Otto Rank, tên gốc là Otto Rosenfeld, (1884-1939), là nhà phân tâm học người Áo đã mở rộng thuyết phân tâm đến tận lãnh địa nghiên cứu truyền thuyết, thần thoại, nghệ thuật và óc sáng tạo, cũng là người gợi ý rằng nền tảng của chứng rối loạn thần kinh lo âu là một chấn thương tâm lí xảy ra trong suốt quá trình ra đời của cái tôi cá nhân.
Rank có một người anh được bố mẹ hỗ trợ tài chính suốt những năm cao học, trong khi Rank nhận được ít hỗ trợ hơn từ gia đình. Khi còn trẻ, Rank làm thợ khóa trong một xưởng máy và có những sở thích như làm thơ, đọc triết học và văn chương. Theo học giả Margaret Alic, vào năm 1904, ở tuổi hai mươi, Rank mắc chứng trầm cảm tự sát, nhưng ông vượt qua nhờ một quá trình tái sinh tinh thần tự xưng.
Vào năm 1905, Rank bắt đầu con đường học hành và sự nghiệp chuyên môn của mình trong vai trò là học trò của Sigmund Freud. Đọc The Interpretation of Dreams (Diễn giải giấc mơ) của Sigmund Freud đã tạo cảm hứng để ông viết Der Künstler (Người nghệ sĩ, 1907). Đấy là một nỗ lực giải thích nghệ thuật bằng các nguyên lí phân tâm. Tác phẩm này khiến Freud chú ý tới ông.
Rank gặp Freud sau khi Freud đọc tiểu luận của ông. Bài tiểu luận liên kết các lí thuyết giấc mơ của Freud với cách mà người nghệ sĩ sáng tạo. Sau khi đọc bài tiểu luận, Freud thuê Rank làm thư kí cho Hội Phân tâm Vienna – hội phân tâm học đầu tiên trên thế giới.
Rank nhanh chóng trở thành một thành viên trong vòng tròn các nhà phân tâm thân cận của Freud, được gọi là Hội đồng bảy, một hội đồng gồm Freud và sáu người do Freud tuyển chọn để bảo vệ các thuyết phân tâm của ông và dạy chúng cho người khác. Suốt quãng thời gian với Hội và Hội đồng bảy, Rank làm luận văn tốt nghiệp của mình The Lohengrin Legend (Truyền thuyết Lohengrin). Đấy là một trong những bài luận văn tốt nghiệp đầu tiên về phân tâm học, nghiên cứu phân tâm về tướng Arthur từ Lohengrin, vở opera lãng mạn của Richard Wagner.
Trong khoảng thời gian đó, Rank chính thức đổi bút danh thành Otto Rank. Vào năm 1909, ông xuất bản The Myth of the Birth of the Hero (Thần thoại về sự ra đời của người anh hùng), trong đó bàn luận các cách diễn giải phân tâm những đề tài văn học phổ biến trong các truyện thần thoại. Ông chủ yếu khám phá tầm ảnh hưởng của phức cảm Oedipus trong các đề tài thần thoại. Phức cảm Oedipus là một thuyết của Freud, nói rằng các cá nhân có một ham muốn tính dục đối với vị phụ huynh khác giới và một mối thù hằn với vị phụ huynh cùng giới. Xuyên suốt cuốn sách, Rank phân tích cách có thể ứng dụng khái niệm phức cảm Oedipus và những khái niệm khác để hiểu thêm về tâm lí con người.
Vào năm 1911, Rank xuất bản luận văn The Lohengrin Legend của mình, và có được bằng Tiến sĩ Triết học từ Đại học Vienna ở Vienna, Áo vào năm 1912. Cùng năm đó, Rank xuất bản một tác phẩm nữa là The Incest Motif in Poetry and Saga (Đề tài loạn luân trong thơ ca và trường thiên tiểu thuyết), có cùng các ý tưởng đã được bàn luận trong The Myth of the Birth of the Hero.
Mấy năm sau, năm 1918, Rank phục vụ trong quân đội Áo suốt Thế chiến thứ nhất trong vai trò biên tập viên của một tờ báo. Ông đóng ở Ba Lan, ở đó cùng năm đấy, ông cưới Beata Mincer và có người con gái đầu tiên cũng là duy nhất vào năm sau. Mince làm việc trong vòng tròn các nhà phân tâm thân cận của Freud và chính bà cũng trở thành một nhà phân tâm.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Rank chuyển đến chỗ Freud và giúp biên tập cuốn sách của ông, The Interpretation of Dreams (Diễn giải giấc mơ), trong khi đồng biên tập các chuyên san của Hội Phân tâm học Vienna bắt đầu từ năm 1919.
Năm 1924, Rank xuất bản The Trauma of Birth (Chấn thương sinh nở), trong đó ông lí luận nguồn gốc lo âu suốt cuộc đời phát xuất từ chấn thương tâm lí mà con người trải qua trong khi ra đời. Chấn thương sinh nở mở rộng ý tưởng của Freud, cho rằng ra đời là trải nghiệm lo âu đầu tiên và do vậy là nguồn gốc và nền tảng của lo âu. Đó là trải nghiệm âu lo sớm nhất của một người, là một bản vẽ chi tiết cho tất cả những âu lo khác liên quan đến các trải nghiệm trong đời.
Suốt cuốn sách, Rank lí luận ra đời là nền tảng sinh lí tối cao của sinh mệnh và trải nghiệm vật lí của việc chuyển từ trạng thái mãn nguyện và hòa hợp với người mẹ thành chia tách khắc nghiệt khỏi tử cung bình yên đã gây ra một chấn thương cực kì lớn, chấn thương này gây ra âu lo kéo dài. Móc nối những cảm giác phải trải qua trong khi ra đời với những cảm giác gắn với lo âu, Rank nói ra đời là nguồn của mọi âu lo, đau khổ của con người, nó dai dẳng dưới dạng chứng rối loạn thần kinh lo âu khi ở tuổi trưởng thành. Đây cũng là chìa khóa để thấu hiểu tâm trạng âu lo sau này trong suốt đời người.
Ông nêu ra những nét giống nhau giữa những cảm giác bối rối, co thắt và tù túng trong khi ra đời và trong những trải nghiệm khác liên quan đến âu lo.
Một người trưởng thành dành cả đời mình cố hồi phục khỏi trải nghiệm ra đời – khoảnh khắc mà anh ta bị chia tách tàn nhẫn khỏi tử cung yên bình đó. Qua tác phẩm của mình, Rank đã khơi gợi các nghiên cứu trong ngành phôi học, phát triển phân tích mối quan hệ mẹ con ở giai đoạn đầu và các vấn đề trong quá trình phát triển tâm lí giai đoạn đầu.
Rank tuyên bố những ý tưởng của mình trong The Trauma of Birth bắt nguồn từ những đánh giá lâm sàng với bệnh nhân, những người từng trải nghiệm một tưởng tượng là mình được sinh ra lần thứ hai trong khi điều trị phân tâm và thoát khỏi chấn thương sinh nở khi tưởng tượng như thế. Rank nói rằng, trong các tưởng tượng tái sinh của họ, bệnh nhân trải nghiệm một lần nữa về mặt sinh lí quãng đời sống trong tử cung, sau đó mô tả lại trải nghiệm cho nhà phân tâm trong các phiên điều trị.
Theo Rank, bằng cách chia sẻ chi tiết trải nghiệm trong tử cung của mình với nhà phân tâm, bệnh nhân đồng hóa nhà phân tâm với mẹ họ, và tạo ra các mối liên hệ vô thức giữa bệnh nhân với nhà phân tâm, mối quan hệ này phản chiếu mối liên hệ giữa người phụ nữ mang thai và đứa con trong bụng. Rank giải thích rằng, qua trị liệu, bệnh nhân tái trải nghiệm sự ra đời – sự ra đời lần thứ hai trong tưởng tượng, thấu hiểu chấn thương đó, và được chữa lành nhờ chuyển dịch. Đây là một quá trình phân tâm điều hướng lại những ham muốn và cảm nhận đến một thứ mới. Thông qua chuyển dịch, bệnh nhân điều hướng lại những cảm nhận vô thức gắn với người mẹ và chấn thương sinh nở sang nhà phân tâm, và do vậy thoát khỏi chúng. Sau khi hiểu được chấn thương sinh nở bằng cách trải nghiệm lại nó, bệnh nhân hồi phục và không còn nỗi lo âu vốn xuất phát từ trải nghiệm ra đời đầy chấn thương nữa.
Rank đề tặng The Trauma of Birth cho Freud năm 1923, dẫu phủ nhận vai trò của phức cảm Oedipus trong việc gây ra lo âu. Theo Menaker, Rank là người đầu tiên chuyển trọng tâm của phân tâm học từ phức cảm Oediups sang một thứ khác, cụ thể là chuyển nguyên nhân gây lo âu từ người cha sang người mẹ.
Sự ra mắt của The Trauma of Birth đánh dấu sự đổ vỡ trong mối quan hệ giữa Rank với Freud và những thành viên khác trong Hội Phân tâm học Vienne. Lúc đầu Freud không nêu ra ý kiến nào về cuốn sách khi nó ra mắt năm 1924. Trong lúc đó, Rank đến Bắc Mĩ để chia sẻ sâu hơn các khái niệm của ông với Hội Phân tâm học Hoa Kì. Sự im lặng ban đầu của Freud với tác phẩm của Rank gây ra xung đột trong Hội. Nhiều thành viên của Hội Phân tâm học Vienna cho rằng lí luận này của ông xung đột với các khái niệm phân tâm học.
Sau đó trong ấn phẩm năm 1926 của mình, Inhibitions, Symptoms and Anxiety (Những ức chế, triệu chứng và lo âu), Freud chỉ trích những ý tưởng của Rank, lí luận rằng chấn thương sinh nở không phải là cách trọn vẹn để giải thích lo âu. Freud phê bình ý tưởng của Rank hơn nữa khi nói bào thai không thể ý thức được sự tồn tại của nó và không thể có cảm giác bằng giác quan trong khi ra đời để có thể nhớ lại chấn thương kia về sau trong đời. Freud bác lại ý tưởng của Rank về một sự chia tách đau đớn giữa cuộc sống trong tử cung và cuộc sống khi sinh ra trong thế gian, ông cho rằng có một sự liên tục tiếp nối giữa tử cung và thời ấu thơ.
Năm 1926, Hội Phân tâm học Vienna trục xuất Rank. Ông tiếp tục dạy các khái niệm của mình ở Mĩ và châu Âu, chủ yếu ở Pari, trong 10 năm. Suốt quãng thời gian đó, ông viết nhiều tác phẩm về tâm lí phát triển, giáo dục và trị liệu. Những năm sau này, ông viết về ý thức, ý chí, tự sinh tự tạo và những phương pháp trị liệu phân tâm dựa trên hành động.
Năm 1932, ông xuất bản Art and Artist (Nghệ thuật và người nghệ sĩ), trong đó khám phá óc tưởng tượng của con người. Xuyên suốt cuốn sách, ông sử dụng kiến thức phân tâm học của mình để bàn luận động lực thôi đẩy con người sáng tạo và làm thế nào óc sáng tạo và nghệ thuật ăn nhập với nhau trong bối cảnh xã hội.
Năm 1934, Rank và vợ li hôn. Một năm sau, 1935, ông di cư sang Mĩ khi phát xít Đức trỗi dậy, trở thành giáo viên của Trường Xã hội Pennsylvania ở Philadelphia và dạy ở đó đến khi qua đời.
Suốt những năm 1930, Rank phát triển một khái niệm về Ý chí, coi ý chí là một lực điều hướng trong sự phát triển tính cách cá nhân. Ý chí là một lực tích cực kiểm soát và sử dụng các động lực bản năng của một người, mà Freud gọi là các yếu tố thúc đẩy trong hành vi con người. Thế nên, theo quan điểm của Rank, sự phản kháng của bệnh nhân trong khi trị liệu phân tâm là một biểu hiện của ý chí này, và đấy không phải là một yếu tố tiêu cực cố hữu. Thay vì làm xói mòn phản kháng đó, như một nhà phân tâm kiểu Freud sẽ làm, Rank lại tận dụng nó để hướng dẫn quá trình tự khám phá và phát triển bản thân.
Nỗ lực thu bé toàn bộ tâm lí học thành một hệ thống nguyên khối đồ sộ dựa trên chấn thương sinh nở của Rank được coi là sự viễn li trầm trọng khỏi định hướng khoa học lúc bấy giờ. Nhưng sự nhấn mạnh phát triển cá nhân và hiện thực hóa bản thân, và ứng dụng thuyết phân tâm vào diễn giải nghệ thuật và thần thoại của ông vẫn có tầm ảnh hưởng.
Công trình mà Rank xây dựng suốt đời mình khơi gợi thêm nhiều nghiên cứu về mối quan hệ mẹ con và tâm lí phát triển thủa ban đầu. Dù còn tranh cãi kịch liệt, nghiên cứu của ông vẫn được nhà phân tâm Wilfred R. Bion dùng năm 1977. Sử dụng ý tưởng của Rank về sự gián đoạn giữa quãng đời ở tử cung và cuộc sống sau khi ra đời, Bion dùng trải nghiệm ra đời làm một mẫu hình để mô tả các trải nghiệm gián đoạn khác trong suốt quá trình phát triển quan hệ thuở ban đầu của đứa trẻ.
Năm 1981, nhà phân tâm Frances Tustin cũng áp dụng công trình của Rank để mô tả tình trạng tâm lí đẻ non của trẻ tự kỉ. Nghiên cứu của Rank về chấn thương gắn với việc ra đời đã khuyến khích nhiều nghiên cứu hơn về ý nghĩa của các vấn đề tâm lí thuở ban đầu và những khía cạnh đầu tiên, ban sơ nhất của mối hệ mẹ con.
Ba tháng trước khi chết, Rank cưới Estelle Buel, thư lí của ông. Rank mất ở thành phố New York ngày 31 tháng 10 năm 1939 do phản ứng với thuốc mà ông được kê đơn để chữa nhiễm trùng thận.