Con người sử dụng những vật ngoài thân, qua chúng mà giành được sự sống, chứ không phải tiêu phí sự sống để giành lấy những vật ngoài thân
- Mùa xuân và mùa thu của Lü Buwei - (291 - 235 TCN), R. WlLHELM dịch
Ý nghĩa chân thực của quá trình trị liệu, như chúng ta đã thấy, chỉ thể hiện ở giai đoạn cuối, khi nhà trị liệu bằng cách dàn dựng một hồi kết và bằng sự thay đổi thái độ gắn với nó, được chuyển từ cái tôi hỗ trợ thành thực tại hỗ trợ. Dường như từ góc nhìn của người rối loạn thần kinh, thực tại là một kẻ thù. Nhưng bất chấp mọi đau khổ và khó khăn, thực tại không phải là kẻ thù của cái tôi, nó là một trợ thủ đắc lực cho cái tôi. Trong khi con người bình thường phải học cách sử dụng thực tại để trị liệu cho mình, thì người rối loạn thần kinh chỉ có thể có được sự trị liệu đấy trong mối quan hệ trị liệu rất đặc thù với nhà trị liệu. Đặc trưng của chứng rối loạn thần kinh không phải là thực tại không làm thỏa mãn anh ta, mà là anh ta cố tình quay lưng khỏi liệu pháp có sẵn trong tự nhiên này. Người loạn thần kinh có một mối liên hệ dở tệ, khó khăn với thực tại không phải bởi thực tại vốn là xấu tệ, mà bởi anh ta muốn tạo ra thực tại, thay vì sử dụng nó. Anh ta cũng cố gắng làm điều tương tự với chính mình, bằng cách cố gắng tái tạo lại bản thân, thay vì chấp nhận và tận dụng cái tôi đã được trao cho anh.
Người ta có thể sẽ phản đối quan niệm lạc quan như thế này về một thực tại. Tôi vẫn cho rằng, thực tại khi được sử dụng đúng cách sẽ là một yếu tố chữa bệnh thiết thực không gì bằng. Người ta cũng có thể phản đối rằng, trên thực tế, rõ ràng là con người phải luôn tưởng tượng hoặc tạo ra một thế giới thứ hai “tốt đẹp hơn”, để có thể sống trong và với thực tại đã được trao cho mình. Song tôi cho rằng, việc tạo ra thế giới thứ hai đấy dường như không hẳn vì nhu cầu muốn có một thế giới tốt đẹp hơn do thực tại không làm hài lòng chúng ta. Mà thực ra là chúng ta cần có một thế giới thứ hai mà nhờ đó, chúng ta có thể trút ra những xung đột căn bản trong đời sống nội tâm.
Chắc chắn, thế giới thứ hai này là do chúng ta tạo ra, nhưng như thế không có nghĩa là nó tốt hơn so với thế giới thứ nhất, tốt hơn cái thực tại đã được trao cho chúng ta. Chỉ là nó khác biệt trong mối tương quan với nhu cầu và khao khát nhất thời của chúng ta. Nói một cách đơn giản, con người chúng ta sẽ không bao giờ đánh đổi thế giới kia để lấy thế giới này. Chúng ta cần cả hai thế giới ấy để có thể sống được. Thế giới “tốt đẹp hơn” của chúng ta không phải là một sự thay thế cho thực tại, mà là một sự hoàn thiện cho môi trường sống xung quanh con người, là nơi để nội tâm giải phóng những xung nội tâm của nó, những xung đột mà nó không thể giải tỏa trong thực tại.
HAI THẾ GIỚI SONG SONG: THỰC VÀ KHÔNG-THỰC
Tạm thời, chúng ta hãy gác lại việc theo đuổi đến cùng quan điểm về thế giới thứ nhất và thế giới thứ hai này theo hướng lịch sử và văn hóa. Chúng ta sẽ phải giới hạn vấn đề của mình trong nền văn minh hiện tại, nơi đã sản sinh ra mẫu hình loạn thần kinh như chúng ta đã thấy. Có một sự khác biệt rõ ràng giữa văn hóa nguyên thủy và văn hóa hiện đại, theo đó cũng có một sự phân rẽ sâu sắc trong cái thế giới thứ hai mà con người tạo ra, và khi nó càng nhuốm màu văn minh thì sự tách biệt đấy càng sâu sắc. Ở một mặt nào đó, thế giới thứ hai do con người tạo ra vì mục đích nội tâm của cá nhân mình. Song cùng với đó, sức ảnh hưởng ngày càng tăng của các lực lượng tự nhiên và sự phát triển của phương pháp kĩ thuật đã cho phép con người hiện thực hóa thế giới thứ hai của mình ở quy mô rộng lớn hơn. Và đến một lúc, cái thế giới thứ hai đấy nó tự sinh, tự tạo ra chính mình, vận hành vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Thông qua nghề nghiệp và sự chuyên môn hóa của mình, con người hiện đại đã nhận thấy rằng, hai thế giới đấy quay sang chống lại đời sống riêng tư của anh ta. Hai phạm trù đấy chỉ càng ngày càng chia tách sâu đậm thêm: một mặt bởi sự phát triển ngày càng tăng của cá nhân và tự do cá nhân, và mặt khác là sự tổ chức ngày càng phức tạp của xã hội.
Phần lớn những người rối loạn thần kinh đến với nhà trị liệu với hai vấn đề rõ ràng: một vấn đề cá nhân và một vấn đề xã hội (chức nghiệp, nghề nghiệp). Freud coi vấn đề cá nhân thuộc về đời sống tình yêu và tính dục của bệnh nhân là quan trọng nhất. Vấn đề này quả thực nổi bật, bởi cá nhân một mặt cảm thấy mình có trách nhiệm hơn với tình huống riêng tư của mình; và mặt khác còn hi vọng rằng trong phạm vi này, có thể làm gì đó để xoa dịu nỗi thống khổ của mình. Ngược lại, Adler coi vấn đề xã hội, nghĩa là thái độ chung của cá nhân đối với đồng loại của mình, là quan trọng hơn cả – tất nhiên “thái độ với đồng loại” đấy phải được tính đến trong cả mối quan hệ yêu đương. Jung đã cố gắng đưa ra một quan điểm khá trung dung trong liệu pháp điều trị các chứng rối loạn thần kinh. Thật ra thì ông cho rằng cần phân biệt các ca bệnh, có những ca thì phải phải tiếp cận từ quan điểm của Freud, và có những ca cần được tiếp cận từ góc nhìn của Adler.
Nếu ngay từ ban đầu nhà trị liệu đã lưu tâm đến sự cân bằng, hài hòa giữa hai phạm trù đấy, vậy thì ông ấy tiếp cận từ phía nào cũng không quan trọng bằng tiếp cận tình huống theo cách nào. Tôi cho rằng, tốt nhất nên tiếp cận từ cả hai khía cạnh cùng lúc và như nhau. Và trong bất cứ trường hợp nào, việc tiếp cận tình huống từ hai mặt cũng luôn giúp đưa ra tiên lượng chuẩn xác nhất. Đối với những trường hợp này, bản thân cá nhân đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc cân bằng sẽ diễn ra trong quá trình điều trị. Chắc chắn mọi thứ vẫn sẽ tập trung ở khía cạnh cá nhân, nhưng không phải theo lối diễn giải của tư tưởng phân tâm học, mà là dưới góc độ của tâm lí học cá nhân. Như nhiều lần đã chỉ ra, nhiệm vụ chủ yếu của trị liệu không phải, và không bao giờ, là khiến cho dục năng thích nghi hay vừa khớp với thực tại. Trị liệu giúp cho một người chấp nhận bản thân với cái tôi cá nhân của mình, cùng với sự tự chủ về cảm xúc và ý chí của nó. Tuy vậy, thực tại là yếu tố cần thiết trong trị liệu giúp cho ổn định nội tâm. Thực tại không phải là một con quỷ xấu ác mà người ta phải né tránh hay phải bất đắc dĩ đụng phải vì không thể làm gì khác. Nếu không có thực tại để phóng chiếu lên, chúng ta không chỉ bị phong bế trước các trải nghiệm thú vị nhất. Và điều rất quan trọng hơn nữa là chúng ta đều sẽ phải tạo ra bên trong mình những sự phủ nhận, hạn chế và ngăn trở mà chúng ta cần để cân bằng.
Để thấy rằng, loại người rối loạn thần kinh là người phải dựng lên trong chính mình mọi giới hạn mà anh ta né tránh ở bên ngoài. Với anh ta mà nói, thế giới bên ngoài do vậy trở thành “thế giới thứ hai” – thế giới bổ sung, bù trừ cho thế giới thứ nhất của anh ta. Bản thân anh ta với đời sống nội tâm của mình là thực tại duy nhất được trải nghiệm thực sự, và cái thực tại bên trong này cần đến thế giới bên ngoài với những con người đại diện cho nó để nó có thể tồn tại hài hòa.
Bởi thế, hai thế giới: một bên trong và một bên ngoài, mà con người văn minh đang sống không mang nghĩa một là thế giới thực và một là thế giới phi thực – chỉ để phục vụ cho mục đích giải trí (chẳng hạn như nghệ thuật, thể thao). Nó không phải như thế. Hai thế giới đấy, chúng đều thực như nhau, và cũng không-thực như nhau, tùy theo cách một người sống với chúng. Những gì chúng ta tìm kiếm ở thế giới bên ngoài phụ thuộc vào những gì chúng ta tìm thấy ở bên trong: Có những thứ mà chúng ta tìm thấy dễ dàng hơn và chỉ tìm thấy ở bên trong; lại có những thứ chúng ta chỉ tìm thấy ở bên ngoài. Bất cứ lúc nào, người ta cũng phải biết cách tìm kiếm và lựa chọn, nói cách khác, biết cách để cân bằng. Việc tìm kiếm và lựa chọn đấy cho thấy trước sự phân hóa năng lực của mỗi người. Nếu một cá nhân có quá nhiều tự do và độc lập nội tâm – những người này vốn không quá hiếm như người ta vẫn tưởng, thì anh ta sẽ không chỉ chấp nhận sự phụ thuộc và sức ép từ bên ngoài, mà thực ra còn buộc phải tìm kiếm chúng để có thể sống hài hòa. Lấy ví dụ, nếu một người rất tự do trong đời sống nghề nghiệp, chuyên môn của anh ta, thì rất có thể anh ta có khuynh hướng ràng buộc mình mạnh mẽ trong đời sống yêu đương. Nhưng đến lượt mình, ý chí sẽ chống lại những xiềng xích đó mà không hẳn muốn giải thoát hay trở nên tự do. Bởi sự tự do hoàn toàn đối với anh ta mà nói lại càng không thể chịu đựng nổi. Cá nhân dường như có khuynh hướng tự động hướng đến những hiệu chỉnh cân bằng như thế, và bằng một cách nào đó, nó quả thực mang đến sự cân bằng cho đa số mọi người. Vậy thì tại sao lại có khá nhiều người – những người rối loạn thần kinh không thành công trong việc hiệu chỉnh để đạt được sự cân bằng này? Như chúng ta đã nói đến ở những chương trước, có thể giải thích điều này bởi khuynh hướng toàn thể hóa của cái tôi cá nhân, cùng với đó là cái lí tưởng về sự hợp nhất của con người, và lí tưởng này thể hiện ra về mặt xã hội trong khái niệm về nhân cách.
NHÂN CÁCH: MỘT GƯƠNG MẶT TRONG NỖ LỰC XÃ HỘI HÓA CỦA CÁI TÔI
Nỗ lực đạt được cái toàn thể của chúng ta, xét cho cùng là nỗi sợ mất đi cái tôi, khiến chúng ta khó lòng có thể chịu đựng một cuộc sống trên hai bình diện khác nhau. Nhưng sự tồn tại song song đấy là cần thiết, bởi cần thiết nên nó vẫn tồn tại. Như một biểu hiện cho nỗ lực đạt được cái toàn thể, nhân cách được tạo ra giống như một sự biện minh cho nỗi sợ mất đi cái tôi này. Chúng ta cứ ước muốn giữ nguyên tính cá nhân của mình trong mọi cảnh huống cuộc sống. Và về cơ bản, một con người bình thường chỉ có thể ứng xử với mọi người, mọi sự, mọi chuyện bằng đúng mẫu hình nhân cách của mình. Do đấy chúng ta cảm thấy rất đau đớn mỗi khi phải thay đổi thái độ. Chúng ta không thấy rằng, sự thay đổi đấy là điều nó phải diễn ra liên tục. Nỗi sợ dường như được dựng lên như một bức tường ngăn cách giữa cái tôi và thế giới, và bức tường này chỉ biến mất khi nào cả hai trở thành một và thuộc về một toàn thể lớn lao hơn. Nỗi sợ chết, do đó, được sử dụng để biện minh cho việc duy trì cái tôi, nó đòi hỏi tính vị kỉ, đòi hỏi cắt đứt với thế giới, và sau đó biểu hiện ra thành nỗi sợ sống.
Một lần nữa chúng ta lại thấy cá nhân kia bị vây hãm giữa hai thái cực của nỗi sợ: (i) Một đằng, nếu anh ta sống với toàn thể cái tôi của mình, anh ta sẽ mang theo nỗi sợ chết, nỗi sợ mất đi chính mình. (ii) Một đằng kia, nếu anh ta không thể sống với từng phần cái tôi của mình, anh sẽ sợ hãi cuộc sống và nỗi sợ sống này được duy trì liên tục thông qua tình trạng phân rẽ giữa những xung đột tư tưởng, những cảm xúc yêu ghét lẫn lộn.
Giải pháp chỉ được tìm thấy trong thực tại: Đấy không phải là một thực tại đối lập với cái tôi. Mà là một thực tại trong đấy cái tôi là một phần, và mặt khác nó cũng tạo ra một phần của cái tôi. Từ những cân nhắc như vậy và từ những trải nghiệm cơ bản, chúng ta thấy rõ ràng là liệu pháp dành cho người rối loạn thần kinh không thể chỉ đơn thuần nhằm vào tinh thần. Tâm lí trị liệu chỉ có thể đưa anh ta đến điểm mà ở đó bản thân anh ta có thể sử dụng thực tại để trị liệu, không phải bởi anh ta bắt buộc làm thế, mà bởi anh ta muốn dùng thực tại để cân bằng và hài hòa. Do vậy, phần lớn những nguyện vọng sử dụng tâm lí trị liệu hay phân tâm học để bệnh nhân có thể thoát khỏi những phức cảm nội tâm, và có được một khả năng thích nghi với bên ngoài phải dần lui về, để nhường chỗ cho mục tiêu của Liệu pháp Ý chí năng động. Liệu pháp này dẫn bệnh nhân vượt qua:
• giai đoạn ban đầu, trong đó anh ta cần đến một cái tôi hỗ trợ;
• tiếp theo là giai đoạn của sự độc lập nội tâm, với những luồng lực đối nghịch trong đời sống cảm xúc;
• đi đến giai đoạn phát triển ý chí, ý chí này có thể sử dụng thực tại với tất cả những thuận lợi và bất lợi của nó nhằm phục vụ cho cái tôi.
Có nhiều ý kiến về việc thế nào gọi là chấp nhận thực tại. Song tôi cho rằng, trong thực tế, việc chấp nhận thực tại chưa bao giờ là hành động tiếp nhận thụ động những gì được cho sẵn, mà là sự chủ động thâu nhận nó cho những mục đích của cá nhân mình. Trong những ca đặc biệt thuận lợi, sự thích nghi tự nguyện này có thể dẫn đến sự chuyển hóa hoặc sáng tạo mới thực tại. Trong khi đó, thường thì những ca được trị liệu theo hướng thích nghi của phân tâm, một cá nhân được điều chỉnh để thích nghi tốt cùng lắm chỉ đơn thuần là sử dụng thực tại sẵn có để trị liệu, vì nó trở thành một với cái tôi.
THÍCH NGHI (1): ĐIỀU CHỈNH THỰC TẠI HAY CẢI BIẾN CHÍNH MÌNH
Đến được công thức thích nghi lí tưởng như trên rồi, trước mắt chúng ta vẫn còn những khó khăn khi thực hiện nó trong trị liệu để từ đấy có được một bức tranh toàn thể đúng đắn về vấn đề. Các chứng rối loạn thần kinh, hay nói đúng hơn là các hiện tượng có vẻ như là loạn thần kinh, tôi muốn gọi chúng là những phản ứng tốt lành trước một tình huống xấu tệ, hơn là những triệu chứng bệnh tật. Quả vậy, chúng ta – và ngay cả Freud trong Civilization and its Discontents (Nền văn minh và những bất mãn của nó), hoàn toàn có thể coi chứng loạn thần kinh nói chung như là một phản ứng cuối cùng của những bản năng lành mạnh trong cuộc chống lại một nền văn minh đang áp đảo và chế ngự chúng ta. Trong những tình huống “sai quấy” mà cá nhân có quyền chống lại chúng và bảo vệ mình, chúng ta chủ yếu quan tâm đến những thực tại – mà bất kể chúng được tạo ra hay được kích động, ít nhất chúng ta phải chịu đựng chúng cho đến khi rốt cuộc chúng trở nên không thể chịu đựng được nữa, hoặc chúng ta bỏ lại chúng, vượt qua chúng. Việc giải thoát khỏi những tình huống đấy thường đi kèm với những phản ứng, mà xét theo thái độ trước đó của cái tôi, hoặc so với thái độ thường thấy của cái tôi, thì những phản ứng kia sẽ bị xem như là “rối loạn thần kinh”. Ở đây, cá nhân phải điều chỉnh vì thực tại của mình, hơn là vì bản thân mình, hòng thiết lập lại trạng thái cân bằng đã mất, hoặc tạo ra một trạng thái mới. Những tình huống này đòi hỏi các phản ứng cá nhân hơn, nhưng cũng sáng tạo hơn đối với thực tại, so với những phản ứng kiểu rối loạn thần kinh điển hình – những người không biết phải bắt đầu từ điều gì cả.
Trong bất cứ trường hợp nào, việc sử dụng hay điều chỉnh thực tại phải xảy đến một cách cá nhân, và chắc chắn nó khác nhau ở những mẫu người khác nhau. Quan trọng phải nhớ rằng, suy cho cùng, người rối loạn thần kinh vẫn là loại người mà anh ta đã-là trước khi đến điều trị, cũng như mẫu người tâm thần và mẫu người sáng tạo, tất cả họ sẽ luôn duy trì phẩm chất cơ bản nhất của họ. Nếu nhà trị liệu coi người rối loạn thần kinh như một kiểu người có ý nghĩa tâm lí riêng, chứ không phải một dạng sai lệch khỏi chuẩn mực xã hội, thì ông ấy có thể thấy rằng có một vị trí trong xã hội cho loại người này, một nhu cầu thật sự cần đến họ, nếu không có lẽ họ đã không tồn tại trong nền văn minh của chúng ta.
Nói một cách hình tượng, nếu nỗi sợ sống căn bản của cá nhân cuối cùng vẫn dẫn đến một hồi kết là anh ta không có lựa chọn nào khác ngoài giết hoặc bị giết. Vậy thì câu hỏi đặt ra: Ai là những kẻ hiến sinh phải chịu dựng cảnh huống này? Tôi nghĩ đấy là loại người mà ngày nay chúng ta gọi là rối loạn thần kinh, loại người mà Kinh Tân Ước gọi là “giáo dân Cơ-đốc” và Nietzche trong tư tưởng thời kì đầu đã mô tả như là những người nô lệ. Những con người này liên tục tự giết chết chính mình, có lẽ để thoát khỏi số phận bị hiến sinh. Và khi họ tự hiến dâng bản thân như những giáo dân Cơ-đốc, mọi việc trở nên dễ dàng hơn cho những kẻ giết người, những chúa tể kiêu căng ngạo mạn, những con người của ý chí. Khi xét đến những khó khăn của liệu pháp, nhà trị liệu phải tự hỏi: Liệu việc biến loại người hiến sinh này thành những con chiên của Chúa có phải là một tham vọng trị liệu vô ích hay không? Và ngay cả khi điều đấy thành công, thì đâu là nơi để cho kiểu người sáng tạo đấy hiến dâng mình?
Dù thế nào, trong hoàn cảnh trị liệu, chúng ta phải làm việc với hai mẫu hình trái ngược đấy và thấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa họ. Thường thì, liệu pháp chỉ củng cố nhân cách rối loạn thần kinh của bệnh nhân, đấy cũng là một cách để “chữa lành”. Bởi sau đó ít nhất cá nhân có thể tìm kiếm và tìm thấy một nơi phù hợp với mình trong xã hội, thay vì dày vò chính mình khi cố biến bản thân thành một loại người khác. Mặt khác, anh ta có thể sẽ kéo theo cái tôi hỗ trợ của nhà trị liệu, và do đó tạo ra vẻ ngoài bằng cái sức mạnh mà anh ta vốn không có và có lẽ không bao giờ có được. Sự chuyển hóa từ mẫu hình phụ thuộc yếu đuối thành mẫu hình mạnh mẽ và tự lập này không phải là một kết quả gì quá ghê gớm của điều trị phân tâm học. Trong bất kì trường hợp nào, nhà trị liệu vẫn luôn mong muốn củng cố bệnh nhân trong chứng rối loạn thần kinh của anh ta, hơn là làm cho anh ta trở nên mạnh mẽ và độc lập. Ý tôi ở đây không phải là củng cố bệnh tật, mà là củng cố khả năng thích nghi của anh ta. Đấy có lẽ chính là cái lí tưởng bí ẩn về khả năng thích nghi với thực tại được đánh giá rất cao, thứ nuôi dưỡng bệnh nhân thành những kẻ tầm thường dễ bảo.
Thực tế, bệnh nhân rối loạn thần kinh không thể tự điều chỉnh chính mình. Khi điều trị, một cái tôi hỗ trợ có điều kiện và một thực tại phụ trợ có điều kiện được cài vào. Trong đó sẽ cho thấy, liệu rằng bệnh nhân vẫn sẽ phụ thuộc theo kiểu rối loạn thần kinh vào cái tôi hỗ trợ, hay là anh ta sẽ có thể sử dụng tình huống một cách kiến tạo như một thực tại phụ trợ. Cả hai hướng đó đều có thể xảy ra và đều là những kết quả tốt nếu bệnh nhân thực hiện nó xuyên suốt nhất quán đến phút cuối. Thậm chí trong trường hợp đầu tiên, bệnh nhân có thể trở nên có giá trị về mặt xã hội và cảm thấy thỏa mãn, hạnh phúc về mặt cá nhân như một người phụ thuộc cả đời, cũng chẳng sao cả. Chỉ là, anh ta không thể sống thiếu nhà trị liệu mà thôi. Tuy nhiên, trước khi nhà phân tâm tìm ra phương án nào có lợi hơn cho bệnh nhân của mình, hay phương án nào hoàn toàn khả thi, thì có lẽ đã quá muộn, và kết quả có lẽ sẽ là một sản phẩm non nớt như chúng ta vừa mô tả.
THÍCH NGHI (2): TÌNH YÊU CÓ PHẢI MỘT LỐI THOÁT HIỂM CỦA ĐÔI TA TRƯỚC THỰC TẠI
Bên cạnh những mẫu nhân cách điển hình như trên, chúng ta cũng cần cân nhắc xem xét vấn đề và khả năng trị liệu cho hai giới: đàn ông và phụ nữ.
Ở người đàn ông, thường thì xung đột đã phân chia giữa đời sống bổn phận và đời sống tình yêu. Trong khi phụ nữ cho thấy rõ ràng và thuần túy một xung đột rất con người giữa vai trò sinh học của mình và tính cá nhân của mình. Suy cho cùng, đấy cũng là xung đột chính của người đàn ông, chỉ khác là tính cách cá nhân của anh ta biểu hiện ra trong nghề nghiệp (công việc). Phụ nữ hiện đại, giống đàn ông, cũng bị mắc kẹt trong cùng một xung đột. Bởi thế, nhà trị liệu có thể tìm thấy một trong những nguyên nhân gây gia tăng tình trạng căng thẳng ở nữ giới từ trong căn nguyên chứng rối loạn thần kinh của nam giới. Tuy nhiên về mặt trị liệu, nhà trị liệu không dám bỏ qua thực tế là, phân tâm học trong khi đối xử với phụ nữ chủ yếu như một cá thể, cùng lúc cũng đưa ra ánh sáng “phức cảm nam tính” của cô, hay ít nhất sự gia tăng tạm thời của nó.
Song trong mọi trường hợp, tôi thấy thật sai lầm khi dựa vào những phản ứng nam tính của người phụ nữ để suy luận rằng cô có “phức cảm nam tính”. Vì đối với nhiều phụ nữ, chúng ta không thể đối xử với họ như một đối tượng tính dục tương đương với nam tính, ngoại trừ sự đồng nhất hóa quá rõ ràng với những nhà trị liệu nam giới (những người chiếm số đông cho đến giờ). Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, những phản ứng nam tính trong phân tâm còn có ý nghĩa khác ngoài ý nghĩa lịch sử thuần túy.
Chúng ta biết rằng, thuật ngữ sinh học về nam tính và nữ tính trên thực tế được sử dụng gần như phổ biến để mô tả tính chủ động và bị động, đồng thời cũng được dùng rất thường xuyên để mô tả sự đối lập giữa trí tuệ và cảm xúc. Tôi thường thấy trong những ca trị liệu cho phụ nữ, nam tính thể hiện ra ngay tại điểm bệnh nhân sắp sửa chấp nhận con người nguyên bản của cô, vai trò nữ tính của cô. Nam tính xuất hiện sau đó không chỉ như một phản ứng bù trừ chống lại cái tôi nữ tính, mà còn bởi vì bệnh nhân giờ đây phóng chiếu lên nhà trị liệu ý chí của cô theo đúng nghĩa đen, cái ý chí được chủ động đánh thức bởi liệu pháp năng động, nhằm giúp cô có thể chấp nhận tính thụ động (tính nữ) của mình. Do đó vấn đề không liên quan gì đến phức cảm nam tính, cũng không phải sự đồng nhất hóa với nhà phân tâm nam giới, mà ngược lại, đấy là sự chia tách hoạt động nam tính trong khi phân tâm, nhằm mục đích giúp bệnh nhân chấp nhận vai trò nữ tính của mình.
Trong những chương trước đó, chúng ta đã xem xét khác biệt điển hình trong phản ứng của người nam và người nữ đối với sự chia lìa: Người đàn ông có khuynh hướng phản ứng theo cách hủy diệt, còn phụ nữ theo hướng bảo trì và thủ giữ. Bởi thực tế là, đàn ông nói chung thiên về ý chí hơn (hủy diệt và sáng tạo) trong việc điều chỉnh, thích ứng của mình, còn phụ nữ thì thiên về cảm xúc hơn (bảo tồn và gìn giữ). Sự khác biệt về thái độ giữa hai giới thể hiện ra trong một hệ thống phân loại nhị nguyên các tính cách độc lập và phụ thuộc như chúng ta đã đề cập trước đây. Tất nhiên, vấn đề không đơn giản chỉ là chứng minh cho một khái niệm tổng quát rằng cảm xúc tạo ra sự phụ thuộc và ý chí tạo ra sự độc lập. Tôi chỉ muốn đưa ra một luận điểm rằng: Loại người này không thể lấy loại kia làm lí tưởng, cũng như giới tính này không thể lấy giới tính kia làm mẫu hình lí tưởng cho mình. Giả dụ, chừng nào chúng ta còn cần có những lí tưởng, thì chỉ có thể lấy dạng cực đoan trong cùng loại, cùng giới của mình làm lí tưởng mà thôi. Xung đột yêu ghét nội tại dường như chỉ cho phép điều này diễn ra trong những trường hợp hiếm hoi nhất và dưới những điều kiện đặc biệt thuận lợi. Bình thường, tham vọng lí tưởng hóa này tìm thấy giải pháp của nó với sự trợ giúp của thực tại: Nó cho phép chúng ta nhận ra kiểu người trái ngược, một bản thân lí tưởng đang ngủ quên của chúng ta ở nơi một người khác, và trong những trường hợp thuận lợi thì nó sẽ nằm ở người thuộc giới tính kia. Đây là nguyên mẫu của phản ứng tình yêu trong mọi mối quan hệ giữa con người với con người. Bởi tình yêu bản chất là gì? Bên cạnh sự đáp ứng về mặt tính dục, nó còn bao hàm mọi khả năng bù đắp khác như cảm xúc và xung năng, chủ động và bị động, phẩm hạnh đạo đức, tâm lí và tính cách.
Chúng ta có thể phân biệt những mẫu hình nhân cách khác nhau bằng những mối quan hệ xã hội của họ dựa vào cách họ sử dụng đối phương để bù đắp ra sao. So với những mẫu người khác, loại rối loạn thần kinh phụ thuộc một cách tiêu cực hơn và cũng nhiều hơn vào những người trong mối quan hệ với anh ta. Nhưng bản chất sự phụ thuộc của anh ta xuất phát từ nhu cầu bù đắp phẩm hạnh đạo đức hơn là nhu cầu dục năng, phụ thuộc hoàn toàn hơn là một phần, xuất phát từ ý chí nhiều hơn là cảm xúc. Do vậy người rối loạn thần kinh sẽ gặp những khó khăn rất lớn khi thay đổi, hoặc từ bỏ cái tôi trợ giúp. Bởi như thế nghĩa là, anh ta không chỉ mất đi một con người cụ thể, mà là mất đi sự hỗ trợ về phẩm hạnh đạo đức mà anh tìm kiếm và tìm thấy trong người bù đắp.
Cuộc tìm kiếm bạn đời phù hợp là điều quan trọng nhất đối với mọi người, bởi vì vượt khỏi sự thỏa mãn tính dục, nó giúp chúng ta cân bằng mối liên hệ với thực tại. Và chắc chắn là sự cân bằng quá thành công trong mối quan hệ luyến ái này có thể làm xáo trộn mối liên hệ của một người với phần còn lại của thế giới, và do đó, đến một lúc người ta sẽ thấy sự cân bằng này như một sự giam cầm, ức chế đối với mình. Các nhà thơ thật đúng đắn khi sử dụng biểu tượng cái chết để nói về tình yêu mê đắm đến cực điểm. Bởi yêu là mất đi hoàn toàn tính cá nhân. Con người hiện đại thường hay lạm dụng khẩu hiệu: Hôn nhân phá hủy tình yêu. Thật ra, hôn nhân không phá hủy tình yêu, mà là tiết chế tình yêu để cá nhân có thể sống được với nó. Bởi tình yêu thuần khiết bản chất là giết chết cá nhân trong vai trò một thực thể xã hội, yêu thực sự nghĩa là từ bỏ hoàn toàn tính cá nhân của mình. Thường thì, tình yêu thuần khiết, dễ chịu đấy dường như không đủ mạnh để giúp cá nhân vượt qua nỗi sợ hãi mất đi cái tôi của mình. Và do vậy, chúng ta thấy đến một thời khắc nào đó – với khả năng nhìn thấu suốt chỉ có ở người nghệ sĩ sáng tạo, người ta sẽ nhanh chóng chạy trốn khỏi tình yêu, một cách nồng nhiệt và trọn vẹn như khi người ta tìm kiếm nó.
Bên cạnh những nhìn nhận chung về người rối loạn thần kinh chức năng, loại người sáng tạo và loại người bình thường, chúng ta hãy xem xét thái độ khác nhau giữa đàn ông và phụ nữ đối với bạn đời của họ và với phần còn lại của thế giới.
Về cơ bản, đàn ông có vẻ có khuynh hướng biến phụ nữ trở thành một biểu tượng tư tưởng. Trong khi khuynh hướng của phụ nữ là coi đàn ông như một nửa bổ khuyết thực sự. Nói cách khác, đàn ông phóng chiếu chính mình lên phụ nữ, còn phụ nữ đồng nhất mình với đối phương. Nhìn chung, người phụ nữ có mối liên hệ vật chất cụ thể hơn với cuộc sống, mối liên hệ của người đàn ông thường trừu tượng hơn, mặc dù anh ta rõ ràng phải vật lộn với thực tại khắc nghiệt, trong khi cô ấy được bảo vệ trong mái ấm của mình. Nhưng trong nền văn minh của chúng ta, thực tại khắc nghiệt đối với đàn ông nhìn chung mà nói là một thế giới trừu tượng về mặt tư tưởng, trong khi gia đình và con cái mái ấm đại diện cho những nhiệm vụ rất cụ thể, thực tế và cùng lúc giữ gìn một chút thực tại nguyên sơ. Đối với người đàn ông bình thường mà nói, vợ và gia đình là thực tại duy nhất còn lại đối với anh ta, và có lẽ đấy là một trong những lí do tại sao anh ta rất khó chịu đựng nó và muốn rút vào thế giới ảo tưởng của những tư tưởng.
Mặt khác, người đàn ông sợ đánh mất đối tượng hơn rất nhiều, anh ta sợ mất người phụ nữ của mình; còn như Freud nói, người phụ nữ sợ mất tình yêu. Bởi cô ấy có những thực tại khác trói buộc cô với thế giới, đấy là những đứa trẻ; trong khi người đàn ông càng lúc càng trốn sâu hơn vào một thế giới trừu tượng, và rốt cuộc, anh ta bám vào người phụ nữ như thực tại duy nhất. Trong cảnh huống đấy, người phụ nữ được anh ta chọn có lẽ sẽ cảm thấy thích thú vì được tâng bốc, thậm chí cô cũng có nhu cầu nội tâm là muốn được người đàn ông nâng lên khỏi địa hạt thực tại của mình để tiến vào vùng đất lí tưởng của anh ta. Nhưng tận đáy lòng, cái cô thực sự muốn vẫn là được yêu thương như chính con người cô, nghĩa là như một người phụ nữ, chứ không phải như là một biểu tượng của anh ta.
Vậy, một tình yêu không có lí tưởng và đồng nhất hóa cái tôi có thể đi được bao xa? Hay thậm chí, nó đáng để chúng ta ước ao tới chừng nào? Chắc chắn, mục tiêu của người phụ nữ không phải là được khao khát chỉ như một phụ nữ, hay chỉ đơn thuần là bởi lợi ích tính dục cô mang lại. Thường thì người thấy rằng, tình yêu phải biện minh cho tình dục, và được thiết lập bởi một mối liên hệ thể xác. Cho dù có thế nào, những khó khăn và xung đột trong đời sống tình yêu hiện đại một phần lớn bắt nguồn từ sự giống nhau ngày càng gia tăng giữa hai giới, nó dường như là một hệ quả của việc cá nhân hóa ngày càng gia tăng. Thay vì tìm kiếm một người để bổ khuyết cho bản thân, con người ngày nay chuộng tìm mẫu người giống hoặc tương tự mình, và tính dục vẫn là điểm khác biệt duy nhất phân biệt, là đối tượng của sự xung đột hay sự tránh né.
Một nghiên cứu sâu hơn về đời sống tình yêu cũng làm rõ rằng: Con người phụ thuộc nhiều vào người thống trị họ hơn là người yêu thương họ. Tình yêu, trong những trường hợp bị thống trị, được xem như là bằng chứng cho thấy ý chí thống trị không quá hà khắc hay nghiêm túc, cá nhân sẽ bị trừng phạt vừa đủ để không tự trừng phạt chính mình, và trừng phạt này không phải là cái chết. Một hình thức bù đắp khác mang tính xã hội hơn là công việc, cho dù công việc thỏa mãn hay sáng tạo ra sao. Rất nhiều người ám chỉ đến công việc khi họ nói về một thực tại đau đớn. Nhưng thật ra, nó không chỉ thường xuyên là nguồn thỏa mãn tích cực, mà trong mọi trường hợp đều làm dịu xu hướng tự trừng phạt bên trong mỗi người. Quan điểm quan trọng này mới chỉ xuất hiện gần đây trong phân tâm học. Tuy nhiên phân tâm học vốn cho rằng đời sống công việc của người bệnh có rất ít tác dụng trị liệu, cho dù nó đã có thể có một vai trò quan trọng đối với nhiều bệnh nhân – những người đã là hay đã trở thành nhà phân tâm. Theo tôi, phân tâm học bỏ qua vai trò của công việc, không phải là do định hướng phân tích chiều hướng dục năng, mà dường như ở hướng tâm lí thuần túy của nó. Con người không chỉ là một cá nhân mà còn là một thực thể xã hội và cả hai vai trò này đều quan trọng, ít nhất trong trị liệu. Mục tiêu của phân tâm học nhằm đạt được sự cân bằng thuần túy về mặt tinh thần là một lí tưởng không những nằm ngoài tầm với mà còn sai lệch.
CHỮA LÀNH: THỰC TẠI LÀ LIỆU PHÁP HỮU HIỆU NHẤT
Xét cho cùng, những yếu tố xã hội bất kể chúng xâm chiếm, chi phối cá nhân ra sao, thì rốt cuộc vẫn là những yếu tố duy nhất mang đến hiệu quả trị liệu. Chúng là những yếu tố giúp cá nhân khách thể hóa các xung đột nội tâm và xung đột tư tưởng bản nguyên của anh ta. Người ta cần đến những con người và tình huống nằm ngoài bản thân mình. Vấn đề của loại người rối loạn thần kinh là anh ta không thể tận dụng các tình huống này, bởi anh ta không hiểu làm thế nào để phân tách, phân hóa, cân bằng mà buộc phải toàn thể hóa hay phủ nhận mọi tình huống, mọi mối liên hệ, thậm chí mọi hành động.
Nếu một người tiếp cận cuộc sống cầu toàn đến mức muốn nhận mọi thứ từ người khác hay từ hoàn cảnh thì đồng nghĩa là anh ta cũng phải vỡ mộng ở mức độ đó. Cũng như, anh ta sẽ phải phủ nhận toàn triệt nếu anh ta hoàn toàn không đón nhận lấy thứ gì từ bên ngoài, và anh ta sẽ phải tìm và làm mọi thứ bên trong chính mình. Người ta phải có khả năng đón nhận và trao đi những thứ khác nhau trên các phương diện khác nhau của đời sống, nghĩa là chịu đựng được sự phụ thuộc. Nhưng sự phụ thuộc này sẽ được nhìn nhận khác đi khi người ta thấy bản thân mình là một phần của một toàn thể rộng lớn hơn, thay vì là một toàn thể không bị phân chia và không thể phân chia. Khả năng phân chia chính mình là một kĩ năng cần phải học, nếu không người ta sẽ chỉ là đánh đu từ thái độ này sang thái độ khác, từ cực đoan này tới cực đoan kia, và cho dù sống một cách năng suất hiệu quả ra sao thì người ta vẫn luôn đau khổ mỏi mệt.
Mặt khác, còn có một nguy cơ đấy là người ta có thể trộn lẫn hoặc tráo đổi, thay thế những phương diện đã phân chia từ bản thân mình với người khác. Tôi đã thấy những ca trong đó cá nhân muốn đối xử với mọi người như những hệ tư tưởng của riêng anh. Những người được gọi là chuyên nghiệp hay chuyên gia không bao giờ rời khỏi vai trò xã hội của họ, họ là những cái tôi thực sự mạnh mẽ, họ phong bế chính mình trong nghề nghiệp của mình và rồi diễn giải thế giới qua con người chuyên môn này. Cũng có những mẫu người sống quá tự do và nhẹ nhàng, họ chưa bao giờ bộc lộ cái tôi đích thực của mình, ngay cả với chính họ. Trong khi trị liệu, nhà trị liệu cũng có nguy cơ là tìm hiểu về bệnh nhân chỉ từ một phía, và đấy không phải lúc nào cũng là phương diện tốt nhất. Có những người luôn che giấu một phần cái tôi của mình, nhằm giữ lại những điều tốt nhất cho bản thân. Nhà trị liệu có thể mô tả những người loạn thần kinh là những người có tính giấu giếm bản thân, và sự cải biến thái độ này trong trị liệu sẽ mang đến một phần tác dụng trị liệu. Mặt khác, quá trình trị liệu với tất cả sự trung thực của nó vẫn mang lại cơ hội phong phú cho cá nhân trong trò chơi trốn tìm, vì cái tôi bí mật luôn tự phóng chiếu chính nó lên nhà trị liệu và phải được diễn giải qua nhà trị liệu.
Con người vốn có một ác cảm cố hữu về việc đóng hai vai (thậm chí nhiều vai), trong khi về bản chất, con người ở trong trạng thái nhị nguyên đến mức anh ta không thể sống chỉ với một vai duy nhất. Liệu pháp tư tưởng của phân tâm học với sự cân bằng tinh thần của nó, củng cố quan điểm về hợp nhất cá nhân, thay vì, nói một cách ẩn dụ, để anh ta đứng trên hai chân. Đời sống nghề nghiệp và đời sống riêng tư, công việc và nghỉ ngơi vốn là những khía cạnh bổ sung cho nhau, thực sự buộc con người hiện đại phải thay đổi các vai trò. Điều đó có vẻ tầm thường sáo rỗng, nhưng với tôi, nó thực sự đáng lưu tâm. Hãy bỏ qua hết những chi tiết phân tâm, những thuật ngữ tâm lí hay ho mà có lẽ sẽ có giá nào đấy trong phòng thí nghiệm, song lại vô dụng trong trị liệu. Xét cho cùng, đời thực là liệu pháp duy nhất.
Chúng ta phải học CÁCH SỐNG: Cách sống với sự chia rẽ của mình, xung đột trong mình, mâu thuẫn tư tưởng trong mình. Đấy là những tình trạng không liệu pháp nào có thể loại bỏ, vì nếu có thể làm điều đó, nó cũng sẽ tước đoạt luôn cả nguồn sống, động lực sống thực sự của chúng ta. Càng thực sự chấp nhận mâu thuẫn trong mình, con người càng có thể sử dụng cuộc sống và những khả năng của cuộc sống nhiều hơn. Nếu chúng ta học được cách sống hòa hợp với cái tất yếu, với những điều không thể tránh được trong chính mình, thì chúng ta cũng có thể chấp nhận thực tại như nó là. Đây không phải là sự chấp nhận xuôi theo số phận và mang tính thụ động, mà là sự chủ động chấp nhận và tận dụng để kiến tạo.
Rốt cuộc, mọi thứ phụ thuộc vào thái độ của một người trước những gì đã được cuộc sống này trao cho, và quan trọng là thái độ với chính bản thân mình. Suy cho cùng, trị liệu chỉ có thể cố gắng giúp chúng ta có được một thái độ mới đối với bản thân, giúp chúng ta có một đánh giá mới về bản thân trong mối liên hệ với quá khứ, và có một sự cân bằng mới trong mối quan hệ với thực tại, thông qua thực tại. Bởi:
Thực tại là liệu pháp duy nhất