỉ trích, từ chối hoặc thất vọng), ngay cả khi cảm nhận ấy không đúng với những cảm xúc hoặc hành vi thực tế của Jane. Nói cách khác, cảm xúc và suy nghĩ của Jane về Jim khá trung tính nhưng Jim vẫn “đọc được” một ý định tiêu cực từ Jane. Jim đang chuyển dịch sang Jane một số cảm xúc chưa được xử lí (unresolved emotions) trong quá khứ của anh ấy (những cảm xúc của sự bị từ chối, bị chỉ trích, v.v.) Vì những cảm xúc tiêu cực ấy vẫn chưa được xử lí ở Jim nên anh ấy trong vô thức rất thích tái tạo và làm sống lại chúng. Do đó, anh ấy chuyển sang người khác cái mong đợi của anh, rằng họ đang có những cảm xúc tiêu cực ấy đối với anh. Jim tin rằng “việc đọc” về tình huống ấy của anh là đúng và mang tính khách quan, hệ quả là Jim thấy những người khác là ít đáng tin và kém cởi mở. Anh ấy cũng chịu đau khổ một cách không cần thiết vì anh ấy đang có những cảm nhận tiêu cực không đúng với hoàn cảnh thực tế. Đây là quá trình nội tâm nằm sau vấn đề tâm lí của người “dễ mất lòng, dễ chạm tự ái”.
14. Phóng chiếu (projection)
Là tiến trình chủ thể gán cho một đối tượng khác những ý nghĩ, những cảm xúc mà bản thân chủ thể không thể chấp nhận hay không muốn. Phóng chiếu có tác dụng làm giảm lo âu, cho phép chủ thể bộc lộ những xung động hay những ước muốn mà bản ngã không nhận ra. Cơ chế này đối lập với cơ chế đồng nhất hóa (identification).
15. Đồng nhất hóa (identification)
Đồng nhất hoá, có thể được hiểu như một xu hướng hoặc thôi thúc trong vô thức là đồng nhất với những gì người khác đang cảm nhận, bất kể đó là một cảm giác tích cực hay tiêu cực. Đồng nhất hóa tích cực thì thường vô hại, nhưng nhận thức về cơ chế vẫn quan trọng vì những người trẻ là một ví dụ, họ có thể đồng nhất hóa theo hướng tốt tốt với họ mặc dù họ gặp những ảnh hưởng hoặc tính cách không tích cực. Ví dụ, một người cha (Sam) đồng nhất mạnh mẽ với con trai của ông (Tom) khi cậu bé chơi kém trong một trận golf. Cả Sam và Tom đều có những vấn đề chưa được xử lý với cảm giác bị xem là một người kém cỏi và là một nỗi thất vọng. Những vấn đề chưa được xử lý đó làm hại Tom khi cậu ấy cố gắng chơi tốt, và cha cậu ấy trong vô thức không thể chống lại được việc bị cảm xúc tiêu cực này làm tổn thương khi ông xem con trai đang cố gắng thi đấu. Nếu Sam hiểu được sự đồng nhất hoá của ông với con trai thì ông có thể kiềm chế không bị kích hoạt bởi cảm xúc thất vọng, và ông có thể giúp Tom bình tĩnh lại và tránh làm hại bản thân.
16. Chuyển vị (displacement)
Trong phân tâm học, cơ chế phòng vệ này thuộc về vô thức, giúp một cá nhân chuyển những xung năng nhắm đến một đối tượng gây lo âu hay đe dọa sang một đối tượng có vẻ an toàn hơn đối với mình.
17. Thôi thúc lặp lại (repetition compulsion)
Thôi thúc lặp lại, hay sự ép buộc lặp lại, là một hiện tượng tâm lí trong đó người ta bị xui bẩy lặp lại một sự kiện chấn thương hoặc hoàn cảnh chấn thương. Điều này bao gồm việc tái diễn lại sự kiện hoặc đặt mình vào những tình huống mà sự kiện có thể xảy ra trở lại. Nó có thể xảy ra trong giấc mơ, nơi những kí ức và cảm xúc của những gì đã xảy ra được lặp lại, và thậm chí là ảo giác. Thuật ngữ này cũng có thể được sử dụng để che giấu sự lặp lại của hành vi hoặc các mô hình cuộc sống rộng hơn, trong đó con người tự mô tả mình và không ngừng lặp lại các mẫu hành vi khó khăn đau khổ mà họ gặp phải lúc thiếu thời.
18. Thăng hoa (sublimating)
Một hình thức trưởng thành của cơ chế tự vệ, nơi những xung lực không được thỏa mãn trực tiếp chuyển hướng sang những hoạt động được xã hội đề cao như nghệ thuật, khoa học, hoạt động xã hội, tôn giáo. Theo quan niệm của Freud, thăng hoa là một dấu hiệu của sự trưởng thành và văn minh, cho phép mọi người hoạt động bình thường theo những về mặt văn hoá. Ông đã định nghĩa sự thăng hoa là quá trình làm lệch hướng bản năng tình dục thành hành vi định giá xã hội cao hơn.
19. Liệu pháp thanh tẩy (Catharsis)
Liệu pháp thanh tẩy là sự giải phóng cảm xúc. Theo lí thuyết phân tâm học, việc giải phóng cảm xúc này liên quan đến nhu cầu làm giảm các xung đột vô thức. Ví dụ, trải qua những căng thẳng về công việc có thể gây ra cảm giác thất vọng và căng thẳng. Thay vì bỏ những cảm xúc này một cách không phù hợp, cá nhân có thể thay thế những cảm xúc này theo cách khác, chẳng hạn như thông qua hoạt động thể chất hoặc các hoạt động giải trí. Breuer đã sử dụng liệu pháp này để thử điều trị Hysteria. Đừng nhầm lẫn nghĩa của khái niệm này với nghĩa thông dụng, trong đó catharis được hiểu là một khoảnh khắc thiêng liêng, bình an, giải thoát.