Rabbis nói: “Cái chết và sự chào đời là giống nhau. Một đứa trẻ trong tử cung của mẹ nó biết rằng sau một thời gian, nó sẽ phải rời khỏi nơi này. Với đứa trẻ, ấy dường như là điều đau khổ nhất. Nó đang rất thoải mái trong cái bọc bao quanh và bảo vệ nó khỏi mọi tác động bên ngoài. Lúc phải chia lìa, nó hoảng sợ nhìn những lớp vỏ bảo vệ rách ra từng mảnh, và tin rằng giây phút chết đã đến. Nhưng thời khắc rời bỏ thế giới bé nhỏ này của nó đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc sống cao quý hơn, đẹp đẽ hơn, hoàn hảo hơn. Cho đến khi một giọng nói lần nữa vang lên bên tai nó tuyên bố: Con phải rời khỏi thế gian, cũng như khi con rời khỏi bụng mẹ. Hãy rũ bỏ cái vỏ trần thế này, con phải một lần nữa chết, và một lần nữa bắt đầu SỐNG” (Trích từ Talmud)
- Arsene Darmesteter -
Sự dứt khỏi mối quan hệ trị liệu báo hiệu cho việc bệnh nhân tách khỏi một phần cái tôi, cái tôi này vốn đặc tính của nó là cái tôi hỗ trợ. Chúng ta có thể hiểu sự chia lìa này trong hệ biểu tượng khai sinh, và rõ ràng thấy nó giống như là sự chia lìa khỏi người mẹ thưở chào đời. Freud quan sát các biểu tượng chia lìa và giải thích nó như là các tác động của một phức cảm nào đó trong quá khứ, được hiểu rõ hơn dưới góc nhìn chung về sự phân tách bản ngã: (i) Đối với người nam, liên quan đến phức cảm thiến hoạn, Freud thấy phản ứng trước sự kiện chia lìa của người đàn ông là điển hình, biểu thị một phần cái tôi thực sự, chứ không phải phần cái tôi sinh học của người mẹ, cũng không phải cái tôi hỗ trợ về mặt tâm lí, và do đó bị xem là “rối loạn thần kinh” bởi vì phản ứng này có tác dụng tiêu cực với bản thân. (ii) Tương tự, Freud đã mô tả phản ứng điển hình của người nữ trước sự chia tách là mong muốn sinh một đứa con cho cha mình và kết luận đấy là rối loạn thần kinh, bởi vì đấy là phản ứng theo kiểu tội lỗi thơ ấu về tính dục. Còn tôi cho rằng, phản ứng đối với giai đoạn cuối cùng trong trị liệu đại diện cho sự khai sinh của chính bệnh nhân, và với giới nào cũng vậy. Theo đó chúng ta sẽ có cái nhìn phổ quát hơn, trong đó ta sẽ thấy được các yếu tố mang tính kiến tạo nhân cách, mà mô tả của Freud không cho thấy được. Tất nhiên, sự khác biệt này không phải do chất liệu để quan sát khác nhau, mà bởi phương pháp kĩ thuật khác nhau. Bên cạnh sự khác nhau trong diễn giải, thì Trị liệu phân tâm của Freud và Trị liệu ý chí của tôi còn khác nhau ở một điểm căn bản, đấy là kĩ thuật dàn dựng hồi kết. Với kĩ thuật này, phản ứng chào đời nơi bệnh nhân đã hiển lộ.
DÀN DỰNG HỒI KẾT (1): THỜI KHẮC LỰA CHỌN ĐÃ ĐẾN, TÔI-SẼ-LÀ-AI
Một lần nữa chúng ta thấy sự khác nhau giữa liệu pháp tư tưởng và liệu pháp năng động. Dàn dựng hồi kết ban đầu vốn là một biện pháp trị liệu đơn thuần là để rút ngắn thời gian điều trị, cùng lúc thúc đẩy những khuynh hướng kiến tạo tích cực ở cá nhân.
Liệu pháp tư tưởng của Freud sử dụng hệ biểu tượng thiến hoạn và đứa trẻ để hiểu về sự chia lìa, bất kể những biểu tượng này được bệnh nhân dùng thường xuyên trong suốt đợt phân tâm hay không, hay bất kể phản ứng kết thúc của anh ta có được giải thích như vậy về mặt lí thuyết hay không. Theo đà đấy thì Freud thậm chí đã có thể diễn giải phức cảm thiến hoạn vào giai đoạn cuối như là ước nguyện bỏ lại thứ gì đó, hòng chuộc lại tự do cho chính mình – đổi một phần cái tôi để giữ được toàn bộ phần còn lại. Còn ở người nữ, mục đích đấy được thể hiện qua ước nguyện hạ sinh một đứa trẻ. Mặt khác, đứa trẻ cùng là thứ mà người phụ nữ nhận được từ người đàn ông, là thứ cô mang cùng theo bên mình, đấy là một biểu tượng của sự hợp nhất. Và do đó, cả hai hệ biểu tượng thiến hoạn và đứa trẻ dường như chỉ có thể thực hiện được vào giai đoạn cuối của một cuộc phân tâm, và cuối cùng nó vẫn chưa thành công trong việc giúp bệnh nhân vượt qua mặc cảm tội lỗi và khuynh hướng cứu chuộc mình khỏi tội lỗi ấy. Nếu nhà trị liệu diễn giải những phản ứng đấy của bản ngã theo hướng dục năng như Freud đã làm, thì tôi chắc chắn nó không thể mang tính kiến tạo nào, trừ phi chính bệnh nhân có đủ khuynh hướng tích cực mạnh mẽ để tự mình thoát khỏi tình cảnh tiến thoái lưỡng nan này.
Biểu tượng khai sinh rõ ràng được khơi gợi bởi phương pháp sắp đặt hồi kết của Liệu pháp Ý chí. Nó là một bước tiến dài, ít nhất ở lĩnh vực liệu pháp năng động. Cùng lúc đó, quan niệm thô sơ ban đầu của tôi về biểu tượng khai sinh đã được tinh chỉnh, và đã trở nên hiệu quả hơn trong trị liệu. Tuy nhiên, nhìn từ một khía cạnh, ngay từ đầu biểu tượng khai sinh trên phương diện trị liệu mà nói đã khác biệt với lối diễn giải của liệu pháp phân tâm về phản ứng cuối cùng. Ở chỗ, tôi công nhận rằng, sự chia lìa đấy mang tính kiến tạo, bởi phần cái tôi bị tách ra, bất kể là người mẹ sinh học hay cái tôi hỗ trợ, đều sẽ trở thành thế giới bên ngoài.
Biểu tượng khai sinh cũng có điểm phân biệt với sự ra đời thực tế, ở chỗ:
(i) Liệu pháp năng động chuyển hóa một con-người vốn luôn trong trạng thái hoàn toàn phôi thai – như đã thấy ở người rối loạn thần kinh, thành một cái tôi cực kì khác biệt. Cái tôi khác biệt này phản ứng với chấn thương sinh nở một cách kiến tạo và không còn ở thế bị động, bất lực giống như đứa bé sơ sinh xưa kia nữa. Phản ứng mang tính kiến tạo này là bởi sự chia lìa không còn bị xem như là mất đi bản ngã nữa, mà được cá nhân sử dụng cho việc làm phong phú bản ngã của mình. Từ đó, cá nhân có thể phản ứng ở mức cảm xúc cao hơn trong quá trình phát triển bản ngã, thay vì ném toàn bộ con người mình vào mỗi phản ứng. Đồng thời, năng lực chịu đựng cảm xúc chấn thương kia – điều mà đứa trẻ sơ sinh xưa kia không có được, đã giúp cho nội tâm trở nên trọn vẹn, bù đắp cho phần mất mát chia lìa.
Tuy nhiên, điều này chỉ khả thi khi cảm giác tội lỗi không bị ức chế về mặt tư tưởng, mà trở thành một nhân tố sáng tạo tích cực giúp trị liệu hiệu quả. Nếu cảm giác tội lỗi này bị ức chế, thì trong giai đoạn chia lìa này, tất cả các phản ứng của giai đoạn miệng, hậu môn và bộ phận sinh dục104 đều xuất hiện như là các triệu chứng của cảm giác tội lỗi vẫn còn lởn vởn nhằm mục đích trả giá và chuộc lại tự do. Phản ứng đấy của người rối loạn thần kinh là một thái cực, ở một thái cực khác, cá nhân phản ứng bằng toàn thể cái tôi của mình và cảm thấy mình hoàn toàn bị lạc lõng khi phải chia lìa. Nói cách khác, bệnh nhân phải học được trong quá trình trị liệu rằng, sống là một quá trình trải nghiệm từng phần, chết cũng vậy thôi. Rằng không phải mọi trải nghiệm lúc nào cũng nhất thiết là trải nghiệm sau cuối, mà có thể xem như là từng chương từng hồi trong bộ phim dài tập của cuộc sống
(ii) Khía cạnh thứ hai phân biệt phản ứng chia lìa trong trị liệu với tình huống sinh nở thực tế là: Trong liệu pháp năng động, bệnh nhân đã học được cách thấu hiểu rằng việc từ bỏ đấy chỉ làm mất đi cái tôi loạn thần kinh cũ của anh ta – cái mà anh đã đồng nhất với quá trình trị liệu trong suốt chặng đường điều trị.
104 Xem thêm lí thuyết của phân tâm học về 5 giai đoạn tâm lí tính dục, bao gồm: giai đoạn miệng, hậu môn, dương vật, tiềm tàng và sinh dục. Tham khảo chú thích 16 cuối sách.
Tất nhiên, điều này cũng chỉ có thể thành công nếu nhà trị liệu thực hiện nhất quán vai trò cái tôi hỗ trợ của mình. Ông ấy không chỉ tiêu biểu cho lí tưởng, cho cái tôi năng động sáng tạo của bệnh nhân, cho ý chí hướng đến sự lành mạnh, mà còn để bản thân trở thành người đại diện cho những khuynh hướng rối loạn thần kinh trong anh ta, là những thứ mà bệnh nhân bỏ lại trên con đường đi đến chữa lành và khỏe mạnh. Bởi ở một mức nhất định, nhà trị liệu luôn biểu trưng cho cả hai khía cạnh nhân cách này trong một cá nhân: tích cực và tiêu cực. Và rõ ràng là bệnh nhân, vào lúc kết thúc trị liệu, hoàn toàn có khả năng bỏ lại cái tôi tích cực đích thật kia, thay vì bỏ lại cái tôi loạn thần kinh giả ngụy, và bỏ đi với con người loạn thần kinh đấy của anh ta.
Bản thân cái tôi cũng phân chia làm hai gương mặt: một là nhân cách nhà trị liệu, cái sẽ trở thành thực tại khách quan; mặt còn lại – cái tôi của chính mình, sẽ trở thành thực tại nội tâm, nghĩa là một cái có năng lực sống, là kết quả đỉnh điểm của hoạt động trị liệu. Thấu hiểu được điều này, chúng ta sẽ đoán định được kết quả thực tế của trị liệu.
(i) Với người rối loạn thần kinh: Cái tôi cũ không chỉ là cái tôi của giai đoạn ban đầu trong quá trình phát triển mà còn là của toàn bộ nhân cách, nó vẫn tiếp tục sống thực sự. Tuy nhiên, sự “mê đắm” này không phải dục năng, mà nó được tạo ra bởi nỗi sợ, bởi sự cố phủ nhận cuộc sống, chối từ sự lớn lên và trưởng thành hòng né tránh cái chết. Cá nhân có nhiều cách khác nhau để cố phóng thích con người cũ này cùng với cái tôi hiện tại của anh. Cơ chế phòng vệ hòng chống lại cái tôi cũ được xem là rối loạn thần kinh, nó bao gồm sự dồn nén hoặc phủ nhận. Về mặt tâm lí mà nói, sự dồn nén và phủ nhận đấy giống như hành động giết chết, nghĩa là làm cho cái tôi cũ biến mất, không-còn-tồn-tại.
(ii) Với một người có ý chí đặc biệt mạnh mẽ: Cái tôi cũ vốn không muốn chết, và cùng lúc đấy, nó giữ cái tôi hiện tại tránh xa khỏi cuộc sống. Cuộc chiến với cái tôi cũ đấy có thể dẫn đến những nỗ lực giết người thật sự, xuất hiện dưới dạng khuynh hướng tự sát. Với tôi, hành động tự sát thật ra chỉ là một dấu hiệu của sức mạnh ý chí, dù nó chỉ ngắn ngủi trong phút chốc. Kinh nghiệm cũng cho thấy rằng, những người có ý chí mạnh mẽ thường có xu hướng tự tử, những người rối loạn thần kinh cũng vậy. Bởi xét cho cùng, cũng chỉ những người có xung đột dữ dội đấy mới có thể mắc chứng rối loạn thần kinh thực sự. Trong mọi trường hợp, chúng tôi đều ngầm đưa ra giả định này khi chúng tôi sẵn lòng nỗ lực trị liệu cho những con người đấy.
Quan sát từ các ca có khuynh hướng tự sát trong khi điều trị, tôi chắc chắn rằng: Về mặt tâm lí học, khuynh hướng tự sát liên quan đến một giai đoạn trong cuộc tranh đấu giữa hai mặt của tính cách. Nó không đơn thuần chỉ là bởi một mặt của cái tôi chiếm ưu thế hơn mặt kia, mà còn muốn giết chết mặt kia để rồi hoàn toàn giải thoát khỏi nó105. Tùy theo từng cá nhân mà sự tự sát này có thể liên quan đến: (i) hoặc là cái tôi “cũ” cản trở sự phát triển của cái tôi mới; (ii) hoặc cái tôi “xấu” bị cái tôi đạo đức phẩm hạnh chê trách lên án. Trong bất kì tình huống nào, hiểu về các khuynh hướng tự sát trong giai đoạn cuối của cuộc phân tâm, ngay cả khi nó bị coi như một mối đe dọa, chúng ta đều có thể thấy chúng có một ý nghĩa kiến tạo, đấy là điều rất quan trọng trong trị liệu. Chúng ta có thể chắc chắn rằng, tự sát luôn là một hành động của ý chí chống lại chính bản thân người đấy, và vì thế, nó mang tính hủy hoại nhiều hơn. Nhưng chúng ta có thể sử dụng khuynh hướng ý chí tiêu cực này cho mục tiêu kiến tạo, nếu chuyển hướng nó chống lại cái tôi rối loạn thần kinh được phóng chiếu lên nhà trị liệu.
105 Xem Der Doppelgänger (1914) để tìm hiểu các bài viết của tôi cho đề tài này.
Những nguy cơ tự tử tiềm ẩn như vậy thật ra không nguy hiểm nếu nhà trị liệu có thể hiểu đúng về chúng. Chừng nào cá nhân vẫn phải trừng phạt bản thân theo kiểu rối loạn thần kinh thì sẽ không có vụ tự tử nào xảy ra cả, bởi cuộc sống mang đến cho anh ta những hình phạt còn khắc nghiệt hơn. Chỉ khi người đấy muốn sống, nghĩa là có sức mạnh và lòng can đảm để sống mà vẫn chưa thể, thì anh ta mới đủ mạnh mẽ để giết chết cái tôi lành mạnh – vốn thà chết chứ không chịu chấp nhận trạng thái sống dở chết dở. Tất nhiên, nếu bệnh nhân đe dọa tự tử, nghĩa là nhà trị liệu chẳng thể chữa lành cho anh ta. Nhưng ngay cả khi ấy, anh ta cũng muốn chứng tỏ rằng anh ta có thể tự làm điều đó, tự chữa lành cho chính mình. Do vậy, có lẽ ở giai đoạn cuối – như chúng tôi đã chỉ ra, anh ta sẽ bỏ lại cái tôi lành mạnh ở đó và mang cái tôi bệnh hoạn đi. Về mặt tâm lí học mà nói, điều đấy cũng chẳng khác nào giết chết chính mình. Nhìn từ khuynh hướng tự hủy diệt bản thân, hành động đấy thực ra chính là tự sát, chứ không chỉ đơn thuần là một cố gắng tự sát nữa.
Còn với loại rối loạn thần kinh, khi cái tôi cũ tiếp tục sống với chứng rối loạn thần kinh của mình ở hiện tại, sự phát triển của chúng ta sẽ bị ức chế bởi nỗi sợ sống. Nó cho thấy sự bất lực của cá nhân, bất lực đến độ không thể để cho một phần đang sống của mình chết đi, biến mất đi. Sự ức chế này thường đem đến ấn tượng về sự tự trừng phạt, chẳng hạn như trong những giấc mơ đau khổ mà hẳn nhiều người từng nếm trải, trong đấy một người thành đạt thấy mình rơi trở lại vào một cảnh huống khó chịu trong quá khứ. Sở dĩ nó đau khổ, không phải vì bản thân tình huống đấy khiến người ta đau khổ, mà bởi vì nó đã qua đi, nó mang người ta trở lại một giai đoạn sống trước đấy của người ta. Giống như Polycrates, cái tôi đã đánh đổi sự thành công nhằm tránh khỏi lưỡi hái thần chết, hoặc ít nhất trì hoãn cái chết. Có những ca mà sự phát triển bị ức chế bởi nỗi sợ sống tương tự như thế, nhưng chúng ta thấy tương đối ít xung đột, mặc dù cũng có các triệu chứng của xung đột. Ngược lại, người rối loạn thần kinh chứa đầy xung đột, anh ta vốn đã ở trong cuộc đấu tranh với cái tôi cũ, hòng cố tìm cách giải thoát mình khỏi cái tôi cũ một cách triệt để.
Cuộc khủng hoảng rối loạn thần kinh điển hình dường như bùng phát ở một tuổi nhất định, khi nỗi sợ sống – vốn ức chế sự phát triển của bản ngã – gặp phải nỗi sợ chết ngày càng gia tăng trong quá trình phát triển và trưởng thành. Để rồi, cá nhân cảm thấy bị thúc bách bởi nỗi hối tiếc đã lãng phí cuộc sống và khát khao muốn lấy lại nó. Nhưng nỗi sợ hãi thôi đẩy người ta về phía trước này giờ đây là nỗi sợ chết: Nỗi sợ chết đi khi mà còn chưa được sống, và ngay trong lúc ấy, nỗi sợ này vẫn luôn bị kiểm soát bởi nỗi sợ sống.
DÀN DỰNG HỒI KẾT (2): TÔI CÓ DÁM TỪ BỎ CON NGƯỜI CŨ CỦA MÌNH HAY KHÔNG
Hãy xem, làm thế nào hoàn cảnh trị liệu giúp đỡ cá nhân trong tình huống tiến thoái lưỡng nan này: Hoàn cảnh trị liệu tạo ra cho bệnh nhân một tầng mức gọi là “kịch-trường”, nó tạo ra một sự phân biệt tương đối khó nhận thấy so với tầng mức đời sống thực tế. Mà dần dần, và ở trong kịch trường đấy, anh ta học cách sống với từng phần cái tôi của mình, anh ta bắt đầu trải nghiệm sự phân hóa cảm xúc trong từng cảnh huống. Trải nghiệm cảm xúc ấy mang đến một sự cân bằng nội tại mà anh hằng mong. Quan trọng hơn nữa là, nó giúp anh ta tiếp cận được ý chí của mình, chạm đến những xung lực dưới dạng sức mạnh thúc đẩy, thay vì sợ hãi chúng. Tôi nhắc lại, đây không phải là đời sống bản năng mà phân tâm học muốn đưa anh quay trở lại, mà là Ý Chí. Anh ta sợ đời sống bản năng, đơn giản vì anh ta không thể chế ngự, điều khiển nó theo ý mình muốn. Do đó, khai mở cái ý chí đấy của anh ta là tác nhân trị liệu cốt yếu.
Tuy nhiên, ý chí này không chỉ có vai trò thôi thúc, mà còn có khả năng chế ngự. Bằng hoạt động kiến tạo của mình, nó không chỉ chi phối thực tại, mà còn tổ chức và điều hướng đời sống của những xung năng bên trong mỗi người. Với sự đánh thức ý chí và khẳng định ý chí này, anh ta sẽ không còn phải phóng chiếu cái tôi bốc đồng hoặc bị ức chế của mình lên nhà trị liệu hay gia đình nữa. Bởi ý chí khi ấy hiện thân cho sức mạnh hợp nhất duy nhất trong cá nhân. Về mặt này, người rối loạn thần kinh, những người bị chế ngự bởi các xung năng và bị kiềm tỏa bởi nỗi sợ, luôn trong trạng thái phân li, luôn trong xung đột, cái tôi này chống lại cái tôi kia và không có bất cứ sự điều hướng nào cả. Đúng là sự sáng tạo cũng gây ra xung đột, nhưng chỉ riêng sự sáng tạo thôi cũng ngụ ý rằng, ít nhất có những lúc người ta tập hợp tất cả các lực lượng, các sức mạnh nội tại lại với nhau và tổ chức chúng, điều hướng chúng đến một hành vi chung nào đấy.
Xung đột ý chí, mà cá nhân về căn bản phải chịu đựng, giờ đây với tôi dường như là vấn đề quan trọng nhất trong giai đoạn cuối của trị liệu. Trong giai đoạn này, xung đột đấy biểu hiện ra với đầy đủ sức mạnh và thể hiện đầy đủ ý nghĩa của nó. Nếu như trong giai đoạn đầu tiên của trị liệu, khi bệnh nhân phóng chiếu ý chí tích cực của mình lên nhà trị liệu, đấy sẽ được tính là thành công. Thì trong các giai đoạn cuối, anh ta tự mình đảm nhận vai trò đấy (vai của nhà trị liệu) và giờ đây anh ta thấy nhà trị liệu là một cản trở căn bản đối với tự do ý chí và biểu đạt ý chí của mình. Xung đột ý chí nội tại biểu hiện ra ở đây thậm chí còn rõ ràng hơn so với trong quá trình điều trị, và nó biểu hiện ra như một xung đột ngoại tại giữa sự phụ thuộc vào nhà trị liệu và mong muốn độc lập. Trong đó khuynh hướng độc lập dẫn đến những phản ứng ý chí, nhu cầu phụ thuộc, những phản ứng tội lỗi. Cuộc xung đột giữa những cảm xúc này nhất định phải được quy gọn về xung đột ý chí và tội lỗi bên trong nội tâm bệnh nhân, còn xung đột giữa sự phụ thuộc và mong muốn độc lập chỉ là cái lớp vỏ bên ngoài mà thôi, và nỗi hoài nghi của bệnh nhân về việc trị liệu cũng chỉ là một biểu hiện của nó. Bởi bất kể các triệu chứng có xuất hiện trở lại hay không, bệnh nhân vẫn luôn cảm thấy hoài nghi trong giai đoạn cuối này, về việc liệu anh ta đã được chữa lành hay chưa. Trong thực tế nhà phân tâm học theo lối Freud thường cũng thấy hoài nghi như vậy, thế nên ông ấy có khuynh hướng giải quyết hoài nghi đó bằng cách kéo dài việc trị liệu.
Đối với bệnh nhân, câu hỏi liệu mình đã được chữa lành hay chưa chủ yếu là để hợp lí hóa xung đột giữa độc lập và phụ thuộc, mà đằng sau đấy một lần nữa lại ẩn chứa vấn đề ý chí và tội lỗi. Một trong những bệnh nhân của tôi đã giải quyết vấn đề này bằng một chuyến viếng thăm tình cờ sau một thời gian kết thúc trị liệu. Anh ấy nói, anh ấy giả bộ rằng mình chưa hề trải qua cuộc trị liệu nào cả, chưa từng phân tâm gì hết, bởi nếu không anh sẽ phải luôn tự hỏi mình đã được chữa lành hay chưa.
Nếu câu hỏi về việc được chữa lành hay chưa, đối với bệnh nhân mà nói, trở thành một biểu tượng cho xung đột ý chí của anh ta, thì nhà trị liệu phải hiểu điều đấy và chia sẻ với bệnh nhân. Rằng không hề có chuẩn mực nào cho cái gọi là “chữa lành” trong liệu pháp tâm lí, và có lẽ không hề có “chữa lành” theo nghĩa y học là loại bỏ một nguyên nhân gây rối loạn. Tuy nhiên, trong liệu pháp năng động, chúng ta sẽ đưa ra một tiêu chí để kết thúc trị liệu, kết luận kịp thời và chính xác của liệu pháp là công cụ trị liệu thiết yếu, quan trọng nhất. Bởi tác nhân trị liệu thực sự chính là giải phóng khuynh hướng sáng tạo trong cá nhân, và cho phép anh ta sử dụng khuynh hướng sáng tạo đó trong việc tạo ra, chuyển hóa và vô hiệu hóa mãi mãi mối quan hệ trị liệu – mối quan hệ mà trước đấy vốn tượng trưng cho cái tôi, thậm chí cho phần bệnh hoạn rối loạn thần kinh của cái tôi đấy. Tuy nhiên, điều đấy chỉ khả thi nếu như từ ban đầu, thói quen của cái tôi sáng tạo năng động được trao cho, được chia sẻ, hay cho phép với bệnh nhân, để đến cuối cùng anh ta phản ứng bằng chính sự sáng tạo tích cực đấy. Anh ta làm nó bằng hình thức nào, nghĩa là nội dung và động cơ cá nhân của anh ta là gì thật ra không quan trọng bằng thái độ đúng đắn của anh ta. Việc tự bản thân sáng tạo nên vai trò của mình là một trải nghiệm mang tính trị liệu thật sự, bởi mỗi trải nghiệm đều là sáng tạo. Nhưng bệnh nhân không bao giờ có thể thấy trước được điều này, bởi vì anh ta chưa có khả năng trải nghiệm. Bên cạnh đấy, phần lớn bệnh nhân đến trị liệu với ít nhiều ý tưởng rõ rệt về việc giải phóng những trải nghiệm buồn rầu, phiền muộn, khổ sở của cuộc sống trước đấy. Liệu pháp tư tưởng của phân tâm cũng thường có cách nhìn giống vậy.
Liệu pháp năng động mang đến cho bệnh nhân một trải nghiệm mới, thay vì xoa dịu những nỗi đau cũ. Đến một lúc nhất định, nỗi đau cũ tổn thương xưa rốt cuộc cũng được “giải thoát”, được trị liệu. Đấy là bởi trải nghiệm mới khiến việc giải phóng kia trở nên khả thi. Nói chung, nhà trị liệu nên cẩn thận với chính mình trước “mong muốn giải tỏa, xoa dịu”. Bởi ở góc độ tâm lí mà nói, không gì có thể được xoa dịu một lần mà chấm dứt mãi mãi, ít nhất là trong toàn bộ quá trình trị liệu. Cũng giống như sự kiện chào đời, những trải nghiệm mới này đại diện cho khởi đầu của một cái mới, hơn là kết thúc một điều cũ. Và do vậy cá nhân cũng có thể được chịu đựng được tốt hơn, bởi nó không phải là cuối cùng, là kết thúc, là chấm hết.
DÀN DỰNG HỒI KẾT (3): TÔI CÓ DÁM SỐNG VỚI CON NGƯỜI MỚI CỦA MÌNH HAY KHÔNG
Dàn dựng hồi kết, do đó, không có mục đích kết thúc trải nghiệm trị liệu, mà đẩy mạnh và tăng cường sức mạnh của trải nghiệm đấy. Câu hỏi thường xuyên được đặt ra: Làm cách nào nhà trị liệu biết được khi nào là thời điểm để kết thúc trị liệu? Câu trả lời được đưa ra trong liệu pháp năng động.
Những nhà phân tâm học từng thử qua phương pháp dàn dựng hồi kết, họ thấy rằng nó khó khăn và khó thành công. Họ giải thích bởi thực tế là các yếu tố linh động của dàn dựng hồi kết không có bất cứ mối liên hệ nào với liệu pháp tư tưởng. Thì rõ ràng là bởi vì liệu pháp tư tưởng vốn luôn đánh giá một cách định lượng dựa vào những biểu hiện bên ngoài của ý chí, và không thể biến những sức mạnh năng động của nó trở thành một tiêu chí độc lập với những gì nó biểu hiện ra trên bề mặt. Thường thì bệnh nhân có thể đưa ra quyết định thậm chí còn tốt hơn nhà phân tâm, ít nhất dựa theo cảm tính của anh ta. Và do vậy, từ một khoảnh khắc nào đấy trở đi, anh ta sẽ ít nhiều phản bội lại mong muốn tự lệ thuộc của mình. Liệu pháp tư tưởng của phân tâm học không thể nhận ra khoảnh khắc này, hoặc không thừa nhận nó, càng ít sử dụng đến nó hơn. Lí do chính có thể tóm tắt lại ngắn gọn như sau:
• Cái tôi của bệnh nhân vốn có thể biểu hiện ra tiêu cực cũng như tích cực. Tuy nhiên, phân tâm học lại diễn giải việc củng cố và tiếp thêm sinh lực cho cái tôi trong bệnh nhân đơn thuần như là sự “phản kháng” hoặc “ước nguyện”, mà không thấy được sức mạnh thật sự nào của nó.
Trong khi đó, liệu pháp năng động thấu hiểu rằng, cả phản kháng lẫn ước nguyện đều là các biểu hiện ý chí của một cái tôi được củng cố, và do đó có thể được sử dụng để kiến tạo trong trị liệu.
• Phân tâm học thấy và diễn giải sự chống đối của bệnh nhân với cuộc phân tâm như là sự phản kháng, cùng với giả định ngầm rằng cá nhân đang chống đối nhà phân tâm, hay hệ tư tưởng (có thẩm quyền) mà ông đại diện cho nó. Trong đấy, phân tâm học cũng ngụ ý rằng, đấy là sự phản kháng đối với quyền lực người cha của bệnh nhân.
Nhà trị liệu phải biết rằng, thật ra theo cách phản kháng đấy, bệnh nhân đang vật lộn với chính mình để có được sự tự do nội tại bên trong mình. Vậy thì, liệu pháp ý chí sẽ thấy rằng, việc phản kháng lại những gì đang xảy ra tại một thời điểm nhất định trong quá trình trị liệu trở thành tiêu chuẩn đầu tiên và quan trọng nhất cho sự hồi phục. Sau đó, bệnh nhân được nhận đủ sức mạnh từ nhà trị liệu để tấn công trở lại ông. Đấy là một tình huống trái nghịch nhưng không quá bất thường. Giống như bài kiểm tra sức mạnh điển hình của người anh hùng mà chúng ta vẫn thấy nguyên mẫu trong các thần thoại, với hành động mang tính biểu trưng đấy là giết chết người đã khai sinh ra anh.
Do vậy, trong liệu pháp năng động, dàn dựng hồi kết mang ý nghĩa như là: Một sự kích thích khuynh hướng kiến tạo sự độc lập của bệnh nhân – thái độ mà ngay từ lúc đầu họ đã được khuyến khích. Qua đó, ít nhất bệnh nhân tránh được việc lạm dụng hoàn cảnh trị liệu – cái hoàn cảnh mà hẳn nhiều lần anh ta đã muốn thoái lui, nhất là khi nó đặt lên anh những đòi hỏi cảm xúc quá lớn.
Cũng vậy, nhà trị liệu không nên mù quáng chỉ trích phản kháng của bệnh nhân. Thay vào đó, ông ấy phải cân nhắc xem xét phản kháng đấy cẩn thận, để xem:
• Phải chăng anh ta có đang chịu sự cưỡng ép từ liệu pháp tư tưởng hay không?
• Anh ta có đúng khi rút khỏi một lí tưởng về thích nghi không phải do anh ta tạo ra hay không? Nói cách khác, có thật là cá nhân không thể tự mình biết rõ về những giới hạn trong khả năng thích nghi và thực hiện của mình hay không?
• Và phải chăng nhà trị liệu không nên đánh giá cao hành động của ý chí của bệnh nhân trong việc nó phản kháng chống lại cuộc phân tâm cứ đi xa mãi, để rồi kết tội là nó trực tiếp chống lại việc điều trị?
Tuy nhiên, phải thấy rằng, nhờ sự phán kháng đấy mà ý chí của bệnh nhân được củng cố. Nó không phải theo nghĩa biểu tượng của hoàn cảnh trị liệu, mà thực tế đúng là như vậy, và ý chí đấy trở nên ngày càng rõ rệt trong giai đoạn cuối của trị liệu.
Về mặt di truyền, ý chí cũng là một sản phẩm của thực tại, là kết quả của quá trình thế giới bên ngoài áp lên cá nhân. Và vì lẽ đó, củng cố ý chí và biểu hiện ý chí là những tiêu chuẩn cốt yếu cho thái độ của bệnh nhân đối với thực tại, cũng như với sự phát triển và tự chủ của đời sống cảm xúc trong mối liên hệ với nội tâm mình. Bằng ý chí, một người có thể trở nên độc lập với thực tại và tha nhân. Trong lúc đó, đời sống xung năng lại hướng ra thế giới bên ngoài hòng được thỏa mãn; đồng thời cái siêu- tôi cho thấy sự phụ thuộc hoặc chi phối về mặt đạo đức trong mối quan hệ với người khác. Sự độc lập của bệnh nhân, thực ra chỉ có nghĩa là tự chịu trách nhiệm một cách hợp lí và cần thiết, và sự độc lập đấy được chuẩn bị cho bệnh nhân liên tục trong suốt quá trình điều trị, chứ không chỉ phát triển ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, phải có một giai đoạn kết thúc, chứ không phải kết thúc dần dần hay kết thúc đột ngột, và giai đoạn kết thúc này phải được sử dụng một cách tích cực và kiến tạo để đảm bảo kết quả trị liệu.
TÌM LỐI THOÁT TRONG XUNG ĐỘT, TÌM SỰ TỰ TẠI BÊN TRONG CHÍNH MÌNH
Có lần trong một cuộc tranh luận, tôi đã ngẫu hứng đưa ra định nghĩa về phương pháp dàn dựng hồi kết như là một “thời khắc cuối cùng” được kéo dài. Vào thời điểm đó, tôi muốn nói đến giờ trị liệu cuối cùng trong mỗi lần trị liệu, trong đó quá nhiều thứ chưa được giải quyết dường như sẽ tự hiển thị ra, nếu như nhà trị liệu không tiên liệu trước rằng vào thời điểm thích hợp, chắc chắn chúng sẽ bung ra.
Hiện tại, tôi nhận ra rằng, “thời khắc cuối cùng” này chứa đựng một ý nghĩa sâu xa hơn. Trong trường hợp một kết thúc không được chuẩn bị trước, bệnh nhân thực sự sẽ phản ứng, như thể “phán quyết cuối cùng” của anh ta đã đến. Trong một tình huống kết thúc được chuẩn bị trước, anh ta không chỉ sẽ học được cách bỏ đi dần dần từng phần, từng chút cái tôi cũ của mình – điều mà chúng ta đã công nhận như một nguyên lí sống căn bản. Anh ta còn dần học được cách sống, và khi đi rời khỏi tình huống trị liệu, cái anh ta mang theo sẽ là phần sống sót chứ không phải phần đã chết, là phần cái tôi lành mạnh, tích cực chứ không phải tiêu cực bệnh hoạn.
Để bệnh nhân đạt được những thay đổi căn bản trong thái độ này, nhà trị liệu phải xử lí hoàn cảnh trị liệu một cách năng động, phải coi bản thân tình huống đấy như một liều thuốc trị bệnh. Do đó, tôi tận dụng nhiều phương thức khác nhau trong giai đoạn kết thúc nhằm đáp ứng những động cơ bên trong – vốn hoạt động tự do và đôi khi quá dữ dội của bệnh nhân bằng một động lực tương thích với thực tại từ tình huống bên ngoài. Tùy vào loại người và tùy vào tình huống, bằng cách trì hoãn, loại bỏ, kéo dài hoặc rút ngắn thời gian điều trị thông thường, cũng như thông qua các điều chỉnh khác cho hoàn cảnh trị liệu thông thường, tôi mang đến một động lực bên ngoài hòng gia tăng thêm xung đột bên trong. Điều đấy có lẽ làm cho bệnh nhân khó chịu, nhưng anh ta vẫn coi đấy là nơi để anh ta trút bỏ gánh nặng của xung đột trong lòng mình, và anh ta tận dụng điều đấy để thích nghi với thực tại. Theo cách dàn dựng hồi kết này, trước hết một “sân khấu” được mở ra dành “đất diễn” cho các phản ứng ý chí tích cực lẫn tiêu cực. Ở đó, bệnh nhân có thể thi triển những phản ứng ý chí mà không gây ra tổn hại. Sự bộc lộ ý chí này là rất cần thiết, không chỉ để hạ nhiệt những xung đột đang tăng cao, mà còn để lại một con đường tự do cho sự phát triển cảm xúc – là điều vốn rất cần thiết để giúp cho bệnh nhân vượt qua được chấn thương khi chia lìa.
Thật ra, chứng loạn thần kinh chính là một kiểu phán xét cực đoan, một sự lên án bản thân và chỉ trích ý chí của chính mình. Chính tính phiến diện, cực đoan, chứ không hẳn là sự xung đột trong tư tưởng, mới là đặc điểm tiêu biểu của người loạn thần kinh. Có lẽ tính cực đoan này thể hiện một cách giải quyết xung đột bên trong theo kiểu khá bạo lực, đàn áp và độc đoán, bằng cách lên án một chiều kích, một khía cạnh nào đó của bản thân. Bằng cách đánh giá lại phương diện bị chỉ trích này, liệu pháp năng động – với sự giúp đỡ của hoàn cảnh trị liệu, sẽ phục hồi tình trạng xung đột bên trong và cho phép bệnh nhân cân bằng hai khuynh hướng xung đột trên hai bình diện sống khác nhau.
Hai bình diện này, nói theo tâm lí học, chính là (i) bình diện cảm xúc và (ii) bình diện ý chí mà chúng ta đã bàn luận trong các chương vừa qua. Trong khi cảm xúc đại diện cho một trải nghiệm thuần túy nội tâm ở bên trong, thì ý chí lại có một mối liên hệ khăng khít với thực tại.
• Trong giấc mơ, một không gian điển hình cho trải nghiệm ý chí nội tại, thì cảm xúc và ý chí được hợp nhất với nhau. Mặc dù trong quá trình trị liệu, đời sống trong mơ luôn ngày càng phát triển từ phạm vi cảm xúc sang phạm vi ý chí;
• Với thực tại mà nói, cảm xúc nghĩa là phụ thuộc, còn ý chí nghĩa là độc lập;
• Về mặt tâm lí, cảm xúc và ý chí dường như trái chiều nhau: cảm xúc là cái làm cho ta độc lập với người khác, và bất cứ lúc nào cảm xúc cũng đều có khuynh hướng này. Trong khi đấy, ý chí cần thực tại để hoàn thành chính nó, nếu không ý chí sẽ quay trở lại với cái tôi của chính nó, gây ra rối loạn thần kinh, và khi đấy, với chính bản thân nó, ý chí không thể sáng tạo được nữa.
Hoàn cảnh trị liệu mang đến cho bệnh nhân một bình diện, mà ở đấy anh ta có thể tạm thời tìm được khoảng cân bằng. Sở dĩ, hoàn cảnh trị liệu có thể làm được điều này là bởi: Thứ nhất, về phía bệnh nhân, anh ta cơ bản tín nhiệm nó, anh ta tìm đến và nghiễm nhiên sử dụng hoàn cảnh trị liệu cho mục đích đó. Thứ hai, nhà trị liệu không cản trở anh ta làm điều đấy trong tình huống đấy.
Ngoài ra, nếu tình huống kết thúc trị liệu được dẫn dắt và xử lí một cách kiến tạo, thì nó sẽ mang đến chức năng cân bằng này, bất chấp xung đột chia lìa và bất chấp việc giờ đây nó phải chứng kiến sự phân li hoàn toàn khác: sự phân li trong nội tâm bệnh nhân. Khi bản thân hoàn cảnh trị liệu trở thành một xung đột, cái tôi hỗ trợ trở thành một điều khó để tách rời, thì lúc ấy bệnh nhân phải phát huy toàn bộ ý chí của mình để dành được sự độc lập, trong khi ấy, cảm xúc của anh ta lại khiến anh ta phụ thuộc vào nó. Nhưng chính sự xung đột của tình huống tiến thoái lưỡng nan này lại có thể chỉ cho anh ta một lối thoát về tâm lí: Khi ý chí độc lập của anh ta cố gắng chiếm đóng lấy thực tại, thì cảm xúc dần khiến anh ta an lòng với sự tự tại bên trong mình – theo nguyên lí cân bằng cảm xúc và ý chí trong thực tại và trong tâm lí (với hai chiều trái ngược nhau) như đã nói ở trên.